LO NHIỀU THÌ BẠN ĐƯỢC GÌ ?
(Quang Tử)
Phần 1 : VÔ THƯỜNG
Sống trong cuộc sống – thế thì bạn luôn phải suy nghĩ, lo lắng về một điều gì đó. Vì sao ? Vì lo nghĩ và tìm cách giải quyết, bạn sẽ đạt được một cái gì đó.
Khi còn nhỏ ngồi trên ghế nhà trường, bạn sẽ phải lo về những bài kiểm tra, những kì thi, làm sao để học giỏi, để có được nhiều điểm 9, điểm 10.
Một số người lo đến phát sốt, trở thành một nỗi ám ảnh đến tận nhiều năm sau, dù không còn đi học nữa. Khi ấy, niềm ao ước của một học sinh là sau này lớn lên sẽ làm bác sĩ, công an, kĩ sư, họa sĩ, phi hành gia .v.v… và thật hạnh phúc khi không còn phải lo lắng về bài vở, thi cử nữa.
Lớn lên, quả nhiên, bạn không phải lo học bài, thi cử nữa (đa số là vậy), điểm 10 hay điểm 1 gì gì nữa cũng không cần bận tâm. Nhưng cuộc sống đã kịp thời bổ sung ngay lập tức những thứ mới. Kiếm sống, mưu sinh, việc làm, sự nghiệp, việc sếp giao chưa làm xong, khi nào tăng lương, hay kho hàng bán mãi chưa hết… sẽ thay thế những bài thi, trở thành mục tiêu để bạn lo nghĩ, và lại phấn đấu.
Công việc ổn định một chút rồi thì hết lo nghĩ chăng ? Đâu có. Công việc mà ổn ổn thì sẽ là mối lo tích lũy tiền mua nhà, mua xe…Bạn sẽ nghĩ: “Cố lên, hãy phấn đấu, ta sẽ có nhà, có nhà rồi thì ta sẽ có xe hơi, có xe rồi ta sẽ lại có cái kia…khi đó ta sẽ được nghỉ ngơi”
Đó là tôi chỉ nhắc đến những cái lo dài hạn một chút, chưa có kể đến bệnh tật, thiên tai, trộm cướp … cùng mọi thứ tai họa bất thình lình vẫn hay thường ập đến với bất cứ ai để người ta chạy đôn chạy đáo lo giải quyết.
Chưa hết đâu, rồi bạn sẽ diện kiến với nỗi lo về kết hôn, tìm “một nửa còn lại” của mỗi người.
Tìm mãi không được thì không chỉ bạn lo, mà cả gia đình, dòng tộc sẽ nhảy vào lo cùng bạn.
Nếu có rồi, thì sẽ tiếp tục lo về đám cưới. Cưới rồi thì lo sinh con. Không sinh được thì lo làm sao sinh cho bằng được. Sinh được rồi thì có thể lo sinh thêm đứa nữa.
Con cái lớn lên thì lo cho nó đi học, mỗi đứa 12 năm phổ thông và 4-5 năm Đại học (thường là vậy) và chứng kiến một vòng lặp mới của bọn chúng, chia sẻ cùng chúng trong mọi nỗi lo.
Rồi thì chúng sẽ lại đi theo con đường năm xưa bạn đã đi, dù có khác nhau đấy, xong chung quy cũng chỉ là LO VÀ ĐI GIẢI QUYẾT CÁC NỖI LO mà thôi.
Nhưng rồi giả sử mọi việc đều đã được lo liệu ổn thỏa, bạn đã già, những chuyện lớn trong đời cần làm cũng đã làm xong, vậy hết lo được chưa?
Không ! Bấy giờ sẽ xuất hiện một nỗi lo, lớn đến mức, với nhiều người nó biến thành nỗi sợ hãi: đó là cái chết.
Người trẻ thường ít nghĩ đến cái chết, vì thấy nó còn quá xa để lo nghĩ. Nhưng khi đã già, thấy một năm trôi qua nhanh như điện giật, vừa mới chúc tết nhau đây, thoáng cái đã lại phải lo dọn nhà, chuẩn bị mai đào đón năm mới. Giật mình vì chỉ vài lần như thế nữa thôi sẽ là dấu chấm hết. “Chết là hết ? Hay là sẽ đi về đâu? Với những gì cả đời đã làm, linh hồn ta sẽ đi về đâu?”…
Cả một chuỗi dài dằng dặc, chưa bao giờ con người ta được dừng lại. Luôn luôn có một cái gì đó để mà lo nghĩ ở trước mắt. Thôi thúc con người ta phải nhảy vào giải quyết hết năm này đến tháng khác, hết thời kì này đến thời kì khác.
Chúng dồn dập đến mức choáng ngợp hết mọi ngóc ngách của tâm trí, hút cạn mọi sự nhiệt huyết của đời người, khiến người ta không kịp nhận ra điều gì, thì đã trôi qua hết một kiếp người.
Để được những gì ? Vất vả nhiều như thế để lo nghĩ, xoay sở, phấn đấu, rốt cuộc là để đạt được cái gì ?
Những bài thi 10 điểm hay 1 điểm, thì cũng đã mục nát ở một chỗ nào đó bạn không thèm biết, và cũng chẳng ai thèm biết.
Công việc mà một thời ao ước mãi mới xin được, thì cũng đã thôi việc lâu rồi.
Kế hoạch kinh doanh khiến mất ăn mất ngủ một thời, sau cùng đã dừng lại, thành công hay thất bại, thì cũng đã là dĩ vãng. Cuộc đời mỗi người sẽ có những đỉnh cao nào đó, xong lịch sử chưa từng ghi nhận bất cứ ai vĩnh viễn luôn ở đỉnh cao cả. Đã có lên thì phải có xuống. Có được rồi sẽ có mất.
Bạn lại tự nhủ “phong độ là nhất thời,đẳng cấp là mãi mãi”, ơ nhưng mà cái đẳng cấp mãi mãi ấy sẽ lưu ở đâu?
Có những thời kì bạn được nổi danh, sự có mặt của bạn khiến mọi người nể trọng, tung hô. Xong rồi sự quên lãng kéo đến xóa đi tất cả. Giống như cách tuổi già xóa nhòa đi vẻ đẹp của các cô gái.
Nếu bạn tự nhủ, ít nhất thì con cháu bạn cũng luôn phải kính trọng bạn, bạn đã sinh ra và nuôi lớn chúng mà. Nhưng đời nghiệt ngã vậy đấy, rồi thì tất cả mọi người cũng sẽ quên bạn tên gì, và chẳng ai quan tâm bạn đã từng sống trên đời cả. Bạn không tin ư ? Bạn có biết cụ cố 7 đời của bạn tên gì không ?
Cả đời làm lụng con người ta làm ra rất nhiều tài sản. Nhưng có phải là chúng sẽ ở trong túi ta mãi chăng ? Nếu đã trải qua rồi, thì bạn biết chắc rằng không. Mọi tài sản bạn lấy được từ vũ trụ này bỏ vào trong túi, rồi thì vũ trụ này sẽ thò tay vào túi bạn và đòi lại hết, không cách này thì cách khác.
Nếu bạn bằng một cách tài tình nào đó, giữ được phần lớn tài sản cho đến tận khi chết. Không sao, vũ trụ chỉ cần chờ sau khi bạn chết là sẽ cách thu hồi lại thôi.Vì ngay đến chính mạng sống của bạn, thân xác của bạn, cũng sẽ bị thu hồi lại bất kì lúc nào, mà bạn không cách gì kiểm soát được, thì có cái gì bạn giữ được chứ ?
Vậy bạn đã trả lời được câu hỏi ban nãy chưa ?
“Để được những gì ? Vất vả nhiều như thế để lo nghĩ, xoay sở, phấn đấu, rốt cuộc là để đạt được cái gì ?”
Nếu được thì cho Quang Tử biết nhé, vì tôi cũng đang thắc mắc điều ấy. Tôi muốn tìm loại thành tựu nào đó để phấn đấu, và yên tâm rằng thành tựu đó không bao giờ bị mất. Xong mãi chưa tìm ra được.
Tôi thường nói về nhân quả luân hồi, làm việc gì để tạo ra phước báo, phước báo ấy sẽ có thể mang qua kiếp sau. Đúng vậy, nhưng kiếp sau ấy, hưởng hết phước báo rồi, qua kiếp tiếp theo nữa phước có còn không ?
Đã ở trong vòng luân hồi này, phước thì phước, cũng đến lúc phải hết, giống như tiền vậy, làm ra, đem hưởng, nó sẽ hết, và lại tiếp tục phải làm ra, rồi mới được hưởng tiếp, và rồi lại hết, một vòng bất tận vô số kiếp.
Từng có một ông vua rất giỏi, rất có phước báo. Chắc ông ta đã tạo phước nhiều kiếp rồi, nên kiếp đó ông ta được làm vua, đã vậy lại cực kì thông minh, oai dũng- một nhân tài kiệt xuất về quân sự và nhiều lĩnh vực khác.
Ông ta tên là Alexander Đại đế, là vua của nước Macedonia (cai trị từ năm 336 – 323 TCN) một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử. Ông dẫn quân đi trinh phạt được rất nhiều các vương quốc khác, thành lập ra một đế chế cực kì hùng mạnh.
So với chúng ta, ông ấy có vẻ hoành tráng hơn nhiều, xong bản chất vẫn thế thôi : lo tính xoay sở để đạt được cái gì đó, không đạt được được thì thất vọng, mà đạt được rồi thì sao ?
Sau tất cả những năm tháng huy hoàng, ông cũng đến lúc đối diện với cái chết. Rất thông minh, ông ta nhận ra cái gì đó không đúng. Rồi ông suy xét lại cả cuộc đời mình trong nhiều ngày, và ngộ ra một bài học, một bài học quá thấm thía. Tiếc là khi ông hiểu ra bài học này, thì cũng đã hết đời rồi, không thể áp dụng cho mình được nữa.
Ông quyết định, phải truyền lại cho hậu thế, bằng mọi giá phải làm cho nhân loại hiểu được bài học quý báu này. Trong giây phút cảm nhận được cái chết đang bủa vây lấy mình, Alexander đã cho gọi quần thần lại và tuyên bố di ngôn:
– Trước khi chết, ta có 3 điều muốn các ngươi thực hiện, nhất định không được trái ý. Cụ thể, ba điều đó như sau:
Điều thứ nhất : Trong đám tang ta, lệnh cho các ngự y giỏi nhất thế gian khiêng quan tài của của ta ra huyệt.
Điều thứ hai : Đem hết vàng bạc, châu báu, ngọc ngà mà cả đời ta đã vơ vét được, đang tích trữ trong kho, hãy đem rải ra đất suốt dọc con đường dẫn ra nghĩa địa.
Điều thứ ba : Hãy hé mở nắp quan tài, đặt bàn tay của ta thò ra bên ngoài, để tất cả đều nhìn thấy được.
Nghe xong ba điều di ngôn kì quặc ấy, quần thần của Alexander đều vô cùng kinh ngạc, cho rằng hoàng đế của mình đã không còn tỉnh táo. Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói:
– Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này:
Thứ nhất, ta có quyền lực mạnh nhất thế gian, sai xử tất cả thần dân, kể cả những thầy thuốc giỏi nhất, muốn thuốc gì cũng có thể có được, nhưng dù cho thế đi nữa, thì ta vẫn chết, điều này không thể thay đổi được. Sai các thần y giỏi nhất khiêng quan tài của ta, là để mọi người hiểu ra điều này.
Thứ hai, ta cả đời trinh phạt, thu gom được rất nhiều, khối tài sản của ta lớn nhất thế gian, kho báu của ta không ai so được, nhưng khi đối diện với cái chết, chúng vô nghĩa, ta vẫn phải bỏ chúng lại trên mặt đất, chứ không cách nào mang theo được. Sai rải vàng ngọc trên đường, là để cho thế nhân thấy rõ. Ta tài giỏi như thế còn không mang theo được, vậy thì mọi người nghĩ mình có thể mang theo được sao ?
Thứ ba, khi ta đến với cuộc đời này, chỉ có hai bàn tay trắng. Khi ta rời khỏi thế gian, vẫn trắng hai bàn tay. Chẳng thể cầm theo được gì cả, quy luật luôn là thế, ta là đại đế – vua của các vua thì cũng vậy mà thôi. Để bàn tay ta phơi ra khỏi nắp quan tài, là để mọi người có thể thấy điều ấy.
Đọc xong về chuyện ông vua này rồi, tôi đột nhiên cảm thấy thấm thía một từ, được ghi nhiều trong kinh Phật. Đúng ra thì đó là một quy luật, và quy luật này có sức mạnh hủy diệt ghê gớm vô cùng, quy luật ấy có 2 chữ thôi : VÔ THƯỜNG !
Dịch sát nghĩa, 2 chữ ấy đơn giản là chẳng có gì còn mãi cả.
Quy luật này ngắn gọn, dễ hiểu thế thôi. Nhưng mà đời sẽ có mấy ai thực sự hiểu được đây ?
Thế gian này, nói rộng hơn thì là trong cái lục đạo luân hồi này, mọi thứ đều thế, không có gì còn mãi cho bạn cả. Thế thì, vất vả cả đời để lo nghĩ, xoay sở, phấn đấu, rốt cuộc là để được cái gì ?
Phần 2 : TRẬN ĐỒ BÁT QUÁI
… Rằng thì là, từ thuở xa xưa đến tận bây giờ, thế giới này luôn bày ra khó khăn, rắc rối, khổ sở cho con người.
Mùa đông thì lạnh giá, mùa hè thì nóng nực, không nóng không lạnh thì lại nhàm chán. Mưa nhiều thì lũ lụt, nắng nhiều thì hạn hán, không nắng không mưa thì y rằng chết hết.
Rừng cây nhiều thì đầy rắn rết, thú dữ nguy hiểm. Mà rừng cây thưa thớt thì tài nguyên nghèo nàn, môi trường cằn cỗi. Không rừng không cây thì đảm bảo không ai sống nổi.
Vật chất trong thế giới này không ngừng trêu ngươi, thách thức nhân loại. Với đầy nguy hiểm để con người sợ mà muốn tránh xa, đồng thời cũng đầy những món ngon hấp dẫn để kéo con người ham thích mà quay lại tìm kiếm.
Và với trí thông minh, sáng tạo vượt trội so với muôn loài, con người đã sáng chế ra rất nhiều công cụ, sản phẩm được coi là đột phá để chinh phục thế giới vật chất này. Cân lại mọi thái cực, “xử đẹp” các thách thức của thế giới, thay đổi toàn bộ cục diện cuộc sống cả loài người.
Để chống chọi với thú dữ, con người tìm ra cách tạo ra lửa, cùng chế tác các dụng cụ đá, đồng, sắt…mở ra thời kỳ thú dữ sợ con người.
Để đảm bảo nguồn lương thực cho các cộng đồng rất đông người, lại thường luôn khuyến khích nhau sinh sôi nảy nở.
Con người tìm cách khai phá các khu rừng, các thảo nguyên để lấy đất đai trồng trọt, chăn nuôi, và không ngừng phát triển các kĩ thuật canh tác. Mở ra thời đại nông nghiệp với các triều đại Phong kiến cả phương Đông lẫn phương Tây.
Để sản xuất được nhiều hơn các vật dụng, công cụ cho cuộc sống thêm tiện ích, con người chế ra động cơ hơi nước, động cơ đốt trong… mở ra thời kỳ công nghiệp với đủ các loại đồ đạc, tiện dụng giá rẻ bày bán khắp nơi.
Để liên lạc với nhau nhanh hơn, con người chế ra điện thoại. Từ thế hệ to bằng cục gạch, đến thế hệ của smartphone, ấn ấn vài cái là giao tiếp với cả thế giới.
Để tính toán với tốc độ nhanh hơn, xử lý những công việc phức tạp hơn, con người chế tạo ra máy tính với đủ loại phần mềm, mở ra một thời kì “thế giới phẳng” cực kì tinh vi và rộng lớn, giải quyết mọi thứ bằng cách click chuột, và gõ phím.
Thật hết sức cảm ơn những nhà khoa học, những nhà sáng chế đã miệt mài cống hiến từ thời cổ đại đến ngày nay, chế tạo ra không biết bao nhiêu sản phẩm, công nghệ nhằm làm cho cuộc sống con người bớt đi bao nhiêu khổ đau, giúp con người ngày càng hạnh phúc hơn.
Ơ nhưng mà… viết đến đây tự nhiên tôi thấy cái gì đó sai sai.
Nếu thật sự là hạnh phúc hơn, tại sao ở Nhật – một đất nước công nghệ phát triển nằm trong top đầu thế giới, người ta thích tự tử nhiều đến như vậy nhỉ ?
Nếu thật sự hạnh phúc, vì sao các tờ báo, các tin tức thời sự ở khắp mọi nơi trên thế giới, cả những nước lạc hậu đến những nước tân tiến nhất Quả Đất, luôn ngập ngụa các tin như “vụ án đẫm máu”, “xung đột leo thang”, “chiến sự căng thẳng”, “tình hình nguy cấp” .v.v…
Có gì đó không đúng chăng ?
Cảm giác trục trặc ở đâu đó thúc đẩy tôi bắt đầu cuộc điều tra, tìm ra mấu chốt vấn đề.
Tôi dành rất nhiều thời gian tìm kiếm thông tin suốt chiều dài phát triển của nhân loại, tưởng nhanh thôi, mà mất tận nhiều năm mới thực sự hiểu ra then chốt nằm ở đâu. Tra google, cày Youtube, lục sách, tra sổ, ra ngoài cuộc sống ngắm nghía đó đây, tìm được gì thì ngẫm nghĩ, so sánh một cách nghiêm túc và tỉ mỉ, để giải mã cho xong cái câu đố này.
Có thật là sự phát triển nhảy vọt về khoa học, với hàng triệu sản phẩm tiện ích vô cùng, đã làm cho cuộc sống con người bớt đau khổ, tăng hạnh phúc không ?
Và đây, sau rất nhiều ngày, kết quả cuộc điều tra của tôi như sau:
Để chống chọi với thú dữ, con người chế ra rìu, giáo mác, cung tên, kiếm … và các chiến thuật phối hợp cả đoàn người đông đảo cùng tấn công. Quả nhiên rất hiệu quả, thú dữ không còn là mối lo của nhân loại nữa.
Nhưng từ đó cũng lập tức sản sinh ra mối lo sợ mới, vì con người đã dùng chính những công cụ, chiến thuật lợi hại ấy để giết nhau, từ đó thế giới phát sinh ra cụm từ “chiến tranh”.
Và chiến tranh thì còn có sức nguy hiểm hơn, khủng khiếp hơn thú dữ nhiều lần. Dễ hiểu thôi, cung kiếm và các “chiến thuật binh pháp” thông minh của con người đem đối phó với thú dữ, còn tiêu diệt đến mức tuyệt chủng nhiều loài, thì đem đối phó với người , chắc chắn rất hiệu nghiệm rồi.
Và thực tế, sau khi thú dữ biết mùi lợi hại của con người, chúng đã trốn sâu vào trong rừng, không dám bén mảng gần người nữa. Thành ra chủ yếu các môn võ thuật, binh pháp, các thứ vũ khí ngày càng phát triển, chính là để con người tự giết con người mà thôi.
Loài người không thể bơi giỏi như cá, nên đã chế tạo ra thuyền, rồi dần dần đến những con tàu lớn để di chuyển trên sông, biển. Cao cấp hơn nữa là tàu ngầm di chuyển sâu trong lòng biển cả, giúp cho biên giới của con người không bị giới hạn bởi sông, biển nữa.
Xong từ đó lại phát sinh ngay một vấn đề : cướp biển. Nổi tiếng như cướp biển Viking ở châu Âu, cướp biển Caribe ở châu Mỹ, cướp biển Somalia ở châu Phi ngay hiện tại.
Tiếp đến là các cuộc thủy chiến, hải chiến giữa các quốc gia, nổi tiếng có thủy chiến Xích Bích thời Tam Quốc ở Trung Quốc, trận Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán và Mông Cổ ở Việt Nam, hải chiến Midway ở Thái Bình Dương thời hiện đại .v.v….
Nếu bạn không quên lịch sử, thì Pháp (cũng như các Đế quốc Thực dân khác) xâm lược Việt Nam và các thuộc địa khác cũng chính bằng hải quân. Không có tàu chiến, làm sao một đất nước cách quá xa đến tận nửa vòng Trái Đất lại đem quân đến đánh thắng Việt Nam được ?
Để phá đá, khai thác quặng, làm đường băng qua núi, hay những công việc cực kì nặng nhọc khác, con người đã chế tạo ra thuốc nổ. Nhờ thuốc nổ, sức lao động của con người được giải phóng rất nhiều.
Nhưng cũng từ đó, nhân loại chào đón một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên của súng đạn, bom mìn. Chúng giúp cho con người có thể giết nhau một cách dễ dàng hơn mà không cần bỏ cả đời ra luyện các môn như Đàn Chỉ Thần Công, Nhất Dương Chỉ, Lục Mạch Thần Kiếm … để có được khả năng “cách không đoạt mạng”- giết người từ xa.
Để tạo ra một nguồn năng lượng mới, cung cấp cho công nghiệp, sản xuất, sinh hoạt cho nhân loại, hai vợ chồng nhà bác học Marie Curie và Pierre Curie, đã dày công nghiên cứu, tìm ra chất phóng xạ Uranium. Nhờ đó, con người có điện hạt nhân để sử dụng.
Chớp lấy thời cơ, ở một số nước, người ta đã dựa trên công nghệ tiên phong ấy, gấp rút chế tạo ra bom nguyên tử, có thể san phẳng một thành phố trong tích tắc.
Và người ta đã làm thật chứ không dọa đâu, 2 thành phố từng bị san phẳng bạn bởi bom nguyên tử là Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) đã hủy diệt sinh mạng của 80.000 – 140.000 người năm 1945.
Còn bây giờ, nếu có chiến tranh hạt nhân xảy ra, nếu các nước thi nhau nhấn công tắc, bạn cứ yên tâm là nhân loại đủ bom hạt nhân để thổi bay gần hết sự sống ra khỏi Trái Đất trong tích tắc.
Tổng hợp các điều trên, nhờ các phát minh, con người ta giết nhau ngày càng hiệu quả hơn, với hàng vạn cuộc chiến tranh lớn nhỏ khắp mọi nơi, khắp mọi thời đại, đỉnh cao nhất chính là cuộc chiến tranh thế giới Thứ Nhất (1914 -1918) và Thứ Hai (1939- 1945). Hai cuộc chiến ấy như 2 cối xay thịt khổng lồ nhất lịch sử, với hàng trăm triệu xác người ngổn ngang khắp các lục địa .
Tính tổng cộng, xác người chất không biết được bao nhiêu ngọn núi, máu người đổ đầy biết bao dòng sông, hiệu quả hơn đám thú dữ rất nhiều.
Công sức, thời gian, tài sản, xương máu, sinh mạng, tâm huyết, nỗi đau đớn về thể xác, tinh thần v.v…và v.v… đã đổ ra vì chiến tranh, lớn đến mức không tài nào miêu tả, so sánh, ví dụ cho hết được.
Các nhà khoa học yêu quý, giờ tôi biết viết gì đây ? “Cảm ơn các vị, nhờ sáng chế của các vị mà dân số thế giới được giảm thiểu đi một cách hiệu quả” ư ?
Tiếp tục nhé, chúng ta sẽ hạ nhiệt với những lĩnh vực ôn hoà hơn một chút.
Như đã nói đến ở đầu bài viết, để đảm bảo đầy đủ lương thực và các sản phẩm nông nghiệp khác, con người đã “quy hoạch” lại, hay nói thẳng ra là san phẳng, đốt trụi một diện tích khổng lồ đất đai vốn là rừng xanh, thảo nguyên, hệ sinh thái tự nhiên để lấy đất canh tác.
Quả nhiên, nhờ thế lượng lương thực và các sản vật nông nghiệp thu về rất lớn và phong phú, đủ cho con người vừa ăn, vừa đổ bỏ vào thùng rác cho nó “sang”.
Và để tạo ra nhiều hơn các vật dụng, các tiện nghi phục vụ cuộc sống, ngành công nghiệp bùng nổ. Quả nhiên, hàng hóa ngày càng nhiều, ngày càng tiện lợi, “thượng vàng hạ cám” đắt rẻ gì cũng có, tha hồ cho con người mua sắm, sử dụng, thay mới liên tục, nâng cấp liên tục.
Ví dụ như năm nay mua iPhone 6, rồi iPhone 6 Plus. sang năm mua iPhone 7, rồi iPhone 7 Plus, cứ thể tăng lên đến iPhone 11, iPhone 11 pro Max, rồi iPhone 12…
Thực ra cũng không phải vì nó hỏng nên phải thay, hay nhu cầu thực sự bắt buộc phải dùng, chỉ là sắm cái mới nhất cho nó thời thượng, cho nó bằng anh bằng em, đua kịp với thiên hạ. Và thói quen đó cũng đúng luôn với quần áo thời trang, xe cộ, nhà cửa và hầu hết mọi chủng loại hàng hóa khác.
Và sau đó?
Sau đó thì xả rác ngập ngụa lên Trái Đất, kèm theo khói bụi độc hại giăng đầy bầu không khí. Rác thải – nước thải- khí thải, từ hơi độc hại đến cực kì độc hại, ngày ngày đầu độc thiên nhiên, muôn loài, và chính con người với khối lượng hàng trăm tấn, ngàn tấn.
Hậu quả, hết chịu nổi, thiên nhiên buộc phải đứng dậy, tung ra những đòn đáp trả, bằng thiên tai và nhiều cách khác nhau. Và Mẹ thiên nhiên ngày càng phẫn nộ hơn, hung hãn hơn với những đòn trừng phạt gia tăng dồn dập.
Bạn từng chứng kiến một năm nào đó, mà các cơn bão, lũ, sạt lở dồn dập càn quét vào miền Trung Việt Nam như năm nay (2020) không ? Bạn có nhận thấy lượng thiên tai trên toàn cầu đang gia tăng dồn dập không ?
Kể tiếp ra thì còn nhiều, rất nhiều. Sợ bạn nghe phát nản, nên thôi, chúng ta chốt lại vấn đề. Tóm lại, công cuộc không ngừng sáng chế, khám phá của con người, nhằm phục vụ cho sự sung sướng về vật chất, đúng là có hiệu quả, và có rất – rất nhiều thành tựu.
Xong, có một vấn đề, bất di bất dịch chẳng bao giờ thay đổi : lòng tham của con người là bất tận, có chế có tạo ra cái gì đi nữa, con người cũng không khi nào cảm thấy thỏa mãn được cả. Chiếm được cả Trái Đất rồi thì người ta cũng sẽ đòi cho được Mặt Trăng.
Mặt khác, khi chạy theo hướng dùng vật chất để thỏa mãn cuộc sống. Cho dù thành công, chúng có mang lại lợi ích cho con người một phần, thì chúng cũng luôn luôn mang theo luôn cả tai hại một phần. Thậm chí, mức độ tai hại nghiêm trọng đến mức trở thành thảm họa, có thể xóa sổ luôn cả loài người, rất khó so sánh.
Không tài nào mà phân định nổi, sau mấy nghìn năm sáng chế, thì cuộc sống con người ta hiện tại năm 2020, so với cách đây mấy nghìn năm, ví dụ như thời Đức Phật, cách đây hơn 2500 năm, cuộc sống nào hạnh phúc hơn, sung sướng hơn ?
Chịu, không thể trả lời được, vì mỗi người có một hệ thống đánh giá riêng, không ai chịu ai cả.
Nhưng tôi biết chắc chắn một điều. Thời đó, Đức Phật nói thế gian này có 8 nỗi khổ. Đến bây giờ, năm 2020, người ta nói là đỉnh cao của sự phát triển, nào là cách mạng thể chế chính trị, nào là nhảy vọt về công nghệ, khoa học, tung hô gì gì đó, thì 8 nỗi khổ ấy vẫn cứ còn nguyên vẹn, đầy dẫy cả thế gian, chẳng bớt đi cái nào cả.
8 nỗi khổ đó là : Sinh – Lão – Bệnh – Tử – Ái Biệt Ly – Oán Tắng Hội – Cầu Bất Đắc – Ngũ Ấm Xí Thịnh khổ.
Để tôi diễn giải cho dễ hiểu một chút nhé :
Từ lúc chào đời, một hài nhi đã phải chịu đựng đau đớn, dằn ép của quá trình sinh nở, là cái khổ đầu tiên – SINH. Dần lớn lên, theo năm tháng sẽ không ngừng xuất hiện những bệnh tật từ nhẹ đến nặng dày vò cơ thể, đó là cái khổ của BỆNH. Nhưng đau khổ đâu chỉ dừng ở đó.
Khi con người ta yêu thích điều gì đó đang có trong tay, chắc chắn sẽ phải nếm trải nỗi đau khi nó không còn, vì không gì tồn tại mãi cả, gọi là ÁI BIỆT LY.
Khi ta khó chịu, oán hận điều gì đó đáng ghét, xong lại sẽ phải chịu khổ sở khi những điều đáng ghét đó cứ không ngừng xuất hiện, gọi là OAN TẮNG HỘI.
Khi mong cầu, khao khát điều gì đó, con người ta sẽ bị dày vò khi chưa được, hoặc chẳng bao giờ được toại nguyện như ý. Vì rằng ham muốn của chúng sinh là vô hạn, chẳng bao giờ thỏa mãn hết được cả, nên thông thường sẽ bị dày vò mãi, đó gọi là khổ của CẦU BẤT ĐẮC.
Đã vậy, thân tâm ngũ ấm con người ta luôn không ngừng đòi hỏi. Không ăn sẽ đói, không uống sẽ khát, không ngủ sẽ mệt, không quần áo sẽ lạnh, không giao tiếp sẽ cô đơn, không vận động sẽ buồn bực, cùng trăm nghìn khổ khác do thân tâm năm ấm không được hòa hợp, không được thỏa mãn, tổng hợp luôn cả 7 cái khổ khác, gọi là NGŨ ẤM XÍ THỊNH KHỔ.
Cuối cùng, nỗi khổ của sự già nua – LÃO và khổ của chết chóc – TỬ sẽ là hai chốt chặn thường trực, chờ ở cuối chặng đường, kết thúc cho một kiếp sống.
Sau hơn 2500 năm, bạn thấy tuyên bố của Đức Phật về Khổ, có thiếu mất cái nào không ?
Trong 8 cái khổ đó, đơn cử, tôi sẽ chỉ nói về một cái, 7 cái còn lại bạn có thể tự phân tích riêng. Đó là cái khổ mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với số lượng đông đảo suốt mấy ngàn năm, đã không ngừng nỗ lực nhằm xóa sổ nó. Tôi hay bạn, hay bất cứ ai cũng rất hoan nghênh và ca ngợi việc xóa sổ nó. Đó là bệnh tật.
Con người luôn bị kính thưa các loại bệnh tật dày vò, bệnh theo mùa, bệnh mãn tính, cấp tính, bệnh do cơ địa, bệnh do vi khuẩn, vi-rút, bệnh lây lan, rồi các đại dịch… suốt hàng ngàn năm, các thầy thuốc, lương y, thần y, hiện đại thì có các bác sĩ, dược sĩ, cả Đông phương lẫn Tây phương… luôn cố gắng hết mình tạo ra các phương thuốc, các cách điều trị.
Nào là Đông y với kì kinh bát mạch, âm dương ngũ hành, với thảo mộc, rồi châm cứu… Tây y với máy móc tối tân, phẫu thuật, vắc-xin… Y học dân gian với hành tỏi và nhiều công thức bí truyền khắp các nền văn hóa trên thế giới, vùng nào có tuyệt kỹ của vùng đó… nhiều phen đã thành công đẩy lùi bệnh tật.
Đặc biệt là vài thế kỉ gần đây, Tây y phát triển vượt trội, xóa sổ được nhiều căn bệnh trong quá khứ, quả là những thành tựu đáng chúc mừng. Nhưng, nếu cứ đà như vậy, thì chúng ta sẽ đi dần đến thời kì không còn bệnh tật nữa chứ nhỉ ?
Lạ lùng thay, thực tế không phải như vậy. Chưa bao giờ bệnh tật biến mất khỏi cuộc sống cả. Bạn có thấy bệnh viện luôn được xây mới, xây thêm không ? và thấy các y bác sĩ chẳng thất nghiệp bao giờ không ?
Bệnh này hết lập tức có bệnh khác thay thế. Y học chiến thắng được bệnh phong (hủi) thì lập tức mọc ra bệnh AIDS. Con người khống chế được dịch hạch (đại dịch kinh hoàng đã cướp đi một phần ba dân số châu Âu vài thế kỉ trước) thì lập tức tạo hóa vẽ ra đại dịch mới : dịch cúm Tây Ban nha thế 20, và hiện tại ở thế kỉ 21, ngay trước mắt bạn, có Covid 19, vẫn chết hàng triệu người. Và các bác sĩ vẫn luôn có một câu cửa miệng ai cũng thuộc: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng rất tiếc …”
Vậy là, sau mọi cố gắng của nhân loại, với sự tự tin vô hạn vào khoa học, công nghệ, các cải cách về thể chế chính trị, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của những bộ óc thông minh, khoa học nhất Quả Đất, với những chính sách của những minh quân, những Thủ Tướng, Tổng Thống, Chủ Tịch Nước quyền lực, tài giỏi nhất (chỉ tính những vị có tâm có đức thôi) thế hệ này nối thế hệ kia, thì vẫn chưa bao giờ, và không bao giờ xóa sổ được một cái nào trong 8 nỗi khổ trên, chứ đừng nói đến cả 8.
Vì sao vậy ?
Nếu bạn cho rằng tôi sẽ đổ thừa cho ai đó, thì bạn nhầm rồi. Dù có biết tôi cũng sẽ không làm cái việc vô ích ấy, nhiều người đã làm và làm rất giỏi trong việc đổ lỗi, xong kết quả, chẳng có gì thay đổi, đời vẫn thế, vẫn Vô Thường và đủ mặt 8 nỗi khổ giày xéo con người.
Chúng vẫn luân phiên nối tiếp nhau, đan xen nhau cày xới để đảm bảo thế gian luôn đẫm máu và đầy nước mắt, giống một trận đồ Bát quái khổng lồ được thiết lập hoàn hảo. Đổ lỗi hay nhận lỗi cũng không thay đổi được tình hình. Nên thay vì làm thế, hãy nhìn vào bản chất vấn đề.
Vậy về bản chất, thì vì sao cứ khổ nối tiếp khổ mãi vậy ? Vì rằng đó là Quy luật Vũ trụ.
Nhà minh triết vĩ đại nhất từng xuất hiện trên Địa Cầu này, đồng thời cũng là đấng trí tuệ nhất của vũ trụ – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã tuyên bố như vậy.
Tứ Diệu Đế mà Đức Phật dạy, thì Khổ Đế đứng đầu tiên. Ngài nói “Đời là biển khổ”, muốn hết khổ, chỉ có cách là thoát ra khỏi biển khổ, thoát ra khỏi thế gian này. Chứ không hề có cách nào vừa ở trong thế gian này, lại vừa không khổ cả. Cõi người là như thế, mà có sinh lên cõi trời thì cũng vẫn thế mà thôi, vì quy luật này là chung cho cả 6 cõi luân hồi.
Phần 3 : LỐI THOÁT
Đời, bản chất là thế, một là Vô thường, và hai là Khổ, tô vẽ như thế nào cũng vẫn luôn luôn là vậy. Thế nên, chỉ có hai lựa chọn :
- Lựa chọn thứ nhất, là tiếp tục ở lâu trong luân hồi (gồm thế gian của loài người, súc sinh và 4 cảnh giới khác trong vô hình) và luôn luôn phải tìm cách làm sao cho cuộc đời nó bớt khổ.
Xong, mọi cố gắng sẽ là bất tận. Hễ giảm thiểu được cái này thì cái khác sẽ hiện ra thay thế. Khổ chỉ vơi bớt đi, được tí nào hay tí đó, chứ chẳng bao giờ hết. - Lựa chọn thứ hai, là tìm cách thoát ra, và đó mới là mục đích chính của Đạo Phật : Giải Thoát.
Đó đây bạn sẽ thấy Phật Pháp cũng có cách cứu khổ cứu nạn tức thời như cách chữa bệnh, thoát nạn, siêu độ vong linh… nhờ niệm Phật, niệm Quán Thế Âm, tụng kinh, trì chú .v.v… cũng thấy trong kinh Phật dạy cách làm sao để giàu sang, phú quý, làm sao để xinh đẹp, làm sao để thông minh, để mọi người tôn quý. Nhưng những việc đó không phải mục đích chính của Phật Pháp.
Chẳng qua vì con người, vì chúng sinh hiện quá khổ, quá phân tâm, chẳng còn tâm trí nào để nghĩ đến việc giải thoát khỏi biển khổ này. Nên Đức Phật vẫn dạy những cách để tạm thời bớt khổ, giải quyết khó khăn trước mắt.
Với những người có duyên như thế nào đó, lúc gặp nạn cầu nguyện, chư Phật – Bồ Tát vẫn thường cứu giúp một cách âm thầm (Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đâu nhé, bạn cứ thử thò tay cho rắn hổ mang cắn, rồi xin Phật gia hộ cho bạn không chết, xem kết quả như thế nào ? )
Mục đích việc cứu giúp tạm thời của Phật Pháp, là để cho chúng sinh bớt rối trí, đồng thời tạo chút nhân duyên, gieo những chủng tử Bồ Đề cho những kiếp sau tu tiếp, cho đến khi có thể đắc Đạo giải thoát hẳn.
Chứ còn mục đích trọng yếu của Phật Pháp, không phải để mọi người cứ ở mãi nơi đây và cầu Phật che chở bình an như đại đa số vẫn nhầm tưởng.
Thời nay, mà cả thời xưa thì cũng vậy, vì quá đông người không hiểu giá trị cốt lõi của Phật Pháp, thành ra nơi nơi người ta cứ đến chùa khấn vái xin qua hết cái nạn này, đến thoát cái nạn kia.
Cái sai lập đi lập lại nhiều quá, rồi nó cũng biến thành cái tuyền thống tập tục từ lúc nào không hay. Cuối cùng, nhiều người chỉ biết đến Phật là đấng để cầu xin, chứ không quan tâm gì đến lời dạy của Phật cả.
Nhưng, hỡi những người chỉ thích khấn vái xin xỏ, mà không khi nào quan tâm đến thực hành lời Phật dạy, các nạn là bất tận, giải được cái này sẽ mọc ra cái khác, khổ này qua khổ khác sẽ lại đến, như sóng biển muôn trùng bất tận. Thế các vị muốn ở đây xin Phật – Bồ Tát phù hộ cho đến bao giờ ?
Con đường tối thượng của Phật Pháp, là đưa chúng sinh tu tập đúng cách, đi đúng đường để thoát khỏi hẳn cái biển khổ muôn trùng vô tận sóng đó, chấm dứt vĩnh viễn luân hồi sinh tử khổ đau, gọi là Giải Thoát, là Giác Ngộ, là Niết Bàn, là chứng Đạo thành Phật.
Cụ thể, vào thời Chánh Pháp, khi Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời giáo hóa, đến tận 500 năm sau khi Ngài đã nhập Niết Bàn, có hàng ngàn vị nhờ tu theo giáo pháp của Ngài, mà chứng được quả vị A La Hán, không còn bị luân hồi sinh tử chi phối, không còn tên trong sổ sinh tử của Diêm Vương, vĩnh viễn không còn nỗi khổ nào nữa, tùy ý nhập Niết Bàn hoặc hiện thân ở các cõi nào mình muốn.
Một số vị khác tu hành ở những trình độ cao hơn, có thể chứng những quả vị cao hơn A La Hán, là quả vị Duyên Giác, và Bồ Tát, đương nhiên quả vị cao hơn, thì trí tuệ, thần thông, tự tại cũng cao hơn nhiều.
Khi ấy các Ngài không phải lo bản thân mình khổ nữa, mà đi lo cứu khổ cho chúng sinh khắp nơi. Riêng quả vị Bồ Tát thì có đến 52 cấp, dùng tuyệt đỉnh pháp môn Lục độ Ba La Mật cao siêu vô cùng, cứu độ chúng sinh không thể nghĩ bàn, và khi đã viên mãn, các vị Bồ Tát sẽ đạt đến cảnh giới cao nhất, là quả vị Phật.
Với trình độ của một phàm phu, tôi không có tư cách để miêu tả cảnh giới của các Ngài, có dùi mài kinh điển cả đời hay như thế nào, cũng chỉ như người đứng tại mặt đất mà miêu tả mặt trời, mặt trăng, chẳng bao giờ tả hết được một góc nhỏ. Cao siêu quá, tạm thời chưa thể nào với tới, thế nên…thôi, chúng ta trở lại chuyện ban nãy.
Sau thời Chánh Pháp kết thúc, từ 500 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn đến nay, là thời Tượng Pháp và Mạt Pháp. Hiếm, và vô cùng hiếm, gần như không có ai đủ sức chứng quả vị A La Hán. Không tính các vị Bồ Tát hóa thân, người thường khó lòng làm cách nào thoát được biển khổ luân hồi.
Dù cho có tu chứng được một vài cảnh giới thiền định, xuất hiện thần thông và nhiều trí tuệ. Nhưng đó chỉ là chứng Thiền, chứ không phải chứng Thánh quả, hồ sơ trong sổ sinh tử của Diêm Vương vẫn còn, nên sau khi chết lại tiếp tục đầu thai.
Sinh qua kiếp mới, cảnh giới thiền của kiếp trước không còn, sẽ lại tiếp tục rơi vào trận đồ bát quái Khổ. Có thể những vị ấy sau này sẽ chứng Thánh quả, nhưng mà lâu lắm, thời gian có thể là hàng ngàn kiếp, vạn kiếp…
Thế thì chết thật, không còn cách nào nữa sao ?
Tin mừng cho bạn, là thủa xưa Đức Phật Thích Ca đã tính trước đến vấn đề này, nên Ngài đã thuyết ra kinh Vô Lượng Thọ, lập ra một pháp môn gọi là Tịnh Độ.
Chúng sinh tu theo pháp môn Tịnh Độ, dù trình độ kém, dù nghiệp nặng vẫn có thể thành tựu, vì đây có thể coi là cách tu dễ nhất rồi. Thành tựu khi tu pháp môn Tịnh Độ, là sau khi hết tuổi thọ ở thế gian này, sẽ đầu thai về một hành tinh cách Trái Đất rất xa.
Hành tinh ấy do một Đức Phật hiệu là A Di Đà Phật giáo hóa, trong kinh gọi là cõi Cực Lạc. Hành tinh ấy có các đặc tính khác xa Trái Đất. Đầu thai về hành tinh ấy, không phải sẽ lập tức chứng Thánh quả, xong sẽ dựa vào phước lực vô cùng khổng lồ của Phật A Di Đà, không phải luân hồi, không có các loại khổ, cứ an lành tu dần dần cho đến khi đắc Đạo.
Đó là một lối tắt Đức Phật Thích Ca mở ra để những người phàm phu nặng nghiệp thời Mạt pháp hiện nay, có thể dựa vào đó mà nhanh chóng xé rách vòng vây của trận đồ Bát quái Khổ.
Kể hết ra thì rất phức tạp, nên tôi dừng vấn đề này lại ở đây. Nếu bạn muốn biết rõ, bạn có thể dùng Google, Youtube tìm kiếm với từ khóa ‘Kinh Vô Lượng Thọ’ để biết cho rõ. Còn nếu muốn biết cách tu tập theo tông Tịnh Độ, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, thì gõ từ khóa ‘Niệm Phật Thập Yếu – Thích Thiền Tâm’, bạn sẽ tìm thấy một cuốn sách hoàn hảo về cách tu theo Tịnh Độ Tông.
Thời nào có thể nói khó tìm, chứ thời đại mà Google, Youtube được cài sẵn trong chính cái điện thoại mọi người đang dùng để đọc bài viết này, mà không tìm được, thì đơn giản là không muốn tìm mà thôi. Khi muốn, người ta sẽ tìm cách, khi không muốn, người ta sẽ tìm lí do.
____________________
Cuộc đời này rất lạ, có những điều quý giá người ta giấu kín thành bí mật, rồi thiên hạ đổ xô vào truy lùng, tranh dành bí mật, đến mức giết nhau, máu chảy đầu rơi, ví dụ như bí mật về kho báu chôn trong đất chẳng hạn.
Xong lại có những điều quý giá hơn vạn lần, chẳng hề giấu diếm, bày sờ sờ trước mắt mọi người, mà không mấy ai quan tâm, ví dụ như những quy luật vũ trụ được Thánh nhân đúc kết lại.
Những điều tôi kể chẳng có gì mới lạ, khó kiếm khó tìm cả. Có ai chưa từng được học về các cuộc chiến tranh đẫm máu không ? Có ai chưa từng xem tin tức bão lũ, thiên tai không ? Có ai chưa từng thấy cảnh người ta thất tình, thất bại, hay những cảnh than khóc khổ đau không ?
Có ai chưa từng gặp người chết, sinh ly tử biệt, đám tang và các nghĩa địa không ? Có ai từng thấy người bất tử không ? Có ai chưa từng nghe đến Đức Phật và những cuốn kinh Phật không ?
Tuy toàn là những sự thật sờ sờ, hầu như ai cũng biết. Mà nếu chưa biết thì cũng rất dễ khảo cứu với chị Google, chỉ cần có wifi, mọi thứ tri thức quý giá ấy sẽ là miễn phí.
Nhưng không phải ai cũng ngồi lại, lôi tất cả các sự thật hiển nhiên ấy cùng lúc đặt lên bàn, đăm chiêu nhìn chúng một cách bao quát, như một người chơi cờ từ trên cao nhìn xuống các quân cờ. Để tập trung xâu chuỗi các vấn đề một cách nghiêm túc, cân đo, sàng lọc, so sánh, tìm cho ra mấu chốt để lập trình một con đường thật sự đứng đắn cho chính mình. Vì sao vậy ?
Vì mọi người đang quá bận rộn. Cuộc sống đang bày ra quá nhiều cuộc đua, quá nhiều trò vui, quá nhiều gameshow, quá nhiều các “sao” và hài kịch, quá nhiều vấn đề, vấn nạn, khiến mọi người hoa mắt. Để rồi chúng đốt hết thời gian, tâm huyết của mọi người vào đó.
Buồn cười ở chỗ, nhiều thứ cả trăm triệu, cả tỉ người chăm chú theo dõi, lại chẳng liên quan gì đến cuộc đời của họ cả. Bạn có nhận ra đó là một loại bẫy không ?
Tôi có một thắc mắc, bạn giúp tôi lí giải thử : hai mươi hai chàng cao, to ( không chắc là có đen và hôi không ), chơi một trò chơi ở một đất nước xa lạ, di chuyển một quả bóng từ chỗ này sang chỗ khác. Họ không hề có quen biết, dây dưa gì với bạn. Chẳng giúp bạn tăng thêm hay giảm đi cái gì trong cuộc đời (trừ mấy người cá độ).
Thể dục thể thao đúng là rất tốt cho sức khỏe, nhưng là cho người chơi chứ có phải cho người xem đâu. Vì sao phải quan tâm nhiều đến mức đó, cuồng dại đến mức đó ? Sao không đem đổi lại sự quan tâm và nhiệt huyết như vậy để tìm kiếm trí tuệ cho chính mình ?
Với hàng ngàn thứ “hot” như vậy cập nhật không ngừng, thì mấy ai còn đủ tâm trí để suy tư về điều quan trọng nhất của chính mỗi người : “Tôi là ai? Tôi đang đứng ở đâu? Và đi về đâu thế này ?”
_________________
Sau cả một hành trình dài nhiều năm tìm kiếm, khảo cứu, thành quả tôi thu gom được, là những điều bạn vừa đọc. Và hôm nay, tôi đã kể hết ra đây cho bạn trong một bài viết, phần đầu là về sự Vô Thường, phần sau là về 8 nỗi khổ vĩnh cửu, hay theo cách gọi của tôi, thì là trận đồ bát quái Khổ, không e ngại mọi người đồng tình hay phản đối, nên chẳng giấu diếm chi.
Tri thức mà, tôi chia sẻ với bạn, bạn chia sẻ với người khác, dần dần lan rộng đến cả triệu người, tỉ người, cũng chẳng hề mất mát gì cho bất kì ai. Không giống như vật chất, cho tặng người khác bao nhiêu thì mình phải chấp nhận hi sinh, bớt đi phần của mình bấy nhiêu. Rồi phải tính cho sao cho hợp lý, hiệu quả, không để người này tị nạnh, người kia buồn phiền…
Khi chia sẻ giáo lý, Đạo Phật gọi là Pháp thí, nhất là kết hợp với Facebook, Internet, miễn sao đảm bảo đúng Pháp, miễn sao ai cũng hiểu và đồng thuận, thì càng chia sẻ lại càng nhiều lợi ích, cho bạn, cho tôi, cho tất cả mọi người. Giống như dùng một ngọn đèn (dầu), thắp sáng cho các đèn khác, có thắp lan đến vô lượng đèn, thì tất cả đều sẽ bừng sáng, chứ chẳng tắt mất ngọn nào. Vậy bạn sẽ cùng tôi thắp đèn chứ ?
Tuy nhiên, tôi không có hi vọng đọc xong bài này, ai ai cũng sẽ tỉnh ra hết, đó là hoang tưởng, mà tôi không bị bệnh này. Đa số sẽ lướt qua như những câu chuyện bâng quơ đọc cho vui khác, rồi sau đó thì tiếp tục nhào vào vòng xoáy quen thuộc.
Thậm chí một số người than dài, đã bỏ đi từ khúc đầu. Nhưng mà đâu có dài bằng một trận đấu 90 phút ? Hoặc giả lấy thời gian đó lướt lướt xem các tin không đầu không cuối, chẳng thể thu hoặc được gì trên Facebook, thì người ta cũng hết cả buổi tối mà, đúng không ?
Chỉ một số rất ít những người đủ trí tuệ nhìn xa, đủ sự dạn dày, từng trải trong mỗi nếp nhăn của não bộ, mới nhận ra được, điều tôi đang nói hệ trọng đến mức nào trong cuộc đời mỗi con người.
Để sau đó, hoặc là tâm đắc vì gặp được người đồng quan điểm. Hoặc là giật mình đứng lại, gác hết mọi chuyện, rót một tách trà, hoặc pha một ly cà phê, rồi từ từ đăm chiêu suy xét lại, nhìn lại bản chất của các dòng xoáy trong cuộc đời, như người chơi cờ đăm chiêu suy xét các nước đi của con cờ, và tự hỏi “Chúng đang cuốn ta đi đâu ?”
Một ngày lại một ngày, một tháng lại một tháng, nếu bạn duy trì đủ lâu sự đăm chiêu ấy, tôi tin chắc bạn sẽ vạch ra được một kế hoạch mới, hướng đi mới với đầy sự minh triết. Quang Tử chúc bạn sẽ tìm ra con một con đường chân chính, dẫn đến thế giới thật sự hạnh phúc cho chính mình.
* Công đức chia sẻ Phật Pháp là vô cùng vô tận, có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng, thay đổi vận mệnh, tăng trưởng duyên lành.
Xin bạn hãy mạnh dạn chia sẻ các bài viết Phật Pháp, giúp cho ngày càng có nhiều người được tiếp cận với đạo lí, trên đền ơn Phật, dưới cứu độ muôn loài! Nam Mô A Di Đà Phật ! __()__