BỊ TAI NẠN ĐỘT T.Ử, BÀ MẸ LIÊN TỤC NHẬP VÀO KÊU OAN VÀ PHA XỬ TRÍ NGOẠN MỤC CỦA CON GÁI

0
395

Rảo bước trên con phố Lê Văn Hiến, thuộc phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, bà Thận chả mấy chốc đã tới cổng Học Viện Tài Chính. Trời đang là mùa đông, nhưng nay lại có nắng vàng rụm, đua nhau xen qua kẽ lá phủ xuống mặt đường, khiến không khí đôi phần ấm áp, không gian bừng tỉnh sau mấy ngày ủ dột. Quãng đường đi làm của bà vốn đã gần, vì thế càng rút ngắn hơn. Người tản bộ đi ngang qua, thường nghe tiếng niệm Phật lầm rầm, phát ra từ chiếc đài nhỏ bà đeo trên cổ, cũng có khi là tiếng niệm nho nhỏ của chính bà.

Chiều về, tại căn nhà riêng trong ngõ 56 cũng trên phố Lê Văn Hiến, ông chồng bà ngồi vắt chân trên ghế, nhấp một ngụm chè, ánh mắt hướng về bà Thận, nhìn vợ nấu cơm nhưng miệng không ngừng ngớt “Nam Mô A Di Đà Phật”. Ông gằn giọng, nói vọng vào trong:

– Đang sống sờ sờ ra, mà bà cứ nghĩ đến cái chết là sao?

Bà Thận đáp lại bằng một nụ cười, hai tay vẫn thoăn thoắt nấu nướng. Lát sau, khi đã xong xuôi, mới trở ra với chồng:

– Chết có hết đâu mà sợ, mình lại đầu thai kiếp khác. Đi về đâu mới là quan trọng, tôi chỉ muốn về Cực Lạc.

Ông thở hắt ra một cái, lắc lắc cái đầu ra điều ngán ngẩm, mặc dù rất yêu vợ, nhưng thật tình chưa thể nào chấp nhận được tư tưởng kì lạ này. Gì mà “đầu thai” với “Cực Lạc”, toàn những thứ mơ hồ đâu đâu.

– Tôi chả nói lại được, thôi mặc kệ bà.

Bà Thận đã quen với thái độ của chồng, tuy không ủng hộ mình tu hành, nhưng ít ra cũng không gây cản trở, thế là may mắn lắm rồi. Vừa sắp xong mâm cơm, hai vợ chồng chuẩn bị bưng bát lên, thì Thương – cô con gái lớn mở cửa bước vào.

– Ủa Thương? Qua mà không báo trước để mẹ nấu thêm chút đồ ăn, bữa nay cơm canh đơn giản quá.

– Con ăn rồi ạ, con đi ra đây có việc, tranh thủ ghé qua một chút. Sao bố mẹ ăn muộn thế?

– Chiều nay mẹ chép Phật hiệu, được hơn hai mươi quyển vở rồi đấy, mải mê quá nên quên cả giờ, để bố mày đói kia kìa, khổ thân.

Tiện thể có con gái ở đây, chồng bà Thận được dịp than phiền:

– Mẹ mày còn biết bố đói cơ đấy, lúc nào cũng “Nam Mô A Di Đà Phật” quên cả chồng.

– Mẹ lúc nào chả nấu cơm cho bố, chắc thi thoảng mới nhỡ nhàng một bữa, bố sướng nhất rồi, mà vẫn bắt nạt mẹ.

Bà Thận cười mỉm đồng tình, còn ông chồng bà im im chẳng nói gì, ánh mắt xéo lên nhìn vợ, ra vẻ lạnh lùng một chút lấy uy, nhưng trong đầu thầm công nhận. Quả thật, vợ ông đẹp người đẹp nết, sống hài hòa biết trên biết dưới, chu toàn gia đình, đối nội đối ngoại rất được lòng anh em. Tất nhiên chả ai hoàn hảo trăm phần trăm, nhưng nếu chấm điểm, ông ưu ái chấm cho vợ tám điểm trên mười.

Bà Thận nuốt xong miếng cơm, chợt nhớ ra, muốn dặn dò Thương một việc trọng đại. Thực ra bà đã nói với gia đình từ khi Thương chưa lấy chồng, nhưng thi thoảng vẫn phải nhắc lại.

– Khi nào mẹ mất nhớ niệm Phật cho mẹ, thắp hương chay tịnh con nhé, dặn thế!

Ông chồng giật mình, lẩm bẩm: “Cái bà này, nói chuyện sống chết cứ như đùa”.

– Mẹ hãy tinh tấn niệm Phật, đừng lo lắng nhiều. – Thương đáp.

– Mẹ phải dặn nhiều lần cho chắc. Chuyện đại sự cả đời, lỡ một lần lúc lâm chung, biết đến đời nào kiếp nào mới được vãng sinh. Nhớ là không ai được khóc, kiếp người vô thường, có gì phải lưu luyến, mời được ban hộ niệm thì tốt, không thì cả nhà cứ chí tâm niệm Phật cho mẹ, kiêng giết chóc, cúng mẹ nhớ cúng chay, nhớ?

– Mẹ yên tâm. Con nhớ rồi mà. Mẹ còn trẻ khỏe chán, còn lâu mới tới lúc đó.

– Sinh tử bất chợt, biết đâu được trước.

Ông chồng vội ngắt lời:

– Thôi thôi, gở mồm quá. Đừng nói nữa, ăn đi cho tôi nhờ.

Kể từ hồi biết Phật Pháp, bà Thận, tên đầy đủ là Ngô Thị Thận, vẫn cứ hay nói chuyện về sống chết với mọi người, ấy cứ bình thường như ra chợ mua rau vậy. Nếu trong họ có đám, bà khuyên mọi người bình tĩnh, không được khóc, chỉ nên niệm Phật. Chả bù hơn chục năm trước, khi chưa biết tu, thay vì thế, bà chính là người khóc to nhất nhà, ngất lên ngất xuống, nước mắt giàn dụa, đau xót không cầm được lòng.

Thấy chồng biểu tình, bà Thận gật đầu đồng ý, chuyển sang nhắc nhở Thương:

– Còn con? Từ ngày lấy chồng hình như lười tu phải không? Ai chả biết cơm áo gạo tiền, gia đình con cái là quan trọng, nhưng không thể vì thế mà chểnh mảng tu hành. Phải biết việc nào là đại sự. Con thành tựu đạo nghiệp, thì người thân về sau mới được nương nhờ. Giúp họ cơm ăn áo mặc chỉ là chuyện một đời, lo cho sự giải thoát của họ mới là chuyện lâu dài nhiều kiếp.

– Đúng là mấy năm nay con biếng nhác hơn hẳn. Con cũng sốt ruột lắm chứ, mà cuộc sống cứ bận rộn mãi.

Nói chuyện một hồi, hai ông bà đã xong bữa, đồng hồ điểm tám giờ tối, Thương vội vã trở về nhà với chồng con. Nhịp sống hối hả lại tiếp diễn với Thương, lo toan bộn bề nào gia đình, nào công việc, nào đủ thứ việc trên đời, bảo buông bỏ đi để theo một lý tưởng giải thoát nào đó, nói thì dễ, chứ để làm được… ây cũng thật là khó.

Còn mẹ cô tu tập ngót nghét hơn mười năm, với những hiểu biết của mình, bà chắc mẩm bản thân không còn lưu luyến gì nơi thế gian này. Bà đối xử với người thân bằng sự yêu thương, nhưng không ái luyến, bi lụy. Khi thọ mạng hết, bà nghĩ sẽ sẵn sàng buông bỏ tất cả để về cõi Tịnh.

Ngày tháng trôi qua, cuộc sống của bà đều ổn thỏa, những gì cần chuẩn bị, dặn dò cũng đã làm, hiện tại bà chăm chỉ niệm Phật, chờ tới lúc hết thọ mạng, đợi Phật tiếp dẫn.

_______________________

…Rầmmmmm…

Chiếc xe ô tô bảy chỗ từ đâu lao thẳng về phía vỉa hè, va phải một người phụ nữ luống tuổi, tài xế vội vàng thắng phanh… Kétttttttttt!!! Nhưng không kịp, bánh xe đã đè bẹp nạn nhân, cán đứt lìa phần chân từ đầu gối trở xuống, máu tươi chảy ào ào, đọng lại thành một vũng lớn. Người đàn bà đột tử, không kịp kêu một tiếng nào.

“Ối giời ơi, đâm chết người rồi”. Một tiếng thét vang lên không rõ của ai, khiến cả đám đông lao tới. Vài người ngó nghiêng nhìn mặt nạn nhân, chợt có người nhận ra hàng xóm của mình:

– Ôi, bà Thận ở ngõ nhà tôi mà. Ôi trời ơi, mau gọi người nhà ra.

Nhà riêng của Thương ở quanh khu vực đó, chẳng mấy chốc cô đã có mặt tại hiện trường. Xác nhận đúng là mẹ mình, bà bị xe cán chết trên đường đi làm về, cô bàng hoàng, hai mắt đờ đẫn, thần trí hỗn loạn, không phản ứng được gì. Một hồi sau mới định thần, òa lên khóc. Hôm ấy là ngày 18/12/2023.

Nửa tiếng sau, Thương hoàn hồn. Người đầu tiên cô gọi điện thông báo là chị bạn đồng tu thân cận, nói trong nước mắt:

– Mẹ em bị tai nạn, không kịp cấp cứu, mất rồi chị ơi.

Chưa để Thương nói tiếp, chị bạn hiểu ngay, ngỏ ý sẽ tụng Kinh Địa Tạng, niệm Phật, đọc thần chú Lăng Nghiêm hồi hướng công đức cho bà, nhắc nhở Thương về công tác chuẩn bị hậu sự, kẻo sợ Thương sốc quá lại chẳng nhớ gì.

Rồi tang lễ cũng được chu toàn, ngày đưa tro cốt bà về quê chôn cất, gia đình một phen bất ngờ gặp lại bà Thận…

Cả họ hàng đang có mặt tại nghĩa trang, bỗng một giọng nói ú ớ kì lạ vang lên, xen lẫn giữa những tiếng khóc than rên rỉ của thân quyến. Mọi người cùng một lúc đổ dồn ánh mắt về người chị họ của Thương. Thân thể cô gái chao đảo, giật cục nấc lên từng hồi, đôi mắt ngây dại, im im một lúc rồi khóc lóc dữ dội:

– Tôi bị oan ông ơi, mẹ bị oan con ơi, tại người ta đâm vào mẹ.

Mọi người căng tròn con mắt, chợt hiểu ra, biết hương linh bà Thận về kêu oan. Chồng bà Thận mấy ngày hôm nay đau buồn quá mức, tuy khá bất ngờ trước sự việc hồn về mượn xác, nhưng rồi cũng bất chấp lao tới gặp vợ.

– Ối bà ơi, sao bà ra đi đột ngột thế, để lại tôi một mình đơn chiếc. Ngày đêm tôi biết nói chuyện với ai, ăn cơm với ai bây giờ?

– Ông đừng buồn nữa. Nhớ đem tôi lên chùa sớm, tôi muốn về chùa.

Đôi vợ chồng già, một âm, một dương cùng nhau khóc vang cả khu an táng. Thương nhìn cảnh ấy, tuy rằng rất xót xa, nhưng vấn đề làm cô lo lắng hơn cả, chính là việc vãng sinh của mẹ. Dù mẹ cô đã chuẩn bị cho giây phút lâm chung bao nhiêu năm, nhưng cuối cùng thì giờ này vẫn ở đây, tâm còn oán thán với vụ tai nạn, thương nhớ chồng con, lưu luyến cõi trần. Thương nhanh chóng nhắc nhở:

– Mẹ ơi, nghiệp đã trả xong, mẹ đừng vương vấn nơi đây nữa, mau niệm Phật cầu Phật tới tiếp dẫn mẹ vãng sinh Cực Lạc đi, mẹ quên rồi sao?

Thương vừa dứt lời, mẹ cô trong xác người chị họ bỗng dưng chắp hai tay vào nhau, ngồi kiết già, miệng lầm rầm “Nam Mô A Di Đà Phật” hòa cùng tiếng niệm Phật của Thương và con cháu quanh đó đang phát tâm niệm Phật cho bà, sau đó bà thoát trả lại xác cho chị họ Thương.

Việc an táng cho bà Thận xong xuôi, mọi người về nhà, thời gian này có lẽ chồng bà là người bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề nhất. Ông già đi hẳn, ủ rũ như người mất hồn, cả ngày chả đi đâu, cứ ru rú trong nhà…

Thương vừa lo bố tinh thần không được ổn, vừa lo mẹ vẫn đau khổ trong cõi giới vô hình. Đây chính là lúc cô phải tận tâm dồn sức báo hiếu. Lập tức, cô nhấc máy nhờ được ba đạo tràng quen biết nhờ hồi hướng thêm công đức tu tập cho mẹ cô.

Tranh thủ trong khoảng thời gian bốn mươi chín ngày, Thương tạo rất nhiều công đức, cốt để giúp bà Thận tiêu nghiệp, tăng phước, vãng sinh Tịnh Độ. Cụ thể, cô đúc tượng ngài Địa Tạng, khuôn tượng Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm, in kinh Địa Tạng, một trăm cuốn kinh Lăng Nghiêm, một nghìn bản chú Lăng Nghiêm, cúng dường Tam Bảo, phóng sinh mỗi tuần thất.

Trong căn nhà nhỏ cô quạnh, chồng bà Thận lụi hụi nấu cơm chay. Vợ ông đã nấu cho ông ăn cả đời, nay cơm cúng bà đều do ông tự tay vào bếp. Cả ông và các con đều ăn chay trong bảy tuần thất, riêng Thương phát nguyện chay trường cả đời. Thấy bố lụ khụ bê mâm cúng đặt lên ban thờ, Thương đang tụng kinh, cất tiếng hỏi:

– Sao bố không bảo con bê lên cho?

– Mày đang làm lễ cho mẹ thì cứ làm đi.

– Con tụng kinh Địa Tạng, được gần ba mươi biến rồi, tranh thủ rảnh lúc nào con đọc lúc đó.

– Ừ, cố gắng cho mẹ mày đỡ khổ. Hóa ra mẹ mày nói đúng, chết có hết đâu.

Nói xong, ông lò dò đi xuống nhà, để con gái tiếp tục làm lễ. Kể từ ngày mẹ mất, Thương chăm chỉ, tinh tấn hơn rất nhiều, miệng cô lúc nào cũng niệm Phật, dù đang nấu cơm, quét nhà, rửa bát, lái xe v.v… cô đều tranh thủ niệm Phật y như cái cách bà Thận tu hồi còn sống. Bản thân cố gắng rất nhiều, trong lòng Thương cũng yên tâm hơn phần nào, hy vọng mẹ vì thế không còn đau khổ nữa.

Cuối tuần, các cô bác trong họ lui về chùa tụng kinh hồi hướng cho bà Thận. Tiếng kinh chú đang ngân vang, chợt một cụ già run lên, mắt nhắm nghiền lim rim, rồi lại trừng lên sợ hãi. Bác của Thương ngồi gần đó, biết chắc có vong nào đó nhập về, mới hỏi:

– Ai thế?

Chợt bà cụ khóc òa lên:

– Tôi bị oan quá. Người ta đâm vào tôi.

Nghe tới đây, mọi người nhận ra ngay là bà Thận, bác của Thương lập tức an ủi:

– Giờ em đừng bám chấp vào điều gì nữa, chỉ càng thêm đau khổ. Em ở chùa niệm Phật, tụng kinh cùng mọi người nhé.

Bà cụ gật đầu lia lịa tỏ vẻ đồng ý, thoáng chốc hương linh bà Thận đã thoát ra. Lúc đó không có mặt Thương, nên khi nghe kể lại, cô rất lo lắng. Mình đã cố gắng tạo nhiều công đức như vậy, nhưng mẹ vẫn còn khổ, nói gì tới vãng sinh. Nghĩ tới đây, hai tròng mắt Thương hoe đỏ. Trong lòng cô dồn dập nhiều suy nghĩ. Không an lòng, cô ra chùa, cung kính quỳ trước Tam Bảo, phát nguyện:

– Con xin phát nguyện ăn chay trường cả đời, cúng dường Tam Bảo, ấn tống kinh sách, bố thí trong khả năng của mình, đọc chú Lăng nghiêm và Kinh Địa tạng để làm lợi lạc cho chúng sinh, cầu xin đức Phật thương xót cứu linh hồn của mẹ con, tiếp dẫn mẹ con về Cực Lạc vĩnh viễn thoát khỏi khổ đau luân hồi. Con xin đem trường hợp của mẹ làm bằng chứng để mọi người tăng thêm tín tâm vào Phật Pháp. Xin Tam Bảo gia hộ.

Trong lòng cô băn khoăn. Khi còn sống, bà Thận rất chịu khó tu hành, bản thân cô cũng làm nhiều công đức để hồi hướng, tại sao bà còn chưa thoát khổ?

Thương đem những trăn trở này kể cho anh Quang Tử, một vị thiện tri thức mà cô theo dõi facebook từ lâu. Hiểu được vấn đề của Thương, anh hướng dẫn cô tiếp tục làm những công đức mà cô vẫn đang làm, cộng thêm thực hiện những buổi lễ cầu siêu cho mẹ theo nghi thức anh gửi.

Cô đứng trước ban thờ, tâm sự với mẹ như đang nói chuyện với một người bình thường:

– Mẹ à, mẹ hãy buông bỏ hết tất cả, không ái luyến gia đình, đừng oán chấp người gây tai nạn nữa. Nghiệp mẹ đã trả xong. Giờ là lúc mẹ nhớ Phật, niệm Phật như mẹ vẫn dặn dò con.

Nói xong, Thương bắt đầu làm lễ cầu siêu. Phần đầu là lễ Phật, cúng thí thực, phần sau là khai thị để vong linh buông bỏ bám chấp, rồi trì chú Đại Bi, niệm Phật cầu vãng sinh. Cứ như vậy, ngày nào Thương cũng làm lễ siêu độ, cũng được khoảng hơn chục lần.

Trong cuộc họp gia đình, Thương ngỏ lời cảm ơn các cô bác anh chị đã hỗ trợ phần hậu sự, mời cả nhà tới hôm thất thứ năm (35 ngày sau khi mất) cùng đưa vong linh mẹ cô lên chùa theo đúng tâm nguyện của bà.

– Chị xin phép hôm đó không có mặt. Chị sợ bị nhập lắm. – người chị họ của Thương rùng mình, nổi cả da gà khi nhớ lại khoảnh khắc đó.

– Dạ vâng. Chị cứ ở nhà nghỉ ngơi nhé. Mọi người cũng vất vả nhiều rồi.

– À chị kể em nghe, mấy hôm nay chị đều nằm mơ thấy bà, trông bà rất đẹp, mặc quần áo cũng đẹp, vui vẻ nói với chị “sắp đủ rồi”. Mà chị không hiểu bà đang nói đủ cái gì?

– Thật hả chị? Thấy mẹ vui vẻ là tốt hơn rồi chị ạ. – Ánh mắt Thương lấp lánh hy vọng.

Đúng ba mươi lăm ngày sau khi mất, tất cả có mặt đông đủ tại chùa, run rủi thế nào, người chị họ nghĩ đi nghĩ lại rồi vẫn đến. Cô vừa ngồi xuống, khoanh chân, chưa kịp mở miệng niệm Phật cùng đại chúng, thì hương linh bà Thận đã nhanh chóng mượn xác.

Bà đưa mắt khắp bốn phía rồi dừng lại nơi chồng bà đang ngồi. Bà vừa khóc vừa gọi chồng:

– Ông đừng nhớ thương tôi nữa, mối dây tơ hồng đứt rồi, ông phải đi ra ngoài đi lại, chứ đừng ở trong nhà khóc mãi. Nhìn ông như thế, tôi không đành lòng ra đi.

– Bà hãy yên tâm mà ra đi, tôi sẽ niệm Phật cho bà – chồng bà Thận nén những giọt nước mắt vào trong, ân cần đáp.

– Mẹ, bây giờ mẹ chỉ cần nhớ Phật, niệm Phật thôi, hãy buông bỏ hết tất cả – Thương nói – Chúng con sẽ chăm lo cho bố, mẹ cứ an tâm vãng sinh Cực Lạc mẹ nhé.

Bà Thận lập tức giơ tay lên khua khua, ra hiệu trật tự, để bà lạy Phật.

Thương chột dạ, phải chăng mình đã hơi nhiều lời. Mẹ cũng đã biết thừa điều đó. Rồi bà lạy Phật liên tục, sau đó bắt tay từng người trong gia đình, nói lời cảm ơn họ thời gian qua đã có mặt, lo lắng cho bà, cũng là lời từ biệt.

– Chân của tôi đã được chư Phật gia hộ cho lành lặn, đi lại được rồi, từ hôm nay tôi không còn đau khổ gì nữa. Tí nữa khi bước chân ra khỏi đây để theo Phật, sẽ không còn mẹ con, không còn chồng vợ,… nghiệp ở nơi đây tôi đã trả xong, không còn gì vấn vương nơi cõi trần này nữa. Đây là lần cuối cùng, tôi sẽ không về thêm lần nào nữa đâu. Tôi sẽ đi theo Phật !

Bà Thận từ đó không nói thêm lời nào, chỉ ngồi niệm Phật, tụng kinh cùng đại chúng. Khóa lễ kết thúc, bà quỳ hướng về Tam Bảo, lạy Phật, lạy khắp xung quanh, rồi bà thoát ra. Đúng như câu cuối cùng bà nói “Tôi sẽ đi theo Phật”, bà theo ánh hào quang của Phật A Di Đà đi về Tây Phương Cực Lạc, từ đây chấm dứt vĩnh viễn mọi khổ đau nơi cõi thế gian.

Thương thở phào nhẹ nhõm. Giờ đây cô đã hiểu “sắp đủ rồi” là như thế nào. Cuối cùng thì lượng công đức mà cô cùng nhiều bạn đồng tu kiên trì tạo bấy lâu nay kết hợp với lượng phước tự thân của mẹ cô đã tới lúc đủ đầy để bà được vãng sinh. Nếu như Thương nản chí bỏ cuộc giữa chừng, sự nghiệp vãng sinh của bà sẽ còn bị trì hoãn không biết tới bao giờ. Sự nỗ lực của người thân vì vậy thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với người quá cố.

Kể từ ngày chứng kiến bà Thận được về với Phật, chồng bà đã có một bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về Phật Pháp, con trai út nay đã bắt đầu biết tu tập, còn Thương ngày càng tinh tấn hơn, tiếp bước mẹ mình, nguyện tương lai cũng sẽ về miền Cực Lạc.

(Trích “Linh ứng đất Việt” – Tĩnh Như)

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận