THỦ HUỒNG – HÀNH TRÌNH LỘT XÁC TỪ KẺ TỘI ĐỒ THÀNH VỊ VUA LIÊM KHIẾT

0
855

 

(Quang Tử )

Vào thế kỷ 18, khoảng những năm 1750 – 1780 tại vùng Gia Định, nổi lên một nhân vật gian hùng: Võ Thủ Huồng. Ông vốn là một thư lại làm việc tại nha môn huyện Phước Chính, Gia Định, nước Đại Nam dưới triều chúa Nguyễn (nay là Biên Hòa, Việt Nam)

Dù chỉ là một chức thư lại, chuyên quản lý giấy tờ sổ sách, nhưng với một đầu óc sắc sảo, lắm mưu nhiều kế, Thủ Huồng đã dùng nhiều thủ đoạn để thao túng các sự vụ trong nha môn: tham nhũng, đục khoét ngân khố, ăn hối lộ, tẩy trắng thay đen các vụ án, chèn ép bá tánh để chuộc lợi. Ngoài ra, ở bên ngoài Thủ Huồng còn chuyên cho vay nặng lãi, ăn lời cắt cổ.

Trong suốt hai lăm năm làm trong nha môn, ông đã thâu tóm được một lượng tài sản kếch sù, đồng thời cũng đẩy rất nhiều người vào cảnh khốn cùng, quẫn bách.

Có lẽ gây quá nhiều nghiệp chướng, nên gia đạo lắm nỗi muộn phiền, Thủ Huồng mãi không sinh được con nối dõi, đã thế vợ ông còn lâm bệnh mất sớm. Buồn vì chuyện gia đình, Thủ Huồng xin từ chức về tậu ruộng vườn, làm một phú ông trong vùng, sống một đời giàu sang vương giả.

Một hôm, Thủ Huồng nằm mơ thấy mình xuống âm phủ, chứng kiến các cảnh tra tấn khiếp hồn trong các địa ngục. Mỗi nơi một kiểu, mỗi tội thì có một cách hành hình khác nhau, nhưng chung quy đâu đâu cũng toàn là máu me thịt nát xương tan, đau đớn tột cùng. Đang còn bàng hoàng thì Thủ Huồng trông thấy một cái gông vừa lớn vừa nặng nề nhưng để trống. Thủ Huồng tò mò hỏi quỷ sai ở đó:

– Xin hỏi gông này để làm gì, sao còn để trống ?

Quỷ sai cười nhạt mà nói:

– Để chờ một tên đại gian ác là Võ Thủ Huồng, hiện đang sống tại huyện Phước Chính, Gia Định tỉnh, nước Đại Nam. Năm Ất Sửu, hắn ăn đút lót, sửa hai chữ “ngộ sát”  thành “cố sát” làm cho mẹ con Thị Nhãn bị kết án tử hình, giúp người anh họ chiếm đoạt gia tài. Việc này Thủ Huồng được mười nén vàng, mười nén bạc, một trăm quan tiền. Cũng trong năm đó hắn làm ông Ngô Lại ở thôn Bình Ca bị hai năm tội đồ chỉ vì trong nhà ông có cái áo vải vàng, để đoạt không của ông ta mười hai mẫu ruộng. Và còn nhiều việc khác nữa.

Thủ Huồng nghe quỷ sai kể vanh vách tội trạng của mình thì tái mặt, sợ đến run cầm cập. Quả nhiên mọi việc mờ ám con người có giấu diếm tới đâu thì dưới âm ty đều ghi chép rõ ràng. Thủ Huồng miệng lắp bắp hỏi quỷ sai:

– Vậy… vậy thì…tên Thủ Huồng ấy… phải làm sao để khi chết đi thoát không phải đeo cái gông này ?

– Đã vay thì phải trả. Phải đem hết những của cải bất nghĩa ấy bố thí đi, lo tu nhân tích đức, may ra sẽ được giảm tội.

Tỉnh dậy, Thủ Huồng toát mồ hôi hột. Bấy lâu ông vốn không tin những chuyện báo ứng, tâm linh quỷ thần gì, nên chẳng từ thủ đoạn, việc ác thẳng tay làm. Nhưng giờ thì khác, cảnh tượng địa ngục khủng khiếp đã gây chấn động tâm can ông, và ông quyết định phải thay đổi.

Kể từ đó dân xứ Gia Định thấy Thủ Huồng khét tiếng gian tham một thời, nay lại nhiệt tình hành thiện tích đức. Vốn là người có đầu óc giỏi tính toán, Thủ Huồng không đơn giản chỉ là bỏ tiền ra bố thí người nghèo như người khác hay làm. Ông thường đi đó đây, quan sát dân tình có nỗi khổ nào, tìm hiểu nguyên nhân rồi lên kế hoạch giúp dân một cách triệt để, tạo dựng lợi ích lâu dài cho cả vùng.

Cầu Thủ Huồng
Cầu Thủ Huồng

Nơi nào vì sông ngòi ngăn trở, người dân hai bên bờ đi lại khó khăn, gặp mùa nước lũ còn nguy hiểm tính mạng, thì ông xuất tiền xây cầu cho mọi người đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi.

Nơi nào dân khổ vì mùa màng thất bát do hạn hán, thiếu nước tưới tiêu, ông liền chi tiền thuê người đào vét kênh rạch, từ đó dân quanh vùng khấm khá hẳn lên.

Hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình do Thủ Huồng xây dựng vẫn còn tồn tại, như chợ Đồn, cầu Thủ Huồng trên đường gần sông Đồng Nai đi Tân Vạn, hay rạch Thủ Huồng, chạy ngang qua đường Tân Vạn vòng qua quốc lộ 1, gần Biên Hòa. Và nổi tiếng nhất chính là địa danh Nhà Bè.

Thời đó khu vực hai bên bờ sông Đồng Nai, dân cư vẫn còn thưa thớt, rừng cây rậm rạp. Hành khách đi đò dọc qua lại nơi đây buôn bán, làm ăn hay vì các lý do khác rất cực khổ. Mỗi lần dừng chân nấu cơm, đun nước pha trà, phải lên bờ kiếm củi, hoặc vào sâu trong bờ tìm nước sạch, mua gạo, muối … Ngặt nỗi trên bờ thì thường có hổ, bờ sông thì nhiều cá sấu, nên rất nguy hiểm.

Hiểu được cái khổ ấy, Thủ Huồng cho người kết tre làm thành những bè lớn trên sông, trên bè làm cái nhà nhỏ, bên trong chứa sẵn rất nhiều củi, gạo, muối, nước sạch, đồ ăn …Mọi người dừng chân tùy ý lấy dùng thỏa thích, cứ hết Thủ Huồng lại cho tiếp tế thêm.

Kể từ đó, người người truyền tai nhau và việc lưu thông qua lại nơi đây dần tấp nập hơn. Các khách buôn cũng học theo kết bè trên sông để họp chợ, tụ tập buôn bán, có lúc lên đến 20- 30 bè. Và địa danh Nhà Bè hình thành từ đó, tồn tại đến tận ngày nay.

Cứ thế suốt nhiều năm ròng, hễ dân tình có nỗi khổ ở đâu, thì Thủ Huồng chạy đôn chạy đáo lo giải quyết khó khăn ở đó, xuất tiền bao nhiêu cũng không tiếc.

Ban đầu, ông làm vì muốn chuộc tội, mong thoát quả báo nơi địa ngục. Nhưng trong lúc làm, ông lại cảm thấy tâm rất vui, thứ niềm vui mà cảnh giàu sang tột bậc cũng không giúp ông có được. Nhìn dân chúng hò reo, vui sướng, cuộc sống ấm no, thịnh vượng lên mỗi khi ông hoàn thành các công trình phúc lợi, Thủ Huồng thấy rất ấm lòng, nên càng năng nổ hơn, gắng sức chu toàn hơn.

Gia sản có bao nhiêu ông bán gần hết lo trăm việc cho dân, còn bản thân ông thì lại tiêu xài rất tiết kiệm, hạn chế ăn mặc tối đa. Cứ thế nên dần dần, dân quanh vùng đã quên mất một Thủ Huồng khét tiếng gian tham một thời, mà thay vào đó, người ta không ngớt lời làm thơ đặt vè ca tụng ông:

“Ai ơi có đến Nhà Bè,

Nhớ ơn nước ngọt, bè tre Thủ Huồng.”

Một đêm Thủ Huồng lại nằm mộng thấy mình xuống âm phủ, thấy chiếc gông dành sẵn cho mình đã không còn, tội danh của ông đã được xóa sạch. Tỉnh dậy, ông vui mừng khôn siết. Đáng lý ra lúc này ông đã có thể yên tâm mà dừng lại các việc phúc thiện. Nhưng vì đã quen với việc lo cho bá tánh, nên ông vẫn tiếp tục chẳng dừng lại.

Cuối cùng, ông bán hết nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, lấy tiền xây một ngôi chùa lớn để dân chúng có nơi thờ kính Tam Bảo, tu học giải thoát. Ngôi chùa ấy tên là chùa Chúc Thọ, hiện vẫn tọa lạc tại xã Hiệp Hòa, Biên Hòa.

Chùa CHúc Thọ
Chùa Chúc Thọ

Chính ông cũng dọn vào sống trong chùa, nép mình vào cuộc sống an bần lạc đạo, ăn chay giữ giới, sớm khuya tụng kinh gõ mõ, học hỏi những giáo nghĩa uyên thâm của Phật Pháp cho đến khi tạ thế.

Khi qua đời, có người muốn biết kiếp sau của Thủ Huồng sẽ sinh về đâu, nên dùng bút viết lên lòng bàn tay ông hai chữ “Thủ Huồng”, chữ “Thủ” viết bằng chữ Hán, chữ “Huồng” viết bằng chữ Nôm rồi mới chôn cất.

Không lâu sau, ngày 16/9/1782 tại Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, hoàng đế Gia Khánh vui mừng đón tin hoàng hậu sinh được thái tử, đặt tên là Miên Ninh. Điều kỳ lạ là ngay lúc lọt lòng, thái tử đã có vết bớt trong lòng bàn tay, không phải là vết bớt bình thường, mà chính xác là hình dạng hai chữ “Thủ Huồng”, với chữ “Thủ” viết bằng chữ Hán, chữ “Huồng” viết bằng chữ Nôm, khiến cho triều đình nhà Thanh lấy làm kỳ lạ.

Từ nhỏ, thái tử đã tỏ rõ phẩm chất đặc biệt, có tài trí thông minh, văn võ song toàn, học rộng hiểu nhiều, chí khí hơn người, được ông nội là Càn Long và vua cha là Gia Khánh đặc biệt yêu quý và kỳ vọng.

Tháng 3/1820, thái tử đăng cơ, trở thành hoàng đế nhà Thanh, hiệu là Đạo Quang. Khi mới lên ngôi, theo thông lệ, vua Đạo Quang cho cử sứ thần đến các nước lân bang, trong đó có Việt Nam. Riêng sứ thần đi Việt Nam ngoài việc củng cố ngoại giao, còn có thêm một nhiệm vụ: tìm tung tích của cái tên Thủ Huồng. Chính là để giải tỏa thắc mắc bao năm nay của vua về vết bớt chữ “Thủ Huồng” trên bàn tay mình.

Quả nhiên, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, sứ thần có được tung tích của Thủ Huồng, và tìm đến chùa Chúc Thọ vùng Gia Định tham quan, hỏi rõ mọi vấn đề liên quan đến Thủ Huồng. Sau đó trở về bẩm báo lại cho vua Đạo Quang. Nghe xong, vua cảm khái không ngớt về sự vi diệu của nhân quả luân hồi. Từ một kẻ gian hùng tội ác ngập trời đáng lý đọa địa ngục, nhờ biết ăn năn sám hối, quay đầu hướng thiện, tích phước hành thiện, không chỉ thoát địa ngục, mà kiếp sau còn thành hoàng đế của Đại Thanh.

Ông liền cho người tạc ba bức tượng Phật Tây Phương Tam Thánh bằng trầm hương, cử sứ giả đem cúng dường chùa Chúc Thọ để thể hiện chút lòng thành (hiện nay ba bức tượng vẫn còn lưu giữ tại chùa)

Vậy thoát địa ngục, lên ngôi vua rồi, phải chăng đây đã là một cái kết viên mãn cho Thủ Huồng ? Không ! Luân hồi là dòng chảy bất tận, không phải như chuyện cổ tích mà dừng lại ở một cái kết có hậu.

Lên ngai vàng được một năm, vua Đạo Quang đem hết những điều tâm huyết ông trăn trở suy xét bấy lâu để ban hành một chính sách, tên là Ngự chế Thanh sắc hóa lợi dụ, đại ý có ba điều:

  • Thứ nhất: chỉ dụ vua tôi trên dưới trong triều, trước vì lợi ích quốc gia, sau là vì thiên hạ, vì bách tính, cần phải trọng nghĩa khinh lợi, không tham tích chứa tài sản. Ông dẫn lời cổ nhân: “Bách tính no đủ, quân vương có thể giàu, nhưng bách tính thiếu thốn, quân vương sao có thể đủ đầy?”
  • Thứ hai: đình chỉ việc các tỉnh tiến cống. Xưa nay triều đình vốn có lệ các xứ có đặc sản gì hàng năm đều phải đem tiến cống cho hoàng cung. Nhưng xét kỹ, những thứ này đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, lại thêm vận chuyển đường xá xa xôi, khiến bao dân phu khổ cực, bỏ đi phần nào có thể giảm bớt gánh nặng cho dân phần đó.
  • Thứ ba: không xây thêm các cung điện, lầu các. Từ các đời tiên đế, việc xây dựng đã tiến hành rất nhiều, cung điện lầu đài nguy nga gì cũng đã hoàn thiện, nên đến đời ông không xây thêm gì nữa, tránh lãng phí quốc khố, tốn kém sưu thuế, lao dịch của dân. Những kẻ đề cử ý kiến xây thêm cung điện sẽ trở thành tội nhân, bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Sau khi được ban hành, “Ngự chế Thanh sắc hóa lợi dụ”  được không ngớt lời tán dương của cả triều thần lẫn dân chúng. Không chỉ nói suông, bản thân vua Đạo Quang đã lấy chính mình ra làm gương cho quần thần, đi đầu thực hiện lối sống cần kiệm hết mực, dốc lòng lo cho dân.

Lệ triều cống bị cắt giảm mạnh. Các nghi lễ cung đình xa hoa đều được tối giản hóa. Các món đồ dùng cần mua mới đều bị đổi từ hàng cực phẩm xa xỉ thành đồ bình dân, từ giấy bút, cho đến vật dụng tư trang.

Về ẩm thực, các món ngự thiện cũng được cắt giảm tối đa, giới hạn trong 4 món mặn, 1 món canh. Lâu lâu có thèm món này món kia, nhưng xét thấy giá cả đắt đỏ, nên vua cũng cố nhịn, chỉ rau dưa đạm bạc cho xong bữa.

Y phục mặc lâu ngày bị rách, Đạo Quang cũng không vứt bỏ, mà cho người vá lại. Ông còn hạ lệnh cho hoàng hậu cùng tất cả cung nữ phải học may vá, để tự vá y phục khi bị rách.

Nói chung là trên từ vua, hoàng hậu xuống đến phi tần, hoàng tử, công chúa, cung nữ, thái giám, thị vệ, quan lại…  từ to đến nhỏ, mọi thứ chi phí trong cung đều hạ xuống mức thấp nhất có thể, Đạo Quang trở thành vị vua tiết kiệm đệ nhất lịch sử Trung Hoa.

Ấy thế nhưng việc chính trị quốc gia không đơn giản như việc xây dựng các công trình phúc lợi trong kiếp trước, nó khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều lần. Dù vua Đạo Quang với quyền lực của đấng quân vương thiên tử, thì một mình ông cũng không thay đổi được tình hình chính trị tụt dốc của nhà Thanh thời bấy giờ.

Quan lại dưới triều Đạo Quang, rất hiếm những người tài đức vì dân vì nước. Ngược lại, đại đa số vốn đã quen thói tham nhũng từ thời Càn Long. Từ trung ương đến địa phương, tham nhũng đã thành một căn bệnh mãn tính, lan rộng khắp triều đình không thể cứu chữa. Đám quan lại trước mặt vua thì giả vờ rách rưới cần kiệm, nhưng sau lưng thì âm thầm tham ô, nhũng nhiễu bóc lột bá tánh, ăn xài hoang phí trên mồ hôi nước mắt của dân, khiến nhiều nơi bùng phát lên các cuộc khởi nghĩa.

Về phía ngoại bang, nhân việc vua Đạo Quang ban hành luật chống thuốc phiện, cấm các thương nhân Anh quốc nhập khẩu thuốc phiện vào Trung Quốc, năm 1840, quân đội Anh đã đem 40 tàu chiến trang bị tối tân đến tấn công như vũ bão.

Vì chênh lệch lực lượng và vũ khí, quân đội nhà Thanh nhanh chóng bị đè bẹp, liên tiếp chịu thất bại nặng nề, bị ép tới đường cùng, buộc phải ngồi vào đàm phán tại Nam Kinh. Kết thúc đàm phán, vua Đạo Quang đành “ngậm đắng nuốt cay” chịu nhượng Hồng Kông cho Anh và bồi thường chiến phí 16 triệu lạng bạc, còn phải chấp nhận cho thương nhân Anh được tự do buôn bán.

Đến năm 1843, thì ngân khố Đại Thanh vỡ lở ra đại án trộm bạc có một không hai trong lịch sử, do một số viên quan coi kho và khố binh thông đồng lấy trộm, vốn bắt đầu từ thời Gia Khánh kéo dài suốt 43 năm mới bị phát giác.

Bằng các thủ thuật tinh vi qua mắt được mọi khâu kiểm tra kĩ càng, như giấu bạc trong hậu môn, sử dụng thùng nước hai đáy, các quan lại coi kho và khố binh đã móc nối nhau, tuồn ra ngoài một số lượng bạc chừng đến 200 tấn.

Vua Đạo Quang khi đến tra án, đã rụng rời khi tận mắt thấy kho bạc chỉ còn lại một cái xác nhà trống rỗng. Ông thống hận khôn siết, chỉ đám quan lại mà mắng:

– Bỗng chốc lại thâm hụt 9.252.000 lạng bạc, quả là chuyện chưa từng thấy trên thế gian. Vận nước đang suy vi mà các ngươi lại thông đồng tác tệ, lòng lang dạ sói phản nước hại dân, thật là quá quắt! Bao nhiêu quan viên thân tín cột trụ triều đình, vậy mà tuyệt không một ai có lương tâm với trọng trách. Trẫm có mắt như mù, thật đã dùng lầm các ngươi rồi!

Suốt 23 năm, vua Đạo Quang với chí hướng ngút trời, đã tận tâm nỗ lực xây dựng một triều đại mà dân chúng ấm no, hạnh phúc, an hưởng thái bình thịnh trị. Thế nhưng liên tiếp những vấn nạn khổng lồ như những gáo nước lạnh dội xuống đầu ông, ngoài thị bị đế quốc Anh đánh bại, chèn ép vô lối, trong thì đám quan lại tham ô đục khoét như những nhát dao đâm sau lưng.

Chính sách thủa ban đầu của ông không thu về được hiệu quả gì rõ ràng, hùng tâm tráng khí của ông bị thực tế phũ phàng mài mòn cho đến khi tắt hẳn. Vua Đạo Quang đành ngậm đắng nuốt cay, bất lực nhìn đất nước trượt dài xuống hố suy vong.

Ông lờ mờ nhận ra mối liên hệ nghiệp quả từ kiếp trước. Nếu như khi làm Thủ Huồng, chính ông cũng đã từng dùng quyền hành của mình mà chén ép bá tánh, thì nay cũng bị đế quốc Anh dùng sức mạnh quân sự chèn ép. Nếu như trước ông cho vay ăn lời cắt cổ, thì nay ông cũng phải trả chiến phí cắt cổ. Nếu như kiếp trước, ông từng tham ô, đục khoét của công, thì nay, ông cũng bị đám quần thần từ quan đến lính đục khoét sau lưng.

Dù ông đã tạo phước, nhờ đó thoát được quả báo chính là vào địa ngục, còn được tái sinh làm vua, thì những dư báo của những nghiệp xấu vẫn còn xót lại, phải trả dai dẳng không cách này thì cách khác. Thế mới thấy, nếu không muốn chịu quả báo khổ đau, thì cách tốt nhất là ngay từ đầu, dứt khoát đừng tạo nghiệp.

Thế sự vô thường, vua thì cũng không thoát khỏi cái quy luật của sinh- lão- bệnh- tử. Năm 1850, ông lâm bệnh nặng rồi băng hà ở tuổi 69 trong nỗi thất vọng, day dứt về những hoài bão không thực hiện được. Sau khi ông mất, vận nước ngày càng suy kiệt, 62 năm sau thì nhà Thanh sụp đổ hoàn toàn dưới thời nắm quyền của con dâu ông là Từ Hy Thái Hậu, Trung Quốc rơi vào thời kỳ nội chiến liên miên.

(Quang Tử)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận