Hỏi :
– Tôi thường nghe nói RẰNG CON CÁI SUNG SƯỚNG NHỜ PHƯỚC ĐỨC CHA MẸ ÔNG BÀ ĐỂ LẠI. Hoặc ” Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nếu ta làm điều tốt, tạo Phước đức hoặc gây Nghiệp thì những người xung quanh ta cũng sẽ ảnh hưởng, cho dù họ chẳng làm phước, hoặc chẳng tạo tội gì cả phải không?
https://youtu.be/6NPL5ExV2tA?t=3m56s
Đáp :
Phước đức và nghiệp chướng của một người có thể ảnh hưởng tới những người xung quanh ( gồm cả ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu lẫn cả những người sống gần ta như hàng xóm, đồng nghiệp…) Có những cách ảnh hưởng như sau :
1. “Đồng thanh tương ứng” : Ông bà cha mẹ tạo phước đức, thì nhân quả sắp xếp cho họ sinh ra những người con, cháu đã tạo phước trong quá khứ, khi sinh ra chúng được sung sướng ,vinh hiển. Phước đó tự chúng đã tạo trong qúa khứ, còn ông bà cha mẹ do cũng có phước nên sinh ra con cháu vinh hiển để được hưởng tiếng thơm…
Ngược lại ông bà cha mẹ tạo ác nghiệp cũng tương tự như thế, sẽ chiêu cảm sinh ra những người con cháu cũng từng gây nghiệp từ các kiếp xưa, nay đến lúc chịu quả báo. Mỗi người tự chịu những gì mình đã tạo, do nghiệp quả tương đồng nên sinh chung vào một gia đình, một tập thể.
2. Các vị đã tạo công đức tái sinh lại làm cháu chắt của chính mình để hưởng phước. Làm ác thì ngược lại, nay sinh ra với thân phận con cháu, và chịu nghiệp khi xưa đã gây ra. Người không biết thì cho rằng cha ông làm, con cháu chịu, xong thực ra cũng chính là một người , chỉ là đầu thai với thân phận khác thôi.
3. “Cùng nhau làm, cùng nhau hưởng”. Do từ kiếp xa xưa, ông bà cha mẹ và con cháu cùng nhau làm phước, hoặc cùng nhau gây tội lỗi, nên nay sinh ra trong cùng một gia đình, chung nhau thọ nhận phước báo hoặc quả báo.
Hoặc khi xưa một người khuyên nhủ, xui khiến, một người nghe theo mà làm, nay người trực tiếp làm khi xưa sẽ trực tiếp hưởng phước báo, hay nhận quả báo. Còn người khuyên nhủ, xui khiến sẽ sinh làm ông bà cha mẹ, thân quyến.
Hoặc một người làm tội cho mọi người cùng hưởng ( như một người đi săn về cho cả nhà cùng ăn, một người làm đồ tể lấy tiền nuôi cả nhà.v.v…) thì kiếp sau cùng sinh về một nơi, cùng chung chịu quả báo.
4. ” Chiêu cảm tội phước” : người có phước lớn hoặc nghiệp nặng có thể chiêu cảm khiến cho phước hoặc nghiệp xấu của những người xung quanh trổ ra khi họ xuất hiện. Như một người cha làm việc ác quá lớn, sau đó một thời gian con anh ta bị tai nạn chết. Đáng lí đứa con phải 2 kiếp sau mới bị tai nạn chết, nhưng nay quả báo ấy trổ ra luôn ở hiện tại ( thực ra phước hay tội tiềm ẩn của mỗi người đều rất nhiều, đứa con đâu có thiếu gì nghiệp ăn mặn, sát sinh từ vô lượng kiếp qua ) Hay một người chồng do phước báo lớn nên chắc chắn lấy được vợ đẹp, nhưng khi lấy vợ anh ta lại chọn 1 người nhan sắc bình thường, không đẹp, một thời gian sau, dung mạo của người vợ sẽ thay đổi, trở nên xinh đẹp, đó là do phước của người vợ, có điều đáng lí phải 3 kiếp sau cô ta mới đẹp được như thế, nhưng do phước của chồng chiêu cảm khiến phước của cô ta trổ ra sớm. Có một số người rất đặc biệt, đi tới đâu là mọi người xung quanh xui xẻo đến đó , cũng do nguyên lí này.
5. ” Bình thông nhau” , do có duyên sâu nặng và nợ nần với cha mẹ, con cái có thể chịu tội thay cho cha mẹ, sự chịu tội này coi như trả xong món nợ với cha mẹ ( Như chuyện “Phúc lành” đã đăng trong nhóm ‘Luân hồi & nhân quả’ ). Thường thì ta sẽ gặp trường hợp ngược lại, là do cha mẹ có nợ với con cái, nên phước của cha mẹ con cái hưởng ( của thừa kể ) đây coi như trả nợ. Các chúng sinh có duyên nợ sâu đậm với nhau cũng tương tự như vậy.
______________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !