Lâu, rất lâu về trước, tầm hơn 20 năm rồi, tôi có từng làm việc vài tháng trong một quán trà cung đình, nó mang tên Hồng Tửu Trà tại đường Thống Nhất, thành phố Pleiku. Mà khác lạ hơn nhiều so với các quán trà khác được trang trí tao nhã, nên thơ để khách đến uống có được một cảm giác thư thái. Quán trà này lại được thiết kế âm u quái lạ. Ánh sáng từ mặt tiền chiếu vào, bị một tấm vách trang trí chắn gần hết, chỉ chừa lại hai cái cửa nhỏ hai bên, quán lại sâu hun hút không có cửa sổ, thành ra bước vào trong cứ có cảm giác mình chui vào một cái động âm u.
Cảm giác “hang động” ấy lại càng tăng lên khi người ta nhìn lên tường và thấy nhô lên hai cái đầu hươu sừng tua tủa, mắt trợn lên đen ngòm nhìn chằm chằm tứ phía, rồi đến xác của mấy con mèo rừng, con cầy, con báo được sấy khô, xong vẫn giữ nguyên tư thế chuyển động, nhe nanh giơ móng như còn sống. Chúng được đóng vào mấy khúc cây treo dọc theo chiều dài của cái động ấy, như thể một bầy thú sắp sửa đi kiếm ăn đêm.
Một cái kệ gỗ cao đến 3-4 mét sắp đầy những hũ rượu ngâm rắn đủ loại, sọc đen, sọc trắng, sọc vàng chen nhau cuộn tròn phía dưới hũ, phía trên ngóc lên đầu một con rắn hổ mang đang phình mang rộng ra như hăm dọa mổ nọc độc vào kẻ trước mặt. Lại có cả một hũ rượu ngâm một cái cánh tay lực lưỡng mà mới lần đầu nhìn tôi đã phát hoảng, tưởng đâu chủ nhân cái động này chặt tay một lực sĩ nào đấy bỏ vào hũ để thị uy. Sau được giải thích mới biết đó là bàn tay gấu, ngâm rượu uống cho nó bổ.
Lâu lâu có mấy vị khách nào mà lúc bước vào lơ đễnh chỉ lo chăm chăm bấm điện thoại, đến lúc bất giác nhìn lên tường, thấy cả một bầy thú hoang trợn mắt nhìn mình trong tư thế săn mồi, lại cả mấy con hổ mang phía xa đang bành mang hăm dọa, phát hiện ra mình dường như đang lạc vào hang sâu rừng thẳm gì đấy, da gà nổi lên từng mảng, lại vội tính tiền rồi đi mất không dám quay lại lần nào nữa. Ấy thế nên quán vắng khách lắm, mấy ai lại có cái gu “mặn” đến nỗi ngồi thưởng lãm một tách trà cung đình hay nhâm nhi một ly cà phê đậm vị Tây Nguyên giữa bầy thú và rắn độc chằm chằm nhìn mình thế này.
Mà sao chủ quán lại nghĩ ra cái lối trang trí âm u, quái gở thế chứ ? Thực ra trước kia nó vốn không phải quán trà, mà là quán nhậu thịt rừng. Ông chủ quán là một thợ săn thiện xạ, một nửa thời gian ông vác súng săn lang thang trong những cánh rừng Tây Nguyên. Săn được con gì thì ông vác về cho bà vợ cùng đám nhân viên xẻ thịt làm mồi nhậu cho quán. Một thời quán cũng bán đắt khách lắm. Tiền bạc dư giả, hai vợ chồng xây nên căn nhà khang trang 4 tầng ở ngay mặt tiền đường Thống Nhất.
Ông chủ lại có cái thú chơi nhồi xác thú rừng, nên ông thường lột da những chiến lợi phẩm của mình một cách cẩn thận rồi mới lóc thịt ra, xong đem phơi khô, tẩm thuốc, nhồi bông theo một phương pháp điệu nghệ chỉ người trong nghề mới biết. Thành quả là một bầy thú sống động, trèo leo đầy tường như muốn phô trương tài thiện xạ của ông chủ quán.
Sự phô trương ấy kéo dài cũng qua nhiều năm, khiến cho lắm kẻ nhìn vào xuýt xoa muốn đổi nghề, muốn sắm súng săn theo ông chủ quán mà vào rừng xây mộng làm giàu. Nhưng rồi người ta lại thấy một sự phô trương khác còn dữ dội hơn nhiều, nó không đến từ người hay thực thể hữu hình nào cả, mà đến từ một quy luật vô hình của tạo hóa.
Đương lúc ăn nên làm ra, cuộc sống dư giả, thì bỗng một hôm bà chủ quán nhìn thấy mấy ông bạn săn của chồng khiêng về trước cửa một cái xác máu me đầm đìa nằm im lìm trên cáng. Bà chủ nhìn kỹ rồi hai tay giơ lên vò đầu, miệng gào lên những tiếng khóc lạc giọng. Đấy là xác của chồng bà, ông chủ quán thịt rừng. Trong lúc đi săn, ông bị một thợ săn khác đứng từ xa tưởng nhầm là thú hoang, nên đã giương súng bắn, viên đạn găm vào chỗ hiểm, và thế là hết.
Sau đám tang ông chủ quán, không còn nguồn thịt phong phú nhập miễn phí từ rừng xanh về, nên quán nhậu nhanh chóng đóng cửa. Bà chủ bỏ mấy trăm triệu sửa lại nhà thành cái quán trà cung đình. Xong còn lưu luyến với bầy thú rừng nhồi bông như những kỷ vật của ông chồng, nên bà chủ giữ nguyên chúng trên tường để trang trí quán trà. Nào bà có biết được oán khí ngút trời của chúng ám sâu vào căn nhà, khiến nó mang hơi hướng như một cái hang sâu ngập đầy âm khí. Khách khứa nào muốn bỏ tiền ra mà ngồi trong cái hang ấy ?
Thế rồi quán cứ thế ế ẩm một thời gian dài. Tiền từ bên ngoài chẳng thấy thu vào được mấy cắc, mà tiền trong nhà lại cứ rủ nhau tẩu tán dần. Bà chỉ còn lại thằng con trai hai mấy tuổi, coi như cái hi vọng cuối cùng trông cậy lúc tuổi già bệnh tật bủa vây. Vậy mà thằng con ấy lại chẳng lo lắng gì đến làm ăn hay sự nghiệp chi cả.
Vốn là cậu ấm nhà giàu, quen được nuông chiều từ nhỏ, thằng con bà suốt ngày chỉ chăm chăm lêu lổng, hết tụ tập với đám bạn đua xe, cờ bạc, hút hít, rồi lại đến dắt gái về nhà ăn ngủ. Kiếm tiền ngoài xã hội thì không rành, nhưng vòi tiền từ mẹ thì nó lại thành thạo lắm. Nên có bao nhiêu tiền chẵn, tiền lẻ tích cóp được từ hồi còn bán quán thịt rừng, con trai bà cứ bào dần, bào dần mà cống cho thiên hạ.
Rồi một ngày công an ập đến lôi nốt cậu ấm của bà vào trại cai nghiện bắt buộc. Thành ra bà chủ quán hết khóc chồng, rồi lại đến khóc vì con. Khi không khóc thì lại thở dài thườn thượt vì cái ế ẩm của quán xá, vì cái sự tụt dốc không phanh của gia cảnh nhà mình.
Hồi đấy tôi chưa biết đến giáo lý Nhân Quả Nghiệp Báo là gì, nhưng mà chứng kiến cái gia cảnh nhà bà chủ ngày ngày đập vào mắt, tôi có mắt mờ thế nào thì cũng thấy được một quy luật trả vay lù lù hiện hữu ở đó. Khi ấy tôi không biết dùng từ gọi là Nhân quả, là Nghiệp báo hay là oan gia báo oán gì, chỉ tạm gọi là một quy luật cân bằng của tạo hóa, người ta quăng thứ gì vào cuộc đời này, thì cuộc đời sẽ trả lại cho đúng cái thứ ấy vào một lúc khác.
Ông chủ quán, người thợ săn mà lâu quá tôi không nhớ tên, vì khi vào làm ở đó thì ông đã lặng lẽ ngồi trên ban thờ rồi, tôi chưa gặp qua bao giờ, chỉ biết ông qua những lời kể và những chiến lợi phẩm của ông ghim đầy trên tường. Ông ấy quăng vào cuộc đời này những viên đạn, để rồi nhận về từ cuộc đời một viên đạn. Bao năm săn bắn, chắc ông chỉ cảm nhận được cái thích thú khi cầm khẩu súng, nhẹ bóp cò “đoàng” một phát là có được một con mồi, là có được tiền bạc rủng rỉnh, chứ ông đâu có biết con thú bị trúng đạn nó đau thế nào.
Nhưng rồi thì cũng đến ngày ấy, ngày ông trúng đạn, và lần đầu cảm nhận cái đau quằn quại của những con thú lúc trước ông đã bắn. Tiền bạc có được từ những vũng máu, gom góp được bao nhiêu thì rồi cuộc đời cũng nhanh chóng lấy lại bằng một cách khác.
Sau này được học luật Nhân quả một cách đầy đủ hơn, thì tôi biết đó mới chỉ là những quả báo nhãn tiền nhỏ lẻ, như vài giọt mưa dạo đầu lúc kéo cơn dông thôi, chứ cả một trận mưa quả báo khốc liệt, dai dẳng, rền rĩ lâu dài thì sẽ còn đeo báo ông ở những cảnh giới khác mắt thường chúng ta không thấy được.
Tất nhiên, câu chuyện bâng quơ về một người thợ săn vô danh nào đó với thời gian, địa điểm không rõ ràng mà tôi kể trên, thật chẳng đáng gọi là một bằng chứng chắc chắn để chứng minh cho cái gì. Mà cho dù là thật đi nữa, cũng chỉ là một trường hợp đơn lẻ. Ai mà lấy một trường hợp đơn lẻ để dựng nên cả một quy luật, áp cho những trường hợp khác, ấy là kẻ thiển cận. Bạn nên hết sức cẩn thận với kết luận của những gã thiển cận như thế, bây giờ trên mạng nhiều lắm.
Để đưa ra được một kết luận đáng tin cậy, chúng ta cần phải thống kê, đúc kết từ rất – rất nhiều bằng chứng có thật, sẵn sàng xác minh được Ai ? – Ở đâu ? – Khi nào ? Rồi tổng hợp các điểm chung, các điểm khác biệt giữa các bằng chứng mà rút ra kết luận, lúc ấy mới có được cái nhìn chính xác, toàn diện được.
Còn câu chuyện tôi kể trên chỉ là để màn dạo đầu thêm phần sống động mà thôi. Chúa Jesus từng nói “Ai dùng gươm sẽ phải chết vì gươm”, còn Đức Phật thì giảng giải chi tiết, rõ ràng hơn về những hậu quả của những người gieo rắc máu và nước mắt cho chúng sinh. Có lẽ rất rất đông người cũng từng đã nghe qua, và nếu là một tín đồ thuần thành, thì người ta cũng sẽ tin tưởng vào điều đó. Tuy nhiên, với những người không có tín ngưỡng gì, nhất là ở vào thời buổi này, người ta thường đòi hỏi bằng chứng nhiều hơn rồi mới đặt sự tin tưởng của mình vào một điều gì đó.
Tôi cho đó là một điều cần thiết. Vì cái thế gian này giờ hỗn loạn lắm, nhiều tín ngưỡng, tư tưởng khác nhau xa lắm. Thật giả đan xen, vàng thau lẫn lộn, nhẹ dạ cả tin thì khối người đã tán gia bại sản vì bị lừa đảo rồi.
Và ngay cả khi các bậc Thánh nhân nói những điều ấy đều đúng cả, thì việc người nghe chúng ta cứ thế mà tin theo chẳng suy xét, chẳng kiểm chứng lại vì quá tin tưởng vào uy tín của các Ngài, cũng chẳng có hay ho gì. Vì sao thế ?
Vì rằng cái chân lý cuộc sống nó ảo diệu, phức tạp vô vàn, ngôn ngữ không thể nào mà diễn tả được. Các bậc Thánh nhân có thấu suốt được chân lý, thì các Ngài cũng không làm sao diễn tả hết thông qua cái ngôn ngữ hạn hẹp của loài người. Các Ngài đành dùng tạm vài lời khô cứng, ngắn gọn mà chỉ cho những kẻ phàm phu cái “hướng để đi”, để không lạc giữa mê cung bể sở của thế giới, đi đến đúng nơi phải đến. Khi ấy, thì tự mỗi người bằng cái thấy biết của chính mình, tự sẽ nhận biết rõ.
Giống như bạn có một trái cam trong tay, bạn đã ăn nó. Bây giờ, nhiệm vụ của bạn là dùng ngôn từ miêu tả cho một người khác chưa từng nhìn thấy và ăn cam bao giờ, hiểu được rõ nét cái trải nghiệm ăn cam nó là như thế nào, để không cần ăn cam cũng hiểu rõ. Bạn sẽ tả làm sao ?
” Ờ thì… quả cam chín nó màu da cam, vỏ dày tầm 5mm, bóc vỏ ra có mùi thơm nhẹ của tinh dầu, xong mùi tinh dầu vỏ cam thế nào thì ngửi rồi mới biết. Bên trong là nhiều múi cam mọng nước, vị chua chua ngọt ngọt, nhưng không giống vị chua chua ngọt ngọt của trái dâu, hay trái măng cụt, có ăn rồi mới phân biệt được, nước cam có mùi thơm… mà thơm kiểu gì thì…ngửi rồi mới biết”
Bạn thấy chứ ? Ngôn ngữ bất lực trước sự phức tạp của mùi vị quả cam, nó chỉ gợi ý chung chung dăm ba nét cơ bản thôi. Chứ cái hương vị thơm ngon của cam nó kiểu thế nào, khác với các trái cây khác ra sao, bạn dù đã ăn cam, đã hiểu rõ hương vị của cam đến mức nào, thì cũng chịu chết không tả được, người nghe cũng không sao hình dung chính xác được, bắt buộc chỉ còn cách ăn một quả cam thật mới hiểu mà thôi. Chỉ là một quả cam đơn giản mà ngôn ngữ còn bất lực không truyền đạt được, huống chi nói đến cái sự ảo diệu của các quy luật vũ trụ !
Nên nếu bạn lại nghĩ rằng chỉ cần thuộc lòng những lời của Thánh nhân truyền lại trong kinh điển, phân tích, cắt nghĩa những câu cú trong đó là bạn đã hiểu chân lý của cái thế giới này, là đã nắm được sự vận hành của tạo hóa. Thế thì bạn nhầm to, và hẳn bạn đã khiến cho các bậc Thánh nhân phải thất vọng lắm. Vì các Ngài giống như đang lấy tay chỉ lối cho người lạc đường đi cho đúng hướng, người ấy lại chẳng nhìn theo hướng chỉ để thấy rõ con đường rồi đi đến nơi đến chốn, lại cứ chăm chăm săm soi nhìn cái ngón tay mà xuýt xoa.
Thế nên ta cần phải coi những lời chỉ dạy của các bậc Thánh nhân giống như những gợi ý quan trọng, rồi theo hướng gợi ý ấy mà căng đôi mắt ra nhìn vào cuộc sống, nhấc chân lên đi tìm tòi trong cái thế giới thực này xem cái chân lý ấy nó hiển hiện thế nào, và trải nghiệm nó bằng cuộc sống của chính mình. Đến lúc đó thì ta mới được chứng kiến toàn diện và thể nghiệm sâu sắc được sự vận hành ảo diệu của thế giới này. Đến lúc đó hẵng rụt rè mà tạm cho là “Tôi đã hiểu”.
Với cái lối suy nghĩ đó, muốn được nhìn thấy câu “ai dùng gươm sẽ phải chết vì gươm”, hay “sát sinh ắt có quả báo” là như thế nào trong cái thế giới thực này, nên tôi đã thử làm một cuộc khảo sát nhỏ. Thật bất ngờ là có quá nhiều bằng chứng xác thực và chẳng khó khăn gì để tìm được. Vì chúng quá nhiều nên tôi xin phép được viết vắn tắt. Đây đều là những thông tin được đăng tải trên những tờ báo có tiếng, bạn có thể kiểm chứng lại một cách dễ dàng với Google.
Chiều ngày 2/4/2016, thợ săn Phùng Văn Dung (49 tuổi) rủ Vũ Hùng Vĩ (38 tuổi) mang súng tự chế đi săn trong khu rừng thuộc thôn Chí Phù, xã Sơn Đà, Ba Vì, Hà Nội. Khi leo qua một con dốc, anh Vĩ bị trượt ngã, cò súng vô tình bị vật gì đó móc vào và cướp cò, viên đạn bắn thẳng vào anh Dung. Anh Vĩ liền cấp tốc đưa anh Dung đi cấp cứu, nhưng anh Dung đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Ngày 30/7/2017 Bạch Văn Niên và Lê Thiên Hùng rủ nhau đi săn tại khu vực 747 nông trường Suối Cát, Xã Ia Dal, huyện Ia H’ Drai, tỉnh Kon Tum. Khoảng 2h chiều, họ bắn bị thương một con voọc nhưng nó vẫn chạy được. Hai người chia nhau đi tìm. Lát sau, Hùng nghe thấy có động trong bụi cây, tưởng con voọc nên đã bắn mấy phát súng. Khi lại gần kiểm tra thì tá hỏa thấy mình đã bắn chết anh Bạch Văn Niên. Sau khi đưa xác anh Niên về nhà, Hùng đã ra công an đầu thú.
Một năm sau, vào ngày 10/3/2018, cũng vẫn ở địa phận huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, thợ săn Phạm Văn Kim (34 tuổi) ngụ tại thôn Tà Noát, xã Ba Ngạt rủ thêm một bạn săn nữa là anh Phạm Văn Hôm cùng xách súng tự chế vào rừng đi săn.
Hai người chia nhau mỗi người đi một hướng, đến 14h thì Hôm gọi điện cho Kim, báo là anh bị một đàn khỉ tấn công và chỉ vị trí. Anh Kim vội vã chạy đến nơi, phát hiện ra đàn khỉ thuộc núi Rà Mã đang tụ tập rất đông. Anh Kim nhắm một con khỉ đực đang đu trên thân cây rồi nã đạn liên tiếp. Dứt tiếng súng thì ngạc nhiên chưa, anh lại nghe thấy tiếng kêu của người. Chạy lại gần xem thì … hỡi ôi, lại chính là anh Hôm bị trúng chi chít đạn. Kim vội vã cõng Hôm về và gọi cấp cứu, xong rất tiếc anh Hôm đã qua đời trên đường đi. Anh Kim vì quá day dứt định lấy súng tự tử thì được mọi người can ngăn kịp thời. Sự vụ sau đó được cơ quan công an thụ lý.
Ngày 12/8/2018, một nhóm bạn như thường lệ rủ nhau đi săn bắn trong khu rừng thuộc xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Trong số đó có Cao Thanh Huy, sống tại phường Trường Xuân, TP Tam Kỳ và Đỗ Lưu Tuấn. Khi cả nhóm đến khu vực thuộc xã Kỳ Tân, Tuấn phát hiện thấy chim bìm bịp, liền giương súng lên bắn chim. Trong lúc nâng súng, lóng ngóng thế nào Tuấn lại để súng cướp cò, viên đạn bắn thẳng vào hông của Cao Thanh Huy khiến anh ta tử vong.
Ngày 24/2/2018, anh Dương Văn Ngọc và Hải Phương cùng trú tại xã Đắk Nia, TX. Gia Nghĩa, Đắk Nông, rủ thêm vài thợ săn khác vào rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Đến sáng sớm ngày 25/2, vì nghe thấy tiếng động trong bụi cây, Phương liền giơ súng tự chế và bóp cò, không ngờ lại bắn trúng anh Ngọc. Mọi người đưa Dương Văn Ngọc về nhà an táng, còn Phương ra công an đầu thú
Tối 28/9/2019, Giàng A Dua và Sùng A Nếnh đều là thợ săn sống tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông, cả hai rủ nhau mang theo súng tự chế vào khu rừng phòng hộ thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng để săn thú. Đến khuya, A Dua nghe tiếng động trong bụi rậm, tưởng là thú liền nổ súng bắn. Khi đến gần kiểm tra, A Dua lặng người khi thấy A Nếch đang nằm trong vũng máu. Mọi nỗ lực cấp cứu đều vô vọng, A Nếch tử vong ngay sau đó.
Ngày 11/10/2019, Trịnh Xuân Đông (24 tuổi) rủ Huỳnh Văn Sỹ (16 tuổi) và Điểu Quân (17 tuổi) đi săn tại vườn quốc gia Bù Gia Mập. Cả ba đều trú ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Khi phát hiện thấy một con heo rừng, Đông nhanh tay bắn một phát đạn khiến nó bị thương và bỏ chạy. Cả nhóm đuổi theo, và rồi họ phát hiện thấy một con rắn bò trên cây, Đông liền lấy báng súng đập rắn, không ngờ động tác đó lóng ngóng thế nào khiến súng phát nổ, đạn xuyên qua trán chính anh, chết tại chỗ.
Đêm 23/5/2020, hai thợ săn là Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi) và Nguyễn Văn Hùng, đều là người dân sống ở xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng, họ rủ nhau vào cánh rừng thuộc tiểu khu 289, xã Tân Thanh đi săn. Vì đêm tối, hai người lại đứng xa nhau, anh Hùng nhầm tưởng bạn săn là thú hoang, đã giơ súng bắn. Đến khi lại gần phát hiện thì đã muộn, anh Nguyễn Văn Tuấn trúng đạn, quằn quại đau đớn rồi chết.
Ngày 3/3/2020, hai anh Đinh Nhin (sinh năm 1988), Đinh Mến (sinh năm 1998), mỗi người mang theo một cây súng tự chế vào rừng cùng đi săn. Họ đều là cư dân sống ở khu phố Klot Pok, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định.
Khi đến một bờ suối, anh Mến đi vệ sinh một lát thì bất chợt nghe tiếng súng nổ. Anh tức tốc quay lại thì thấy Nhin người đẫm máu, anh bị trúng đạn xuyên từ bụng lên ngực và đã chết. Theo phỏng đoán của cơ quan công an, có thể Nhin bị trượt chân dẫn khiến súng vô tình cướp cò và dẫn đến bi kịch.
Rời Việt Nam để nhìn ra thế giới một chút. Tháng 1/2018, một thợ săn kì cựu tên Pero Jelinic, 75 tuổi người Croatia, sau nhiều năm ông đã chán săn bắn ở châu Âu, ông đã đến Nam Phi để tiếp tục săn những loài thú khác. Hôm ấy, ông thấy được một con sư tử và giơ súng ngắm. Đoàng, viên đạn bắn chết con mồi ngay tức khắc. Pero rất hưng phấn, không lâu sau ông thấy một con sư tử khác, đang tính bắn hạ nó thì … Đoàng ! Đoàng! một loạt tiếng súng vang lên, và người trúng đạn lại là ông Pero, máu chảy đầm đìa và ông chết ngay tại chỗ. Cảnh sát đến giờ vẫn chưa điều tra ra ai là hung thủ bắn chết Pero.
Ở trên chỉ là điểm qua một số sự vụ “thợ săn chết vì trúng đạn” từ năm 2016 đến 2020 chủ yếu ở Việt Nam mà thôi, nếu mở rộng cuộc khảo sát rộng ra nhiều nước khác về đến nhiều năm trước, hẳn số lượng sự vụ sẽ còn đông hơn nhiều lần. Xong nếu cái chết không đến từ viên đạn nào, nó lại đến từ chính những con mồi bị thợ săn tàn sát, thì đó có tính là báo ứng không ? Hẳn như vậy rồi, quả báo luôn rất linh hoạt và có thể đến theo nhiều kiểu khác nhau.
Ngày 4/11/2012, anh Nguyễn Tri – một thợ bắt rắn chuyên nghiệp cùng một số người đi bắt rắn tại vùng đồi xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Khoảng 2h chiều, anh Tri phát hiện một con rắn hổ mang chúa chui vào hang, anh liền dùng dụng cụ đào hang và bắt được con rắn ra. Bất chợt, con rắn mổ một phát nhanh như tia chớp vào tay anh Tri.
Anh được đưa vào bệnh viện Đa Khoa Hải Lăng, rồi chuyển lên bệnh viện Đa Khoa Quảng Trị, nhưng vẫn không thể cứu chữa được, đến 21h tối thì anh chết, một cái chết tê dại, đau đớn vì nọc rắn.
Chiều ngày 25/2/2014, ông Nguyễn Xuân Đỉnh (52 tuổi) ngụ ở phường 4, Tp Vĩnh Long do có việc đến Cần Thơ đòi nợ, ông đã nghỉ lại tại phòng số 305, nhà nghỉ Ngọc Hương (KDC Hưng Phú 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ). Trước đó, biết ông Đỉnh rất thích và thường xuyên ăn thịt rắn, một người bạn của ông Đỉnh đã tặng ông một con rắn hổ đất, ông đựng nó trong một chiếc túi, rồi để trong phòng vệ sinh mà chẳng lo ngại gì mấy.
Đến 5h sáng ngày 25/2/2014, vợ của ông Đỉnh nhận được điện thoại của ông, giọng nói thều thào báo rằng ông mới bị rắn cắn rồi cúp máy. Bà vợ cố gọi lại nhưng không ai nhấc máy, nên đã cùng người nhà lập tức lần theo GPS điện thoại của chồng sang Cần Thơ tìm đến tận nhà nghỉ.
Khi mở cửa phòng bước vào, mọi người thấy ông Đỉnh đã chết trên sàn nhà, mắt trợn trắng, toàn thân cứng đơ, dưới chân hiện rõ hai dấu vết cắn thâm tím. Bên cạnh đó, người ta thấy một con rắn hổ đất dài 1,1 mét đang cuốn tròn dưới chân bàn. Bằng cách nào đó nó đã trốn thoát khỏi cái túi, và báo thù cho dòng tộc nhà rắn của nó.
Ngày 20/1/2013, một đồ tể họ Thái đang làm việc trong lò mổ Thượng Thủy, Hồng Kông, Trung Quốc. Sau khi dùng roi điện giật điện một con lợn, ông Thái tưởng nó chết rồi nên cầm dao mổ lên để xẻ thịt nó. Bất ngờ con lợn tỉnh dậy và giãy giụa thật mạnh, đạp ông ngã lăn ra, con dao dài 40 cm sắc lẹm trên tay ông cắm thẳng vào chân trái, đúng ngay động mạch. Máu tuôn xối xả từ chân ông, giống hệt như những dòng máu xối xả tuôn từ cổ những con lợn từng bị ông chọc tiết. Đồng nghiệp vội vã đưa ông đi cấp cứu nhưng vô ích, ông trút hơi thở cuối tại bệnh viện.
Ngày 30/5/2018, một thợ săn chuyên nghiệp Claude Kleynhans (54 tuổi) như thường lệ đang dẫn đoàn thám hiểm đi săn dọc sông Levubu tỉnh Limpopo phía bắc Nam Phi.
Sau khi ông Claude bắn chết một con trâu rừng, loại con mồi ưa thích của ông và đang chuẩn bị chất xác nó lên xe. Bất chợt, một con trâu rừng khác cùng đàn với con bị bắn chết hùng hục lao tới ông Claude, húc mạnh cặp sừng vào đùi, làm đứt động mạch đùi. Máu ồ ạt chảy ra như suối và ông Claude tử vong.
Đêm 9/2/2018, một thợ săn 50 tuổi David Baloyi cùng hai thợ săn khác từ một ngôi làng ở Mozambique vượt biên giới sang khu bảo tồn thiên nhiên ở tỉnh Limpopo, Nam Phi để đi săn. Không ngờ, lần này họ không gặp may như những lần đi săn trước, họ bị lọt vào khu vực mai phục của một đàn sư tử đi kiếm ăn. Bất thình lình, một con sư tử cái phóng ra từ bụi rậm, cắn ngập hàm đầy nanh sắc vào David và xé toạc anh ta ra, cả đàn sư tử cũng nhanh chóng ập đến chia mồi. Thất kinh, hai thợ săn còn lại vứt súng bỏ chạy. Mười ngày sau, người nhà đến xác minh và nhận lại thi hài tại bệnh viện Maphutha Malatji, những gì còn lại chỉ là cái đầu của David.
Còn rất nhiều trường hợp khác nữa, nhưng tôi e là bạn sẽ không đủ kiên nhẫn đọc hết chúng vì quá dài, chừng đây thôi có lẽ đã đủ để bạn rút ra được những kết luận đáng giá nào đấy. Bạn nghĩ thế nào về những cái chết “bất đắc kỳ tử” này ? Phải chăng tất cả chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay đây là một dạng “thiên kiến xác nhận”, hay quả thực có một quy luật đứng đằng sau điều khiển tất cả ?
(Trích “Nhân quả Đất Việt” – Quang Tử )