BÀI HỌC THÀNH CÔNG TỪ CÂY TRE – phần 2 – Tiên bồi âm thịnh, hậu dương tất thái

0
46

– Câu chuyện thật thú vị. Song ẩn ý sâu xa trong đó hẳn có rất nhiều, anh Quang Tử có thể phân tích giúp em được không ?

(Nếu bạn chưa đọc Phần 1, có thể bấm vào link dưới để xem lại

>>>> Bài học thành công từ cây tre – Phần 1 <<<<

– Câu chuyện ngụ ngôn về cây tre này, bạn hãy lưu ý mấy điểm sau:

Điều thứ nhất: Thành công không phải là cuộc chạy đua tốc độ

Cuộc sống hiện tại rất hối hả, người người khoe khoang trên mạng xã hội đủ thứ xe sang, hàng hiệu, sổ đỏ, kim cương… khiến cho cả xã hội như muốn rạo rực lao vào một cuộc đua đi tìm thành công, giàu có. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh mà soi xét lại cho kỹ. Có phải họ rất giống với cái cây thứ nhất, lớn rất nhanh trong câu chuyện ?

Nó dốc hết dinh dưỡng mình có để nhanh chóng vươn cao đầy kiêu hãnh, nhưng lại không đầu tư đủ cho bộ rễ – nền móng của chính mình. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những người như thế quanh mình, hoặc nhan nhản trên báo chí, mạng xã hội. Họ rất hào nhoáng, cuộc sống vương giả, xa xỉ khiến ai cũng thèm thuồng, nhưng rồi bỗng chốc có thể sụp đổ chỉ sau một đêm.

Đừng quá trầm trồ khi người ta khoe vàng, khoe xe rồi bỏ hết mọi thứ chạy theo họ làm gì. Chỉ phút chốc thôi, tất cả có thể sẽ bay sạch. Một số còn phải vào nhà đá bóc lịch, kiểu như Mr.Pips – Phó Đức Nam, hay Trịnh Văn Quyết chẳng hạn.

Bạo phát thì bạo tàn

Nhắc đến “thành công”, ai cũng tìm kiếm cách nào nhanh nhất, dễ nhất, chứ không hiểu rằng, “BỀN VỮNG” mới là chìa khóa quan trọng. Bạo phát thì bạo tàn. Bất chấp để chạy theo những thứ hào nhoáng nhanh có được, thì cũng sẽ nhanh chóng gục ngã trước sóng gió cuộc đời. Người biết xác định đâu là GỐC RỄ, đầu tư vào đó mới chính là người mỉm cười đến cuối cùng.

 Điều thứ hai, đó là chiến lược: “Tiên bồi âm thịnh, hậu dương tất thái”

Có lẽ bạn mới nghe thấy câu này lần đầu. Không sai, tôi chỉ vừa mới nghĩ ra thôi. Nhưng triết lý của nó thì vốn đã lâu đời, là rút ra từ đạo lý Âm Dương của triết học Trung Hoa. Nó hơi tương đồng với một câu nổi tiếng trong nghề phong thủy “Tiên tích đức, hậu tầm long”

Gốc rễ, nền tảng mà tôi nói đến ở trên, là phần khó nhận thấy, thuộc về Âm. Những thành tựu phô diễn ra bên ngoài dễ dàng nhận thấy, như nhà cửa, xe hơi, chức danh, diện mạo… thuộc về Dương. Âm vốn là gốc rễ giúp cho Dương dựa vào đó mà phát triển. Thế nên, xác định chiến lược khôn ngoan cho sự thành công, phải theo trình tự sau:

Bước khởi đầu, hãy “Tiên bồi âm thịnh”, nghĩa là trước tiên phải tích lũy, vun bồi nền tảng bên trong, kiên trì như thế suốt một thời gian dài cho Âm cường thịnh. Độ sâu dày của Âm, tỉ lệ thuận với khả năng vươn cao của Dương. Hãy nhìn bộ rễ tre sâu và rộng đến cả trăm mét, thế thì vươn cao mấy chục mét có khó gì?

Một khi đã vun bồi bộ rễ quá sâu rộng rồi, thì chỉ chờ đến đúng thời điểm, là tự động sẽ bước sang giai đoạn thứ 2: “Hậu dương tất thái.”

“Hậu dương tất thái” – nghĩa là những thành quả bên ngoài, dễ thấy sẽ đến sau – chúng là kết quả tất yếu phải đến, chứ không phải tìm cách tranh giành, hay chờ đợi vận may mà có được.

Lợi ích khác khi sở hữu một nền tảng sâu chắc, đó là khả năng chống chịu trước nghịch cảnh cực kỳ bền bỉ. Cuộc đời thì cái có sẵn nhất, đó chính là khó khăn, là bão tố. Dù cho có tránh thế nào, thì rồi ai cũng đến ngày phải gặp. Nhưng một khi “bộ rễ” của ta đã quá sâu chắc, thì bão tố nào có kéo đến, ta cũng sẽ kiên cường vượt qua được. Giống như cây tre trong chuyện, có thể vững vàng trước cơn bão, trong khi các cây khác bị quật đổ. Đó chính là bí quyết của sự bền vững.

– Vâng, vậy thì cái gì mới là gốc rễ của thành công ?

Điều thứ 3: Đâu là gốc rễ thực sự của thành công ?

Nếu chỉ xét theo góc nhìn đơn thuần trong một đời người, thì gốc rễ của thành công chính là tài năng, kiến thức, các tố chất trong tính cách, vốn liếng v.v… trước khi khởi nghiệp.

Hiểu theo cách này, thì muốn thành công, cần bỏ thời gian nhiều năm để trau dồi tài năng, tích lũy kiến thức phong phú, sâu rộng, không ngừng nâng cấp những tố chất, những kỹ năng của bản thân, như kỹ năng tư duy, kỹ năng thuyết phục .v.v… đồng thời cũng phải tích lũy một lượng vốn ban đầu, sẵn sàng bứt phá khi cơ hội đến.

Ấy nhưng thực tế, thì những thứ trên vẫn chưa phải bộ rễ thực sự, nó mới chỉ là cái gốc thôi. Ta có thể tìm thấy rất nhiều người đã hội tụ đủ những điều trên, xong cả một đời vẫn thất bại, dù đã cố gắng rất nhiều. Đó là vì bộ rễ thực sự của thành công, nằm trong tay luật Nhân Quả sắp xếp.

Nói đến luật Nhân Quả, sẽ liên quan đến khái niệm Luân hồi nhiều kiếp, chắc sẽ nhiều người bắt đầu hồ nghi và đòi hỏi một sự chứng minh thỏa đáng. Điều này tôi đã chứng minh và phân tích cặn kẽ trong cuốn “Thấu hiểu luật Vũ trụ”, bạn có thể tìm đọc. Ở đây, tôi sẽ không chứng minh lại để làm tốn thời gian, mà sẽ nói thẳng vào bí quyết:

PHƯỚC BÁO – được tích lũy thông qua những việc thiện lành trong suốt nhiều kiếp – chính là gốc rễ của mọi sự thành công.

Tất cả những người tài giỏi, thành đạt, thành danh mà chúng ta thấy trong xã hội, chiếu theo Nhân quả nghiệp báo, đều chính là những người trong kiếp xưa đã từng bố thí, giúp đỡ, tạo phúc rất nhiều. Nỗ lực tạo phúc bao nhiêu thì sau này thành công lớn bấy nhiêu. Kiên trì tạo phúc bao nhiều thì sau này thành công bền bỉ bấy nhiêu.

Kiếp đó có thể họ chả có gì nổi bật, y như cây tre trong 4 năm đầu, chả ai thèm nhìn. Phải ẩn nhẫn suốt một thời gian dài nhiều kiếp đến hiện tại, họ mới thành đạt đến thế, khiến cho người người phải ngước nhìn.

Trong sách “Thấu hiểu luật Vũ trụ”, có một ví dụ sống động cho điều này. Đó là trường hợp ông Võ Thủ Huồng. Kiếp đó ông vốn là người Việt, bao nhiêu năm siêng năng tạo phúc, xây cầu, làm đường, bố thí, cứu trợ dân nghèo đủ cách thức. Thế nhưng đến cuối đời thì chưa ai thấy phúc báo gì đáng kể đến với ông. Phải chờ qua đến kiếp sau, ông chuyển kiếp sinh làm thái tử nhà Thanh, lớn lên nối ngôi vua, hiệu là Đạo Quang, thì người ta mới chứng kiến cả một đời vinh hiển của ông ấy.

Cần phải nhìn một cách tổng thể như vậy, ta mới hiểu bản chất của vấn đề. Phật Pháp đúng là có bí quyết giúp bạn đạt được thành công. Đó là siêng năng hành thiện, kiên trì tạo phúc. Nhưng muốn nhanh là điều không thể. Cái gì cũng cần thời gian tương xứng. Liệu bạn có muốn thành công đến với bạn thật nhanh, rồi ra đi cũng thật nhanh không ?

– Vâng, xin cảm ơn. Em đã hiểu và không còn muốn nhanh chóng thành công nữa. Bạo phát thì bạo tàn, em không muốn mình có một cái kết như vậy. Em sẽ học cách kiên trì, bền bỉ tích lũy cho “bộ rễ” của mình.

– Rất tốt, mừng cho bạn đã sớm nhận ra bài học của cây tre. Hãy vun bồi cho gốc rễ của bạn, khi thời điểm đến, bạn sẽ vươn cao, vươn xa một cách bền vững. Chúc thành công sẽ đến và ở lại với bạn lâu dài.

(Quang Tử)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận