Home HỎI ĐÁP CÁC QUẢ VỊ THÁNH TRONG PHẬT PHÁP

CÁC QUẢ VỊ THÁNH TRONG PHẬT PHÁP

0
3131

Tiến Hùng :
– Tôi đọc trong kinh thấy ghi Thanh Văn, Bích Chi Phật…tìm hiểu thi thấy ghi không rõ lắm. Lâu nay cứ nghĩ Bích Chi Phật là quả vị giữa Bồ Tát và Phật, xong hóa ra không phải, nhờ anh Quang Tử giải thích giùm nhé !
Quang Tử:
– Bạn thân mến, để chứng được quả vị Thánh trong Đạo Phật – hay chính xác là toàn vũ trụ, có 3 con đường chính, đưa đến các Thánh quả khác nhau, trong kinh thường gọi là giáo lý Tam Thừa.
Một là Thanh Văn Thừa, tu hành viên mãn sẽ lần lượt chứng được 4 quả vị Thanh Văn, trong đó cao nhất là A La Hán.
Hai là Duyên Giác Thừa, tu hành viên mãn sẽ chứng được quả vị Duyên Giác, còn gọi là Bích Chi Phật, hay Độc Giác Phật.
Ba là Phật Thừa, hay cũng gọi là Bồ Tát Đạo, tu hành viên mãn sẽ chứng được quả vị Phật.
Sau đây sẽ nói rõ hơn một chút :
1. THANH VĂN :
MỤC ĐÍCH TU HÀNH LÀ CẦU THOÁT LY SINH TỬ
Một vị tu theo Thanh Văn Thừa bắt buộc phải dựa vào giáo lý của một đức Phật dạy mới chứng đạo được, trọng tâm là dựa trên giáo lý Tứ Diệu Đế – gọi là Thanh Văn (thanh là âm thanh, văn là nghe, ý chỉ các vị này phải nghe âm thanh thuyết pháp của Phật mới chứng đạo được, hiểu rộng là dựa vào giáo lý của Đức Phật )
Thanh Văn gồm 4 quả vị, lần lượt từ thấp lên cao là :
– TU ĐÀ HOÀN, chứng quả vị này rồi chờ lâu nhất 7 kiếp sẽ chứng A La Hán, thoát khỏi luân hồi. Quả vị này còn gọi là Nhập Lưu.
– TƯ ĐÀ HÀM, chứng quả vị này rồi chờ lâu nhất 2 kiếp : 1 kiếp sinh lên trời, 1 kiếp sinh xuống nhân gián sẽ chứng A La Hán, thoát luân hồi. Quả vị này còn gọi là Nhất Lai.
– A NA HÀM, chứng quả vị này rồi không trở lại nhân gian nữa, chết rồi sinh lên cõi trời, ở đó sẽ chứng A La Hán, thoát luân hồi. Quả vị này còn gọi là Bất Lai.
– A LA HÁN, quả vị cao nhất của hàng Thanh Văn, không phải chờ gì hết, chứng A La Hán là vị này đã thoát luân hồi luôn trong kiép đó, tùy ý định đoạt việc sống hay chết của mình.
Một vị A La Hán có đủ 6 thần thông, dứt trừ hết các ràng buộc với sinh tử, không bao giờ cảm thấy đau khổ dù gặp chuyện khủng khiến đến mức nào, vì các Ngài đã tách rời với cảm xúc – cảm giác.
Nếu muốn, một vị A La Hán vừa chứng quả lập tức có thể bỏ thân xác, nhập vào Niết Bàn ( Niết Bàn của hàng Thanh Văn, không phải của Phật – Bồ Tát )
Nếu không muốn, vị A La Hán có thể duy trì tuổi thọ không bao giờ chết, không có bất cứ gì phá hủy thân thể được , trừ khi có nghiệp chướng gì ghê gớm lắm thì đành chịu cho thân xác trả nghiệp bệnh chết, giống như ngài Mục Kiện Liên … xong vị đã tách rời với Thọ Ấm – cảm xúc – cảm giác, nên nhìn bên ngoài gặp nghịch cảnh khủng khiếp như thế nào, thì bên trong các Ngài chả thấy sao cả, bình thản nhập Niết Bàn.
Hiện tại có ít nhất một vị A La Hán từ thời Phật Thích Ca chưa có bỏ thân (chết), vẫn sống cho đến khi Phật DI Lặc ra đời, đó là ngài Đại Ca DIếp. Ngài được Phật Thích Ca giao cho một tấm y áo của Phật, rồi ngài dùng thần thông tách một quả núi tên Kê Túc ra, bước vào trong ngồi thiền định, khi nào Phật Di Lặc ra đời sẽ xuất định và đem tấm y đó cúng dường Phật Di Lặc.
2. DUYÊN GIÁC
MỤC ĐÍCH TU HÀNH CŨNG LÀ CẦU THOÁT LY SINH TỬ.
Một vị Duyên Giác có thể tự sức mình tu hành đắc đạo nhờ pháp môn quán 12 nhân duyên, nên gọi là Duyên Giác.
Vị này còn gọi là Độc Giác Phật, hoặc Bích Chi Phật. Tương tự như quả vị A La Hán, chứng quả vị Duyên Giác là đã thoát ly được luân hồi sinh tử, xong cao hơn A La Hán một bậc.
Xét về địa vị – hạnh nguyện thì không cao quý như Bồ Tát, dù là tiểu Bồ Tát mới phát tâm. Xét về mức độ định lực – thần thông, thì chỉ thua Bát Địa Bồ Tát trở lên.
Theo quy củ, đối trước một vị Bồ Tát dù thấp nhất, chưa có thần thông, định lực, các vị Thanh Văn, Duyên Giác vẫn phải thể hiện sự kính trọng, giống như quan tể tướng dù bao nhiêu tuổi, bao nhiêu công lao, trình độ như thế nào, đứng trước hoàng tử mới sinh, vẫn phải cung kính hành lễ.
So với hàng Bồ Tát đã không thể, vậy nên chắc chắn là thấp hơn nhiều so với quả vị Phật Toàn Giác, nếu muốn so sánh thì như một tia sáng mặt trời khi so với toàn bộ mặt trời.
Một vị Bích Chi Phật do căn cơ siêu đẳng, không cần sinh vào thời có giáo pháp của Phật mới chứng quả như các vị A La Hán, mà có thể sinh vào các thời điểm không có Đức Phật, hoàn toàn không có giáo pháp của Phật, tự mình tu cũng có thể chứng Đạo nhờ pháp môn Quán 12 Nhân Duyên, thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Thường các vị Bích Chi Phật trong vô số tiền kiếp không có gieo duyên giáo hóa với chúng sinh nhiều như các vị Bồ Tát, thường tập trung lo tu hành cầu giải thoát thôi, nên khi chứng đạo chỉ hóa độ được một số người, hoặc không giáo hóa được ai, hết thọ mệnh của thân xác, thì nhập vào Niết Bàn (Niết Bàn của hàng Bích Chi Phật- khác với Đại Niết Bàn của Phật Toàn Giác- Bồ Tát )
Do không hóa độ được nhiều nên còn gọi là Độc Giác Phật
3. BỒ TÁT
MỤC ĐÍCH TU HÀNH LÀ : TRÊN CẦU THÀNH PHẬT VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG GIÁC, DƯỚI CẦU CỨU ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SINH THOÁT KHỎI LUÂN HỒI SINH TỬ.
Khởi đầu Bồ Tát Đạo là khi một vị bắt đầu phát nguyện cầu cho chính mình sẽ thành Phật, hoặc nguyện độ hết tất cả chúng sinh thoát luân hồi, hoặc cả hai. Và khi tu hành viên mãn thì sẽ thành một Đức Phật Toàn Giác, như Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư.
Thực ra thì 2 điều nguyện cầu thành Phật hay cầu độ sinh, chỉ như 2 mặt của một bàn tay, vì một vị Phật thì đương nhiên sẽ độ tất cả chúng sinh, còn khi một vị đã phát tâm độ tất cả chúng sinh, thì đương nhiên cũng sẽ thành Phật.
( Cụ thể có bao nhiêu cách phát nguyện Bồ Đề như thế nào bạn có thể xem kinh Bi Hoa )
Sau khi phát Bồ Đề Nguyện, vị đó sẽ phải trải qua ít nhất 3 a-tăng-kì kiếp tu Bồ Tát Đạo (1 a-tăng-kì kiếp là bao lâu, Quang Tử sẽ nói ở phần cuối bài)
Một vị Bồ Tát sẽ gieo duyên & hóa độ vô số chúng sinh, tạo ra công đức vô biên vô lượng không thể đong đếm, suy lường, tu học đủ mọi pháp môn, trong đó lấy trọng tâm là 6 pháp Ba La Mật – tức Lục độ Ba La Mật, gồm :
– Bố thí Ba La Mật
-Trì giới Ba La Mật
– Nhẫn nhục Ba La Mật
– Tinh Tấn Ba La Mật
– Thiền định Ba La Mật
– Bát Nhã Ba La Mật
Nghe thấy từ bố thí, trì giới … giống như cách mà người bình thường cũng nhiều người đang cố gắng tu, có bố thí, có trì giới, nhưng mà không có giống Bố thí Ba La Mật, Trì giới Ba La Mật… đâu, tính chất – trình độ Ba La Mật khác biệt vô vàn.
Nói đơn giản vậy thôi chứ phàm phu như Quang Tử không thế biết được, Đức Phật phải dùng biết bao nhiêu kinh điển khổng lồ để miêu tả như kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Đại Bát Nhã, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật v.v… và v.v… đọc hết thôi cũng đứt hơi chứ chưa nói đến hiểu.
Lần lượt tiến tu từ Bồ Tát Sơ Phát Tâm, đến Bồ Tát Tân Học rất lâu xa nhiều kiếp, rồi tiếp đến trải qua 52 địa vị Bồ Tát, ở tầng cao nhất có Nhất Trú Bổ Xứ Bồ Tát – tức là vị Bồ Tát đã xác lập & chuẩn bị gần xong cõi thế giới khi thành Phật, chỉ chờ ngày sinh xuống để thành một Đức Phật – giống như Phật Di Lặc đang ở cung trời Đâu Suất, chờ khoằng trăm triệu năm nữa hạ sinh thành Phật.
Còn có các Đức Phật, đã thành Phật nhưng không phải ở đâu các ngài cũng hiện ra hình tướng của một Đức Phật, mà còn thị hiện nhiều loại hình tướng khác không ngừng hóa độ chúng sinh như một vị Bồ Tát, gọi là DIệu Giác Bồ Tát, như Quán Thế Âm Bồ Tát là vị nổi tiếng mà ai cũng biết. ( Ngài từ lâu đã thành Phật, danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, bạn có thể nghiên cứu trong kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni để biết)
Còn về thời gian 3 a-tăng-kì kiếp, khỏang thời gian ít nhất để một vị tu từ lúc đang là phàm phu, bắt đầu khởi phát nguyện Bồ Đề, trở thành Bồ Tát Sơ Phát Tâm, đến khi thành Phật, là một thời gian rất lâu xa, dùng toán học người bình thường không hình dung được, nên Đức Phật dùng ví dụ :
Ví như có một tảng đá vuông, chu vi của bề mặt là 40 dặm, cứ mỗi một trăm năm, có một vị tiên trên trời hạ xuống, lấy vạt áo rất nhuyễn nhẹ mà phất qua một lần, rồi trở về. Một trăm năm sau mới xuống phất nhát tiếp theo …. cứ thế phất đến chừng nào khối đá mòn sạch sẽ, là một a-tăng-kì kiếp. Do ví dụ này còn gọi là Kiếp Bàn thạch.
Nghĩa là một vị Bồ Tát từ lúc mới phát tâm, tu hành trải qua ít nhất 3 khối đã đó mới viên mãn thành Phật, chưa tính các vị Bồ Tát phát tâm lâu xa hơn. Hiểu được như thế, chúng ta mới có thể thấy một vị Bồ Tát, một vị Phật tu hành viên mãn chứng được Đạo quả, thực sự là vĩ đại đến nhường nào, ngôn từ thế gian khó lòng mà miêu tả cho hết được. Mong rằng mọi người đệ tử Phật đều sẽ nối bước theo các Ngài, lần lượt sẽ tu hành viên thành Phật đạo, làm mặt trời trí tuệ soi sáng cho muôn loài chúng sinh.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Hãy góp ý cho Quang Tử về bài viết!x