Hỏi :
Anh Quang Tử, trong cuộc sống tôi thường phải nhìn thấy những sai phạm, lỗi lầm của người khác, việc ấy rất khó chịu. Nhiều khi tôi muốn làm gay gắt để họ đừng sai phạm nữa, nhưng tôi nghĩ việc này không mấy hiệu quả, vì ai cũng đều cho là mình đúng cả, chẳng ai chịu ai, thường chỉ căng thẳng thêm mà thôi.
Xong để mặc họ, ai muốn ngang ngược như thế nào cũng được, thì họ sẽ càng làm tới, mọi người xung quanh thì bức xúc, còn chính họ sẽ phải chịu những quả báo.
Tôi nên làm như thế nào là hợp tình hợp lý nhất đây ?
Quang Tử:
-Bạn thân mến, đối diện với những lỗi lầm của người khác, làm như thế nào cho phù hợp không phải là vấn đề dễ dàng.
Ở đây, chúng ta sẽ chỉ xét mức độ người bình thường với nhau trong cuộc sống, không có chức trách như quan tòa, công tố viên, cảnh sát .v.v… hay trách nhiệm công dân đối với hành vi của tội phạm theo pháp luật, đó là một phạm trù khác.
Đầu tiên, khi nhìn người khác phạm lỗi, khoan hãy bàn đến việc làm như thế nào, bạn hãy hỏi lại câu này trước đã : “Ta khởi tâm ý gì khi thấy người khác mắc lỗi ?”
Việc này rất tinh tế, nằm sâu trong nội tâm của chính mỗi người, thậm chí, nếu không để ý, bạn còn không nhận ra là nó tồn tại, nhưng nó sẽ quyết định phản ứng sau đó của ta sẽ tạo thành phước báo hay gây ra nghiệp chướng.
“Vậy rốt cục, khi nhìn thấy người khác mắc lỗi, ta khởi lên những ý nghĩ gì ???”
Với một số người, họ cảm thấy khinh bỉ người phạm lỗi kia. “Hắn ta thật kém cỏi!”
Nếu giữ cảm xúc này trong lòng không nói ra, thì nó sẽ biến thành một tâm lý miệt thị, hoặc nặng hơn, là sự ghét bỏ. Như thế thì vô tội chăng ? Không, đó là ý nghiệp. Khinh bỉ ai điều gì, ta cũng sẽ bị khinh bỉ vì chính lỗi đó.
Còn nếu để cho các tâm lý ấy tuôn ra ngoài, thì nó sẽ biến thành những câu chê bai, lên án, công kích, lăng mạ, chửi rủa. Đó là khẩu nghiệp. Chê bai ai điều gì, ta cũng sẽ mắc phải chính những điều đó, không kiếp này thì kiếp sau.
Đáng buồn là đại đa số chúng ta sẽ có những phản ứng như vậy. Thiện tai, thiện tai !
Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật có một lời khuyên dành cho những “quan tòa không ai mướn”, thường có sở thích lên án lỗi lầm kẻ khác dù chẳng phải chức trách của mình, Phật dạy:
“Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn tự chính mình.
Có làm hay không làm.”
Xong cuộc sống thật không hoàn hảo, rất khó để nhắm mắt. Ta vẫn phải nhìn cuộc sống, mà hễ nhìn thì lại thấy đầy rẫy những lỗi lầm của thế nhân.
Vậy ta có lựa chọn nào hay hơn không khi chúng đập vào mắt ta ?
Rất may là có :
“Khi nhìn thấy người khác phạm lỗi, hãy mong cầu cho họ không còn phạm nữa.”
Một chút thay đổi nhỏ này thôi, sẽ thay đổi toàn bộ cục diện. Ta không còn ở vị trí một ông “quan tòa không ai mướn” nữa, mà trở thành một thiên sứ, có mặt là để giúp mọi người vượt qua lầm lỗi.
Nếu chỉ giữ ở trong tâm, đó là một thiện niệm. Mong người khác không phạm lỗi nào, chính mình cũng sẽ dần không phạm lỗi đó. Còn nếu chuyển thành lời nói, thì đó sẽ là những lời khuyên nhủ đầy thân thiện, xuất phát từ một tâm hồn bao dung, không mang theo ý phán xét.
Kiểu như :”Tôi biết rất khó để kiềm chế lỗi lầm. Xong tôi vẫn mong anh có thể vượt qua, và nếu anh cần gì, tôi sẽ giúp!”
Một thay đổi nhỏ trong tâm, sẽ tạo ra một chuyển biến khổng lồ ở kết quả sau này ta nhận lại.
Một đằng chỉ khiến ta ngày càng phiền não, bị nhiều người oán ghét, vì chẳng ai yêu mến gì kẻ luôn có ý chê bai, khinh bỉ mình. Khinh ghét người và bị người khinh ghét, lựa chọn này thật không vui chút nào cả.
Một đằng thì sẽ nâng tâm hồn ta lên, đến với sự bao dung của những tâm hồn rộng mở. Dù có giúp được người khác hết lầm lỗi hay không, thì trước hết, tâm hồn ta sẽ được thanh thản. Vì nó vắng bóng những muộn phiền, cáu kỉnh, khó chịu vì sai trái của người đời.
Như trên đã nói, đó là vấn đề thái độ trong tâm. Bây giờ đến phần hành động ra bên ngoài.
Lựa chọn thứ nhất : chỉ trích, chê bai, có lẽ chúng ta không cần phải bàn. Hiển nhiên là không nên chọn nó.
Còn nếu như bạn lựa chọn cách thứ hai : cầu cho người hết lỗi. Vậy thì bạn có thể thoải mái mà bước ra răn dạy những người tội lỗi kia chăng ?
Xin thưa là chưa! Vấn đề không có đơn giản như vậy.
Thiện tâm là tốt, nhưng chưa đủ. Bạn cần làm đúng trình tự.
Trong Phúc Âm, Chúa Jesus dạy các môn đệ của mình :
“Sao ngươi thấy cái rác trong mắt người anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi? Hoặc sao ngươi bảo người anh em: “Ðể tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh”. Còn ngươi, thì lại không thấy cây đà trong mắt mình?
Hãy lấy cái đà khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ, để có thể lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em của ngươi”.
“Rác trong mắt người anh em” là chỉ lỗi lầm của người khác. “Đà trong mắt mình” là chỉ lỗi lầm của chính mình. Chúa không dạy rằng, hãy bỏ mặc người khác với tội lỗi của họ, mà trước tiên, cần sửa cho xong lỗi của mình, “lấy cái đà ra khỏi mắt mình đã”. Khi đó ta sẽ sáng suốt hơn, có kinh nghiệm hơn, và đó là lúc phù hợp để giúp người khác vượt qua lỗi lầm.
Phân tích kĩ hơn, ta sẽ có hai giai đoạn:
GIai đoạn 1: THẤY LỖI – SỬA LỖI MÌNH
Giai đoạn này ta chỉ tập trung vào truy lùng lỗi mình, xoáy sâu nhìn cho rõ ta sai ở đâu, rõ rồi thì từng bước sửa chữa những cái sai của mình.
Việc này không có dễ chịu chút nào cả, y như một cuộc phẫu thuật không thuốc gây tê.
Bình thường, thấy cái sai của người khác, ta có cảm giác rằng mình là người ở trên cao nhìn xuống những kẻ tội lỗi, cảm giác ấy nó khoái trá, dễ chịu. Xong nay, nhìn vào cái sai của mình, cứ như bị ai đó trong vô hình vả vào mặt. Ta thấy mình thật thấp kém, hèn mọn.
Chỉ những ai có nội lực dũng mãnh, mới chịu nổi cảm giác này mà vượt qua được “ca phẫu thuật nội tâm” : thấy lỗi – nhận lỗi – sám hối – chừa bỏ. Đó chính là sự chiến thắng chính mình. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Chẳng bằng tự thắng mình
Thật chiến thắng tối thượng.”
Đối diện để nhìn rõ lỗi mình đã khó, làm sao sửa cho hết lỗi lại càng khó hơn. May mắn là trong kinh điển, Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp tu tập vi diệu, giúp ta vượt qua được bản ngã của chính mình.
Đối trị tham lam, thì có pháp môn Quán Vô Thường
Đối trị nóng giận, thì có pháp môn Quán Từ Bi.
Đối trị dâm dục, ái luyến, thì có pháp môn Quán Bất Tịnh.
Si mê, lạc lối, thì đã có ngàn vạn kinh điển Phật dạy, chỉ cho con đường chân chính, đâu là đúng, đâu là sai.
Nhận ra lỗi lầm, thì đã có phương pháp sám hối, phát nguyện chừa bỏ để thay đổi dòng tâm thức.
Muôn ngàn căn bệnh trong tâm, thì Phật Pháp có muôn ngàn pháp môn làm thuốc chữa, phạm vi của bài viết này không thể kể ra hết được, bạn cần phải khảo cứu kinh điển mới biết chi tiết được.
Trong giai đoạn này, đối với lỗi người khác, cũng không phải bạn nên nhắm mắt hoàn toàn, lờ như không biết, mà phải cố gắng bao dung được, và hiểu được rằng :”Nếu chính mình còn chưa vượt qua được lỗi này, thì mình tư cách gì mà phê phán, lên án người khác mắc lỗi, điều đó thật nực cười”
Ta nên dừng lại ở việc thông cảm và cầu nguyện cho mọi người có thể vượt qua được lỗi lầm, nếu tình huống có bắt buộc phải nói lời gì đó, cũng chỉ dừng lại ở thái độ :”Tôi không có ý phê phán anh, vì tôi cũng chưa vượt qua được, chỉ là tôi mong muốn anh có thể vượt qua được lỗi này”
Trong thời gian trường kì chiến đấu với chính mình, mỗi lần sửa được một lỗi nào đó, ta sẽ tích thêm được một kinh nghiệm quý báu. Ta không chỉ biết ở dạng “ lí thuyết suông” nữa, mà là hiểu tường tận vì sao lại như vậy, và làm như thế nào để sửa đổi hiệu quả.
Không chỉ để cho mình sau này tiếp tục áp dụng, mà kinh nghiệm đó cũng có thể giúp những người bị cùng mắc lỗi giống mình áp dụng được.
Như vậy, ta vừa sửa lỗi mình, vừa tích lũy những bài học kinh nghiệm làm món quà giúp mọi người cùng vượt qua lầm lỗi. Đó là một tinh thần vị tha, luôn nghĩ đến lợi ích cho mọi người.
Giai đoạn 2 : GIÚP NGƯỜI KHÁC SỬA LỖI
Khi ta đã có thể chiến thắng chính mình, dù chưa phải hoàn hảo như Thánh nhân, xong cũng đã có nhiều tiến triển rõ rệt, sửa được nhiều tính xấu, tích đủ kinh nghiệm, hiểu rõ cách thức vì sao con người ta hay mắc lỗi này lỗi kia, cách thức làm như thế nào để vượt qua.
Về mặt thái độ đối với người khác, bạn vừa có thể thông cảm, bao dung lỗi lầm của họ, vì biết rằng việc giữ mình không phạm lỗi là rất khó khăn, nên không có sự lên án, chỉ trích.
Bạn lại vừa có mong muốn giúp người khác vượt qua lỗi lầm, chứ không phải là bỏ mặc họ. Nếu hội đủ các điều trên, thì bạn có đủ tư cách hướng dẫn người khác sửa lỗi.
Xong khi bắt tay vào việc, ta dần sẽ phát hiện ra nhiều khó khăn phát sinh : không phải ai cũng sẵn lòng nghe lời khuyên, dù lời khuyên ấy xuất phát từ chân tình. Dễ hiểu thôi, không mấy ai chịu nhận là mình sai cả. Một lẽ rất thường tình, ai cũng cho rằng mình đúng nhất Quả Đất.
Chỉ có một số ngoại lệ, theo luật nhân quả, người ta thường chỉ nghe lời người mà họ có duyên có nợ. Bạn có thể nhận ra những người đó với những biểu hiện sau : họ quý mến, tin tưởng bạn, và thường dễ dàng làm theo những gì bạn yêu cầu.
Nếu nhận ra những người như thế, bạn có thể bắt đầu giúp họ cải thiện bản thân, sửa lỗi và dần tốt lên từ những kinh nghiệm bạn tích lũy được.
Còn với những người không có duyên nợ gì với mình, tin buồn, là nhiều khi bạn đã cố hết sức, họ cũng chẳng thèm nghe, thậm chí còn quay lại chống đối bạn.
Vậy thì bạn chỉ có thể giúp họ bằng vật chất, sức lực khi họ cần để gieo duyên sau này, đồng thời, cầu nguyện cho một tương lai nào đó, họ sẽ vượt qua được lầm lỗi.
Ngoài ra, bạn cũng sẽ phát hiện ra, có những phương pháp phù hợp với mình, xong không chắc đã phù hợp với người khác. Bạn làm thành công, xong hướng dẫn người khác làm theo lại thất bại, không sửa lỗi được.
Sẽ có những người bạn có thể giúp họ vượt qua lầm lỗi, đồng thời có những người bạn không sao hướng dẫn họ thành công được, bạn phải chấp nhận hiện thực đó.
Bạn cần nghiên cứu sâu hơn, đồng thời nỗ lực tu hành, tăng thêm phước báo cho mình. Có thể quá trình này cần đến rất nhiều kiếp. Nếu bạn đủ kiên trì và tâm huyết, bạn sẽ đạt đến những trình độ trí tuệ cao hơn nữa, với những cách thức phong phú hơn, nghệ thuật hơn. Khi ấy, bạn có thể hướng dẫn cho mọi đối tượng đi đúng những con đường phù hợp với họ một cách hiệu quả. Và đó là khi, bạn trở thành một bậc hiền trí khai sáng cho mọi người, như trong kinh Pháp Cú, Phật dạy :
“Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí!
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.”
Với trình tự như trên, từ trong tâm đến hành động, từ giai đoạn trước đến sau, tự sửa lỗi, đến giúp người khác sửa lỗi, nếu như bạn có thể áp dụng triệt để, Quang Tử tin rằng, bạn sẽ có những bước tiến lớn trong sự nghiệp tu hành, không chỉ lợi ích cho mình mà còn đem lợi ích ấy lan tỏa cộng đồng. Chúc bạn sớm ngày viên thành Phật Đạo!