Đầu năm Khai Hoàng triều đại nhà Tùy, trong một ngôi làng nọ ở vùng ngoại ô của huyện Ký Châu, có một cậu bé 13 tuổi, thường xuyên ăn cắp trứng gà của nhà hàng xóm để nướng ăn.
Một buổi sáng sớm, khi người dân trong làng còn chưa thức dậy, cha cậu bé nghe có tiếng người gọi cửa bên ngoài, gọi tên con trai ông. Người cha liền bảo cậu bé ra mở cửa. Người gõ cửa là quan nha, ông ta nói với cậu bé: “Quan phủ có lệnh kêu gọi cậu đi làm nô dịch”.
Cậu bé nói: “Vậy thì đợi tôi vào phòng chuẩn bị quần áo và một ít lương khô, rồi sẽ đi cùng với các ông”.
Người gõ cửa trả lời: “Không cần đâu”. Thế là họ đưa cậu bé ra khỏi làng.
Khi đến cửa phía Bắc của tòa thành, quan sai ra lệnh cho cậu bé vào trong thành. Khi vừa vào trong, thì cửa thành đóng lại. Trong thành không thấy có một người nào, chỉ là một tòa thành trống không.
Bỗng cậu cảm thấy khắp nơi trên mặt đất là than nóng, là ngọn lửa đốt cháy vào tận mắt cá chân, chân cậu bé bị lửa cháy tới nóng bỏng làm cậu kêu la ầm ĩ.
Vừa khi đó nhìn thấy cửa phía Nam đang mở, cậu liền vội vàng chạy lại hướng cửa phía Nam, nhưng vừa định nhảy qua đó, thì cửa bỗng nhiên bị đóng lại. Cậu bé lại chạy ra cửa phía Đông, rồi cửa phía Tây, cửa phía Bắc, nhưng cửa thành ở các hướng đó đều bỗng nhiên bị đóng sập lại khi cậu sắp chạy tới.
Lúc này người trong thôn bắt đầu ra đồng làm việc, tất cả mọi người đều nhìn thấy cậu bé đang chạy quanh tứ phía, miệng không ngừng kêu khóc.
Mọi người đều sôi nổi bàn tán: “Thằng bé này có phải bị điên rồi không? Sao sáng sớm đã chạy ra đây lại còn không ngừng nhảy nhót chơi đùa ở đây?”.
Vào giờ nghỉ trưa, khi những người đi làm đồng đã trở về, người cha đi tìm con và hỏi: “Mọi người có nhìn thấy con trai tôi ở đâu không?”.
Người đi làm đồng trong thôn trả lời: “Nó ở khu ruộng phía Nam của thôn ấy, nhảy nhót chạy đùa tứ phía, chúng tôi gọi mãi mà nó không thèm quay lại”.
Cha cậu bé vội vàng đi theo hướng mọi người chỉ, tìm mãi mới thấy cậu con trai đang điên cuồng nhảy nhót một mình. Nhưng thật kỳ lạ, người cha chỉ gọi một tiếng, cậu bé bỗng ngừng hẳn những hành động kỳ quặc.
Lúc đó cậu bé bỗng phát hiện ra rằng, tất cả than hồng, lửa bỏng đều không còn nữa. Vừa nhìn thấy cha, cậu bé ngã lăn ra đất và khóc òa. Cha cậu phát hiện phần da thịt dưới đầu gối đều đã bị phỏng và lở loét, giống như là bị nướng chín rồi. Hỏi cậu câu gì cậu bé cũng không trả lời.
Người cha chỉ còn cách ôm con về nhà và tìm cách chữa trị, nhưng điều trị cách nào cũng không khỏi, phần dưới đầu gối cứ như một bộ xương khô.
Hàng xóm của cậu vì để tìm hiểu rõ sự tình, đã đi tới nơi cậu bé chạy nhảy để xem xét, phát hiện ra những dấu chân mờ nhạt của cậu bé, nhưng trên nền đất không hề có dấu vết của việc nhóm củi đốt lửa.
Mọi người đều bàn luận phân tích một cách sôi nổi, mọi người đều cho rằng, cậu bé này vì thường xuyên ăn cắp trứng gà rồi nướng ăn, nên mới gặp phải báo ứng như vậy.
Có người còn cảm thán mà nói: “Chỉ là một cậu bé mười ba tuổi làm việc xấu, mà còn gặp báo ứng như vậy; thế thì người lớn chúng ta, quan chức làm việc xấu làm sao thoát khỏi không bị báo ứng chứ?”
Từ đó trở đi người già người trẻ trong thôn, đều tự giới cấm làm điều xấu và tín ngưỡng Thần Phật.
Trong “Hoa Nghiêm Kinh” có nói: Con người ta trước lúc lâm chung, có thể nhìn thấy nơi mình sẽ được phúc báo trong tương lai.
Còn những người làm việc ác tạo nghiệp, có thể nhìn thấy cảnh tượng của địa ngục, quỷ đói, súc sinh, khi nhục thân còn chưa chết đi, nghiệp lực đã xuất hiện rồi.
Còn những người tích đức hành thiện, trước khi chết, thì có thể nhìn thấy cảnh tượng cung điện sân vườn, thiên nữ trên trời, là vì họ đã đắc được thiện báo.
Trong chuyện trên, mọi người ai cũng thấy là mảnh ruộng bình thường, chỉ riêng người chịu quả báo thấy là tòa thành lửa, ở trong đó bị thiêu đốt đau đớn. Nhưng không phải là ảo tưởng, vì chân cậu bé bị đốt phỏng nặng, đến mức tàn phế. Vậy phải hiểu như thế nào ?
Chỉ có những kinh chuyên về Bát Nhã như kinh Kim Cang, kinh Lăng Nghiêm mới lí giải rõ ràng điều này: tất cả thân xác, cảnh vật, sự việc…mà mỗi người thấy, đều là ảo giác biến hóa ở trong CHÂN TÂM .
CHÂN TÂM này rỗng suốt, không có hình ảnh, âm thanh, mùi vị, cảm giác, ý nghĩ… gì cả, mà là Khoảng không bao la không sinh không diệt, chứa tất cả những thứ trên .(Quang Tử tạm gọi là khoảng không, vì cũng không biết gọi bằng gì cho dễ hiểu hơn, trong kinh Phật thường ví như ‘hư không’)
Nếu nghiệp đồng như nhau, mọi người trong một khu vực, một đất nước, một thế giới… sẽ nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy… những cảnh vật, con người … giống nhau. ( Nhưng thật ra cái thấy của mỗi người cũng khác nhau chút chút, chẳng giống nhau hoàn toàn, như người cận, người viễn, người loạn thị, quáng gà với người thị lực tốt sẽ thấy khác nhau)
Nhưng nếu nghiệp khác nhau, thì một là họ sẽ ở những chỗ khác nhau, như người ở Việt Nam không thấy được con người, cảnh vật ở Mĩ, và ngược lại. Hoặc người ở trần gian không thấy được cảnh trong địa ngục và ngược lại.
Hai là dù đứng cùng một chỗ, nhưng mỗi người tùy theo nghiệp sẽ thấy cảnh vật khác nhau. Ví dụ như cùng ở một chỗ , chúng ta chỉ đếm được có 10 người hiện hữu, nhưng cô Phan Bích Hằng và những người có mắt âm dương sẽ đếm được mấy chục vị, cả người lẫn ma, còn như HT Tuyên Hóa, Quả Khanh có thể đếm được rất đông đến hàng trăm gồm cả người , ma, quỷ, thần… và cả rồng nữa.
Thực ra tất cả những cảnh đó đều là huyễn hóa như chuyện trong giấc mơ, KHÔNG CÓ THỰC.
Nhưng sẽ có người hỏi, giả sử coi như là giấc mơ, mọi thứ không thật có, vậy tại sao, khi đứng trước Lăng Bác, hay Vạn Lí Trường Thành chẳng hạn, tất cả hàng vạn, hàng triệu người đều nhìn thấy, sờ thấy rõ ràng ?
Thời nay có một thứ khiến chúng ta dễ hình dung ra, đó là Game Online. Mỗi người chơi game đều có một màn hình ( coi như đó là Tâm của mỗi người, khác là màn hình chỉ có 14 inch, còn Tâm thì bao la không giới hạn )
Trong trò chơi, mỗi người có một avatar ( tương đương với thân xác của mình, chỉ khác là avatar nó không biết đau thôi) Avatar này có sinh có diệt, chết rồi thì hồi sinh lại ( mấy game thủ rành cái này lắm), còn thân xác của chúng ta cũng sinh rồi diệt, chết rồi thì đầu thai kiếp khác.
Tuy nhiên, phàm phu chúng ta không nhận ra rằng, dù thân xác sinh ra rồi già, chết đi, đầu thai qua kiếp khác, thì cái CHÂN TÂM rỗng không kia vẫn cứ như thế, chúng ta vẫn luôn luôn có Tâm, bất chấp cái thân chết mục ra thành tro bụi, dù sinh lên trời, rồi quay xuống làm người , làm súc sinh, hay vào địa ngục, cảnh vật xung quanh thay đổi không ngừng, nhưng Tâm thì vẫn thế, vẫn nhìn thấy mọi thứ, vẫn nghe thấy, ngửi thấy, sờ thấy …mọi thứ.
Giống như trong game, cái avatar thì sinh rồi diệt, rồi lại hồi sinh… nhưng cái màn hình 14 inch và cái loa thì vẫn cứ còn nguyên ( Khác biệt giữa thực tế và ví dụ là : CHÂN TÂM thì vĩnh cửu, không bao giờ mất, còn cái máy tính, màn hình, cái loa thì vài năm là cho ra bán ve chai )
Điểm thứ hai, đó là những người cùng chơi một game online, trong màn hình máy tính của mỗi người đó, họ đều nhìn thấy, nghe thấy ( công nghệ phát triển hơn, chắc người ta còn ngửi thấy, sờ thấy … nữa) những hình người, những tòa thành, những thanh đao, những con ngựa, những cảnh vật giống nhau.
Vậy thế chúng có thật không ?
Tất nhiên là KHÔNG, chúng vẫn cứ là huyễn hóa, không hề có thật, dù ai trong game onlinne cũng đều thấy, đều biết chúng.
Mọi con người, sự vật, sự việc trên thế gian này cũng lại như thế, dù ai ở cùng một vị trí đều thấy người đó, hay vật đó, màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi vị … như nhau, nhưng người đó, vật đó vẫn cứ là ảo, là giả, là huyễn hóa mà thôi.
Chẳng qua do nghiệp tương đồng, nên ở trong CHÂN TÂM mỗi người, hiện ra cảnh vật giống nhau, người này hỏi người kia, người kia hỏi người kìa, một nhóm người ( có khi cả tỉ người ) đều thấy như nhau, và kết luận là người đó, vật đó ” CÓ THẬT”, song không phải !
Chỉ cần Nghiệp sai khác nhau, không tương đồng nhau, thì lập tức ta sẽ thấy cảnh vật, con người… khác đi dù vẫn đang ở cùng một vị trí. Câu chuyện cậu bé 13 tuổi trên là một ví dụ, mọi người xung quanh ( do nghiệp tương đồng) thấy là mảnh ruộng bình thường, nhưng cậu bé đó, do nghiệp sai khác, nên thấy là tòa thành lửa đốt.
Hay ví dụ khác, con người và các linh hồn, các cô hồn ngạ quỷ dù cũng ở một vị trí như nhau, nhưng nhìn thấy sự vật, cảnh vật khác nhau. Con người thì thấy mỗi mình mình đứng đó, còn các vong linh thì thấy có một người cộng thêm dăm bảy hồn ma nữa ( các nhà ngoại cảm như Phan Bích Hằng cũng thấy vậy)
Con người thì thấy bầu trời màu xanh, còn vong linh thì có vong cũng thấy là màu xanh, nhưng có vong thấy màu đỏ đỏ đen đen… tùy nghiệp lực.
Cùng đứng trước một dòng sông, con người, các loài sinh vật chim, thú… ai cũng thấy là nước mênh mông, các vong linh bình thường cũng thấy là nước, vậy mà rất đông các loài ngạ quỷ chỉ thấy là đất cằn khô khốc, hoặc là thung lũng rực lửa.
Ngẫm cho kĩ, ta sẽ thấy dòng sông nước, hay đất cằn, hay thung lũng lửa… đó đều là ảo ảnh, tùy nghiệp mỗi người, mỗi chúng sinh mà hiện ra trong CHÂN TÂM mỗi người, mỗi chúng sinh một khác, chúng không có bản thể chân thật, giống như hình ảnh trong Game online, không hề tồn tại, không hề đáng để bám víu, nuối tiếc, chấp giữ.
Các Đức Phật, các vị Đại Bồ Tát thấy rõ chân lí này, nên tu tập Bát Nhã Ba La Mật – trí tuệ viên mãn của Bậc Thánh, buông xả mọi hình tướng : thân xác, cảm giác, ý nghĩ, hệ điều hành mọi hoạt động, sự thấy biết ghi nhớ. ( sắc, thọ, tưởng, hành , thức) hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, mọi chuyện ( sắc, thanh , hương, vị, xúc, pháp)..v.v…vì rằng chúng không hề thật có, không thể sở hữu, không thể nắm giữ được ( tiếng Hán là ” Bất khả đắc”, hay “Vô sở đắc”) .
Trở về với CHÂN TÂM rỗng không bao la vô tận, không hình tướng, không sinh không diệt, không bám chấp, không luân hồi chuyển kiếp, không có khổ đau, vĩnh hằng, vắng lặng, đó mới là CHÂN THẬT NIẾT BÀN.
Bát Nhã Tâm Kinh dạy rằng :
“… Do không có sở đắc, Bồ Tát y theo Bát Nhã Ba La Mật, tâm không ngăn ngại, do không ngăn ngại, nên không hề sợ hãi, xa rời mộng tưởng điên đảo, đạt đến Cứu Cánh Niết Bàn.”
Hỏi :
– Vậy theo lời Quang Tử nói. Thân xác này khi chết đi sẽ tan hoại. Vậy 5 uẩn đó không có uẩn nào là chủ tể vậy 5 uẩn đó có tan hoại không ? Nếu có thì nó sẽ đi về đâu. Nếu không tan hoại thì sẽ đi về đâu. Ảo giác của tâm mà bạn nói khi thân này chết đi nó có còn tồn tại hay tan rã.
Vậy tự tánh hay bản ngã khi mất đi hoặc biến đổi sẽ như thế nào. Còn theo mình thì 5 uẩn đó riêng rẽ. Không có uẩn nào làm chủ. Nhưng 5 uẩn đó khi quyện chặt vào với nhau sẽ tạo thành một ông chủ. Mà chính ông chủ đó sẽ thọ nghiệp báo mà chuyển sanh sang 6 cõi hoặc đạt các cảnh giới khác. Mô phật. Phật pháp vô biên. Đường học còn lu mờ. Xin bạn hoan hỷ chỉ dạy
Quang Tử :
– Bạn thân mến, con người cũng như mọi chúng sinh khác được cấu tạo từ 5 thứ : thân xác (sắc) – cảm xúc (thọ) – vọng tưởng (tưởng) – hệ thống thần kinh điều khiển (hành) – tri thức ( thức), gọi là 5 ấm , hay 5 uẩn.
5 uẩn liên tục sinh diệt trong từng giây phút, không dừng nghỉ bao giờ. Chẳng qua là thân vừa sinh ra giống thân vừa diệt đi đến 99,99%, nên ta bị ảo giác là nó còn nguyên. Chứ thực tế sau 10 năm nhìn lại, ta sẽ thấy thân khác đi rất nhiều so với 10 năm trước mà ta chẳng hay biết, nó đã bị thay thế hoàn toàn. Thế nên đương nhiên sau khi chết thì 5 uẩn tan hết.
Sau đó đầu thai qua kiếp khác, lại có 5 uẩn mới, đến khi chết, chúng lại tan hoại. Rồi lại qua kiếp khác, lại có 5 uẩn mới … mọi chuyện lặp đi lặp lại vô số lần không có hồi kết…gọi là luân hồi.
Vậy những cái 5 uẩn đó, hay gọi cho dễ hiểu là những cái thân đó – tâm đó, đã đi về đâu ?
Thực ra, chúng chẳng đi đâu, về đâu đâu cả.
Giống như ta đem một mớ đinh, ốc vít, gỗ, cưa, búa, tua vít…. để lộn xộn trên bàn, thì chúng không thể gọi tên là một vật gì, mà là một đống nguyên vật liệu. Sau đó ta thêm vào 1 giờ lao động khéo léo, dùng cái đống nguyên vật liệu đóng ra một CÁI GHẾ.
Ta cho rằng từ giây phút này, CÁI GHẾ được sinh ra đời, nhưng thực ra, trước đó nó cũng đã có mặt trên bàn rồi, chẳng qua hình dạng, công dụng của nó khác mà thôi, vậy ta gọi là sinh ra, thực chất là không từ đâu đến, mà chỉ là một sự thay hình đổi dạng thôi.
Sau đó, ta lại dùng tua vít, cưa, búa… và thêm vào 15 phút lao động, tháo CÁI GHẾ ra từng mảnh nhỏ đặt trên bàn. Bây giờ, không còn hình dạng CÁI GHẾ như lúc nãy nữa, ta gọi là CÁI GHẾ chết đi. Nhưng thực sự tất cả mọi bộ phận của nó vẫn ở trên bàn chứ chẳng đi đâu cả, chỉ là một sự thay hình đổi dạng khác mà thôi. Vậy ta gọi là CHẾT, nhưng thực chất là không đi về đâu cả.
Từ đầu đến cuối, mọi thứ vẫn ở cả trên bàn, nhưng lúc thành hình một cái ghế, ta gọi là SINH, lúc không còn hình cái ghế, ta gọi là DIỆT. Kì thực. mọi thứ vẫn ở đó, không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, chẳng qua tâm ta chấp vào các hình dạng biến đổi khác nhau mà đặt tên, mà vui khi nó sinh ra, buồn khi nó diệt đi.
Các thân 5 uẩn trong sinh tử luân hồi cũng vậy, không từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, mà nó cứ biến đổi liên tục khi hình tướng này, khi hình tướng khác, không bao giờ dừng nghỉ ( Vô thường ), chẳng ai đứng ra điều khiển quá trình này, mà tự chúng biến đổi theo quy luật nhân quả ( Vô ngã) tạo ra đủ loại đau khổ ( Khổ : sinh, lão, bệnh. tử, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thịnh khổ ) mà thực chất là thể tánh thì vẫn cứ như thế, (giống như mọi bộ phận, hay mọi nguyên vật liệu của cái ghế vẫn luôn ở trên bàn)
Chấm dứt sự bám chấp vào các hình tướng biến đổi khác nhau, ta sẽ không còn bị đau khổ khi một thứ sinh ra hay diệt đi, vì thực ra thì mọi thứ vẫn còn nguyên, không sinh không diệt
(Quang Tử)