COVID 19 – NHỮNG ĐIỀU CẦN SUY NGẪM

0
1610

Đầu tiên Quang Tử sẽ nói ngay đến một điều không cần suy nghĩ nữa, mà cần làm ngay và luôn : Ở YÊN MỘT CHỖ.

Vì sao phải ở yên, có lẽ chúng ta không cần phải bàn nữa. Nhà nước – mọi phương tiện truyền thông đều đã chỉ rõ, sự di chuyển của mọi người lúc này là thúc đẩy dịch bệnh lan tràn, dẫn đến thiệt hại to lớn về tính mạng, sức khỏe, kinh tế…, không chỉ cho bản thân, gia đình mình, mà là cho cả cộng đồng, cả thế giới.
Có thể việc ở yên trong nhà sẽ gây đến nhiều tác động tiêu cực về kinh tế, tâm lý… xong một chút hi sinh để bảo toàn tính mạng là điều cần phải làm lúc này.
Vậy nên việc hạn chế tối đa việc đi lại, cùng với việc tuân thủ những biện pháp Bộ y tế đề xuất như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách cần thiết giúp đẩy lùi dịch bệnh, đó chính là lương tâm, là đạo đức chúng ta cần thực hiện ngay.
“Yên một chỗ cho sóng tan biển lặng
Tĩnh vài hôm cho thế giới bình an.”

Và khi đã yên ổn ở một nơi nào đó rồi, chúng ta có thể dành thời gian để tụng kinh – niệm Phật – trì chú … tại nhà, đem công đức đó hồi hướng cầu cho bản thân, cho gia đình, cho thế giới sớm vượt qua đại dịch. Và đây cũng là lúc chúng ta có được một khoảng lặng để cùng nhìn lại mọi việc, nhìn lại những điều mà virus Covid bắt chúng ta phải ngẫm nghĩ lại.

Điều thứ nhất :
Thế gian này chưa bao giờ là bình yên cả.

Tuyên ngôn đầu tiên Đức Phật dạy là Tứ Diệu Đế, với phần mở đầu là Khổ đế, tuyên ngôn rằng : Đời là bể khổ
Đó không phải là một câu cảm thán, mà là một quy luật bất di bất dịch. Từ ngàn xưa đến ngàn sau, thế gian luôn luôn là khổ, SINH – LÃO – BỆNH – TỬ, máu và nước mắt của nhân loại chưa bao giờ ngừng rơi, bất chấp mọi sự tiến bộ của nhân loại về mọi lĩnh lực. Chưa bao giờ, và không bao giờ con người thoát ra khỏi vòng sinh lão bệnh tử đó cả.
Hàng chục năm qua, khoa học phát triển thần tốc, phát minh ra rất nhiều máy móc, kĩ thuật giảm thiểu hữu hiệu các loại bệnh tật, tăng tuổi thọ trung bình của con người. Vô tình điều đó khiến một số người ảo tưởng rằng con người đã có thể khuất phục được bệnh tật, khoa học dần sẽ biến cuộc sống con người thành thiên đường trên mặt đất.
Và Corona đã xuất hiện, tạt một gáo nước lạnh, dập tắt cái ảo tưởng ấy một cách nhanh chóng, khiến nhân loại phải tỉnh mộng.
Chính ở Mỹ – châu Âu, hiện thân của sự phát triển của khoa học, y khoa được coi là tối tân bậc nhất, thì lại chính là nơi bùng phát dịch khủng khiếp nhất, nhiều người chết nhất.
Covid 19 rất bình đẳng, dù là người dân thường hay chính trị gia, hoàng tộc, dù là người nghèo hay giàu, chủng tộc Á hay Âu, Phi hay Mĩ, bệnh nhân hay bác sĩ … bệnh tật, chết chóc không cần quan tâm việc phân loại rắc rối ấy của con người, nó tàn sát một cách bình đẳng, chẳng chừa một ai.
Đại dịch Covid 19 khiến những ai đang ảo tưởng phải suy nghĩ lại, và nhận ra thực tại rằng : Sinh tử khổ đau là điều đương nhiên của thế gian này.
Đã có mặt trên cõi đời, chúng ta phải chấp nhận thực tế ấy. Không phải để bi quan, ủ rũ, mà là để có được cái nhìn sáng suốt. Khi đã biết rằng đời là Khổ, ta mới có động lực để tìm cách thoát ra. Đó là nương theo lời Đức Phật mà tìm đường vượt thoát khỏi cõi này, thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Rất nhiều người tìm đến Đạo Phật để cầu bình an, thoát nạn, vì thấy Phật Pháp có thể hóa giải được những nỗi khổ đau thường tình của mọi người như bệnh tật, tai họa, xui xẻo, nghèo khổ, lo sợ, .v.v…rất nhiều chuyện linh ứng kì lạ vẫn luôn xảy ra. Tuy nhiên, những linh ứng đó chỉ là biện pháp cứu khổ tạm thời của Phật Pháp, bước đầu gieo duyên với chúng sinh mà thôi.
Còn mục đích trọng yếu của Phật Pháp, không phải để mọi người tìm đến giải quyết những khó khăn đó, vì chúng là bất tận, giải được cái khó khăn này sẽ mọc ra cái hoạn nạn khác, khổ này qua khổ khác sẽ lại đến, như sóng biển muôn trùng bất tận.
Mục đích trọng tâm của Phật Pháp là đưa chúng sinh thoát khỏi hẳn cái biển khổ muôn trùng vô tận sóng đó, chấm dứt vĩnh viễn Luân hồi sinh tử khổ đau, gọi là Giải Thoát, là Giác Ngộ, là Niết Bàn, là chứng Đạo thành Phật.
Vậy, bạn hãy ghi nhớ điều này. Đời là biển khổ, muốn hết khổ, không thể vẫn cứ ở yên trong biển mà mong sóng yên biển lặng cho mình không khổ được, đó là một mơ ước hão huyền. Khổ chỉ hết khi bạn thoát hẳn khỏi biển khổ mà thôi, và đó là tôn chỉ thật sự của Phật Pháp.

Điều thứ hai :
Đứng trước cái chết, sự thật sẽ phơi bày cho bạn hiểu: cái gì mới thật sự quý giá.

Tiền bạc ư? Hay quyền lực ?
Những thứ đó rất có giá trị khi con người còn sống. Thế nên biết bao nhiêu người đã đánh đổi nhiều thứ để có được tiền bạc, quyền lực…Họ bất chấp tình nghĩa, bất chấp lương tâm, không màng đến hậu quả, lao mình vào cuộc đua chen danh lợi.
Họ đã quên mất một quy luật đơn giản, những thứ ấy lập tức mất hết giá trị khi ta chết, và chắc chắn, ai cũng phải chết.
Quy luật này rất dễ hiểu, xong lại dễ quên. Nhưng Covid 19 ngày hôm nay nhắc lại cho con người nhớ.
Khi thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, nhiều người cũng rất giàu có, bao năm qua họ vật lộn với đời để thu gom được rất nhiều tiền. Nhưng rồi sao, điều ấy không làm cho tử thần bỏ qua họ. Họ vẫn chết, chết trên một đống tiền, cũng bình đẳng như mọi cái chết khác thôi. Với người đã chết, tiền vô nghĩa, không thể mang được một tờ nào sang bên kia thế giới được cả.
Và thế là thế giới được chứng kiến cảnh tượng rất nhiều người dân lấy tiền gấp máy bay, hay đơn giản là vốc từng vốc tiền quăng qua cửa sổ, tiền tung bay đầy trời, tiền rơi đầy mặt đất. Hình ảnh ấy khiến ta nhớ lại câu chuyện của Alexander Đại đế.
Alexander Đại đế là vua của nước Macedonia (cai trị từ năm 336 – 323 TCN) một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử. Ông dẫn quân đi trinh phạt được rất nhiều các vương quốc khác, thành lập ra một đế chế cực kì hùng mạnh.
Sau tất cả những năm tháng huy hoàng, ông cũng đến lúc đối diện với cái chết. Rất thông minh, ông ta nhận ra cái gì đó không đúng. Rồi ông suy xét lại cả cuộc đời mình trong nhiều ngày, và ngộ ra một bài học, một bài học quá thấm thía. Tiếc là khi ông hiểu ra bài học này, thì cũng đã hết đời rồi, không thể áp dụng cho mình được nữa. Ông quyết định, phải truyền lại cho hậu thế, bằng mọi giá phải làm cho nhân loại hiểu được bài học quý báu này.

Trong giây phút cảm nhận được cái chết đang bủa vây lấy mình, Alexander đã cho gọi quần thần lại và tuyên bố di ngôn:
– Trước khi chết, ta có 3 điều muốn các ngươi thực hiện, nhất định không được trái ý. Cụ thể, ba điều đó như sau:

Điều thứ nhất : Trong đám tang ta, lệnh cho các ngự y giỏi nhất thế gian khiêng quan tài của của ta ra huyệt.
Điều thứ hai : Đem hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà cả đời ta đã vơ vét được, đang tích trữ trong kho, hãy đem rải ra đất suốt dọc con đường dẫn ra nghĩa địa.
Điều thứ ba : Hãy hé mở nắp quan tài, đặt bàn tay của ta thò ra bên ngoài, để tất cả đều nhìn thấy được.

Nghe xong ba điều di ngôn kì quặc ấy, quần thần của Alexander đều vô cùng kinh ngạc, cho rằng hoàng đế của mình đã không còn tỉnh táo. Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói:
• Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này:
Thứ nhất, ta có quyền lực mạnh nhất thế gian, sai xử tất cả thần dân, kể cả những thầy thuốc giỏi nhất, muốn thuốc gì cũng có thể có được, nhưng dù cho thế đi nữa, thì ta vẫn chết, điều này không thể thay đổi được. Sai các thần y giỏi nhất khiêng quan tài của ta, là để mọi người hiểu ra điều này.
Thứ hai, ta cả đời trinh phạt, thu gom được rất nhiều, khối tài sản của ta lớn nhất thế gian, kho báu của ta không ai so được, nhưng khi đối diện với cái chết, chúng vô nghĩa, ta vẫn phải bỏ chúng lại trên mặt đất, chứ không cách nào mang theo được. Sai rải vàng ngọc trên đường, là để cho thế nhân thấy rõ. Ta tài giỏi như thế còn không mang theo được, vậy thì mọi người nghĩ mình có thể mang theo được sao ?

Thứ ba, khi ta đến với cuộc đời này, chỉ có hai bàn tay trắng. Khi ta rời khỏi thế gian, vẫn trắng hai bàn tay. Chẳng thể cầm theo được gì cả, quy luật luôn là thế, ta là đại đế – vua của các vua thì cũng vậy mà thôi. Để bàn tay ta phơi ra khỏi nắp quan tài, là để mọi người có thể thấy điều ấy.

Thế đấy, mọi thứ trên thế gian là vô thường. Chết một cái là thành tro bụi, không thể khác đi được. Đó là những bài học rất thấm thía của một vị vua tài giỏi, đáng tiếc là ông đã nhận ra quá muộn màng. Đáng tiếc hơn nữa, là có lẽ nhiều người đã quên mất bài học này. Ngày hôm nay, khi đại dịch Covid càn quét, gieo rắc cái chết khắp nơi, nhắc chúng ta phải nhớ lại những lời trăn trối đầy tâm huyết của Alexander Đại đế.
Cái chết phơi bày những giá trị thật của cuộc sống. Vậy nên, cần phải đứng từ góc nhìn của cái chết, đề nhìn lại mọi giá trị của cuộc đời. Có như thế, con người ta mới tỉnh táo được, để có thể sống với những mục tiêu sáng suốt được.

Điều thứ 3:
Nhân quả luôn thấp thoáng đằng sau mọi việc !

Khi Corona bùng phát tại Trung Quốc, rất nhiều quốc gia từ chối cho công dân họ về nước tránh dịch, dù các nước ấy rất giàu có và tự nhận là văn minh, là nhân quyền, xong họ lại bỏ rơi người dân của họ.
Logic của họ rất rõ ràng: họ sợ những người về nước từ Trung Quốc sẽ mang theo mầm bệnh, khiến lây lan làm chết nhiều người.
Thậm chí ở Hàn Quốc, dù cho chính phủ có cho phép, nhưng chính cộng đồng dân chúng lại kịch liệt kì thị đồng bào mình, biểu tình dữ dội xua đuổi những người Hàn về từ Trung Quốc. Kết quả : dịch vẫn cứ bùng phát tại các nước ấy, hàng trăm, đến hàng ngàn người vẫn chết.

Còn ở Việt Nam, một đất nước nghèo, ấy vậy mà Việt Nam điều hẳn máy bay sang tâm dịch Vũ Hán, đón 30 công dân Việt về nước, cũng như cho phép tất cả người Việt từ các nước đang bùng phát dịch trở về Việt Nam. Người nào cũng được chữa bệnh hoàn toàn miễn phí.
Những người lính Việt Nam thì vào rừng ở, nhường doanh trại cho những người cách ly. Khẩu trang miễn phí được phát ở nhiều nơi. Việt Nam dang rộng tay đón những đứa con trở về Tổ quốc an toàn trước sự thán phục của thế giới.
Nhân quả sau đó thật kì lạ, tính đến thời điểm này 5/4/2020, ba tháng sau khi dịch bùng phát, chưa một người nào tại Việt Nam chết vì Corona. Người nào đặt chân được lên đất Việt là họ thốt lên với tất cả sự vui sướng : “Sống rồi !”
Sự khác biệt giữa lối sống dựa trên tư duy logic hẹp hòi, và cách sống dựa trên Đạo lý, kết quả ra sao, bạn cũng có thể thấy đó.
Rồi thì đại dịch cũng sẽ đi qua, mọi thứ trên đời đều vô thường mà, Corona không thể tồn tại mãi được. Nhưng những điều nó khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ, tôi hi vọng nó sẽ ở lại lâu dài trong tâm thức của chúng ta, để chúng ta có thể sống tốt hơn, ý nghĩa hơn với những mục tiêu thực sự sáng suốt.
( Quang Tử)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận