NGƯỜI XẤU ÁC CŨNG CÓ THỂ THÀNH PHẬT

0
1791

( Trích kinh Bách Duyên )

Thời Đức Phật, khi ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ cùng với chư tỳ-kheo, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Tại thành Xá-vệ, có một ông trưởng giả tên là Bà-trì-gia (Vadrika), giàu có nhưng tâm địa cực ác, thường chẳng thân thiện gần gũi với ai. Tuy vậy, ông lại có lòng kính ngưỡng phụng sự sáu thầy ngoại đạo.
Ngày kia, ông mắc bệnh trầm trọng, không có ai chăm sóc thuốc thang, mạng sống rất nguy kịch. Ông liền tự nghĩ rằng:
“Ta nay thọ bệnh, khốn khổ cùng cực như thế này, nếu ai có thể cứu được mạng sống của ta, ta sẽ trọn đời hầu hạ phụng sự người ấy.”
Ông lại nghĩ tiếp rằng:
“Chỉ có Phật Thế Tôn mới có thể cứu được mạng ta mà thôi.”
Nghĩ như vậy rồi liền sanh lòng khát ngưỡng, mong mỏi được thấy Phật.
Đức Phật thường lấy tâm đại bi ngày đêm quán sát hết thảy chúng sanh, thấy biết những ai đang gặp khổ não thì ngài hiện đến tùy duyên cứu giúp, thuyết pháp cho nghe khiến được hoan hỷ thân tâm, nếu đang đọa trong nẻo ác, cũng khiến cho lìa khỏi đó mà sinh vào chốn trời người, được thành đạo quả.
Khi ấy, Phật nhìn thấy ông trưởng giả đang khốn khổ vì bệnh tật, không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng, ngài liền từ xa phóng hào quang chiếu đến nơi thân người bệnh, khiến cho thân thể được khoan khoái, mát mẻ, dù chưa hết bệnh hẳn nhưng tâm liền tỉnh ngộ, vui mừng khôn xiết. Ông trưởng giả Bà-trì-gia khi ấy liền hướng về phía Tinh xá nơi có Phật, phủ phục lễ bái quy vọng về Phật.
Lúc đó, đức Thế Tôn biết rằng thiện căn của Bà-trì-gia đã thành thục, có thể được giáo hóa. Ngài liền hiện
đến nơi nhà ông trưởng giả này. Khi ấy, ông liền vùng dậy, chấp tay cung kính đón rước Phật lên chỗ ngồi.
Đức Phật hỏi Bà-trì-gia:
– Ông nay chịu bệnh khổ, có biết ở nơi đâu không? Ông đáp rằng:
– Con nay chịu khổ não ở cả nơi thân và tâm.
Đức Phật liền nghĩ :
– Ta từ nhiều kiếp đến nay từng tu hạnh từ bi, nguyện trị lành tất cả bệnh khổ nơi thân và tâm của chúng sanh.
Bấy giờ, vua trời Đế-thích biết được ý nghĩ của Phật, liền bay đến Hương Sơn, lấy loại cỏ thuốc tên là bạch nhũ, mang về dâng lên cho Phật. Phật nhận cỏ thuốc rồi trao cho Bà-trì-gia, bảo uống hết vào. Bệnh liền được khỏi, thân tâm an lạc.
Ông này đối trước Phật sanh lòng tin phục gấp bội phần, liền vì Phật và chư tỳ-kheo tăng mà chuẩn bị các món ăn ngon lạ để cúng dường. Xong, lại dùng một chiếc áo tốt rất đẹp đẽ, giá trị trăm ngàn lượng vàng mà dâng cúng.
Ông lại phát nguyện lớn rằng:
– Nhờ công đức cúng dường Phật và chư tỳ-kheo tăng, nguyện cho tôi về sau cũng trị được các bệnh khổ nơi thân và tâm của tất cả chúng sanh, làm cho được an lạc, giống như ngày nay Thế Tôn đã trị dứt bệnh khổ nơi thân và tâm của tôi, làm cho được an lạc.
Khi ông phát nguyện như vậy rồi, đức Phật liền mỉm cười, từ nơi trán, giữa hai lông mày phóng ra một đạo hào quang năm sắc, bay quanh Phật ba vòng rồi lại theo chỗ trên trán Phật mà bay trở vào.
Khi ấy, A-nan bạch Phật rằng:
– Như Lai là đấng tôn quý, chẳng vô cớ mà cười bao giờ. Nay vì nhân duyên gì mà Phật mỉm cười, xin giảng giải cho chúng con được biết.
Phật bảo A-nan:
– Ông có nhìn thấy người trưởng giả đây sau khi khỏi bệnh phát tâm cúng dường ta và chư tăng hay chăng?
– Bạch Thế Tôn, con đã thấy.
Phật nói:
– Về sau người này sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni,(trùng tên với Phật Thích Ca) rộng độ chúng sanh nhiều vô số. Vì nhân duyên ấy mà ta mỉm cười.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.
______________________

Nếu như bạn đã từng đọc qua rất nhiều câu truyện về Luân hồi và Nhân quả, rồi nghiền ngẫm, suy xét. Chắc hẳn bạn cũng cảm thấy kinh sợ vì sự nguy hiểm của luân hồi, sự khủng khiếp của nghiệp báo.
Chúng sinh cứ mãi vô số kiếp đầu thai trong 6 cõi, sinh ra rồi chết, hưởng vui sướng thì ít mà chịu đau khổ, đày đọa thì vô cùng tận, vô vàn những máu và nước mắt đổ xuống trong những kiếp nhân sinh, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
Truy xét kiếp trước của những chúng sinh trong địa ngục, đang ngày đêm bị chặt chém, gào thét giữa vô vàn máu, nước mắt, quỷ dữ và lửa đốt không ngơi nghỉ. Ta thấy có rất nhiều người , những kiếp xưa cũng đã từng làm những việc rất tốt, cũng giúp đỡ người nghèo khổ, cũng cúng dường, cũng xây cầu làm đường… cũng đủ mọi điều lành
Rồi nhờ phước đức đó kiếp sau họ đầu thai về những nơi sung sướng , người thì được giàu sang,vinh hiển, người thì làm quan tướng, vua chúa, hay cao hơn, sinh lên cõi trời làm thần, làm tiên. Khi ấy, sự cao sang quyền quý, sự thụ hưởng phước báu khiến họ u mê, không còn hiền thiện như kiếp trước nữa. Họ bắt đầu kiêu ngạo, ác độc và tạo ra bao nhiêu điều tội lỗi. Giết hại chúng sinh, tà dâm, ác khẩu… cũng như trăm nghìn tội lỗi khác. Phước báo đời trước không giữ được họ khỏi những tham lam, sân hận, si mê trong lòng.< kiếp thứ hai >
Cuối cùng, vì những tội lỗi mà họ đã tạo, họ bị lôi vào địa ngục, bị thiêu đốt, bị đâm chém … bị đủ mọi đau đớn < kiếp thứ ba >
Xét rộng ra tất cả các chúng sinh đang chịu khổ, dù là người, là thú vật, là quỷ đói hay chúng sinh địa ngục ,tất thảy đều đi qua các chu kì như thế: làm phước_ hưởng phước, đồng thời tạo tội_ chịu tội.
Mà cái thời gian chịu tội thường lâu gấp ngàn vạn lần cái thời gian hưởng phước, thật là một chu kì ác nghiệt và nguy hiểm. Mà luân hồi này bản chất là như vậy, nó giống một nhà tù khổng lồ, giam giữ chúng sinh bằng chính tâm ham đắm dục lạc của họ, khiến cho chúng sinh đau khổ nối tiếp đau khổ, liên miên không sao dứt ra được.

Ngay đến cả các chư thiên ở các tầng trời cao nhất của cõi Vô sắc giới, hưởng phước báu cõi trời an lạc đến hàng triệu triệu năm, cũng vẫn chưa thoát khỏi cái chu kì ác nghiệt này, huống chi tất cả chúng ta?
Thế nhưng không lẽ không có cách nào thoát được cái vòng luẩn quẩn ấy ? Rất may cho chúng ta_ những người có duyên với Phật pháp, là có một lối thoát !

Đức Phật dạy chúng ta rất nhiều pháp môn làm tăng trưởng Bồ Đề Tâm, gieo hạt giống Giác Ngộ, những con đường ấy sẽ dần đưa chúng sinh thoát được luân hồi sinh tử.
Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng bạn phải thực hành theo đúng Chánh Pháp của Phật trong suốt hàng ngàn kiếp mới mong thoát được cái vòng luẩn quẩn của luân hồi. Điều đó thật sự thiên nan vạn nan!
Dù kiếp này ta gặp được Phật pháp cũng không gì đảm bảo kiếp sau ta lại gặp được chánh Pháp như thế.
Đức Phật, Người biết điều đó, vì lòng từ bi Người đã dạy một yếu chỉ quan trọng, Phật gọi là “PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ”, trong kinh Hoa nghiêm , còn được gọi là ” Sơ phát tâm”, trong kinh Kim Cang, được gọi là ” Phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” hay trong một số kinh được gọi là ” Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”

Chỉ cần một lần PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, bạn cũng như bất kì người nào khác đã đặt bước chân đầu tiên lên con đường vững chắc, kiên cố hướng đến quả vị Phật. Cho dù muôn kiếp sau có xảy ra điều gì đi chăng nữa cũng không làm điều này thay đổi được .
Nhưng thế nào là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ ?

Giống như lời phát nguyện của ông Bà Trì Gia trong truyện đây chính là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ.
Chính nhờ một lần PHÁT NGUYỆN như thế, mà vị đó trải qua vô lượng kiếp tu hành sẽ trở thành Đức Phật hóa độ chúng sanh nhiều vô số như Phật Thích Ca đã thọ ký.
Nói một cách dễ hiểu, PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ là khởi lên ước muốn trở thành Phật, cứu độ tất cả chúng sinh. Hòan tòan không khó, phải không bạn ? Và bạn có thể thực hiện điều đó ngay trong ngày hôm nay !
Những việc bạn cần làm là giữ lòng thành kính, bước đến trước bàn thờ Phật, quỳ xuống, chắp tay hướng đến Phật mà phát lên điều nguyện rằng (có rất nhiều cách nguyện, sau đây chỉ là một cách để tham khảo):

“ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô A Di Đà Phật ! Con xin đem hết thảy căn lành, thành tâm mà nguyện rằng : trong vô biên vô lượng kiếp sau, con sẽ tu hành mọi công hạnh không tính kể thời gian để chứng đắc được quả vị Phật giống như Người, hóa độ vô biên vô số chúng sinh trong Pháp giới ! Cúi xin mười phương Chư Phật chứng minh!”

Và điều nguyện đó sẽ càng chí thành hơn, càng linh ứng hơn nhiều nếu trước đó, bạn thực hiện một việc phước lành như ông Bà Trì Gia trong truyện cúng dường Phật chiếc áo, bữa cơm thanh tịnh, ta có thể bố thí, cúng dường, phóng sinh, ấn tống… hay bất kì việc từ thiện nào khác. Rồi cũng đến quỳ trước tượng của Đức Phật mà khấn rằng :

“ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô A Di Đà Phật ! Con xin đem hết thảy căn lành và chút công đức bé nhỏ này, thành tâm mà khấn nguyện rằng : nhờ chút ít công đức đó mà trong vô biên vô lượng kiếp sau, con sẽ tu hành mọi công hạnh không tính kể thời gian để chứng đắc được quả vị Phật giống như Người, hóa độ vô biên vô số chúng sinh trong Pháp giới ! Cúi xin mười phương Chư Phật chứng minh!”

Mọi cây đại thụ vĩ đại nhất đều bắt đầu từ một mầm cây bé nhỏ. Nếu như bạn thực hiện được điều này, có nghĩa là bạn vừa gieo một hạt mầm của cây Bồ đề vào dòng luân hồi sinh tử của bạn. Không cần biết là trải qua bao nhiêu kiếp nữa, nhưng chắc chắn một điều rằng, lời nguyện thiêng liêng của bạn sẽ thành hiện thực.
Tất nhiên, một người sau khi PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ chưa thể ngay lập tức xuất hiện kì tích. Người ấy vẫn còn đầy đủ những tham_ sân_ si, người ấy vẫn còn hay mắc lỗi vì còn bản ngã. Nhưng những điều đó không có cơ hội để tồn tại lâu.
Giống như người tự có la bàn trong tâm, dù có đi giữa rừng già hay giữa sa mạc mênh mông, người đó cũng không sợ bị lạc.
Người đã gieo hạt giống Bồ đề vào trong tâm luôn tự tìm ra con đường đúng đắn để đi dù không có người chỉ dạy. Dù thời gian có lâu xa, phải trải qua số kiếp nhiều hơn số cát có trong quả Địa cầu này cũng không làm người ấy nản lòng.
Dù có khó khăn, nguy hiểm, phải vì chúng sinh mà hi sinh thân mạng, nhiều đến mức phủ kín bề mặt Trái đất này cũng không làm người ấy dừng bước.
Chư Thiên trên các tầng Trời không ngừng dõi theo từng bước người ấy bước đi trên con đường dẫn đến Đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì đó là con đường thiêng liêng mà mười phương Chư Phật đã đi.
Hãy dũng mãnh lên và PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ ! Đó sẽ là điều vĩ đại nhất mà bạn từng làm trong vô lựợng kiếp qua và mở ra vô số điều vĩ đại trong vô lượng kiếp tới.

Chúc bạn sớm viên thành Phật đạo !
Nammô Bổn sư Thích Ca Nâu Ni Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật !
Nammô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát !
Nammô Đại Nguyện Đia Tạng Vương Bồ Tát !
Nammô Đương Lai Di Lặc Tôn Phật !

“Chúng sinh vô biên, thệ nguyện độ khắp.
Phiền não vô tận, thệ nguyện dứt sạch.
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện tu học.
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành tựu.”

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận