_Tĩnh Như_
NƠI ẤY, TÔI TÌM THẤY ÁNH SÁNG CỦA CUỘC ĐỜI.
KHỦNG HOẢNG TRONG ĐỜI
Cuộc sống cứ thế chảy trôi êm đềm, cho đến một ngày mưa phùn gió bấc, bầu trời không còn trong xanh mà tối tăm mịt mờ, cũng chẳng có tia nắng nào xuyên qua nổi những đám mây đang cuồn cuộn ngoài kia, không hiểu do nhân duyên gì, như một định mệnh đã được sắp đặt từ trước, tôi va phải người đàn ông của đời mình, người là cầu nối đem đến cho tôi một trải nghiệm hoàn toàn khác về cuộc sống, khác đúng như cái cách mà thời tiết đã dự báo vậy.
Tôi và anh là đồng nghiệp trong một công ty. Làm chung một thời gian, tình yêu nảy nở đầy lãng mạn. Không lâu sau, chúng tôi nắm tay nhau tiến lên lễ đài hôn nhân, với đầy những tia hi vọng lấp lánh trong mắt nhau về một tương lai ngập tràn hạnh phúc.
Ấy nhưng mà, cuộc sống mới mở ra lại không còn màu hồng tươi sáng như trước nữa, cuộc đời tôi chuyển sang một trang mới tối tăm mù mịt. Người ta thì lên xe hoa, nhưng tôi lên xe hoa mà cứ ngỡ như lên xe tăng vậy.
Những mộng mơ, ngây thơ không còn nữa, thay vào đó là những tháng ngày căng não, chiến đấu không mệt mỏi, chẳng khác nào một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận giữ vững hòa bình cho cái tổ không được ấm lắm của mình. Tôi chẳng kể sâu hơn về những khúc mắc trong đời sống hôn nhân, bởi có lẽ những ai đã lập gia đình đều phần nào thấu hiểu. Những khó khăn chất chồng của những tháng ngày bất tận lo lắng cơm áo gạo tiền, kèm theo đủ thứ xung đột, mâu thuẫn không ngừng gia tăng trong gia đình, chúng đã đè nén tâm hồn non nớt của tôi từ năm này sang tháng khác.
Tích lại mãi mà không giải tỏa được, cuối cùng tôi bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng, tôi cảm thấy mình thực sự bất lực trước cuộc đời đen tối này. Tôi hoang mang, đau khổ, muốn cười không cười nổi, muốn khóc cũng chẳng xong, thân tôi tự do, mà tâm thì như đang bị giam cầm trong ngục tù. Tôi đã có lúc muốn phát điên vì bị bế tắc.
Vẫn nhớ cảm giác lúc đó, khi đưa con dao mới mua sắc lẹm với từng nhát cắt, vô tình tôi bị dao cứa vào đứt tay, máu chảy thành dòng đỏ chót. Kì lạ chưa, một cảm giác rất đã và thoải mái xâm chiếm hết sự suy sụp tinh thần hiện tại, đến nỗi làm tôi khởi lên tâm ý muốn lấy dao cứa thêm chút nữa. Tôi đã tạm thời tập trung vào vết thương mà quên đi sự chán chường, bế tắc của mình, nên thành ra lại thấy thoải mái hơn. Lúc này, tôi mới hiểu tâm trạng của những người mắc bệnh trầm cảm đến mức tự hủy hoại thân thể bằng cách lấy dao cứa tay cứa chân. Họ tự hành hạ thể xác để làm vơi đi nỗi đau tinh thần. Chính thức khi đó tôi mới hiểu tại sao những người trầm cảm lại làm như vậy. Nhưng nếu bạn đang trong tình cảnh như tôi lúc đó, cũng đừng thấy vậy mà dại dột làm thử, vì nó không phải là giải pháp, mà chỉ là một sự lấn át, lấy nỗi đau này để lấn át đi một nỗi đau khác. Làm như vậy cuối cùng cũng chỉ khiến cả thân và tâm bạn trở nên tan nát hơn thôi.
May mắn thay, tôi nhận ra bản thân đang có những biểu hiện không ổn. Tôi biết mình cần tìm cách thoát ra khỏi tình trạng này. Tuy rằng lúc đó chẳng biết bằng cách nào, chỉ biết mình cần phải thoát ra mà thôi.
TÌM LỐI THOÁT
Tôi có một thói quen, thường hay tự thắc mắc và tự đặt câu hỏi cho những gì xảy ra trong cuộc sống. Tôi thường chẳng tin theo số đông, mà cũng chẳng nghe theo số ít, tôi chỉ nghe theo những gì tự mình chiêm nghiệm được. Và chính những sự thắc mắc luôn đau đáu trong tâm đến nỗi quên ăn quên ngủ đã đưa đẩy tôi tìm thấy được những câu trả lời xác đáng.
Sự thật là thế, nếu bạn nghe theo người khác một cách vô thức, thì cuộc đời bạn thật hên xui, chả khác nào bạn đã phó mặc cuộc đời vào tay kẻ khác. Hên thì tốt, mà xui thì thôi xong. Nếu bạn không hỏi, bạn sẽ không có câu trả lời. Vì vậy, biết thắc mắc, biết luôn đặt câu hỏi cũng chính là con đường dẫn lối đưa ta tới bến bờ của trí tuệ.
Bạn biết đấy, chúng ta đã lăn lộn với bao thăng trầm, bao hỷ nộ ái ố của cuộc đời, có lẽ đều đã từng tự hỏi:
Cuộc sống này là gì? Vì sao chúng ta có mặt ở đây?
Tại sao người hiền lành, tử tế mà vẫn phải chịu nhiều thống khổ?
Cớ gì mà người xấu xa, ác độc lại cứ nhơn nhởn sống vui vẻ ngoài kia?
Vậy thì câu “ở hiền gặp lành” người đời vẫn nói có đúng hay chăng?
Nếu đúng, nhưng tới già rồi mới gặp lành thì cũng đến lúc sắp lìa đời, vậy thì “gặp lành” cũng còn có ý nghĩa gì nữa đâu?
Nếu ở hiền không hẳn gặp lành, vậy chẳng nhẽ ác sẽ gặp lành hay sao?
Nếu chết là hết, nếu như ta chỉ sống có một lần, thì tại sao lại phải sống một cách vất vả như thế này để làm gì, cố gắng nhiều như thế này để làm gì? Khi mà chỉ chết là mọi thứ sẽ chấm dứt tất cả? Nếu đúng vậy thì cuộc sống này có ý nghĩa gì nữa đâu?
Vậy phải chăng còn có sự sống tồn tại sau cái chết?
…
Vô vàn biết bao nhiêu sự hoài nghi, thắc mắc.
Những câu hỏi đó cứ quanh quẩn, quẩn quanh trong tâm trí đang hỗn loạn của tôi. Tôi hoang mang chẳng biết mình nên sống như thế nào cho phải. Đã có nhiều người khuyên rằng “sống tử tế quá, nghĩ cho người khác quá, thì chỉ có thiệt thân, mình không thương mình, trời tru đất diệt”. Có lúc tôi đã thử sống theo như mọi người khuyên bảo xem sao, nhưng vẫn cảm thấy có gì đó không ổn, lương tâm tôi vẫn cứ day dứt. Tôi tự cho rằng chắc hẳn phải có một chân lý nào đó trong cái vũ trụ bao la vô tận này mà tôi chưa biết. Từ trong tiềm thức, tôi vẫn có niềm tin “ở hiền sẽ gặp lành”. Có thể chỉ là nó không đơn giản như câu nói kia mà thôi.
ĐI TÌM CHÂN LÝ SỐNG.
Có lẽ vì đang cảm thấy thống khổ trong sự bế tắc cùng cực của chính mình, nên ngọn lửa khao khát tìm được chân lý sống của tôi bùng cháy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Lúc này, tôi cho rằng chỉ cần tôi tìm thấy nó, tôi sẽ không còn phải suy nghĩ đắn đo gì nữa, tôi cứ theo chân lý mà sống thôi.
Thực tình, tôi chả biết phải bước đi từ đâu, vì chẳng có manh mối nào chỉ cho tôi biết chân lý nằm ở đâu để mà đến. Tôi chỉ có thể cứ lần mò, lần mò, từng chút, từng chút một, mong tìm ra chút manh mối nào đó.
Bắt đầu vắt óc lên suy nghĩ, tôi thấy mình kiến thức còn non kém, cái gì cũng mơ hồ. Và thế là tôi chọn đọc sách, tôi cho rằng chỉ có đọc sách mới tiếp cận được kiến thức một cách chắt lọc và nhanh nhất. Tôi từ nhỏ đã có một sở thích rất kì: thích đi mua sách nhưng không thích đọc. Tôi thường hào hứng vào các nhà sách để ngắm nghía, ngó nghiêng, chọn quyển này, lựa quyển kia, tôi lại hào hứng mang chúng về, hào hứng mở ra. Rồi sự hào hứng ấy luôn tắt lịm khi tôi đọc được chỉ bốn, năm trang đầu. Hài thật! Nó cứ lặp đi lặp lại như vậy suốt nhiều năm. Tôi biết mình chẳng phải người thích đọc sách, ấy thế mà giờ đây, khát khao có được chân lý quá lớn, nó dập tắt sự lười đọc, ngại đọc của tôi.
Cuộc hành trình đi mua sách lại tiếp tục, nhưng lần này tôi lựa chọn kĩ càng hơn. Tôi bắt đầu lang thang trên trang thương mại điện tử chuyên bán sách, trên đây thường cho phép người mua được đọc thử vài trang đầu. Tôi cũng có xem qua phần nhận xét của những người đã mua trước đó, cảm thấy ưng ý, tôi mua liền. Đọc hết một quyển, lại lựa quyển tiếp theo. Tôi kinh qua hầu hết các lĩnh vực: sức khỏe, tài chính, tâm lý, phát triển bản thân, hôn nhân gia đình vân vân và mây mây chẳng thiếu thứ gì. Khác với ngày trước, chỉ đọc vài trang đầu rồi để chúng mốc meo hết cả, nay tôi đã đọc quyển nào thì sẽ không bỏ sót một từ, kể cả chữ trên trang bìa, hay lời dẫn. Đúng là trong đau khổ, con người ta lại hay có động lực để vươn lên một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
May sao, công việc khi đó lại khá rảnh, trong giờ làm ở công ty, cứ tranh thủ lúc rảnh là tôi đọc, trong túi lúc nào cũng có quyển sách mang theo người, hở ra là đọc. Cả gia đình bắt đầu gọi tôi là mọt sách, một danh hiệu thật xa xỉ với tôi trước đó. Sau một thời gian lang thang trên Tiki và đọc như vậy, cũng lượm lặt được cho mình nhiều kiến thức hay ho, có thể áp dụng trong cuộc sống.
Áp dụng rồi thì sao? Nó cũng giúp tâm lý của tôi khá hơn đôi chút, nhưng chỉ là tạm thời, rồi đâu lại vào đó. Nó chỉ giúp tôi giải quyết phần ngọn, còn cái gốc chân lý tôi vẫn chưa thấy đâu cả. Nó như thuốc gây tê, giúp tôi trải qua cơn đau một cách nhẹ nhàng hơn. Hết thuốc, là lại đau như thường, lại vật vã khổ sở như trước.
Vừa le lói một chút, mọi thứ lại vụt tắt, tôi thất vọng, vò đầu bứt tai chẳng biết phải làm gì nữa. Tôi tiếp tục lang thang trên Tiki tìm thêm những quyển sách hay. Và rồi, có lẽ đó là nhân duyên. Mọi lần khi nhìn thấy cuốn sách “Hành Trình Về Phương Đông” do giáo sư John Vũ -bút danh Nguyên Phong- phóng tác được mọi người review rất tốt, nhưng khi đọc thử vài trang đầu không hiểu sao tôi lại không có cảm hứng. Tôi cũng không nghĩ mình hứng thú với đề tài tâm linh. Có điều đến giờ đã đọc kha khá sách rồi, chẳng biết mua quyển nào về đọc nữa, tôi chẹp miệng ừ thôi, chả còn gì để đọc, thì lựa bừa quyển này xem sao.
Bừa vậy mà lại thành trúng. Hóa ra đó lại là cuốn sách hấp dẫn tôi nhất cho tới thời điểm đó. Ngấu nghiến và say mê đọc, cả một thế giới quan mới dường như hiện ra trước mắt tôi.
Từ một người không có ý niệm gì về tâm linh, tôi đã lên kế hoạch nghiên cứu về lĩnh vực huyền bí này. Tôi trước kia vốn là kẻ vô thần, nên khi bắt tay vào lĩnh vực này, tôi chủ động nghiên cứu tìm hiểu dưới tâm thế khách quan, không mê tín, dưới góc độ trung lập, không phủ nhận mà cũng chưa khẳng định điều gì.
Giai đoạn đầu tôi muốn xác nhận xem liệu cuộc sống sau cái chết có khả năng tồn tại hay không. Tôi tìm đọc rất nhiều sách tâm linh, đầu tiên tôi tìm sách của các tác giả người phương Tây- một nền văn hóa ít tin vào tâm linh- để cho khách quan. Ngày đó tôi thiên đọc những cuốn sách mang tính khoa học, nêu ra hiện tượng và giải thích, hoặc các trường hợp thực tế trên thế giới đã ghi nhận. Khi đọc tôi không hoàn toàn tin tưởng ngay vào những gì tác giả nói, tôi sẽ luôn đặt ra câu hỏi, so sánh sự giống và khác nhau giữa mỗi tác giả, sẽ cố gắng đi tìm lời giải thích hợp lý và mang thiên hướng khoa học nhất cho những băn khoăn còn tồn tại trong đầu mình.
Thực ra đến sau này tôi mới nhận ra mình đã từng rất chấp trước vào khoa học, cứng đầu cho rằng chỉ có những điều khoa học nhân loại chứng minh được thì mới là hợp lý. Tôi cũng chấp vào những quốc gia hùng mạnh nơi sản sinh ra các nhà khoa học kiệt xuất, nên chỉ đọc những cuốn sách do các tác giả phương Tây viết ra. Đến giờ này thì mọi suy nghĩ của tôi đã khác, không còn bỏ lỡ lời giảng giải của những cổ nhân phương Đông có trí tuệ sâu xa vượt bậc.
Nhưng dù sao đó cũng là tiến trình tâm lý của số đông hiện nay, của những người đề cao thái quá khoa học công nghệ nhân loại, mà lãng quên đi những giá trị tâm linh cao quý. Và dù sao khi con người ta muốn vươn tới những giá trị cao tột, đương nhiên phải từng bước mà đi từ thấp lên cao, cũng không thể nhảy cóc được, bởi những bậc thang đầu tiên mà không vững thì khi lên cao sẽ ngã đó.
Sau rất nhiều bằng chứng thực tế đã thấy, tôi bắt đầu có niềm tin rằng sự sống sau cái chết là có thật. Muốn chắc chắn hơn, tôi lại chủ ý tìm tư liệu phản bác vấn đề này, nhưng tôi không tìm được tư liệu nào thuyết phục. Kể từ đó, tôi tin vào tâm linh. Một khoảng thời gian chìm đắm trong thế giới tâm linh qua các trang sách, tôi cảm thấy bản thân có chút thay đổi. Tôi bắt đầu vỡ ra nhiều điều, tôi nhìn nhận mọi việc bắt đầu khác đi một chút. Tôi mơ hồ tìm được manh mối cho những câu hỏi lớn trong đời, manh mối cho con đường tìm kiếm chân lý sống.
Một ngày đẹp trời, giữa cái nắng hè rực rỡ nhưng không quá gay gắt, tôi một mình lái xe băng qua những con đường đông đúc của thành phố để tới gặp chị Hương – người phụ nữ thành đạt và đức hạnh – người sáng lập quỹ hạnh phúc cho mọi người, một quỹ chuyên tài trợ mổ tim miễn phí cho các em bé có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ về bí quyết để có được hạnh phúc như hiện tại, chị nói với tôi và các bạn khác rằng: “Các em muốn có cuộc sống hạnh phúc, thì chỉ cần thực hiện được những điều trong ba cuốn Phật Học Phổ Thông giảng nói, thực hiện được những điều đó thì đời sống của các em sẽ rất hạnh phúc”.
Như bắt được manh mối, tôi đã nhớ câu nói đó quyết không để quên mất, hạnh phúc chẳng phải điều tôi đang tìm kiếm đó sao. Là người chẳng biết gì về đạo Phật, nhưng tôi đoán chắc gần chùa sẽ có, hân hoan phấp phới trong lòng, như thể tôi sắp có chân lý trong tay vậy.
Ngồi trên xe máy xuyên qua những tia nắng hè xen lẫn thoảng đâu đây những làn gió mát, tâm hồn tôi tự dưng phơi phới. Cuối cùng tôi cũng tìm được, mang chúng về đọc ngay. Ồ! Lại một lần nữa, thế giới quan được mở ra, giống như lúc tôi mơ hồ tìm được manh mối về sự sống sau cái chết vậy, lần này tôi đã có thêm một quyết định lớn trong đời, chính thức dấn thân vào con đường tìm hiểu và nghiên cứu Phật Pháp.
Tôi bắt đầu lang thang trên mạng tìm nghe các thầy giảng Phật pháp trên youtube, trên facebook. Khi nghe cũng giống như đọc sách, tôi luôn so sánh, đối chiếu, tìm ra sự sai khác trong các bài giảng từ các nguồn khác nhau, tôi luôn đặt ra những nghi vấn, rồi lại đi tìm câu trả lời cho mình.
Hành trình của tôi là như vậy đó, luôn luôn đặt câu hỏi, rồi lại đi tìm câu trả lời. Chính vì vậy, nên tôi mới biết được rằng Pháp của Phật rất thông tuệ và tôi mới bước chân vào Phật Pháp được như ngày hôm nay. Ở đó, tôi đã tìm ra được những chân lý thường hằng của vũ trụ vô tận này.
Vì sao tôi nói vậy? Bởi chỉ có những ai thực sự đi trên con đường tìm hiểu Phật Pháp, mới hiểu nó cũng khó khăn lắm. Thời nay chúng ta không còn may mắn có Đức Phật tại thế trực tiếp giảng giải. Đã hơn 2500 năm trôi qua, thời gian đã làm méo mó đi sự thật. Nên đã phải rất nỗ lực và đầu tư thời gian, công sức, thêm vào đó sự tâm huyết, và cả nhân duyên của chính mình, tôi mới đi tới được ngày hôm nay, tuy chưa là gì trong biển trí tuệ vô tận, nhưng với tôi cũng là một bước ngoặt vô cùng lớn lao trong kiếp nhân sinh này.
Ngay lúc này đây, tôi cũng biết rằng trước mắt mình con đường còn dài thăm thẳm cho tới ngày thấu hiểu được trí tuệ của Phật. Nhưng dài thì dài thật, khó cũng khó thật. Nhưng tôi đã may mắn hơn nhiều người khác, rằng nay tôi đã biết có con đường để thoát khỏi những thống khổ. Đó là Phật Pháp. Đức Phật đã cho tôi con đường giải thoát, nay việc của tôi là nỗ lực và kiên trì để đi cho tới đích mà thôi.
Một điều tôi muốn nhắc để chúng ta cùng nhớ. Đó là khi tìm hiểu điều gì, hãy tìm hiểu kĩ, tìm hiểu sâu rộng, đừng tìm hiểu một cách hời hợt nông cạn, đừng tin điều gì mù quáng mà không tự đặt câu hỏi ngược lại, đừng tin chỉ vì người ta nói thế, hãy tự mình đi sâu vào. Là thế đó.
HÀNH TRÌNH HỌC PHẬT
Biết rằng Phật Pháp sẽ cho tôi lối thoát, mỗi ngày tôi đều say mê nghe pháp và đọc sách về Phật Pháp. Tôi tranh thủ từng phút, từng giờ để nghe và đọc. Cứ hễ rảnh là tôi mở youtube lên nghe giảng, mở sách ra đọc. Mỗi lời pháp tôi đều nghiền ngẫm, suy tư, có khi đọc đi đọc lại một câu. Dù có nhiều điều tôi không hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của nó, nhưng tôi đã nhận ra rằng Đức Phật sẽ cho tôi mọi câu trả lời. Chỉ là tôi có thể hiểu hết hay không mà thôi.
Có lẽ vì tâm cầu đạo lúc đó quá tha thiết, nên tôi được chư Phật, Bồ tát gia hộ cho một lần được thấy tiền kiếp của mình trong mơ. Tuy không thấy được nhiều sự kiện trong kiếp sống đó, nhưng đủ để tôi ấn tượng vô cùng, nhớ mãi chẳng quên.
Chẳng có gì là dễ dàng cả. Mọi con đường đều có khó khăn riêng. Sau một thời gian say mê đắm chìm trong những kiến thức sâu rộng của Phật Pháp, tôi bị khựng lại vì gặp phải một chướng ngại lớn.
Chính vì Đức Phật đã không còn tại thế, nên những lời giảng của Ngài đã bị bóp méo đi phần nào, gây ra những sự hiểu nhầm, phản bác, đả kích lẫn nhau. Tôi như người đứng giữa ngã ba đường, mà chẳng biết phải rẽ lối nào. Vậy là tôi chôn chân một chỗ, đứng im một thời gian. Vẫn cứ tiếp tục đọc thật nhiều, nghe thật nhiều, nhưng sự tiến bộ không có nhiều nữa, vì tôi bị kẹt giữa những luồng ý kiến trái chiều, mà bản thân lại không đủ trí tuệ để suy xét cho ra đâu mới là sự thật. Đâu mới là lời Phật dạy đây?
Chẳng nhẽ tôi phải dừng lại ở đây sao? Không thể như vậy được. Tôi vẫn đau đáu lắm. Đức Phật đã sinh ra tôi một lần nữa, để tôi có thể bước tiếp những bước đi nhẹ nhàng hơn trong đời. Tôi mong muốn được sống một cuộc đời có ánh sáng của Phật Pháp, của chân lý soi sáng. Tôi tự nhủ không thể dừng lại ở đây.
Một thời gian, tôi thử đi chùa tham gia các khóa tu nho nhỏ dành cho thanh niên, xem các cụ tụng kinh, sám hối, nghe các thầy giảng pháp, đi nấu ăn phát từ thiện cho các bệnh nhân khó khăn … những việc đó rất có ích, nhưng mà tôi vẫn cứ trăn trở. Giáo lý Phật Pháp thâm sâu, nhiệm màu, chắc hẳn cần phải khám phá, nghiên cứu, tìm tòi sâu xa hơn nhiều nữa. Và giữa vô vàn những pháp môn tu tập, nhiều môn phái, nhiều lý thuyết, nhiều lý luận, tôi cảm thấy hoang mang không biết nên đi theo ai, theo con đường nào, làm sao mà không bị lầm đường lạc lối, rơi vào tà kiến, tu phải tà pháp …
Hôm đó, chỉ là vô tình lướt qua trên facebook, bỗng dưng thấy một bài đăng tìm người muốn nghiên cứu Phật Pháp, thật sự lúc đó tôi cảm giác như vớ được vàng. Mặc dù tôi thấy mình còn thiếu điều kiện để tham gia, khóa học yêu cầu phải là những người không có vướng bận gì nhiều trong cuộc sống, mà tôi thì vướng bận đủ thứ. Nhưng nghĩ rồi, không thể để vụt mất cơ hội này được. Tôi đăng kí ngay lập tức chẳng đắn đo.
Việc nghiên cứu giáo lý này không hề đơn giản, phải tư duy, nghiền ngẫm, nghiên cứu, động não nhiều. Mặc dù công việc bộn bề, gia đình ràng buộc, nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức dành thời gian mỗi ngày để nghiên cứu cùng các bạn đồng tu. Vì tôi nhận ra điều gì là quan trọng nhất, với tôi tu tập chính là mục đích chính của cuộc đời.
Chúng tôi trao đổi với nhau hàng ngày những kiến thức và hỏi đáp, giải quyết các thắc mắc. Cái hay nhất chính là tôi có thể biết cách làm thế nào kiểm nghiệm một kiến thức là đúng hay sai. Thời kì này là thời mạt pháp, thật giả lẫn lộn làm người ta cứ hoang mang mãi mà không biết thế nào mới là đúng, chẳng phân biệt nổi đâu là chánh, là tà. Chỉ cần không may đi theo đường tà thì nguy hại vô cùng.
Đúng là có bạn có khác, nhìn sự tinh tấn của mọi người, tôi cũng tự lên giây cót cho bản thân. Ban ngày chẳng có thời gian công phu tu tập, tôi phải tranh thủ từng giờ từng phút để thực hiện thời khóa công phu của mình, từ lúc nấu cơm, cho đến giặt quần áo, rồi lúc đi bộ, lái xe … bất kể lúc nào có thể tôi đều tận dụng cả.
Chúng tôi nghiên cứu và tu tập theo 3 bước VĂN – TƯ – TU. Tính tôi chẳng phải cứ nói là tin. Thực sự bây giờ nhiều Phật tử tu tập đó, công phu đó mà chẳng hiểu bản thân đang làm gì, vì sao lại làm như vậy, đúng kiểu tu mù. Tính tôi hơi cứng đầu, nhìn thấy vấn đề đó, nhưng cứ phải nhìn nó thật lâu, ngẫm nó thật sâu, lật nó qua phải, lật tiếp sang trái, nhìn đằng trước, ngó đằng sau, có khi mổ xẻ nó ra tung tóe. Nhìn ra rồi lại thử thực hành, tự trải nghiệm. Chúng tôi cứ tuân theo 3 bước đó mà làm, tránh để bản thân lầm đường lạc lối, mà chẳng may chớm lạc, thì biết mà quay đầu lại ngay.
Điều này nữa cũng vô cùng tuyệt vời mà tôi muốn chia sẻ. Trải qua nhiều kiếp sống, ai mà chẳng đã từng tạo nghiệp, gây thù chuốc oán, nghiệp từ thân khẩu ý, tham sân si … chúng ta đều đã từng làm. Vì thế mà cuộc sống này nhiều khi đầy những khổ đau vì trả nghiệp. May sao vẫn còn có cách giải quyết. Chúng ta trước hết cần dừng tạo nghiệp ác, tăng làm việc thiện để tạo phước báu cho bản thân, rồi dùng công đức đó mà hồi hướng trả nợ, trả nghiệp.
Bản thân tôi tuy nghiệp còn nặng, nhưng sau một thời gian kiên trì hồi hướng trả nghiệp thì nay cuộc sống so với khi chưa tu tập cũng đã khởi sắc hơn. Không còn cảm giác bất lực, chán nản nữa, tuy còn nhiều chướng duyên chưa thể dứt trừ được hết, nhưng so với trước kia cũng đã là một sự thay đổi đáng kể. Các bạn trong nhóm tôi đều đang thực hành như vậy. Mong rằng tất cả chúng ta đều dần được an lạc hạnh phúc hơn ngay trong kiếp sống này.
Tôi nhớ lắm câu nói: Phật giáo đơn giản là “Việc ác dù nhỏ nhất cũng không làm, việc thiện dù bé nhất cũng cố gắng làm”. Nếu như ai ai cũng sống theo kim chỉ nam đó, chắc chắn thế gian này sẽ trở thành thế giới Cực Lạc trong mỗi chúng ta.
Phật Pháp vô cùng thậm thâm vi diệu không thể nói hết. Việc học Phật cũng như chúng ta đi học ở trường vậy, phải theo tuần tự thứ lớp, từ lớp một dần lên tới lớp 12, rồi đại học, cao học … Chúng ta không thể chưa tốt nghiệp lớp một mà lên được lớp 2. Vì nếu không học lớp một thì bạn có học lớp 2 cũng chẳng hiểu được gì, vì hoàn toàn chẳng có kiến thức nền căn bản để có thể tiến xa hơn. Nếu như có người học ngay được lớp 2, đó là vì họ đã học lớp một từ kiếp sống trước, chứ chẳng phải là nhảy cóc được.
NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG NHỚ
NHÂN DUYÊN GIẢ HỢP
Thông thường chúng ta hay áp đặt suy nghĩ và định kiến của mình lên một sự vật hay sự việc nào đó. Bằng cách đặt tên, đặt định nghĩa, chúng ta đóng khung khái niệm một sự vật, hiện tượng mà không linh hoạt biết cách mở ra. Khi đóng khung tư duy của mình lại, không biết đặt câu hỏi tư duy ngược, không thử phá vỡ cái khung đó, thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội khám phá ra bản chất của vạn vật.
Tôi lấy ví dụ về một sự vật cho chúng ta dễ hình dung. Ví như một cái bàn mà chúng ta vẫn nhận biết. Nó được hình thành từ rất nhiều mối nhân duyên: đó là gỗ của một loài cây, là những cái đinh ghép các mảnh gỗ lại với nhau, là công sức của người đóng cái bàn đó, là những chất dinh dưỡng đã nuôi lớn thân cây đó, là công sức của người chăm sóc cây, là ánh nắng mặt trời quang hợp cho cây cao lớn, là người đốn cây, là những đồng tiền dùng để mua cái bàn đó về nhà v.v…. nhiều không kể hết.
Vậy tại sao nó lại có tên là “cái bàn”? Chính là do con người tự đặt tên cho nó, tự định nghĩa nó, rồi lại tự đóng khung tư duy của mình trong cái định nghĩa do chính mình tạo ra.
Nhưng thực tế “cái bàn” không chỉ được làm từ gỗ, nó có thể được làm từ rất nhiều chất liệu khác như thủy tinh, inox, sắt, nhựa, đá v.v… Và ngay cả một cái ghế cũng có thể trở thành một “cái bàn” nếu ta biết cách sử dụng hiệu quả. Hay một tảng đá chưa được đẽo khắc cũng có thể trở thành một cái bàn. Bởi đơn thuần “cái bàn” chỉ là một mặt phẳng mà thôi. Vậy đấy, khi định nghĩa và đặt tên cho nó, tư duy của chúng ta trở nên bó hẹp trong khái niệm, khó mà thoát ra được để mở rộng tư duy, nhìn rõ bản chất của sự vật.
Rồi ví như “cái bàn” đó người ta không sử dụng nữa, mà đem phá nó ra, đem miếng gỗ đó để khắc thành một bức tranh. Vậy “cái bàn” đã biến thành bức tranh. Rồi người ta chán bức tranh lại đem nó ra đẽo thành nhiều khúc để nhóm bếp. Giờ đây nó đã trở thành một vật để nhóm lửa. Nhóm lửa xong nó thành một đống tro tàn. Dần dần theo thời gian đống tro tàn cũng tan biến.
Thế rốt cuộc, nó là cái gì? Nó lúc là cái bàn, lúc không phải cái bàn, lúc là cái này, lúc là thứ khác, lúc thì tan biến luôn. Và mọi sự vật, hiện tượng trên đời này đều vận hành như vậy, vốn dĩ đều không có thực thể, mà chỉ là những mối tập hợp của rất nhiều nhân duyên tập hợp lại mà thành, rồi lại tan rã, hợp thành, lại tiếp tục tan rã.
Nếu bạn quán sát được sâu sắc về nhân duyên giả hợp, điều đó sẽ giúp bạn nhìn rõ bản chất của vạn vật, giúp mở rộng tư duy, thoát ra khỏi những khái niệm và phát triển sự sáng tạo. Hiện nay có rất nhiều sáng chế phát kiến thông minh giúp con người sinh sống tiện nghi hơn. Ví dụ như tại các thành phố lớn đông đúc chật chội, giá cả nhà đất tăng lên ngất ngưởng, những gia đình kinh tế kém vì thế không thể có một nơi ở rộng rãi, họ chui rúc trong những ngôi nhà bé tí như tổ chim.
Làm thế nào để sắp đặt nội thất được trong không gian chật hẹp như vậy? Điều này đã thúc đẩy các nhà thiết kế nội thất phá bỏ các khái niệm cũ để phát minh ra những thiết kế nội thất thông minh tiện lợi tiết kiệm không gian cho căn nhà. Giờ đây chúng ta hoàn toàn có thể sắm chỉ một chiếc bàn học, mà đến lúc cần đi ngủ, chỉ cần kéo các chi tiết đã được thiết kế riêng ra để biến chiếc bàn thành một chiếc giường, khi không ngủ nữa chỉ cần gập chiếc giường lại thành chiếc bàn để lấy không gian sinh hoạt.
Hay một người muốn đi vào rừng cần mang theo rất nhiều đồ vật thiết yếu, như một cái bật lửa để nhóm củi, một tấm bản đồ để chỉ đường, một chiếc la bàn để xác định phương hướng, một chiếc đèn pin để soi sáng, một con dao để cắt v.v. nhưng nếu mang tất cả các món đồ đi thì sẽ rất nặng và lích kích, họ không thể mang theo hết như vậy được. Vì vậy nên các nhà sáng chế đã phát minh ra một vật dụng thoạt nhìn chỉ như cái đèn pin, nhưng bên trong lại chứa được tất cả các vật dụng còn lại, vô cùng nhẹ và nhỏ gọn.
Nếu như các nhà thiết kế, sáng chế không biết phá bỏ tư duy cũ, phá cái khung khái niệm rằng một chiếc bàn chỉ có thể là một chiếc bàn, hay một chiếc đèn pin chỉ có thể là một chiếc đèn đơn thuần chứ không thể biến thành một thứ gì đó khác, thì làm sao có các phát kiến sáng tạo như thế được.
Vậy vì sao có sự tập hợp các mối nhân duyên lại với nhau để tạo nên sự vật, hiện tượng như vậy. Đó là nhờ sức mạnh của nghiệp lực, nhân quả.
Lấy ví dụ về gia đình. Do nghiệp lực, bạn kết hôn cùng một người, đối với bạn khi đó “gia đình” chính là bạn và người bạn vô cùng yêu thương. Do nghiệp lực mà thành, thì khi nghiệp hết, cũng vì thế mà tan. Bạn và người chồng/vợ của bạn chia tay. Lúc này, bạn và người đó không còn là một gia đình nữa.
Thế nên nếu chúng ta cứ cố chấp vào khái niệm định nghĩa mà đóng khung tư duy của mình lại, chúng ta sẽ rơi vào sự bám chấp về hình tướng. Do vậy, khi hình tướng đó tan rã, chúng ta trở nên đau khổ vô cùng. Tại sao vậy? Vì ta đã chấp vào thứ không hề có thật. Thật vậy. Chúng không hề có thật, chúng chỉ là do nhân duyên mà hợp lại.
Vạn sự vô thường chính là bởi nhân duyên giả hợp này, duyên đến thì hợp lại, duyên đi thì tan rã. Thấm thía điều này, bạn có thể tự mình trải qua những nỗi đau một cách dễ dàng hơn. Một ví dụ điển hình, do nhân duyên, nghiệp lực mà các bạn tập hợp lại thành một lớp học, ngày ngày tham gia học tập cùng nhau, có cô giáo chủ nhiệm, có nhà trường quản lý, có giáo trình sách vở v.v. Đến khi duyên hết, nghiệp tan, các bạn phải chia tay nhau, lớp học của bạn tan rã. Như thường tình, các bạn sẽ buồn vì sự chia ly, nhưng người biết quán sát nhân duyên sẽ trải qua nó một cách êm ả nhẹ nhàng, không buồn rầu, đau khổ.
ĐỪNG TRÁCH NGƯỜI, HÃY TRÁCH MÌNH
Tôi ngộ ra một điều rất đơn giản và căn bản nhưng từ trước đến nay hầu hết đều mắc sai lầm. Mỗi khi đau khổ hay phiền não tôi đều trách móc đủ thứ, trách người đối xử không tốt, trách trời đất không công bằng, trách hoàn cảnh không thuận lợi, trách nọ, trách kia. Khi tôi không hạnh phúc, tôi trách tại người chồng của mình và mong muốn anh ấy thay đổi.
Cuối cùng, chính sự trách móc này là sai lầm, nó đã khóa tôi lại không cho tôi lối thoát. Tại sao tôi lại sai lầm như vậy? Bởi vì tôi đã hiểu sai nguyên nhân dẫn đến đau khổ của mình. Vốn dĩ không phải tại người bạn đời, mà do chính bản thân tôi. Không chỉ trong hạnh phúc hôn nhân gia đình, mà trong mọi việc, chúng ta cần hiểu rằng tất cả nguyên nhân gốc rễ là tại mình chứ không phải từ các yếu tố bên ngoài.
Vậy nên nếu tôi cứ cố gắng thay đổi người bạn đời của mình, nghĩa là tôi đang giải quyết phần ngọn. Cái tôi cần làm thực ra là cần thay đổi chính bản thân mình. Khi bản thân thay đổi, mọi thứ xung quanh sẽ thay đổi theo. Đó cũng là quy luật nhân quả mà thôi.
TU ĐỂ GIẢI THOÁT
Cuộc sống này có quá nhiều cám dỗ, và chúng sinh thời mạt pháp thì nghiệp nặng sâu dày, dù biết đời là bể khổ, cần phải thoát ra, nhưng biết là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác. Có nhiều người gặp khổ nạn, nên có động lực tu tập rất chuyên cần, tinh tấn. Đến khi giải quyết được nạn rồi, phước báo tăng lên, mải mê hưởng phước, sướng quá mà quên luôn việc tu tập.
Nhưng theo quy luật vô thường, không có điều gì tồn tại mãi mãi, ngay cả niềm hạnh phúc hưởng lạc của chúng ta, nó đến ngày cũng phải biến mất. Mà khi hưởng phước, theo thói đời lại hay tạo ác, ví như có nhiều tiền rồi sẽ tiêu xài hoang phí, ăn uống vô độ, sát sinh hại vật mua vui cho mình. Hay khi có danh có tiếng lại sinh tâm khinh chê người hèn kém hơn mình. Những điều này là nhân ác gây quả ác sau này. Vậy là vòng tròn khổ đau – vui thích cứ thi nhau lặp lại không thể dứt trừ được.
Vì thế, người tu hành cần nhận thức sâu sắc về cái khổ của thế gian, của luân hồi sinh tử; sự vui trong luân hồi chỉ là vui trong chốc lát, không phải trường tồn, nó không chân thật, chỉ là ảo tưởng mà thôi. Chúng sinh vì vậy khi tu không nên mong cầu phước thế gian, mà hãy hướng tới mục đích giải thoát khỏi cối xay sinh tử luân hồi. Đó mới là mục đích cứu cánh mà Đức Phật muốn chúng sinh hướng tới.
PHÁT NGUYỆN
Biển tri thức của vũ trụ này bao la mênh mông rộng lớn, lại rất thâm sâu vi diệu, Đức Phật cũng đã từng trải qua vô số kiếp tu hành khổ nhọc mới chứng được trí tuệ toàn giác. Con đường ấy không hề dễ dàng, thậm chí có vô số chông gai rào cản.
Rào cản của người học Phật bao gồm cả rào cản bên ngoài lẫn từ bên trong tâm trí, liệt kê sơ qua có thể kể đến như: các tà kiến mà xã hội tạo ra để đánh lừa chúng ta, là oan gia trái chủ, là ma vương ma quân, là sự kém duyên với Tam Bảo, chủ nợ hoành hành, lục đục trong nội bộ, trí tuệ kém cỏi, tập khí xấu, khổ quá hay sướng quá cũng đều khó tu v.v…
Chúng sinh thời mạt pháp nghiệp nặng nề, nhiều rào cản như vậy thì làm sao tu học cho nổi. Chẳng nhẽ chúng ta bó tay buông bỏ hay sao ? Thật ra vẫn có cách để giải quyết được chúng, và một trong những cách quan trọng nhất đó là “PHÁT NGUYỆN”.
Đã có nhân thì sẽ có quả. Đã phát nguyện chắc chắn sẽ thành tựu. Có điều chúng ta cần kiên trì thực hiện phát nguyện mỗi ngày và tâm không thối chuyển. Do lực của lời nguyện, mà sau này mọi việc sẽ theo quy luật nhân quả trổ ra để ta được như ý, không ngay kiếp này thì trổ ở các kiếp sau.
Có thể thấy, tất cả các Đức Phật, các vị đại Bồ Tát từ nhiều kiếp xưa đều có phát các lời nguyện. Như Ngài Địa Tạng Bồ Tát có lời nguyện “địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”, ngài nguyện rằng nếu như còn có chúng sinh trong địa ngục thì ngài sẽ không thành Phật. Trải qua hằng hà sa số kiếp, cho đến nay ngài đã thành Đại Bồ Tát mà chúng sinh trong pháp giới tôn thờ, thương kính.
Vì vậy, phát nguyện là việc vô cùng quan trọng đối với người tu. Muốn phát nguyện đúng chánh pháp cũng cần phải có trí tuệ. Nếu không có trí tuệ, chúng ta có thể phát nguyện sai, dẫn đến hậu quả khôn lường. Trong kinh Phổ Hiền hạnh nguyện, Đức Phật tán thán mười hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền rất trí tuệ và có công đức không thể nghĩ bàn. Nên nếu chúng ta chưa đủ trí tuệ để tự mình lập lời nguyện, thì nên hành theo mười lời nguyện của ngài Phổ Hiền để được lợi lạc trên con đường tu tập. Dần dần khi trí tuệ phát sinh, chúng ta sẽ có thể tự lập thêm các điều nguyện khác nữa.
CON ĐƯỜNG TÔI LỰA CHỌN
Thuở xưa, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Ngài đã chỉ bày rất nhiều pháp môn tu tập cho chúng sinh tu hành. Vì sao lại phải có nhiều pháp môn đến vậy? Bởi Đức Phật trí tuệ vẹn toàn đã nhìn ra được sự khác biệt giữa mỗi chúng sinh. Mỗi người chúng ta, không ai giống ai, duyên nghiệp, căn cơ đều sai khác, nên sẽ có người phù hợp với pháp môn này, người phù hợp với pháp môn kia.
Pháp môn thì có rất nhiều, nhưng có thể nói Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, và Mật Tông là ba pháp phổ biến được nhiều người tu tập nhất trong thời đại ngày nay. Thời Đức Phật còn tại thế, ai có duyên được Đức Phật dùng tuệ giác để quán sát căn cơ và chọn cho pháp môn phù hợp thì còn gì bằng. Nhưng chúng ta bây giờ không có may mắn đó, chúng ta phải tự biết chính mình, thử và chọn cho mình pháp môn phù hợp nhất để sự nghiệp tu hành sớm đạt thành tựu. Đấy là lý do vì sao người tu pháp môn này thì nhanh chóng có kết quả, người tu pháp môn kia lại sớm được lợi ích hơn, chính bởi sự phù hợp với căn cơ, duyên nghiệp của mỗi người.
Bản thân tôi sau khi đã trải qua một quá trình tu tập và trải nghiệm, tôi cũng đã chọn được cho mình một con đường để đi, đó là pháp môn Tịnh Độ.
Dù đi theo con đường nào thì cũng cùng một đích đến, đó là quả vị Phật toàn giác. Nhưng giữa mỗi con đường sẽ có sự sai khác. Tu Tịnh Độ nghĩa là chúng ta tu để được vãng sinh về các cõi tịnh độ của các Đức Phật. Khi được về đó rồi, chúng sinh được nương nhờ phước đức của Phật nên được tu hành trong điều kiện thuận lợi hơn, sẽ không có khổ đau phiền não chướng ngại như ở trong luân hồi nữa. Tuy nhiên, thời gian để viên thành Phật quả trên cõi Tịnh Độ sẽ lâu hơn so với việc chúng ta tu trong luân hồi, đồng nghĩa với việc độ sinh sẽ bị trì hoãn. Tu trong luân hồi nhiều chướng nạn, nhưng chính vì tu trong khó khăn gian khổ thì công đức lớn hơn nhiều lần, vì vậy mau thành Phật đạo hơn.
Bản thân tôi tự nhận thấy năng lực của mình còn yếu kém, không chống đỡ nổi sự khốc liệt của luân hồi sinh tử, nên mong nương nhờ Phật lực của Đức A Di Đà Phật để được tu hành trên Tây Phương Cực Lạc. Vì vậy, tôi chọn con đường Tịnh Độ. Nó phù hợp với căn cơ, tính cách, mong cầu của bản thân tôi. Còn mỗi người sẽ tự có sự lựa chọn của riêng mình. Không có pháp môn nào tốt hơn pháp môn nào. Pháp môn phù hợp nhất chính là pháp môn tốt nhất.
Lựa căn cơ chúng sinh tại cõi Nam Diêm Phù Đề, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có giới thiệu cho chúng ta rất nhiều cõi tịnh độ, mà nổi tiếng nhất, đó là cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà, và cõi Đông Phương Lưu Ly của Phật Dược Sư.
Bản thân tôi chọn sinh về Tây Phương Cực Lạc, vì vậy nên tôi đọc kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ để học cách tu tập sinh về nơi đây.
Để sinh về Cực Lạc, Đức Phật dạy cần có đủ ba điều Tín, Nguyện, Hạnh. Tín là ta cần tin có Đức Phật A Di Đà và cõi Tây Phương, tin vào hạnh nguyện và lòng từ bi của Ngài. Nguyện là cần phải phát lời nguyện mong được sinh về Cực Lạc, vì có nhiều người tin nhưng lại không có mong muốn về đó. Hạnh là sự tu dưỡng đức hạnh, không tạo ác, chuyên làm việc thiện, giúp người, bố thí, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cúng dường, phóng sinh, ấn tống kinh Phật v.v. để tu bồi công đức, hồi hướng cầu sinh về Cực Lạc. Đây là ba yếu tố quyết định, cần phải vững vàng như kiềng ba chân, không yếu tố nào lung lay, yếu kém, nhờ vậy chúng ta sẽ được vãng sinh Cực Lạc đúng theo như 48 đại nguyện của Đức A Di Đà Phật.
Cái khó trong việc tu tập đó chính là cái tâm của ta có chân thật hay không. Nhiều người tuy miệng nói mong về Tây Phương, nhưng vẫn quá tham đắm tiền tài danh vọng, vẫn mải mê hưởng thụ dục lạc thế gian, không tỉnh giác để luôn nhận thức được mục đích của kiếp sống này. Những người như vậy nên tự bình tâm, suy ngẫm, quán xét chính tâm ý của mình xem đã phát tâm chân thật hay chỉ là lời nói nơi miệng lưỡi. Việc quan sát tâm rất quan trọng, tâm chúng ta luôn vọng tưởng và rong ruổi chạy nhảy khắp nơi, nếu chúng ta không chịu khó quan sát tâm, sẽ không thể nhận ra bản tâm chân thật của chính mình.
***
Trên đây là sơ lược về con đường học Phật của bản thân tôi từ những ngày đầu còn bỡ ngỡ, một mình dò dẫm bước đi. Đến nay, tôi may mắn đã có những người thầy chỉ dạy, những người bạn đồng tu cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau trên con đường tu học Phật Pháp.
Tôi biết ơn khôn xiết Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã từ bi để lại cho chúng sinh con đường thoát khổ, tôi cảm ân các Đức Phật, Bồ Tát đã không nề hà mỏi mệt, dùng lòng đại bi mẫn, kiên trì cứu độ chúng sinh. Tôi biết ơn những người thầy, những bạn đạo đã luôn ở bên và dìu dắt tôi tu tập. Tôi biết ơn cha mẹ đã cho tôi thân người, cho tôi sức khỏe, và sự chăm sóc yêu thương tận tụy, để tôi có phương tiện tu học như ngày hôm nay. Tôi biết ơn tất cả chúng sinh trong tận cùng hư không pháp giới này, bởi tất cả chúng ta đều là một thể, vốn chẳng phải hai. Tôi nguyện đem tất cả lòng biết ơn sâu sắc này phát tâm vô thượng bồ đề, sớm thành Phật quả, quảng độ chúng sinh.
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo!
(Tác giả : Tĩnh Như)
Nam mô a mi đà Phật!
Em xin cảm ơn bài chia sẽ thật hữu ích và đầy ý nghĩa của chị.