Vào những năm Càn Long triều đại nhà Thanh, tại vùng Tiền Đường có một cử nhân tên Vương Đỉnh Thực. Ông từ nhỏ đã thông minh ưu tú, năm 16 tuổi đã thi đỗ Cử nhân. Tuy nhiên sau đó cả 3 lần liên tiếp đi thi tiến sĩ cũng không thể đỗ đạt. Ông ta có một người họ hàng làm quan gần kinh thành, đã đón ông về ở cùng.
Có một lần, Vương Đỉnh Thực đột nhiên phát bệnh, không ăn được chút gì, mỗi ngày chỉ uống vài chén nước. Ông ta nói với người thân thích kia: “Tôi kiếp trước là hòa thượng tại chùa Kính Sơn, tu hành đã được mấy chục năm, cũng sắp công đức viên mãn. Chỉ vì lúc còn sống đã nhìn thấy một người trẻ đỗ đạt tiến sĩ, trong lòng rất hâm mộ.
Không chỉ ham công danh, tôi còn có tâm mong cầu giàu sang phú quý, không cách nào đoạn tuyệt được. Chính vì vậy, tôi phải lưu lạc nơi nhân gian này hai đời, hiện tại đang là đời thứ nhất.
Không lâu nữa, tôi sẽ chuyển sinh đến một gia đình giàu có họ Diêu ở ngoại thành Thuận Trị. Việc ông giữ tôi ở lại đây cũng là duyên phận kiếp trước đã định ra như vậy”.
Người bà con kia khuyên giải, an ủi Vương Đỉnh Thực, thì ông nói: “Sinh tử đời người đều có định số, không thể dài lâu. Chỉ là ân nghĩa sinh thành của cha mẹ, không thể nói dứt là dứt ngay được”.
Thế là Vương Đỉnh Thực lấy giấy bút viết thư cáo biệt cha mẹ, trong đó đại khái nói: “Con cái bất hạnh, chết tha hương ngàn dặm ở bên ngoài, hơn nữa thọ mệnh ngắn ngủi, còn để lại vợ trẻ con thơ, khiến cha mẹ phải tăng thêm gánh nặng. Nhưng mà, con không phải thực sự là con của cha mẹ, em trai mới đúng là con của cha mẹ.
Cha còn nhớ hay không, mỗi năm tại quán trà ở Kính Sơn cha đều uống trà đàm đạo với một vị hòa thượng, vị hòa thượng đó chính là con. Lúc đó nói chuyện cùng với cha thấy rất hợp, trong lòng nghĩ, cha là người trung thành, cẩn thận, phúc hậu, nhưng vì sao ông Trời lại không cho cha có một đứa con nối dõi?
Bởi vì động niệm này, cho nên con đã đầu thai thành con trai của cha. Con dâu của cha cũng là khi còn nhỏ từng kết thiện duyên với con. Điều này cũng tựa như hoa trong kính, trăng trong nước, đều là nhân duyên hư ảo, không thể dài lâu. Hy vọng cha đừng quá đau lòng, mà nên đoạt dứt hết, như thế mới có thể miễn đi tội lỗi của con”.
Người họ hàng của Vương Đỉnh Thực hỏi rằng khi nào thì ông mới đầu thai tới Diêu gia, ông nói: “Cả đời này tôi không gây ra tội lỗi gì, cho nên sau khi chết ở đây, sẽ lập tức chuyển sinh đến đó, không phải chờ đợi nữa”.
Vào buổi sáng ba ngày sau đó, Vương Đỉnh Thực lấy một chậu nước, rửa mặt, súc miệng xong xuôi, ngồi xếp bằng, gọi người họ hàng tới, hai người nói chuyện như thường ngày, vô cùng vui vẻ. Bỗng nhiên, Vương Đỉnh Thực hỏi: “Đã đến trưa chưa?”
Người thân thích nói: “Đang là giữa trưa”.
Vương Đỉnh Thực nói: “Vậy đã đến giờ rồi”. Ông vừa chắp tay cáo biệt liền tắt thở.
Người thân thích vội đến Diêu gia thám thính, quả nhiên hôm đó Diêu gia sinh ra một đứa trẻ. Nhà họ Diêu kinh doanh ngựa, mặc dù có tiền, nhưng ồn ào bất tịnh. Người thân thích nhìn mà lắc đầu.
Tuệ Tâm
_______________________
Lạm bàn:
Câu chuyện tuy ngắn nhưng triết lí ẩn trong đó hết sức sâu sắc. Tại sao chúng ta cứ phải lặn hụp trong kiếp người này, để rồi phải nếm đủ mùi đau khổ của sống chết, của bệnh tật, già nua, của ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc… mãi không thoát khỏi luân hồi sinh tử được ?
Đó chính là do trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta khởi quá nhiều tâm ham muốn. Mỗi lần khởi một ham muốn, lập tức nó liền tạo lập ra một kiếp sống trong tương lai.
Như kiếp trước của Vương Đỉnh Thực, là một vị tăng, dù xuất gia nhưng tâm không đoạn trừ các ham muốn. Khi ông nhìn thấy một người trẻ đỗ đạt tiến sĩ, trong lòng rất hâm mộ, tức là muốn công danh, lập tức tâm đó khiến ông phải sinh ra một kiếp để theo đuổi công danh, quyền chức ( chính là kiếp làm Vương Đỉnh Thực)
Rồi ông lại khởi tâm muốn giàu có, thế là tương lai ông phải sinh ra một kiếp làm người giàu có ( tức là kiếp làm con chủ nhà họ Diêu chuyên buôn ngựa). Công đức tu hành cũng theo đó mà hao tổn, không đắc Đạo được, vì công đức tu hành đã theo như tâm mong cầu mà chuyển sang phước báo giàu có.
Rồi nhân một lần uống trà với một người, ông lại động niệm muốn người đó có con nối dõi, thế là kiếp sau sinh làm con người đó. ( Ở đây là một kiếp sinh làm con ngay, nhưng nếu chưa đủ duyên, thì sẽ chờ nhiều kiếp cho đến khi duyên đủ, sẽ sinh làm con cho đúng sở nguyện)
Cứ theo quy luật trên đây mà nhìn lại mình, vô số lần chúng ta khởi ra các ham muốn, nào là muốn có tiền, muốn có tình, muốn nổi tiếng, hay muốn công danh lợi lạc, muốn du lịch, muốn mua sắm… đủ vô số thứ khác nhau, có nghĩa là ta đã tự mình tạo ra vô số kiếp trong tương lai.
Và mỗi khi tạo ra một kiếp sống mới, có nghĩa là ta sẽ có thêm một lần nếm mùi cái chết ( vì đương nhiên, đã sinh ra thì phải chết đi) Có vô số kiếp sống mới, có nghĩa là sẽ có vô số lần phải gặp thần chết , kèm theo vô biên vô lượng các đau khổ khác mà một kiếp sống luôn luôn có, như khổ của bệnh tật, của già nua, của chia lìa, của tan vỡ, của mất mát, của thất vọng, của bức xúc v.v… Chưa kể đến sống qua một kiếp người, ta bị lôi kéo của tham lam, ích kỉ, ganh đua… mà tạo ra đủ thứ tội lỗi, khiến phải chịu vô số quả báo lớn nhỏ, khổ nối tiếp nhau vô cùng tận.
Chính vì thế, Phật dạy : Ái ( ham muốn) là nguyên nhân của đau khổ. Và Phật Pháp luôn dạy cho mỗi người cắt giảm ham muốn, cho đến khi hoàn toàn không còn ham muốn.
Vậy phải chăng, như thế thì cuộc sống sẽ vô cùng buồn tẻ ? Câu trả lời là KHÔNG. Chẳng qua chúng ta chưa đến được cảnh giới hoàn toàn không ham muốn, không sinh tử luân hồi như Phật dạy, nên chúng ta tưởng rằng như thế là buồn tẻ. Thực ra, đó là cảnh giới an lạc tuyệt đối, vượt xa mọi hạnh phúc mà chúng ta có thể tưởng tượng được.
Giống như người bị hàng trăm thứ bệnh giày vò nhiều năm, bỗng được khỏi hết bệnh, không bao giờ bị lại nữa. Người đó sẽ cảm thấy vô cùng an lành, nhẹ nhõm, chứ không phải là buồn tẻ.
Giống như người bị tống vào xà lim, chịu đủ mọi cực hình tra tấn suốt nhiều năm. Bỗng một ngày được thả tự do, anh ta sẽ thấy an lành, tâm hồn phơi phới, như chút gánh nặng ngàn cân ra khỏi vai mình, chứ không hề buồn tẻ gì cả.
Đó chính là đích đến mà Đức Phật muốn chúng ta hướng tới, là cảnh giới mà mọi đau khổ chấm dứt vĩnh viễn, và sự an lạc trở nên vĩnh hằng, Phật gọi đó là Niết Bàn.
( Quang Tử)
Theo dõi
0 Góp ý