12 LOẠI KHỔ ĐAU- LÍ GIẢI CHO CÂU NÓI “ĐỜI LÀ BIỂN KHỔ”

1
1164

DẪN NHẬP

Có một sự thiên lệch không hề nhỏ luôn thường trực trên cái thế giới này ? Những thứ tốt đẹp, thì luôn phải vất vả nỗ lực mới có được, ấy thế mà sẽ lại bị Vô thường xóa sổ, còn những thứ tồi tệ, thì lại cứ nhan nhản mọc lên không ngừng. Muốn có sung sướng thì phải nỗ lực gây dựng, tạo phước, trong khi với khổ đau, dù qua bao nhiêu nỗ lực để xua tan, mà chúng thì cứ tràn ngập.

Giống như cây lương thực, trái cây ngon ngọt thì phải nỗ lực trồng mới có, còn cỏ dại, cây độc thì chẳng cần làm gì, tự nhiên chúng cũng mọc đầy khắp nơi, diệt mãi không hết. Cuộc sống như một cán cân bị lệch, và thật oái oăm, nó lại lệch về phía những thứ đau khổ.

Những trường hợp ta đã bàn ở phần trước, có rất nhiều người được hưởng những niềm vui sướng do họ từng tạo phước, làm những điều tốt đẹp nào đó. Xong chẳng được bao lâu, họ sẽ lại rơi vào đau khổ. Không giống với cấu trúc của chuyện cổ tích, nhân vật chính sau bao nhiêu gian khó, cuối cùng sẽ được tận hưởng cái kết có hậu, được “hạnh phúc mãi mãi về sau”.

Thực tế thì khác hẳn, nhất là khi nhìn trên bình diện tổng thể nhiều kiếp luân hồi. Chẳng có cái gọi là “khổ tận cam lai”, mà đúng ra nhìn trên bình diện tổng thể, vui sướng, hạnh phúc, chẳng qua chỉ là những phút nghỉ giải lao ít ỏi giữa những cơn khổ dai dẳng mà thôi.

Leo lên được đỉnh cao quyền lực, danh vọng, phú quý như Tô Tần, thì rồi chỉ được mấy chục năm, thoáng cái đã bị đày đọa lâu dài mấy ngàn năm trong cảnh địa ngục, súc sinh. Ngay cả được sinh lên trời hưởng lạc thú tiên cảnh như tiền kiếp của Trần Tiểu Húc, đến khi hết phước, rồi cũng rơi trở lại xuống nhân gian, nhiều kiếp chịu đủ thứ trầm luân, khổ nạn, bệnh tật.

Mà thậm chí trong lúc hưởng lạc thú của phước báo, thì vẫn xen kẽ những cái khổ này khổ nọ. Như khi Thủ Huồng tái sinh làm vua Đạo Quang, ngồi ngai vàng chí tôn, thì cũng phải đau đầu, khổ não với bao vấn nạn của quốc gia như bị giặc giã xâm lược, bị quần thần đục khoét, tham nhũng.

Một quan niệm sai lầm cho rằng khổ đau đơn thuần là do Nghiệp chướng, không tạo nghiệp sẽ không khổ, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Có những nỗi khổ là do Nghiệp, như những chúng sinh tạo nghiệp phải vào địa ngục, như khi Tô Tần bị đầu thai nhiều kiếp súc sinh bị cắt cổ, mổ bụng v.v…

Xong còn có những nỗi khổ cứ theo chu kỳ là xuất hiện, không cần biết có nghiệp hay không. Như tiền kiếp Trần Tiểu Húc, khi được sinh lên trời hưởng lạc thú tuyệt đỉnh, nhưng sau 300- 500 năm thì bị rớt xuống trở lại nhân gian.

Bạn cần biết, khi một vị thiên tử cõi trời hết thọ mạng, phải xuống lại các cõi dưới, họ sẽ cảm thấy hết sức lo sợ, thống khổ, bao nhiêu sung sướng cõi trời từ nay chấm hết, tương lai là những kiếp sống ngụp lặn nơi thế gian bao khổ sở, bon chen, tranh đấu, hãm hại nhau. Nó còn ghê gớm hơn khi so với một tỉ phú bị phá sản, mất sạch gia tài, rớt xuống làm một người nghèo vô gia cư vậy.

Vậy vị thiên tử ấy đã tạo nghiệp gì mà phải chịu đau khổ này ? Không! Đó không phải do Nghiệp, mà là một nỗi khổ đã được ấn định ngay từ khi được sinh lên cõi trời. Cõi trời có nhiều điểm ưu việt hơn nhân gian, nhưng nó không phải vĩnh hằng. Khi quy luật Vô thường đến gõ cửa, sung sướng chấm hết, thì đó chính là lúc khổ Ái biệt ly giày vò, càng lưu luyến sự sung sướng bao nhiêu, thì Ái biệt ly càng ghê gớm bấy nhiêu. Như vậy cái khổ này là do chu kỳ sinh diệt mà ra, đó là do Vô thường, chứ không phải do Nghiệp.

Tương tự như vậy, trên thế gian bất luận người có phước nhiều đến thế nào, cứ sống qua 50 tuổi thì đều sẽ phải đối mặt với sự già nua, lão hóa, và rồi tiếp đến là cái chết đến gõ cửa. Đâu phải do tất cả mọi người từng tạo Nghiệp gì đó nên phải chịu những khổ đó, đơn giản vì luân hồi sinh tử này bản chất nó là như vậy, đi qua Thành – Trụ, rồi thì sẽ phải đối mặt với Hoại – Không, vậy thôi.

Nếu bạn đã nhận ra bản chất của cuộc đời này, cái gì cũng chóng tàn, chỉ mỗi cái khổ xem chừng là bất tận, lớp lớp nối nhau. Vậy xin chúc mừng, bạn đã có được một bước tiến dài trong trí tuệ nhân sinh. Không chỉ mình bạn đâu, mà hầu hết những người từng trải, chứng kiến đủ nhiều những chuyện xảy ra trên thế gian này, cũng đều phải thốt lên rằng “Đời là biển khổ”.

Khi mới bước vào đời lúc độ tuổi còn thanh xuân, tâm lý con người thường ngập đầy những hi vọng, hoài bão, về những điều mình sẽ làm trong tương lai. Người ta hay có tâm lý lạc quan, mang tên là “tư duy tích cực” để đối phó với cơn mưa những điều bất hạnh vẫn cứ tí tách rơi đều vào cuộc sống.

Khi ấy, cho dù có gặp phải những điều khổ não, thì niềm hi vọng về tương lai sẽ trấn an tâm lý con người ta như một liều thuốc an thần, để sự tích cực trong tư tưởng luôn được duy trì, để người ta có thể sống một cách vui vẻ. Nhưng sự vui vẻ ấy sẽ được bao lâu, khi cái cơn mưa bất hạnh kia thì mãi chẳng chịu dừng ?

Chẳng lâu đâu, vì thực tế thì khác xa so với tưởng tượng và chẳng giống tí nào với những lời an ủi, động viên tích cực ta vẫn thường nghe. Đến một lúc nào đó khi tuổi đời đã dầy lên, tương lai không còn gì nhiều để hứa hẹn, để trật ra một cái đám tang chờ đợi mình.

Khi phía trước chẳng còn gì đáng mong chờ, người ta sẽ có xu hướng nhìn lại những năm tháng đã đi qua. Một cách công tâm, hầu như ai cũng đếm được không biết bao nhiêu sự cố, va vấp, bao nhiêu áp lực, khó khăn, bao nhiêu chán ngán, buồn bã, bao nhiêu khổ sở đã trải qua trên đường đời. Số lượng của chúng lấn át một cách rõ ràng khi so với những vui thú có được, và đó thì lại là thực tế, chứ không giống như những hi vọng thời trẻ, vốn chỉ tồn tại trong tưởng tượng.

Và ta đành phải thừa nhận rằng: cái cuộc đời mà mình đang sống trong đấy, thật phũ phàng, nhưng phần lớn toàn là khổ mà thôi.

– Vậy tại sao ta cứ phải sống trong đó ?

– Và nếu không sống trong đó thì sống ở đâu ?

Hai câu hỏi hóc búa này sẽ nảy lên khi người ta bắt đầu nghiêm túc suy xét về con đường đời của mình. Và thường thì người ta không tài nào trả lời thông suốt được cả hai câu này.

Một số trốn tránh thực tại bằng rượu giải sầu, bằng các chất kích thích, và cách này thì hậu quả tồi tệ khỏi phải bàn. Một số khác thì đành nghiến răng chịu đựng, và đánh lạc hướng tư tưởng bằng cách tập trung làm một việc gì khác để quên đi đau khổ. Nhưng cam chịu thì rõ ràng không thể nào cải thiện tình hình.

Một số khác sẽ đành quay trở lại với cách “tiêm Morphine tinh thần” bằng những suy nghĩ tích cực giả tạo. Nhưng như đã nói ở trên, cách này chẳng duy trì được bao lâu, vì giấy không gói được lửa, Morphine không chữa được bệnh. Nỗi khổ thì nó cứ lì lợm ở đó mãi, và chẳng có cách nào né tránh được.

Xong chúng ta vẫn còn một cách khác. Đó là đối diện, nhìn thẳng vào thực tế, hiểu rõ những thứ khổ đau ấy nó là gì ? Nó như thế nào? Nó từ đâu đến ? Và làm thế nào đặt dấu chấm hết cho nó ?

Nói thì dễ, nhưng trả lời được thì là chuyện khác. Điều đó khó vô cùng. Lịch sử văn minh mấy nghìn năm của nhân loại chứng kiến không biết bao nhà hiền triết đã thất bại trong việc tìm cho ra câu trả lời thỏa đáng. Họ cũng đưa ra đủ thứ lý thuyết nghe hay ho, nhưng thực tế thì chẳng giúp thay đổi được điều gì. May mắn cho chúng ta, cuối cùng cũng có một người đã thành công.

Cách đây hơn 2500 năm tại xứ Ấn Độ, thái tử Tất Đạt Đa của tiểu quốc Sakya, trong các chuyến đi vi hành của mình, chứng kiến nỗi khổ liên miên bất tận của con người trên thế gian, Ngài đã quyết định đi tìm cho ra tận cùng nguyên nhân của mọi đau khổ, và cách để đặt dấu chấm hết cho chúng.

Ngài từ bỏ ngai vàng, lặn lội vào rừng sâu núi thẳm, thử qua rất nhiều phương pháp tu luyện khác nhau để tìm cho ra câu trả lời. Sáu năm sau đó, giữa một khu rừng hoang vắng, dưới cội cây Bồ Đề, thái tử Tất Đạt Đa đã thiền định suốt 49 ngày đêm, và cuối cùng, Ngài đắc đạo, đạt đến cảnh giới Giác Ngộ tối thượng, chứng thành quả vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, hiệu là Thích Ca Mâu Ni Phật.

Vậy khi đã chứng Đạo rồi thì Ngài có thể giải đáp những câu hỏi kia cho chúng ta không ? Tin vui cho chúng ta, câu trả lời là “Có”.

Ngay bài pháp đầu tiên sau khi chứng Đạo thành Phật, giảng tại rừng Lộc Uyển, Đức Phật đã giảng về Tứ Diệu Đế và cho chúng ta những câu trả lời thỏa đáng. Năm đệ tử đầu tiên nghe bài pháp ấy, chỉ một thời gian sau đó, thực hành theo lời Phật dạy, cũng đã chứng Đạo với quả vị A La Hán.

Mở đầu của Tứ Diệu Đế chính là Khổ Đế – Đức Phật tuyên bố Khổ chính là một chân lý của vũ trụ này, nghĩa là nó là một đặc tính, một định luật cố hữu gắn chặt với cuộc sống của mọi chúng sinh, chứ không chỉ là một hiện tượng rải rác, đơn lẻ.

 

… Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, buồn bã, đau thương là khổ, lo lắng, bực tức là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, bám chấp năm ấm là khổ.

12 loại khổ này được thiết kế theo kiểu một mạng lưới bủa vây trên con đường đời mà mỗi người phải đi qua. Mạng lưới này khởi đầu với Sinh và kết thúc ở Tử, ở giữa là các loại còn lại luân phiên hành hạ con người. Cụ thể hơn, ta có 4 loại khổ đi liền với 4 giai đoạn, sự kiện chính của cuộc đời: Sinh – Lão – Bệnh – Tử

Với 3 hoàn cảnh thường gặp, là Ái biệt ly, Oán tắng hội, Cầu bất đắc

Với 4 trạng thái tâm lý: Buồn bã – Đau thương – Lo lắng – Bực tức

Và tổng thể có thể gom lại trong khổ Bám chấp 5 ấm, loại khổ này xem như là tổng quát, bao hàm cả các loại khổ khác.

*Lưu ý:

Ở đây ta cần làm rõ một số từ ngữ, Khổ Sinh là nỗi khổ gặp phải khi sinh ra, chứ không phải ý nói Sinh luôn đồng nghĩa với Khổ. Giống như các thanh sắt thường xuất hiện rỉ sét, nhưng không có nghĩa là tất cả các thanh sắt trên đời đều rỉ sét.

Có một số trường hợp khi sinh ra không có gặp đau khổ, đó là các trường hợp các chư thiên được sinh ra, họ hóa sinh – tức tự biến hóa thành hình chứ không có phải nở từ trứng hay cha mẹ mang thai mà sinh ra.

Tương tự như vậy với Khổ Lão – Khổ Tử. Hầu hết khi đi đến giai đoạn già, chết, các nỗi khổ sẽ xuất hiện hành hạ chúng ta. Nhưng không phải 100%, vẫn luôn có những trường hợp ngoại lệ, ví như các thiền sư có thể nhập định và bỏ luôn thân xác, đó cũng là chết nhưng hoàn toàn không có chút đau khổ nào. Trong y học, các bác sĩ có thể điều chế những liều thuốc độc gây chết một cách cực kỳ nhẹ nhàng, không đau đớn, gọi là “cái chết nhân đạo” cho những bệnh nhân không thể chữa được nữa.

Và nữa, không phải kiếp sống nào chúng sinh cũng sẽ phải nếm đủ hết các loại khổ, ví như người chết trẻ sẽ không phải chịu khổ Lão, hay như người sinh lên cõi trời không gặp khổ về Bệnh. Xong đó chỉ là một kiếp, trong khi luân hồi là vô tận, qua những kiếp sau thì vẫn tiếp tục nếm đủ các thể loại khổ thôi, chẳng thoát đi đằng nào được.

Có thể nói, các thể loại khổ đau đã được bày bố sẵn trên con đường đời của bạn ngay từ lúc bạn chào đời. Chúng chỉ chờ tới lúc bạn đến nơi và xồ ra thôi. Và câu chuyện của một người vô danh sau đây sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung ra điều này.

 

CHUYỆN ĐỜI NGƯỜI …

“Tôi là một người bình thường, vô danh trên thế giới này, sống một cuộc đời như phần lớn mọi người đã sống. Để đến được với thế giới này, tôi phải được sinh ra như bao đứa trẻ khác. Hầu hết mọi người đều cho rằng việc sinh ra thì có gì đâu mà gọi là khổ. Thực ra đó là vì các ký ức tuổi thơ từ khi trong bụng mẹ đến khi 2 tuổi đã bị quên lãng cả. Nhưng nếu nhớ lại được thì mọi người sẽ thấy việc ở trong thai gò bó, chật chội và quá trình được sinh ra không dễ chịu chút nào.

Và đây là thứ khổ đầu tiên tôi cũng như vô số những đứa trẻ khác đã nếm trải.

 

KHỔ SINH :

Khi một chúng sinh tiến nhập vào trong bào thai, các dây thần kinh cảm thụ dần phát triển, cảm nhận rõ nét được xung quanh, nhưng khi ấy da thịt thì vô cùng mỏng manh, chưa có lấy một chút sức chịu đựng nào. Thế nên nhất cử nhất động của người mẹ mang thai đều có thể khiến thai nhi đau đớn, như cử động mạnh thì thai nhi chịu dằn xóc khổ sở, uống nước nóng thì thai nhi thấy bỏng rát, uống nước lạnh thì thai nhi thấy tê buốt. Ngày này qua tháng khác bị giam nhốt trong bụng mẹ chật hẹp, tay chân lúc nào cũng phải giữ trong tư thế co quắp.

Đến ngày sinh nở, cả cơ thể phải quay đầu, chui qua sản môn chật hẹp, Đức Phật ví như một con voi phải chui qua một khe đá hẹp, bị dồn ép tột độ, toàn thân đau nhức kinh khủng

Vừa ra đến bên ngoài, liền bị bà đỡ – hay hộ sinh đem đi tắm rửa, kỳ cọ các thứ máu mủ, nước ối… làn da mỏng manh lập tức thấy như kim châm dao cắt. Rồi bắt đầu từ đó, mở ra cả một cuộc đời với đủ thứ áp lực, sóng gió, tùy nghiệp chướng nặng nhẹ mà khổ nhiều hay khổ ít.

Tuy nhiên thường ít ai nhắc đến nỗi khổ của sinh, lí do đơn giản là không ai còn nhớ. Khi trưởng thành, mọi kí ức khi ở trong thai, lúc mới chào đời, 1-2 năm tuổi hầu hết đều đã quên không nhớ được gì.

Sinh ra không được bao lâu, vì cơ thể non nớt, yếu ớt, nên tôi thường xuyên bị bệnh, hết cảm đến sốt, hết sốt đến ho, hết ho đến phát ban…hàng chục loại bệnh khác nhau, chưa kể các tai nạn lớn nhỏ như đứt tay, trầy da, bỏng, bong gân, té gãy xương… khiến tôi thành khách hàng thân thiết của bệnh viện.

Và đây là loại khổ thứ 2 tôi gặp phải, đáng ghét ở chỗ, là chúng không có hết hẳn, mà sẽ đeo đuổi tôi đến suốt cuộc đời, bệnh này lành thì đến bệnh khác phát sinh, nặng nhẹ khác nhau, đủ kiểu. Ở tuổi trưởng thành thì đỡ đỡ đi phần nào vì lúc đó sung sức, xong đến khi già đi thì bệnh mới thực sự là nghiêm trọng với những bệnh trầm kha, nan y như suy thận, viêm phổi, thoái hóa cột sống, ung thư…

Tôi thắc mắc liệu trên đời từng có một ai chưa bao giờ bị bệnh tật gõ cửa không, nhưng mãi chẳng tìm ra người như thế.

KHỔ BỆNH:

Đây là nỗi khổ dễ hiểu nhất, không cần giải thích nhiều mọi người vẫn hiểu. Vì sao vậy ? Vì nó quá nhiều, quá phổ biến ai cũng từng trải qua, ai cũng đã nhìn thấy người người xung quanh mình trải qua, không nặng thì nhẹ. Nguyên nhân thì đủ kiểu, có những bệnh do môi trường bên ngoài tác động khiến cơ thể bệnh, như thời tiết, khí hậu, vi khuẩn, virus, tác động vật lý… có những bệnh thì do bẩm sinh, do di truyền, do cơ địa, do các bộ phận bên trong cơ thể vận hành không điều hòa mà thành bệnh. Liệt kê ra thì có đến hàng trăm ngàn loại bệnh nặng nhẹ khác nhau cùng với các thứ tai nạn đủ thể loại gây đau đớn cho cả cơ thể lẫn tinh thần.

Rồi tôi lớn dần, tôi được ở bên những người yêu thương tôi, cha, mẹ, ông bà, anh chị em, bạn bè, thầy cô… và tôi rất yêu quý họ. Nhưng rồi chẳng hiểu sao, họ không ở mãi bên tôi, mà lần lượt rời xa tôi, không cách này thì cách khác. Đầu tiên là ông tôi qua đời, rồi đến bà. Nhiều năm sau, mẹ tôi ra đi vì một bệnh lạ, không lâu sau bố bỏ tôi đi tìm hạnh phúc của riêng ông, chẳng bao giờ tôi gặp lại nữa.

Đến tuổi trưởng thành, khi trái tim đã đủ tuổi để loạn nhịp trước những người mình thầm thương trộm nhớ, tôi lại càng có nhiều người mà tôi thương yêu hơn. Họ bước vào cuộc đời tôi, rồi lại lần lượt rời xa tôi, có người là chia tay trong nước mắt vì không hợp, có người vì hoàn cảnh phải rời xa, có người là sinh ly tử biệt. Mỗi lần thế, tôi cảm thấy rất buồn và đau khổ. Nhưng phải đến khi đứa con đầu lòng của tôi mất vì một căn bệnh nan y, tôi mới biết tột cùng đau khổ là như thế nào.

Không chỉ có những con người, cuộc sống cũng không ngừng ban cho tôi những điều tuyệt diệu, hương vị ngày tết khi cả gia đình quây quần, những chuyến du lịch cùng “người ấy” đến những nơi tuyệt đẹp, những buổi tụ họp tiệc tùng thú vị cùng hội bạn thân, rồi sắm được những món đồ rất giá trị, sở hữu được chiếc xe mơ ước… Tất cả chúng khiến tôi yêu thích bằng đủ kiểu khác nhau. Nhưng bạn biết gì không ?

Chúng đến và đi chứ không cái nào ở lại mãi với tôi. “Mọi bữa tiệc đều phải đến lúc tàn” và đó là lúc những cơn buồn đến với tôi. Hết tết, tự nhiên tôi thấy buồn. Tiệc tan, mọi người chào nhau mỗi người đi một ngả, tôi cũng buồn.

Chiếc xe đâm vào gốc cây bị hỏng nặng không sửa được, tôi buồn thối ruột. Chiếc điện thoại xịn sò tiết kiệm mãi mới sắm được, lỡ tay rơi mất từ lúc nào, tôi bần thần mất mấy ngày. Chú chó cưng gắn bó suốt mấy năm với tôi bị xe cán chết, tôi bỏ ăn cả tuần. Ngay đến cả bộ phim tôi yêu thích, cũng làm tôi buồn khi xem hết tập cuối, một cảm giác trống trải, hụt hẫng khi nó không còn tập nào nữa.

Cuộc sống ban tặng cho tôi những điều tuyệt vời, để rồi sau đó tịch thu lại bằng nhiều cách khác nhau. Thành ra, những thứ tôi yêu quý đều để lại trong tôi những vết thương trong lòng. Cuộc đời này trớ trêu thật.

KHỔ ÁI BIỆT LY:

Sống trong đời, tâm ta không ngừng sản sinh ra các tình cảm yêu thích đối với những thứ hợp ý mà mình tiếp xúc, dù là yêu thích một người, hay yêu thích một con vật, một đồ vật cụ thể hay một điều gì đó trừu tượng. Nhưng cuộc đời này, mọi thứ đều phải tuân theo luật Vô thường, không gì tồn tại mãi, mọi thứ ta yêu thích thì đến một lúc phải tan hoại, hoặc phải chia xa với ta, và khi ấy, tâm sẽ phải hứng chịu một nỗi đau khổ, gọi là Ái biệt ly.

Bên cạnh những điều tuyệt vời mà tôi gặp, đời còn đem đến cho tôi rất nhiều thứ phiền toái, tồi tệ. Hồi đi học thì tôi đến khổ với mấy đứa bạn học xấc láo, hung hăng hay bắt nạt tôi.

Rồi khi trưởng thành thì có hàng đống những kẻ nối dài vào danh sách này: gã sếp hung dữ, bảo thủ; khách hàng thô lỗ; những đồng nghiệp xấu tính, đố kỵ suốt ngày đâm chọc, nói xấu sau lưng; rồi cả bà hàng xóm phách lối, mồm không ngớt chửi bới nữa… Những người tôi ghét và ghét tôi thì nhiều đếm không xuể, cứ ra ngõ là gặp, chả hiểu sao cứ đụng mặt hoài.

Rồi thì đến những hoàn cảnh khó chịu nhưng suốt ngày gặp phải, nào là cái nóng kinh hồn của mùa hè lại còn cúp điện, nào là tiếng ồn của mấy nhà hàng xóm hát karaoke inh ỏi bất chấp giờ giấc, thú thật, họ hát dở như đang đấm vào tai người nghe vậy, thế mà họ lại thích hát lắm.

Nào là cảnh kẹt xe lê thê cả tiếng đồng hồ dưới trời nóng bức đầy khói bụi, nào thiên tai bão lũ năm nào cũng càn quét mấy bận, nào những lần khủng hoảng kinh tế khiến tôi thất nghiệp .v.v… ti tỉ thứ tôi rất ghét, hành hạ đời tôi đến thảm. Không hiểu sao chúng lại nhiều thế, và tại sao tôi cứ phải gặp chúng mãi, hết cái này đến cái khác.

 

KHỔ OÁN TẮNG HỘI:

Ngược lại với Ái biệt ly là oán tắng hội. Cuộc sống luôn không thiếu những thứ khiến cho mình khó chịu, và sinh tâm ghét bỏ, nhưng vì nghiệp chướng, vì ác duyên nợ nần, ta lại thường xuyên tiếp xúc, gặp những thứ mình ghét bỏ. Và đây là một thứ khổ nhức nhối rất khó chịu.

Cũng như bạn, như bao người khác, tôi cũng có nhiều ước muốn. Không biết chúng từ đâu ra nhưng các thể loại mong muốn nhiều thật đấy, chúng không ngừng phát sinh.

Đi học thì tôi ao ước một lần được làm thủ khoa của trường, xong thế nào mà chỉ luôn đứng hạng nhì. Lớn lên, tôi muốn kết hôn với một người bạn đời lý tưởng, bên nhau hạnh phúc đi hết cuộc đời, ấy thế mà người tôi cưới lại chả giống tí nào với mong ước đó cả. Dung mạo thì bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường, vừa mập vừa thô kệch. Tính tình thì vô tâm, hay cáu gắt, mỗi lần bực cái gì lại hét toáng lên như cái còi tầu kê sát lỗ tai tôi vậy. Còn nhiều cái nữa, nhưng thôi, tôi chẳng muốn kể.

Khi đi làm, như bao người, tôi muốn làm sếp, lương khá khá một chút, sếp nhỏ cũng được, ấy thế mà bao năm trời tôi vẫn chỉ giữ chức nhân viên quèn, cố mấy cũng chả lên được, lương thì chỉ đủ sống, nhiều khi nhà có gì phát sinh là y như rằng chật vật.

Sau tôi xin nghỉ, vay mượn anh em, bạn bè một số vốn mở một công ty. Sau ba năm cày cuốc, nó cũng hoạt động tốt, doanh thu ổn. Tôi muốn mở rộng hơn, nên tìm thêm những nhân viên giỏi về làm. Nhưng thế quái nào những nhân viên mới tuyển về làm ăn rất bát nháo. Họ có chuyên môn thật, nhưng lại thông đồng nhau bòn rút tiền công ty, bán dữ liệu cho đối thủ cạnh tranh, và trong 2 năm thôi, công ty tôi phá sản, tôi phải còng lưng đến tận 10 năm sau mới trả hết các khoản nợ.

Quái lạ, sao những thứ tôi muốn lại cứ ở ngoài tầm với vậy ? Đời tôi thảm quá vậy ?

KHỔ CẦU BẤT ĐẮC:

Cầu bất đắc là khổ với cái mình muốn mà chưa có, hoặc không có được. Tâm mong cầu của mỗi người hoạt động không ngừng nghỉ, nó không dừng lại khi các nhu cầu căn bản được đáp ứng, mà hễ có được cái này rồi nó lại muốn có cái khác, càng có nhiều thì lại càng muốn thêm nhiều thứ.

Tham muốn thì không ngừng nở rộng với vận tốc gió bão. Nhưng phước báo thì lại chạy theo vận tốc của ốc sên ( với người biết tạo phước) hoặc thậm chí còn thụt lùi (với người hay làm việc tổn phước). Vậy nên người càng nhiều mong cầu, nhiều dục vọng, thì lại càng dễ bị khổ của cầu bất đắc dày vò. Loại khổ này gần giống với Ái biệt ly, xong Ái biệt ly là khổ vì mất đi cái mình yêu thích đang có, còn Cầu bất đắc là khổ vì chưa có và không có.

Với bao nhiêu thứ tồi tệ ấy luân phiên nã pháo vào cuộc đời tôi, trong tôi không ngừng tuôn ra những thứ cảm xúc tiêu cực:

Khi gặp phải hoàn cảnh xấu, mất mát, đáng thất vọng, tôi buồn bã.

Khi gặp phải hoàn cảnh khốn đốn, bi đát hơn, mất mát nặng nề, tôi thấy đau thương.

Khi gặp phải bất lợi, khó khăn đang đến và sắp đến, tôi lo lắng.

Khi gặp phải phải hoàn cảnh trái ý, tôi bực tức.

Những cảm xúc tiêu cực này, tôi không hề muốn có chúng, nhưng chúng thì lại cứ xuất hiện và tồn tại trong tôi, mà lại nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi. Nhiều khi tôi tự hỏi, chúng có phải là của tôi không ? Nếu là của tôi thì vì sao tôi không tài nào tắt được chúng ?

Khổ của những cảm xúc tiêu cực:

† Buồn bã

† Đau thương

† Lo lắng

† Bực tức

Đó là những cảm xúc tiêu cực phát sinh trong tâm khi ta gặp phải những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, thất vọng, mất mát, khó khăn, tổn hại, bi đát.v.v…

 

Rồi sau bao năm tháng mài mòn hết sinh lực vốn có trong tôi, tôi thấy mình đã già nua từ bao giờ. Sức khỏe không còn sung sức như trước, tôi làm gì cũng khó khăn, mệt mỏi. Sức đề kháng không còn tốt, tôi mắc đủ thứ bệnh lớn nhỏ, toàn thân thường xuyên đau nhức, nào là bệnh xương khớp, nào là tiểu đường, tim mạch… Dung mạo tôi tự hào một thời, nay lụ khụ, bệ rạc, nhăn nhúm.

Tuổi già không chỉ tàn phá cơ thể, mà nó còn tàn phá luôn cả tinh thần, đầu óc không còn minh mẫn nữa, tôi cứ nhớ nhớ quên quên mọi chuyện, trí lực chậm chạp, đã vậy cảm xúc lại cứ như thời trẻ con, dễ xúc động, dễ khóc như một đứa trẻ vậy.

Ôi, thật là chết tiệt, cái khoảng thời gian phải chịu đựng cảnh già nua này kéo dài thật lê thê, mãi chưa kết thúc. Sao Thượng Đế không cho tôi chết sớm hơn để mau thoát khỏi cái cảnh bị tù đày, hành hạ trong chính cơ thể của mình như thế này chứ ?

KHỔ LÃO:

Cơ thể con người cũng như bao thứ khác, phải chịu sự tàn phá của quy luật Vô thường, khi đã sống qua độ tuổi 50, con người ta sẽ đối diện với sự lão hóa. Đó là một nỗi khổ bào mòn một cách chậm rãi, càng già đi thì cơ thể xuống dốc về mọi mặt. Sức lực yếu ớt, sức đề kháng suy giảm, mở cửa cho đủ loại bệnh hoành hành, đi lại khó khăn, dung mạo xấu dần, mọi năng lực từ thể lực, trí lực, thị lực, thính lực .v.v…sút giảm, khiến cho con người ta bất lực dần trước dòng chảy cuộc sống vẫn tiếp tục tiến về phía trước.

Rồi thì cuối cùng, cái khoảnh khắc ấy cũng đến: cái Chết. Dù chẳng muốn sống nữa đâu, nhưng không hiểu sao tôi vẫn sợ chết. Và khi nó đến thật kinh dị, bệnh tình tôi trở nặng hơn lúc nào hết, cơ thể bị dày vò trong những cơn quặn đau kéo dài tưởng chừng vô tận, mọi sức lực bị rút cạn khỏi tôi. Bệnh viện đã từ chối tiếp tục chữa chạy, trả tôi về nhà để mọi người chuẩn bị hậu sự.

Nhìn mọi người thân xung quanh khóc lóc, ủ rũ, càng khiến tôi day dứt, ở không xong, đi cũng không đành. Cuối cùng, một cơn đau khủng khiếp ập đến, trời đất quay cuồng, tối sầm lại. Một lúc sau, tôi thấy mình lơ lửng bên ngoài thân xác, ngoái lại nhìn những người thân đang cuống quýt khóc than. Thế là xong một kiếp người.

KHỔ TỬ:

Con người, cũng như bao sinh vật khác, không thể sống mãi bất tử, sớm hay muộn rồi đều phải đối mặt với cái chết. Có hàng trăm cách để chết khác nhau, có cái chết chậm rãi đến, có cái chết bất thình lình, có cái chết nhẹ nhàng, có cái chết tức tưởi, thảm khốc… chỉ rất ít trường hợp có được một cái chết an bình, còn đại đa số thì sẽ đón nhận cái chết với sự đau đớn đi kèm.

Nếu không phải do tai nạn, bị giết mà chết bất đắc kì tử, hay tự sát, thì thường người ta sẽ chết vì những căn bệnh nào đó, khoảnh khắc chết thường cũng chính là khi bệnh phát tác mạnh nhất, thân thể suy kiệt nhất, thần thức hỗn loạn, đau nhức khủng khiếp, tâm luyến ái, bám chấp vào sự sống giằng co với thực tế là thời hạn sống đã cạn, khiến cho thân tâm khổ sở.

Khi còn trẻ, chưa trải qua hết các giai đoạn của cuộc sống, Khổ đau với tôi là một thứ tôi không quá quan tâm, vì tôi cho rằng nó có thể được xử lý bằng cách này hay cách khác. Gặp phải sự cố nào thì tôi sẽ tìm cách giải quyết, tra Google không có thì có thể tìm trong các cuốn sách, hỏi những người có kinh nghiệm. Bệnh thì đã có bác sĩ, việc nào khó thì có thể thuê dịch vụ làm, thiếu tiền thì đã có các khóa học dạy làm giàu, muốn có người yêu đã có các sách dạy tán tỉnh, quyến rũ không khó để mua.v.v… cái gì cũng có cách giải quyết cả.

Nhưng càng trải qua nhiều sự tình hơn, càng lớn tuổi hơn, tôi mới nhận ra mình đã quá ảo tưởng. Vấn đề luôn nhiều hơn, phức tạp hơn so với những giải pháp, đã vậy các giải pháp không phải khi nào cũng dùng được, hoặc không có hiệu quả, thậm chí một số phản tác dụng.

Các sách dạy làm giàu chẳng hạn, nó đã được xuất bản cả thế kỷ nay, đủ các tên tuổi tầm cỡ, bán chạy như tôm tươi, biết bao nhiêu người đọc và thực hành theo. Nhưng nhìn lại kìa, bất kỳ đất nước nào cũng đầy rẫy những người nghèo, trong số họ biết bao người đã đọc các sách làm giàu, thậm chí học các khóa học làm giàu bài bản. Nhưng liệu họ có thoát khỏi nghèo khó không ? Rất tiếc, tình hình vẫn thế, chứ nếu không thì mọi người đã giàu cả hết rồi, làm gì còn người nghèo nữa.

Ồ không! Hình như chỉ có tác giả cuốn sách, cùng với những người dạy làm giàu mới là những kẻ giàu lên nhờ tiền bán sách, bán khóa học. Thế mà một thời tôi đã tin tưởng chúng, mấy cái loại sách dạy làm giàu.

Một lần tôi tranh cãi với một người bạn, anh ta phê phán tôi:

– Đừng có bi quan như vậy, hãy nhìn đi, chẳng phải nhân loại đã phát minh ra bao nhiêu thứ tuyệt vời, giúp cho cuộc sống bớt đau khổ, xã hội ấm no, hạnh phúc đó sao ? So với thời xa xưa, thì cuộc sống của chúng ta khác gì thiên đường?

Tôi nhìn anh ta và chậm rãi:

– Xét ở một góc nhìn nào đó, đúng là như vậy. Tôi cũng đã suy nghĩ về điều này rất nhiều. Nhân loại chúng ta từ thuở xa xưa đã luôn đối mặt với những khó khăn, gian khổ. Và loài người đã không ngừng sử dụng trí óc để phát minh ra những giải pháp, chế tạo ra những công cụ để chiến thắng những khó khăn, xua tan những đau khổ.

Sau hàng ngàn năm không ngừng cải tiến, những công cụ, giải pháp ấy đã được lớp lớp các thế hệ nhà phát minh nâng cao đến một tầm mức siêu hạng, tối tân như ngày nay, khiến cho ai ai cũng choáng ngợp và có cảm giác như chúng ta đang dần đến gần với một thế giới vắng bóng khổ đau, chỉ toàn là hạnh phúc, một vườn địa đàng trên thế gian.

Nhưng, khi ta thôi chỉ nhìn vào các số liệu lạc quan, gác các bài báo, tạp chí ca tụng công nghệ sang một bên, mà nhìn vào thực tế với một góc nhìn toàn diện, ta sẽ nhận ra một thực tế hết sức phũ phàng.

Thời xa xưa, để đối phó với những loài mãnh thú săn đuổi con người khắp nơi, những nhà phát minh cổ đại đã mày mò tìm cách tạo ra lửa, cũng như chế tạo ra hàng loạt những loại vũ khí sắc nhọn như giáo mác, cung tên, dao kiếm và phát triển những kỹ thuật chiến đấu lợi hại.

Quả nhiên, muông thú dần không còn là mối đe dọa với loài người, mà thậm chí còn trở thành nguồn thức ăn phong phú. Với những vũ khí được phát minh ra, con người sở hữu được sức mạnh kinh khủng và trở thành chúa tể muôn loài.

Nhưng, khi không còn phải lo đối phó với thú dữ nữa, thì con người quay sang dùng sức mạnh đó để đánh giết nhau. Người này đánh giết người kia, bộ lạc này đánh giết bộ lạc kia, quốc gia này đánh giết quốc gia kia, và chiến tranh ra đời.

Trải dài trên dòng lịch sử hàng ngàn năm của mọi quốc gia khắp thế giới, các cuộc chiến tàn khốc không ngừng xảy ra, xương máu đổ xuống không có giấy bút nào ghi chép được hết. Nó đạt đến kỷ lục về độ khốc liệt trong Thế chiến 1 (1914 -1918) với khoảng 19 triệu người chết và Thế chiến 2 (1939- 1945) với khoảng 70 triệu người chết.

Tóm lại, dù là xưa kia hay hiện tại, con người vẫn luôn bị giết chóc, chỉ khác là bị giết bởi mãnh thú, hay bị giết bởi đồng loại mà thôi.

Thời xa xưa, để chống lại cái đói, con người phải vất vả săn bắt hái lượm, di chuyển từ vùng này sang vùng khác, phát triển những kỹ năng sinh tồn với thiên nhiên hoang dã. Khi ấy, ai cũng phải tự tìm ra số thức ăn nuôi sống chính bản thân mình, gia đình mình.

Nhưng rồi người ta dần tìm ra cách thuần hóa được các giống cây trồng và những loại gia súc, gia cầm, con người chuyển sang lối sống định cư, hình thành nông nghiệp.

Sau mấy nghìn năm, kỹ thuật ngày càng tiên tiến, sản lượng nông nghiệp ngày càng dồi dào, phong phú. Một người làm nông có thể tạo ra sản lượng đủ nuôi sống hàng chục người, thậm chí ở Israel – nơi sa mạc cằn cỗi, một nông dân có thể cung cấp đủ lương thực nuôi 100 người, còn ở Mỹ, một nông dân có thể nuôi đến 132 người. Thật tuyệt vời, vậy chẳng phải loài người sẽ không bao giờ phải lo sợ gì về cái đói rồi sao?

Ồ không ! Bằng nhiều cách khác nhau, các nơi trên thế giới vẫn phải vật lộn với nạn đói, rất nhiều người vẫn chết vì đói. Cho đến thời điểm hiện tại (2023), hàng năm vẫn có đến hàng trăm ngàn người chết đói ở các nước châu Phi, châu Á như Afghanistan, Angola, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, Haiti, Kenya, Lebanon, Somalia, Syria, Yemen…

Xã hội loài người càng phát triển thì quy mô những nạn đói càng khủng khiếp, đó là vì trong những thời điểm thuận lợi, dân số tăng quá đông, nhưng sự thuận lợi đâu thể duy trì mãi được, chỉ cần có một trục trặc nào đó như thiên tai, hạn hán, chiến tranh, quyết sách sai lầm của nhà nước… là nạn đói sẽ ập đến ngay. Mà do quy mô dân số lớn nên số lượng người chết đói sẽ khủng khiếp hơn nhiều so với xã hội chuyên săn bắt hái lượm với dân số ít.

Năm 1945 tại Việt Nam, khi đó còn trong tình trạng bị Nhật chiếm đóng, do lệnh “nhổ lúa trồng đay”, và thu gom lương thực cho quân đội của phát xít Nhật, nạn đói đã xảy ra khiến khoảng 2 triệu người Việt Nam chết đói.

Nhưng con số đó thì chẳng ăn nhập gì với nạn đói ở Trung Quốc giai đoạn từ 1958 đến 1961 do những chính sách sai lầm trong phong trào Đại Nhảy Vọt, khiến đến khoảng 40 triệu người dân chết đói.

Tóm lại, dù là thời xưa săn bắt hái lượm hay là thời đại tiên tiến như hiện tại, vẫn luôn có nhiều người chết vì cái đói.

– Thế còn những lĩnh vực khác, chẳng phải y học hiện nay đã phát triển lắm sao ? – Anh bạn tôi phản biện lại – Đủ loại máy móc, thiết bị y tế tối tân, công nghệ nano, công nghệ gen, vacxin v.v…đã cứu sống biết bao người đó.

– Đúng, không ai phủ nhận những sự tiến bộ về y học đó đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân, nhưng đó không phải tất cả.

Thực tế, nếu như y học phát triển lên thì bệnh tật cũng không ngừng tiến hóa. Y học chiến thắng được một bệnh nan y này, thì lại xuất hiện một loại bệnh mới khó nhằn hơn, dịch hạch, dịch đậu mùa được chế ngự thì mọc ra dịch AIDS, dịch SARS, dịch Ebola… và xem chừng bệnh tật luôn mạnh hơn y học vài cấp, và con người ta vẫn cứ chết vì bệnh tật đó thôi. Đơn cử như gần đây nhất, đại dịch Covid xuất hiện cuối năm 2019, đã cướp đi gần 7 triệu người trên toàn cầu, cả những nước nghèo lẫn những nước có nền y khoa tiên tiến nhất, hiện đại nhất đều có hàng ngàn, hàng vạn người tử vong đó thôi.

Đúng là bệnh thì đã có bác sĩ, bệnh viện, thuốc men, máy móc rất hiện đại, nhưng không phải các bác sĩ vẫn luôn mồm nói câu “Chúng tôi đã cố gắng hết sức…” đó sao ?

Chẳng phải trong mọi bệnh viện luôn có một cái nhà xác để dành cho những ca không thể chữa khỏi được đó sao ? Nó vẫn luôn ở đó, ai cũng biết, nhưng có lẽ mọi người đã bỏ quên nó khi đọc những thành tích về y học.

Tóm lại, bất luận Y học phát triển đến mức nào, thì thời nay cũng vẫn như thời xa xưa, con người ta vẫn cứ bị hành hạ, bị chết vì bệnh tật.

Khổ đau, nó giống như một đám cháy bất tận, mặc dù nhân loại đã rất nỗ lực dùng đủ cách, nhưng chưa từng có một thời khắc nào, chúng ta hoàn toàn dập tắt được chúng cả.

Anh bạn tôi nghe xong, im lặng rất lâu. Có lẽ anh ta đã nhận ra những gì tôi nói rất phũ phàng, nhưng lại là sự thật. Đấy là mới kể sơ sơ một hai điểm, còn lại thì biết bao nỗi khổ bất cứ ai cũng phải trải qua mà không hề có một giải pháp nào chống đỡ được.

Bạn làm thế nào để mình đừng già nua đi ? Bạn làm thế nào để bất tử, không phải đối diện với cái chết ? Bạn làm sao khi hay tin bạn đời mình ngoại tình ? Khi mà dù ly dị hay giải quyết như thế nào thì vết thương lòng vẫn cứ chừng ừng ở trong tim bạn. Bạn làm sao khi đứa con bé nhỏ thân thương của bạn bị đột tử vì một chứng bệnh lạ không thuốc chữa ? Bất lực và đau đớn, và chỉ có thể chấp nhận hiện thực đó, không hề có giải pháp.

Cuộc sống nó là thế, và hình như cũng không ai giấu diếm gì những điều đó. Nhưng vì sao trước kia tôi lại không để ý nhỉ ? Vì sao tôi lại ảo tưởng rằng mọi chuyện đều có hướng giải quyết nhỉ ?

Đi hết kiếp người rồi, khi nhìn lại, thấy lại suy nghĩ của mình, thật không khỏi buồn cười, quá là ấu trĩ và ngây ngô. Và đây, tôi có một câu hỏi dành cho bạn: “Bạn đã từng thấy, từng nghe nói tới một ai, dù là người thường hay vĩ nhân đi nữa, đã trải qua hết một kiếp sống mà không va phải bất cứ loại khổ nào được liệt kê phía trên không ?”

_________________

Trên đây là lời than vãn của một nhân vật hư cấu, và nếu bạn thắc mắc tại sao tôi không phân tích dựa trên một người có thật ? Đó là vì chẳng cần một nhân vật xa lạ nào để chứng minh cho những điều này, chính mỗi người chúng ta đều đang trải nghiệm những thực tế phũ phàng ấy của cuộc sống, chính mỗi người đều đã là nhân chứng sống động rồi, thậm chí nhiều người còn khổ hơn, thê thảm hơn câu chuyện trên nhiều lần. Vậy nên nhân vật không rõ danh tính, giới tính ở trên là lời than thở của chính mỗi người chúng ta với thực tại này, chỉ khác là nó giúp làm rõ ràng, sáng tỏ hơn vấn đề mà thôi.

Tuy nhiên vẫn còn một loại khổ chưa được nhắc tới, đó là khổ:

BÁM CHẤP VÀO NGŨ ẤM

Để hiểu được loại khổ này hơi phức tạp một chút.

Đức Phật chia cấu tạo thân tâm của tất cả chúng sinh thuộc tất cả các cảnh giới thành 5 bộ phận, gọi là Ngũ uẩn, hay Ngũ ấm (năm ấm). Thực sự khái niệm Ngũ ấm này không dễ để hiểu cặn kẽ, chính xác, ở đây để các bạn bớt nhức đầu nhằm tập trung vào chủ đề chính, tôi sẽ giải thích Ngũ ấm một cách đơn giản, dễ hiểu nhất có thể.

† Sắc ấm: chính là thân thể của mỗi người, mỗi chúng sinh

† Thọ Ấm: là cảm giác, bộ phận cảm nhận các trạng thái hạnh phúc, đau khổ, vui, buồn, nóng, lạnh và cả những trạng thái trơ không sướng, không khổ

† Tưởng Ấm: là bộ phận chuyên suy tưởng với đủ những ý nghĩ, hình ảnh, âm thanh trong tâm trí, giúp hồi tưởng những việc quá khứ, tưởng tượng những viễn cảnh chưa xảy ra, kể cả những viễn cảnh ảo nhất, điên rồ nhất.

† Hành Ấm: là hệ thống thần kinh điều khiển mọi hoạt động cơ thể. Bộ phận này sẽ bao gồm rất nhiều mảng, từ chạy nhảy, nói chuyện, làm việc, suy nghĩ, tính toán, sáng tạo, khởi lên tình cảm, ham muốn… và gồm cả hệ thống thần kinh thực vật, điều khiển tim đập, tiêu hóa, hô hấp… điều khiển cả phần tiềm thức tạo ra giấc mơ, trực giác.v.v…

† Thức Ấm: là tri giác nhận biết, trí nhớ.

Vậy tại sao Đức Phật nói bám chấp vào 5 ấm này là khổ?

Có rất nhiều vấn đề, đầu tiên cả 5 ấm này đều không ngừng đòi hỏi. Sắc ấm, tức cơ thể thì liên tục đòi hỏi phải nạp thức ăn, nước uống, dưỡng khí. Thiếu dưỡng khí tầm 5-10 phút là chết, thiếu nước 4-5 ngày là chết, thiếu thức ăn 5-7 tuần là cũng chết.

Trước khi đạt đến hạn mức tử vong, thì nó sẽ hành cho cơ thể khổ sở với cảm giác ngộp thở, khát và đói. Chính chúng – cái chết, ngộp, khát và đói đã thúc đẩy con người cùng muôn loài phải không ngừng bươn chải, chịu nhiều vất vả để mưu sinh.

Và chỉ thế thôi sao ? Không, cơ thể còn đòi hỏi lắm thứ nữa, như nó cần sự sạch sẽ, và ta phải tìm nước để tắm rửa cơ thể, nếu không được tắm rửa thường xuyên, nó sẽ ngứa ngáy. Rồi nó đòi hỏi ngủ nghỉ, và ta phải tìm giường nệm, dọn chỗ cho nó nằm, không được đáp ứng thì nó sẽ mệt mỏi, đau nhức. Nó đòi hỏi sự an toàn, tránh mưa nắng, gió, bão, vậy nên phải xây nhà cho nó ở .v.v… còn rất nhiều thứ khác, bạn có thể tự viết thêm ra bên dưới.

Với mỗi đòi hỏi, thì ta sẽ phải lao động mệt mỏi mà đáp ứng. Có lẽ nhiều người đã quá quen với điều đó đến mức không nghĩ đến, và cho đó là điều hiển nhiên của cuộc sống. Nhưng nếu bạn dành thời gian suy nghĩ lại, bạn sẽ nhận ra bạn đã vất vả như thế nào khi sở hữu cái thân thể này.

Đến Thọ ấm, sự tình leo thang lên một cấp độ mới, nó đòi hỏi ta phải tránh những cảm nhận khó chịu, như nóng, lạnh, ồn ào, đắng cay, sự khinh bỉ, thù ghét .v.v… Và nó cũng đòi hỏi ta không ngừng tìm đến những cảm nhận dễ chịu, thoải mái như mát mẻ, ấm áp, lãng mạn, thú vị, hay ho, ngọt ngào, sự trọng vọng, yêu quý .v.v…

Ngay cả với những khi ở giữa dễ chịu và khó chịu, là trạng thái trơ, không có cảm nhận gì, thì Thọ ấm dần dần cũng cảm thấy tẻ nhạt, chán trường, buộc ta phải làm gì đó cho đỡ chán, từ đó phát sinh ra nhiều thứ rắc rối.

Khác với nhu cầu của Sắc ấm sẽ có điểm dừng, Thọ ấm thì khác, nó có cơ chế tăng cấp. Nghĩa là hôm nay đáp ứng ở cấp độ 1 là Thọ ấm thấy thỏa mãn, nhưng ngày mai thì khác, phải tăng lên cấp độ 2, 3… nó mới thỏa mãn, và xu hướng của nó là “càng được thỏa mãn, thì nó càng tăng cấp“.

Ví dụ, khi khó khăn, một người phải đào củ, hái rau dại ăn qua bữa, lâu lâu có chút gạo, nấu được bữa cơm trắng ăn. Lúc này anh ta thấy vị của cơm trắng thật sự rất ngon, cực kỳ thỏa mãn. Vậy nên anh cố lao động nhiều để kiếm tiền mua gạo.

Đến lúc khá hơn, thì cơm đã là thứ bình thường luôn có, ngày nào cũng ăn, cũng loại cơm trắng đó, nhưng với anh ta, giờ vị nó trở thành nhạt nhẽo.

Thọ ấm thấy chán. Anh ta muốn đổi sang ăn phở ở các quán phở có tiếng, tuy nhiên chỉ đủ tiền để tháng ăn 1-2 lần. Lúc này ăn một tô phở, Thọ ấm của anh ta thấy rất ngon, rất thỏa mãn. Anh ta lại cố nai lưng làm lụng kiếm tiền nhiều hơn, để có thể tha hồ ăn phở.

Thời gian sau anh ta làm ăn giàu lên, tiền bạc dư giả. Vậy là ngày nào anh ta cũng ăn phở, tưởng chừng như từ nay Thọ ấm sẽ luôn được thỏa mãn. Nhưng không. Chỉ ăn được một tháng, thì cũng tô phở đó, anh ta lại cảm thấy ngán, ngán đến tận cổ.

Kịch bản lập lại, anh ta lại cố làm lụng để ăn hải sản, ăn thịt rừng, rồi đến những món đặc sản hiếm có trên đời… Cuối cùng, dù anh đã đánh đổi bằng bao nhiêu công sức, thời gian vất vả làm lụng đi nữa, nhưng rồi chẳng có món nào khiến Thọ ấm thỏa mãn nữa cả,

Kịch bản này đúng với mọi lĩnh vực khác khi Thọ ấm chen chân vào, khi ta thay vì nhận ra và kiểm soát nó, thì lại đi nuông chiều nó.

Nếu như Sắc ấm chỉ cần ăn no, đủ dinh dưỡng là được, thì Thọ ấm còn nhiêu khê hơn, nó đòi hỏi thức ăn phải ngon, phải phong phú, phải bài trí đẹp mắt, phải thế này thế nọ, và không ngừng tăng cấp.

Nếu như Sắc ấm chỉ cần có chỗ chui ra chui vào tránh mưa nắng là được, thì Thọ ấm sẽ đòi hỏi phải có nhà đẹp, thiết kế sang trọng, hợp sở thích. Nếu như Sắc ấm chỉ cần có quần áo che thân đủ ấm, mặc thoải mái là ổn. Thì Thọ ấm sẽ đòi hỏi nó phải đẹp, thời thượng, quý phái, lịch lãm…

Tương tự, Tưởng ấm, Hành ấm, Thức ấm cũng có những đòi hỏi của mình, như Tưởng ấm thì thích tưởng tượng ra các viễn cảnh sung sướng, hồi tưởng những chuyện vui, hành ấm thì đòi hỏi phải vận động, suy tính, thức ấm thì tò mò, đòi hỏi muốn biết thêm nhiều điều, hóng nghe nhiều tin tức. Và với ấm nào thì Thọ ấm cũng sẽ chen chân vào, cùng với cơ chế tăng cấp của nó, không ngừng gia tăng đòi hỏi.

Mà như đã nói, để thỏa mãn các đòi hỏi, thì ta phải trả giá bằng cái gì đó, bằng công sức, bằng tiền của, bằng những gì ta có. Như vậy, càng cố chiều chuộng sự đòi hỏi của các ấm, tức là ta càng phải trả giá nhiều, đó là công thức.

Đến khi những gì ta có không thể đáp ứng được các loại đòi hỏi thì sao ? Thế thì ta rơi vào nỗi khổ Cầu bất đắc.

Rất nhiều người không cam chịu nỗi khổ của Cầu bất đắc, khi mà những gì họ đang có không thể đáp ứng được, thế là họ sẵn sàng làm những việc sai trái, phạm pháp, tạo Nghiệp xấu.

Và từ đó phát sinh ra trộm cắp, cướp, giết, lừa đảo, cưỡng hiếp, chiến tranh xâm lược… và rồi họ nhận về những cái kết đau khổ do sự trừng phạt của luật pháp, rồi ghê gớm hơn nữa, là luật Nhân quả nghiệp báo. Như các bạn đã tìm hiểu trong các phần trước, nó thật sự hãi hùng và khủng khiếp.

Và đó là một phần của Khổ “Bám chấp năm ấm” thôi. Ta có thể kể thêm về mối liên quan của nó đến các loại khổ khác, như:

– Khi bắt đầu một kiếp sống mới, năm ấm của một người được hình thành, đó là lúc chịu khổ Sinh.

– Khi năm ấm theo luật Vô thường, trải qua thời kỳ Hoại, thì là lúc chịu khổ Lão. Đến thời kỳ Diệt, thì chịu khổ Tử.

– Khi Sắc ấm gặp trục trặc, hoặc do ngoại lực tác động, hoặc do nội bộ cơ thể không điều hòa, thì ta chịu khổ Bệnh.

– Khi gặp các hoàn cảnh tồi tệ, mất mát, bi thảm khiến Thọ ấm cảm thấy khó chịu, đau đớn, dẫn đến những cảm xúc buồn bã, đau thương, lo lắng, tức giận.

 KẾT

Tổng hợp lại, bạn có thể hình dung luân hồi lục đạo mà chúng ta đang sống trong đó giống như một mê cung vòng lặp, mà mê cung đó lại hiện hữu 12 loại quái vật rải rác khắp nơi, chính là 12 loại khổ trên. Chúng đã bao vây chặt mọi ngả đường. Chúng không phải luôn luôn hiện hữu, mà có một chế độ xen kẽ với những khoảng nghỉ, tạm thời không khổ.

Ở các khoảng nghỉ này, con người ta có thể hưởng thụ những sung sướng gì đó, đây là một cơ chế nhằm đánh lạc hướng, khiến người ta quên đi mất tình cảnh bị khổ sở bao vây, mà muốn ở lâu trong luân hồi, khởi lên những ý nguyện sống ở đất nước này, kết hôn với người kia, làm công việc này, hưởng thú vui kia v.v…

Khi gặp phải một nỗi khổ nào đó, thì người ta chỉ tìm cách dập tắt nỗi khổ trước mắt đó, kiểu như bệnh thì tìm thuốc chữa, chứ không thể nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh, để nhận ra mình đang ở trong một cái mê cung đầy quái vật. Mà không nhận ra được cái mê cung ấy, thì làm gì có ý định thoát được ra khỏi nó. Đã không thoát ra khỏi nó, thì đương nhiên tương lai sẽ tiếp tục gặp phải những thống khổ, kiếp kiếp nối nhau không dứt.

Khổ đau gắn chặt với từng kiếp sống của mọi chúng sinh, không có cách nào tách rời được. Kiếp kiếp nối nhau, luân hồi vô tận, cũng có nghĩa là khổ đau vô tận, bất luận là người phước báo lớn như thế nào cũng không thay đổi được quy luật này.

Và sai lầm của đa số mọi người là cố tìm cách vừa muốn sống trong thế gian này, sống trong dòng luân hồi sinh tử này, vừa mong tìm ra cách thức nào đó để không có khổ đau, chỉ thuần sung sướng, hạnh phúc mà thôi.

Không ! Muốn chấm dứt được khổ đau một cách toàn diện, chỉ có cách duy nhất là thoát khỏi luân hồi sinh tử. Tuyệt không có một cách nào khác. Và đó là mục tiêu chính của Phật Pháp: giải thoát chúng sinh khỏi luân hồi.

Khép lại chương này, chúng ta hãy cùng đọc một câu truyện ngụ ngôn mà Đức Phật từng kể cho vua Pasenadi, được trích từ kinh Bách Dụ để cùng ngẫm nghĩ lại về cái thế giới chúng ta đang sống:

 

” Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thụ Cấp Cô Độc trong thành Xá-vệ. Khi ấy Thế Tôn ở giữa đại chúng mà bảo vua Pasenadi rằng:

– Này đại vương! Ta nay sẽ vì bệ hạ mà lược nói một thí dụ về sự tham đắm hương vị, tạo lỗi lầm, và gặp hoạn nạn của chúng sinh ở chốn sinh tử. Nay đại vương hãy lắng nghe và khéo tư duy.

Vô lượng kiếp vào thuở quá khứ, có một người đi vào nơi hoang dã và bị một con voi hung dữ rượt đuổi. Gã hoảng sợ chạy bạt mạng và không có chỗ lánh thân. Bất chợt kẻ đó thấy một cái giếng khô và cạnh giếng có một rễ cây thòng xuống. Và thế là hắn liền bám rễ cây leo xuống và đu lủng lẳng trốn trong giếng.

Lúc ấy có hai con chuột, một trắng một đen, cùng nhau gậm nhấm rễ cây ở phía trên. Ở xung quanh giếng có bốn con rắn độc muốn cắn kẻ kia, còn ở bên dưới thì có một con rồng độc. Trong lòng của hắn kinh hoàng bởi rắn với rồng, và lo sợ rễ cây sẽ bị đứt. Ở trên chùm rễ cây còn có tổ ong mật, khi cây dao động, đám ong bay xuống chích hắn. Lại còn có những bụi lửa hoang cứ lăn đến thiêu đốt gốc cây kia. Thế nhưng vào lúc đó có năm giọt mật rơi vào trong miệng người ấy. (anh ta nhắm mắt quên hết tất cả để tận hưởng vị mật)

Nhà vua thưa:

– Bạch Thế Tôn! Sao người này đang chịu vô lượng khổ ách mà còn tham đắm chút hương vị kia?

Lúc bấy giờ Thế Tôn dạy rằng:

– Này đại vương! Nơi hoang dã ẩn dụ cho đêm dài dằng dặc của vô minh. Kẻ chạy trốn ẩn dụ cho phàm phu. Con voi ẩn dụ cho Vô thường. Cái giếng ẩn dụ cho bờ sinh tử nguy hiểm. Rễ cây ẩn dụ cho tính mạng. Hai con chuột, một trắng một đen, ẩn dụ cho ngày và đêm. Sự gậm nhấm rễ cây ẩn dụ cho từng niệm sinh diệt. Bốn con rắn độc ẩn dụ cho tứ đại. Năm giọt mật ẩn dụ cho ngũ dục. Con ong ẩn dụ cho tà niệm. Lửa ẩn dụ cho già, bệnh. Rồng độc ẩn dụ cho cái chết.

Cho nên, đại vương! Phải biết rằng Sinh – Lão – Bệnh – Tử thật quả là đáng sợ. Bệ hạ hãy luôn tư duy ý niệm của mình, chớ để bị ngũ dục bức bách và nuốt chửng.”

(Trích trong sách “Thấu hiểu luật Vũ trụ” – Quang Tử )

3 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyen
Khách
Nguyen
5 tháng trước

Hay quá ạ, cảm ơn Quang Tử. Một bức tranh trần trụi về luân hồi sinh tử, những nổi khổ đau tiếp nối, gặm nhấm, xiềng xích, giam cầm chúng sinh trong đó, ngột ngạt, luẩn quẩn, làm cho chúng sanh quên tìm lối thoát. Hãy theo bước chân Đức Thế Tôn để tìm con đường thoát khổ, thoát khỏi luân hồi sinh tử này. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!