GIÚP NGƯỜI CÓ TRÁI NHÂN QUẢ KHÔNG ?

0
1893

David Nguyen‎ :
– Hi anh Quang Tử. Cũng đã khá lầu rồi không được trao đổi với anh về Pháp, mặc dù mình cũng vẫn thường xuyên theo dõi facebook. Hôm nay mình có một câu muốn tham khảo, học hỏi kiến thức của anh và những bậc cao minh trong diễn đàn. Mình cũng thường cho rằng về nhân quả thì ai làm nấy chịu nhưng có một số việc thì mình không biết phải đối diện với nó như thế nào cho phải.

https://youtu.be/nmZoqtmy6Uw?t=19s

Ví dụ : Những vấn nạn trong xã hội do sự điều hành yếu kém của nhà nước để xảy ra ảnh hưởng nặng nề cho nhân dân như vụ cá chết, thực phẩm độc hại và các vấn đề môi trường, học tập, chính trị …, nếu mình không lên tiếng, không quan tâm và nói rằng nhân ai gieo người đó chịu thì đến lúc nào đó người chịu thiệt hại sẽ là chính bản thân mình.
Hoặc trường hợp mình thấy một cô gái bị chồng đánh đập ức hiếp mà mình không biết làm sao. Mình có nên can thiệp không?
Khi mình không lên tiếng, thì tâm mình sẽ không bị cuốn theo những sự việc đó mà xao động và buồn bực đau khổ, nhưng lúc đó mình lại thấy mình vô trách nhiệm với xã hội với người khác….
Mong anh giúp mình hiểu thêm, cám ơn anh nhé.

Quang Tử :

– Bạn thân mến, câu hỏi của bạn rất hay, và cũng là câu hỏi thường gặp với những ai thường suy xét về nhân quả.
Nói rằng ” nhân quả ai làm nấy chịu” là xét trên bình diện quá khứ – hiện tại, người đã gieo nhân trong quá khứ thì hiện tại bắt buộc phải nhân lãnh quả báo do việc làm quá khứ của mình, không hề oan ức gì cả, hiểu được như vậy thì mỗi người phải có tinh thần tự chịu trách nhiệm với số phận của mình, không oán trời trách đất, không đổ lỗi cho xung quanh, không gieo rắc thêm hận thù, thêm xung đột… để tạo thành nghiệp mới trong tương lai.
Song nhân quả không hề cứng ngắc, Luật nhân quả không hề cấm mọi người xung quanh giúp đỡ người có đang chịu quả báo khổ, cũng không phải là không có cách gì hóa giải các nghiệp xấu. Như người bị bệnh, chắc chắn là do nghiệp, nhưng ta hoàn toàn có thể dùng phước của mình , ví dụ như dùng tiền bạc, ta cầm tiền ra mua thuốc tặng cho người đó, và thế là người đó uống vào liền được khỏi bệnh.
PHƯỚC CỦA NGƯỜI NÀY CÓ THỂ BÙ ĐẮP CHO NGHIỆP XẤU CỦA NGƯỜI KHÁC.
Giờ ta sẽ đi sâu thêm vào vấn đề…
Luật Nhân quả không phải chỉ có mỗi bình diện quá khứ – hiện tại, mà nó là một chuỗi liên tục nhân quá khứ – tạo ra quả hiện tại , ngay ở hiện tại này lại đồng thời gieo nhân tương lai – tạo ra quả tương lai.
Thế nên một mặt ta bình thản chấp nhận hoàn cảnh khổ đau của hiện tại, không oán trách , không gieo thêm hận thù, vì biết đó là do nghiệp mình tự làm, mình tự chịu.
Mặt khác ta phải lo tiếp tục gieo nhân cho tương lai ngay trong lúc chịu khổ ở hiện tại, Luật Nhân quả không hề bắt buộc bạn phải chịu khổ mà không cho phép hóa giải, Luật Nhân quả cũng không hề cấm mọi người xung quanh giúp đỡ người chịu quả khổ. Nhưng ta phải thực hiện đúng cách mới giải quyết được vấn đề.
Ví dụ, người vợ bị ông chồng ngược đãi, nếu chỉ nhìn trong hiện tại , thì ta chỉ thấy người vợ chịu oan ức, còn ông chồng sai.
Nhưng nhìn bằng con mắt nhân quả, thì ta hiểu được rằng, người vợ trong kiếp trước có tạo một nghiệp xấu gì đó, nên ngày nay mới chịu cảnh khổ như vậy, không phải vô tội hoàn toàn, còn ông chồng thì đang gieo quả báo đau khổ trong tương lai.
Đối với người vợ, để tự cứu mình, thay vì oán trời bất công, hận chồng vũ phu, tìm cách báo thù… thì nên sám hối nghiệp quá khứ, tạo công đức hồi hướng cho ông chồng coi như trả nợ , nghiệp hết, nợ hết thì tự nhiên ông chồng sẽ hết hành hung vợ thôi.
Có 2 cách trả nợ, cũng là 2 cách đối mặt với nghiệp quá khứ .
Một là cắn răng chịu cho tới khi nghiệp hết, nợ hết, như vậy thường rất lâu và cực kì khổ sở.
Hai là sám hối nghiệp quá khứ, tạo thêm nhiều công đức trong hiện tại để bù đắp cho nghiệp xấu khi xưa ( như niệm Phật, tụng kinh , tụng chú , phóng sinh, ấn tống.v.v..) để hồi hướng cho chủ nợ, cách này giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng, êm đẹp, có thể nói là hoàn hảo, vừa giải hết nghiệp mau lẹ, vừa tăng trưởng thiện căn cho mình.
Còn đối với những người xung quanh có tâm muốn giúp đỡ người vợ kia, Luật Nhân quả không hề cấm họ giúp đỡ, ngược lại, những người như thế dù có thành công hay không đều nhận được phước báo trong tương lai.
Còn người thấy cảnh khổ mà bỏ mặc, thì người đó đang tạo nhân xấu cho chính mình, quả báo là sau này nếu có lâm vào cảnh khổ, người đó cũng sẽ bị mọi người xung quanh bỏ mặc.
Có 2 cách giúp, một là can thiệp bằng phước báo sẵn có của mình, như sức khỏe ( đánh lộn với ông chồng để cứu người vợ chẳng hạn ), tiền bạc, tài ăn nói ( khuyên nhủ ông chồng), quyền lực ( bắt giam ông chồng, xử phạt …) .v.v… nếu phước của người muốn giúp đủ lớn, thì có thể tạm thời thành công, tạm cứu người vợ ra khỏi cảnh đánh đập , nhưng chỉ là tạm thời thôi ( dù thế luật nhân quả vẫn ghi nhận phước báo cho người giúp đỡ kia )
Nhưng do nghiệp còn nên sau một thời gian thì người vợ tiếp tục bị hành hung, không cách này thì cách khác, vì chuyện này chỉ chấm dứt khi nghiệp hết, nợ hết mà thôi.
Còn cách giúp thứ 2, đó là phải làm sao cho nghiệp của người vợ tiêu hẳn thì cảnh khổ mới chấm dứt. Hoặc là ta khuyên nhủ , giải thích cho người vợ hiểu nhân quả, biết sám hối, biết tạo công đức hồi hướng cho chồng để trả nợ….hoặc chính người muốn giúp tạo công đức hồi hướng cho người vợ được thoát khổ cũng được, nhưng cách này lâu hơn cách trên.
Để giải quyết trọn vẹn vấn để, chúng ta nên dùng cả 2 cách, ngay hiện tại ta có thể dùng phước sẵn có của mình để can thiệp, tạm thời giúp người vợ thoát cảnh bị hành hung, sau đó giải thích cho người vợ hiểu rõ nhân quả để lo sám hối, tạo công đức …
Những điều ngang trái khác cũng như vậy, như những bất công trong xã hội, những nỗi khổ của người dân xuất phát từ nhà cầm quyền, thì một mặt ta dùng hết sức mình để giúp người dân giải quyết khó khăn trước mắt ( bằng tiền bạc, bằng cách thuyết phục.v.v.. tùy khả năng mỗi người ). Có nghĩa là phước của mình có thể bù đắp cho nghiệp của người khác, nhưng chỉ ảnh hưởng trong một chừng mực nào đó mà thôi, chứ không giải quyết hết được vấn đề .
Muốn giải quyết hết vấn đề, thì phải làm sao cho người dân tiêu trừ được nghiệp quá khứ, tăng trưởng công đức lành. Chỉ khi đa số người dân trong nước đó dứt trừ được các nghiệp xấu quá khứ, tạo được nhiều phước báu, thì tự nhiên Nhân quả sẽ sắp xếp cho họ gặp được những Nhà Lãnh đạo kiệt xuất, công chính , liêm minh… có tài quản lí đất nước.
Nói chung , nhân quả rất linh hoạt, nếu ta nắm rõ nhân quả, và biết can thiệp một cách khéo léo thì có thể giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề , dù là vấn đề của thế gian hay xuất thế gian .

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận