KHEN- CHÊ, ĐƯỢC- MẤT, LÀM SAO ĐỂ TÂM BÌNH THẢN TRƯỚC TẤT CẢ ?

0
1103

KHEN – CHÊ

Mong muốn được mọi người khen ngợi, coi trọng luôn là một nhu cầu thiết yếu trong tâm hồn mỗi người. Ngược lại, nhận sự chê bai, công kích, coi thường từ mọi người, lại khiến tâm sầu muộn, khó chịu vô cùng.

Một vị thiền sư dạo bước trên sân chùa, gặp một người phụ nữ đến vãn cảnh. Vốn cô thường hay đến chùa, có chút quen biết nên thiền sư chào hỏi với cô vài câu. Quan sát một lúc vị thiền sư nói với cô ta:

– Hôm nay cô trang điểm rất đẹp, gương mặt nhìn thật dễ thương.

Cô ấy rạng rỡ hẳn lên:

– Thật thế ạ ? Vui quá. Cảm ơn thầy.

– Ấy nhưng bộ đồ cô mặc trông quê mùa quá. Với lại giọng cười nghe hơi vô duyên.

Mặt cô ta biến sắc, từ đang tươi tắn bỗng tối sầm lại. Cô quay sang chỗ khác, không nói gì thêm. Chờ một lát sau, thiền sư lại hỏi:

– Nghe tôi chê thế, cô có thấy buồn không ?

– Vâng. Có buồn thưa thầy.

– Thế lúc tôi khen, cô thấy vui chứ ?

– Dạ, có, lúc đó thì rất vui.

– Vậy cô thấy có vấn đề gì không hợp lý không ?

– Uhm… dạ, vấn đề gì ạ? – cô gái lộ vẻ băn khoăn.

Vị thiền sư ung dung mỉm cười và nói:

– Cuộc sống của cô, vui hay buồn không do cô tự quyết định, lại để một người ngoài như tôi, dễ dàng thao túng chỉ bằng cách uốn ba tấc lưỡi. Muốn cô vui, tôi khen một câu. Muốn cô sầu khổ, tôi chê một câu. Vui buồn sướng khổ của cuộc đời mình, lại phụ thuộc trong tay người khác, thậm chí chỉ là những người xa lạ, tùy ý điều khiển với mấy câu khen chê. Thế chẳng phải bất hợp lý hay sao ?

Cô gái đăm chiêu một lúc, rồi như chợt tỉnh ra, vái tạ vị thiền sư một cách cung kính.

Khen và chê, sự đề cao và khinh bỉ đến từ mọi người, vốn là những điều tất yếu mỗi người chúng ta sẽ gặp trong cuộc đời. Ngay kẻ bất tài, hèn mọn, hay xấu xa thế nào thì cũng có lúc được ai đó khen ngợi. Ngược lại, đến tận những bậc Thánh nhân vĩ đại của nhân loại, như chúa Jesus, như Đức Phật Thích Ca, các Ngài vẫn thường xuyên bị người đời phỉ báng, chửi rủa thậm tệ.

Qua đó ta thấy được, lời khen chê và sự thật vốn không phải lúc nào cũng đi cùng nhau, thậm chí là cách xa nhau. Vì người ta biết được rằng khen thì sẽ lấy được thiện cảm của người khác, còn chê bai, chỉ trích sẽ khiến người nghe buồn khổ. Mà công cụ này thì luôn sẵn có trên miệng mỗi người, nào có tốn tiền mua.

Thế nên người đời khi cần lấy lòng, hay khi cao hứng thường khen bất chấp, không quan tâm khen có đúng sự thật không, lời khen sẽ có kết quả về sau như thế nào. Đến khi không ưa ai, muốn họ phiền não, thì dùng đến chê bai, chửi bới, làm công cụ hành hạ tâm can người họ không ưa.

Đời là thế, thế nhân là thế, hôm nay có thể dùng miệng tung hô ai đó đến tận mây xanh, hôm sau lại chính cái miệng đấy dìm họ xuống vực thẳm, xưa nay đời vẫn vậy không có chi lạ.

Người có trí tuệ, nhìn thấu bản chất của khen và chê, vốn chỉ là âm thanh phát ra do thanh quản kết hợp với môi, lưỡi, ý nghĩ vọng tưởng trong đầu, nhiều khi chẳng ăn khớp gì với sự thật. Từ đó không còn quan trọng lời khen tiếng chê của thế nhân, nhất là của những người không có trình độ hiểu biết, hoặc những kẻ không thành thật, nói lời không tôn trọng sự thật. Nghe khen không mừng, nghe chê không phiền muộn, chỉ đơn giản nhìn lại xem sự thật có đúng vậy không, nếu đúng thì rút kinh nghiệm. Nhờ đó tâm được thanh thản, ung dung trước rừng miệng lưỡi thế gian.

ĐƯỢC – MẤT

Đi qua một cuộc đời, mỗi người chúng ta thông qua nỗ lực, hoặc may mắn, đều có ĐƯỢC nhiều thứ: tài sản, thanh danh, quyền lực, tình cảm, người thân, mối quan hệ.v.v… nhưng  rồi những thứ đó đến một ngày lại MẤT đi, để lại những tiếc nuối, sầu khổ.

Thời Đức Phật, có một người phụ nữ tên Kisa Gotami, cô sinh được một đứa con trai và cảm thấy vui sướng vô vàn. Hàng ngày cô hết mực yêu thương chiều chuộng con, chăm bẵm từng chút một. Bỗng một ngày con trai cô mắc bệnh rồi chết. Kisa đau đớn đến gần như điên loạn, cô không chịu an táng con trai, mà khăng khăng nghĩ rằng sẽ có cách để nó tỉnh lại.

Cô bế xác con tìm đến Đức Phật vì nghe nói Ngài có thần thông quảng đại, khẩn thiết xin Đức Phật cứu. Đức Phật nói với Kisa hãy tìm một gia đình xưa nay không có người chết, xin họ vài hạt cải đem về đây, Đức Phật sẽ làm phép cứu cho con trai cô sống lại.

Nghe thế Kisa mừng rỡ vô cùng, vội lật đật đi xin hạt cải. Cô tìm đến nhà đầu tiên, hỏi họ rằng gia đình họ xưa nay từng có người chết không, họ lắc đầu. Cô tiếp tục qua nhà khác, đi hết làng trên xóm dưới, kiên trì hỏi lần lượt từng nhà, nhưng không hề có gia đình nào chưa từng có ai chết cả. Không nản, cô tiếp tục đi khắp hang cùng ngõ tận dò hỏi.

Vất vả suốt ngày dài, hỏi đến nhà nào cũng đều có người chết, không con cháu chết thì cha mẹ, ông bà chết, không vợ chết thì chồng chết, không anh chết thì em chết… dần dần Kisa chợt tỉnh ngộ: cái chết là một điều hiển nhiên, nó sẽ đến với tất cả mọi người, không thể khác.

Cô bình tĩnh lại, không đi tìm hạt cải nữa, mà gạt dòng lệ, đem xác con trai an táng trong rừng Thi Lâm, rồi quay về gặp Đức Phật xin xuất gia học Đạo, không bao lâu chứng quả vị A La Hán.

 

Khi đối diện với mất mát, người ta thường tập trung tìm lí do, vì sao lại phải chịu mất mát như vậy ? Làm thế nào để có được lại ? Hiếm ai có thể nhìn ra rằng, có thể có vô số lí do dẫn đến sự mất mát, xong bất kể lí do nào đi nữa, sự mất mát vẫn luôn diễn ra. Đó chính là quy luật VÔ THƯỜNG của vạn vật: Không gì tồn tại mãi, có sinh thì phải có diệt, có được thì phải có mất.

Khi được thì dĩ nhiên rất vui. Nhưng đó cũng là chỗ để tham đắm nổi lên, bám chấp vào thứ mình có được, mở đường cho những sai lầm. Và rồi không gì có thể cản đường sức phá hủy của quy luật Vô thường, có được rồi thì đến một ngày sẽ phải có mất, nếu không mất bằng cách này thì cũng mất bằng cách khác.

Đến khi đối mặt với mất mát thì thân tâm sầu khổ, than trời trách người, dằn vặt vì lí do này lí do kia chứ không chịu chấp nhận rằng mất mát chính là kết cục mà vũ trụ đã định sẵn ngay từ lúc được.

Muốn không đau khổ vì sự thất thường lúc được lúc mất trong cuộc đời, bạn hãy suy nghiệm để thấu suốt quy luật VÔ THƯỜNG : “Được rồi ắt có ngày phải mất”. Nhờ thế nên khi có được điều gì đó, tâm bớt đắm luyến vào cái mình được, đến khi nó mất đi, vì bất cứ lí do gì, tâm ta sẽ bình thản đón nhận.

(Quang Tử)

4 4 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận