Nếu bạn để ý, bạn có thể nhận ra một điều nghịch lý: Thường những người thân cận với ta, lại có thể trở thành những người gây khổ sở cho ta nhiều nhất. Thật kỳ lạ, trong khi với một số người, mối quan hệ cha mẹ – con cái, vợ – chồng, anh -chị – em, người yêu, bạn bè… đem đến cho nhau nhiều niềm vui. Thì với một số khác lại toàn đau khổ. Tại sao lại như vậy ?
Bởi vì luật Nhân quả ngoài việc sắp xếp những người có duyên lành sâu đậm với nhau trở thành thân quyến, thì Nhân quả cũng sắp xếp luôn những oan gia có nợ nần, oan trái sâu nặng nhất trở thành thân quyến của nhau để trả nợ. Đó là lí do phần nhiều bất hòa nằm trong gia đình chứ không phải chỉ từ ngoài xã hội.
Duyên nợ là nguồn gốc sâu xa của những bất hòa trong gia đình
Để có thể hóa giải, trước tiên ta cần hiểu rõ nguyên lý về NỢ
Phân loại Nợ Ân và Nợ Oán
Có 2 loại, một là NỢ ÂN, khi ta được một người khác giúp đỡ, bất luận là cho tiền, tặng vật chất, hay giúp bằng công sức, cứu mạng hay hướng dẫn, chỉ dạy hữu ích, dù là giúp bằng vật chất, hay giúp bằng tinh thần, v.v… MIỄN LÀ ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO TA, thì ta đều sẽ mang NỢ người đó.
Nếu món nợ được trả sớm trong kiếp này, thì sẽ không phát sinh nhiều lãi, mọi thứ cũng đơn giản, dễ hiểu. Anh giúp tôi, lúc khác tôi lại giúp anh, coi như hòa.
Nhưng nếu vì lí do nào đó, món Nợ mãi không được trả sớm, để qua kiếp sau, hay nhiều kiếp sau, luật Nhân quả sẽ tự động sắp xếp cho con nợ gặp chủ nợ bằng muôn nghìn cách khác nhau để trả nợ ân nghĩa, như cha mẹ- con cái, vợ- chồng, anh em, bạn bè, chủ -tớ, xếp – cấp dưới, người bán hàng – người mua hàng, thầy – trò.v.v… xong không chỉ trả phần “gốc”, mà còn có cả phần “lời lãi”, càng để lâu thì lãi càng nhiều. Thường những món “nợ ân” sẽ trả trong vui vẻ.
Mặc dù chẳng nhớ kiếp trước nợ nần như thế nào, nhưng tự nhiên sẽ xuất hiện tình cảm và sự thôi thúc muốn chăm sóc, giúp đỡ cho chủ nợ. Đó là khả năng vi diệu của luật Nhân quả.
Loại thứ 2, đó là NỢ OÁN, đó là khi ta hại người khác, thì ta sẽ mắc nợ người bị thiệt hại, hay chúng sinh bị thiệt hại kia. Quy cách trả nợ cũng giống như NỢ ÂN, xong NỢ OÁN thì luôn đi kèm theo sự tức giận, xung đột, dày vò, hành hạ đau khổ … chứ không thoải mái, vui vẻ như trả nợ ân nghĩa, vì ngoài món nợ ra còn luôn đi kèm theo tâm lí báo thù của chủ nợ lúc ban đầu.
Các cách trả nợ
Có 2 cách:
* Cách thứ nhất, là cứ như thường tình, vừa cung phụng, vừa hành hạ lẫn nhau, dằn vặt lần nhau, chịu đựng lẫn nhau cho tới khi chủ nợ lấy lại hết món nợ( có khi nợ hết rồi mà vẫn tiếp tục hành nhau, thành ra một món nợ mới, con nợ lại biến thành chủ nợ trong kiếp sau ).
Cách này rất đau khổ, và cũng rất lâu mới thanh toán xong món nợ, lại hay sinh ra những oán hận dây dưa nhiều kiếp với nhau, gọi là oan oan tương báo, kiếp này A hại B, kiếp sau B hại ngược lại A, kiếp sau nữa A lại hại B, cứ thế tuần hoàn, chẳng biết khi nào mới chấm dứt.
Do vì khi bị hại, ta chẳng biết đó là oan nghiệp kiếp trước, cứ mãi khởi tâm lí oán hận, muốn báo thù, thành ra cứ gặp nhau hoài để thỏa tâm báo thù.
* Cách thứ hai: Dùng phước báo để trả nợ.
Người thiếu nợ tạo thật nhiều việc phước lành, nhất là những phước xuất thế gian như lạy Phật, in kinh sách ấn tống, tạc tượng Phật, lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, cúng dường Phật, Pháp, Tăng .v.v… hay những phước thế gian như bố thí, phóng sinh, cứu người, trồng cây, xây cầu đắp đường.v.v… được bao nhiêu công đức hồi hướng cho chủ nợ, đồng thời khởi tâm sám hối những oan trái kiếp trước đã gây ra với chủ nợ, không khởi thêm tâm oán hận nhau nữa.
Cách này sẽ thanh toán món nợ một cách nhanh chóng, êm đẹp, vừa khiến chính mình tăng trưởng thiện pháp, lại cũng tăng trưởng thiện pháp cho chủ nợ, khiến cho nhiều kiếp sau có gặp lại, cũng trở thành duyên lành, giúp đỡ nhau tu hành cho đến khi viên thành Phật Đạo.
Lấy ví dụ như sau cho dễ hiểu: một người vào nhà hàng kêu một bàn tiệc thịnh soạn, sau khi ăn xong thì không có tiền trả. Chủ nhà hàng liền dùng vũ lực bắt anh ta phải trả hết.
Nếu như anh ta ” tiền khô cháy túi”, thì buộc lòng phải ở lại rửa chén bát, quét dọn trừ nợ dần, thế thì phải 10 năm mới hết nợ. Trong thời gian này nhiều khi món nợ lại phát sinh thêm vì những khi anh ta làm bể đồ, gây thiệt hại… chủ tớ mắng chửi nhau, hiềm hận lẫn nhau kéo dài, đây là hạ sách.
Nếu như anh ta khá hơn một chút, có công việc ổn định sẵn, hàng tháng đi làm lấy lương trả, thế thì chỉ thời gian ngắn là hết nợ. Đây là thượng sách.
Cách rửa bát trừ nợ ví như cách chúng ta hành hạ nhau, dằn vặt nhau cho tới khi hết nợ. Cách đi làm lấy lương trả nợ, ví như cách chúng ta tạo phước hồi hướng cho chủ nợ.
Đặc biệt với những phước báo xuất thế gian trong Đạo Phật, như tạo tượng Phật, chép kinh, tụng kinh, trì chú, niệm Phật, ấn tống, phụng sự Tam Bảo, hoằng pháp độ sinh.v.v… nếu đem hồi hướng cho chủ nợ sẽ thấy kết quả cực kỳ nhanh chóng.
Vì sao lại như vậy ? Là vì phước báo xuất thế gian không có cùng tận, gieo một nhân thì vô biên vô lượng kiếp sau vẫn còn tiếp tục sinh sôi nối nhau không dứt, cho tận đến khi thành tựu Phật Quả Toàn Giác, các phước thế gian không thể kéo dài lâu xa như vậy được.
Trên đây, Quang Tử đã so sánh sơ lược các loại nợ, và cách hóa giải ân án nợ nần. Còn trả mau hay lâu, phụ thuộc ở món nợ lớn hay nhỏ, hồi hướng công đức nhiều hay ít mà sẽ thấy hiệu quả khác nhau.
Mỗi người có điều kiện khác nhau, duyên khác nhau, nên không thể ép nên làm công đức gì hồi hướng cho chủ nợ, tùy duyên mà thực hiện, càng nhiều càng tốt.
Còn cụ thể, cách hồi hướng để trả nợ (sau khi đã tạo phước, làm công đức) như sau:
“Con nguyện đem công đức …này hồi hướng cho … ( tên chủ nợ) được tiêu trừ nghiệp chướng, thanh tịnh cách phiền não, xóa bỏ mọi hiềm hận, tăng trưởng Bồ Đề Tâm, tăng trưởng trí tuệ, đức hạnh, sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng”
Khấn hồi hướng công đức hóa giải duyên nợ xấu
Rất nhiều người đã áp dụng cách hồi hướng công đức như vậy mà hóa giải được những mâu thuẫn, xích mích với người thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Thậm chỉ có thể hóa giải những món nợ với oan gia trái chủ trong vô hình. Không những giải quyết được vấn đề duyên nợ trước mắt, mà còn tạo được công đức vô lượng cho chính mình và người khác đến tận vô lượng kiếp sau.
(Quang Tử)
* Mỗi bài viết là một ngọn đèn nhỏ, mong soi sáng phần nào trên hành trình tu học của bạn. Để những ngọn đèn ấy không ngừng cháy sáng, lan tỏa ánh sáng Phật Pháp đến khắp mọi nơi là tâm nguyện của chúng tôi, nhưng để hành trình này được bền bỉ, chúng tôi rất cần sự chung tay của bạn.
Nếu nhận thấy những bài viết này mang lại lợi ích cho bạn, cũng như nhiều người khác, xin hãy đồng hành cùng chúng tôi bằng cách ủng hộ kinh phí để duy trì hoạt động hoằng pháp.
Mọi đóng góp xin gửi về STK Vietcombank: 0081001314166 (Dinh Bao Trung)
Dù nhỏ bé hay lớn lao, sự sẻ chia của bạn đều là động lực quý giá để chúng tôi tiếp tục hành trình ý nghĩa này. Chân thành tri ân