Kim Hoa :
– Quang Tử cho mình hỏi:
NGHIỆP ĐÃ GÂY CÓ THỂ TIÊU hoặc MẤT ĐI KHÔNG? VÀ BẰNG CÁCH NÀO?
Khi xa xưa dòng họ Phật Thích Ca bị thảm sát, dù đã biết trước nhưng không thể ngăn chặn, như vậy Nghiệp đã gây thì phải trả đúng không?
Có rất nhiều câu chuyện về việc trả Nghiệp của nhiều Thầy, nhiều nhà tu hành. Có câu ” Đức năng thắng số” …. mình nên hiểu thế nào đối với các nhà tu hành có nghiệp mà vẫn phải trả nghiệp ?
Cám ơn Quang Tử.
https://youtu.be/nmZoqtmy6Uw?t=7m6s
Quang Tử :
Các bạn thân mến, Quang Tử xin mạn phép trả lời các câu hỏi theo cái nhìn nông nổi, hạn hẹp của cá nhân, nếu có gì sai sót, xin quý đạo hữu chỉnh sửa giúp :
1. Nghiệp đã gây ra, nếu để yên không tác động gì vào đó thì dù có để lâu trăm triệu kiếp hay lâu hơn, dù có trốn sang hành tinh xa xăm nào khác thì Nghiệp cũng tìm đến tạo ra quả báo được.
Nhưng nếu biết làm theo các cách mà Đức Phật chỉ dạy thì có thể làm cho nghiệp giảm bớt thậm chí tiêu hết hẳn. Có rất nhiều cách:
– Sám hối :làm tiêu trừ các nghiệp nhẹ, bào mòn các nghiệp nặng
– Tạo công đức thật nhiều để cầu tiêu trừ nghiệp chướng, tùy vào công đức đó nhiều hay ít, có thể khiến các nghiệp bị hao mòn cho đến tiêu sạch cả. Các công đức như niệm Phật, lạy Phật , tụng kinh, trì chú, giúp người, cứu vật phóng sinh, ấn tống, bố thí v.v…
Ta nên kết hợp cả 2 cách trên, thực hành kiên trì, bền bỉ thì sẽ làm tiêu trừ các ác nghiệp quá khứ một cách chắc chắn và mạnh mẽ.
2. Riêng về sự kiện dòng tộc Thích Ca bị tàn sát, không phải chuyện dễ luận bàn. Cuộc đời Đức Phật không giống như phàm phu chúng ta, chúng ta bị dòng nghiệp như thác nước cuốn, chuyện gì cũng không biết trước, chuyện gì cũng do nghiệp lực an bài từ trước, đến đâu hay đến đó chứ chúng ta không tự tại sắp xếp kiếp sống hiện tại của mình được.
Nhưng Đức Phật thì khác, ngay cả trước khi thành Phật, trước khi sinh xuống thế gian thì Ngài đã là Đại Bồ Tát Nhất Trú Bổ Xứ, thần lực vô biên, phước đức ngập tràn vũ trụ, Ngài hoàn toàn tự tại sắp xếp mọi sự việc diễn ra trong kiếp thành Phật của mình, từ ngày sinh, nơi sinh, dòng tộc, cha mẹ, từ chúng hội đệ tử, thời gian thành Phật, v.v…tất cả từng sự việc từ nhỏ đến lớn đều do Ngài khéo léo dùng phước đức sắp xếp, để cho từng việc từng việc một đều để lại một những bài học sâu xa cho hậu thế, hoặc để khiến cho chúng sinh tạo lập được những công đức thù thắng.
Theo như tầm nhìn hạn hẹp của cá nhân Quang Tử, dòng tộc Thích Ca bị tàn sát đương nhiên là do ác nghiệp đã thành thục từ quá khứ, nhưng không phải là không thể nào hóa giải, mà quan trọng hơn, đó là một bài học vô cùng ý nghĩa để lại cho hậu thế.
Chúng sinh cõi này đa số thường sinh tâm ỷ lại, thường thích đạt được những kết quả tốt đẹp, lớn lao… nhưng không muốn bỏ ra nhiều công sức, thay vào đó họ thích cầu xin thần Thánh ban phước, giải tội.. cho họ ( Như vậy rất là khỏe ! Ta có thể thấy những người như thế ở khắp nơi, khắp các tôn giáo, họ suốt ngày van xin thần Thánh, ỷ lại vào sự từ bi và thần lực của các Bậc Thánh, nhưng nếu nói họ bỏ công sức ra tu tập như lời dạy của Thánh Hiền, thì họ sẽ lảng tránh, thoái thác ) những người như thế không hiểu được rằng, dù các vị Thánh có thể dùng phước đức của các Ngài gia hộ cho họ, nhưng không phải là hoàn toàn, mà đó là một sự hỗ trợ, còn cái chính vẫn là bản thân mỗi người phải gắng sức tu tập, từ bỏ việc ác, siêng tu phước đức…chứ nếu một người thường xuyên làm việc ác, không lo tu tập, chỉ cần cầu xin Thần Thánh là mọi việc trót lọt, êm đẹp hết, bao nhiêu tội – nghiệp được tiêu trừ hết thì cần gì phải tu hành, cần gì phải lo sống tốt, cứ thế chỉ khiến cho xã hội ngày càng tệ hại hơn, càng chẳng có Đạo lí gì cả, đó không phải điều mà các Đức Phật, các Bậc Thánh muốn.
Sự kiện dòng tộc Thích Ca là một tiếng chuông dõng dạc cho những ai thích ỷ lại vào Thần Thánh , vào chư Phật mà không tự mình lo tu tập, lo sám hối ác nghiệp, lo tích chứa công đức. Họ nhìn vào đó mà nhận ra rằng ” Chính họ hàng thân tộc của Đức Phật, nếu có nghiệp xấu, cũng phải chịu quả báo như thường, ta nay chẳng phải thân thích của Phật, tạo ra ác nghiệp, nếu không tự thân lo tu tập, sám hối… chỉ trông mong van xin Phật mà lại có thể thoát được quả báo, thì thật vô lí”
Nhờ bài học này, người có trí, biết suy xét sẽ nỗ lực tự mình tu tập theo lời Phật dạy, thay vì chỉ biết van xin, ỷ lại vào Phật mà trông mong thoát tội được phước. Đó mới là điều quan trọng.
3. Ác nghiệp của mỗi người chúng ta, gây ra từ vô số kiếp trước là cực kì to lớn. May mắn cho chúng ta là khối ác nghiệp ấy không trổ ra cùng trong một kiếp ( như thế thì không ai chịu nổi hết) mà chúng rải ra trả từ từ trong nhiều kiếp, mỗi kiếp đều đã ấn định là có bao nhiêu nghiệp xấu, bao nhiêu phước báo sẽ trổ ra thành các việc thành bại,được mất, may rủi… trong đời.
Nếu một người khéo tu tập sám hối, tạo phước đức, thì ta có thể làm cho các nghiệp xấu được ấn định phải trả trong kiếp này tiêu mất, như thế ta sẽ thấy cuộc sông rất dễ chịu, không thấy các điều bất hạnh, mà toàn là an lành, hạnh phúc, may mắn. Song đó chỉ là kiếp này thôi, qua kiếp sau thì các món nghiệp từ vô số kiếp xưa vẫn tiếp tục phải trả, vẫn cứ bệnh tật, xui xẻo, đủ thứ đau khổ … dài dài nhiều kiếp.
Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người nào đó tu hành một cách quyết liệt, tích chứa công đức với một khối lượng khổng lồ, chứ không phải tu tàn tàn , sơ sài ?
Nếu tu một cách quyết liệt như thế, vậy thì, thay vì chỉ làm tiêu trừ các nghiệp được ấn định xảy ra trong kiếp hiện tại, người đó sẽ làm tiêu trừ, hao mòn cả cái khối nghiệp khổng lồ tích chứa từ nhiều kiếp xa xưa. Cái khối nghiệp ấy thay vì phải đọa vào địa ngục, súc sinh, hay phải chịu những quả báo thảm khốc như bị đâm, bị chém, tai họa khốc liệt… nhiều nhiều kiếp, thì nay nhờ quyết tâm tu tập, tạo ra những công đức vĩ đại… khối nghiệp từ xa xưa kia sẽ được gom lại, tiêu nhỏ lại thành một quả báo nhẹ hơn nhiều, người tu hành quyết liệt kia chỉ cần hứng chịu quả báo đó ( ví dụ như một vài căn bệnh, một vài trận đòn, một sự sỉ nhục…) thì các kiếp sau không phải gặp những ác báo liên miên nhiều kiếp nữa. Đây gọi là chuyển nghiệp nặng thành nhẹ.
Ta thường thấy những vị Đại tu hành nổi tiếng hay gặp những ác báo như thế, ví như Ngài Đường Huyền Trang ( Đường Tăng), cuối đời Ngài bị bệnh nặng. Trong giấc mơ ngài thấy thần hiện ra, nói với Ngài là nhờ trận ốm thập tử nhất sinh này, vô số tội nghiệp quá khứ liền được tiêu trừ cả. Như vậy, khối nghiệp cực lớn đã chuyển thành nghiệp nhẹ, trả một lần là xong, không dây dưa nhiều kiếp.
___________________
Văn Dự :
– Anh Quang Tử ơi cho em hỏi chút, “tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp tạm thời do nghiệp dẫn dắt”.
Chỗ “nghiệp dẫn dắt” là nghiệp nhiều kiếp trước, vậy toàn bộ suốt quãng đời của mình đến chết đều do nghiệp kiếp trước dẫn dắt mọi hành động cử chỉ, ý nghĩ đều vào khuôn khổ rồi, vậy nếu toàn bộ nghiệp kiếp trước dẫn dắt thì kiếp này mìh chỉ trả nợ thôi và vân vân thêm nhiều kiếp hết nợ nghiệp dẫn dắt nữa thì có một điểm dừng.
Và như nghiệp dẫn dắt, vậy ý nghiệp mìh vừa khởi lên trong kiếp này cũng đã bị Nghiệp quá khứ chi phối vào khuôn khổ phải không anh ?
Quang Tử :
– Nghiệp là một dòng nối tiếp nhau chứ không chia cắt rời ra kiếp trước – kiếp hiện tại – kiếp sau. Ta cần sửa lại là Nghiệp quá khứ ( tức là nghiệp đã tạo ) – Nghiệp hiện tại ( tức nghiệp đang làm) và Quả tương lai ( tương lai tính từ giây phút hiện tại, đến khi chết, và qua cả những kiếp sau, chứ không phải “toàn bộ suốt quãng đời của mình đến chết ” đâu, vì tính từ lúc này cho đến khi em chết, đó là tương lai rồi )
Trong đó, Nghiệp quá khứ chi phối RẤT LỚN đến hiện tại và tương lai, chứ không phải là TOÀN QUYỀN ấn định hiện tại và tương lai. Cái ta có thể thay đổi chính là những việc trong hiện tại, và nhờ đó, một phần ít nhiều của tương lai được sắp xếp lại.
Nói ‘một phần ít nhiều của tương lai’ là vì tương lai được hình thành bởi cả 2 : Nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Nếu hiện tại không có tạo phước tội gì đáng kể, thì tương lai sẽ y theo sự sắp xếp của Nghiệp quá khứ mà diễn ra.
Muốn tương lai thay đổi, không theo điều khiển của Nghiệp quá khứ nữa, ta cần nỗ lực tạo ra những Nghiệp lành trong hiện tại. Nỗ lực như thế nào ?
Đó là cần thuận theo Nhân quả, gieo trồng thật nhiều phước đức cả về thân – khẩu – ý, nhờ vậy, tương lai sẽ dần thay đổi theo ý muốn của ta.
Tóm lại, dù Nghiệp quá khứ đã ấn định như thế, nhưng nếu trong hiện tại ta biết cách và cố gắng, vẫn có thể thay đổi tương lai được không nhiều thì ít. Chứ nếu chỉ có một chiều : Nghiệp quá khứ ấn định cho hiện tại và cả tương lai, không thể thay đổi, thì vĩnh viễn chúng sinh không ai tu thoát khỏi luân hồi sinh tử được.
Tầng cơ bản là như thế, nhưng xét kĩ ở tầng sâu xa. Người mà có khả năng hiểu biết nhân quả, để biết cách và đủ sức làm thay đổi Nghiệp quá khứ, thì cũng phải là có phước trí tuệ gieo trồng từ quá khứ, chứ không phải là ngẫu nhiên. Và những người như thế không phải nhiều nhặn gì so với vô số người không biết.
Vậy truy nguồn gốc tiếp, vì đâu người này có phước trí tuệ đó? Người khác thì không?
Do vì có các bậc Thiện Tri Thức trong Phật Pháp giáo hóa (Thiện Tri Thức tối thượng là các Đức Phật, dưới là các vị Bồ Tát, các vị Thanh Văn, Duyên Giác, các đệ tử Phật, những người hiểu thấu Đạo lí…) một số người nghe theo lời dạy của các bậc Thiện Tri Thức mà tạo được phước trí tuệ . Nhờ đó đến kiếp sau trí tuệ mở ra, mới có thể tin hiểu được Nhân quả và thực hành theo Đạo lí, nhờ thế mới chuyển hóa được Nghiệp quá khứ.
Còn những người không nghe lời giáo hóa, thì không làm phước gì, vì thế trí tuệ không mở ra, không tin hiểu Nhân quả, không sống theo Đạo lí được, thì không sao mà có thể chuyển được khối Nghiệp khổng lồ của quá khứ , thế thì cứ y theo Nghiệp quá khứ mà trôi lăn, đầy đọa trong sinh tử.
Vậy truy nguồn gốc tiếp, vì đâu người này có duyên mà nghe theo lời các bậc Thiện Tri Thức, người khác thì không ?
Là do có nợ ân nghĩa với các bậc Thiện Tri Thức.
Các bậc Thiện Tri Thức muốn đem Đạo lí dạy cho chúng sinh, trước tiên cần gieo duyên khiến cho chúng sinh mắc nợ mình, sau này nói Đạo lí chúng sinh mới nghe theo. Nếu không có duyên có nợ gì, chúng sinh sẽ có trăm ngàn cách khác nhau để không nghe. Hoặc là không tin, hoặc là cảm thấy chán không muốn nghe, hoặc quên, hoặc lười nhác, hoặc bận việc, hoặc bị ngoại cảnh lôi kéo sang hướng khác, hoặc không hiểu, .v.v…. mà đơn giản nhất là không gặp, không tiếp xúc gì với các bậc Thiện Tri Thức.
Là do các bậc Thiện Tri Thức khi gieo duyên, không thể đồng loạt cứu giúp hết thảy chúng sinh, vì chúng sinh đông quá, nên sẽ có chúng sinh này được cứu giúp trước, chúng sinh kia thì phải để sau. Ví dụ như khi đi phóng sinh, ta bình đẳng muốn thả hết những con vật sắp bị giết trên đời, nhưng túi tiền có hạn, ta chỉ mua được một phần nhỏ trong số những con bị giết thôi. Kiếp sau chỉ những con vật được ta phóng sinh mới nghe theo lời ta nói, còn vô số những con không được ta cứu thì không nghe, mọi chuyện đơn giản là vậy.
Cầu siêu, hiến máu, bố thí, tặng quà. v..v.. đều sẽ như thế. Dù có cứu giúp cho mọi chúng sinh trong cả một Phật sát vi trần thế giới, thì cũng luôn còn vô lượng chúng sinh trong vô biên Phật sát vi trần thế giới khác chưa được cứu.
Quay lại vấn đề ban đầu, ở hiện tại kiếp này , nếu biết cách và dốc sức, thì có thể thay đổi một phần nào đó khối nghiệp quá khứ.
Chỉ một phần nhỏ thôi vì khối Nghiệp quá khứ vô cùng khổng lồ. Muốn thay đổi toàn bộ khối Nghiệp khổng lồ đó cần nỗ lực trong nhiều, rất nhiều kiếp sau nữa.
Trong đó, nghiệp về sức khỏe dễ chuyển nhất. Tiếp theo là nghiệp về tiền bạc, … khó chuyển nhất là phước trí tuệ, đây là món đắt giá nhất, quý báu nhất, nên phải gom số công đức vô cùng to lớn, tích lũy nhiều kiếp mới tăng tiến được.
Ví như cùng tạo công đức phóng sinh 1000 con rùa như nhau, một người cầu giàu có, thì vài chục năm thôi là nứt đố đổ vách rồi, một người khác cầu trí tuệ, thì sau mấy chục năm vẫn chưa thấy gì nhúc nhích. Qua nhiều kiếp sau mới nhích lên từ từ.
_____________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !