Hỏi :
– Ta làm một VIỆC NHƯ THẾ NÀO GỌI LÀ VIỆC THIỆN, VÀ LÀM VIỆC THIỆN NÀO THÌ ĐƯỢC PHƯỚC VIỆC NÀO KHÔNG ĐƯỢC PHƯỚC. Giữ giới có được phước không ?
https://youtu.be/6NPL5ExV2tA?t=18s
Đáp :
Làm việc thiện là làm cho chúng sinh bớt khổ cho đến hết khổ. Như bố thí tài vật là làm cho kẻ khác đỡ khổ do túng thiếu, chữa giúp cho người bệnh tật là giúp họ bớt khổ về thân xác, phóng sinh là giúp chúng sinh thoát khổ dao thớt chiên xào.v.v…. Giữ giới không sát sinh là tránh đau khổ do giết hại cho chúng sinh ngay từ đầu. Các giới khác cũng tương tự… Bố thí pháp, đặc biệt là chánh pháp của Đức Phật có thể đưa con người ta đến chỗ chấm dứt mọi đau khổ nên là công đức vĩ đại nhất.
Như thế cả bố thí ( bao gồm bố thí tài vật, công sức, thời gian, bố thí sự an toàn, bố thí pháp…) và giữ giới, không làm những việc tổn hại tới mình, tới các chúng sinh khác đều là việc thiện. Mà hễ là việc thiện thì đều có phước, cho dù giữ giới tưởng như chưa ảnh hưởng tới ai nhưng vẫn tạo ra phước, trong kinh Hiền ngu có chuyện 2 người nhờ giữ 8 giới Bát quan trai mà người được làm vua ,người được sinh thiên, và còn rất nhiều chuyện khác.
Và ta cần lưu ý, có những việc tưởng như có phước, như bao người khác ăn nhậu, đàng điếm… thấy giống như bố thí nhưng không có phước, chỉ có tội và nợ thôi, vì những việc đó khiến chúng sinh chìm sâu thêm trong đau khổ chứ không có bớt khổ, như thế là bất thiện, và còn phải lưu ý khi làm thiện cho chúng sinh này mà hại tới nhiều chúng sinh khác, như vậy coi như bị lỗ, nên tránh, nếu bắt buộc phải chọn lựa thì nên chọn việc hại ít chúng sinh mà có thể làm lợi nhiều hơn cho nhiều chúng sinh khác.
____________________________
Hỏi :
– Phước và đức có khác nhau như thế nào?
Đáp:
– Phước là quả báo của việc thiện, còn đức là cái tốt trong tâm. Hai cái có khi đi chung, có khi không đi chung. Về cơ bản, đức sinh ra phước, như người hào phóng (đức) sẽ được giàu sang ( phước), nhưng cũng có khi phước sinh ra đức như người cúng dường tượng Phật ( phước ) nhờ đó kiếp sau trở thành người hiền thiện. Đức & phước khi không đi chung với nhau hay gây ra sự hoài nghi về nhân quả, nhưng đây là điều vẫn hay xảy ra, do có rất nhiều trường hợp phức tạp, đơn cử như người làm phước vì động cơ xấu, như tặng quà cho trẻ mồ côi để tạo danh tiếng tốt, cứu trợ bão lụt vì mục đích quảng cáo… những người đó sau này sẽ giàu có mà rất ích kỉ và huyênh hoang, tự đại. Hoặc những người đức độ mà chịu nhiều khổ sở, ta nên biết trong quá khứ vô lượng kiếp, không phải lúc nào họ cũng đức độ như vậy, kiếp xưa họ cũng đã tạo nhiều ác nghiệp vậy, nên hiện tại họ vẫn phải chịu ác nghiệp, còn nhờ cái đức hiện tại mà tương lai họ sẽ có quả báo tốt đẹp trong tương lai. Vấn đề này rất phức tạp, cần phải viết nhiều quyển sách mới diễn tả hết được,không thể nói hết trong một vài câu.