NỮ ĐỒ TỂ BUÔNG DAO TỈNH NGỘ

0
759

 

Quyến yếu ớt ngã khụy xuống, máu từ trong người ộc ra như suối, từ đầu đến chân nhuốm một màu đỏ tươi. Cô nhìn thấy toàn thân mình nằm trên vũng máu rồi bất ngờ lịm đi lúc nào chẳng hay. Một lát sau, người thân phát hiện ra Quyến bị băng huyết trầm trọng mới nhanh chóng đưa cô tới bệnh viện.

Băng ca được đẩy vào phòng, các bác sỹ tức tốc tiến hành cấp cứu rồi truyền nước biển cho cô. Dần dần Quyến tỉnh lại, nhưng trong người vẫn khó chịu bức bách kì lạ, cô đưa tay lên ôm lấy phần ngực như có ai đang bóp nghẹt, cả tay và chân đều bị co rút.

Thấy tình hình chưa ổn, họ quyết định siêu âm cho cô, tìm thấy một khối u kích thước khá lớn nên đã tiến hành mổ lấy ra ngay lập tức. Quyến vừa sinh con được ba tháng, lại bị băng huyết từ trước, cộng thêm quá trình mổ xẻ khiến lượng máu trong người lúc này gần cạn kiệt, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Để bù cho lượng máu đã mất, bệnh viện phải huy động rất nhiều đơn vị máu mới đủ truyền kịp thời, giúp cô thoát cơn thập tử nhất sinh.

Cô Hồ Thị Quyến sinh ra ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Trà Vinh, gia đình đông con chỉ sống dựa vào nghề làm ruộng, nên cuộc sống khổ cực vất vả. Đến thì con gái, như bao người khác, Quyến xây dựng tổ ấm cùng anh Trần Văn Thuận, có với nhau bốn mặt con: ba gái và một trai.

Cuộc sống hôn nhân cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Để cải thiện kinh tế, hai vợ chồng làm công việc mua bán heo, rồi tiến tới mở lò mổ, một số heo đem giao cho bạn hàng, số còn lại Quyến mang ra ngoài chợ bán lẻ cho người dân. Làm ăn phát triển, gia đình cô tậu được căn nhà, cơm ăn áo mặc no đủ. Tưởng rằng cuộc sống từ đó êm đềm hạnh phúc, ai ngờ đâu vài ba năm sau, bệnh tật bất ngờ ập xuống.

Trong người Quyến thường xuyên xuất hiện những khối u lớn, cứ mổ lấy ra, một thời gian sau lại mọc tiếp. Lặp đi lặp lại như vậy, Quyến đã phải phẫu thuật nhiều lần, mỗi lần cô đều rất đau đớn, mệt mỏi, quằn quại.

Chột dạ, Quyến nghĩ mình chả khác nào mấy con heo trong chuồng, hết con này đến con kia lần lượt lên bàn mổ, bản thân cô thì năm lần bảy lượt cũng phải “lên thớt”. Nằm trong phòng hồi sức, hình ảnh những con heo kêu réo quằn quại dưới lưỡi dao sắc lẹm lại gờn gợn hiện lên trong tâm trí.

Vẫn như mọi lần, Quyến phát hiện thêm một khối u nữa xuất hiện, dù đã mổ nhiều, nhưng lần nào cô cũng lo lắng như lần đầu tiên. Ca mổ hoàn thành, bác sỹ thông báo với cô:

– Không giống ba lần trước, lần mổ này là u ác tính, cô phải truyền hóa chất thôi.

Quyến bất ngờ, hồi hộp hỏi lại một lần để xác quyết:

– Tôi bị ung thư sao bác sĩ ?

Bác sỹ hạ giọng đáp:

– Đúng vậy.

Mặc dù đã quen sống trong bệnh tật nhiều năm, Quyến vẫn sững sờ trước kết luận này. Cô không nghĩ “thần chết” lại gọi tên cô sớm đến vậy.

Cô bỏ dở công việc ở lò mổ, nằm trong viện truyền hóa chất. Mỗi lần truyền xong, cơ thể như có lửa đốt bứt rứt khó chịu, tóc rụng cả đầu, người xanh xao hốc hác gầy xọm cả đi. Nhìn lại quãng thời gian sống chung với bệnh tật suốt bao năm, Quyến tự hỏi:

“Mình đã làm gì sai mà phải chịu đau đớn khổ sở như vậy? Cuộc đời thật bất công.”

Bất hạnh đâu chỉ dừng lại ở bệnh tật. Đứa con trai duy nhất của cô mắc bệnh động kinh, cứ đều đặn một tháng lên cơn co giật ba đến bốn lần. Bệnh viện đã kiểm tra nhưng không phát hiện ra nguyên nhân rõ ràng, dù đã điều trị nhiều lần nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Có người có tất cả, vậy mà cô dường như chẳng có gì. Con thì bệnh tật, chồng cũng chẳng ra chồng. Dân gian có câu “sướng quá hóa hư”, kể ra cũng đúng với trường hợp của chồng cô.

Khi còn đói khổ, anh Thuận chịu khó lao động, quan tâm vợ con, nhưng từ khi công việc mổ heo phát đạt, cũng gọi là dư dả một chút, thì anh sinh tật ăn chơi, nhậu nhẹt, có khi đi suốt chẳng thèm về nhà. Mọi công việc trong gia đình từ bé đến lớn đều do một tay Quyến cáng đáng. Ấy thế nhưng anh Thuận không những chẳng biết điều, cứ hễ về nhà lúc nào, lại cãi nhau với vợ lúc đó.

Quyến giờ đây đã sức tàn lực kiệt trước những bất hạnh dồn dập ập xuống đầu. Cô không ngừng trăn trở về nguyên nhân do đâu mình lại phải chịu đựng tất cả những nỗi thống khổ này. Và đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Năm 2001, mẹ của Quyến lâm trọng bệnh. Ba năm sau, bà ra đi. Tham khảo mọi người xung quanh, Quyến tìm tới chùa thỉnh sư cô tới giúp đỡ gia đình làm tang lễ. Khi sư cô tới nhà, thấy gia đình mổ năm con heo làm đám, sư cô liền khai thị:

– Không được sát sinh như vậy, nhất là trong đám tang. Làm như vậy, sau này mẹ cô phải đầu thai làm heo, gia đình sát sinh ắt cũng phải hứng chịu quả báo.

Từng lời từng chữ sư cô nói ra khiến Quyến có chút bối rối. Cô đáp lời:

– Thưa sư cô, mẹ con đã khuất bóng, con nghĩ làm thịt năm con heo để làm đám, coi như lần cuối được báo hiếu cho trọn vẹn.

Sư cô liền nhấn mạnh:

– Gieo nhân lành gặp quả lành, gieo nhân ác gặp quả ác. Khi mình mang đau khổ tới cho chúng sinh khác, thì đương nhiên mình cũng phải chịu đau khổ tương ứng. Nhân nào quả nấy, cô phải nhớ rõ đấy.

Vốn sinh ra và lớn lên ở một miền quê hẻo lánh, chẳng có chùa chiền, không có Phật Pháp, Quyến không hề biết thế nào là Nhân quả báo ứng, cô không biết rằng sát sinh động vật lại là một tội ác. Những điều sư cô nói thật xa lạ, tuy nhiên Quyến cũng cảm thấy có phần hợp lý. Cô trầm ngâm, suy tư, rồi bắt đầu lo lắng, hoang mang. Nhưng cảm giác đó cũng sớm tan biến khi việc tang lễ còn đang ngập ngụa.

Sau này, vào những lúc rảnh rỗi, mấy lời khai thị đó lại hiện lên văng vẳng trong đầu. Quyến ngẫm nghĩ, mơ hồ bắt được manh mối lí giải cho thắc mắc về những bất hạnh trong đời mình. Cô bắt đầu năng đến chùa, một phần để tụng kinh hồi hướng cho mẹ như lời sư cô hướng dẫn, một phần muốn tiếp xúc với chùa chiền, Phật Pháp nhiều hơn.

Cuối năm 2004, vào một buổi đêm, Quyến chìm vào giấc ngủ, trong giấc mơ, cô thấy mấy người phụ việc đang mổ heo trong lò. Trong đó có một con heo vừa được mổ xong xuôi rồi đẩy xuống khỏi bàn, nó đã bị chọc họng, phanh thây, máu me còn đẫm trên thân. Bất thình lình Quyến nhìn thấy con heo đó chính là đứa con trai bị động kinh của mình, cô hết hồn, bật người tỉnh dậy. Rồi Quyến bình tĩnh trở lại, cô thầm nghĩ:

“Phải chăng những lời sư cô nói là đúng?”

Chẳng những thế, nhiều lần Quyến mộng mị thấy mình tự tay lôi mấy đứa con mà hàng ngày cô hết mực yêu thương, đem lên bàn mổ heo, cô dùng dụng cụ đâm họng, lóc da, xẻ thịt con mình như đang làm thịt những con heo không khác.

Mỗi khi tỉnh dậy, cô kinh hãi thất thần, hình ảnh đó ám ảnh cô ngày đêm. “Đó chỉ là giấc mơ linh tinh”- Quyến tự nhủ trấn an tinh thần. Nhưng vì giấc mơ lặp lại nhiều lần nên cô cứ nửa tin nửa ngờ, không phân định được.

Quãng thời gian này, Quyến tạm ngưng làm nghề vì phải nghỉ điều trị ung thư, do vậy trong nhà không nuôi con heo nào cả. Một hôm, cô lại nằm mơ, nhưng giấc mơ lần này là về người mẹ đã tạ thế. Trong mơ, Quyến thấy nhà con gái có nuôi một con heo bự. Con heo đang nằm gọn trong chuồng, nó hướng về phía cô, ánh mắt ươn ướt, cất tiếng nói:

– Con ơi, con lại tấn mùng cho mẹ đi, muỗi cắn mẹ dữ lắm.

Quyến giật mình, tiếng con heo giống y như tiếng mẹ cô khi còn sống. Cô hỏi:

– Trời ơi, thế này là sao vậy mẹ?

– Mẹ đã thành heo rồi. – Con heo trả lời.

Khi tỉnh dậy, Quyến không tin nổi vào những gì mình vừa mơ thấy, nhưng thương mẹ, dù sức khỏe đang rất yếu, cô vẫn quyết đi lên nhà con gái một phen. Lên đến nơi, Quyến mới hay đúng là con gái mình còn nuôi một con heo, nó rất bự và nằm trong chuồng y như cái dáng vẻ trong giấc mơ đêm qua, không lẫn vào đâu được. Cô đi tới vuốt ve nó, nhớ lại lời sư cô nói rằng mẹ cô sẽ phải đọa làm heo mà khóc nức nở.

Mấy hôm sau, cô con gái xuống nhà báo tin:

– Con heo bự đó chỉ bỏ ăn có một buổi chiều mà đã chết mất rồi.

Quyến hay tin, đau lòng rơi lệ khóc. Quyến khóc không chỉ vì cái chết của con heo, tức mẹ cô đầu thai, mà còn vì hối hận trước nghiệp sát sinh bao năm của mình, vì sự thống khổ của biết bao con heo đã qua tay cô làm thịt.

Cô không còn nửa tin nửa ngờ lời sư cô nói. Cô đã có câu trả lời cho những nỗi bất hạnh trong đời mình. Nhân quả báo ứng là có thật. Chẳng có gì bất công cả, những đau khổ cô và gia đình phải chịu đựng là xác đáng, chưa kể quả báo còn kéo dài trong tương lai nhiều kiếp về sau.

Quyến rùng mình, sợ hãi nghiệp quả, quyết tâm bỏ hẳn nghề đồ tể. Cô hồi đầu, sám hối lỗi lầm, quy y Tam Bảo, lấy pháp danh là Diệu Minh. Những ngày tháng truyền hóa chất trong bệnh viện mệt mỏi quá, thi thoảng Quyến ra ngoài đi lang thang, tình cờ ngang qua một ngôi chùa ở Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, liền xin được vào lễ Phật. Lễ Phật xong, cô lắng lòng, ngồi lại kể câu chuyện cuộc đời mình cho sư thầy trụ trì, và được thầy giảng giải cho cô nghe nhiều hơn về Phật Pháp. Thầy khuyên:

– Con hãy bắt đầu tu tập, ăn chay, niệm Phật để bù đắp tội lỗi xưa kia của mình và hướng tới một đời sống an lạc hơn.

Quyến nhanh chóng tiếp nhận, ngay khi trở về lại bệnh viện, cô không còn nghĩ ngợi gì nhiều, ngày ngày chuyên tâm niệm Phật.

Quyến thương chồng, muốn anh hồi đầu giống mình, nên một lần đánh bạo khuyên nhủ anh:

– Gia đình chúng ta ra nông nỗi này là do hành nghề đồ tể, cướp đi sinh mạng, gieo rắc đau khổ cho biết bao chúng sinh. Trên đời này có nhân quả báo ứng. Anh hãy sám hối tu tập cùng em đi.

– Em nói linh tinh gì vậy?

Vợ thì tha thiết là thế, còn anh Thuận lại nghĩ chắc Quyến chẳng còn sống được bao lâu mới nói năng lung tung, nên chẳng đoái hoài lời cô nói.

Quyến được trở về nhà sau lần mổ thứ năm và truyền tám liều hóa trị. Kể từ lúc đó, Quyến bỏ ăn mặn, chuyển sang chay trường, siêng năng học hỏi giáo lý Phật Pháp, tu tập tinh tấn mỗi ngày. Cô cầu nguyện:

– Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát! Xin Người hãy cứu con, con muốn được sống tiếp để tu hành hồi hướng công đức cho chúng sinh.

Giờ đây, Quyến chỉ một lòng tu tập, không chán trường hay để ý nhiều tới căn bệnh ung thư của mình nữa. Thời gian cứ thế trôi qua, vào tháng 5 năm 2007, Quyến tự nhiên bị cảm sốt liên tục, bất ngờ mọc lên một khối u ở gần cánh mũi.

Tình huống này chẳng còn mới lạ gì với Quyến, cô bình tĩnh lên bệnh viện khám, được bác sĩ kê đơn thuốc, sau 15 ngày thì tiến hành mổ lấy u. Trong khoảng thời gian nửa tháng chờ mổ đó, cô thường xuyên lên chùa niệm Phật, vừa niệm cô vừa lấy tay rờ rờ vào khối u.

Một buổi sáng sớm tinh mơ, đồng hồ điểm 4 giờ, Quyến tỉnh dậy rửa mặt, cô nhìn vào gương, thốt lên:

– Ô! Khối u đâu mất tiêu rồi.

Cô nghĩ có khi nào mình vừa ngủ dậy, mắt còn lờ đờ nên nhìn không rõ, cô vội lấy tay dụi vào hai mắt cho tỉnh ngủ hẳn, rướn đôi mắt tới gần phía gương, một tay cứ lần lần trên mặt.

– Biến mất rồi, cái u biến mất thật rồi. – Quyến reo lên sung sướng.

Cô biết đó là nhờ công đức tu hành, niệm Phật, khối u đã không còn nữa. Và từ đó trở đi, sức khỏe của Quyến cũng ngày một tiến triển tốt hơn.

Chứng kiến từng ấy chuyện xảy ra, anh Thuận cuối cùng cũng phải thừa nhận có nhân quả báo ứng, phát tâm đi chùa niệm Phật cùng vợ, thi thoảng làm thiện nguyện. Nếu trước ngang tàng, thì nay đã hiền lành, đàng hoàng hơn, quan tâm vợ con hơn trước.

Anh cũng quy y cửa Phật, lấy pháp danh Huệ Tiết. Từ một gia đình làm nghề đồ tể, giờ đây họ đã quay đầu, trở thành một gia đình Phật tử. Cả hai vợ chồng và các con đều quy y Tam Bảo, nguyện bỏ ác làm lành, nương theo giáo lý Phật Pháp để được an lạc về sau.

Quy luật Nhân quả là một quy luật quan trọng, chi phối đời sống của mọi chúng sinh. Không khó để quan sát sự hiện diện của nó trong mọi lĩnh vực đời sống. Nắm vững quy luật Nhân quả, chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra và làm chủ tương lai của chính mình.

Muốn có một tương lai tốt đẹp, hãy gieo nhân thiện lành. Chớ dại dột tạo nghiệp ác, tương lai phía trước chắc chắn đầy khổ đau. Chân lý rõ ràng là thế, nhưng không phải ai cũng chịu quan sát và rút ra bài học cho bản thân. Đến khi quả báo đã chín muồi, thì hối hận không kịp.

(Tĩnh Như, viết lại theo lời kể của Hồ Thị Quyến)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận