(Tác giả: Tĩnh Như)
Tiếng chuông đồng hồ quả lắc điểm 12 giờ trưa đã vang lên từ lâu, cái nắng ngoài trời xuyên thủng mái nhà, phả vào gian bếp, cộng hưởng với ngọn lửa ga xanh đỏ phập phùng, khiến đầu óc Vân Lương chỉ muốn nứt toang.
Buổi trưa nào cũng vậy, một mình cô loay hoay với dàn hợp xướng, nào nồi niêu, xoong chảo, dầu mỡ, thịt thà, dao thớt … Thế nhưng chớ trêu, người nhạc trưởng giữ cây gậy chỉ huy quyền lực lại là người đàn bà ngoài năm mươi tuổi đang nằm dài ngoài phòng khách cùng cô con gái út, trước mặt bà là cây quạt điện công suất lớn, ấy là mẹ chồng cô- bà Tú Hảo.
Một thứ âm thanh sang sảng quen thuộc, xuyên thủng màng nhĩ, gây chấn động cả hai bán cầu não trái lẫn phải, từ nãy giờ vẫn thi thoảng vọng từ phòng khách xuống bếp:
– 12 giờ hơn rồi, nhanh cái tay lên, sờ lần mãi không xong. Vào tay đây chỉ phút mốt. Sắp bát đũa xong, thì lau bếp cho sạch sẽ tinh tươm, rửa hết đống nồi vừa nấu rồi cất xuống ngăn tủ, xong hẵng gọi mọi người vào ăn. Nấu đến đâu phải gọn gàng đến đấy.
– Xong hết rồi mẹ. Để con ra mời mọi người.
Vân Lương nhìn mâm cơm, rồi lặng lẽ trút một hơi thở dài. Trước kia thì cũng chẳng vấn đề gì, nhưng sau một thời gian tu học theo Phật Pháp, biết rõ quả báo của việc sát sinh, ăn mặn, cô không còn muốn chạm tay vào máu thịt chúng sinh nữa. Ấy nhưng phận làm dâu, phải lo cơm nước cho cả nhà, không làm thì đâu có yên thân được. Cô có thử kiến nghị với nhà chồng để cô ăn chay, nhưng mà ai cũng dè bỉu. Cấm thì không có cấm, nhưng mỗi người một câu, nói ra nói vào bữa nào cũng thế, khiến Vân Lương đều cảm thấy rất áp lực.
Thời chưa ngu ngốc hạ bút kí vào tờ giấy kết hôn, Vân Lương tốt nghiệp cử nhân ngành quản lý khách sạn trên Hà Nội, sau đó có thời gian ngắn du học ở Băng Cốc, Thái Lan lấy bằng thạc sỹ kinh tế. Khi về nước, không ít các bên tuyển cô vào làm. Đối với Vân Lương, thế giới trong mơ của cô phóng khoáng và tự do, bay bổng với tình yêu và sự nghiệp.
Kén cá chọn canh mãi, thế rồi cô cũng lấy chồng, chú rể là Dương, cao to đẹp trai, vừa bảnh bao vừa là con nhà khá giả. Vân Lương cùng chồng chuyển về miền biển nơi gia đình anh sinh sống, nuôi ước mơ mở một khách sạn lớn hướng ra mặt biển, cùng anh vun đắp tổ ấm. Ấy thế nhưng, sau hơn mười năm, vẫn chẳng có cái khách sạn nào, và hình như chỉ có mình Dương vô tư hạnh phúc như một đứa trẻ, chứ cô thì không.
Bà Tú Hảo không muốn con dâu phát triển sự nghiệp bên ngoài, bắt cô phải từ bỏ mọi ước mơ cá nhân bằng cách cho mượn mặt bằng mở quán tạp hóa ngay tại nhà, vừa kiếm tiền, vừa chăm sóc gia đình và trông nhà trông cửa, coi như ghìm chân cô một chỗ. Tiền vốn đương nhiên cô tự bỏ ra. Khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực đôi khi xa như khoảng cách từ Trái Đất lên tới sao Hỏa.
Bà Tú Hảo có mối quan hệ tốt với chủ các nhà hàng ven biển, nên lập hộ kinh doanh chuyên chế biến và cung cấp hải sản tươi sống cho họ, nhờ đó phất lên như con diều gặp gió. Đang đà phát triển, bà mở thêm cái lò mổ lợn. Rồi để cho hai thằng con trai là Dương và Hải ra mặt quản lý công việc, còn bà lùi về phía sau, đương nhiên để chỉ đạo từ xa, chứ không phải lui về hẳn. Từ ngày làm ăn khá khẩm, có tiền của, mặt bà lúc nào cũng vênh lên cao vài độ so với trước. Ngoài ra, bà chuyên tâm lo cho hình ảnh hào nhoáng của gia đình, và đặc biệt là của bản thân luôn luôn bền vững trong mắt thế nhân.
Trưa nay, ngoài những món cá kho, thịt kho cho cả nhà, Vân Lương xào một đĩa nấm đông cô cho mình, ngoài ra còn một đĩa bắp cải luộc.
Nhìn qua mâm cơm thấy đĩa nấm xào, chắc chắn để ăn chay. Dương nghĩ vậy, liền với lấy cái thìa, múc một lớp mỡ trên đĩa thịt kho, rưới lên đĩa nấm, rồi rưới cả lên đĩa rau luộc, rôm rả nói:
– Ây da, rưới cái phần mỡ lợn này lên ăn mới thơm.
Vân Lương thấy vậy, liền thốt lên:
– Ô hay cái anh này!
Cô biết chồng mình cố tình ngăn cản cô ăn chay, trong lòng bực dọc hết chỗ nói. Bình thường anh ta chỉ biết vập mồm vào mâm mà ăn, chứ để ý gì đến chế biến như thế nào. Bà Tú Hảo thấy vậy có phần hả hê. Bữa đó, Vân Lương vẫn ăn nấm, không ăn thì tí nữa không có sức còn làm đủ thứ việc.
– À phải rồi, con Lương đóng cửa tiệm tạp hóa đi, ra mà phụ làm hải sản, tạm thay chỗ mợ Liên. Khi nào có người thay thế thì về bán tiếp.
Tai Vân Lương ù đi, mệnh lệnh của bà Tú Hảo như sét đánh ngang tai, không phải vì cô ngại việc, đằng nào không làm việc này thì cũng phải làm việc khác, đâu có lúc nào ngồi chơi. Thậm chí đi ra ngoài còn được chuyện trò giao tiếp với mọi người chả phấn khởi tinh thần hơn sao. Ấy nhưng đó là việc mổ cá, cắt đầu tôm… là sát sinh hàng loạt. Không hiểu mẹ muốn cô ra phụ hay cố tình gây khó dễ?
Thấy Vân Lương ngập ngừng, Bà Tú Hảo nhả ra từng chữ chậm rãi:
– Con à. Chồng con vất vả quán xuyến công việc làm ăn, con là vợ, khi khó khăn cũng phải xăm xắn vào hỗ trợ. Vợ chồng có cùng đồng hành mới thấu cảm được nhau.
– Anh thấy phải đấy, tạm thời thôi, khi nào có người em lại về bán quán. Chứ mợ Liên nghỉ đột ngột thế này, anh cũng mệt.
Vân Lương lừ mắt nhìn chồng, trong lòng ngao ngán người trụ cột rởm. Cô biết thừa. Trong công việc, người điều khiển hoạt động đằng sau là bà Tú Hảo, người làm là đám nhân công bà thuê về. Dương có lẽ chỉ đóng vai trò giúp bộ máy hoạt động thêm cồng kềnh và có vẻ quy mô, tiện đem dáng vẻ cao to khôi ngô đi làm màu với các chủ nhà hàng. Dương gặp đối tác thường nói vài ba câu bâng quơ không ảnh hưởng đại cục, tạo cho không khí buổi gặp gỡ thêm sáng sủa, còn khi vào việc chính vẫn là bà Tú Hảo quyết định.
Nếu là ngày trước, cô sẽ đồng ý ngay, phần vì cô bị mẹ chồng át vía, phần vì cô cũng muốn ra ngoài làm cho khuây khỏa. Nhưng giờ khác rồi, cô đã theo Phật, không muốn làm gì phạm phải nghiệp ác.
– Con không đồng ý. – Vân Lương trả lời ngắn gọn, rõ ràng, dứt khoát từng chữ. Chính cô cũng giật mình vì cái dũng khí mình vừa thốt ra.
Hả? … Bầu không khí đột nhiên nặng trĩu, Dương tròn xoe hai con ngươi. Bà Tú Hảo mặt mày sầm lại. Bà có nghe nhầm không? Lời bà từ trước tới nay với con dâu luôn là mệnh lệnh, chứ hỏi ý kiến nó đâu mà nó trả lời không đồng ý. Tôn ti trật tự đảo lộn hết rồi sao?
Bà Tú Hảo chuẩn bị sổ ra một tràng âm thanh, có lẽ có thể làm vỡ nát tấm kính chắn cửa phòng bếp. Hơi vừa lên lưng chừng họng, bỗng bị nén lại trở vào, khi bà thấy vợ chồng cậu Hai với mợ Liên đột ngột xuất hiện ở cửa. Vì không muốn cậu thấy gia đình to tiếng, chứ nếu không thì bà không để yên cho Vân Lương.
– Cậu mợ sang à, vào ngồi ăn luôn đi, Lương lấy bát đũa cho cậu mợ. Đấy, tự nhiên mợ Liên xin nghỉ, nên giờ thiếu người, định bảo con Lương ra làm tạm để hỗ trợ, nhưng mà nó lại không quen công việc này, lóng nga lóng ngóng, sao bằng mợ Liên được.
Rồi bà Tú Hảo chuyển hướng, giọng êm dịu hẳn xuống:
– Đúng là Lương ra làm cá làm mực ngoài bãi cũng không hợp lắm. Chính ra con thay em Hải quản lý lò mổ lợn, để em Hải ra thay mợ Liên thì hợp lý hơn. Ngoài lò mổ con làm sổ sách và điều động nhân công. Như thế ổn đấy… Lương nhỉ?
– Chị sắp xếp thế ổn quá. Lương chân yếu tay mềm, làm hải sản hơi cực. Còn mợ Liên tay đồng tay đá rồi nói làm gì. Chị đúng là mẹ chồng tâm lý, sướng nhất cháu đấy Lương ạ. Mẹ chồng yêu con dâu thế.
– Nhà có mấy mống đâu mà chả yêu. Con dâu cũng như con đẻ chứ khác gì cậu ?
Dương nghe cậu nói thế, lại càng tâm đắc, thấy vợ mình quả là quá may mắn khi làm dâu con ở đây. Vân Lương vốn không muốn liên quan đến lò mổ lợn, dù sao vẫn gián tiếp hại vật. Nhưng cô vừa phản ứng rồi, nếu giờ lại từ chối ngay trước mặt cậu, thì có lẽ hôm nay trong nhà này, khi cửa khép lại, cơn bão cuồng nộ của bà Tú Hảo sẽ nổi lên, gia đình lại chao đảo, mệt mỏi lắm. Dù cô cũng muốn một phen phá tan đế chế quyền lực mà bà Tú Hảo áp lên đầu cô bao năm nay, nhưng lại chưa đủ dũng khí. Vân Lương sau đó im lặng không nói gì.
Ngay buổi chiều, bà Tú Hảo sai cô đóng cửa quán, lấy xe máy chở cô lên lò mổ giao việc.
…
Trong phòng khách, Dương đang ngồi trước quạt, ngón tay lướt qua lướt lại màn hình điện thoại, thi thoảng gọi điện cho nhân công cập nhật tình hình ngoài bãi. Bà Tú Hảo khoái chí:
– Đấy, cho nó ra lò mổ mà làm. Ở đó ngày hai bữa, không tự sắp đồ ăn được, lấy đâu thức ăn chay mà ăn, không gắp thịt cá thì chỉ có đói trắng răng. Sướng không biết đường mà sướng.
– Hóa ra mẹ bảo Lương ra đó làm vì thế à?
– Mẹ vất vả quán xuyến gia đình này tất cả vì ai? Chỉ vì hạnh phúc của các con thôi.
– Mẹ tuyệt nhất!
Bà Tú Hảo cười sướng, nâng tông:
– Không có tao thì chúng mày ăn cám.
Quả đúng như bà Tú Hảo sắp xếp, cơm canh hai bữa ngoài lò mổ chỉ toàn thịt, rau thì ít mà người ăn lại đông, mỗi người nhanh tay cũng chỉ được vài ba lần gắp. Vân Lương buộc phải gắp thịt bỏ vào mồm, mỗi miếng đều gượng ép, bứt rứt. Và thế là mong muốn ăn chay của cô phá sản. Có mỗi việc ăn theo ý muốn của mình thôi cũng chẳng được, vậy mà hồi đó cô cứ mơ mộng kết hôn, xây tổ ấm này nọ. Để làm gì ? Để được cái gì ? Lương vừa ăn, vừa miên man những câu hỏi không có câu trả lời.
…
Ba tháng hè là đỉnh điểm mùa du lịch, khách từ xa tới nườm nượp từng đoàn. Nhìn từ trên cao xuống, người tắm biển nhung nhúc che lấp cả bãi cát, chỉ thấy những chiếc mũ rộng vành đủ màu sắc chen chúc nhau và những chiếc phao tắm đen tuyền to như lốp xe khổng lồ lẫn lộn trong đám đông, đang ào xuống nước. Đoàn người du lịch góp phần làm số dư tài khoản của các chủ nhà hàng tăng phi mã. Vào thứ 7 và chủ nhật, nhà bà Tú Hảo tay năm tay mười cũng không kịp giao hải sản cho đối tác đúng giờ.
Bà Tú Hảo nhanh trí, nhấc máy gọi điện sai đám nhân công mổ lợn ra phụ làm hải sản, chỉ để lại vài người ở lò. Tiện thể bà sắp xếp, bảo mấy đứa nhân công còn lại cứ gọi chị Lương vào hỗ trợ, không thọc được lợn thì làm khâu sẻ thịt và rửa sạch là được. Mục tiêu chính của bà là để Vân Lương phải trực tiếp nhúng tay vào việc sát sinh, làm cho nó áy náy trong tâm, không còn thanh thản mà niệm Phật nữa. Bà muốn chặn hết mọi cơ hội để cô có thể tu tập.
Bà thông báo luôn:
– Đợt này nhiều việc, con Lương nhớ vào phụ mổ lợn với anh em công nhân.
– Ơ … con…
– Không “ơ iếc” gì hết. Làm đi rồi khắc quen.
Dương vừa thong thả ngắm mấy bông hoa nở ngoài sân, lững thững bước vào, chen ngang:
– Em giỏi mà, anh thấy trước tới nay mẹ dạy gì em đều học được hết. Cố lên em! Anh còn ở ngoài bãi lo hải sản cho nhà hàng.
Vân Lương mặt mũi tối sầm, rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Cô đi lên trên gác, lui vào nhà vệ sinh đóng chặt cửa lại, khóc rưng rức như đứa trẻ vừa bị bắt nạt.
Bà Tú Hảo quan sát biết tâm tình của Vân Lương, tự độc thoại:
– Không phải muốn làm gì thì làm. Kể cả là ăn chay niệm Phật cũng đừng nằm mơ.
…
Chiều hôm đó, xem xét công việc ở bãi Giữa xong, Dương cùng mẹ lui qua lò mổ kiểm tra tiến độ. Vừa bước vào, đúng lúc lò mổ đang ồn ào nhất, chen lẫn đủ thứ âm thanh, nào tiếng kêu eng éc của đám lợn khiếp sợ vì biết mạng mình đã tới lúc chấm hết, nào tiếng hô lớn của mấy đồ tể gọi nhau, và còn có tiếng Vân Lương đang loay hoay ở đó.
Không muốn tham gia mổ lợn, Vân Lương chỉ hỗ trợ xẻ thịt và rửa sạch các tảng thịt vừa được lọc ra. Đột nhiên, một cậu đồ tể đau bụng dữ dội, bỏ đấy chạy gấp vào nhà vệ sinh, cậu còn lại thấy Dương thập thò ngoài cửa liền gọi với vào hỗ trợ. Dương loay hoay cầm hai chân trước con lợn theo hướng dẫn, trông to cao khỏe mạnh là thế, nhưng với việc này lại vụng về, vừa giữ vừa thấy ghê ghê. Dương liền gọi vợ:
– Lương ơi mau vào đây hỗ trợ anh giữ hai chân sau của nó, không nó vùng lên anh giữ không nổi.
Vân Lương thấy hai thanh niên đang vật vã, không nỡ ngồi đó nhìn, bất đắc dĩ đành phải nhúng tay vào, nhưng trong lòng kinh hãi. Cô vừa giữ chân chúng, vừa ngoái mặt đi không dám nhìn thẳng vào lưỡi dao của người đồ tể. Trong đầu không ngừng niệm Phật ráo riết, muốn con lợn này được Phật A Di Đà tới tiếp dẫn về Cực Lạc.
Vài phút sau, con lợn chết thảm trên bàn mổ. Mọi người tạm nghỉ ngơi, ra hè làm chén nước. Dương nói:
– Sau nếu thiếu người, em cứ vào giữ chân lợn cho mấy cậu nhé.
– Em sợ lắm, không làm được đâu.
– Em chả vừa làm được đó thôi.
– Haizz… – Vân Lương thở dài.
Bà Tú Hảo và Dương ra ngoài hè, kệ Vân Lương tiếp tục công việc. Bà cười nhếch lên:
– Con thấy chưa, con Lương không dám chống đối đâu. Con cương quyết lên thì nó cũng phải mềm xuống. Có mà ăn chay niệm Phật được à?
– Thế là kế hoạch của hai mẹ con thành công rồi. Mấy nay không thấy cô ấy niệm Phật nữa. Phải buộc cô ấy sát sinh, mới mong cô ấy thoái chí, chán nản mà từ bỏ hẳn ý nghĩ tu đi.
Chợt một âm thanh từ phía trong truyền tới:
– Còn có cả kế hoạch như vậy sao anh?
Vân Lương đau lòng đứt ruột đứt gan. Hóa ra cô đã tình cờ nghe thấy cả. Bà Tú Hảo thoáng nét giật mình, rồi nhanh chóng lấy lại uy phong:
– Sướng không biết đường sướng. Để gia đình phải lo lắng, lao tâm khổ tứ vì con như vậy đấy. Lấy chồng thì phải theo chồng, hạnh phúc của chồng là hạnh phúc của mình, con hiểu chưa? Còn không thì đi ra khỏi cái nhà này, nhà này không chứa.
– Kìa mẹ, sao mẹ lại nói thế. – Dương thấy mẹ nặng lời quá, cũng ngại vợ, nhưng anh chỉ biết bất lực đứng đó.
Nói xong, bà Tú Hảo quay ngoắt đi, không quên gọi Dương:
– Không về đi còn đứng đó làm gì ?
Dương gãi đầu gãi cổ, nhìn Vân Lương rồi vội vàng lên xe chở mẹ về nhà.
…
Vân Lương bỏ hết đống sổ sách, chạy thẳng một mạch về phía bờ biển. Gió biển chiều nay lồng lộng, từng cơn sóng vươn cao gần bằng mái nhà, đánh mạnh vào bờ, nước biển tung tóe lên cả mặt đường, xe cộ đi lại qua đoạn đó không tránh kịp là ướt sũng. Tâm tư Vân Lương dao động mãnh liệt, có một chút giận dữ, một chút tự trọng, một chút ý chí …gộp vào thành một cơn địa chấn trong lòng, đang tích tụ lại, kích thích cô muốn vùng lên như những con sóng lớn kia.
Vân Lương trở về nhà, thấy bà Tú Hảo đang đường bệ ngồi trên sô pha giữa phòng khách, chồng cô đang chơi với hai con, Hải và cô Út thì ngồi xem tivi. Cô hít một hơi thật sâu, bước vào trong nhà, dõng dạc nói:
– Thưa mẹ và cả nhà, con có chuyện muốn thưa.
“Cái gì nữa đây?”. Bà Tú Hảo trầm giọng:
– Nói đi.
Dương cảm nhận có gì đó không bình thường sắp xảy ra, lắp ba lắp bắp:
– Hả…em …định nói gì đấy ?
Tâm tình Vân Lương phức tạp, đủ loại cảm xúc xung đột với nhau. Cô ghìm lại, lấy hết dũng khí chuẩn bị nói ra những điều cô vừa quyết định khi còn đứng ngoài bãi biển.
– Thưa mẹ và cả nhà, con biết mọi người phản đối việc con ăn chay, niệm Phật. Nhưng con nghĩ việc này rất tốt, cũng không gây ảnh hưởng đến ai. Con biết cả nhà vì lo lắng cho con nên mới như vậy. Nhưng con là người lựa chọn, xấu tốt con cũng là người nhận lấy. Cả nhà không phải lo lắng cho con đâu. Con đã quyết định rồi.
– Tôi không chấp nhận. Nếu cô khăng khăng như vậy thì cô đi ra khỏi đây, ngay và luôn. Nhà này không có ngữ con dâu như thế.
Vân Lương hít thở sâu, cô đoán trước được tình hình và cũng đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng.
– Nếu mẹ đã đuổi, con không còn cách nào khác.
Vân Lương nhanh chóng lên lầu thu dọn đồ đạc của cô và hai đứa con trai. Mặt Dương nghệt ra, xanh lét như tàu lá chuối, không hiểu thứ quái quỷ gì đang xảy ra. Trong gia đình này, cái giọng điệu vợ anh vừa nói trước giờ chỉ có mẹ anh dám sử dụng. Bà Tú Hảo cũng hơi bất ngờ. Bà chỉ định dọa cho con dâu biết sợ, phải nhún nhường, ai ngờ đâu nó bất cần như thế. Mà thứ bà kị nhất là để thiên hạ thấy con cái bỏ chồng bỏ vợ, thật không ra thể thống gì.
Cô Út đang khục khặc với chồng, lui về nhà mẹ đẻ ở tạm một thời gian, đã khiến bà phải giấu diếm người ngoài, nói tránh là chồng nó đi công tác, không có ai đỡ đần con nhỏ, nên phải về tạm bên đây. Giờ thằng Dương lại bỏ vợ nữa thì bà cảm tưởng như cái thanh danh hão nhà bà sắp nổ tung như bong bóng.
Bà Tú Hảo phừng phừng mặt, hai tròng trắng trợn lên, mấy nếp nhăn trên trán cau lại,… Xem ra con dâu bà không còn nằm trong bàn tay kiểm soát của bà nữa. “Lại có thể dễ dàng thoát ra như vậy sao ?” – bà Hảo nghiến răng lẩm bẩm. Đợi Vân Lương xách đồ xuống, bà chậm rãi buông từng từ
_còn tiếp_
Xem tiếp phần 2: