THỜI KHÓA- BÍ QUYẾT DUY TRÌ VIỆC TU HÀNH BỀN BỈ

0
2027

Như Ngọc :
– Anh Quang Tử, em thấy mình chưa có một thời khóa tu tập thật hợp lý. Em cứ tùy duyên mà làm, cho nên nhiều lúc em bỏ ngang, nhiều lúc em đổ cho công việc, học tập nên cứ bị ngắt quãng mãi thôi.
Anh có thể cho lời khuyên về thời khóa cho người mới bắt đầu như em từ kinh nghiệm của anh được không ạ ? Cám ơn anh nhiều !

Quang Tử :
– Bạn thân mến, thường những người mới tìm hiểu Phật Pháp, do đọc kinh sách, nghe pháp, nghe người khác giới thiệu, thấy việc tu tập các pháp môn của Phật lợi ích vi diệu, công đức vô lượng… thì cũng có thể khởi lên ước muốn tu tập mạnh mẽ, rồi xắn tay hăm hở bước vào tu.
Xong thực tế, họ thường chỉ tu một thời gian là bỏ dở, không được lâu dài. Tuy có thể tạo công đức và duyên lành cho kiếp sau tu tiếp, xong hiện tại thì… đành phải dừng lại.
Vậy làm như thế nào để ngay trong hiện tại, có thể duy trì việc tu hành một cách bền bỉ, lâu dài ?
Một trong những bí quyết phổ biến nhất, là tạo dựng một “Thời khóa tu tập” và tận lực duy trì. Như thế nào là thời khóa tu tập ?
Thời khóa tu tập, hay gọi ngắn gọn là thời khóa, là một quy ước do mỗi người tự đặt ra cho chính mình, mỗi ngày phải duy trì dụng công tu tập theo pháp môn nào đó, với số lượng nhất định nào đó.
Việc lập ra thời khóa tu hàng ngày như vậy, sẽ giúp người tu chống lại được sự lười biếng trong tâm, hình thành thói quen tinh tấn.
Thực ra việc tu hành rất khó. Không phải vì việc tu hành theo Phật, ngay từ đầu đã đòi hỏi kĩ thuật quá cao siêu, không, ở bước đầu tu tập, Phật Pháp luôn có sẵn các pháp môn tương đối dễ dàng, như niệm Phật, lạy Phật, đọc kinh .v.v… việc nhập môn khá là dễ dàng, từ thanh niên, đến ông già bà lão, đến cả thiếu nhi cũng có thể ít nhiều tu tập.
Xong cái khó nằm ở việc duy trì trong thời gian dài. Việc tu theo Phật khá giống với người trồng cây, không phải bạn gieo một hạt giống xuống đất, lập tức hôm sau hạt giống sẽ sinh trưởng thần tốc, thành một cái cây xum xuê trái trĩu cành cho bạn đâu.
Không, trong tự nhiên dù là giống cây nào, đều phải chờ rất lâu cây mới ra trái ngọt, một vài năm, thậm chí vài chục năm mới có trái. Đó là quy luật. Vậy nên người thiếu kiên trì, muốn tung một mẻ lưới lập tức thu được những thành tựu trong Phật Pháp, thường nhanh chóng thất vọng.
Anh ta đã quên mất yếu tố thời gian. Các thành tựu mà Phật miêu tả người tu hành sẽ gặt hái được, là tuân theo luật Nhân quả.
Mà luật Nhân quả lại khá tương đồng với quy luật sinh trưởng của cây cối (khá tương đồng thôi chứ không phải giống hoàn toàn đâu) Thế nên quan sát cách mà người trồng cây thu được thành quả, ta cũng sẽ học được rất nhiều bài học trong việc xác lập thời khóa, giữ cho sự nghiệp tu hành trở nên bền bỉ, thành tựu viên mãn. Vậy người trồng cây, họ đã làm như thế nào ?
____________________
NGUYÊN TẮC THỨ NHẤT : ĐẶT RA THỜI KHÓA HỢP LÝ
Trồng trọt là một công việc vất vả , và cực nhọc. Không ai có thể trong một ngày trồng được cả một khu vườn rộng lớn, cả một cánh rừng được. Nên người trồng cây cần cù một cách hợp lý, chứ không điên cuồng. Họ luôn có một chiến lược phân bổ sức lực hợp lý cho cả một vụ mùa.
Đầu tiên là phải hiểu rõ sức lao động, sức chịu đựng của mình có thể đến đâu. Trên đời quả là có những lực sĩ làm việc trường kì không biết mệt, nhưng thực tế không phải ai cũng như thế. Lao động hùng hục không có chế độ giãn cách, nghỉ ngơi phù hợp, chỉ được một thời gian ngắn là gục hẳn vì lao lực, kiệt sức.
Người trồng cây có trí tuệ, luôn biết lượng sức mình, mà định ra chiến lược phù hợp với chính mình, chứ không mù quáng chạy đua theo các lực sĩ mà …nhập viện. Và họ có một số bí quyết như sau:
_________________
Bí quyết thứ nhất: “MUỐN ĐI XA, HÃY ĐI THONG THẢ TỪNG BƯỚC”
Khi có một đoạn đường dài 100m cho đến 500m, không có phương tiện gì ngoài đôi chân, nếu cần đến đích nhanh, người ta có thể vận hết sức lực mà chạy tới nơi cho nhanh, gọi là chạy nước rút.
Nhưng nếu đoạn đường dài 10 km – 50km, người khôn ngoan sẽ chuyển sang chạy marathon, nghĩa là chạy chậm mà bền, chứ chạy nước rút cho nhanh, thì giỏi lắm chỉ 1km thôi là gục ngã rồi nhập viện ngay, nghiêm trọng có thể đột quỵ mà chết, chẳng bao giờ tới đích cả.
Còn nếu đoạn đường là 100 km, hay 1000km… muốn chắc chắn đến được đích, chỉ có thể đi bộ, chứ chạy thì dù chạy chậm, cũng sớm kiệt sức mà gục. Chỉ có đi bộ, mệt thì nghỉ, mai lại đi tiếp, sức lực mới được tái tạo liên tục mà về đích được.
Trồng cây cũng vậy, sau khi xác định mùa vụ này tổng khối lượng công việc là bao nhiêu, người ta sẽ chia công việc ra thành nhiều phần nhỏ, tùy theo sức của mình, mà quy định mỗi ngày chỉ hoàn thành mức đó thôi, rồi đi nghỉ, mai làm tiếp. Cứ thế cần mẫn theo một lịch trình hợp lý đã vạch ra, chậm mà chắc.
Khi lập ra một thời khóa tu, cũng như vậy. Thà duy trì một thời khóa ngắn mà bền bỉ nhiều năm, còn hơn là tạo một thời khóa dài, mà chỉ vài ngày là bỏ.
Ví dụ, bạn biết hiện giờ mình tính còn ham vui, tính lười chưa bỏ được, thì chỉ nên đặt ra một thời khóa mỗi ngày tu 15 phút thôi.
Nếu bạn lại nghĩ : “Xem chừng 15 phút có vẻ ít, không hoành tráng lắm, chả thấm thía gì so với những vị thời khóa tu ngày 15 tiếng liền cả. Hay là đẩy lên 15h/ ngày cho triệt tiêu cái lười luôn có tốt hơn không ?”
Không !
Thực tế sẽ rất khác khi ngồi tính đấy, cái lười không mất đi đâu, mà nó lại càng ngày càng mạnh hơn. Sau 5 ngày, 10 ngày liền tu 15 tiếng, ban đầu là cảm thấy hơi mệt, sau sẽ là rất mệt, tiếp nữa là cực kì mệt, rồi tiếp sẽ chuyển thành sợ hãi, rồi kinh hãi, khiếp đảm. Cuối cùng là bạn sẽ ra lạy Phật một cách thành khẩn, để xin phép nghỉ luôn không bao giờ quay lại nữa.
Vậy nên, duy trì một chương trình dài hạn mỗi ngày 15 phút, không bỏ trong nhiều năm, còn hiệu quả hơn nhiều là một chương trình ngắn hạn trong 5 ngày liền, mỗi ngày cày liên tục suốt 15 tiếng, bạn phải hiểu rằng đây là một chiến thuật.
Đừng khinh thường con số 15 phút là ít ỏi, một năm có 365 ngày, nhân với 15 phút là tổng cộng 5475 phút, tức là hơn 90h, trong khi 5 ngày làm liên tục với 15 tiếng/ngày, thì mới chỉ có 75 h mà thôi.
Nếu duy trì tiếp nhiều năm sẽ còn nhân lên tiếp. Huống chi, con số 15 phút này chỉ là ví dụ ở một mức gần như thấp nhất, chứ đa số mọi người có thể duy trì thời khóa ngày 30 phút, hay 1 tiếng, 2 tiếng… trong nhiều năm, không quá khó khăn, thì tổng thời lượng còn tăng lên nhiều lần nữa.
Ngoài ra, việc duy trì một việc gì đó, một chương trình nào đó đều đặn trong thời gian dài, sẽ tác động lên tâm lý của con người sâu hơn, hiệu quả hơn là một việc gì đó chỉ xảy ra vài ngày. Đây là bí quyết “mưa dầm thấm lâu”, hiệu quả vượt trội so với các chương trình dồn dập mà ngắn hạn.
_________________
Bí quyết thứ hai: “NHÍCH TỪNG CHÚT MỘT”.
Khi chưa trồng cây bao giờ, tức là một “nông dân tập sự” không quen với cày cuốc, người khôn ngoan sẽ chỉ trồng một hai cái cây để làm quen công việc, cho da tay, cho gân cốt làm quen với sự nặng nhọc.
Qua hôm sau quen rồi, mới tăng lên trồng 3-4 cây, qua hôm sau nữa, thấy khả năng mình còn làm được nữa, thì tăng lên trồng 5-6 cây… cứ thế đến khi nào đặt đến giới hạn sức lực mình không thể kham nổi thêm được nữa, thì dừng lại.
Cũng như thế, khi ta lập ra thời khóa tu tập, tuần đầu tiên nên đặt ra một mức tương đối dễ, như mỗi ngày chỉ tu 15 phút thôi, để mình làm quen với nhịp điệu, tâm lý sẽ cảm thấy dễ tiếp nhận : “Ồ, thì ra tu hành không quá khó với mình, hoàn toàn trong tầm tay ta làm được.”
Qua tuần thứ hai, nếu thấy như vậy quá ít, sức mình có thể làm được nhiều hơn thế, vậy tăng lên 20 phút/ngày, đừng tăng quá nhiều, “đường xa mới biết ngựa hay”, không cần vội vã quá làm gì.
Tiếp đến tuần thứ 3, thứ 4, 5, 6, 7… cứ tăng dần từng chút một, chậm rãi mà chắc chắn, cho đến khi cảm thấy không tăng nối nữa, tùy người, mà có thể là 30 phút/ngày, hay 1 tiếng/ ngày, 2 tiếng/ngày, 3 tiếng/ngày… là hết cỡ, tăng thêm thì mình khó lòng xoay sở thời gian mà duy trì lâu dài nổi.
Việc nhích từng chút này, giúp tâm lý thích ứng dần, không bị sốc. Chứ nếu không hiểu điều này, ngay những buổi đầu, ta lập ra một thời khóa ngang với các cao tăng ẩn tu, ngày 108 biến chú Đại Bi, lạy Phật 1000 lạy, niệm Phật thêm 1080 câu, thì bạn yên tâm đi, chỉ 3 ngày thôi là vĩnh biệt, không bao giờ dám tu hành chi nữa. Vậy bạn hãy tính lại xem, cách nào được nhiều hơn ?
_________________
Bí quyết thứ ba : LINH HOẠT XEN KẼ
Trong một mảnh đất, người trồng cây để tăng hiệu suất tối đa, thường không chỉ trồng duy nhất một loại cây, mà linh hoạt kết hợp trồng xen kẽ nhiều loại, gọi là xen canh.
Cũng như vậy, khi bạn tu tập theo một thời khóa, không có cứng ngắc chỉ được tu cố định ngày nào cũng như vậy. Hôm nào cao hứng, bạn hoàn toàn có thể tăng số lượng lên, rồi tu thêm nhiều môn khác cho kinh nghiệm tu hành của mình có sự phong phú.
Ví dụ như thời khóa của bạn mỗi ngày là niệm Phật 1 tiếng đồng hồ, hôm nay rảnh rỗi, thì niệm Phật xong, bạn tụng thêm kinh Vô Lượng Thọ. Ngày mai cũng rảnh, lại có dư giả tài chính, vậy niệm Phật đủ thời khóa xong bạn có thể đi phóng sinh .v.v…
Các pháp môn, miễn đúng của Phật dạy, miễn là người tu có tư duy linh hoạt, thì đều có thể kết hợp, hỗ trợ qua lại cho nhau, bổ sung cho nhau, càng hiệu quả hơn mà thôi.
Thời khóa chỉ xem như mức tối thiểu, “mức sàn” phải hoàn thành mà thôi. Và thời khóa cũng không phải là cứng ngắc chỉ tu một số pháp môn nào đó, không thể thay đổi. Tùy theo thời kỳ, hoàn cảnh, tùy theo căn cơ của bạn mà nếu cần có thể thay đổi cho phù hợp.
Ví dụ như 3 tháng rồi bạn tụng kinh Địa Tạng, xong nay chuyển công tác, khó lòng mà sắp xếp thời gian, không gian mà ngồi cầm kinh đọc được. Vậy bạn có thể đổi thời khóa sang niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát, hoặc trì tụng một thần chú ngắn mà bạn đã thuộc lòng, thay thế cho việc ngồi cầm kinh đọc tụng.
Hoặc bạn đang có thời khóa là mỗi ngày tụng kinh Kim Cang 30 phút, xong nay bạn bị đau họng, hay sao đó không tụng đọc được. Bạn hoàn toàn có thể chuyển sang chép kinh Kim Cang 30 phút thay cho đọc. Miễn đủ 30 phút như mọi khi là hoàn thành thời khóa.
Cuộc sống của bạn, hoàn cảnh của bạn, hứng thú của bạn, chí hướng của bạn, năng lực của bạn… ngoài bạn ra thì chẳng ai biết rõ được. Các vị thầy, các thiện tri thức có thể dạy cho bạn phương pháp tu, xong không ai có thể thay bạn mà linh hoạt sắp xếp các vấn đề biến đổi không ngừng trong cuộc sống được.
Nếu bạn không tự mình an bài một thời khóa phù hợp với mình được, thì cũng chẳng ai làm được cả. Bạn không tự mình làm người giám sát, đốc công chính mình, cũng sẽ chẳng có ai làm thay cho bạn cả. Thế nên hãy linh hoạt và quyết đoán. Nắm phương pháp tu tập như thế nào rồi thì bạn phải “tự thắp đuốc mà đi”.
___________________
NGUYÊN TẮC THỨ HAI : KIÊN TRÌ
Người trồng cây với một mảnh đất có sẵn, ngay từ đầu đã xác định yếu tố thời gian, họ biết cần rất nhiều năm cây mới ra trái, thế nên họ rất kiên nhẫn, hiện tại dù phải trải qua nhiều năm chưa được thu hoạch gì hết, họ vẫn vui vẻ chờ đợi, không hề nôn nóng.
Cũng như vậy, tu hành theo Phật, bất luận pháp môn nào, không thể nôn nóng, đòi hỏi thành quả đến ngay sau một thời gian ngắn, vài hôm, vài tháng .v.v… đó là một đòi hỏi vô lý.
Trong kinh Đức Phật thường chỉ nói là tu được kết quả vi diệu, lớn lao như thế, xong Ngài không có ấn định thời gian cụ thể, Đức Phật đâu có nói là sau một đêm, mở mắt ra là kết quả đến ngay đâu ?
Thế nên, nguyên tắc đầu tiên khi xác lập thời khóa tu tập, là phải KIÊN TRÌ, dù chưa thấy kết quả gì cả, vẫn cứ phải duy trì đều đặn không bỏ.
Trong thực tế, nhất là với cư sĩ, Phật tử, cuộc sống luôn có rất nhiều sự việc, sự kiện phát sinh, khiến ta phân tâm, hoặc chán nản, bỏ dở việc duy trì thời khóa.
Nay thì có đồng nghiệp rủ đi liên hoan, mai thì có sếp giao cho một núi việc phải hoàn thành gấp, kia thì người yêu đòi đi xem phim, rồi ốm đau, rồi tết nhất, rồi hàng tỉ thứ việc phát sinh không ngừng, trẻ có cái bận của người trẻ, già có cái bận của người già, người đi học, người đi làm, ai ai cũng có trăm nghìn lý do, trăm nghìn mối lo xen vào bất chợt để bỏ dở thời khóa tu hàng ngày.
Rồi còn một thứ ít người tính đến, đó là tâm lý chán nản. Nó có thể phát sinh sau vài tháng, hoặc vài năm duy trì thời khóa tu tập, tùy nhân duyên từng người. Nếu không chuẩn bị tâm lý trước, người tu sẽ bị tâm của chính mình lừa gạt mà bỏ thời khóa. Lừa gạt như thế nào ?
Trong đầu người tu tự nhiên sẽ nảy ra các ý nghĩ: “Mệt quá, hay ta nghỉ vài hôm cho khỏe lại, rồi sau tiếp tục duy trì thời khóa”, hoặc “Vạn sự tùy duyên, nay có việc bận ta nghỉ, mai mốt rảnh rỗi thì tiếp tục” v.v…
Họ đâu có biết rằng các ý nghĩ đó chính do tâm lười biếng, giãi đãi trong bản ngã của mình vẽ ra, chiều theo các ý niệm đó, thì tức là sập bẫy.
Sau vài hôm nghỉ, cái lười tăng mạnh hơn, lại càng đẻ ra nhiều lí do hơn, rồi quên luôn chẳng thể nào tiếp tục duy trì thời khóa được nữa.
Vậy, sự kiên trì khi tu tập, phải là sự kiên trì dứt khoát, tu là tu, không mặc cả. Hôm nào dễ dàng đã đành, hôm nào khó khăn, do bận việc quan trọng thật sự, thì thức đêm mà tu tập, hoàn thành thời khóa rồi mới được ngủ.
Xem đá bóng, đánh bài, hay đi chơi giao thừa, chẳng có lợi ích gì, mà người ta cũng có thể thức đêm thức hôm mà làm, vậy việc duy trì thời khóa tu tập quan trọng như thế, thì nhất định phải làm được.
_________________
NGUYÊN TẮC THỨ BA : CHỌN PHÁP MÔN PHÙ HỢP
Người trồng cây, muốn thu hoạch được nhiều, ngoài siêng năng, kiên trì ra, còn một vấn đề rất quan trọng, đó là chọn cây phù hợp với mảnh đất của mình.
Trên đời có rất nhiều giống cây quý nổi tiếng, đem lại giá trị cực cao, xong không phải vì thế mà bạn có thể nhập về trồng hết trên đất của bạn được.
Bạn có thấy ở Tây Nguyên, người ta trồng cây cao su, cà phê thu hoạch tiền tỉ mỗi năm, mà xuống đến Ninh Thuận, Bình Thuận, chỉ cách vài trăm km, lại chẳng ai trồng cao su, cà phê, mà chỉ có thể trồng thanh long, hoặc bỏ đất hoang không canh tác không ? Vì sao lại như vậy ?
Vì nếu không hợp thổ nhưỡng, không hợp khí hậu, cây không sống được, hoặc sống được thì cũng chẳng ra hoa kết trái được, hoặc có ra trái, thì chất lượng cũng chẳng ra gì. Thế nên, chọn trồng cây gì thích hợp trên đất của mình rất quan trọng.
Cũng như vậy, nếu chọn pháp môn không hợp với mình, dù pháp môn có vi diệu, có thù thắng như thế nào, bạn cũng chẳng thể phát huy được sự vi diệu, thù thắng đó đâu.
Đã vậy, do không hợp, nên hứng thú không có, mức độ thành tâm nhạt nhòa, khả năng duy trì lâu dài là rất khó khăn. Mà một khi đã không thể duy trì, nghỉ tu rồi, thì cũng còn gì nữa đâu để mà bàn ?
Trong Đạo Phật, Đức Phật Thích Ca sau 45 năm thuyết pháp, đã giảng dạy rất nhiều pháp môn. Có những pháp môn rất cao siêu, và cũng có những pháp môn đơn giản dễ tu.
Ngày nay, sau hơn 2500 năm lưu truyền, thì có một số pháp môn phổ biến như niệm Phật, Thiền, tụng kinh, trì chú, nhiều người tu nên hình thành một tông phái chuyên ròng. Xong thực ra còn rất nhiều pháp môn khác nữa, bố thí tài vật, bố thí vô úy, bố thí Pháp, trì giới, quán tưởng, chép kinh, đúc tạc tượng Phật, v.v… và tổng số lên đến hàng ngàn pháp môn, mà thường trong kinh miêu tả, gọi là 8 vạn 4 ngàn pháp môn.
Một kiếp người bình thường chẳng ai tu thành tựu hết tất cả các pháp môn được, trừ khi đó là Đức Phật, là Đại Bồ Tát thị hiện. Quá nhiều như vậy, thì biết chọn môn nào để tu đây ?
Vì sao Đức Phật lại dạy ra nhiều pháp môn như vậy, mà Ngài không gom lại chỉ một pháp môn thôi cho dễ chọn ?
Đó là do mỗi người có một căn cơ khác nhau.
Hiểu đơn giản, thì cùng một pháp môn, nếu nhiều kiếp trước ta đã từng tu qua, tích lũy nhiều kinh nghiệm và công đức, nhân duyên trong pháp môn này rồi. Thì đến hiện tại kiếp này, nếu tu lại đúng pháp môn đó, ta sẽ cảm thấy hứng thú mạnh, dễ duy trì được lâu dài, dễ đạt được những linh ứng, những thành tựu, đó gọi là căn cơ.
Việc chọn đúng pháp môn phù hợp căn cơ của mình cực kì quan trọng, cũng giống như lựa đúng giống cây thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu trên mảnh đất của mình. Xong thường ít người hiểu được điều này.
Thời Đức Phật, Ngài luôn luôn dạy Đạo dựa trên căn cơ của từng người. Với mỗi một người đến yết kiến Đức Phật xin học Đạo. Đầu tiên là Ngài âm thầm quán sát vô lượng kiếp của người đó xem căn cơ như thế nào, tiếp đó sẽ chọn pháp môn phù hợp nhất để truyền dạy, mỗi người sẽ khác nhau.
Ví dụ như Ngài Chu-la-pan-ta-ka ( Châu Lợi Bàn Đặc), sư huynh dạy mãi mà Ngài không thuộc nổi một bài kệ 4 câu, xong Đức Phật biết căn cơ của ngài hợp với quán vô thường, đưa cho ngài một chiếc khăn lau. Ngài đem đi lau đồ vật rồi quán sát sự biến đổi của chiếc khăn từ sạch thành bẩn, nghiệm ra sự vô thường, ngay đó chứng quả vị A La Hán.
Nhưng với bà Vi Đề Hy và vua Tần Bà Sa La, thì Đức Phật biết họ có duyên với Phật A Di Đà, nên Đức Phật dạy pháp môn quán Vô Lượng Thọ để họ được vãng sinh Cực Lạc.
Cách Phật đã xa, thiệt thòi cho chúng sinh là không còn Đức Phật để đến thưa hỏi, xin Người chỉ dạy pháp môn thích hợp. Thời nay các vị thầy thường tu môn nào sẽ quảng bá cho pháp môn của mình, nếu có ai tới hỏi học Đạo, sẽ ca ngợi rồi dạy cho họ pháp môn đó, chứ ít vị thầy nào xem xét để tìm ra pháp môn phù hợp với căn cơ của người tới học Đạo.
Một là vì tâm lý “bảo thủ tông môn”, hai là vì việc này quả là rất khó, cần phải có Pháp nhãn của Đại Bồ Tát trở lên mới nhìn ra chính xác căn cơ của từng người, xem nên tu môn nào thì hợp. Chỉ có một số rất ít các vị minh sư, tùy căn cơ của đệ tử mà dạy các pháp môn khác nhau cho phù hợp, như HT Hư Vân, HT Tuyên Hóa, HT Thích Thiền Tâm… xong các vị minh sư như thế luôn rất hiếm, khó gặp được.
Vậy nếu không gặp được minh sư quán sát căn cơ cho, thì việc này là bất khả thi sao ?
Rất may là không, luật nhân quả luôn có cách để một người tìm được đúng pháp môn mình có duyên tu từ nhiều kiếp, miễn là người đó không quá cố chấp, chịu khó tìm kiếm. Có duyên tự khắc sẽ có thể tìm được.
Bí quyết của Quang Tử ( đây chỉ là bí quyết cá nhân thôi nhé) như sau: trong thời kỳ đầu học Đạo chọn pháp môn, bạn hãy thử tu qua nhiều pháp môn khác nhau, mỗi pháp môn tu thử một tháng, hoặc vài tháng.
Nếu gặp pháp môn không hợp với căn cơ của mình, bạn sẽ thấy không có hứng thú, rất khó để duy trì, bất kể bạn nghe giảng giải lợi ích nhiều như thế nào, bạn cũng không theo môn đó được.
Còn nếu gặp được pháp môn phù hợp căn cơ, kiếp trước bạn đã tu qua nhiều rồi, thì bạn sẽ thấy có hứng thú, tâm mình khởi lên đam mê, ham thích rất mạnh, hoặc có cảm giác quen thuộc, hoặc có thể học nhanh hơn người khác, hoặc dễ đạt được những linh ứng vi diệu.
Nếu bạn nhận ra các đặc điểm này khi tu một pháp môn nào đó, vậy khả năng cao đó chính là pháp môn hợp với căn cơ của bạn. Hãy tập trung đầu tư thời gian, tâm huyết và công sức của bạn vào pháp môn đó.
Ví dụ như môn niệm Phật 6 chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”, dù rằng các tông sư của Tịnh Độ luôn ca ngợi là pháp môn phù hợp mọi căn cơ, là nhất trong thời Mạt Pháp này.
Xong thực tế có rất nhiều người, họ cũng được học và nghe giảng về sự vĩ đại của Phật A Di Đà cũng như cõi Cực Lạc nhiều, và cố gắng ép mình niệm Phật một thời gian.
Xong trong tâm rất gượng ép, không có chút hứng thú, tình cảm nào, không sao mà niệm một cách thành tâm được. Họ cảm thấy rất khó để duy trì niệm Phật lâu dài được. Vì sao ? Vì trong nhiều kiếp trước họ không có duyên với Phật A Di Đà.
Đến khi hướng dẫn họ chuyển sang thời khóa niệm “Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát” thì tình hình khác hẳn. Họ niệm thiết tha với niềm tôn kính dạt dào, có thể niệm cả ngày không biết chán, không biết mệt, không cần ai phải đôn đốc, thúc giục thời khóa cả.
Đó là vì xưa ở kiếp nào đó, họ từng được Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ, ví dụ như gặp nạn hỏa hoạn, niệm danh Quán Thế Âm được thoát nạn chẳng hạn, việc đó sẽ hình thành một nhân duyên sâu dày với Quán Thế Âm Bồ Tát.
Căn cơ của họ gắn liền với Quán Thế Âm Bồ Tát, thì dù các pháp môn khác có siêu việt hơn như thế nào chăng nữa, họ cũng chỉ nên tu các pháp môn liên quan đến Quán Thế Âm Bồ Tát, như vậy họ mới có thể khởi được lòng thành, như vậy mới duy trì được lâu dài, và như vậy mới đạt được kết quả vượt trội được.
Pháp môn tốt nhất không hẳn là một pháp môn cao siêu, thù thắng nhất định nào cả, mà chính là pháp môn thích hợp nhất với bạn.
Trên đây chỉ là một ví dụ thôi, trong thực tế thì muôn hình vạn trạng. Có người căn cơ hợp với một pháp môn, có người lại hợp với hàng loạt pháp môn. Có người 10 năm đầu hợp với Thiền, 10 năm sau lại hợp với Tịnh Độ .v.v… Không tinh ý quan sát, và thử nghiệm, không thể biết được.
Một vị thầy, một thiện tri thức có trí tuệ, phải hiểu được khái niệm “căn cơ” này, tùy cơ mà hướng dẫn cho từng người chọn pháp môn phù hợp. Còn với người đi tìm Đạo, cũng phải hiểu điều này để tìm kiếm và lựa chọn pháp môn phù hợp căn cơ của mình.
Trên đây Quang Tử đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong việc xác lập thời khóa tu tập:
Nguyên tắc thứ nhất : ĐẶT RA THỜI KHÓA HỢP LÝ
+Bí quyết 1: “Muốn đi xa, hãy đi thong thả từng bước”
+Bí quyết 2: “Nhích từng chút một”.
+Bí quyết 3: “Linh hoạt xen kẽ”
Nguyên tắc thứ hai : KIÊN TRÌ
Nguyên tắc thứ ba : CHỌN PHÁP MÔN PHÙ HỢP
Những chia sẻ này có thể còn nhiều thiếu sót, vì trình độ còn non yếu. Xong cũng xin mạnh dạn chia sẻ, hy vọng ít nhiều sẽ có ích cho những người mới bắt đầu tu tập như bạn. Chúc bạn luôn tinh tấn duy trì thời khóa, đạt được nhiều thành tựu vi diệu, sớm viên thành Phật đạo, quảng độ chúng sinh.
( Quang Tử)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận