CÓ NÊN CẢ NỂ SẾP MÀ SÁT SINH, ĂN NHẬU KHÔNG ?

0
1940

Mạn Đà La:
– Anh Quang Tử cho em hỏi, chỗ em đi làm thì đồng nghiệp em không ai tin và theo đạo Phật cả. Em giữ giới và làm những việc lành thì họ bảo em mê tín và lạc hậu không theo nhịp phát triển của xã hội.
Em không thể thuyết phục được họ. Rồi em thấy rất khổ tâm khi mình vẫn phải tham gia những việc bất đắc dĩ như giao lưu ăn uống các món thịt cá, hoặc phải sát sinh, và uống rượu bia dù tâm không muốn, nhưng vì công việc, cả nể sếp và đồng nghiệp vẫn phải làm. Như vậy em có tạo nghiệp không ? Mong anh hoan hỉ chia sẻ.
Quang Tử:
– Bạn thân mến, đã có làm thì có tạo nghiệp, chỉ là làm mà tâm không nhiệt tình, thì nghiệp nhẹ hơn thôi bạn. Việc tu hành theo Phật Pháp có rất nhiều, mình mới tu học, thì không thể một sớm một chiều mà thực hiện được hết, nên tùy duyên, tùy hoàn cảnh, tùy sức của mình làm được bao nhiêu thì làm, cố gắng ngày càng bớt đi những việc không nên làm, tăng thêm những công đức lành, càng nhiều thì càng tốt.
Còn nhân quả thì luôn thẳng thừng & rạch ròi, tạo nhân ác phải chịu quả báo, làm việc thiện thì có phước báo, không thể sai chạy.
Vậy nên mình cần cố hết sức có thể để bỏ ác, làm thiện, còn được đến đâu thì được. Mỗi người suy nghĩ rằng :
”Ta làm việc đó sau này sẽ chịu quả báo như thế đó, nếu cảm thấy mình chịu được quả báo thì mình làm, thấy không muốn nhận quả báo đó thì đừng làm.”
Tự mỗi người phải đưa ra quyết định cho chính mình mà thôi.
Tôi cũng từng đi làm ở nhiều nơi, cũng đã trải qua những nỗi khổ tâm như bạn, một bên là sợ nghiệp chướng, một bên thì sợ sếp mất lòng, sợ đồng nghiệp không ưa mình nếu mình từ chối đi ăn nhậu, tiến thoái lưỡng nan không biết làm sao.
Sau đó tôi đã suy nghĩ rất kĩ. Bây giờ mà tôi nể mặt xếp, đồng nghiệp… mà tạo nghiệp, dù lòng không muốn. Thì trước mắt có thể sẽ vui một chút, thuận lợi một chút trong công việc. Xong thực ra cũng chỉ là một chút thôi.
Thấy trên bàn tiệc vui vẻ cười nói vậy chứ đụng chuyện là người ta vẫn sẵn sàng hại bạn như thường. Cần là sếp vẫn sa thải bạn như thường, việc lấy lòng kiểu này xem ra không ăn thua mấy.
Nhưng cái giá mà tôi phải chịu để đổi lấy sự vui vẻ thoáng chốc, quá khủng khiếp.
Khi tôi tạo nghiệp, thì tôi phải chịu quả báo, không có viện lí do này nọ, đổ thừa tại đồng nghiệp hay tại sếp… mà giải thích, mà bao biện với luật Nhân quả được. Tôi sẽ chịu quả báo như thế nào ?
Ví dụ như ta mời sếp, đồng nghiệp, đối tác … tham dự một bữa tiệc. Ở đó chuẩn bị rất nhiều đặc sản tươi sống như rắn, rùa, tôm cá, gà vịt.v.v… rượu bia thì hàng thùng, hàng két. Như vậy, sẽ đồng thời tạo ra ít nhất 3 nghiệp : sát sinh, uống rượu bia, rủ rê người khác uống rượu bia.
Do ác nghiệp đó, đầu tiên có thể là ta sẽ gặp những bệnh tật, tai họa, xui xẻo nào đó sẽ đến trước sau một thời gian ngắn, vài năm, vài chục năm.
Tiếp đó, sau khi chết, tùy nghiệp nặng hay nhẹ, có thể ta sẽ phải chịu cực hình địa ngục nhiều năm, nhiều chục năm, thậm chí ngàn vạn năm.
Rồi chưa phải như thế là hết nghiệp, có thể sau khi ra khỏi địa ngục, sẽ phải đầu thai thành ngạ quỷ, thành súc sinh rất nhiều kiếp nữa.
Đến khi nghiệp nhẹ đi rồi , được sinh làm người, thì cũng chưa có xong. Những con vật rắn, rùa, tôm cá, gà vịt.v.v… đã bị ta giết hại, ăn thịt, nhiều kiếp sau chúng sẽ đeo bám hành hạ ta nhiều trăm năm bằng bệnh tật, bằng tai ách… hoặc đầu thai thành người, thành các con vật báo thù đủ kiểu.
Bạn nên biết, sau khi chết, mọi người sẽ phải đối mặt với Diêm Vương. Ông ấy sẽ phán xét mọi tội lỗi nhỏ nhất của ta, dù chỉ là ăn một con gà, nướng một con tôm, uống một ly rượu, từng chút, từng chút đều không bỏ sót. Vậy khi đó, trước điện Diêm Vương, những người mà vi họ ta tạo nghiệp, những đồng nghiệp, đối tác, sếp… có đứng ra nói đỡ, hay chịu thay giúp ta không ?
Không, tất nhiên rồi, họ đâu có chết cùng ta đâu, họ đến đám tang thắp cho vài nén nhang là cùng. Thậm chí khi đó, là qua nhiều năm sau, mỗi người mỗi ngả, lâu không gặp nhau, họ thậm chí còn chẳng nhớ mình là ai…
Vậy tại sao ta phải trả một cái giá quá đắt để lấy lòng những người này ?
Thế nên, tôi quyết định, Diêm Vương quan trọng hơn sếp, mặc kệ họ. Mình không thích tiệc tùng thì thôi, mình không tham gia, các ‘chế’ không thấy vui thì cũng kệ các ‘chế’ !
Tôi được nhận vào đây làm, chính vì công ty, công sở, chỗ làm… cần năng lực làm việc của tôi, cần công sức lao động của tôi bỏ ra, đóng góp cho công việc. Chứ không phải vì những cái cụng ly, hay những bữa tiệc tùng … này mà tôi được nhận vào đây làm.
Và tôi chỉ tập trung làm tốt công việc của mình, cố gắng làm tốt hơn những người khác, siêng năng hơn, nhiệt tình hơn, hiệu quả hơn trong chuyên môn. Với mọi người thì tôi vui vẻ, hòa nhã, giúp nhau được gì trong công việc, trong cuộc sống thì tôi giúp, chứ còn rủ rê ăn nhậu, tiệc tùng gì thì tôi cứ từ chối thẳng, ai nói gì, nghĩ gì về việc này tôi không quan tâm.
Có rất nhiều người không thích tôi vì tôi không thích giao lưu, không nể mặt họ trong việc tiệc tùng… trong đó có giám đốc. Nhưng ông ấy không thể vì thế đuổi việc tôi được. Vì công việc của cơ quan cần có tôi. Mà giả sử có phải nghỉ việc thì sao, tôi sẽ tìm một việc khác, bất luận như thế nào cũng không thể tồi tệ hơn việc chịu quả báo lâu dài như kể trên.
Ấy thế mà, sau một thời gian dài “cứng đầu” như thế, mọi người quen dần. Kết quả, mọi người vẫn quý mến tôi, vì thường ngày, ngoại trừ ăn nhậu, tôi luôn giúp họ những việc khác. Họ có thể đơn giản rủ tôi đi uống cafe thay vì rủ đi nhậu.
Mọi chuyện sau đó vẫn tốt, trong khi những kẻ vẫn hay đi tiệc tùng vui vẻ với nhau, tôi thấy họ vẫn đâm lén nhau sau lưng, sẵn sàng trở mặt khi cần. Một số thì vì phạm lỗi, vì năng lực kém, vẫn bị sếp chửi mắng, thuyên chuyển công tác như thường, vẫn bị sa thải như thường.
Vậy ra cái lo về việc mất lòng vì không tham gia ăn nhậu, chơi bời … với mọi người , chỉ là cái lo hão. Đôi chút chia sẻ kinh nghiệm tôi đã trải qua như vậy, nếu bạn cảm thấy phù hợp thì bạn cứ áp dụng làm theo. Chúc bạn thành công.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận