LÀM THẾ NÀO VƯỢT QUA TRỞ NGẠI KHI TU TẬP?

0
2478

Diệu Phước Hảo:

-Anh Quang Tử cho em hỏi: Nhiều lúc tu học mà tâm em lơ lửng không tập trung. Rồi nhiều khi con người em nó đối chọi với chính nó, lúc thì kêu em đọc Kinh.lúc thì kéo em làm việc khác.tinh thần và cảm xúc hỗn loạn.đang vui roi tự nhiên buồn thê thảm.
Em thấy mệt mỏi lam. Em không biết mình bị gì nữa, thân và tâm em đều đang rất mệt mỏi. Em mong anh chị có thể giúp em tháo gỡ tất cả. Em xin cảm ơn ạ.

https://youtu.be/HOTriLxuxY4?t=18s

Quang Tử:

– Em thân mến, tu hành là một cuộc chiến dai dẳng, ác liệt với chính bản thân mình, không thể nhanh chóng & dễ dàng tiêu diệt sân si, ghen ghét, đố kị… và những tập khí xấu khác, chưa kể đến đủ loại linh hồn, ma quái xung quanh sẽ ngăn cản chúng ta tu hành. Chúng ta phải xác định đây là một cuộc kháng chiến trường kì.
Nếu ngay từ đầu ta không nhận thức được mức độ nghiêm trọng, khốc liệt của việc tu hành, mà sắm sửa áo giáp, vũ khí đầy đủ, nghĩ đơn giản là tu cũng như đi chơi, vui là được thì…được vài hôm thôi sẽ gục ngã trước tập khí của chính mình, trước sức phá hoại của ma chướng thôi.
Thứ nhất, anh sẽ nói cho em biết những gì em phải đối mặt khi bước vào tu hành chân chính:
 
1- Tập khí.
Đó là những tính xấu, do ý nghiệp huân đúc liên tục suốt vô lượng kiếp qua, đầy rẫy tham, sân, ích kỉ, kiêu mạn, lười biếng,.v.v… chúng như những dòng sông Amazon chảy siết, vô cùng nhiều, vô cùng dai dẳng, đừng nói em mới tu mấy tháng, chứ người tu cả trăm ngàn kiếp, nhập định phát thần thông cũng chưa dứt hẳn được chúng, thậm chí có vị chứng A La Hán rồi vẫn còn sót vài tập khí. Sức mạnh của tập khí nằm ở chỗ dai dẳng, cứ hôm nay diệt được tâm xấu này, tưởng hết, ai dè mai nó lại khởi, năm này diệt được rồi năm sau lại khởi, kiếp này diệt được rồi kiếp sau lại khởi.
Nếu muốn chiến đấu với tập khí, chúng ta phải chuẩn bị lòng kiên trì, bền bỉ vô tận, không bao giờ khởi ý nghĩ tu đến đâu là điểm dừng. Tập khí kéo dài số kiếp bằng số cát một sông Hằng, thì ta nguyện tu hành kiên định số kiếp hẳn 100 lần số cát sông Hằng.
 
Suốt thời gian ấy, sẽ có rất nhiều lần ta gục ngã trước tập khí, nhưng không sao, ngã thì ta lại đứng dậy đi tiếp, bình thường thôi, hãy là một chiến binh lì lợm trước tập khí, chúng dai dẳng ta phải dai dẳng hơn chúng. Nhất là nếu nương vào nguyện lực bất tận của Phổ Hiền hạnh nguyện, kiểu nào cũng thắng thôi.
 
2- Oan gia.
Oan gia là những linh hồn người hoặc súc sinh, bị ta hại từ nhiều kiếp, và họ luôn muốn báo thù. Đặc biệt khi ta phát tâm tu học theo Phật Pháp, họ lại càng muốn báo thù mạnh. Họ nghĩ :” Ta bị nhà ngươi hại thê thảm như thế này. Nay ngươi tu để được giải thoát, thế còn ta, ai giải thoát cho ta ?”
Và thế là họ bày ra rất nhiều chướng ngại, cả trong cảm xúc thất thường của ta, cả trong những đau nhức trên cơ thể, cả trong những chướng ngại muôn hình vạn trạng bên ngoài cuộc sống nữa…
 
Cái này ai cũng có, và số lượng oan gia của mỗi người thực sự đông ngoài sức tưởng tượng. Thế nên một số người vừa bắt đầu bước vào con đường tu học lập tức gặp hàng loạt chướng ngại khó hiểu.
 
