(Trích “Những chuyện có thật về Nhân quả và Phật pháp nhiệm màu”- Hoàng Anh Sướng)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lúc 8 tuổi đầu đã làm thơ như thần trở nên nổi tiếng cả nước và cả ở nước ngoài, được dư luận đặc biệt quan tâm. Ai cũng yêu quý, ngưỡng mộ cậu. Nhưng mấy vị ở làng bên lại tỏ ra không vui vì sinh lòng ghen ghét.
Cậu bé Khoa càng nổi tiếng, sự ghen ghét càng lớn. Đỉnh điểm là năm 1968, khi bé Khoa tròn 10 tuổi, được xuất bản tập thơ riêng đầu tay “Góc sân và khoảng trời”, thơ Khoa được nhà thơ nổi tiếng Madeleine Riffaud giới thiệu trên hai trang báo Nhân đạo của Đảng cộng sản Pháp xuất bản ở Paris với tựa đề “Thơ Trần Đăng Khoa, tiếng hát mạnh hơn bom đạn”.
Rồi sau đó, đoàn quay phim Pháp, do đạo diễn Gérard Guillaume về làng Điền Trì quê cậu quay phim “Thế giới nhỏ của Khoa”. Một số vị chức sắc, người làng bên, kiên quyết không cho quay. Trong lời bình phim, nhà thơ Pháp G. Guillaume có viết: “Cả làng xã quyết tâm bảo vệ bé Khoa, không muốn chúng tôi làm phim về cậu. Chúng tôi đã phải tạo ra một cái cớ, là làm một bộ phim về cuộc sống hằng ngày của thiếu niên xã Quốc Tuấn với sự “đồng lõa” của chị Trần Thị Duyên. Nhờ thế mới có được hình ảnh của cậu mà các bạn đang xem”.
Trong mấy ngày quay, đoàn làm phim đề nghị xã chọn cho hai đến ba thanh niên phục vụ đoàn. Chẳng hiểu sao, ba vị chức sắc ở ba làng khác nhau lại tự nhận làm. Mấy ông người Pháp cứ tưởng họ là người giúp việc nên sai bảo suốt ngày khiến mấy vị rất bực tức. Cuối cùng, họ trút cơn giận xuống bé Khoa, xuống gia đình cậu bằng một hành động rất thâm độc, đó là đập phá ngôi mộ cụ tổ 7 đời là nhà văn Trần Tiến vì họ tin rằng: Khoa thành tài như vậy chính là nhờ ngôi mộ này phát “chứ cái nhà nó trông rách nát như cái chuồng lợn, làm sao đẻ ra được thứ con rồng, con phượng như thế”.
Hầu hết mộ phần các cụ tổ của Khoa đều đặt trên đất làng. Duy chỉ có mộ cụ Trần Tiến là nằm chênh vênh ở ranh giới giữa đồng của hai làng bên. Năm 1968, lấy cớ xây trận địa bắn máy bay Mỹ, ông Đức đã giao cho anh Tùng cùng mấy dân quân khác đặt khẩu đại liên rồi đào hầm tránh bom ngay cạnh mộ cụ. Đào sâu chừng 1m thì thấy chiếc quách dài hơn 2m, rộng 80cm. Anh Tùng nghiến răng nghiến lợi, dùng xà beng đâm vỡ quách, để lộ ra chiếc quan tài đỏ sậm màu huyết dụ.
Những người phá mộ tưởng trong quan tài có vàng bạc hoặc đồ cổ quý giá. Cậy nắp mãi không được, vẫn chiếc xà beng trên tay, anh ra sức đâm, chọc. Nửa trên quan tài vỡ toác. Bên trong, cụ Trần Tiến da thịt vẫn còn tươi nguyên, đầu đội mũ cánh chuồn, tóc bạc trắng như cước, dài đến vai, trùm ra ngoài áo gấm, đến tận cái đai tía ngang lưng. Xung quanh cụ xếp hàng chồng sách chữ nho.
Hai bàn tay anh Tùng thô bè với những ngón tay trùi trụi như những quả chuối, lục tung đống sách và quần áo cụ để tìm vàng. Nhưng chẳng có gì ngoài sách.
Anh ta xé từng cuốn rồi ném tung lên trời. Gió đồng hun hút thổi, giấy lả tả bay trắng đồng. Đám trẻ chăn trâu tranh nhau nhặt những tờ giấy bản có chữ nho về dán diều.
Bố Khoa khi hay chuyện ra xem, nước mắt lưng tròng, mang về nhà một mảnh quan tài vỡ, to hơn bàn tay, gỗ đỏ thẫm, trong có những đường vân màu hổ phách, mùi rất thơm.
Anh Minh thì xuýt xoa tiếc những cuốn sách chữ nho bị xé. Anh ngờ rằng, rất có thể, đó là các tác phẩm đem chôn theo của nhà văn Trần Tiến. Bởi chính cụ đã ghi tên một số tác phẩm của mình trong “Niên phả lục” mà nay không thấy còn. Cụ còn ghi ra giấy, dặn con cháu rằng: “Chớ nên để cho người ngoài đọc”.
Ông Đức chỉ huy việc phá mộ chứng kiến toàn bộ cảnh ấy cười hỉ hả. Rồi nóng lòng chờ đợi một ngày kia, cậu bé thần đồng sẽ bị thui chột. Không dừng lại ở đó, lợi dụng quyền sinh quyền sát trong tay, ông đã làm nhiều việc rất hiểm độc và tàn ác đối với Khoa và gia đình Khoa, mà tôi không tiện nói ra đây.
Nhưng rồi Ông Trời đã làm phần việc của mình. Và chỉ một thời gian sau, không hiểu ông vướng vào tội gì mà bị bắt. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xử, tuyên án tù chung thân. Ông bị cùm chân tay, nghĩ cũng tội. Và khi cho tạm thời tại ngoại để chữa bệnh, ông ra tù được ít ngày thì chết bất đắc kì tử, có khi ở trong thì thì lại chưa chết, cái chết cũng dữ dội lắm, nghe bà con kể thế.
Còn anh trưởng nhóm dân quân Tùng, người trực tiếp đập phá mộ, bị đau ruột thừa. Chẳng biết có phải lỗi bác sĩ không mà vết mổ bị nhiễm trùng rất nặng, phải mổ đi mổ lại đến chín lần. Có lần, bác sĩ còn bỏ quên cả dao kéo trong bụng anh. Cuối cùng, ruột bị hoại tử phải cắt bỏ. Anh đã phải sống như bị trời đày đến non 25 năm bằng một mẩu ruột. Uống cái gì vào miệng là nước òng ọc chảy ra hậu môn. Đau đớn vô cùng, ngày đêm quằn quại kêu khóc. Muốn chết mà không chết được. Muốn bớt nghiệp, cần phải sám hối.
Gia đình đã bí mật nhờ người sắm lễ đến từ đường nhà bé Khoa rồi ra ngôi mộ bị phá thắp hương tạ tội. Thế mà mãi hơn một tháng sau, anh Tùng mới chết được.
Chứng kiến cái chết thê thảm của anh Tùng nhiều người dân bảo: “Ông trời quả là có mắt đấy. Lưới trời tuy thưa mà không để lọt. Luật nhân quả xưa nay có chừa một ai. Đúng là gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy. Mọi người cứ ngẫm mà xem, không sai đâu”.
( Tên nhân vât trong bài đã được thay đổi )