4 CÁCH KIỂM SOÁT NÓNG GIẬN

0
2019
Họ Đoàn :
– Anh ạ … em đọc nhiều bài viết của anh trong nhóm. Rất bổ ích, xin anh giúp em một chuyện ạ. Em hay có thói quen khi tức giận, thường vùng vằng bỏ đi và đập phá đồ đạc trước mặt người khác, nhưng em không hề có suy nghĩ sẽ làm đau người khác.
Xin hỏi anh có cách nào để kiểm soát được cơn giận không ạ. Em thực sự thấy sợ chính bản thân mình. Em cảm ơn anh
 
Quang Tử :
– Bạn thân mến, sự nóng giận, hay Phật Pháp gọi là sân hận là một thói quen có nguồn gốc hết sức lâu đời, nó như một cây cổ thụ triệu năm, ăn sâu gốc rễ trong tâm mỗi người.
Những cơn giận phát tác ra ngoài bạn thấy cũng chỉ là những trồi nhánh thôi, chặt nhánh này mọc nhánh khác. Muốn nhổ hết gốc sân hận phải là trình độ của bậc Thánh đạt quả vị A Na Hàm trở lên, dứt trừ kiết sử Sân mới vĩnh viễn không sân hận, dù chỉ một mảy may ý niệm sân hận bé như hạt bụi cũng không.
Còn phàm phu chúng ta đang tu thì chỉ mong nó giảm dần, suy yếu dần, tương lai nhiều, rất nhiều kiếp sau mới diệt trừ hoàn toàn được.
Có rất nhiều cách khác nhau để sân hận lắng xuống, tùy thời tùy hoàn cảnh mà bạn có thể áp dụng, tất nhiên áp dụng hết thì càng tốt :
Cách 1: HỌC BUÔNG XẢ MỌI THỨ
Bản chất của sân hận, là trạng thái khó chịu, bực tức khi hoàn cảnh không đúng như ý mình. Ví dụ như ta muốn yên tĩnh để ngủ, mà có con muỗi cứ vo ve bên tai không ngủ được, thế là cáu, là sân hận.
Hay ý ta muốn sau khi mình nói một câu nói ra, là mọi người sẽ hưởng ứng, tán đồng. Mà thực tế vừa nói xong lại có người nhảy vào chê bai, phản bác, thế là bực.
Cái ý muốn càng mạnh, chấp vào ý của mình càng nhiều, khăng khăng “Tôi đúng – tôi hay – tôi muốn thế nào thì là phải như thế” – tức là cái “tôi” rất cao. Ấy thế thì khi gặp hoàn cảnh không vừa ý, lại càng khởi sân hận, bực tức dữ dội hơn.
Vậy đảo ngược tiến trình, nếu ta giảm cái bám chấp vào ý muốn của mình, không coi trọng ý của mình quá nhiều, cũng tức là hạ cái “tôi”, cái bản ngã thấp xuống, thì sân cũng sẽ giảm xuống.
Muốn được vậy cần có một quá trình tu tập buông xả. Cụ thể, là cần thường xuyên quán chiếu thân thể ta, tâm ta, mọi sở hữu của ta, cùng tất cả vạn vật đều vô thường, sớm nở tối tàn, nay còn mai mất … để tâm buông bỏ, không còn bám chấp, không còn coi trọng cái này là Ta, cái kia là của Ta, tất cả chắc chắn một mai đều sẽ biến mất sạch. Vì ta đã sinh ra thì phải chết đi.
Mà đến khi chết, thân xác này còn tan hoại thành tro bụi, không sở hữu được, tất cả mọi thứ khác theo đó mà cũng tan.
Rồi đến khi đầu thai chuyển kiếp, mọi thứ đang có đây sẽ chẳng còn lại gì, ngay đến kiếp trước là ai, tên gì còn chẳng nhớ, được mất như nhau, hơn thua không nghĩa lí gì. Vạn vật vô thường, bám chấp vô ích.
Hàng ngày dành thời gian tầm nửa tiếng trở lên quán chiếu Vô Thường để tâm rèn luyện khả năng buông xả như vậy, sẽ khiến cái “tôi” – cái bản ngã từ từ xẹp xuống.
Đến khi gặp việc đáng lý nổi giận, thì tâm do được huân tập, sẽ nhanh chóng hạ nhiệt xuống, dễ dàng buông xả hơn. Như những thiền sư tu hành ở trình độ cao, bản ngã được kiểm soát chặt, rất khó có chuyện gì mà nổi sân được.
Nhưng lý thuyết nói vài câu đơn giản vậy thôi, chứ thực hành sẽ khác một trời một vực. Cần phải là người có bề dày tu hành nhiều năm, nhiều kiếp về quán chiếu buông xả mới làm được. Còn đa số chỉ nghe nói qua như trên, hoặc mới tu sơ sơ sẽ thấy cách này rất khó khăn. Vậy nên Quang Tử sẽ giới thiệu thêm 3 cách khác:
 
Cách 2 : NIỆM “NAM MÔ ĐẠI BI QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT”
 
Trong kinh Phổ Môn viết : ” Nếu có chúng sanh nặng nghiệp dâm dục, thường cung kính niệm Bồ tát Quán Thế Âm, lần lần sẽ được ly dục; hoặc nặng nghiệp sân hận, thường cung kính niệm Bồ tát Quán Thế Âm lần lần sẽ được hết sân”
Phật dạy trong kinh thì không thể sai. Cách này tưởng chừng đơn giản, có cảm giác như không liên quan, nhưng lại là cách rất hiệu quả.
Mỗi ngày niệm từ 3000 – 10000 câu Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, sám hối những lần khởi sân hận trước kia, cầu Ngài gia hộ cho bản thân mình cùng tất cả chúng sinh không còn khởi sân hận, oán giận … nữa. Kiên trì như thế, người nhanh người chậm, nhưng chắc chắn sẽ có kết quả.
Cách 3: KHEN NGỢI ĐỨC TÍNH KHÔNG SÂN HẬN
Nếu một người thường ca ngợi, khen ngợi những vị Thánh nhân, vĩ nhân, những người có đức nhẫn nhục giỏi, không sân hận, cũng như thường chia sẻ những câu chuyện nhẫn nhục của họ để mọi người kính ngưỡng, học tập theo. Người đó tự nhiên sẽ bớt tính nóng giận.
 
Đây là dựa theo một nguyên lý của luật nhân quả : khen ngợi ai điều gì, chính mình sẽ được như điều đó. Thế nên khen ngợi đức tính nhẫn nhục, ôn hòa, không sân hận của mọi người, nhất là các thánh nhân, vĩ nhân, sớm muộn chính mình sẽ được như vậy.
 
Cách 4 : HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC
Bạn cần tạo nhiều công đức khác nhau ( lạy Phật, phóng sinh, ấn tống, hiến máu, bố thí.v.v…), rồi hồi hướng công đức đó cầu cho mình cùng tất cả chúng sinh không còn bị sân hận chi phối.
Đây xem như là chìa khóa vạn năng, hễ mong ước điều gi cứ hồi hướng công đức cầu điều đó, luật nhân quả sẽ sắp xếp cho đúng như ý nguyện. Tuy nhiên, nhanh hay chậm cũng khó biết, thường thì luật nhân quả sẽ rất chậm rãi, giống như tốc độ mọc lên của một cái cây vậy. Tùy người mà phải qua nhiều năm đến nhiều kiếp mới thấy kết quả.
 
Trên đây Quang Tử giới thiệu sơ qua 4 cách, thực ra Phật Pháp còn nhiều cách khác, xong kể nữa e bạn sẽ phân tâm. Bạn cứ kiên trì thực hành, càng nhiều càng tốt. Nếu thấy mình bình tĩnh hơn, ít nổi giận rồi. Thế thì càng phải tiếp tục hành trì, vì cái bình tĩnh đó chỉ là bẻ được một chút ít chồi non bên trên của cái “cây đại thụ sân hận” mà thôi. Còn cả một bộ gốc rễ ăn sâu bên dưới, lúc nào cũng có thể bùng phát, nên bạn cần kiên trì. Chúc bạn áp dụng thành công.
 
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận