Giữa quán nhậu ồn ào đủ thứ tiếng, chợt vang lên một giọng nam khào khào như muốn át đi mọi âm thanh khác:
– Thằng kia, mày nhìn gì tao ? Muốn chết à?
Tý gằn giọng, hai mắt long sòng sọc trợn lên. Máu điên nổi phừng phừng, anh quờ tay vớ ngay vỏ chai bia trên bàn, hùng hổ xông tới bàn nhậu bên cạnh, hai hàm răng bặm chặt vào nhau, vung tay đập một nhát vào đầu một người thanh niên khi cậu ta chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Người thanh niên thét lên một tiếng, đưa tay ôm đầu, máu đỏ tươi đã chảy thành dòng xuyên qua từng kẽ ngón tay.
– Tại sao anh đánh tôi?
– Ai bảo mày nhìn tao làm gì?
– Tôi chỉ tình cờ đưa mắt qua thôi mà.
– Tình cờ cũng không được. Nghe chưa?
Không khí xung quanh vô cùng căng thẳng, khách ở các bàn khác quyết định bỏ bữa nhậu còn dang dở, nhanh chóng trả tiền rồi bỏ đi kẻo vạ lây. Chủ quán biết vậy cũng chẳng dám ho he nửa lời, bởi cảnh này vẫn thường xảy ra mỗi khi Tý xuất hiện.
Người ta thường gọi anh là “Tý điên”, là con trai ông Nguyễn Định Kế, cư ngụ tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Anh nổi tiếng cả vùng là kẻ lưu manh đầu gấu, thích đâu đánh đấy không cần lý do.
Trong cốp xe của Tý luôn có sẵn một thanh kiếm dài và nhiều hung khí khác nhau để phục vụ tính côn đồ hành hung bất chấp của mình. Các chủ quán nhậu thấy anh lui tới thì sợ xanh mặt, khách đang ngồi cũng tự khắc đứng dậy sang ngồi quán khác vì sợ máu điên của Tý.
Ông Kế vốn là một Phật tử tu pháp môn Tịnh Độ, ăn chay niệm Phật chuyên cần, nhưng có người con hư hỏng, ngỗ nghịch hết phần người khác nên không khỏi phiền muộn. Tý thường xuyên bỏ nhà đi, có khi hai ba tháng chẳng về, nếu có về Lâm Hà cũng chẳng thèm ghé qua nhà hỏi thăm cha mẹ. Chỉ có đánh lộn, nhậu nhẹt khắp nơi mới là thú vui của anh. Mỗi khi hay tin con trai gây gổ, ông Kế lại ôm đầu sầu não. Chỉ những lúc tĩnh tọa niệm Phật mới giúp ông vơi bớt đi nỗi u sầu chất chứa trong lòng.
Tý đã gây họa quá nhiều, ông Kế biết những gì con trai làm sẽ có quả báo khốn khổ, không sớm thì muộn, không kiếp này thì kiếp sau. Vì muốn cứu con, người cha già không đành lòng, quyết tâm phải làm gì đó kéo Tý ra khỏi con đường tội lỗi này.
Vốn có nhân duyên với tịnh thất Quan Âm thuộc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, ông Kế mỗi dịp cuối tuần thường lên đây chuyên tu cùng đại chúng. Ông mạnh dạn chia sẻ về đứa con của mình với thầy trụ trì – Đại Đức Thích Giác Nhàn và được thầy hướng dẫn cách thức hóa giải. Bằng tình thương của một người cha, ông Kế chẳng quản khó khăn mệt nhọc, quyết dùng Phật Pháp điều phục đứa con nghịch tử.
Thực hiện theo lời thầy hướng dẫn, ông Kế về nhà, ngày ngày lạy Phật, niệm Phật và tụng kinh hồi hướng công đức cho Tý. Cứ sáng ra ông tụng nửa cuốn kinh Vô Lượng Thọ, chiều về lại tụng nốt nửa cuốn còn lại, cả ngày thì niệm Phật không tính kể. Tất cả công đức ông đem hồi hướng hết cho Tý. Ròng rã như vậy nhiều ngày, ông Kế có niềm tin mãnh liệt rằng Phật Pháp nhất định giúp con ông hồi đầu hướng thiện.
Ấy thế mà, hai tháng đã trôi qua, người cha không thấy có gì chuyển biến cả, ông thấy nản, và cũng có chút thất vọng nên lên hỏi lại thầy Thích Giác Nhàn. Thầy nghe rồi thì không vẽ thêm cách thức nào khác, chỉ động viên ông phải tiếp tục kiên trì mới có kết quả. “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, tự mình thay đổi đã khó, muốn thay đổi người khác còn khó hơn nhiều, không thể mới hai tháng đã thoái chí được.
“Thầy nói phải, chưa gì mình đã định bỏ cuộc. Vì thằng Tý, dù có bao lâu cũng phải cố.” – ông Kế tự nhủ.
Một tháng sau, Tý bất chợt trở về nhà. Đã lâu rồi anh không gặp cha. Vốn là một kẻ máu lạnh vô tình, chẳng bao giờ biết rung động. Thế nhưng lần này Tý không khỏi ngậm ngùi khi nhìn thấy bóng dáng ông Kế hiện rõ những dấu hiệu tuổi già, những vết chân chim đã hằn sâu nơi khóe mắt, thân thể còm cõi, không còn tráng kiện như xưa, rồi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ phải ra đi như một lẽ tất yếu. Tý nhìn cha cất tiếng nói:
– Thôi ba lo tu đi cho thanh thản đầu óc. Nhỡ đâu còn có kiếp sau thì nhờ tu cũng sẽ nhẹ nhàng hơn.
– Mày nói được câu đấy thì mày cũng nên tu đi. – Ông Kế nhẹ nhàng đáp lời con trai.
Thực tình Tý nói vậy thôi, chứ trong lòng chẳng suy nghĩ được như thế. Anh chỉ động lòng thương cha già cả, chứ biết gì đâu mà tu tập. Thế nhưng cứ như thể có một điều gì đó dẫn dắt suy nghĩ của Tý. Một hôm, khi đang nằm nghỉ, anh vắt tay lên trán, lắng lòng ngẫm nghĩ về cuộc đời:
“Mình gần 40 tuổi rồi, chẳng mấy cũng già như ba, cũng sẽ đến lúc phải ra đi. Chẳng hay mình sẽ đi về đâu sau khi từ giã cõi đời?” – Tý tự vấn trong lòng, đau đáu về câu hỏi mình tự đặt ra, nhưng anh chưa có được câu trả lời.
Một ngày cuối tuần, Tý chợt cao hứng lấy xe đòi chở ba mẹ lên tịnh thất Quan Âm. Khi vừa vào tới phòng của Đại Đức Thích Giác Nhàn, nhìn thấy thầy, bỗng nhiên anh run rẩy, nổi da gà, tóc tai dựng đứng, cả người lạnh ngắt.
“Quái lạ! Sao ngoài đời mình chả biết sợ ai. Vào đây gặp thầy tu mình lại như vậy nhỉ?”- Tý thắc mắc.
Trở về nhà, chính cái cảm giác kì lạ đó đã khơi gợi trong lòng “Tý điên” nhiều suy nghĩ, mà từ trước tới nay chẳng mảy may nghĩ tới. Những thắc mắc, những câu hỏi vu vơ cứ thế trỗi lên:
“Tất cả những việc từ trước đến nay mình làm có đúng không? Hay mình thử thay đổi xem sao? Sao mình không làm những việc mà mấy người đi chùa hay làm nhỉ? Ăn chay, niệm Phật ư?”
Vậy là chẳng cần cha mở lời, tới Chủ nhật, Tý gọi điện hỏi:
– Chủ nhật này ba có đi chùa không? Để con đưa ba đi.
Ông Kế tròn xoe mắt ngạc nhiên về những lời mình vừa nghe được. Ông bắt đầu mơ hồ nhận ra sự thay đổi của Tý. Ông mừng thầm, hy vọng ba tháng tu tập hồi hướng công đức của ông cho Tý đã có hiệu quả.
Không như lần trước, chỉ là tài xế đưa ông Kế lên chùa, lần này, Tý lân la vào ngồi niệm Phật cùng đại chúng, chuyên chú được một lúc bỗng thấy một cảm giác bình yên hiếm có, xưa nay anh chưa từng cảm nhận được. Thấy tâm tư của Tý đã chuyển biến rõ rệt, ông Kế nhìn con, đặt tay lên bờ vai của Tý, nhẹ nhàng khuyên nhủ:
– Quay đầu đi con. Quay đầu là bờ.
Tám chữ ấy lập tức đánh động vào tâm trí, đánh thức sự lương thiện đã bị ẩn giấu quá lâu trong tiềm thức của anh, Tý mơ màng nhận ra từ trước tới nay mình đã sai.
Dần dà được tiếp xúc với giáo lý Phật Pháp, anh cũng có được câu trả lời cho những thắc mắc của mình. Hóa ra chết không phải là hết. Hóa ra chúng sinh từ vô số kiếp đến nay vẫn trôi lăn đau khổ trong sáu cõi luân hồi sinh tử chưa có điểm dừng. Anh cũng hiểu nếu mình không chịu thay đổi, cứ sống mãi như trước, chắc chắn sau này phải bị đọa lạc trong các cảnh giới khổ đau muôn trùng.
Một buổi nọ, đám bạn bè chuyên nhậu nhẹt tuy đã biết chuyện nhưng vẫn gọi Tý sang làm vài chén:
– Ê mày, tu thì cũng phải có bạn bè chứ. Lên đây với anh em, có rượu với mồi ngon đang chờ.
– Tao ăn chay rồi. Giờ tao chỉ đi chùa, không đi nhậu.
– Thôi mày để yên cho người ta tu, mày lên đấy thì ai dám đến chùa nữa.
– Một người tỉnh ngồi với một người say, khó ngồi lắm. Thôi tao không đi đâu.
Mới đầu bạn bè chẳng ai tin Tý có thể thay đổi chóng mặt như vậy. Nhưng sự quả quyết đó đã chứng minh cho họ thấy “Tý điên” giờ không còn điên, không còn say nữa, Tý đã tỉnh thật rồi.
Từ đó, Tý càng chăm chỉ niệm Phật, lạy Phật mỗi ngày. Anh cũng tự biết kiểm soát tâm tính, khi thấy mình quen theo thói cũ hay nổi sân, anh lại nhiếp tâm niệm Phật để khống chế cơn giận dữ. Cứ kiên trì như thế tính tình anh dần dịu lại, những cơn sân hận ngày một ít đi theo thời gian.
“Tý điên” từng bước lột xác thành một con người mới, những dấu vết của lối sống lưu manh trước kia dần phai nhạt. Anh quy y Tam Bảo, lấy pháp danh là Diệu Âm Quảng Hiền, nhanh chóng tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ, dứt mặn trường chay, ngày ngày niệm Phật cầu sinh Cực Lạc. Quả là một sự thay đổi chóng mặt khiến ông Kế vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Mỗi khi nhắc đến phép màu đã xảy đến với gia đình ông, ông Kế xúc động đến rơi nước mắt, phần vì mừng, phần vì lòng biết ơn Phật Pháp đã cứu rỗi đứa con trai của ông, dẫn lối nó về con đường sáng, và đem hai chữ “bình yên” đến với gia đình ông. Sự kiên trì của ông đã đem lại kết quả thật sự.
Nhân quả luôn đúng từng li từng tí, tuyệt nhiên không có sai sót. Tuy nhiên do phước nghiệp quá khứ mỗi người một khác, sức tu từng người cũng sai biệt mạnh yếu khác nhau, nên thời gian từ khi gieo nhân tới khi trổ quả có khi nhanh, có khi rất lâu. Vậy nên việc hồi hướng công đức cầu một điều gì đó đặc biệt cần sự kiên trì.
Nếu chỉ vì chưa thấy kết quả ngay đã vội nản lòng mà bỏ dở, thì bạn sẽ không thấy kết quả gì cả. Sẽ ra sao nếu khi ông Kế niệm Phật hai tháng không thấy kết quả gì, ông bỏ cuộc ? Một là con trai ông vẫn thế, hai là ông sẽ mất tín tâm vào Phật Pháp, và ba là chúng ta sẽ không có một tấm gương sáng để mọi người noi theo học tập.
Trường hợp thực tế của cha con ông Kế là một lời nhắc nhở tới những người tu về sự kiên trì, bền bỉ. Đó là một trong những yếu tố then chốt giúp sự nghiệp tu hành của chúng ta đi tới đích.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của ông Nguyễn Định Kế và con trai)