Cách phân biệt NGƯỜI CHÂN TU với KẺ LỪA ĐẢO

0
3167

Nguyễn Hào:

– Anh nghĩ như thế nào về những câu nói này thưa anh?

“ Phật nào chấp hình với thức
Mà chúng tăng bày vẽ liên miên
Từ ngàn xưa, thành tâm ý nguyện
Phật liền chứng cho lòng thành
( Đạo là tâm, thành tâm ắt đạo thành)

Quang Tử :

– Bạn thân mến, bài thơ trên khá đúng, xong không phải đúng tất cả trường hợp.
Nếu bài này là để cảnh giác mọi người trước những trò bày vẽ bịp bợm của những kẻ giả sư tăng, kiếm tiền từ tín chủ, thì đúng.
Vì vốn tín chủ chẳng cần những nghi thức vẽ vời sáo rỗng, cứ vào chùa lạy Phật là được công đức rồi, học thẳng trong kinh điển Phật dạy là hiểu đạo lý được rồi, có thể thực hành theo lời kinh là tu hành được rồi…
Xong nếu bám vào đó, tạo thành một định kiến đối với hình thức, rồi cứ thế bài bác mọi thứ hình thức trong Đạo Phật, lại trở thành một dạng sai lầm khác
Đó là vì, rất nhiều hình thức trong Đạo Phật, mục đích là để hóa độ chúng sinh, hóa độ những con người đang u mê dần được giác ngộ.

Người mới tìm hiểu Phật Pháp, đâu đã phải thánh nhân mà có thể buông bỏ hình thức, hình tướng dễ dàng được ? Thế nên, ban đầu chư Phật – Bồ Tát, những vị đạo sư, những thiện tri thức vẫn luôn phải dùng các hình thức để dẫn dụ chúng sinh tu tập :
Không chùa chúng sinh biết đến đâu nương tựa ? Không kinh sách lấy gì chúng sinh có thể học đạo lý ? Không tượng Phật chúng sinh biết đặt lòng tín kính vào đâu ?
Mà ngôi chùa – quyển kinh – tượng Phật đều là hình thức vật chất đó thôi.
Với người căn cơ, trình độ cao, không có chùa – kinh sách – tượng Phật, họ vãn có thể vẫn tu hành tốt, không sao. Vì họ hiểu, Như Lai thật sự chính là Chân Tâm Phật Tánh không hề có hình tướng. Như kinh Kim Cang, Phật dạy : ” Nếu nhận thấy các tướng đều chẳng phải tướng, chính là thấy Như Lai”.
Nhưng thử hỏi trên đời mấy người đủ căn cơ lĩnh hội nổi ? Đại đa số những người mới tìm đến Phật Pháp đâu có thể có trình độ như thế được, họ bắt buộc phải dựa vào hình thức, hình tướng mà dần dần tu học lên, từng bước hiểu ra Đạo.

Nếu ngay từ đầu giáo hóa họ, các nhà sư lại cứ lấy không hình tướng ra mà nói, khác nào mời họ đi chỗ khác ? Vì đa số tu đến hết kiếp cũng còn chẳng hiểu nổi ý nghĩa chữ ” Không” trong Phật Pháp.
Giống như một đứa bé mới đi học ngày đầu tiên của lớp 1, giáo viên lại đem tích phân, lượng tử, thuyết Tương Đối của Einstein ra mà dạy, thế thì chẳng quá vô lí & buồn cười sao ?
Vậy nên chư Phật – Bồ Tát, những đại sư, những thiện tri thức có trí tuệ, từ bi không bỏ rơi chúng sinh căn cơ thấp kém, không “đánh đố” chúng sinh trong buổi đầu tìm đến Đạo bằng những giáo lý cao siêu.
Khi dạy chúng sinh, biết họ chưa hiểu Đạo lý nhiều, vẫn luôn dùng những “hình thức” như dung mạo đẹp đẽ trang nghiêm, hay cảnh chùa lầu các tráng lệ, hay lễ hội đông vui, rực rỡ ánh đèn, hay kinh văn, sách – chuyện, thậm chí là video, phim ảnh lôi cuốn, hấp dẫn… để làm con đường dẫn những người sơ cơ từng bước về với Đạo lý.
Họ ban đầu vì ưa thích những hình thức đẹp đẽ, thú vị, lôi cuốn mà đi theo, dần dần tu học. Nhiều năm, nhiều tháng, họ tích lũy công đức, tiến bộ dần lên, đến một trình độ nhất định rồi, khi đó mới có thể nâng cấp giáo lý lên.
Từ nhân quả, tu nhân tích đức, hiếu thuận cha mẹ ở bước đầu, rồi tiếp đến giáo lý về luân hồi và Giải thoát khỏi luân hồi, về Bản Ngã và cách tiêu diệt Bản Ngã, người học nắm chắc rồi mới hướng dẫn tiếp lên KHÔNG, VÔ TƯỚNG, lục độ Ba La Mật…

Giống như học sinh bắt đầu đi học, ban đầu lớp 1 ta dạy đánh vần, đếm que tính. Lên lớp 2 thì tập đọc câu, đoạn dài, cộng trừ phức tạp… lên 12 mới học tích phân, lượng giác, văn nghị luận… Đại học, Cao học lại học những kiến thức chuyên sâu hơn nữa…
Vậy nên, như bài thơ trên viết ” Phật nào chấp hình với thức…” Đúng, xong vì chúng sinh chấp hình thức nên Phật và những đệ tử Phật chân chính vẫn dùng các hình thức để giáo hóa chúng sinh, chứ không bỏ hẳn hình thức.

Chỉ có điều trong Đạo Phật luôn tồn tại một lực lượng đông đúc những kẻ lừa đảo. Giả cạo đầu đi tu, cốt tìm đường trục lợi từ đàn na tín thí, bày vẽ hình thức, lập ra nhiều trò cúng kiếng lừa tiền thiên hạ, chuyện như vậy xưa hay nay đều rất nhiều.

Vậy LÀM THẾ NÀO PHÂN BIỆT thật giả ?

Không đơn giản chút nào. Đến cảnh sát có đầy đủ nghiệp vụ, thẩm quyền bắt tay vào điều tra cũng mất bao nhiêu ngày mới có thể tra ra, người này thật, kẻ kia giả, rồi có khi còn kết án oan. Huống chi ta không nghiệp vụ, không điều tra, lại có thể một câu mà phán định thật giả sao ?
Tuy nhiên, ta có thể dựa vào điều nay, tinh ý mà quan sát, thì sẽ bớt đi được rất nhiều khả năng bị lừa bởi các loại sư giả danh, bày trò trục lợi.

Mục đích chính mà ” đa số” những kẻ giả tu nhắm đến là gì ? ( đa số thôi, chứ không phải tất cả) Đó là tiền. Rào trước, đón sau, ra vẻ “tiên phong đạo cốt”, “trách trời thương dân”… đủ trò nghệ thuật, cuối cùng cũng sẽ vẫn lòi ra cái đuôi cáo là VÒI TIỀN. Nếu gặp những người không tiền, chẳng kiếm chác được gì, chúng sẽ bỏ rơi họ.
Gặp người có tiền, chúng sẽ rào đón. Gặp người không tiền, chúng sẽ quay lưng.
Còn người tu chân chính, mục đích của họ là cầu Đạo, là đem Đạo đến giúp đời, cứu người. Thế nên, gặp người có tiền hay không tiền, người tu chân chính vẫn bình đẳng đối xử, cốt sao đem đạo lý đến giúp mọi người thoát cảnh khổ, thoát u mê, tăm tối.
Cái mà người tu chân chính coi trọng là tâm Đạo, là cứu khổ chúng sinh, không liên quan đến tiền bạc, nên cách suy nghĩ của họ khi có người tìm đến là ” Người này tâm Đạo nhiều, nên dạy Đạo lý gì ? Người kia tâm Đạo ít, nên hóa độ ra sao ? nên nhiệt tình chỉ dạy hay ra vẻ lạnh lùng ? Người này khổ kiểu này, cứu họ thế nào? Kẻ kia khổ thế khác, phải làm sao ?”
Tất nhiên, những nhà tu hành chân chính cũng không thể hít không khí sống qua ngày được, họ vẫn cần sự ủng hộ của đàn na tín thí, nên không phải cứ sư tăng nào không bao giờ nhận cúng dường mới là thật tu. Xong trong tâm họ bình đẳng đối xử với người sang kẻ hèn, không vồ vập với người giầu mà hắt hủi kẻ nghèo hèn.
Lối suy nghĩ ấy khác hẳn với kẻ giả tu, trong đầu toàn những suy nghĩ ” Nhà này giàu, tính tiền bao nhiêu ? Kẻ kia khờ khạo, dùng chiêu nào để gạt ?” .v.v…
Nếu ta tinh ý xoáy sâu vào đó mà quan sát, cử chỉ, hành vi, thậm chí phải quan sát thời gian dài trong nhiều trường hợp một cách hết sức khách quan, ta có thể sẽ nhận ra chân tướng thật giả.

______________

*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.

Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.

Xin chân thành cảm tạ !

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận