Hao nguyen :
– Quang Tử, xin hỏi làm sao để có thể làm cho người thân của mình không hiểu nhân quả, còn ưa thích sát nghiệp, còn sát sinh quá nhiều, còn thích chăn nuôi, nấu rượu thay đổi suy nghĩ, tư duy, theo Phật Pháp để nghĩ và làm điều lành ?
https://youtu.be/p3Vnhi66TIc?t=18shttps://youtu.be/p3Vnhi66TIc?t=18s
Quang Tử :
– Thuyết phục người khác theo Đạo lí là một vấn đề muôn thủa xưa nay mà các đệ tử Phật tại gia lẫn xuất gia đều luôn trăn trở.
Yếu tố cần thiết thứ nhất để đem Đạo lí thuyết phục người khác, đó là bản thân mình phải thực hành được những lời dạy của Phật, chứ không phải chỉ nói suông, chính mình phải trở thành một tấm gương sống động của Đạo lí, từng hành vi cử chỉ của mình, cả thân – khẩu – ý đều y theo lời dạy của Phật mà làm, làm một cách thật lòng nhất.
Nếu không thật lòng, chỉ là làm để tạo một cái vỏ bọc hào nhoáng. Thế thì không bao lâu mọi người cũng biết hết, và đặt cho mình một cái biệt danh ” Miệng Nam Mô bụng bồ dao găm”, càng làm người ta lánh xa Phật Pháp.
Cũng dễ hiểu thôi, chúng ta không thể cho người khác cái mà mình không có. Người giả tạo đạo lí trên môi lưỡi, nhưng trong lòng mình thực sự không có Phật Pháp, thì làm sao có thể truyền cho người khác ?
Lừa được người nhẹ dạ, chứ đâu lừa được người tinh tế. Mà cho dù lừa người dễ tin, thì lừa được một thời gian ngắn, chứ đâu lừa được mãi.
Nếu chân thành y giáo phụng hành theo lời Phật dạy, sau thời gian một vài năm, tự bản thân người đó sẽ tỏa ra một lực hút, một sức thuyết phục không lời, cuốn những người khác muốn làm theo. Tùy vào công phu tu hành của mỗi người mà sức hút này mạnh yếu khác nhau.
Khi đó, mỗi lời của người đó nói ra, dù không hề trau chuốt, dù rất giản dị, thậm chí cục mịch, thô ráp… xong vẫn cứ khiến người khác bị ảnh hưởng theo mạnh mẽ, vì những lời ấy được kết tinh từ quá trình tu hành gian khổ, nó có sức mạnh truyền ra từ nội tâm. Đối với những vị công phu thâm hậu, một câu nói ra, không chỉ người nghe theo, mà còn chấn động khắp thế giới quỷ thần nghe theo.
Xưa nay mọi người hay nghe chuyện những vị Đạo sư dạy đệ tử, giáo hóa quần chúng, thường chỉ quan tâm đến vị đó nói câu gì mà thuyết phục người khác. Kì thực vấn đề chính nằm ở quá trình thực hành của vị đó trước đó.
Yếu tố thứ hai, là DUYÊN NỢ.
Bên cạnh sức hút của nội tâm, còn một sức mạnh ghê gớm khác chi phối chặt chẽ việc thuyết phục người khác nghe theo, đó DUYÊN NỢ.
Đây là quy luật nhân quả, nếu quá khứ kiếp này hay kiếp xưa, chúng ta nợ ân nghĩa của ai đó, thì người đó nói gì ta đều nghe theo, bất chấp đúng sai, là có lí hay vô lí. Chỉ đến khi trả hết món nợ, chúng ta mới thôi không bị cuốn theo nữa.
Vậy khi nào thì tạo ra NỢ ?
Khi ta được một người khác giúp đỡ, bất luận là cho tiền, tặng vật chất, hay giúp bằng công sức, cứu mạng hay hướng dẫn, chỉ dạy hữu ích ( xúi bậy đương nhiên là không thuộc dạng này), dù là giúp bằng vật chất, hay giúp bằng tinh thần, v.v… MIỄN LÀ ĐEM LẠI LỢI ÍCH CHO TA, thì ta đều sẽ mang NỢ người đó.
Quy luật này NỢ DUYÊN này mạnh đến mức nào ? Xin thưa là tuyệt đối.
Một khi đã mang Nợ một người, nhất là những món nợ sâu đậm, thì lời người đó nói ra chúng ta sẽ cảm thấy thích thú vô cùng, cứ muốn nghe mãi. Quan trọng nhất là họ yêu cầu ta điều gì, ta đều sẽ muốn đáp ứng, muốn làm theo.
Bất luận đúng sai, những lời người đó đều được trái tim ta tìm cách “hợp lí hóa”, và có một sức mạnh sai xử ta ghê gớm, sức mạnh này đến từ tình cảm chứ không phải lí trí.
Đa số hành động của con người, hay nói đúng hơn là toàn thể chúng sinh, đều bị chi phối chủ yếu bằng tình cảm, chứ không phải lí chí. Nếu lí chí & tình cảm xung đột nhau, thì tâm ta cũng sẽ sản sinh ra đủ loại lí luận để che mắt óc sáng suốt của mình lại, nhắm mắt bước theo sự dẫn dắt của NỢ DUYÊN.
Những bà mẹ nuông chiều con một cách vô lí, những kẻ si tình bất chấp tất cả, những tín đồ của những tín ngưỡng tà đạo… là những minh chứng rõ ràng nhất.
Bạn thấy đấy, khi đã có NỢ, thì lời của một đứa trẻ con cũng có thể sai khiến cả người lớn, chứ đừng nói lời của những người có trình độ, có bài bản, có danh tiếng, có thần thông… Vì vậy nên những tà sư của đủ loại tín ngưỡng từ ngàn xưa đến ngàn sau, vẫn cứ thuyết phục được rất nhiều người đi theo, thậm chí sẵn sàng bỏ mạng, như những tín đồ Hồi giáo cực đoan chẳng hạn, với họ, cảm tử ôm bom, nổ chết mình chết thêm nhiều người vô tội khác, vẫn cứ là đúng với lẽ phải.
Ai đứng bên ngoài cũng dễ dàng thấy họ sai lầm. Nhưng bản thân họ thì luôn có trăm ngàn lí luận để tự cho rằng họ đúng, thậm chí, đến khi đuối lí đến cứng lưỡi rồi, thì đơn giản là họ nhắm mắt không nghĩ nữa, cứ bất chấp tất cả mà làm theo lời của con tim, khi ấy thì cả thế giới có muốn thuyết phục họ cũng đều là vô ích, sức mạnh của NỢ DUYÊN chi phối tình cảm mạnh mẽ như vậy đấy.
May mắn thay cho những người nào có NỢ DUYÊN với những bậc Thiện Tri Thức, khi ấy, những lời của Thiện Tri Thức sẽ nhiếp phục cả lí chí lẫn tình cảm của người kia, toàn tâm toàn ý mà thực hành theo, thậm chí dù không có hiểu đạo lí lắm, xong vẫn cứ làm theo cực kì nhiệt tình.
Mà Thiện Tri Thức là những ai ? Tất cả những ai hướng dẫn người khác làm theo đúng Chân lí, được lợi ích cả hiện tại lẫn tương lai lâu xa, đều là Thiện Tri Thức. Bậc Thiện Tri Thức chuẩn mực nhất, vĩ đại nhất là các Đức Phật, dưới thì có các vị Bồ Tát, A La Hán, Bích Chi Phật, dưới nữa thì có những người trí tuệ, thông đạt được Đạo lí không sai lệch, bất kể là tôn giáo nào, hay không tôn giáo, đều là Thiện Tri Thức.
Khác với những lời xúi bậy, những giáo lí sai lầm, tà đạo, lời của bậc Thiện Tri Thức nói ra là CHÂN LÍ thật sự, mà ai thực hành theo CHÂN LÍ đều sẽ đạt được những kết quả ngày càng tốt đẹp hơn. Bạn có thể lấy điểm này làm thước đo, phân biệt chính tà, rạch ròi giữa CHÂN LÍ và tà đạo. Đó là xem kết quả, nếu đúng CHÂN LÍ, thì càng thực hành theo, thì sẽ càng có nhiều kết quả tốt đẹp.
Xong kết quả này phải được kiểm nghiệm trên một thời gian dài, chứ không phải vài năm vài tháng mà kết luận được, vì từ Nhân đến Quả có khi trải qua nhiều kiếp, muốn kiểm nghiệm CHÂN LÍ, chúng ta cần suy xét kĩ rất nhiều chuyện thu thập từ nhiều nguồn Đông Tây Kim Cổ khác nhau, quan sát quá trình diễn tiến trong một thời gian dài, thậm chí là phải tìm cách xuyên qua bức màn luân hồi nhiều kiếp để thấy rõ từ Nguyên nhân đến Kết quả, mới thấy được CHÂN LÍ nằm ở đâu.
Trở lại với việc Thiện Tri Thức giáo hóa, những người nghe theo hướng dẫn đúng với Chân lí của các bậc Thiện Tri Thức mà thực hành, thì theo thời gian, họ sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp. Gọi là Phước báo.
Ví như Thiện Tri Thức khuyên một người nên phóng sinh, cứu mạng những con vật sắp bị giết. Người đó làm theo, sau một thời gian, có thể là phải mất nhiều kiếp sau, người đó sẽ được hưởng nhiều phước báo của việc phóng sinh này, được sức khỏe dồi dào, giàu sang phú quý, đỗ đạt vinh hiển… Vậy là từ trước đã mang Nợ với Thiện Tri Thức nên mới nghe theo lời chỉ dạy, sau lại hưởng thêm phước báo nhờ thực hành theo lời chỉ dạy, nghĩa là NỢ chồng thêm NỢ, người đó lại càng muốn nghe theo lời của Thiện Tri Thức mà làm theo.
Còn nếu không phải là Thiện Tri Thức, mà là tà sư chỉ dạy sai, thì sẽ đem đến những kết quả tồi tệ cho những người mang nợ, NỢ vì đó mà hết đi.
Cứ như thế, các bậc Thiện Tri Thức hiểu rõ được quy luật này, trước khi muốn đem Đạo lí giáo hóa cho chúng sinh, đều luôn gieo ân nghĩa rộng lớn với chúng sinh, khi giúp người này, khi cứu người khác, khi bố thí, khi cứu mạng, khi chữa bệnh, khi chỉ đường, khi dạy nghề… muôn ngàn cách thức khác nhau để gieo Nợ ân nghĩa. Đức Phật tổng kết lại thành 4 cách gọi là Tứ Nhiếp Pháp : Bố Thí- Ái ngữ – Lợi Hành- Đồng Sự để kết thiện duyên với chúng sinh.
Khi duyên nợ chín muồi, chúng sinh nghe theo mới đem Đạo lí ra giảng giải, rồi dẫn dắt họ từng bước tiến lên từ kiếp này sang kiếp khác.
Yếu tố cần thiết thứ ba, để đem Đạo lí thuyết phục người khác. Đó là CÁCH THỨC KHÉO LÉO.
Ta có thể vận dụng rất nhiều phương tiện khác để thuyết phục, chứ không phải chỉ có cách là dùng lời để khuyên giải.
Như đem những câu chuyện Đạo lí, những chuyện Nhân quả để kể cho mọi người tự hiểu ra. Hoặc đem những sách, những video, những bài giảng …tìm cách khéo léo cho người ta muốn hóa độ xem. Hoặc dùng công nghệ facebook, Zalo… chia sẻ những bài Đạo lí, nhân quả một cách phù hợp.
Cách thức thì có muôn nghìn, mỗi người một hoàn cảnh, một trình độ, ta lại phải uyển chuyển tìm cách phù hợp nhất. Điểm quan trọng là phải nắm rất rõ tâm lí, và quan điểm người muốn hóa độ, từng bước đưa ra những sự dẫn dẵn thích hợp, không quá đột ngột.
Như với người xưa nay tôn sùng khoa học, mà ta cứ kể những chuyện thần bí, không thể kiểm chứng thì sao người ta chấp nhận được. Khi đó ta cần tìm những bằng chứng cụ thể, rõ ràng, những lập luận có logic chặt chẽ, từng bước mới khiến họ tin hiểu.
Hay về mặt tâm lí, muốn khuyên một người có tính tự ái, bỏ sát sinh ăn chay. Mà ta cứ dùng những lời răn dạy trịnh thượng, như kiẻu thầy thiên hạ mà chỉ trích thói xấu người khác, bảo phải thế này thế khác… thì càng nói người ta càng muốn chống lại mà thôi. Với người như vậy cần dùng cách ôn nhu, dẫn giải nhẹ nhàng, khen ngợi từng bước tiến bộ mới có kết quả.
Muôn hình vạn trạng các kiểu người có tâm lí, trình độ khác nhau, cần phải có muôn hình vạn trạng cách thức nhiếp phục khác nhau. Đây là bản lĩnh dẫn dắt nhân tâm, phải học rất nhiều về tâm lí, phương pháp diễn giải, cách thức trình bày.v.v…không thể nói rõ trong một bài viết. Mỗi người phải tự học hỏi, rèn luyện nhiều năm, nhiều kiếp mới thành tựu được.
Tổng kết lại, chúng ta cần phối hợp chặt cả 3 yếu tố, thì sẽ đạt được hiệu quả thuyết phục cao nhất (nếu không đủ 3 thì hiệu lực giảm đi, xong vẫn có tác dụng nhất định nào đó)
– 1. Tự bản thân SỐNG ĐÚNG ĐẠO LÍ làm gương, thì tấm gương ấy có thể thuyết phục cả những người có duyên, lẫn không có duyên nghe theo.
– 2. Bố thí – giúp đỡ, gieo duyên nợ thật nhiều với mọi người, mọi chúng sinh, đồng thời khi gieo duyên, giúp đỡ họ, luôn khởi tâm nguyện muốn hóa độ họ đi theo Chánh Pháp của Phật.
Ví dụ như khi mua thuốc chữa bệnh cho người khác, ta nguyện rằng: “Nguyện cho sau này người bệnh sẽ theo ta tu học cho đến ngày thành Phật”
Hay khi rót cho người khác ly nước, chỉ đường cho người ta một câu.v.v…, tâm mình luôn mong cho họ sau này sẽ y theo chánh pháp mà tu học cho đến khi viên thành Phật Đạo.
Theo thời gian, theo mức độ nhiều ít của NỢ mà họ nghe theo nhiều ít khác nhau. Xong vì ta nguyện dẫn dắt cho họ đến viên mãn thành Phật, nên duyên nợ sẽ được duy trì vô lượng kiếp, ngày càng sâu đậm thêm, cho đến khi người đó thực sự thành Phật như ban đầu ta mong muốn, thì duyên này mới dừng lại.
– 3. Thường xuyên học hỏi, nghiên cứu về tâm lí, về những phương thức thuyết phục, diễn giải khác nhau để áp dụng, hỗ trợ việc hóa độ người khác tu học theo lời Phật dạy.
Chúc bạn ứng dụng thành công, đem ánh sáng Phật Pháp đến cho nhiều người thoát khỏi lầm mê, đau khổ của luân hồi sinh tử này!
___________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !
Bài viết rất hay. Hy vọng sửa đi một vài lỗi chính tả để bài viết thêm phần trọn vẹn! A Di Đà Phật!