Một thanh niên chán nản cuộc sống, anh đi lang thang ngoài đường. Đến một khúc quanh nơi ngã ba, anh thấy một ông lão đang cặm cụi trồng một cây cam. Anh ngạc nhiên :
– Này bác, cháu thấy bác già lắm rồi, còn sống không bao lâu nữa. Sao bác còn trồng cây cam làm gì?
Ông lão nhìn chàng trai, rồi nở một nụ cười tươi tắn:
– Cho dù ngày mai tôi chết, ngày hôm nay tôi phải trồng xong cây cam này.
Nhìn vào đôi mắt ngập đầy niềm vui của ông lão, chàng trai chợt hiểu ra điều gì đó.
Anh mừng rỡ cảm ơn ông lão, rồi hăng hái bước đi.
*
* *
Rõ ràng, ông lão không trồng cây cam cho ông, ông đâu sống nổi đến ngày ra trái. Cũng không phải trồng cho con cháu hưởng, cây cam nằm ngay lối đi, bất kỳ ai cũng có thể hái.
Thật lạ lùng, vậy mà ông làm một cách rất vui sướng. Đến mức cái chết có đến ngay ngày mai, ông cũng sẽ không dừng việc đó lại.
Rất lạ nhưng đó là một sự thật. Khi ta cống hiến, ta vui. Khi ta đưa tay ra để giúp đỡ người khác, để cống hiến cho cuộc đời. Một niềm vui kì lạ sẽ xuất hiện. Đó là đẳng cấp tột cùng của sự giải trí. Bạn không tin ư?
Hãy xem người phụ nữ này, chị tên là Nguyễn Hướng Dương. Sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Lớn lên như bao người con gái khác, đầy ước mơ, đầy sức sống. Bỗng một ngày, cái ngày khủng khiếp của cuộc đời Hướng Dương khi chị 25 tuổi. Trong lúc băng qua đường ray, chị bị vấp ngã.
Đoàn tàu vụt đến trong nỗi kinh hoàng… Khi tỉnh dậy, chị thấy mình máu me đầm đìa trên giường bệnh, đôi chân không còn nữa. Nỗi đau tàn phá cơ thể chị, giày xéo tâm can chị khi người yêu cũng bỏ đi luôn. Cuộc đời chị tưởng như xong.
Cho đến một ngày, chị đến thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu- TP.Hồ Chí Minh. Hóa ra ở đây, người ta còn khốn khổ hơn chị. Đối với họ, thế giới đã vĩnh viễn chìm trong màn đêm tăm tối vô tận. Chị lấy một quyển sách đọc cho các em nhỏ khiến thị nghe.
Không ngờ, các em lại mê đến thế, tất cả như say sưa trong giọng đọc êm ái của chị. Còn chị, chị thấy một niềm vui đang nảy mầm trong tim mình.
Và từ đó, đọc sách cho người mù là cuộc sống của chị. Thư viện sách nói được thành lập. Suốt nhiều năm, từ năm 1998, chị miệt mài trong phòng thu âm. Cùng với sự góp sức của nhiều tổ chức, hàng vạn cuốn sách được thu vào băng đĩa, hàng vạn niềm phấn khởi được đến với thế giới người mù.
Không rõ từ bao giờ, nhưng nỗi đau khổ của chị đã biến mất. Cuộc sống của chị giờ ngập trong một nguồn vui bất tận. Bây giờ, bất kì người lành lặn nào cũng phải ngạc nhiên khi gặp chị. Họ thấy mình không sao vui được như người phụ nữ tật nguyền này.
Mùa xuân dường như không tắt trên gương mặt, cũng như trong trái tim chị.
Cuộc sống của chúng ta cần có niềm vui. Thiếu nó, ta không sống nổi. Vì thế các trò giải trí xuất hiện. Nhưng có gì khác biệt giữa các trò giải trí thông thường với loại niềm vui ta đang nói đến? Đó là, các trò giải trí thông thường luôn đào xới vào cái xấu của ta.
Ta nhìn thấy gì ở những đấu thủ đang giành phần thắng với nhau? Đó là sự hơn thua, háo thắng!
Ta nhìn thấy gì ở những cuộc nhậu nhẹt chè chén, tình ài lăng nhăng, hay ăn chơi đua đòi? Đó là sự hưởng thụ ích kỷ!
Ta nhìn thấy gì ở những con nghiện cờ bạc, nghiện game online, hay nghiện hàng trắng?
Đó là sự trụy lạc , sa đọa!
Háo thắng – ích kỷ – sa đọa. Chính vì chúng cứ cày xới vào cái xấu của ta, nên càng chơi nhiều bao nhiêu, khổ sở lại có mặt nhiều bấy nhiêu. Đây là công thức, hãy nhớ:
Cái xấu thì luôn dễ dãi, và luôn luôn tạo ra đau khổ.
Nó kéo theo một seri những cảm giác chẳng dễ chịu chút nào: sự dày vò của cơn nghiện, sự cay đắng của người thất bại, nỗi nhục của người thua cuộc, nỗi cay cú khi bị thiệt thòi, cái nhìn khinh bỉ của những người xung quanh…
Và quan trọng nhất, đó là sự vô nghĩa của một cuộc chơi.
Còn bây giờ, ta hãy xem cách giải trí bằng những việc làm có ích. Hãy nhìn vào họ, những người giống như chị Hướng Dương , hay như ông lão trồng cam, họ cảm thấy gì?
Một niềm vui. Rất lặng lẽ, nó chảy trong họ như một mạch nước ngầm. Âm thầm nuôi dưỡng tâm hồn họ trong một cảm giác hân hoan bất tận.
Và cứ thế, khi mà đôi tay họ cứ miệt mài cống hiến, từng chút một, từng ngày một. Niềm vui ấy lớn dần lên, nó trở thành một nỗi đam mê.
Thứ đam mê này rất khác biệt, người ta càng say sưa trong nó, thì càng trở nên sáng suốt. Nó có một sức cuốn hút vô hình nào đó, khiến cho mọi trò chơi khác hóa ra nhạt nhẽo, vô vị. Giống như những ngôi sao phải lu mờ, tan biến đi khi mặt trời thức giấc. Vượt trên mọi đam mê nghệ thuật , nó là một niềm đam mê thánh thiện.
Họ đẹp dần lên trong con mắt nể phục của mọi người. Nhưng, điều đó không quan trọng lắm đối với họ. Sự đam mê cống hiến còn cho họ những điều tuyệt vời hơn.
Nếu bạn là một trong số họ, bạn sẽ hiểu. Lần đầu tiên bạn biết được ý nghĩa của cuộc sống này là gì. Bạn tự tin. Vì rằng bạn đã sống không vô nghĩa. Sự có mặt của bạn không thừa thãi.
Một cách vô hình, nỗi sợ chết biến mất trong bạn. Khi một người đã sống rất ý nghĩa, người đó không còn sợ gì cả. Hãy đọc câu chuyện sau:
CON ĐƯỜNG HẦM
Zenkai, con trai một samurai, du hành đến Edo và trở thành hầu cận của một viên chức cấp cao ở đó. Zenkai yêu người thiếp của viên chức này, và việc đó bị phát giác. Để tự vệ, Zenkai giết người chồng rồi dắt người vợ tẩu thoát.
Sau đó, cả hai trở thành những tên ăn cắp. Nhưng người đàn bà quá tham lam khiến Zenkai trở nên khinh bỉ. Cuối cùng, Zenkai bỏ người đàn bà đó và đến một tỉnh xa tên là Buzen. Ở Buzen, Zenkai trở thành một tên ăn mày lang thang.
Để chuộc lại dĩ vãng, Zenkai quyết định làm một vài việc tốt trong đời. Biết trên sườn núi đá có một con đường nguy hiểm đã làm nhiều người bị thương và thiệt mạng. Zenkai quyết định đào một con đường hầm xuyên qua núi đá.
Ban ngày xin ăn, ban đêm đào núi, ngày này qua tháng khác, Zenkai đào. Đào say sưa và mải miết . Khi Zenkai hơn ba mươi tuổi thì đường hầm đã đào được dài 695 thước, cao 6 thước và rộng 9 thước.
Hai năm trước khi công việc hoàn thành, một người con trai của viên chức bị Zenkai giết, là một người giỏi kiếm thuật tìm được Zenkai, và muốn giết Zenkai để báo thù cha.
Zenkai vẻ mặt tỉnh bơ, chậm rãi nói:
– Tôi sẽ dâng mạng tôi cho anh. Nhưng hãy cho tôi làm xong việc này. Khi công việc hoàn thành, rồi anh có thể giết tôi cũng được.
Như thế, người con trai của viên chức đợi đến ngày xong việc. Nhiều tháng liền trôi qua và Zenkai cứ vui thú đào tiếp con đường. Người con trai trở nên chán nản vì không có việc gì làm, nên anh ta bắt đầu giúp Zenkai. Sau khi gúp Zenkai đào đường hơn một năm, anh ta quay ra kính phục Zenkai, con người mạnh mẽ, đầy dũng chí.
Cuối cùng, con đường hầm đã hoàn thành và người ta có thể qua lại an toàn.Zenkai bảo:
– Bây giờ việc đã xong, hãy chém đầu tôi đi.
Người thanh niên hỏi qua làn nước mắt:
– Làm sao con có thể chém đầu thầy được?
*
* *
Ban đầu, Zenkai đào hầm để chuộc lỗi. Nhưng không ngờ, công việc ấy lại tuyệt đến thế. Zenkai bị cuốn hút vào một cảm giác say sưa, một đam mê không cưỡng lại được. Khi người con trai viên chức xách kiếm đến lấy đầu Zenkai, rất ngược đời, Zenkai không tiếc cái đầu nữa, anh chỉ tiếc con đường hầm. Anh đề nghị người con trai chờ tới lúc đào xong đường, anh sẽ dâng mạng sống. Chẳng có vấn đề gì cả, ở đây không còn chỗ cho nỗi sợ chết.
Nhưng, một điều còn lạ lùng hơn nữa. Chúng ta biết rằng, lòng thù hận là một mãnh lực khủng khiếp. Nó có thể biến một người hiền lành thành một sát thủ không gớm tay. Nó đã thổi bùng lên không biết bao nhiêu cuộc tàn sát đẫm máu trong lịch sử.
Thế mà ở đây, từ trong Zenkai, một sức mạnh còn ghê gớm hơn nhiều lần. Lòng thù hận tan chảy trong nó. Người thanh niên kia phải cúi đầu trước nó. Nó khiến anh ta cảm kích cực độ. Anh ta thốt lên: “ Làm sao con có thể chém đầu thầy được? ”
Như thế, sự cống hiến không chỉ là đam mê. Nó còn là một sức mạnh.
Con người ta vẫn ham muốn trở thành người mạnh mẽ , nhưng lại hay bị ngộ nhận. Một số người trở nên cá tính. Họ cố tạo ra cái tôi khác người. Bằng cách xử xự theo phong cách “ riêng một kiểu”, hay sắm những món đồ “ không đụng hàng”. Họ cứ tưởng thế là mạnh mẽ. Nhưng họ đã lầm. Đó chỉ là một cách tô vẽ lố lăng cho sự ngang ngược, bướng bỉnh. Mục đích nhằm che đậy cái rỗng tuếch bên trong. Thực chất, đó chỉ là sự ngạo mạn và hợm hĩnh. Một số khác thì cố gắng nâng những quả tạ, hoặc cố luyện những môn võ công. Nhưng đó mới chỉ là cơ bắp. Rất nhiều kẻ có cơ bắp,có võ nghệ cao cường. Nhưng rồi chỉ để ăn hiếp người khác. Hoặc tệ hơn, để ăn cướp. Như vậy, hắn trở thành một con quỷ.
Vậy người mạnh mẽ đích thực phải như thế nào?
Đây, chỉ khi nào một người đem đôi tay mình gánh vác nỗi nhọc nhằn, khổ sở của mọi người, của cuộc đời, đó mới là người mạnh mẽ đích thực.
Chỉ cần có đôi bàn tay cống hiến, bất kì ai trong chúng ta đều trở thành người mạnh mẽ.
Một chú bé đang dìu một bà lão qua đường cao tốc nguy hiểm. Hay một cô gái chợt dừng xe để nhặt một cái đinh nằm giữa lối đi. Họ đều mạnh mẽ, sức mạnh của họ nằm trong tim.
Người mạnh mẽ chiến thắng được cái ích kỷ, hẹp hòi, lười biếng trong lòng để lo cho tha nhân. Họ không tiếc rẻ công sức mình. Họ không phân bì đây là việc của ai, trách nhiệm thuộc về ai. Họ cũng không kén chọn việc sang hay hèn. Miễn có ích cho mọi người, họ sẽ làm dù là việc nhỏ nhất.
Có thể tạm chia cuộc đời này làm hai hạng người. Một, là những kẻ ươn hèn. Chỉ muốn sống dựa dẫm trên thành quả cống hiến của người khác. Hai, là người mạnh mẽ. Không tiếc mồ hôi, không tiếc sức lực, họ cống hiến cho cuộc đời không mệt mỏi. Họ không bỏ lỡ dù là việc vụn vặt nhất.
Bạn sẽ chọn làm hạng người nào?
Thật chẳng thú vị gì khi bị xếp vào loại ươn hèn. Vì thế, hãy trở thành người mạnh mẽ.
Hãy đưa tay ra và cống hiến. Để cảm nhận sự sung mãn của tâm hồn, cảm nhận nỗi đam mê của lí tưởng.
Một khi giọt mồ hôi bạn đã đổ ra để giúp đỡ con người, để cống hiến cuộc đời, nó lấp lánh kì lạ. Trong mắt các vị thần thánh, nó quý hơn bất kì viên kim cương bảo ngọc nào. Tài sản đích thực của đời người chính là nó .
Bởi vì, giá trị của mỗi con người được khẳng định bởi những gì người đó cống hiến, chứ không phải những thứ người đó đeo bên ngoài.
Hãy xem người thanh niên này.
Anh sống ở tỉnh Thái Bình. Câu chuyện có thật của anh từng được đăng trên báo Thanh Niên. Hơn chục năm trước, khi cơn sốt vàng rộ lên ở các vùng núi phía Bắc, anh rời làng ra đi xây mộng làm giàu.
Suốt mấy năm sống cùng dân thổ phỉ chuyên đào vàng, vàng tuy có kiếm được, nhưng đều nướng hết vào các trò ăn chơi truy lạc. Vàng hết, anh trở về làng, tay trắng, nghiện heroin, và bị SIDA.
Cha mẹ đuổi anh ra khỏi nhà. Cả làng nhìn anh khinh bỉ. Anh đành ra bờ sông, dựng tạm cái lều, bắt cá sống qua ngày.
May phước còn sót lại, có một cô gái thầm yêu anh từ trước. Dù biết anh như thế, nhưng vẫn chấp nhận lấy anh, về sống với anh.
Vợ anh hàng ngày ra chợ buôn bán, nghe thiên hạ sỉ vả. Còn anh, hàng ngày ở bờ sông, vật vã với cơn nghiện thuốc.
Những lúc tỉnh, anh nhìn dòng sông, lòng buồn vô hạn. Trong một lần như thế, anh để ý đến một đoạn sông uốn khúc đâm vào làng. Mỗi lần lũ về, chính tại khúc sông này bao lần đê vỡ . Người chết, nhà cửa bị cuốn trôi, ruộng đồng tan nát, thiệt hại không thể kể hết. Anh tính toán, nếu chịu khó nắn bờ cho dòng chảy chuyển sang hướng khác, đê sẽ không vỡ nữa.
Anh vào làng vận động mọi người cùng làm việc đó. Không ngờ, dân làng chửi anh : “ Đồ SIDA sắp chết, bày đặt tính chuyện đội đá vá trời”
Không nản, một mình anh vác cuốc đi nắn dòng sông. Mỗi lần cơn nghiện bùng phát, ,anh lại phi ra bờ sông. Đào. Đào mải miết. Đào quên sống chết. Mồ hôi vã ra, cơn nghiện cũng theo đó ra dần, càng ngày nó càng nhẹ đi.
Trong lúc đào như thế, vô tình anh tìm được một mỏ sỏi. Thế là, anh có thêm công việc nữa: đãi sỏi. Mỗi tháng cũng có thêm thu nhập phụ với vợ.
Suốt nhiều năm tháng ròng rã, nắng cũng như mưa, anh vẫn cặm cụi đào bới, đội đất, vác đá. Một sức mạnh nào đó cuồn cuộn chảy trong máu anh, giúp anh thắng lướt mọi sự khó nhọc, gian khổ.
Và cuối cùng, khi cơn lũ tràn về, cả làng nơm nớp sợ hãi, chờ đợi cơn lũ càn quét, tàn phá khắp nơi. Nhưng mãi không thấy gì. Dân làng kéo nhau ra bờ sông, dòng chảy cuồn cuộn đục ngầu, nhưng nó đã chảy theo hướng khác. Họ sung sướng. Họ reo hò. Rồi lũ lượt kéo đến túp lều ven sông. Không còn một chút kinh bỉ nào nữa. Họ cảm ơn anh, tung hô anh trong sự biết ơn vô kể.
Cơn nghiện trong anh tan biến. Cuộc sống khấm khá lên nhờ mỏ sỏi. Vợ anh có thai. Thật kỳ lạ, khi đi khám, bác sĩ cho biết cả chị lẫn thai nhi đều không nhiễm HIV. Họ giải thích rằng cơ thể chị có một loại kháng chất đặc biệt nào đó, chống lại được vi rút HIV.
Dù thế nào đi nữa, câu chuyện của anh vẫn được mọi người kể cho nhau nghe như một phép màu.
*
* *
Từ một vị trí đáy cùng của xã hội: tay trắng – nghiện – SIDA. Anh như một món phế thải của cuộc đời.
Nhưng một vài năm sau, người ta phải tung hô anh trong sự biết ơn sâu sắc. Anh trở thành người hùng của dân làng, trở thành tấm gương sáng của xã hội.
Vì sao vậy? Là vì mồ hôi anh đã đổ. Vì đôi tay anh đã miệt mài. Vì con tim anh đã cống hiến.
Sự cống hiến ấy cứu biết bao nhiêu mạng sống, ruộng vườn, tài sản. Anh xứng đáng với sự kính trọng của mọi người, bất chấp quá khứ của anh như thế nào.
Anh khiến cho bất cứ ai trong chúng ta phải vắt tay lên trán, để tự hỏi lại chính mình:
“ Một người từng bị cuộc đời phỉ nhổ, sa thải, còn làm được một việc ý nghĩa như vậy. Còn ta, ta được cuộc đời che chở, thế nhưng ta đã làm được cái gì?”
Hãy trả lời câu hỏi ấy bằng hành động! Tôi và bạn, đã đến lúc chúng ta phải khẳng định giá trị con người mình. Hãy làm tất cả những gì đôi tay bạn có thể.
Dừng xe lại, nhặt một cục đá hay cái đinh nằm giữa lối đi. Lấp bằng một cái hố trên đường mà bạn biết. Sửa lại mái nhà cho người hàng xóm. Hay chăm sóc một cụ già bệnh tật neo đơn.
Dạy chữ cho các em nhỏ lang thang. Hay dựng dậy một cái cây đã bị ngã đổ. Quét sạch một đoạn đường trước cửa nhà bạn mỗi ngày. Hay tham gia các hoạt động lao động công ích của phường, xã. Đăng kí tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”. Hay tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự .v.v… và .v.v…
Bạn có thể bắt đầu bằng những việc nho nhỏ, nhưng đừng để trái tim bạn nhỏ bé mãi . Hãy mở toang cửa sổ tâm hồn bạn nhìn ra cuộc sống. Luôn luôn có những chỗ khiếm khuyết cần một bàn tay sửa chữa. Luôn luôn có những con người đang mong chờ một tấm lòng hào hiệp giúp đỡ.
Vấn đề là, ta có chịu để ý hay không mà thôi. Bạn phải sáng tạo. Như thế sẽ rất cực. Nhưng chính cái cực làm nên sự quý giá cho đôi tay bạn. Tầm mức những việc làm của bạn sẽ lớn dần lên khi trái tim bạn vĩ đại dần lên. Đó là những ngôi sao đích thực của thế gian này. Những con người vượt lên sự tầm thường của cuộc sống cơm áo gạo tiền, để sống một cuộc sống đầy giá trị.
“ Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng , gian khổ sẽ giành phần ai?”
Như thế, bạn đừng nên bỏ lỡ một việc thiện nào dù nặng nhọc, khó khăn hay vì đó là một việc tầm thường, hèn kém.
Trong bữa tiệc cuối cùng trước khi bị dân Do Thái đem đi đóng đinh, Chúa Jesus bảo các môn đệ của mình đưa chân ra. Đích thân Người đổ nước vào chậu, rồi bắt đầu rửa chân cho từng người. Sau đó, Người lấy khăn quàng nơi thắt lưng mà lau khô.
Có môn đệ không chịu, nhưng rồi Chúa khiến người đó phải nghe lời. Làm xong, Chúa nói:
– Ngày hôm nay, Thầy là thầy, là Chúa của mọi người, đã cúi xuống rửa chân cho các anh em. Thì ngày mai, các anh em phải cúi xuống rửa chân cho tất cả mọi người.Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
*
* *
Khi một vị Thánh cao cả đã cúi mình làm những việc thấp hèn. Thế thì, chẳng có lí do gì để ta có thể từ chối những công việc hèn kém nhất.
Trong một gia đình, hãy là người tình nguyện rửa bát, lau nhà, chùi tolet, giặt giũ… thay cho mọi người.
Trong một tập thể, hãy là người đầu tiên xung phong đi đổ rác, dọn dẹp vệ sinh…
Không có sự cống hiến nào hèn kém, chỉ có những con người hèn kém vì không chịu cống hiến. Đó là những kẻ ăn bám, vô tích sự, những cái móc áo và túi đựng cơm.
Còn bạn và tôi, chúng ta không thể sống một cách thừa thãi như thế. Vì vậy, hãy để đôi tay bạn cống hiến không mệt mỏi, bằng tất cả nỗi đam mê của tâm hồn, bằng tất cả sức mạnh ghê gớm của con tim.
Chỉ như thế, bạn mới tìm được ý nghĩa cho cuộc đời mình. Chỉ như thế, giá trị con người bạn mới được khẳng định.
Hãy bước ra và cống hiến. Thiên đường đang chờ đón bạn.