Thùy Hương – TP.HCM ( tác giả bài ‘Sám hối với ốc’, ‘Sám hối với heo’)
Ba tôi khi còn sống tuy không biết nhiều về đạo Phật nhưng cũng thờ phụng bàn thờ Phật rất chu đáo và là một người hiền từ, sinh thời ông hay nhường nhịn và giúp đỡ người khác.
Cuộc sống của ông trôi qua trong êm đềm cho đến tuổi xế chiều, những cơn bệnh bắt đầu lần lượt kéo tới. Đó cũng là quy luật của tuổi già, nhưng cũng từ đây, ông đã gặp những điều kì lạ, khá tâm linh mà rất khó lí giải.
Căn bệnh tai biến của ông là chứng bệnh làm cho ông nhanh xuống sức nhiều nhất. Từ một người khi còn trẻ đi đứng nhanh nhẹn, khoẻ mạnh trở thành một người đi chậm chạp, hay vấp té. Hôm ấy, cả nhà tôi đóng cửa đi ăn và mua thuốc cho ông như thường lệ, ông thì ngủ trong phòng.
Khoảng gần một tiếng sau khi chúng tôi về thì nghe ông kể lại là lúc nãy nằm ngủ không được, ông ra phòng khách tính ngồi cho thoải mái, không ngờ bị té. Nhưng cũng may, có ba người thanh niên đỡ ông vào lại trong phòng. Ba tôi kêu tôi nên cám ơn họ.
Tôi và mẹ tôi nhìn nhau mà không nói được lời nào. Vốn tôi và mẹ sợ ông bị người ta vào hãm hại nên lúc ra ngoài đã cẩn thận khoá cửa ngoài rất chắc chắn. Khi về cửa vẫn khoá, vậy thì ba người thanh niên đỡ ba tôi là ai ?
Tôi chợt nhớ ra, lúc xưa, trước sân nhà tôi có một chú lính bị bắn chết. Ba tôi biết chuyện nên lập bàn thờ thờ chú ấy, hai người còn lại có lẽ là anh trai đã mất lúc nhỏ của tôi và thêm một đứa trẻ cũng chết ba tôi tội nghiệp lập bàn thờ cho nó. Nghĩ vậy, tôi vội vàng đến thắp nhang cảm ơn vì đã giúp đỡ ba tôi khi chúng tôi đi vắng.
Chuyện cứ thế trôi qua, ba tôi ngày càng yếu, dần dần ông đi không được, phải nằm một chỗ. Lúc này ông cũng nói ít rõ tiếng. Vốn tôi đã có nhân duyên sâu dày với kinh Địa Tạng nên ngoài trì tụng hồi hướng cho ba, tôi còn mở máy tụng kinh Địa Tạng cho ông nghe. Hôm đó, khi đang lúi húi làm việc, tự nhiên tôi nghe ba tôi xua đuổi ai đó, tôi tưởng vì nghe kinh ồn ào nên ba tôi giận đuổi tôi đi chỗ khác.
Tôi nhìn ba tôi, thì thấy ông đang nhìn về phía tôi và hua tay xua đuổi. Tôi vừa hỏi vừa cười: ” Ba đuổi con hả?”
Ông tiếp tục lấy tay xua đuổi và nói: ” Mấy người đi đi, nhà này của tôi, ai cho vào?”.
Lúc này, tôi định thần lại một lúc và chợt hiểu ra, các hương linh đang tụ tập nghe kinh Địa Tạng. Thấy ba không thích như thế nên tôi không cho ba tôi nghe kinh nữa, thay vào đó là cho nghe nhạc niệm Phật.
Vài tháng sau, khi đang cho ông ăn, tự nhiên ông kể tôi nghe tiếng được tiếng mất.
Ông nói:
– Đêm qua ba thấy hai ông, một ông mặt trắng, một ông mặt đen đến kêu ba đi.
Tôi nghe vậy tay run lên bần bật, chút nữa là đổ luôn chén cháo nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh và hỏi tiếp:
– Vậy ba nói sao?
– Ba nói : ” Thôi tôi không đi đâu, tôi còn phải ở nhà coi nhà nữa”
– Ba biết hai ông đó là ai không? Hình dạng như thế nào?
– Hai ông một ông mặc đồ trắng, một ông mặc đồ đen, ông đen thì cầm cây giống cây đinh ba, ông trắng thì cầm cây giống cây phất trần. Hai ông đó ở đâu mà mặc đồ kì vậy con?
– Con không biết ba à, chắc người ta giỡn đó ba
– Ừ, ba nói không đi, hai ông đó cứ ép ba đi, ba nói phải hỏi ý hau mẹ con mày ba mới quyết định được.
– Đúng rồi đó ba, ba không nên đi, ba đi rồi ai sẽ chăm sóc cho ba?
– Ừ, bởi vậy ba hẹn hai ổng mấy ngày nữa hãy tới.
Xin lưu ý với các vị độc giả, những câu trả lời của ba tôi rất lâu và khó khăn lắm mới nghe được vì lúc này lưỡi ông đã cứng lại nên phát âm rất khó khăn. Sau khi nghe ba tôi hẹn vài ngày nữa, tôi ôm ba tôi và khóc vì nghĩ rằng ba tôi sẽ bỏ tôi đi trong vài ngày nữa.
Nhưng tôi có nghe nói đâu đó rằng một ngày trên cõi Ta Bà bằng cả năm dưới âm phủ. Quả thật, khi ngẫm nghĩ lại, từ lúc ba tôi kể chuyện cho đến khi mất là ông đã thọ thêm gần 4 năm nữa.
Ông ra đi thanh thản, không đau đớn. Đó chính là quả lành mà ít ai có được. Có lẽ, khi còn trẻ ba tôi là một người hiền lành, lúc già lại được nghe kinh Phật nên có thể hẹn được thần chết – người mà thế gian gọi là Hắc Bạch Vô Thường. Từ chuyện của ba tôi, lúc đó tôi mới tin là mình có thể hẹn cái chết nếu như cả đời tu nhân tích đức.
Sau khi ba tôi mất, tôi liên tục trì tụng kinh Địa Tạng và làm các việc thiện hồi hướng công đức cho ông.
Nếu như ngày đó bận việc không trì kinh được thì tôi niệm danh hiệu Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, sau khi niệm và trì tụng xong tôi luôn luôn thì thầm trong tư tưởng với ba tôi, khuyên ông đừng bám chấp vào điều gì nữa vì bây giờ ông đã mất, có muốn níu kéo cũng không được gì.
Ròng rã khuyên nhủ như vậy cho đến một ngày, tôi mơ thấy ông về thăm tôi. Không hiểu sao, trong giấc mơ tôi vẫn biết ông đã chết. Tôi liền nói như giận dỗi:
– Ba chết rồi còn về đây chi nữa, sao không đi đi?
Nghe vậy ông hơi buồn và nói:
– Mày nói vậy thì tao đi.
Sáng thức dậy tôi rất giận mình vì đã nói câu nói làm cho ba buồn. Nhưng tôi còn buồn hơn khi biết ông vẫn còn vương vấn gia đình mà chưa siêu thoát lên các cõi cao hơn.
Tôi liền đến bàn thờ đốt nhang khấn nguyện : ” Ba ơi, con và má hiện nay sống rất ổn, ba hãy vãng sanh đi, đừng bám chấp vào gia đình sẽ khổ thêm nhiều lắm”.
Sau đó, tôi lại tiếp tục trì kinh, làm những việc cần làm để hồi hướng công đức cho ba.
Bẵng đi một thời gian sau, tôi lại mơ thấy ông. Lần này tôi im lặng không nói gì hết, trông nét mặt ông rất vui, ông mặc chiếc áo thun xanh da trời và chiếc quần tây màu nâu nhạt – bộ quần áo ông rất thích mặc khi còn sống.
Ba lại gần tôi, cười cười rồi vỗ vỗ nhẹ vào đầu tôi rồi nói:
– Tội nghiệp con gái, cực khổ cho con quá rồi, thôi từ nay con không cần làm thiện hồi hướng cho ba nữa, lần này ba về thăm con lần cuối để báo cho con biết ba sẽ đi về cõi lành.
Nói rồi ba khoan thai bước đi, không quay đầu nhìn lại tôi một lần nào nữa. Lúc đó, tôi chỉ nhìn theo và không nói được lời nào.
Khi tỉnh dậy, tôi vội vã đến thắp hương cho ba, lòng vui mừng hớn hở vì biết ông đã đến một nơi nào đó rất an lành như lời ông nói. Tuy nhiên, cho đến bây giờ, mỗi lần làm điều gì, tôi vẫn thầm hồi hướng cho ba. Nguyện cho ba luôn được sanh vào nơi bình yên, hạnh phúc.
Trong kinh Địa Tạng có dạy rằng, nếu như trong nhà có người thân qua đời, người còn sống làm những việc lành, hồi hướng công đức cho người đã khuất thì bằng cách này hay cách khác sẽ biết được nơi mà người mất ấy sẽ đi về. Bản thân tôi đã chứng nghiệm nhiều sự linh ứng màu nhiệm khi trì tụng kinh Địa Tạng, và câu truyện này là một trong số đó.