Hỏi:
– Em mới bắt đầu tìm hiểu và thực hành theo Phật Pháp được một thời gian. Nhưng những người trong gia đình và xung quanh thường nói nặng nói nhẹ, vặn vẹo rồi phản bác đủ kiểu, có khi còn chửi em như tát nước vào mặt, bắt em phải từ bỏ việc tu học khiến em rất khổ sở. Xin anh cho em lời khuyên.
Quang Tử:
– Bạn thân mến.
Cũng giống như bạn, tôi cũng từng đã trải qua một thời kỳ mà cuộc sống đầy những xung đột khi mới tìm đến đạo Phật. Khi ấy, tôi cảm thấy rất chông chênh giữa một bên là lý tưởng đẹp đẽ, sáng suốt nhưng vô hình của những lời Phật dạy, với một bên là hiện thực trần trụi, thực dụng, với những tư tưởng méo mó nhưng đầy gay gắt, quyết liệt, sát sườn ngay bên cạnh của người thân, xã hội.
Thật không hề dễ dàng gì mà có thể giữ vững lập trường để thực hành lời Phật dạy trong cuộc sống khi mà chỉ có một thân một mình đơn độc, không có ai đồng hành. Đạo thì đầy ánh sáng tuyệt diệu, nhưng chỉ sáng trong tâm trí của riêng mình thôi, chứ có tí ánh sáng nào trong tâm trí những người kia đâu.
Mà phần lớn thời gian trong ngày, thì mình vẫn phải tiếp xúc, phải qua lại, làm việc và sống cùng những con người ấy. Họ có thể không đúng, lời họ nói đầy lỗi ngụy biện và thiếu thuyết phục, ấy nhưng họ thường rất mạnh mẽ, đầy nhiệt huyết, hễ nói ra cái gì là nói rất gay gắt, và trong nhiều trường hợp, họ lại chiếm số đông.
Một số Phật tử có bản lĩnh có thể thuyết phục được mọi người xung quanh cùng hướng theo mình. Điều đó rất tốt, xong cũng rất khó, không phải ai cũng làm được. Ở đây Quang Tử sẽ chỉ bàn tới những trường hợp bị xung quanh áp đảo.
Và nếu bạn ở trong hoàn cảnh này, bạn sẽ hiểu. Khi mới tu học, thì bản thân mình cũng đâu có đủ hiểu biết, kiến thức rộng rãi, lí luận sắc sảo để có thể đối đáp trôi chảy với những màn “hỏi xoáy đáp xoay” của những người xung quanh về sự khác biệt của mình. Nên dù biết mình đi đúng đường, vẫn thường bị “quần hùng áp đảo” và phải chọn cách im lặng, xem như mình đang tu nhẫn nhục vậy.
Quả là một áp lực rất lớn với một người mới bước chân vào con đường tu học, đạo tâm còn non nớt. Những lúc này, nếu như bạn có được những người bạn Đạo, những đồng tu tốt làm điểm tựa thì quả là rất tuyệt. Nhưng nếu không có thì sao ?
Thế thì ĐẠO LÝ và Ý CHÍ sẽ phải là điểm tựa của bạn.
Đạo của Như Lai không phải là một lý thuyết đọc cho vui, cũng chẳng phải là niềm tin để an ủi tinh thần mà chẳng có gì làm căn cứ. Đó là những quy luật bất diệt của vũ trụ này, và vạn vật đều phải tuân theo những quy luật ấy, không khác được.
Thế nên Phật Pháp đầy đủ vô số các bằng chứng làm căn cứ, đầy đủ lý lẽ sắc bén và logic để khiến cho thiên tài khoa học Albert Einstein phải ngả mũ thán phục và đưa ra tuyên bố:
“Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó là Phật Giáo. Phật Giáo không đòi hỏi phải xét lại mình để cập nhật với những khám phá gần đây của khoa học. Phật Giáo không cần từ bỏ quan điểm của mình để đi theo khoa học, vì Phật Giáo bao gồm khoa học cũng như vượt qua cả khoa học.”
_ Albert Einstein_
Đối với Đạo, bạn không được để mình lơ mơ, cái gì cũng “nghe người ta nói” mà chẳng rõ ràng cái gì. Bạn phải cố chủ động đọc kinh điển cho thật kỹ, nắm giáo lý cho thật chắc chắn, suy xét tư duy, đối chiếu thực tế cho thật thông tỏ. Rồi thì thời gian sẽ trả lời cho tất cả.
Những người sống ngược với quy luật Nhân quả nghiệp báo, thì hiện tại họ có thể rất mạnh miệng, nhưng rồi thời gian sẽ trả về cho họ những kết quả khủng khiếp. Họ làm thì họ chịu, ta không hùa theo, thì không phải chịu những quả báo như họ. Còn nếu ta hùa theo, sống theo ý họ muốn mà tạo nghiệp, thì sau này khi quả báo đổ xuống đầu ta, họ có chịu thay cho ta không? KHÔNG ! Hãy nhớ điều này. Không ai, bất kể là người thân hay bè bạn, đồng nghiệp… không ai đưa đầu chịu hậu quả thay cho ta đâu.
Còn nếu ta sống thuận với lẽ Đạo, nỗ lực giữ giới, siêng năng hành thiện, tinh tấn tu tập, thì hiện tại có thể gặp đầy những khó khăn, bất lợi, chống đối từ gia đình, họ hàng, nơi làm việc, xã hội… nhưng tương lai đứng về phía ta với những phước báo vượt trội, những thành tựu lớn lao. Hãy tự hỏi, khi phước báo và những thành tựu vi diệu đến, chính ta hưởng chứ ai hưởng thay ta đâu? Những người mỉa mai, chống đối ngoài kia có ban cho ta những điều này không? KHÔNG.
Hạnh phúc của ta thì ta phải tự quyết định, phải tự cố gắng mà lo xây đắp, gìn giữ lấy. Sao có thể trông chờ vào mọi người xung quanh rồi để cho ý kiến khen chê của miệng lưỡi thế gian quyết định thay được. Hãy trông chờ vào Ý CHÍ của chính mình.
Tu là hành trình lội ngược dòng đời để trở về với Đạo. Đã là lội ngược dòng, thì ta không thể hi vọng ngay lập tức có được những cái thoải mái, dễ dàng, sung sướng, phủ phê, với những màn vỗ tay tán thưởng hay thảm đỏ mà người đời trải sẵn cho ta khi ta sống đúng với Đạo. Không có chuyện đó đâu. Ta đang sống giữa dòng đời, mà đời thì nghiệt ngã lắm, và nó có vẻ rất không muốn ta thoát khỏi bàn tay kiểm soát của nó.
Người ta có thể hút thuốc lá nhả khói mù mịt ngày này qua tháng khác, khiến những người không hút thuốc xung quanh khó chịu, tăng nguy cơ ung thư phổi, xong thường mọi người cũng chỉ lắc đầu bỏ qua. Người ta có thể hát hò karaoke đinh tai nhức óc cả làng cả xóm, nhưng thường thì chẳng ai bảo sao. Người ta có thể kéo cả hội ăn nhậu bê tha, say khướt rồi cãi cọ, chửi bới, đánh lộn ầm ĩ, ảnh hưởng rất nhiều đến xung quanh, xong nếu không đến chấn thương mức nghiêm trọng hay thành án mạng, thì thường cũng không ai ý kiến gì.
Ấy nhưng nếu gặp ai ăn chay, giữ giới, sống theo lời Phật dạy, vốn chẳng ảnh hưởng gì đến ai, thì y như rằng sẽ có kha khá người nhảy vào nói móc nói mỉa, bàn ra bàn vào, phản đối từ nhẹ nhàng đến quyết liệt, chê bai là đồ mê tín, rồi kỳ thị các kiểu.
Nếu thẳng thắn hỏi họ: việc ăn chay giữ giới của đệ tử Phật thì ảnh hưởng gì đến họ ? Chắc chắn họ không trả lời được. Chẳng có cái lý nào đứng về họ cả, từ pháp luật cho đến văn hóa, từ cơ sở lý luận logic cho đến truyền thống dân tộc. Nhưng mà họ thích chống thì họ cứ chống thôi. Đời vốn đầy sự vô lý như vậy mà.
Và khi đã đi lội ngược dòng đời, ta phải xác định tư tưởng là sẽ phải đối mặt với cái hiện thực vô lý ấy. Đi xuôi dòng luôn dễ dàng, thuận lợi, nhưng càng đi càng xuống thấp. Đi ngược dòng thì luôn khó khăn, khổ nhọc, nhưng càng đi càng lên cao. Cái gì cũng có cái giá của nó. Và lựa chọn như thế nào là việc của bạn, không ai làm thay cũng như nhận kết quả thay bạn được đâu.
Điều an ủi là mọi thứ đều vô thường, không gì là còn mãi. Những sự chống đối, đả kích, dè bỉu của mọi người với sự khác biệt của người tu hành không kéo dài mãi. Khi ta cứ kiên định với con đường của ta, mặc kệ mọi người nói ngả nói nghiêng, thì sau một thời gian, họ nói chán rồi họ mệt, họ sẽ thôi. Vốn không làm tổn hại gì đến ai, thậm chí ngược lại, một người tu hành theo Phật chuẩn mực thì sẽ luôn ảnh hưởng tích cực đến xung quanh, chẳng có động cơ gì để người ta chống đối mãi. Thấy quen mắt rồi thì họ sẽ chấp nhận việc tu hành của ta là một điều bình thường.
Thời gian thì vẫn cứ trôi. Còn ta thì vẫn cứ tu. Thế thì rồi cũng đến ngày ta hưởng được trái ngọt.
Phần thưởng của Đạo, sự an nhiên, sáng suốt, cuộc sống viên mãn, vãng sinh, thành Đạo… thường đến chậm, có khi rất chậm, qua nhiều năm, nhiều kiếp. Vì là kết tinh của những năm tháng dài miệt mài tu học, vất vả thực hành, kiêng khem giữ gìn giới luật… nên khi quả ngọt đến, nó sẽ ở lại rất lâu trong ta, có thể là phước báo nhân thiên từ kiếp này sang kiếp khác, có thể còn khổng lồ hơn thế, khi thành tựu vãng sinh hay đắc Đạo.
Khi ấy, hạnh phúc của Đạo sẽ vượt xa, vô cùng xa so với những vui thú chóng nở sớm tàn của trò vui thế gian. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, thành quả của Đạo đòi hỏi sự kiên trì, đòi hỏi nỗ lực một cách bền bỉ trong thời gian dài tuân thủ, thực hành đúng theo lời Phật dạy.
Và sự kiên trì, nỗ lực ấy thì nằm ở trong tay bạn. Bạn muốn thả xuôi theo đời hay lội ngược dòng về với Đạo ? Hãy suy nghĩ kỹ và quyết định, tương lai nằm trong tay bạn.
(Quang Tử)