CHỌN ĐƯỜNG VỀ VỚI PHẬT

0
1804

Minh Chau Tran Thi:
– Quang Tử, trước kia khi chưa hiểu đạo tôi là một người sống lý trí,mạnh mẽ,quyết đoán,hung dữ lắm…tôi không quan tâm chuyện gì xung quanh ngoài chuyện của tôi,thậm chí nếu cần đánh lộn tôi cũng sẵn sàng vì tôi là con buôn !!! Từ khi bước chân vô đạo,khi nghe một bài pháp, hay nghe kinh, hoặc nhìn thấy Phật hoặc thấy một hoàn cảnh nào đó tôi vô cùng xúc động không ngăn được nước mắt… Bạn đạo nói với tôi vậy là không tốt, “con ma bi” đã trấn ngự điều khiển tôi, sợ đến lúc lâm chung sẽ bị trở ngại. Thực sự,tôi không còn muốn tranh đấu chuyện gì nữa,tôi đều chịu thua tất cả…Qt tôi trở thành một người hèn và hay khóc. Qt tôi đi đúng đường hay sai ? Nếu sai rồi thì tôi phải làm sao để sửa, tôi mong câu trả lời của bạn, cảm ơn bạn trước nhé…

https://youtu.be/AS87ZPKl3O4?t=18s

Quang Tử :
– Bạn thân mến, bạn không có sai đường đâu Minh Châu. Trên con đường tu hành có rất nhiều chặng, ở mỗi chặng đường sẽ có những đặc tính khác hẳn nhau.
Giống như khi mới sinh ta phải uống sữa, lớn lên rồi không uống sữa nữa mà ăn cơm, nếu đổi lại bắt một đứa bé mới sinh ăn cơm, thì thật vô lí và buồn cười. Giáo lí của Phật dạy cũng như vậy, có rất nhiều tầng bậc khác nhau, dành cho rất nhiều hạng căn cơ khác nhau.
Người mới học đạo cần tu môn này. Khi đã có chút hiểu biết cần tu thêm nhiều môn khác. Người có bề dày tu hành nhiều kiếp rồi lại phải tu môn khác nữa.
Người nhiều kiếp thiền định rồi cần phải tu cách này. Người nhiều kiếp niệm Phật cầu vãng sinh thì nay cần tu kiểu khác.v.v… muôn hình vạn trạng, tùy theo căn cơ từng người mà giáo hóa linh hoạt.
Giống như thuốc có trăm ngàn loại khác nhau, người bệnh nào phải bốc thuốc phù hợp với bệnh đó, làm ngược lại là không thể.
Một số người chỉ biết một pháp môn mà Phật dạy, dốc sức tán dương pháp môn của mình, nhiều khi đi quá đà, ca tụng pháp môn mình biết như thể “vô địch thiên hạ” mà hạ thấp các Pháp môn khác, xem như không đáng nhắc đến, gây ra rất nhiều hiểu nhầm & tranh cãi nguy hiểm.
Người có trí, hiểu được chân lí rằng, Pháp môn của Phật rất nhiều, đều phải tùy theo căn duyên của chúng sinh mà linh hoạt giáo hóa khác nhau, thì rất cẩn thận mà xem xét từng người, đưa ra lời khuyên phù hợp, chứ không thể dùng một cách nói mà áp dụng cho tất cả mọi trường hợp, chỉ có kẻ hiểu biết nông cạn mới làm như thế, vì một tay làm sao có thể che hết bầu trời ? một pháp môn mà có thể cứu được tất cả mọi loại chúng sinh ?
Nếu thật sự chỉ cần một pháp môn mà cứu độ được tất cả mọi hạng chúng sinh, vậy Đức Phật đâu cần vất vả dạy những pháp môn khác làm gì ?
Ví dụ như cùng một câu hỏi: ” Đi đường nào để đến được Ấn Độ ?”
Nếu người hỏi đang ở Hà Nội chẳng hạn, thì ta sẽ hướng dẫn người đó đặt vé máy bay đi Ấn Độ là xong. Nhưng nếu đó là một người ở Sơn La, Nghệ An .v.v…hay một tỉnh lẻ nào khác, ta phải hướng dẫn họ bắt xe đi Hà Nội, hoặc TP HCM, rồi mới ra sân bay mà bay qua Ấn Độ được.
Tương tự, người đang ở Mĩ, ta sẽ trả lời khác, người đang ở Trung Quốc, sẽ là một câu trả lời khác. Người có tiền trả lời khác, người không có tiền đi máy bay được, thì ta sẽ phải chỉ một cách khác.
Mấu chốt là phải hiểu rõ người hỏi đang ở đâu, có điều kiện như thế nào , rồi mới hướng dẫn một cách phù hợp.
Nếu không phù hợp, chắc chắn không thể đi đến Ấn Độ được, như một người đang ở Cam Pu Chia, ta lại chỉ cách đi giống như một người ở Hà Nội, thế thì không thể nào áp dụng được.
Con đường tu hành trong Đạo Phật cũng như vậy, đích đến thì là một, đó là Niết Bàn, nhưng đường để đi đến đích thì có muôn ngàn đường khác nhau, muôn vạn cách tu, muôn vạn pháp môn khác nhau. Mỗi người đều có căn cơ sai khác, trình độ cao thấp không đồng đều, hoàn cảnh, tập tính, điều kiện… không ai giống ai. Vì vậy, mỗi người đều cần phải cẩn thận tham khảo, suy xét, học hỏi, thử nghiệm… nhiều pháp môn của Phật, lại phải nắm rõ hoàn cảnh, trình độ, tính cách của mình, sau đó chọn lấy pháp môn phù hợp mới đạt được kết quả tốt nhất.
Thời Đức Phật, khi mỗi người đến thỉnh cầu Phật truyền dạy cho cách tu, Đức Phật đều dùng Pháp Nhãn quán xét căn cơ tích lũy từ vô lượng kiếp trước của từng người, sau đó Người dạy cho mỗi người một môn, người này khác người kia, mỗi mỗi người đem phương pháp Phật đã dạy cho mình về thực hành đều nhanh chóng được kết quả thù thắng.
Nhưng chúng ta thời nay không còn có Đức Phật tùy cơ giáo hóa, là một thiệt thòi vô cùng to lớn. Chúng ta chỉ còn cách lần mò qua nhiều kinh điển khác nhau, áp dụng thử qua nhiều pháp môn khác nhau, rồi chọn lấy cách tu phù hợp với hoàn cảnh của mình, khiến mình thấy hiệu quả nhất. Tất nhiên không thể tốt như có Phật chỉ dạy trực tiếp, nhưng cũng không còn cách nào khác để lựa chọn.
Quay về với câu hỏi ban đầu của Minh Chau Tran Thi, những xúc động mạnh mẽ đến bật khóc của bạn với Phật Pháp, với thiện pháp là rất cần thiết và là điều tất nhiên, vì rằng bạn đã trải qua nhiều kiếp tu hành, có nhiều trải nghiệm sâu sắc trong Đạo Pháp, có nhân duyên sâu dầy với Phật, tái sinh nhiều kiếp không nhớ được chuyện gì, xong khi gặp lại được Phật Pháp thì sẽ có những phản ứng như thế, những điều đó không phải ai cũng có được đâu.
Rất nhiều người cũng có những xúc cảm mãnh liệt như bạn, bật khóc khi khi gặp được Đức Phật ( dù gặp trực tiếp hay thông qua hình tượng), gặp được Kinh điển, thông tỏ được Đạo lí…., nhiều vị rất nổi tiếng như nhiều vị A La Hán thời Đức Phật, hay các bậc chân tu đời sau : Ngài Đường Huyền Trang ( người sang Thiên Trúc thỉnh kinh) Hòa Thượng Hư Vân, v.v… và rất nhiều người khác không lộ danh tính.
Bạn cứ để tự nhiên, xúc động cứ xúc động, điều này tốt vì đây là xúc động với Chánh Pháp, không giống như các loại cảm xúc thế gian.
Đây là một trạng thái tất yếu của những người có duyên sâu dày với Phật Pháp, khi đầu thai chuyển kiếp, mới gặp lại Phật Pháp sẽ như vậy.
Đây cũng là một chặng đường quan trọng, theo thời gian tiếp tục tu hành, công phu tăng tiến, những cảm xúc đó sẽ được chuyển hóa thành động lực tu hành, giúp bạn tiến sâu vào trong Biển Phật Pháp.
Chúc bạn luôn kiên định Đạo Tâm, sớm viên thành Phật Đạo !

________________________

*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.

Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.

Xin chân thành cảm tạ !

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận