Cuộc sống của chúng ta đang sống có hàng trăm ngàn các mối duyên chằng chịt đan xen vào nhau vô cùng phức tạp, nào vợ chồng con cái, nào cha mẹ ông bà, họ hàng nội ngoại, nào sếp với đồng nghiệp, bạn bè với hàng xóm … cho đến người lạ. Và tôi dám chắc bạn biết rõ sự khác nhau ghê gớm như thế nào giữa các mối quan hệ ấy.
Có những mối thân tình giúp cuộc sống của bạn tươi đẹp hơn, cũng có những mối quan hệ độc hại, khiến bạn lao đao, khốn đốn. Nguyên nhân gì khiến mọi người đến với nhau ? Và tại sao có những mối quan hệ ngày càng khăng khít hơn, trong khi có những mối quan hệ ban đầu tốt đẹp, sau lại trở mặt với nhau, thành ra kẻ thù ?
NGUỒN GỐC – PHÂN LOẠI
“Hễ gặp nhau là có duyên”. Hẳn sẽ có rất nhiều người nghĩ như vậy. Điều đó đúng, xong không phải là luôn như vậy. Duyên nợ không phải một thứ cố định, sắp đặt rằng ta kiếp nào cũng chỉ gặp được những người có duyên nợ từ quá khứ. Phải có “duyên mới” thì dần tiến tới thành “duyên cũ” được chứ ? Nếu không thì những duyên cũ từ đâu mà ra ? Vậy nên ta chia thành 2 loại:
Thứ nhất: Duyên cũ từ tiền kiếp
Đó là kiếp này gặp do tiền kiếp ta và người đó đã có mối quan hệ thân bằng quyến thuộc gì đó, hoặc có mối duyên nợ ân oán gì đó. Thường khi gặp lại kiếp này, sẽ trở thành những mối quan sâu nặng như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn thân… hoặc ở phía đối lập, là kẻ thù sống mái.
Hầu như những mối quan hệ sâu đậm đều có nhân duyên từ trước. Có thể họ đến để báo ân, đòi nợ hoặc thực hiện lời nguyện từ kiếp trước… hay đơn giản chỉ là tiếp nối cái duyên cũ mà thôi.
Thứ hai: Duyên mới.
Đó là từ hai đối tượng chưa hề có tương tác gì với nhau trong quá khứ nhiều kiếp, nhưng hiện tại do một yếu tố môi trường nào đó kéo hai bên xích lại gần nhau, tạo ra một mối lương duyên mới. Sau nhiều kiếp bồi đắp, thì duyên mới sẽ ngày càng gắn bó hơn, khi đó, có thể coi đây là duyên cũ rồi. Vậy có những trường hợp nào để tạo nên một duyên mới ?
Có rất nhiều. Vô vàn trường hợp để chúng ta bắt đầu một duyên mới, tuy nhiên tôi có thể liệt kê ra một số cách cơ bản như sau:
Cùng có phước nghiệp tương đồng:
Những người, những chúng sinh có chung phước-nghiệp sinh ở một chỗ, có thể gặp nhau tương tác qua lại mà hình thành duyên.
Như cùng sinh ra làm người, đều ở tại Trái Đất, gần hơn nữa thì đều sinh ra tại Việt Nam hoặc sinh ra tại một tỉnh, một thành phố, một huyện một xã, hay cùng đi trên một chuyến tàu, cùng đi xem phim trong một rạp chiếu .v.v… tóm lại là cùng xuất hiện trong một môi trường nào đó, và có thể tương tác với nhau ít nhiều.
Rồi thêm một số yếu tố xúc tác như vẻ ngoài lôi cuốn, hay tố chất nổi bật nào đó, nhìn thấy nhau dễ thương, dễ mến thì khởi lên một chút thiện cảm, hình thành duyên mới, gọi là sơ duyên.
Ví dụ, cùng sinh ra trong một xã, bạn biết cô gái kia, cô gái kia cũng biết bạn nhưng không quen, không thân, không nói chuyện, không có mối quan hệ gì ràng buộc, chỉ là thấy cô ấy đẹp nên lâu lâu nhìn trộm một chút, rồi khởi một vài ý nghĩ ao ước, yêu đương gì đó. Xong chẳng bao giờ gặp lại trong kiếp ấy.
Tuy rất qua loa, xong đó lại chính là manh nha để dần hình thành lên những lần gặp sau ở những kiếp xa xôi nào đó.
Một ví dụ khác, bạn là người yêu động vật, ở gần nhà bạn hay có những chú chó chạy lang thang ngoài đường, bạn gặp thường gọi lại, xoa đầu vuốt ve một cách trìu mến, cũng sẽ tạo thành duyên mới. Vì sinh tâm quý mến, nên kiếp sau gặp lại thường sẽ vui vẻ với nhau, gọi là thiện duyên.
Xong cũng có khi ngược lại, do khi gặp mà sinh tâm khó chịu, ghét bỏ, thì khi gặp lại ở kiếp khác thường có ác cảm.
Ví dụ đi ngoài đường, một ông lão trông thấy một cậu trai trẻ ăn mặc lố lăng, vẻ mặt dễ ghét, ông sinh tâm ghét bỏ, khởi ý nghĩ : “Thằng này mà phải con tôi, tôi đánh cho nhừ tử”. Với ý nghĩ ấy, hai người đã hình thành một ác duyên, sẽ gặp nhau trong những kiếp sau, và ông lão sẽ đánh chàng trai kia nhừ tử, theo đúng ý nguyện của ông, từ đó oan oan tương báo nối tiếp.
Cùng có duyên với một đối tượng:
Nố giống với định luật bắc cầu, A có duyên với B, B lại có duyên với C, do thường gặp B, nên A và C dần dần hình thành duyên.
Ví dụ trong một tiệc cưới, do cùng quen biết cô dâu chú rể được mời đến dự tiệc, bạn và anh chàng xa lạ kia cùng ngồi chung một bàn, có nói đôi ba câu chào hỏi, sau đó ăn xong ai về nhà nấy, từ đó chẳng gặp lại nhau, lâu dần quên nhau luôn. Đây cũng có thể xem là một duyên mới.
Cùng sở thích, đồng chí hướng:
Những người có cùng sở thích, chí hướng sẽ thường lui tới những môi trường chung, nơi mà sở thích, chí hướng của họ được phát huy, từ đó gặp nhau mà tạo ra duyên.
Như người thích âm nhạc thường tụ hội ở những nhạc hội; người thích sách thường tụ hội ở thư viện, nhà sách; những người mến mộ Phật Pháp, thường đi chùa, tham gia các diễn đàn Phật Pháp … từ đó có cơ hội tương tác với nhau mà hình thành, phát triển các duyên mới.
Ví dụ trong một buổi giảng pháp tại một chùa nào đó, bạn và người bên cạnh không quen biết gì nhau, không để lại ấn tượng gì, chỉ đơn thuần do nghĩ cùng là con Phật với nhau, nên dễ đồng cảm, hai bên lịch sự mỉm cười chào một lần rồi thôi. Về nhà bạn cũng quên luôn không nhớ gì. Đây cũng có thể hình thành một duyên mới.
Trên đây là vài lời tóm gọn, để bạn dễ hiểu, chứ thực tế sẽ còn phức tạp hơn nhiều lần.
Như vậy, những nhân duyên chúng ta gặp trong đời, không chỉ có duyên cũ gặp lại, mà còn phát sinh nhiều duyên mới. Nếu là 100% chỉ là những nhân duyên cũ, thì trong vô lượng kiếp, chúng ta sẽ chỉ quen biết, và tương tác với một nhóm nhỏ người mãi thôi. Nhưng thực tế không phải vậy, chúng sinh có vô biên vô lượng duyên nợ dày đặc với khau, không chỉ ở một thế giới, mà là khắp vũ trụ.
Tóm lại, có rất nhiều kiểu cơ hội khác nhau để hai đối tượng gặp – tương tác với nhau mà dần hình thành duyên nợ, gọi là cơ duyên.
Nếu chỉ là gặp và khởi niệm ưa thích, muốn gặp, muốn tiếp xúc nữa thì sẽ tạo ra thiện duyên.
Nếu gặp mà có ác cảm, khởi niệm ác ý với nhau, cũng sẽ tạo ra duyên, xong là ác duyên, gặp nhau để gây hấn, cà khịa.
Nếu có thêm các hành động như một người giúp đỡ, thi ân, tạo lợi ích cho một người (rộng ra là một chúng sinh giúp đỡ một chúng sinh khác) thì không chỉ là duyên, mà sâu hơn một bậc, trở thành nợ, gọi là nợ ơn.
Ngược lại, khi một bên tổn hại bên kia, bất kể là tinh thần, hay vật chất, bất kể là thân, khẩu, ý, cũng sẽ tạo ra nợ, mà là nợ oán.
Bất luận nợ ân hay nợ oán, kiếp sau con nợ đều sẽ phải đền trả cho chủ nợ đầy đủ cả vốn lẫn lãi theo hàng ngàn kiểu khác nhau mà luật Nhân quả an bài, rất khó mà kể hết.
Duyên và Nợ, sẽ song song đồng hành cùng nhau, gắn kết hoặc chia rẽ các mối quan hệ của chúng sinh một cách vô cùng phức tạp. Có khi ban đầu gặp, hai người có duyên mà không nợ, có khi có nợ mà không duyên, hoặc đồng thời có cả duyên lần nợ.
Từ một mối sơ duyên trở thành những duyên sâu đậm, có thể sẽ phải trải qua hàng trăm lần hội ngộ ở rất nhiều kiếp cách xa nhau, ngày càng tương tác mạnh hơn.
Kiếp đầu gặp nhau, chỉ là mỉm cười chào. Kiếp sau gặp sẽ có thể nói chuyện đôi ba câu. Nếu hợp, kiếp sau gặp tiếp có thể sẽ giúp nhau vài việc lặt vặt, như lấy giùm nhau món đồ, chỉ đường giúp vài câu…
Kiếp tiếp theo, do có chút nợ, hai bên sẽ có xu hướng giúp qua giúp lại, như gặp nhau đúng lúc xe bị hư giữa đường, nên một người dừng lại sửa xe giúp một người chẳng hạn.
Cứ thế ân tình có thể sẽ ngày càng lớn, nhiều kiếp sau trở thành những duyên sâu đậm như cha mẹ -con cái, vợ chồng, anh chị em ruột, bạn thân chí cốt…
Lưu ý là chỉ “có thể” thôi nhé. Ở đây ta cần làm rõ câu hỏi này : Liệu có duyên có nợ rồi, thì sẽ ở bên nhau, gắn kết vui vẻ mãi không ?
Không !
Vì hai bên có chịu cư xử tốt, tạo thiện cảm với nhau hay không, còn tùy thuộc vào cái ĐỨC của mỗi người, chứ không phải cứ có duyên thì người ta sẽ cư xử tốt với nhau mãi. Các cặp vợ chồng đã kết hôn được với nhau, thì ai mà chẳng có duyên nợ sâu đậm, nhưng vì cớ gì mà trong rất nhiều gia đình, vợ chồng sau nhiều năm sống chung, quan hệ trở nên tồi tệ, không thèm nhìn mặt nhau ?
Nếu so sánh, thì các duyên cũ gặp lại, dễ dàng trở nên sâu đậm hơn so với duyên mới. Nhưng không phải vì thế mà các duyên cũ luôn bền vững hơn, sâu sắc hơn các duyên mới đâu.
Muốn biết duyên cũ sẽ tốt lên, sâu nặng thêm, hay xấu đi, phai mờ đi như thế nào, thì còn từng người sống – cư xử với nhau như thế nào ? Duyên có thể sinh ra, cũng có thể mất đi theo 4 kiểu sau:
4 KỊCH BẢN CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ
Trường hợp 1 : Duyên tốt càng tốt hơn.
– Nếu bạn gặp một người khác có duyên nợ tốt với bạn từ tiền kiếp, kết thân nhanh chóng. Do có Đức, nên bạn sống, cư xử như thế nào đó, khiến người có duyên nợ cũ kia cảm thấy ngày càng YÊU QUÝ hơn, trân trọng hơn, muốn ở gần, kết giao thân thiết hơn…
Vì có nợ, nhân quả khiến người kia tìm cách trả nợ cho bạn, giúp đỡ bạn rất nhiều. Xong vì có Đức, bạn không chỉ biết hưởng thụ, lại tiếp tục giúp người đó nhiều thứ khác. Cứ giúp qua giúp lại, nợ ân cũ chưa trả hết đã có thêm rất nhiều món nợ mới.
Về mặt duyên, vì hai bên đều cư xử tốt, ngày càng quý mến nhau hơn, khiến cho Duyên ngày càng được củng cố cho sâu nặng hơn, khiến cho nhiều kiếp sau bạn và người kia thường xuyên gặp lại và tiếp tục mối lương duyên đầy ân nghĩa.
Trường hợp 2 : Duyên nợ tan biến.
– Cũng như trên, nếu một người gặp một người có duyên từ tiền kiếp, kết thân nhanh chóng. Xong khác một điều, anh ta sau đó sống- cư xử như thế nào đó mà khiến người kia CHÁN quá, chỉ mong không bao giờ gặp lại. Có thể do lối sống ích kỷ, chỉ biết có người đối xử tốt với mình thì mình hưởng thụ, thấy có người tôn trọng, kính nể mình vì duyên nợ cũ, thì mình hống hách, sai bảo con nợ túi bụi cho sướng miệng, chứ không tạo thêm ân nghĩa tốt lành gì mới .v.v…
Bao nhiêu nợ cũ thì một bên lo trả, một bên lo đòi, chẳng bao lâu là nợ cũ hết sạch, không phát sinh nợ mới, kết hợp thêm tâm lý chán ngán của người kia, thì duyên tiêu tán. Nợ vừa hết một cái sẽ xa nhau không gặp lại nữa.
Trường hợp 3: Duyên nợ ngày càng tồi tệ
– Trường hợp xấu nhất, là một trong hai bên, hoặc cả hai bên đạo đức bị khiếm khuyết nghiêm trọng. Dù từ trước có duyên, có nợ với nhau, xong sống, cư xử sao đó, hoặc chửi bới mắng nhiếc, hoặc vô ơn tráo trở, hoặc lợi dụng xâm hại nhau quá đáng .v.v… khiến đối phương dần trở nên căm ghét, oán hận, thậm chí muốn báo thù… Nợ cũ bao nhiêu nhanh chóng trả sạch, thậm chí bên chủ nợ đòi quá lố, bị âm nợ. Từ chủ nợ đổi vai trở thành con nợ.
Theo cách này, kiếp sau hai bên sẽ lại phải gặp nhau để tiếp tục mối oán hận, gây khổ sở cho nhau. Oan oan tương báo có thể nối dài vô tận nếu không biết cách hóa giải.
Nếu lỡ rơi vào tình trạng thứ 3 này, thì làm thế nào hóa giải ?
2 cách để trả hết nợ
Cách một là cứ như thường tình, hành hạ lẫn nhau, dằn vặt lần nhau, chịu đựng lẫn nhau cho tới khi chủ nợ lấy lại hết món nợ,( có khi nợ hết rồi mà vẫn tiếp tục hành nhau, thành ra một món nợ mới, con nợ lại biến thành chủ nợ trong kiếp sau ).
Cách này rất đau khổ, và cũng rất lâu mới thanh toán xong món nợ, lại hay sinh ra những oán hận dây dưa nhiều kiếp với nhau, gọi là oan oan tương báo, kiếp này A hại B, kiếp sau B hại ngược lại A, kiếp sau nữa A lại hại B, cứ thế tuần hoàn, chẳng biết khi nào mới chấm dứt. Do vì khi bị hại, ta chẳng biết đó là oan nghiệp kiếp trước, cứ mãi khởi tâm lí oán hận, muốn báo thù, thành ra cứ gặp nhau hoài để thỏa tâm báo thù.
Đây là hạ sách, và thường thì mọi người vẫn luôn vô thức làm theo cách này. Cho dù có biết sơ qua về luật Nhân quả, nhưng không ở trình độ tinh thông, thì vẫn cứ theo cách này, người ta khuyên nhau nhẫn nhục, cam chịu, trong khi vẫn luôn có một cách khác hay hơn nhiều.
Và cách đó là cách hai : tạo phước rồi hồi hướng trả nợ
Người thiếu nợ tạo thật nhiều công đức lành, nhất là những công đức trong Phật Pháp như lạy Phật, in kinh sách ấn tống, tạc tượng Phật, lạy Phật, niệm Phật, tụng kinh, trì chú, cúng dường Phật, Pháp, Tăng .v.v… hay những phước thế gian như bố thí, phóng sinh, cứu người, trồng cây, xây cầu đắp đường.v.v… được bao nhiêu công đức hồi hướng cho chủ nợ, đồng thời khởi tâm sám hối những oan trái kiếp trước đã gây ra với chủ nợ, không khởi thêm tâm oán hận nhau nữa.
Cách này sẽ thanh toán món nợ một cách nhanh chóng, êm đẹp, vừa khiến chính mình tăng trưởng thiện pháp, lại cũng tăng trưởng thiện pháp cho chủ nợ, khiến cho nhiều kiếp sau có gặp lại, cũng trở thành duyên lành, giúp đỡ nhau tu hành cho đến khi viên thành Phật Đạo.
Ví dụ như sau cho dễ hiểu, một người vào nhà hàng kêu một bàn tiệc thịnh soạn, sau khi ăn xong thì không có tiền trả. Chủ nhà hàng liền dùng vũ lực bắt anh ta phải trả hết.
Nếu như anh ta ” tiền khô cháy túi”, thì buộc lòng phải ở lại rửa chén bát, quét dọn trừ nợ dần, thế thì phải 10 năm mới hết nợ. Trong thời gian này nhiều khi món nợ lại phát sinh thêm vì những khi anh ta làm bể đồ, gây thiệt hại… chủ tớ mắng chửi nhau, hiềm hận lẫn nhau kéo dài, đây là hạ sách.
Nếu như anh ta khá hơn một chút, có công việc ổn định sẵn, hàng tháng đi làm lấy lương trả, thế thì 3 tháng là hết nợ.
Nếu như anh ta khá hơn nữa, vốn là nhà có sẵn vàng bạc, kim cương ở nhà, chỉ là quên đem theo. Anh ta liền về lấy một ít đưa cho chủ nhà hàng, thế thì món nợ nhanh chóng được thanh toán, thậm chí còn thừa khiến chủ nhà hàng nợ ngược lại anh ta.
Cách rửa bát trừ nợ ví như cách chúng ta hành hạ nhau, dằn vặt nhau cho tới khi hết nợ.
Cách đi làm lấy lương trả nợ, ví như cách chúng ta dùng những phước thế gian như bố thí, cứu người, xây cầu, đắp đường, xây nhà tình thương.v.v… rồi hồi hướng phước đó cho chủ nợ.
Cách về nhà lấy vàng bạc, kim cương đến trả nợ, ví như cách tạo những công đức xuất thế gian trong Phật Pháp như lạy Phật, trì tụng kinh chú, niệm Phật, ấn tống, đúc tạc tượng Phật, phóng sinh theo Nghi thức, độ sinh.v.v…
Vì sao cách thứ 3 lại siêu việt như vậy ? Là vì công đức trong Phật Pháp không có cùng tận, gieo một nhân thì vô biên vô lượng kiếp sau vẫn còn tiếp tục sinh sôi nối nhau không dứt, cho tận đến khi thành tựu Phật Quả Toàn Giác, các phước thế gian không thể kéo dài lâu xa như vậy được.
Trên đây là so sánh sơ lược các loại nợ , và cách trả, cách hóa giải ân oán nợ nần. Còn trả mau hay lâu, phụ thuộc ở món nợ lớn hay nhỏ, mình hồi hướng công đức nhiều hay ít mà sẽ thấy hiệu quả khác nhau.
Mỗi người có điều kiện khác nhau, duyên khác nhau, nên không thể ép nên làm công đức gì hồi hướng cho chủ nợ, tùy duyên mà thực hiện, càng nhiều càng tốt.
Còn cách hồi hướng sau khi đã làm công đức như sau : ” Con nguyện đem công đức này hồi hướng cho … ( tên chủ nợ) được tiêu trừ nghiệp chướng, thanh tịnh cách phiền não, xóa bỏ mọi hiềm hận, tăng trưởng Bồ Đề Tâm, tăng trưởng trí tuệ, đức hạnh, sớm viên thành Phật Quả Vô Thượng, quảng độ chúng sinh.”
Rất nhiều người đã áp dụng cách hồi hướng công đức như vậy mà hóa giải được những mâu thuẫn, xích mích với người thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Không những giải quyết được vấn đề trước mắt, mà còn tạo được công đức vô lượng cho chính mình và người khác đến tận vô lượng kiếp sau. Cách hóa giải trên sẽ sản sinh ra trường hợp thứ 4
Trường hợp 4: Duyên xấu thành tốt
Do tiền kiếp ta kết ác duyên với ai đó, hoặc tệ hơn là ta mắc nợ oán, vì gây tổn hại cho họ. Bây giờ gặp lại, họ nhanh chóng trở thành “oan gia ngõ hẹp”, họ có thể là người, cũng có thể là động vật, cũng có thể là vong hồn, bất kể dạng nào cũng thường nhằm vào ta tìm cách gây hấn, thù địch, tìm cách hại ta khốn khổ.
Xong do vì hiểu Phật Pháp, hiểu rõ nhân quả luân hồi, ta không muốn cho oan oan tương báo mãi, nên với những người hại mình, dù chẳng nhớ được tiền kiếp mình hại họ ra sao, chỉ biết là nhân quả không bao giờ sai, mình phải chịu khổ ắt kiếp trước mình đã gây nghiệp. Vậy nên thường sinh tâm sám hối, theo những bài, những nghi thức sám hối của đạo Phật như Từ Bi Thủy Sám, Lương Hoàng Sám, phẩm Sám hối trong kinh Kim Quang Minh, hay sám hối oan gia .v.v… chí thành kiên trì sám hối.
Mặt khác, ta lấy ân báo oán, không những không trả thù mà còn cố gắng giúp đỡ, tạo lợi ích cho họ. Hoặc âm thầm làm phước, tạo nhiều công đức khác nhau, rồi hồi hướng cho các vị oan gia gây hại cho ta liên tục. Việc này bắt buộc phải kiên trì, không dừng lại khi chưa thấy chuyển biến. Đến một lúc nào đó, oán nợ trả hết rồi, tự nhiên oan gia sẽ bỏ đi, hoặc sẽ thay đổi thái độ từ thù địch sang thân thiện, khi đó mới có thể dừng việc hồi hướng công đức, tạo lợi ích trả nợ cho họ được.
TỔNG QUAN
Qua 4 trường hợp trên, chúng ta không nên chỉ giải thích mọi việc bằng chỉ một chữ DUYÊN, mà còn phải suy nghĩ về tầm ảnh hưởng to lớn của chữ ĐỨC nữa. Duyên có thể do “Đức” mà sinh ra thêm, tốt đẹp thêm, cũng có thể do “Không có đức” mà mất đi, hoặc trở nên tồi tệ.
Các Đức Phật, các vị Bồ Tát là những bậc vận dụng nguyên lý duyên nợ và đức hạnh một cách tinh tế nhất, triệt để nhất để hóa độ chúng sinh. Các Ngài dù mỗi vị một phong thái khác nhau, xong đều chung một điểm, đó là đều phát nguyện cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi mà thành Phật hết.
Từ bản nguyện vĩ đại ấy dẫn dắt, thông qua Tứ nhiếp pháp : Bố thí – Ái ngữ – Lợi hành – Đồng sự, các Ngài từng bước độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ.
Với những chúng sinh chưa có duyên, các Ngài sẽ gieo duyên. Vì đã tích chứa rất nhiều phước báu từ nhiều kiếp, các Ngài sinh về đâu cũng thường có thân tướng đẹp đẽ, khả kính, cùng với đủ các phước khác như trí tuệ, tài giỏi, đức hạnh, cư xử khéo léo, lời nói cuốn hút, hòa ái, bao dung v.v… khiến chúng sinh gặp là dễ dàng khởi tâm ái mộ, khâm phục, yêu kính. Đó là gieo duyên.
Với những chúng sinh chưa có nợ, thì các Ngài sẽ thi ân để tạo ra nợ. Như đem tài sản ra bố thí, đem tài trí, sức lực ra giúp ích cho đời, dạy bảo Đạo lý, hay mọi cách có thể để đem lợi ích cho muôn loài chúng sinh, từ đó mà chúng sinh nợ ân các ngài rất nhiều.
Khi đã có duyên nợ, kiếp sau gặp lại, các Ngài không hưởng thụ sự cung phụng, ngồi chờ chúng sinh trả nợ. Mà lại dùng duyên nợ đó để thuyết phục chúng sinh, dạy dỗ chúng sinh biết sống đúng Đạo lý, thực hành theo Phật Pháp sâu xa, thoát khỏi mọi khổ đau của luân hồi.
Chúng sinh vì có duyên có nợ nên sẽ nghe theo, tu nhân tích đức, tạo nhiều việc thiện lành, vì thế mà sau được hưởng nhiều phước báo an vui.
Phước báo đó từ đâu mà ra ? Là do chư Phật – Bồ Tát dạy dỗ mà có, vậy nên chúng sinh tiếp tục nợ ân các Ngài sâu nặng hơn. Các kiếp sau gặp, các Ngài lại tiếp tục vòng lặp ấy, dùng các món duyên nợ cũ mà dạy dỗ chúng sinh, nâng cấp dần lên những trình độ cao cấp hơn, tạo ra những công đức khổng lồ hơn.
Nối tiếp như thế bất tận, càng về sau chúng sinh lại càng thăng tiến về trình độ, về phước đức, hưởng nhiều an lạc vi diệu hơn, và món duyên nợ ân nghĩa với chư Phật – Bồ Tát ngày càng sâu nặng hơn, không sao trả hết. Để rồi cuối cùng, các Ngài sẽ hoàn thành quá trình độ sinh, đưa một chúng sinh từ phàm phu chìm trong u mê đau khổ, tu tập nhiều kiếp mà trở thành một vị Bồ Tát, một Đức Phật giống như các Ngài đã thành tựu.
Trở lại với cuộc sống thường nhật của chúng ta, hiểu về Duyên & Nợ, sẽ giúp bạn thấu hiểu được bản chất, cũng như xu hướng thay đổi khó hiểu giữa mọi người trong gia đình, trong xã hội. Đây là một chủ đề rất thú vị.
Ví như bạn là một người dân nước Việt, hiện nay Việt Nam có đến gần 100 triệu người, bạn không phải có duyên với hết thẩy, mà chỉ có sẵn duyên cũ để trở nên thân thiết với một nhóm nhỏ trong đó.
Một số lớn hơn là những duyên mới. những sơ duyên, những người gặp qua loa, tiếp xúc một vài lần, không gắn bó gì lắm rồi thôi, chứ cũng không ai gặp gỡ với cả trăm triệu người Việt từ nam ra bắc được.
Xong các hành động của bạn gieo vào xã hội, như ủng hộ miền Trung lũ lụt, những người không quen biết và không bao giờ gặp trong kiếp này, rồi rất nhiều kiểu tương tác tốt đẹp mới phát sinh với những người không quen biết, như quét rác, sửa đường, trồng cây cho cộng đồng, hiến máu, trang trí đường phố .v.v…
Những việc làm xuất phát từ cái ĐỨC ấy, không chỉ tạo ra phước báo, mà sẽ tạo ra cả các duyên nợ mới, và kiếp sau bạn sẽ gặp lại họ trong những hoàn cảnh vui vẻ, chan chứa ân tình.
Ngược lại, khi không có ĐỨC, nếu một người gieo các nhân xấu với nhiều người trong cộng đồng, thì kiếp sau đừng hỏi tại sao lại bị đời ghét bỏ đến vậy.
Ví dụ một người có thói xả rác bừa bãi, gây mùi hôi thối cho nhiều người qua lại phải “lãnh đủ”. Những người chịu mùi hôi thối do rác đó sẽ sinh tâm oán giận, chửi mắng kẻ xả rác, nguyền rủa đủ kiếu…
Hay một người sở hữu “giọng hát kinh hồn” tầm cỡ Chai -En, lại thích hát Karaoke với âm lượng cực đại, bắt cả làng, cả xóm phải gồng mình “tận hưởng” âm thanh trời phú ấy ngày này qua tháng khác.
Đúng là họ phải có nghiệp gì đó, họ mới rơi vào tình cảnh phải chịu mùi hôi, chịu tiếng ồn như thế. Xong đâu phải ai cũng có thể nhẫn nhục không oán thán như Thánh nhân. Mà đa số gặp phải tình cảnh trái ý nghịch lòng, bất luận duyên nợ như thế nào cũng sẽ sinh tâm oán giận, chửi mắng kẻ xả rác, nguyền rủa kẻ mượn danh âm nhạc mà gào thét tra tấn làng xóm kia, không ít thì nhiều, không âm thầm thì công khai.
Từ đó, một ác duyên mới đã hình thành, và kiếp sau, người xả rác và người chửi mắng, người hát hò và những khán giả bất đắc dĩ sẽ gặp nhau.
Ở kiếp đó, thì họ đã có duyên nợ với nhau rồi, họ sẽ tương tác với nhau, thường thì chẳng tốt lành gì, kiểu như vừa nhìn đã ghét, lời qua tiếng lại, rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay v.v…
Chuyện gì xảy ra tiếp thì còn phải xem phản ứng, cách sống của mỗi người, xem chữ Đức, xem sức nhẫn nhịn, hóa giải của mọi người. Nếu không hóa giải tốt, oan oan tương báo qua nhiều kiếp, chuyện nghiêm trọng nhất là chiến tranh nổ ra, máu chảy đầu rơi.
Cứ như thế, có hàng vố số các việc lớn nhỏ mỗi người tác động vào thế giới trong một kiếp sống, sẽ tạo ra hàng tỉ nhân duyên mới sau mỗi kiếp sống.
Vậy nên chúng sinh trong vũ trụ có nhân duyên dày đặc với nhau, biến hóa khôn lường.
Duyên và Nợ, sơ lược là vậy. Đọc lại nhiều lần, nắm chắc được bài học này, là bạn đã nắm được chìa khóa cải tạo các mối nhân duyên trong cuộc sống. Cũng như phần nào lí giải được muôn hình vạn trạng các mối quan hệ khó hiểu, biến hóa khó lường giữa mọi người với nhau. Tầm nhìn của bạn sẽ khác đi rất nhiều, chủ động tránh cho các mối nhân duyên đi vào tệ hại, căng thẳng, mà làm cho các mối nhân duyên tốt đẹp hơn. Dần dần thăng tiến trên con đường tu hành giải thoát. viên thành Phật Đạo.