THÀNH TỰU – BẠN NGHĨ CÁI GIÁ CỦA NÓ LÀ BAO NHIÊU ?

0
1606

( Quang Tử)

Có hai phiến đá nằm cạnh nhau trên núi. Trải qua trăm triệu năm sương gió, xét về hình dáng cũng như thành phần cấu tạo bên trong, hai phiến đá cũng y chang nhau, chả có mấy khác biệt.
Một ngày kia, một số người thợ đá lên núi, thấy đẹp, nên đem cả hai về để điêu khắc.
Phiến đá thứ nhất được những người thợ tạc thành tượng Phật, đặt trong chùa, ngày ngày được người ta lễ bái, tôn kính.
Phiến đá thứ hai, thì được người ta chẻ ra thành khối vuông vức, dùng làm đá lót đường đi ngay dưới bức tượng Phật.
Một ngày, phiến đá lót đường vì quá bức xúc, nói với bức tượng Phật :
– Thật quá bất công, cùng là đá như nhau, mà anh thì được người người cung kính, dâng hoa, lễ bái. Còn tôi thì bị người người dẫm dưới chân, chẳng ai coi ra gì…
Bức tượng Phật thâm trầm hỏi lại :
– Khi tạo ra anh, những người thợ đã đục bao nhiêu nhát ?
– Uhm… cũng không nhiều lắm. Họ rất chuyên nghiệp, chỉ dăm bảy nhát là đã chẻ tôi ra thành các phiến vuông vức. Anh nhắc mới nhớ, mỗi nhát đục họ nện xuống, thật là đau đớn, may mà chỉ có dăm bảy nhát.
– Còn tôi, tôi phải chịu đến cả hàng triệu nhát lớn nhỏ, mỗi nhát cũng đều đau đớn y như anh đã chịu. Tôi phải trải qua những gian khổ, khắc nghiệt hơn anh cả triệu lần, nên thành tựu tôi đạt được sẽ cao hơn anh rất nhiều. Cuộc đời không có bất công gì cả, mọi thứ tốt đẹp đều có giá của nó.
Phiến đá lót đường từ đó không còn than vãn gì nữa.
___________
Quang Tử xin lạm bàn đôi chút cùng các bạn.

Thành tựu và gian khổ, hầu như ai cũng thích cái thứ nhất mà tránh né cái thứ hai. Nhưng vốn cả hai là một không thể tách rời, chỉ là cái trước, cái sau mà thôi. Vậy nên đã né tránh gian khổ, thì cũng làm gì có thành tựu ?
Nếu bạn đang thấy chán nản, và than vãn rằng, tôi cũng theo Đạo Phật, cũng đi chùa này, cũng tu môn kia, mà sao mãi chả thấy kết quả gì, cuộc sống vẫn đầy những khổ nạn, buồn phiền. Bạn chán nản, và có cảm giác như Phật Pháp đã hứa suông với bạn.
Hoặc giả sử, bạn thắc mắc khi thấy một số người niệm Phật, hay đọc tụng kinh chú : ‘’Sao mà linh ứng nhanh thế ? không biết có thật không nhỉ ? Tôi đọc mãi có thấy gì đâu ?’’ hoặc ‘’ Tôi sống tốt với mọi người lắm mà, sao đời tôi toàn đau khổ thế này ? Trong khi mấy kẻ ác ngoài kia thì cả đời giàu có, thành đạt ?’’ Rồi còn rất nhiều câu hỏi phản biện khác không thể trả lời nổi khi đối mặt với thực tế.
Nếu nghĩ như thế, tức là bạn cần học thêm khá nhiều. Không, phải nói là cực kì nhiều. Cần phải là người ‘’dùi mài kinh điển’’ rất sâu, nghiên cứu nhân quả rất nhiều, mới thông suốt được những câu hỏi trên.
Những người đã thấu triệt, họ đều đã mất rất nhiều thời gian, bỏ ra bao nhiêu công sức và nơ-ron thần kinh để tìm hiểu, đọc sách, đọc kinh, nghiền ngẫm, tìm thầy, lắng nghe và ngẫm nghĩ, thực hành.
Cái gì cũng có giá của nó, người chỉ bập bõm tìm hiểu qua loa những bài giảng đó đây trên mạng, không trải qua những đêm trằn trọc, những ngày suy tư, nghiền ngẫm về sự biến hóa phức tạp của nhân quả, của đạo lý năm này qua tháng khác.
Rồi không bỏ công sức ra thực hành, để trải nghiệm thực tế những lí thuyết mình đã nghe, đã đọc, đã ngẫm. Mà chẳng qua chỉ là nghe giảng loáng thoáng đâu đó rồi tin, lại tưởng như mình đã hiểu rõ lắm rồi.
Thế thì cái hiểu ấy chỉ lớt phớt trên da, không có đủ sâu và rộng, đủ cân nặng để thấu triệt Nhân quả, hiểu ra ngọn ngành các vấn đề được.
Hoặc giả sử như bạn muốn tìm ai đó hỏi một câu, mà mong sau khi nghe câu trả lời là hiểu được rõ ràng vấn đề, thế thì không có đâu.
Làm sao đem cả kho tri thức cả trăm, cả ngàn cuốn sách, cùng bao tháng ngày nghiền ngẫm, bao vất vả thực hành, nén lại mà truyền đạt qua một vài câu nói ngắn gọn được ?
Nếu thật sự muốn hiểu rõ, lời khuyên dành cho bạn : Hãy đầu tư ! Đầu tư thật nhiều công sức, thời gian, sự kiên trì để tìm hiểu, không bỏ cuộc thì sẽ đến một ngày bạn thông suốt thôi. Kinh sách không có giấu giếm cất trong kho, thậm chí luôn miễn phí trên các trang web Phật Giáo. Chỉ cần mở điện thoại, tra google là có thôi.
Còn chỉ là lướt lướt Facebook, xem tin bài đây đó, chắp ghép lại mà hiểu, thì rất tiếc, chừng đó thôi thì còn cách rất xa để bạn thật sự hiểu được một điều gì.
Xong tôi cũng sẽ trả lời sơ qua, để bạn giải tỏa được một phần nào đó.
Con người ta, ai cũng đã từng trải của rất nhiều kiếp sống, luân hồi vô số kiếp, và mỗi kiếp thì ai cũng đã từng làm rất nhiều việc. Mỗi việc đó thì đều sẽ đem lại một kết quả, việc thiện thì tạo ra phước báo, việc bất thiện thì tạo ra quả báo đau khổ, không chỉ ở kiếp đó, mà kéo dài qua nhiều kiếp sau.
Có thể bạn đã nghe qua điều này rất nhiều, thậm chí phát chán. Xong bạn đã từng ngẫm lại những điều này chưa ?
– Những người từng trải qua nhiều kiếp tu hành, họ ăn chay, tụng kinh niệm Phật, kính Pháp trọng Tăng, thờ Phật hết mực chân thành.v.v… Xong những kiếp đó nhiều khi họ tu mãi mà chưa thấy kết quả gì. Giờ họ đầu thai qua kiếp này, dù không nhớ nữa, xong những công sức tu hành của kiếp trước không mất đi, họ chỉ cần khởi tâm tu hành, là sẽ rất nhanh thành tựu, gặp nhiều linh ứng vi diệu.
Nếu bạn không được như họ, vậy hãy hỏi ‘’Kiếp trước, trong khi họ vất vả tu hành, thì bạn đã làm gì ?’’
– Những người giàu sang, thành đạt, bất luận là giờ họ tốt bụng hay xấu xa, độc ác, thì ở những kiếp trước, họ đều đã bỏ tiền ra, bỏ sức ra rất nhiều để bố thí, giúp người này, cứu người kia, tạo phước nhiều, nay thì họ mới có thể thành đạt sung sướng như vậy.
Nếu ai vừa bố thí, vừa tu tâm dưỡng tính, thì nay vừa giàu vừa đức hạnh. Ai chỉ biết bố thí mà không lo tu sửa nội tâm, thì nay vừa giầu vừa ác, sau này quả báo họ sẽ chịu, cũng chẳng bắt ai chịu thay.
Bất luận thế nào, họ cũng đang nhận lại xứng đáng những gì họ đã tạo ra. Nếu bạn không được như họ, và thắc mắc. Vậy hãy hỏi ‘‘Vào kiếp xưa, trong khi những người này bố thí tạo phước, thì mình đã làm cái gì ?’’
Luật nhân quả là vậy đấy, nó công bằng, nhưng nó diễn tiến rất chậm. Muốn nhanh cũng không được. Giống như trồng cái cây thôi, bạn từng thấy cái cây nào tối hôm trước trồng mà sáng hôm sau nó đã thành cây đại thụ chưa ?
Mọi thành tựu tốt đẹp khi tu tập theo những điều Đức Phật đã dạy trong kinh, chắc chắn sẽ đến. Vì Đức Phật không có hứa suông. Tuy nhiên, có thành tựu, không có nghĩa là thành tựu ngay lập tức.
Những ai thành tựu quá nhanh, được linh ứng quá dễ dàng, dù chỉ mới tu tập đôi chút, đều là những người tiền kiếp từng tu tập nhiều, gieo trồng duyên lành với Phật Pháp từ lâu rồi. Quả đã chín mọng, chỉ đụng nhẹ là rụng xuống.
Còn những ai từ nhiều kiếp qua, trong khi Phật dạy không được ăn mặn sát sinh, thì không tin, không nghe. Cứ giết hết con này đến làm thịt con kia, ăn cho thỏa thích.
Trong khi Phật dạy phải nhẫn nhục, thì phớt lờ, mặc tình sân hận, mắng người này, chửi người kia.
Trong khi Phật dạy phải bố thí, phải cho đi, thì chỉ thích nhận về, lấy được cái gì về cho mình là lấy, chằng nghĩ đến hậu quả.
Trong khi Phật dạy phải tinh tấn tu tập, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, thiền định, buông bỏ bản ngã… thì hoặc không tin, không quan tâm, hoặc lười biếng viện cớ không chịu làm.
Trong khi Phật dạy siêng năng làm thiện, kiên quyết bỏ ác, thì làm ngược lại, việc thiện thì làm được chút xíu cho là nhiều, việc ác phạm nhiều mà cho là mình vô tội.v.v…
Trải qua nhiều kiếp giờ nghiệp chướng quá nhiều, phước báo thì chẳng có bao nhiêu. Quả báo ập đến bị bệnh tật, đói nghèo, bị người này giật nợ, bị người kia ngược đãi, tai họa dồn dập, khổ đau nhiều thứ… lúc này mới lo sợ, tìm đến Phật Pháp mong có cách gì nhanh nhanh tai qua nạn khỏi.
Khi sung sướng chẳng thiết lo tu
Hoạn nạn mới chạy về ôm chân Phật
Nhưng Đức Phật dù từ bi cũng không thể bẻ cong luật nhân quả. “Nước xa không cứu được lửa gần”, dù các pháp môn của Phật Pháp rất vi diệu, nhưng cũng không thể chớp mắt là có kết quả ngay.
Thế giới này không vận hành theo cách bạn muốn.
Không nên nghĩ rằng hễ mình có chuyện đau khổ là chư Phật – Bồ Tát phải cứu cho mình không khổ nữa, hễ tìm đến Phật Pháp là phải linh, phải xong việc, phải được như mình cầu, xem Phật Pháp như cái “nút ấn thần kì”, nhấn xuống là mọi thứ phải đâu vào đấy.
Không, thực tế còn do nhân quả nghiệp báo quyết định. Đức Phật đã từ bi giảng dạy rất rõ, rất kĩ, tha thiết, ân cần khuyên lơn mọi người phải học hiểu nhân quả, phải thuận theo nhân quả mà bỏ ác hành thiện. Nếu cứ cố tình làm ngược lại mà gây ra hậu quả, thì … đành chịu thôi.
Vậy nên, đêm nay trước khi đi ngủ, thay vì lướt lướt mãi cái điện thoại mà chẳng thu hoạch được gì, bạn hãy thử vắt tay lên trán, để suy ngẫm những điều này, chắc chắn bạn sẽ thu hoạch được rất nhiều điều quý giá cho cuộc đời bạn.
Mọi điều tốt đẹp trên đời, mọi điều thành tựu mà bạn thấy người ta vẫn đạt được, đều phải trải qua rất nhiều gian khổ, rất nhiều nỗ lực, rất nhiều sự chờ đợi qua thời gian lâu xa mới có được.
Nếu như bạn muốn đạt được những thành tựu ấy, vậy bạn quyết định sẽ bỏ ra bao nhiêu ?
____________
Cuối cùng, Quang Tử sẽ kể cho bạn một câu chuyện, trích từ sách Niệm Phật Thập Yếu của HT Thích Thiền Tâm. Nó sẽ là một minh chứng rất rõ ràng cho những điều trên, và tiếp cho bạn những động lực để bạn có một sự khởi đầu cho những nỗ lực sau này.
Tiền Vạn Dật, tự là Dực Sơn, quê ở Thường Thục, trấn Mai Lý, người đời nhà Thanh bên Trung Hoa.
Buổi thiếu thời, Vạn Dật nối nghiệp gia đình, chuyên bán rượu. Sau ông đổi nghề, giữ giới không sát sinh, tu tịnh nghiệp, hết sức sửa đổi lỗi lầm trước.
Vạn Dật chỉ có một trai, chẳng may bị bệnh lao, dù có niệm Phật nhưng rồi cũng qua đời.
Người láng giềng chê cười, bảo tại lo tu hành nên con chết. Ông nghe nói mỉm cười, vẫn an nhiên thờ Phật như cũ.
Một đêm, lửa bén cháy nhà, Vạn Dật chắp tay ngửa mặt trên hư không vái rằng: “Nghiệp con nặng, đáng chịu thiêu hủy gia sản, nguyện xin đừng tổn thương đến những nhà gần bên.”
Sau khi lửa tắt, chỉ có nhà ông tiêu ra tro, các gia cư gần đó đều không sao cả. Cố gắng lo chỗ ở tạm xong, Vạn Dật lại khuyên mẹ là Ngô Thị trường chay niệm Phật, bà mẹ y theo lời. Tiếp theo ông cũng tự ăn chay trường, nhưng vì tập quán cũ hãy còn, thường hay uống rượu.
May nhờ có người thân thích là cư sĩ Tạ Phụng Ngô khuyên can, ông cố gắng lần lần dứt trừ được.
Mùa xuân năm Đạo Quang thứ hai mươi hai, vợ ông đau bệnh mà chết, từ đó Vạn Dật vẫn sống trong cảnh lẻ loi.
Nhiều người khuyên nên tái hôn, ông cự tuyệt và bảo: “Đã có con mà bị chết sớm, tái thú nữa để làm gì? Vả lại chí tôi ở nơi xuất tục, có phải khăng khăng trong sự nối dõi đâu!”
Mùa hạ năm ấy, ông đau bệnh lạc huyết, ý muốn được Vãng sinh Cực Lạc, thoát khỏi cõi trần khổ đau này càng tha thiết, vẫn cố gắng gia công niệm Phật. Đến đầu tháng bảy, bệnh ông thêm nặng, ăn vào liền ói mửa ra hết.
Phụng Ngô sang viếng thăm, nhân an ủi bảo cho biết: ‘’Cổ đức đã có một vị nhịn ăn để cầu thấy Phật.’’
Vạn Dật nghe nói, mừng rỡ bảo: “Nếu có việc rất tiện lợi như thế, tôi sẽ gắng sức làm theo.”
Liền hôm sau, ông tắm gội sạch sẽ, đến trước bàn Phật niệm hương phát nguyện giữ thanh trai trong bảy ngày, xuất tiền mua vật mang phóng sanh, để cầu về Tịnh Độ.
Kế đó, ngày đêm ông niệm Phật không dứt, lúc khát chỉ ăn trái dưa mà thôi. Có người hỏi: “Suốt đêm không ngủ như thế, có mệt mỏi chăng?”
Vạn Dật đáp: “Nhờ không ngủ mới niệm Phật được nhiều. Khi tôi không bệnh thì chẳng được an nhàn. Nay nhân lúc bệnh được rảnh rang, phải gắng sức, có mệt nhọc gì đâu!”
Bảy ngày vừa mãn, bởi tuyệt thực nên kiệt sức, thần thức ông hôn mê. Người nhà cho ăn chút cháo loãng, liền buồn dạ no hơi, hôn loạn càng thêm.
Xong Vạn Dật vẫn một lòng, chắp tay để trên gối, nguyện xin đốt ngón tay cúng dường Phật.
Phụng Ngô nói: “Lúc này mà anh phát được tâm nguyện ấy, thì cũng đồng như đã đốt ngón tay rồi. Thôi chi bằng rũ sạch muôn duyên, nhất tâm cầu về Cực Lạc là hơn!”
Ông nghe nói liền nhắm mắt niệm Phật, ban sơ như còn gắng gượng, kế đó nhờ dùng sức dũng mãnh, nên thần chí lần lần an định. Duyên may, lại nhờ mười mấy người bạn đồng đạo hay tin đến trợ niệm, nên ngày đêm trong nhà ông tiếng niệm Phật nối nhau không dứt.
Đến chiều bữa mùng mười, Vạn Dật tự nói thấy một vị đi lại trước đầu giường, bảo cả dưa và trái cây đều chớ ăn, hỏi thì xưng là sứ giả ở thượng giới.
Qua ngày hôm sau, ông bỗng thấy Tây Phương Tam Thánh (tức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát) tướng tốt quang minh hiện đứng giữa hư không trước mặt. Ông muốn vượt lên ngồi vào kim đài, chợt nghe tiếng bảo: “Thân ngươi còn chưa sạch!”

Kế đó các tướng đều ẩn mất. Vạn Dật liền bảo nấu nước thơm để mình tắm gội. Tắm xong, Tam Thánh hiện ra như trước. Ông gọi người nhà lại nói: “Tôi đã dạo chơi Tịnh Độ, thấy vô số hoa sen, mình ngồi trên một đài hoa, vui không thể tả!” Lại tự chỉ thân mình nói: “Đây không phải thân tôi.”
Sáng sớm ngày mười hai, Vạn Dật từ biệt mẹ và thưa rằng: “Phật cùng chư Thánh chúng đã đến đầy nhà.”
Nói xong, liền chắp tay niệm Phật mà qua đời. Lúc bấy giờ, ông được ba mươi bảy tuổi.

Như cư sĩ Tiền Vạn Dật đây, phát tâm tu thì liền gặp nghịch cảnh, vợ con chết hết mà tâm ban đầu không thối thất. Bị bệnh khổ liên miên nhưng chánh niệm vẫn bền. Vì sao vậy ?
Vì ông hiểu được nhân quả, ông biết rằng những đau khổ đó là do nghiệp ông đã tạo khi xưa ở kiếp nào đó, thì nay ông phải chịu, thế thôi. Chứ đâu phải hễ tu một cái là mọi nghiệp chướng vô lượng kiếp qua ông đã tạo cao như núi, sâu như biển sẽ tự nhiên biến mất hết đâu.
Vậy chứ ông Vạn Dật ấy ăn chay, niệm Phật, không phải cho hiện tại hết khổ, thì để làm gì ?
Xin thưa, là để thành tựu cho tương lai. Tầm nhìn của ông ấy rất xa, một kiếp người ngắn ngủi này đâu có đáng gì phải ôm giữ. Uy quyền, giàu sang, vợ đẹp, con cháu vinh hiển .v.v… gì gì đi nữa thì chết một cái là mất sạch thôi mà.

Đau khổ, hoạn nạn, ấy cũng là rất bình thường. “Đời là biển khổ”, chẳng phải trên đời ai cũng khổ sao, không gặp khổ này cũng gặp nạn khác thôi.
Ông ấy tu là để sinh về cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà, vĩnh viễn không còn chịu đau khổ của cõi trần này nữa, an nhiên tự tại, thẳng tiến tu hành cho đến khi đắc Đạo chứng Thánh quả.
Để thành tựu được kết quả vi diệu thù thắng đó, thì trên bước đường tu hành, có gặp trở ngại, khó khăn, thậm chí là đau đớn, thê thảm, thì cũng là vô cùng xứng đáng.
Như vậy bạn nhé, sau này trên bước đường tu học, đừng mong rằng sẽ nó sẽ trải thảm đỏ, che lọng hoa cho bạn đi.
Không, thường thì nó rất chông gai và đầy đau khổ. Bạn chịu đựng được, nỗ lực hết sức không chùn bước cho tới cùng, thì bạn sẽ đạt được những phần thưởng xứng đáng ở cuối con đường.
Và những khi muốn buông xuôi bỏ cuộc, hãy nhớ đến ông Vạn Dật này, và tự hỏi : “Liệu những đau khổ mình chịu, đã bằng ông Vạn Dật này chưa???”

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận