“CHIẾN THUẬT” đối phó với TÍNH XẤU của CHÍNH MÌNH

0
4696

Lười biếng, nóng giận, tham lam… cùng hàng chục các loại thói quen xấu khác, còn gọi là tập khí luôn là những chướng ngại muôn thủa, cản bước những ai muốn tu học theo Phật Pháp.
Rất khó để vượt qua chúng. Phật dạy không nên nóng giận, ta rất muốn làm theo. Nhưng những cơn nổi nóng nó cứ khởi. Khi ta nhận ra mình đang “lên cơn điên”, đang la ó, chửi mắng người khác thì cũng đã muộn. Những lời đao búa ấy cũng đã tuôn khỏi miệng, ghim vào lòng những người khác. Mà thậm chí, thấy cơn nóng đang bừng bừng đó, biết là sai đó, mà chẳng làm sao mà dập tắt nó đi cho đúng với đạo lí được cả.

https://youtu.be/b7keT_Xz3yE?t=17s

Ta muốn mình siêng năng, tinh tấn. Nhưng không biết từ đâu “cơn lười” nó cứ xuất hiện. Mà một khi đã lười, thì … đầu óc chẳng còn điều khiển được nữa. Thân và tâm, chúng rủ nhau nằm ì đó, chẳng chịu nhúc nhích.
Phật dạy ta: ham muốn những dục lạc thế gian là nguồn gốc đau khổ. Ta biết thế, muốn hạn chế lại cho tâm đừng tham đắm nữa. Xong thực tế thì không sao kìm hãm những cái sự “ sung sướng” ấy lại được. Chúng hấp dẫn quá !
Này là những “trai xinh, gái đẹp”, này là những cuộc du lịch kỳ thú, rồi những buổi tiệc tùng náo nhiệt, lại còn những bộ phim “ bom tấn” chưa xem nữa…Này là một dự án kinh doanh hốt bạc tỉ, này là “cái ghế trưởng phòng” đang trong tầm tay, lại còn bao nhiêu thứ hấp dẫn khác của cuộc đời chưa tận hưởng nữa. Haizzz… sao thế gian này nó lại lôi cuốn đến vậy nhỉ ?

Đấy là chưa kể đến bao nhiêu thói quen xấu khác…những cái tốt muốn chúng khởi thì chúng chẳng khởi. Những cái xấu, muốn chúng hết, chúng lại cứ đầy rẫy ra đó. Bây giờ biết làm sao ?

Nếu bạn gặp phải tình trạng này. Đừng buồn, vì bạn không cô độc một mình đâu. Ai bước vào con đường tu hành đều sẽ gặp phải tình trạng này. Ít nhất thì có tôi. Những thói quen xấu của tôi rất nhiều. Và thật là vất vả để chiến đấu với chúng.
Tôi đã từng thử qua nhiều kiểu khác nhau hòng tiêu diệt chúng, nhưng thường đa số các lần “chiến đấu” thì tôi bị … chúng “tiêu diệt” !
Ban đầu tôi học theo kiểu nhà thiền, tìm kiếm trong tâm những ý niệm xấu, này làm tham lam, kia là sân hận, kia nữa là ái luyến.v.v… nhìn rõ chúng, quán sát sự sinh diệt của chúng, và áp dụng nhiều phép quán khác nhau như quán thân vô thường, quán từ bi… cũng có những kết quả tốt. Nhưng quả là không dễ, cần phải nỗ lực rất nhiều, đòi hỏi ta phải có ý chí kiên cường, bền bỉ.
Phải mệt mỏi, phải dùng hết sức lực của ý chí mà chiến đấu với các tâm xấu mới có thể diệt được một cơn phát khởi của chúng.
Vấn đề là chúng nó giống như sóng biển vậy.
Dẹp yên được cơn này sẽ có cơn khác ập đến, chúng liên miên nối nhau không dứt. Năm này sửa được một tính xấu, tưởng rằng chúng đã hết, nào ngờ năm sau lại bị như cũ, chúng dai như đỉa vậy.

Một thời gian sau, tôi nhận thấy chiến thuật này không ổn, ít nhất là với tôi. Ý chí của tôi chỉ tạm “kìm chân” những thói xấu được một thời gian thôi. Nhưng cũng không thể duy trì được mãi.
Nếu cứ theo chiến thuật cũ, dùng ý chí mà đấu với chúng thì… thua chắc. Mình lấy đâu ra ý chí vĩnh cửu mà ‘đua’ với những dòng tập khí bất tận kia được. Bữa nay thấy siêng năng đó, chứ mai chán nản, bỏ cuộc là là bình thường.
Thế nên, tôi quyết định phải tìm một chiến thuật khác, không trông chờ vào ý chí của mình nữa, nếu không thì sớm muộn các tập khí sẽ dìm tôi chìm nghỉm.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Rồi tìm kiếm, đối chiếu các pháp môn khác nhau trong Phật Pháp. Sau cùng, tôi đã tìm ra…

Tập khí (các tính xấu) có nguồn gốc là Nghiệp lực, chúng là thói quen lặp lại tỉ tỉ vô số kiếp của ý nghiệp. Ví dụ như hàng ngàn kiếp qua, kiếp nào ta cũng lấy vợ lấy chồng, ham đắm trong ân ái vợ chồng, ngay cả sinh làm thú thì cũng đều chìm trong ái dục. Thói quen ân ái được huân tập cả ngàn vạn kiếp, cả triệu tỉ kiếp như thế, nên nó mạnh mẽ và bền bỉ khủng khiếp.
Đó là nguyên nhân chính khiến cho các tập khí như là suối nguồn bất tận vậy.
Đấy là chưa kể những Nghiệp khác, như khinh chê người xấu ác, sau này chính mình cũng xấu ác như vậy. Rồi gieo rắc, truyền bá những tư tưởng sai lầm, sau này Nhân quả sẽ khiến cho mình mắc phải những sai lầm không thoát ra được v.v… Tất cả chúng đều là Nghiệp lực, đều “ hùa nhau” kích phát các thói xấu khởi lên không ngừng.

Muốn thắng chúng, không thể dùng chiến thuật “một phát xong ngay”, “đánh nhanh rút gọn” được, không thể. Đó là viễn tưởng. Các tập khí giống như những dòng sông, không ai, dù là đại lực sĩ có thể tát cạn một dòng sông trong một ngày được. Cần phải có thời gian lâu dài, ở đây, là lâu dài nhiều kiếp.
Ta cần phải “thi gan” với chúng, dùng chiến thuật dai dẳng để “ kháng chiến trường kì” với chúng. Trong cuộc chiến này, không phải ai mạnh hơn người đó thắng, mà là ai dẻo dai hơn, người đó thắng.
Vậy nên, đầu tiên không phải là “ tìm cách gì”, mà là cần XÁC ĐỊNH TƯ TƯỞNG “KHÁNG CHIẾN TRƯỜNG KÌ”, sẵn sàng tinh thần tu tập lâu dài.

Tiếp theo, tập khí là Nghiệp lực, nó rất mạnh, nên phải dùng Nghiệp lực tương đương để đối trị.

Pháp môn tôi chọn , đó là PHÁT NGUYỆN. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy :
“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo…”
Theo Nhân quả, Ý nghiệp là gốc, sẽ sinh ra Khẩu nghiệp và Thân nghiệp đúng như ý đã khởi. Trong các loại ý, việc nghĩ đến muốn làm việc này hay việc khác, gọi là Ý NGUYỆN, và Ý NGUYỆN sẽ sinh ra hành động. Có nghĩa là trong tâm từng khởi lên ý nghĩ muốn làm gì, sau một thời gian, hoặc gần trong một kiếp, hoặc xa qua nhiều kiếp, ta sẽ thực hiện đúng như ý muốn đã khởi, đây là quy luật Nhân Quả.
Xưa kia suốt vô số kiếp ta thường ước muốn sai lầm, khởi ý niệm sai lầm, nên mới tạo ra “một dòng sông tập khí” lôi kéo ta vào sai trái. Nay ta cần tạo ra một “dòng sông mới”, lấn áp, chèn ép cái dòng tập khí cũ.
Tôi xác định rằng, dù bỏ hẳn kiếp này không tạo công đức gì khác, không thành tựu được gì cả, chỉ PHÁT NGUYỆN để tạo ra trong tâm một “dòng sông mới” của những thói quen tốt, của từ bi, của vị tha, của tinh tấn, của mọi hạnh lành mà Phật dạy.
Có thể kết quả phải đợi qua nhiều kiếp sau, nhưng thà chậm một kiếp mà vô lượng kiếp sau sẽ ổn định. Còn hơn ham những thành tựu nhất thời, nhưng không ổn định lâu xa được.
Vậy nên, bí quyết thứ hai tôi áp dụng, đó là DỐC HẾT SỨC LỰC, THỜI GIAN CÓ THỂ VÀO PHÁT NGUYỆN.

Có người hỏi tôi : Phát nguyện là tương lai xa, còn hiện tại thì đang lười biếng thì sao chỉnh ngay được chứ ?
Tôi đáp rằng tôi sẵn sàng thí bỏ kiếp này, chấp nhận mình vẫn là người xấu ác, để dồn sức cho vô lượng kiếp sau.
Tinh thần là như thế, nhưng thực tế, qua 4-5 năm ngày ngày dốc sức PHÁT NGUYỆN, thì một “dòng sông mới” của những thói quen tốt đã được tạo ra.
Đó là với cá nhân tôi thôi, chứ thực ra mỗi người một khác, có người kết quả nhanh hơn, có người chậm hơn. Nhưng nguyên lí thì giống nhau, đã làm sẽ có kết quả, đã PHÁT NGUYỆN sẽ tạo ra những hành động mới, thói quen mới.
Vậy PHÁT NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO ?
Thực ra tôi không còn nhớ chính xác những gì tôi nguyện khi đó. Nhưng bây giờ, tôi biết hai cách Phát nguyện còn hay hơn, mạnh mẽ hơn, hoàn hảo hơn nhiều lần.
Cách thứ nhất, hơi dài, nên tôi không viết ra ở đây, bạn muốn tìm hiểu, xin bấm vào đường link bên dưới :

http://nhanqua.com.vn/phat-nguyen-pho-hien/

Cách thứ hai, là một lời nguyện nhằm “phong ấn” tâm lại, “khóa” không cho nó khởi ý xấu. Đây, cụ thể lời nguyện như thế này :
” Con nguyện từ nay đến vô lượng kiếp sau, dù sinh về cảnh giới nào đều dốc lòng đem thân- khẩu- ý về nương nơi giới luật của Phật dạy, từ giới cư sĩ cho đến giới Bồ Tát, tâm tâm niệm niệm nối nhau quyết không chiều theo tập khí xấu ác, phiền não tham, sân , si, mạn, nghi, tà kiến… chỉ thuần khao khát sống trong giới hạnh thanh tịnh của Phật, như người sắp chết khát mong đến được dòng suối mát, như kẻ sắp chết rét khao khát ở bên bếp lửa ấm áp.
Nguyện cho mọi thân – khẩu – ý con luôn thanh tịnh trong giới hạnh của Phật một cách tự nhiên, thuần thục như hơi thở, kiên định không gì ngăn trở được, không gì phá hoại được.
Nguyện cho hễ tâm con móng khởi bất cứ niệm bất thiện nào, miệng định nói lời bất thiện, thân định làm điều bất thiện, trái với giới hạnh của Phật dạy, liền đó toàn thân con đều đau nhức khổ sở, cho đến khi nhổ bỏ được những ý niệm bất thiện ấy, con mới được an lành trở lại.
Nguyện kiếp kiếp nối nhau như thế cho đến khi thành Phật, con luôn viên mãn được Trì Giới Ba La Mật, niệm niệm nhiếp trong giới hạnh của Phật mà không thấy có người trì giới, không thấy giới, vì tất cả hư huyễn, bất khả đắc vậy.”

Nếu trước khi nguyện, bạn tạo nhiều công đức như niệm Phật, lạy Phật, ấn tống, phóng sinh, cứu người, tụng kinh, trì chú… sau đó hồi hướng công đức ấy vào lời nguyện này thì hiệu lực càng mạnh mẽ hơn, thành tựu nhanh chóng hơn, như “hổ mọc thêm cánh”, như hạt giống tốt lại được gieo vào mảnh đất màu mỡ. Hồi hướng như thế nào ?
“Con nguyện hồi hướng công đức …này, nguyện từ nay đến vô lượng kiếp sau, dù sinh về cảnh giới nào đều dốc lòng đem thân- khẩu- ý về nương nơi giới luật của Phật dạy, từ giới cư sĩ cho đến … ( đọc hết lời nguyện như trên)”

Vậy nếu với những người tu Tịnh Độ, nguyện hết kiếp được Vãng Sinh, thì nguyện thêm lời nguyện trên có ảnh hưởng gì không ?
Có, nó sẽ giúp cho người ấy, sau khi được Vãng Sinh rồi, càng nhanh chóng tu viên thành Chánh Giác hơn. Vì sinh lên Tịnh Độ rồi, đâu phải là thành Phật ngay lập tức, mà là tiếp tục tu lâu dài cho đến khi viên mãn thành Phật. Sớm phát lời nguyện này, sẽ càng hỗ trợ cho sự nghiệp tu hành sau khi Vãng Sinh.
Còn khi chưa sinh lên Tịnh Độ, thì lời nguyện này sẽ giúp những người tu Tịnh Độ ngăn chặn những tham đắm thế gian, ngăn chặn nghiệp chướng từ trong trứng nước, hỗ trợ cho việc Vãng Sinh.
________________
Khi “dòng sông mới” do PHÁT NGUYỆN tạo ra, nó âm thầm triệt tiêu các tập khí một cách êm thấm.
Ta không muốn siêng năng, không cố gắng gì cả, nhưng trong tâm nhiệt huyết tự nó sôi trào.

Nó giống như là người mê bóng đá cảm thấy hưng phấn khi cổ vũ đá bóng vậy. Không cần ai thúc ép, mà vẫn gào thét, nhẩy nhót, quay cuồng không biết mệt… Xong ở đây là nhiệt huyết với Đạo lí, với Phật Pháp.
______________
Tiếp theo, một loại nhân quả khác tiếp thêm vào cuộc chiến với tập khí.
KHI TA KHIẾN CHO AI THÀNH THẾ NÀO, CHÍNH TA SẼ THÀNH RA NHƯ THẾ.
Đây là quy luật Nhân quả, là Nghiệp lực nên vô cùng mạnh mẽ.
Nếu như một người gieo rắc những tư tưởng sai trái, tà dục, đồi trụy… thông qua lời nói, truyền bá sách báo, web độc hại…. thì tương lai, người đó ngoài những quả báo đau đớn, còn bị sa lầy trong tư tưởng. Họ sẽ trụy lạc hơn ai hết, vì đây là nhân quả.
Và ngược lại, nếu ta cố gắng giúp người khác suy nghĩ hướng thiện, hướng về Phật Pháp, thì Nhân quả sẽ khiến ta – hay nói đúng hơn, chế định cho tâm ta thường xuyên khởi lên những tư tưởng thiện, thường khỏi tâm cung kính Tam Bảo, mến mộ Phật Pháp.
Cái này là tự động – automatic do Nghiệp lực thúc đẩy, không dùng ý chí ép, nhưng nó vẫn tự khởi, một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.
Vậy nên, bí quyết thứ ba : KHÔNG CỐ ÉP MÌNH PHẢI TU, CHỈ DỒN SỨC GIÚP NHỮNG NGƯỜI KHÁC TU HÀNH. XEM VIỆC TU HÀNH TIẾN BỘ CỦA NGƯỜI KHÁC LÀ VIỆC CHÍNH CỦA MÌNH.

Cụ thể, thì tôi dùng facebook, youtube, website chuyên đăng những bài nhân quả, Phật Pháp cho mọi người tăng trưởng tín tâm, hiểu sâu Đạo lí, và đó là một cách tạo ra hiệu quả cực kỳ rõ rệt.
___________________
Với chiến thuật này, ta đã tạo ra một thế lực mới dai dẳng và mạnh mẽ trong tâm, đối kháng với dòng Tập khí. Nó âm thầm triệt tiêu các ý niệm xấu bằng cách nào đó ta không biết. Chỉ thấy được bản thân mình đã thay đổi rất nhiều mà không cần quá cố gắng như trước.
Ví dụ đơn giản như việc bỏ thuốc lá. Đối với những ai nghiện thuốc lá, việc bỏ thuốc thực sự rất khó khăn. Đến lúc thèm thuốc thì phải dùng một ý chí rất mạnh để gằn xuống, tìm cách để quên đi cơn thèm.
Nhưng khi có một “dòng sông mới” trong tâm nhờ PHÁT NGUYỆN & công đức KHUYẾN TU, thì đơn giản là cơn thèm không khởi lên, tôi thấy không thích hút nữa, vậy là bỏ thuốc thôi, không cần cố gắng gì cả.
Lần lượt những tập khí khác cũng lại như thế, chúng cứ nhẹ nhàng “không cánh mà bay”. Tất nhiên, ngay hiện tại chưa thể trừ diệt sạch sẽ 100% các tập khí được, chứ không thì tôi đã chứng Thánh rồi. Chưa, nhưng chúng giảm thiểu đi rất nhiều, và tương lai thì chúng sẽ còn giảm mạnh, cho đến một kiếp nào đó sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, đó là điều chắc chắn.

Vậy ngoài hai cách trên thì còn cách nào không ?
Còn, còn rất nhiều là khác. Đức Phật dạy hàng ngàn pháp môn khác nhau, sám hối, thiền định, quán Từ Bi, quán Bất Tịnh, tụng kinh, trì chú .v.v… pháp môn nào rồi cũng sẽ đưa đến Giác Ngộ Giải Thoát. Mà đã Giác Ngộ rồi thì đương nhiên chẳng còn những tâm xấu ác nữa. Chỉ là cơ duyên mỗi người một khác, nên mỗi người lại phù hợp với một cách tu khác nhau.

Trên đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của Quang Tử – một người căn cơ thấp, trình độ “ cùi bắp”, mạo muội chia sẻ với các bạn một chút “góp vui”, hi vọng giúp ích chút nào đó cho những người bạn đồng cảnh ngộ trong bước đầu tu tập. Cầu mong cho mọi người vững bước tu hành, nương theo lời Phật dạy mà sớm thoát ly khỏi biển khổ sinh tử này.

( Quang Tử)

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận