” CĂN CƠ ” LÀ GÌ ?

1
4938

Tàng Sơn :
– Anh Quang Tử ơi cho em hỏi thế nào là căn cơ. Dựa vào những điều gì để biết một người có căn cơ thấp hay căn cơ cao ạ ? Có những tiêu chí gì để nhận biết người đó có căn cơ không ạ ?

https://youtu.be/PgRSbJMy2a8?t=18s

Quang Tử:
– Căn cơ chính là khả năng và xu hướng tu hành được hình thành từ những nguyện và công đức tích lũy nhiều kiếp đến nay. Phật Pháp rất rộng lớn và vô cùng cao siêu, không có bất cứ ai có thể thành tựu được gì chỉ trong một kiếp.
Tất cả những khả năng tu hành dù là niệm Phật hay thiền định, hay tụng kinh, trì chú, những quả vị, thần thông, trí tuệ, đạo hạnh, định lực.v.v… đều phải trải qua nhiều kiếp tu tập, huân đúc, tích lũy công đức mới thành tựu được.
Sau mỗi khi đầu thai chuyển kiếp, mặc dù ta không còn nhớ gì về những kiếp trước, nhưng những xu hướng tu hành, những công đức của quá khứ đã tạo được không hề bị mất, mà tích lũy lại giúp cho ta có khả năng nhanh chóng tiếp thu và thành tựu được những pháp môn mà ta đã tu qua nhiều kiếp, khả năng này gọi là căn cơ.
Ví dụ trong thời Đức Phật, có nhiều người cùng Nghe Phật giảng trong một buổi thuyết pháp như nhau, nhưng người chứng quả A La Hán, người thì nhập ngôi Bất Thối Chuyển Bồ Tát, người lại chẳng chứng gì cả.
Đó là vì nguyện và công đức quá khứ của mỗi người khác nhau. Người chứng quả A La Hán do kiếp trước từng cúng dường một đức Phật, nguyện mong thoát khỏi luân hồi sinh tử. Người được Bất Thối Chuyển Bồ Tát là vì quá khứ từng cúng dường vô lượng Đức Phật, nguyện cứu khổ tất cả chúng sinh. Còn những người không chứng gì do công đức quá khứ chưa đủ và nhiều lý do khác.
Phân tích kỹ ở đây có hai vấn đề, một là Nguyện, hai là công đức. Khi lần đầu phát nguyện ở kiếp nào đó, ta mong muốn thành tựu được gì, thì kết quả sẽ dừng ở đó.
Nếu chỉ phát nguyện chứ chưa làm công đức gì, thì lời nguyện vẫn sẽ dẫn dắt ta tạo ra nhiều công đức ở những kiếp sau, cho đến khi đủ để thành tựu những gì ta đã nguyện.
Nếu đồng thời vừa nguyện vừa tạo công đức, thì những công đức đó sẽ đi theo chỉ dẫn của Nguyện, tăng tiến dần cho đến khi thành tựu.
Ví như một người phát nguyện sớm thành Phật độ tất cả chúng sinh. Theo nhân quả, lời nguyện ấy sẽ khiến anh ta xu hướng thích tu theo Đại Thừa, ham thích học Bồ Tát đạo ( vì chỉ có tu Bồ Tát đạo mới thành Phật được), cứu độ chúng sinh, đồng thời lập lại lời nguyện tương tự rất nhiều lần nhiều kiếp.
Lời Nguyện ấy cũng sẽ thúc đẩy anh ta tạo Phước, tích lũy Công Đức liên tiếp không ngừng nghỉ, được gặp vô lượng Đức Phật để cúng dường, học đạo. Cả tâm xu hướng muốn tu theo Đại Thừa, và sự thôi thúc tạo công đức, cùng những cơ hội được gặp Phật giáo hóa… sẽ không dừng lại cho đến khi lời nguyện thành hiện thực, tức là thành Phật.
Ở chặng giữa, vì nguyện ban đầu như thế, công đức quá khứ như thế, nên sinh về nơi đâu, anh ta đều nhanh chóng gặp những pháp môn Đại thừa, nhanh chóng tiếp thu và thuần thục , dễ thành tựu xuất sắc những pháp môn ấy, vượt trội hẳn so với người khác. Đó chính là căn cơ Đại Thừa.
Đối với những Pháp môn tu khác , vì không đúng với nguyện ban đầu, nên anh ta không ham thích, không có động lực tu theo, vì không đúng căn cơ.
Còn ví dụ với người nguyện mau thoát luân hồi đau khổ này, thì theo nhân quả, lời nguyện ấy sẽ dẫn dắt anh ta được gặp Phật, khởi tâm cung kính, hầu hạ, cúng dường và cầu quả vị A-la-hán. Với công đức ấy, vào thời Đức Phật tiếp theo, anh ta sẽ sinh ra đúng thời Phật giáo hóa, được Đức Phật chỉ dạy và sẽ thành tựu qủa vị A la hán, thoát khỏi luân hồi như đã nguyện. Người này đối với những môn Tu Đại Thừa, tâm không ham thích, có ép cũng không theo được, vì trái với nguyện ban đầu, trái với căn cơ.
Để thông suốt được căn cơ của người khác, phải thành tựu Pháp nhãn ( Đại Bồ Tát trở lên mới có) Còn Phàm phu tục tử chúng ta chỉ là đoán mò mà thôi. Ta dựa vào những xu hướng, xem một người thích tu theo hướng nào, thích tu môn nào, tin tưởng những điều gì … mà “đoán mò ” ra nguyện.
Và xem khả năng tiếp thu các pháp môn khác nhau, mà đoán ra công đức đã tích lũy trong quá khứ. Điều này rất khó, dễ gặp sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng, nên cực kỳ cẩn thận, không nên cố chấp những phán đoán của mình.
Thời Phật còn tại thế, có hai người đến xin xuất gia được ngài Xá Lợi Phất thâu nhận làm đệ tử. Ngài dạy một người tu phép Quán bất tịnh, người kia tu pháp Quán vô thường. Sau một thời gian hai người này không thành tựu được gì, quá chán nản hai người này xin hoàn tục.
Đức Phật quán xét thấy nên Ngài chặn lại, Phật dạy người tu môn Quán bất tịnh chuyển sang Quán vô thường, con người tu môn Quán vô thường chuyển sang tu Quán bất tịnh, không lâu sau hai người đều chứng A-la-hán.
Nhân đây Đức Phật trách cứ ngài Xá Lợi Phất về vấn đề không khéo quán sát căn cơ đệ tử, nếu không nhờ Phật, hai người kia sẽ mất hết tín tâm vào Phật pháp.
Ngài Xá Lợi Phất là Trí Tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử A La Hán của Phật, có thể quan sát được 8 vạn kiếp luân hồi của người khác, vậy mà còn bị Đức Phật trách cứ, thì phàm phu chúng ta sao chắc chắn được điều gì ?
Nếu bắt buộc phải tìm hiểu căn cơ người khác để giáo hóa, ta nên giới thiệu nhiều Pháp Môn, nhiều hướng đi, rồi để người đó tự lựa chọn, chứ không ép buộc. Tiếp tục quan sát, nếu người đó có căn cơ, thì chính căn cơ ấy sẽ dẫn dắt người đó thành tựu đúng như sở nguyện.
Nhân nói về khả năng quan sát căn cơ, thời Đức Phật có một người già hơn trăm tuổi muốn xin Phật xuất gia. Ông ta lọ mọ đến Tinh Xá, nhưng gặp lúc không có đức Phật ở đó. Ông gặp ngài Xá Lợi Phất, ngài liền nhập định quán sát căn cơ, thấy suốt 8 vạn kiếp ông này không tạo được công đức gì trong Phật Pháp, nên không thâu nhận. Tương tự ông gặp ngài Mục Kiền Liên, và nhiều vị A la hán khác và đều bị từ chối, ông buồn bã bỏ về.
Đức Phật từ xa biết việc này, Phật dùng thần thông hiện ra trước mặt ông, an ủi và cho xuất gia, sau này ông cũng chứng quả A La Hán. Ngài Xá Lợi Phất ngạc nhiên hỏi Đức Phật, vì sao ông này có thể chứng quả.
Đức Phật trả lời, vì xa hơn 8 vạn kiếp trước ( vượt khỏi khả năng quan sát của ngài Xá Lợi Phất) ông này một lần vào rừng, bị hổ đuổi bắt, ông ta sợ quá trèo lên cây và niệm một câu :” Nam Mô Phật”.
Và nhờ công đức đó, kiếp này ông chứng được quả vị A-la-hán. Nhân đây ta thấy được sự vượt trội giữa trí tuệ của Phật với trí tuệ của các vị A la hán, đồng thời hiểu được việc quán sát căn cơ vô cùng khó.

___________________

*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.

Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.

Xin chân thành cảm tạ !

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Quynh
Khách
Quynh
4 năm trước

ADIDAPHAT
Chu tra Loi hay qua
Con cung co mot chut y kien ve Can Co
Trong thoi Mat Phap. Cac Chung sanh phan nhieu Can Co thap kem
Do do Chu phat muoi phuong deu khuyen Chung ta nen Tu Phap mon tinh do
Chuyen Niem phat va Tu them thap thien de cau Vang sanh tay phuong Cuc lac
Voi Phap mon nay thi Can Co nao Tu cung duoc Tu Thuong Can den ha can deu Tu
Duoc
Chi can quyet chi Tu Hanh thi trong doi nay co the giai guyet van de sinh Tu Luan hoi
Than chuc cac ban dong Tu So Cau Nhu Nguyen
ADIDAPHAT 🙏