ÁN MẠNG THẢM KHỐC, VÌ ĐÂU ?

0
1984

Trong phiên tòa xét xử vụ án một thiếu niên mười mấy tuổi đã đâm chết cha mình, khi ông chánh án vừa dứt lời tuyên án xong, một người đàn bà đầu tóc rũ rượi mặt mũi xanh xao tiều tụy từ hàng ghế thứ nhất bước nhanh lên vành móng ngựa, đứng sát vào bên can phạm nói lớn, tiếng nói ướt đẫm nước mắt: “Không, không phải nó! Thưa qúy tòa không phải nó, chính tôi mới là thủ phạm! Vâng, chính tôi mới là thủ phạm giết cha nó!”.

Cả tòa từ người xử án tới người tham dự đều ồ lên kinh ngạc. Người ta đổ dồn mắt vào người đàn bà vừa nói và xì xào bàn tán. Trước sự ồn ào, ông chánh án phải nện mạnh chiếc búa gỗ xuống mặt bàn:
– Tất cả im lặng trật tự!
Và quay về phía người đàn bà, lúc ấy đang cầm chiếc khăn lau nước mắt, ông chánh án dằn giọng nói tiếp:
– Chị kia! Đây là chốn pháp đình nghiêm minh, không phải muốn nói gì làm gì cũng được! Chị có biết hậu quả những lời chị vừa nói không?

Người đàn bà vuốt sơ lại mái tóc, mắt nhìn thẳng lên ông chánh án:
-Vâng thưa ông chánh án, tôi biết và tôi chịu trách nhiệm về những lời nói này, vì chính tôi mới là người giết chồng tôi chứ không phải con trai tôi như tòa vừa kết án. Vâng thưa quý tòa, tôi xin được phép kể lại đầu đuôi câu chuyện như thế này…

…Vợ chồng tôi sống chung với nhau vào cái năm cả nước bị đói khổ nhất. Tôi hai mươi tuổi, chồng tôi hơn tôi hai tuổi. Ngày ngày, anh ra ngã tư đường hành nghề sửa vá lốp xe đạp, còn tôi làm những công việc lặt vặt trong làng, ai thuê gì làm đó. Cả hai tuy vất vả nhưng cũng kiểm đủ ngày hai bữa ăn. Nhưng rồi cuộc sống ngày một khó khăn, chồng tôi bị thiên hạ cạnh tranh ráo riết. Vì sửa vá lốp xe đạp dễ dàng lại ít vốn nên đám trai tráng trong làng thất nghiệp thi nhau làm công việc này.
Mật ít ruồi nhiều, do đó chồng tôi có ngày ngồi từ sáng tới tối không kiếm được một đồng. Anh chán nản mệt mỏi về nhà và sinh cáu gắt rất khó chịu. Ngày nào vợ chồng cũng có chuyện to tiếng cãi cọ. Nhất là những ngày mưa gió không có việc làm, hai vợ chồng không một đồng dính túi nên sau khi cự cãi, nói năng chửi thề tục tĩu sinh ẩu đả.
Chồng tôi chẳng chút nương tay trong việc hành hạ đánh đập tôi. Nhiều lần quá đau khổ sinh chán đời tôi muốn tự tử. Cuộc sống gia đình chúng tôi hoàn toàn không có hạnh phúc. Vừa khi đó một người đàn ông từ xa tình cờ tới và anh đã dễ dàng bước vào cuộc đời tôi. Thảm kịch bắt đầu xảy ra từ đây.

Anh làm nghề mổ heo lậu cho thiên hạ. Hàng ngày, anh di chuyển từ xóm này tới làng kia. Ngoài tiền công anh còn được gia chủ cho thêm một phần bộ lòng heo, chút huyết đánh tiết canh và khoảng ký thịt.

Hôm hàng xóm tôi có việc cưới xin thuê anh mổ heo, tôi được gọi sang làm công việc phụ bếp nước. Chúng tôi quen nhau từ đấy. Và thế là mỗi lần giết heo, anh mang những thứ được cho về nhà tôi để tôi nấu nướng rồi cùng chồng tôi nhậu nhẹt.
Có những đêm hai người uống say nằm lăn ra đất ngủ như chết. Sự thân mật lâu dần khiến anh trở thành như người trong nhà. Một thời gian sau cuộc tình vụng trộm của tôi và anh diễn ra.
Trong lúc chồng tôi ra ngã tư đường làm công việc hàng ngày thì ở nhà tôi cùng người tình mặc sức hú hí. Do sự mách lẻo của những người hàng xóm lắm chuyện, việc vụng trộm của chúng tôi đến tai chồng tôi.

Chồng tôi đợi khi uống rượu ngà say mới lên tiếng ( hạch tội) người bạn là ( quân xấu chơi, quân đểu giả). Hai bên lời qua tiếng lại rồi tiến tới mắng nhiếc chửi bới nhau. Lời nói trong lúc nóng nẩy không giải quyết được gì chỉ tạo thêm sự tức giận.
Sau khi bị chồng tôi mắng là đồ con heo đốn mạt, người tình của tôi cũng chửi lại với những lời lẽ thô tục. Và anh dọa:
– Nếu mày không câm mồm cố tình bêu riếu tao, tao sẽ giết chết mày!
Chồng tôi đứng lên sừng sộ:
– Tao thách mày đấy, quân chó má!
– Tao sẽ cắt cổ mày như cắt cổ con heo!

Cuộc khẩu chiến kéo dài, tôi chỉ còn biết ngồi trong góc nhà ôm mặt khóc. Thật xấu hổ, thật nhục nhã cho tôi. Tôi muốn chết cho rồi! Bỗng tôi thấy chồng tôi và người tình như hai con cọp dữ xông vào nhau vật lộn trên sàn đất. Tiếng người tình rít lên: “Mày phải chết! Tao sẽ đâm sâu mũi dao này vào cổ họng mày. Mày sẽ chết không kịp ngáp”.

Hai người giằng giật con dao nhọn mổ heo. Kết cục, chồng tôi bị gục ngã trước mũi dao nhọn của người tình. Ảnh đã có quá nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng con dao giết chóc này.
Trước khi chết chồng tôi còn rít lên ai oán như một lời nguyền rủa:
– Mày sẽ phải chết như mày đã giết tao! Thằng đồ tể khốn kiếp!

Sau khi lén lút chôn cất chồng tôi phía sau nhà xong, hai chúng tôi vội vã khăn gói bỏ nhà ra đi trong đêm tối. Chúng tôi rời miền Bắc đến một vùng xa xôi hẻo lánh trong miền Nam, thay tên đổi họ làm lại cuộc đời. Chồng mới của tôi tiếp tục làm nghề giết heo mướn, còn tôi thì vẫn làm thuê những công việc lặt vặt.

Hai năm sau, chúng tôi sinh được một thằng con trai. Càng lớn mặt mũi nó trông càng dữ dằn, chẳng giống tôi cũng chẳng giống bố nó. Đôi lúc bất chợt tôi thấy mặt nó giông giống mặt con heo. Nhất là đôi mắt ti hí trắng nhợt của nó.
Không sao, vì dù mặt mũi nó có thế nào chăng nữa vẫn là con tôi, vẫn là đứa con tôi đứt ruột đẻ ra. Nhưng có một điều khiến vợ chồng tôi buồn và khổ tâm hết sức là hơn hai tuổi mà nó vẫn chưa biết đi, suốt ngày cứ bò lê bò lết bằng hai tay hai chân như con heo vậy!
Và tệ hại hơn nữa là nó như thằng câm, chúng tôi chịu khó dạy bảo mãi nó vẫn chẳng nói được một tiếng nào. Tôi đưa nó tới trường xin học nhưng bị từ chối. Đã mấy lần chồng tôi tỏ ý định cho nó vào nhà trẻ mồ côi, nhưng tôi phản đối. Tôi đi xem bói. Thầy bói bảo con tôi bị oan hồn ám, phải năng cúng kiếng và làm việc thiện. Vợ chồng tôi đã làm theo lời thầy bói nhưng mọi sự vẫn không có gì thay đổi.

Bất ngờ năm lên năm tuổi, thằng nhỏ tự đứng lên và sau đó đi lại như người bình thường làm vợ chồng tôi giật mình thảng thốt nhưng rất vui mừng sung sướng.
Thường ngày, sau khi cơm nước buổi tối xong, chồng tôi thường hay chơi đùa với con làm ngựa để thằng nhỏ cưỡi lên lưng phi long nhong khắp nhà. Thằng nhỏ lúc nào cũng đắc ý thích chí cười nắc nẻ. Nó ngồi trên lưng bố, hai chân thúc vào hai mạng sườn, hai tay cầm hai vành tai bố giật giật như người ta cầm giây cương. Nhưng hôm nay, đang cưỡi ngựa và cười đùa khoái chí nó bỗng ngưng bặt và tự đứng hẳn lên, tất nhiên lúc đầu có hơi chệnh choạng gượng gạo khó khăn một chút. Tạ ơn Trời, Phật, lạy Chúa lòng lành đã khoan dung độ lượng giũ lòng thương ban phép lành cho con trai tôi.

Tuy vậy, mặc dầu chúng tôi mừng con đã đi đứng được nhưng vẫn lo lắng canh cánh bên lòng về việc nó không nói được. Chẳng lẽ hồn ma chồng tôi vẫn ám vào thằng nhỏ như lời lão thầy bói nói?
Thời gian trôi qua đã lâu nhưng cái đêm khủng khiếp chồng cũ tôi bị giết vẫn ám ảnh chúng tôi mãi, mặc dầu chúng tôi cố xua đuổi, quên lãng. Nghe lời thiên hạ, vợ chồng tôi lập trai đàn giải oan, mời sư sãi về nhà cúng kiếng, tụng kinh mấy ngày đêm liền.

Từ đó thằng con trai tôi lớn như thổi và đi đứng bình thường nhưng vẫn không nói được, mặc dầu nó nghe và hiểu lời người khác. Có thể nói trong những ngày tháng này tuy vất vả cuộc mưu sinh nhưng gia đình tôi rất hạnh phúc. Sau vụ lập trai đàn cúng tế giải oan, chúng tôi cảm thấy như xóa sạch quá khứ yên tâm lo cho cuộc sống tương lai.

Chồng tôi rất thương yêu vợ con. Có lẽ anh hối hận về việc năm xưa trong lúc nóng giận đã quá tay gây ra án mạng nên bây giờ dồn tất cả thương yêu cho vợ con, nhất là cho thằng con trai độc nhất của chúng tôi. Tuy thằng nhỏ vóc dáng kềnh càng có vẻ lớn hơn so với cái tuổi mười hai, mười ba nhưng bố nó vẫn xử sự, chơi đùa với nó như lúc còn nhỏ.

Nghĩa là vẫn bò dài trên sàn nhà làm ngựa cho nó cưỡi trên lưng và khi nghe con la hét những tiếng ú ớ vô nghĩa, vợ chồng tôi lại cười ầm lên vui vẻ, coi như một sự bông phèng lý thú. Nhưng rồi một sự không bông phèng lý thú đã xẩy ra.
Trong một lần, thay vì đùa rỡn cưỡi ngựa như thường lệ, con trai tôi đã cầm con dao nhọn, (mà bố nó thường dùng để giết heo) và hét lên tiếng hét rùng rợn: “Mày sẽ phải chết như mày đã giết tao! Thằng đồ tể khốn kiếp!”. Rồi bất thần nó đâm mạnh dao vào cổ bố nó.
Mười mấy năm trời câm lặng – từ khi sinh ra đời – đây là lần đầu tiên con trai tôi cất tiếng nói, ai ngờ lại là lời nguyền rủa kết tội cha nó, sau khi cầm dao thọc vào cổ cha nó! Máu đỏ tươi từ nơi cổ chồng tôi vọt ra tung tóe trên sàn nhà. Anh tắt thở mà đôi mắt vẫn mở trừng trừng nhìn thằng con. Hình như anh muốn nói điều gì… Trong khi thằng con tôi cất tiếng cười sặc sụa, tôi nghe rợn người như tiếng cười của người chồng cũ của tôi.”

***********************

Trên chiếc xe hơi chở năm người đi ăn bữa trưa hôm đó có ông bác sĩ tâm lý, vợ chồng ông bà cựu nhà giáo, ông nhà báo già và bà bạn. Bà cựu nhà giáo là người kể lại câu chuyện này. Bà mới về Việt Nam thăm ông già bị bệnh nặng. Nghe xong câu chuyện ông nhà báo già hỏi:
– Chính chị chứng kiến phiên tòa này hay nghe kể lại?
– Tôi đọc báo tường thuật, bà cựu nhà giáo đáp: “Tôi tin đây là chuyện thật. Vì những lời nói của bà mẹ đã làm ông tòa và bồi thẩm đoàn bất ngờ và lúng túng”. Tòa cho bà ấy nói lại. Bà ấy đã khóc nức nở nói: “Thưa quý tòa, chính tôi là nguyên nhân đưa đến cái chết của người chồng trước và lần này cũng do quả báo đưa đến cái chết của người chồng sau. Con trai tôi cũng chỉ là nạn nhân như cha nó. Tôi, chính tôi mới là nguyên nhân và thủ phạm giết chết cha nó. Xin tòa hãy trị tội tôi, tôi sẵn sàng nhận lãnh tất cả hình phạt. Chỉ xin tòa rộng xét cho con tôi. Nó hoàn toàn vô tội, vì nó thật sự vô tội. Nó cầm dao giết cha mình mà nó không hề biết”.

Ông cựu nhà giáo ngưng chút nói tiếp: “Tôi xin kể hầu quý bạn câu chuyện lúc nhỏ bà mẹ tôi kể cho nghe. Chuyện như thế này: “Cuối xóm tôi có một gia đình nghèo lắm, hàng ngày hai vợ chồng phải đi bắt những con nhái bén để bán cho những người câu cá lóc. Mỗi khi bắt được một con nhái bén họ bẻ hai chân sau của nó trước khi bỏ vào giỏ vì sợ nó nhẩy đi mất. Năm sau bà vợ đẻ sinh đôi hai thằng con trai, mặt mũi đứa nào cũng sáng sủa đẹp đẽ chỉ mỗi tội hai cái chân của chúng ốm tong teo què quặt (như bị bẻ từ trong bụng mẹ) không đi đứng nổi, cứ thế bò lê bò lết tới lớn. Như vậy không biết có phải tại những con nhái bén bị bẻ chân báo oán không?”.

( THANH THƯƠNG HOÀNG )

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận