– Anh Quang Tử, tu theo Phật thì khó ở chỗ nào anh ?
– Trong Phật Pháp, nhiều việc tưởng rất dễ, xong chỉ vào thực tế, có làm mới hiểu là cái khó nằm ở đâu.
Em có thể làm một thí nghiệm nhỏ, ngay lập tức, để cảm nhận được cái khó của tu hành nằm ở đâu. Thí nghiệm này mất 20 phút
– Ok, em sẵn sàng
– Khi anh nói thí nghiệm này ra, lập tức não em sẽ tính toán và hiểu ra vấn đề, nhưng anh không cần cái hiểu đó, mà cái anh muốn em có được, là trải nghiệm cái khó bằng toàn bộ giác quan của mình. Nên hãy cố gắng thực hiện nhé. Quanh em có cục gạch nào nặng cỡ 2kg chứ ?
– Dạ có ạ
– Ok, 2 kg không có gì nặng đúng không em ?
– Dạ không anh. Nhẹ hều
– Giờ em hãy cầm hòn gạch ấy, dùng tay mà em thuận để cầm, giơ thẳng tay, vuông góc 90 độ với cơ thể. bấm đồng hồ 20 phút. Trong 20 phút đó không được thả xuống, giữ yên tư thế không thay đổi.
– Dạ Ok anh. Đơn giản, chờ em 20 phút.
Năm phút sau …
– Anh ơi, có cần cầm đủ 20 phút không anh ? Em cầm 4-5 phút là không chịu nổi rồi ạ.
– Năm phút gục hả em, vậy thôi dừng cũng được. Việc tu hành trong Phật Pháp nó có cái khó kiểu giống như vậy.
Toàn những việc nghe qua bình thường, giữ 5 giới (có mỗi vài giới, đâu có nhiều), tụng kinh ( ai mà chả biết đọc), trì chú ( cũng đọc thôi mà) v.v… Giống như khi em nghĩ về viên gạch, có 2kg thôi mà, và 20 phút cũng chẳng phải con số gì đáng kể.
Ok, khi nghĩ qua nó hoàn toàn không có gì ghê gớm, không phải lên rừng xuống biển, đánh nhau với quái vật, giải cứu thế giới gì cả. Nhưng, hãy làm đi, rồi mọi người sẽ hiểu, nó khó kinh hồn như thế nào, khó lắm, vì nó là thử thách của thời gian.
– Vâng đúng rồi a ạ. Khó thật sự
– Đọc chú Đại Bi 21 lần trong một ngày, cũng không phải quá khó, có 30 phút thôi mà. Nhưng thử duy trì 3 năm không bỏ ngày nào xem.
– Có một thời gian e đọc trú, Nhưng duy trì ko quá 2 tuần
– Đó, trì chú là như vậy, nắng mưa, nóng lạnh, bệnh – khỏe , bận – rảnh … bất chấp, không cho phép lí do gì cả, phải giữ vững đủ ngày 21 biến, 3 năm không thay đổi. Làm được 3 năm, rồi sao ? Thì tiếp 30 năm … cho đến khi chết thì thôi. Đường xa mới biết ngựa hay.
Sự mỏi mệt rồi sẽ đến dày vò người tu hàng ngày. Rồi khó khăn ở đâu cứ xuất hiện không ngừng. Qua được màn khó khăn, sẽ đến màn của sự cám dỗ, còn khó hơn nữa…
– Vâng, anh Quang Tử. Rồi còn việc nọ việc kia, đủ thứ xen vào
– Nó như lúc em giữ viên gạch ở phút cuối ấy, cái mỏi nó cứ ở lì đó, không hề biến mất một giây nào cho em nghỉ. Và em phải lôi tất cả ý chí ra chống đỡ. Sau cùng, em sẽ phát hiện ra ý chí của mình chỉ 5 phút là nó … hết xăng
Nó là một cuộc đua giữa cái xe và con đường. Xe đổ xăng vào là chạy thôi, dễ mà. Xong không phải, lúc ban đầu em chưa lường được xe em có thể chứa bao nhiêu lít xăng, và con đường là dài bao nhiêu, em cũng chưa lường được số cây số. Khi chưa đi thử bao giờ, em không thể lường chính xác được, nên có thể cho là nó dễ dàng.
Như khi em cầm viên gạch và chuẩn bị nâng giữ nó, em cũng không thể lường được sự việc như thế nào. Chỉ nghĩ đến con số 2kg, quá nhẹ ! 20 phút ư ? thoáng cái là xong thôi
Xong chỉ khi cầm nó lên, giữ nó mãi, ta mới dần nhận ra, sự khốc liệt của “thời gian dài” nghĩa là sao.
– Dạ vâng e hiểu rồi ạ. Con đường còn dài quá
– Đó là cái mà chỉ có thực hành mới dậy cho em hiểu được, chứ chẳng có ông thầy nào giảng lí thuyết hay như thế nào có thể giúp em hiểu. Là một cư sĩ, chỉ cần giữ có 5 giới cơ bản thôi. Nghe qua dễ lắm. Ai đi Quy y nghe rồi đều nhanh chóng hứa sẽ làm, vì có thể họ nghĩ họ làm được thật, chứ không nói dối. Xong rồi sao ?
Ví dụ, qua nhà bố vợ tương lai, ông mời uống chén rượu, ăn bữa tối thân mật. Dám từ chối chén rượu và những miếng thịt trong bàn không ? uhm… không có dễ như khi hứa đâu à.
– Khó lắm anh ạ. Đấy là cái mà sáng em nói với anh. Về việc cân bằng giữa sống và tu. Có nhiều thứ cám dỗ…
– Vậy nên tu hành trong Phật Pháp, Trí thôi không đủ, cần phải chuẩn bị một cái nữa : DŨNG
Và nếu có Dũng rồi, lại phải thêm một cái nữa, mới đủ thế chân kiềng :BI
Và thế mới đầy đủ cả bộ sức mạnh để có thể tu hành đường trường mà thủa xưa Đức Phật dạy, đó là : BI – TRÍ – DŨNG.