Đơn giản hóa những điều không hề đơn giản
Vũ trụ này rất nhiều quy luật chằng chịt, sống giữa đời mà không chịu tìm hiểu các quy luật để biết việc gì cần làm, việc gì cần tránh, nói thẳng là lười tư duy cho não nó khỏe, thì không thể tránh khỏi việc sẽ bị các quy luật vũ trụ mạnh như vũ bão “cán qua”, nhẹ thì bị thương, nặng thì bị nghiền nát. Lúc đó gào khóc kêu than cũng đã muộn.
Đạo Phật thường giảng về quy luật Nhân quả và cách thức giữ giới để tránh được những quả báo khốc liệt. Đạo Phật cũng dạy về quy luật Vô Thường để con người ta học cách buông bỏ, không khổ sở vì các bám chấp. Và Đạo Phật còn dạy nhiều quy luật quan trọng khác nữa, liên quan chặt chẽ, thiết thực tới cuộc sống vui buồn sướng khổ của con người.
Nhưng được mấy ai chịu dày công tìm hiểu và ngẫm nghĩ, rồi áp dụng thực hành vào cuộc sống. Đa số mọi người thường tìm một cách đơn giản để hiểu được Đạo, kiểu như khi cần làm gì đó thì hỏi người này người kia, nghe các loại “người ta nói”, hoặc giả khá hơn thì chọn nghe một số vị giảng sư nào đó thấy mến mộ mà nghe.
Còn đối với việc học giáo lý Phật Pháp một cách nghiêm túc, tìm tài liệu có giá trị, đọc nhiều kinh điển của Phật thuyết, đa số thường viện các lí do như bận rộn việc gia đình, bận việc mưu sinh… để không tìm hiểu. Lấy lí do nhức đầu, chán, buồn ngủ … để không phải tư duy, nghiền ngẫm giáo lý. Lấy lí do truyền thống, sức ép gia đình, sức ép đám đông xã hội… để né tránh áp dụng thực hành lời Phật dạy.
Rồi chính vì không tìm hiểu – tư duy – áp dụng thực hành (không đủ trình tự Văn – Tư – Tu ) nên không có được nền tảng hiểu biết một cách rõ ràng về đạo lý, về các Quy luật, nên chắc chắn sẽ phạm sai lầm, cuộc sống sẽ gặp phải các vấn đề, nạn lớn, nạn nhỏ, họa đơn, họa kép.
Lúc đấy mới đi tìm hiểu thì cũng chỉ là tìm cách khắc phục hậu quả mà thôi, mà hậu quả cũng chia nhiều loại, có cái khắc phục được ngay, có cái… chỉ có chờ đầu thai kiếp khác mới hết, và thân mình phải hứng chịu nhiều khổ sở đáng tiếc.
Đến lúc đấy thì mới vơ với hỏi hết người này đến người kia tìm cách hóa giải, toàn là “nghe người ta nói” mà chẳng biết phân biệt thật giả, cao thấp, chẳng biết cái người nói ấy có đủ trình độ để nói đúng không ? có đủ độ tín nhiệm để nghe theo không hay sẽ rơi vào bẫy lừa ?
Lắm người u mê đến mức chỉ là nghe “mấy bà hàng xóm” hay ngồi lê đôi mách nói rồi cũng lật đật làm theo, trong khi những người đó nào có chuyên môn gì để hướng dẫn được người khác. Rồi nào thì hỏi thầy bói, hỏi cô đồng, chẳng phân biệt được Phật Pháp chân chính với những tín ngưỡng dân gian khác biệt nhau xa đến mức nào.
Một số người thì tự tin rằng “Tôi thường xin Phật gia hộ cho tôi đi đúng chánh pháp, thì chắc chắn tôi sẽ gặp được chân sư, hiểu đúng giáo lý”. Tin buồn cho những ai tưởng như vậy, đời không như bạn tưởng đâu !
Hiểu đúng chánh pháp là một thứ vô cùng quý giá, và mọi thứ quý giá đều phải đánh đổi bởi một lượng công sức bỏ ra tương xứng, chứ không phải xin là có. Đức Phật chưa từng hứa khả trong kinh điển nào là Ngài sẽ ban cho tất cả những ai khấn xin “Chánh pháp” đều sẽ có được “Chánh pháp” cả, bạn hãy nhớ điều đó.
Và ngay cả với những người may mắn gặp được Chánh pháp, nhưng vì thói quen tư duy lỏng lẻo, ít chịu suy ngẫm thấu đáo, thích hiểu một cách “đơn giản hóa”, thì Chánh pháp đi qua “lăng kính tư duy” của người như vậy cũng sẽ biến thành tà pháp. Người đó lấy đúng giáo lý Phật dạy trong kinh ra, nhưng giáo lý ấy cũng sẽ bị bóp méo, bẻ cong, giải thích thành một lối hiểu sai lầm, từ đó áp dụng một cách sai lầm, gây ra các loại hậu quả.
Rồi một số người thì thích đi tìm các bậc cao tăng, minh sư để mong học được các pháp bí truyền. Bạn cần biết việc này cũng rất khó, vì thời nay thật giả lẫn lộn, làm sao bạn biết được ai là minh sư ? Rồi thầy trò cần phải có duyên mới có thể truyền dạy, đã là một bậc minh sư thì các Ngài đều hiểu rõ về chữ Duyên, về Căn cơ khác biệt nên đều cẩn trọng, không phải gặp ai cũng vơ với nhận đồ đệ, rồi thao thao bất tuyệt giảng Đạo đâu.
Cho dù bạn nhờ duyên phước gặp được bậc Thiện tri thức nói chuẩn đạo lý, thì vị đó cũng chỉ hướng dẫn rõ ràng, hiệu quả cho những người có tâm cầu đạo mạnh mẽ, sẵn sàng đầu tư thời gian nhiều năm, sẵn sàng chịu khó chịu khổ học Đạo, hoặc đã có được nền tảng giáo lý vững vàng.
Còn với những người quá sơ cơ, thì cùng lắm chỉ hướng dẫn được vài điều sơ đẳng mà thôi, không phải giáo lý trọng yếu, có năng lực vi diệu của Phật Pháp. Vì những giáo lý đó luôn luôn phải được dạy và học một cách bài bản trong nhiều năm, nhiều kiếp, không bao giờ hỏi một hai câu mà truyền dạy được.
Tìm được một bậc Minh sư đã khó, còn có thể trở thành một đệ tử thật sự của bậc Minh sư đó còn khó hơn ngàn lần. “Gió tầng nào gặp mây tầng đó”. Nếu bản thân không có chút nỗ lực phấn đấu để trở thành một “người xứng đáng” trước, làm sao có thể đón nhận được sự dạy bảo chân truyền đầy quý giá từ các bậc Minh sư ? Rốt cuộc làm sao có thể thông suốt được đạo lý, thấu hiểu được các Quy luật phức tạp của thế giới này ?
CÁCH KHẮC PHỤC
Thay vì cố “đơn giản hóa” những quy luật, những giáo lý không hề đơn giản, hoặc lệ thuộc vào việc nghe “người ta nói” – bất kể người ta đó là một ông thầy nổi tiếng, hay chỉ là người vô danh, sau đó chọn TIN hay KHÔNG TIN theo cảm xúc, theo lối mòn quan điểm của mình xưa nay.
Hãy dành thời gian chủ động tìm hiểu, suy xét lại để có được một TƯ DUY ĐỘC LẬP, đặt ra các câu hỏi phản biện, vẽ ra các bảng so sánh, tìm thêm các bằng chứng, dữ liệu cùng chủ đề, đọc nhiều những câu chuyện có thật trong Phật Pháp, đọc nhiều kinh điển Phật dạy… để có được cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn, chân thực hơn.
Sau đó tổng kết các ý lại thành một hệ thống, tham khảo, đối chiếu với lời dạy của các vị thiện tri thức, bạn sẽ có được một vốn hiểu biết của riêng mình, thấy rõ đúng ở đâu, sai ở đâu một cách cụ thể.
Từ đó từng bước áp dụng vào cuộc sống, biến các lý thuyết thành sự thực hành. Trải qua bề dày thực hành rồi, bạn sẽ có một cái nhìn khác xa so với người chỉ biết lý thuyết suông. Những kết luận bạn rút ra được từ thực tế hành trì sẽ hợp lý hơn, linh hoạt hơn, sâu sắc hơn nhiều lần mà sách vở không tài nào miêu tả rõ được. Và đó là khởi đầu cho một trí tuệ sáng suốt.
Tuy nhiên, cũng đừng bám chấp lấy kết luận đó, quá trình tiếp cận sự thật, hiểu được chân lý cần trải qua rất nhiều lần tổng kết rút ra kết luận, rồi lại phá bỏ chính cái kết luận mình đã rút ra, khi tìm thấy những bằng chứng mới nằm ngoài cái biết hiện tại.
Khi ấy ta lại phải phân tích lại, lập luận, xây dựng lại một hệ thống kiến giải về các quy luật mới chính xác hơn. Điều đó cũng giống như leo lên trên một cái thang dẫn lên cao, người ta sẽ không ngừng lặp đi lặp lại động tác: một tay thì với tới các nấc thang trên cao, đồng thời tay kia phải buông ra khỏi nấc thang phía dưới mà mình đang nắm.
Lặp đi lặp lại nhiều lần quá trình xây- phá những kiến giải về các quy luật, kiến giải của bạn sẽ trở nên uyên bác, chính xác và toàn diện hơn, đến gần được với sự thật hơn. Khi đó, trí tuệ, hiểu biết chân chính mới thực sự là của bạn, không lệ thuộc vào ai, tự mình vận dụng được các quy luật vào cuộc sống, biết phải làm gì là đúng đắn trong từng trường hợp phức tạp của cuộc đời.
(Quang Tử)