Họ ôm giữ căm hận, muốn cho ta tàn tạ, gục ngã, không muốn ta tu để thoát khổ, được an lành, sung sướng, nên họ thường lôi kéo ta vào những con đường tà đạo, cản trở con đường chân chính để dụ ta tới bờ vực thẳm, xô ta xuống.
Lời khuyên cho bạn là bạn hãy bắt đầu với việc hóa giải oan gia trước. Thời kì đầu tu tập, hãy đem công đức tu tập mà hồi hướng cho oan gia, để họ thấy được rằng, mình tu tập thì họ cũng sẽ được lợi ích, chỉ như vậy họ mới buông tha cho ta tu tập. Sau một thời gian yên ổn rồi thì có thể hồi hướng các việc khác.
Có oan gia dễ tha thứ, ta sám hối vài lần là họ tha, họ siêu. Xong bên cạnh đó là rất nhiều oan gia ghim hận chặt trong tim, do xưa kia ta hành họ quá đau đớn, cần phải sám hối lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Cũng là vì số oan gia quá nhiều, có khi lên đến số hàng triệu oan gia quanh ta. Mỗi lần sám hối, cầu siêu oan gia ta giải được 100 oan gia, thì phải sám hối hết đời hết kiếp, rồi nhiều kiếp mới xong. Chính vì thế, nguyện thứ 4 trong Phổ Hiền hạnh nguyện là sám hối không cùng tận, chứ không phải sám hối vài bữa.
Riêng về phương pháp để hóa giải oan gia, em hãy xem bài sau, trong đó đã trình bày cụ thể, em xem kĩ và áp dụng nhé :
http://nhanqua.com.vn/nghi-thuc-sam-hoi-oan-gia-trai-chu/
 
 
3- Ma quân.
Đây là một thế lực cực kì nguy hiểm, đứng đầu là ma vương – một vị vua cõi trời cao nhất của Dục Giới, tức là cao hơn Đế Thích ( Ngọc Hoàng) tên là Ba Tuần, thần lực siêu đẳng, có thể biến ra cả ngàn Đức Phật y như thật, thấy suốt hàng vạn kiếp luân hồi sinh tử của chúng sinh, thông minh, tài trí kinh hồn, nếu muốn giảng kinh thuyết pháp thì ít ai tìm ra kẽ hở.
Ông ta và đám thân quyến họ hàng ma quân vốn ban đầu cũng là những người tu hành, tích chứa công đức cực kì to lớn, chỉ sai mỗi một chút trong ý niệm ( tỉ lê 0.00000001 %), giống như xây nhà cao 100 tầng, nhưng khi đo đạc để đổ móng, tính sai 0,00001 mm, khi mới xây lên 10 tầng , vẫn thấy bình thường, xong xây lên đến tầng thứ 99, 100 thì tầng trên cùng đã lệch vài mét, mà nhà xây cao như vậy rồi đâu có sửa được, chỉ chờ sập thôi. Tức là hết kiếp làm Ma vương, thì chuẩn bị đọa vào địa ngục.
Ma vương và ma quân thường đố kỵ với người tu, không muốn có ai vượt hơn họ. Và một điều nữa, hễ ai tu thành Thánh, vượt khỏi sức kiểm soát của ma quân, thì người đó sẽ làm cung điện ma sụp đổ, sẽ giáo hóa chúng sinh thoát khỏi ma trận của chúng, nên ma quân rất sợ điều đó. Thế nên ma quân thường tìm cách phá hoại tất cả những người tu hành chân chính, hoặc dụ dỗ để họ lạc vào ma đạo, trở thành thân quyến, thành đàn em của chúng.
Với thần thông mạnh mẽ, với trí óc tinh xảo, ma quân thường vẽ ra đủ mọi tính huống khiến ta sa ngã. Với lòng kiên trì dường như vô hạn, chúng canh chừng người tu từng giây phút, hễ tâm người tu khởi lên những ý niệm bất thiện, như sân hận, tham lam, kiêu ngạo…chúng sẽ nhân cơ hội nhập vào tâm người đó, kích thích cho những tâm bất thiện bùng phát lên, tạo ra những nghiệp tày trời, thế là hết tu. Vậy nên hãy cố gắng kiểm soát và dập tắt những tâm bất thiện trong cuộc sống hàng ngày, dù khó nhưng cũng hãy cố gắng.
Kể cả những vị đã tu trăm kiếp, công đức tích chứa nhiều, nhập định tham thiền sâu xa, vào những cảnh giới vi diệu, phát thần thông, nhưng cũng chưa vượt qua được ma trận. Sơ xảy bị ma dùng chiêu trò cuốn đi, thế là lạc đường, kết thúc đời tu trong địa ngục. Muốn biết rõ chiêu trò như thế nào thì mọi người nghiên cứu phẩm cuối kinh Lăng Nghiêm : “50 Ngũ ấm ma”.
 
Vấn đề tiếp theo : Vậy làm sao thoát ? Khó lắm !
Quang Tử với hiểu biết tạm bợ, nông cạn chỉ biết khuyên mọi người ngay từ buổi đầu tu tập, tức là lúc đổ móng để xây lên tòa nhà tu tập, hãy chuẩn không cần chỉnh, đừng để sai 0,0000001 mm nào cả. Vậy làm như thế nào mới chuẩn không cần chỉnh ở bước đầu ?
Chính là dựa Nguyện lực. Vì thương xót cho chúng sinh khó lòng thoát khỏi những khó khăn trùng điệp trên con đường tu tập, nên một vị Đại Bồ Tát đã dùng siêu trí tuệ của mình, thiết lập ra một pháp môn Phát nguyện hoàn hảo gồm 10 điều nguyện có kết cấu chặt chẽ đến mức vi diệu, vừa tuần hoàn tương sinh cho nhau, vừa bổ trợ lẫn nhau, hàm chứa công đức sâu xa vô cùng, nhưng tu tập thì lại khá dễ dàng. Đó chính là Thập nguyện vương của Phổ Hiền Đại Bồ Tát.
 
Con đường mà Phổ Hiền Bồ Tát đã dùng trí tuệ, kinh nghiệm siêu việt của một bậc Đại Đại Bồ Tát chỉ dẫn cho chúng ta, được tất cả Đức Phật khắp pháp giới khen ngợi, và lấy tên Ngài để đặt tên cho con đường tu này, chính là PHỔ HIỀN THẬP HẠNH.
Hãy nương vào đó mà tu tập, có bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu sức lực ở buổi đầu, hãy dồn cả vào để phát nguyện Phổ Hiền, chúng ta là phàm phu ngu si, thậm chí đến hàng A La Hán, trí tuệ siêu tuyệt, cũng chẳng bao giờ thấy hết được sự vi diệu, vĩ đại, chuẩn mực của 10 nguyện ấy đâu, chỉ ngoại trừ Đức Phật mới thấy hết. Chúng ta chỉ cần biết chư Phật khắp vũ trụ đều đồng khen ngợi, ấn chứng pháp môn này lên hàng đệ nhất, thì cứ thế mà làm, cứ thế mà tu, dù chỉ cần tu đúng mỗi một môn phát nguyện này, cũng đủ rồi.
Vì Phổ Hiền hạnh nguyện có thể sinh ra tất cả các pháp môn khác, đều đúng với Chánh Pháp, không sai một 0,000001 mm nào, chắc chắn sẽ dẫn dắt ta trải qua vô lượng kiếp tu hành, khi ở căn cơ nào sẽ sinh ra pháp môn phù hợp với căn cơ ấy, linh hoạt mà vững trãi, đưa ta thẳng tiến đến Đại Niết Bàn, khỏi lo lạc lối giữa đường.
Còn lại, hiếm có môn nào có được công năng này, nên giờ Quang Tử có chỉ dẫn này khác, hoặc cúng oan gia, hoặc hãy cố tinh tấn, hoặc tụng kinh, hoặc làm nhiều phước thiện, nghiên cứu giáo lí hay phóng sinh.v.v… cũng không thấy đảm bảo như hướng dẫn chỉ một môn này, trên ứng hợp với Phật Đạo Vô Thượng, dưới dễ tu học, vì câu từ rõ ràng, dễ hiểu, không quá dài, không quá khó thực hành, lại cứng chắc như kim cương, sẵn sàng đối phó được với ma trận phức tạp của ma quân, thừa độ lâu dài để tát cạn mọi tập khí, chuẩn không cần chỉnh, vì đã được chư Phật, chư Đại Đại Bồ Tát canh chỉnh hết rồi.
Để biết chi tiết 10 điều nguyện vĩ đại của Phổ Hiền Bồ Tát, xin mọi người đọc kỹ trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện – phẩm cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm : https://www.youtube.com/watch?v=qo5FdPuhOPA
 
Còn cách thực hành phát nguyện theo như sau ( hàng ngày phát nguyện ít nhất một lần, còn nhiều hơn càng tốt, không có giới hạn. Tốt nhất nên quỳ trước tượng Phật phát nguyện, nhưng hoàn cảnh không phù hợp có thể đọc phát nguyện ở đâu cũng được, miễn trang phục chỉnh tề, và không nằm là được) :
 
VĂN PHÁT NGUYỆN PHỔ HIỀN THẬP HẠNH

VĂN PHÁT NGUYỆN PHỔ HIỀN THẬP HẠNH

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! (1 lạy)
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát ! (1 lạy)
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo ! (1 lạy)

Con xin đem tấm lòng thành
Vô biên tha thiết, trời xanh thấu cùng
Dưới chân Từ Phụ bao dung
Phát lên lời nguyện vô cùng vô biên (1 lạy)

Nguyện rằng Chư Phật thiêng liêng
Mười phương quá khứ, hiện tiền, vị lai
Con xin lễ kính các Ngài
Trọn tâm tha thiết, chẳng phai nhạt lòng (1 lạy)

Nguyện con ngữ ý sạch trong
Ngợi ca cùng tột Đức – Công sâu dày
Mười phương Đức Phật xưa nay
Vô biên Trí – Hạnh , lớn thay không cùng. (1 lạy)

Nguyện đem bảo vật cúng dường
Tòa sen , đèn lọng, hoa hương ..v.v… vô vàn
Con dâng cúng Phật hân hoan
Dù cho thịt nát, xương tan cũng đành
Pháp cúng dường – không gì sánh :
Y theo Chánh Đạo, thực hành thâm sâu.
Trọn nên Phật Quả nhiệm màu
Độ sinh vô lượng, vẹn câu “ cúng dường ”. (1 lạy)

Nguyện bao lầm lỗi còn vương
Đem ra sám hối , triệt đường si mê
Vô biên tội – chướng nặng nề
Quyết tâm trừ diệt, trăm bề sạch trong. (1 lạy)

Nguyện trong khắp cõi hư không
Thấy nghe công đức, khởi lòng hân hoan
Trên của Phật – Thánh, dưới phàm
Trọn tâm tùy hỉ, vô vàn vô biên. (1 lạy)

Nguyện khi thời khắc thiêng liêng
Thế Tôn thành Đạo, con liền thiết tha
Quỳ dâng muôn vạn thiên hoa
Khẩn xin Phật thuyết bao la Pháp màu. (1 lạy)

Nguyện khi Phật trụ đã lâu
Người toan thị hiện vào sâu Niết Bàn.
Con liền khẩn thiết xin van
Thỉnh Phật trụ thế muôn ngàn lâu xa. (1 lạy)

Nguyện bao Hạnh – Trí mênh mang
Của mười phương Phật, vô vàn kiếp tu
Con xin học tập, cho dù
Nát thân, bỏ mạng, quyết tu cho thành. (1 lạy)

Nguyện khắp tất thảy chúng sanh
Muôn sai vạn khác, quẩn quanh luân hồi
Vô biên kiếp cũng không thôi
Con xin cung phụng, đắp bồi Đạo tâm
Độ tất cả thóat trầm luân
Thành ngôi Chánh Giác, muôn phần an nhiên. (1 lạy)

Nguyện bao công đức kể trên
Con đem phước báu vô biên xin dành
Hồi hướng khắp nẻo chúng sanh
Trọn nên Phật Quả, trọn thành Pháp thân. (1 lạy)

Phổ Hiền mười nguyện Thánh nhân
Xin vô lượng kiếp quyết tâm phụng trì.
Hư không cùng tận, có khi
Còn mười nguyện đó chẳng khi nào dừng.
Thân – khẩu – ý nghiệp chẳng ngưng
Nối nhau không hở trong từng phút giây.
Vĩnh viễn chẳng thể lung lay
Xin trên Tam Bảo chứng ngay lòng thành. (1 lạy)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! (1 lạy)
Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát ! (1 lạy)
Nam Mô Thường Trụ Thập Phương Tam Bảo ! (1 lạy)
__________________
Vậy nhé em, hãy hiểu như thế, thực hành như thế, ngã thì đứng dậy, giữ chặt 10 nguyện Phổ Hiền mà đi tiếp. Chúc em thành công.

__________________

*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.

Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.

Xin chân thành cảm tạ !

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận