CHÚ HẢI ÂU BÁO ÂN.

0
2422

( Lương Y Sư Lê Thuận Nghĩa)
Đầu tuần này, tôi vừa kết thúc một chuyến đi xa. Mệt mỏi. Vì những chuyến bay xuyên lục địa liên tục, vì không có thời gian tu tập và sự ăn uống dưỡng sinh bị rối loạn, vi lằng nhằng rắc rối không rõ ràng giữa chuyện tình cảm riêng tư và đam mê nghề nghiệp.
Thông thường khi gặp những tình trạng tinh thần bất an, hoặc quá mệt mỏi sau những ca trị liệu cần phải hao tổn nhiều nguyên khí và công lực. Tôi thường ra kè cảng gần chợ cá ở Hamburg ngồi, thư giãn và tĩnh tọa. Với tôi, một không gian nhỏ, có mây trời, có màu xanh ngọc bích và có tiếng sóng vỗ rì rầm là đủ.
Chỉ cần trong khoảng thời gian non già một tiếng là tôi có thể tái sinh trở lại nguyên khí và có tâm năng như khi chưa bị rối loạn và tổn thương.
Tôi thường ra kè cảng vào buổi chiều các thứ sáu hàng tuần, nếu không phải đi đâu xa. Nhưng tuần này, tôi lại ra đó vào chiều thứ ba. Trời đã trở lạnh, tối nhanh, gió mạnh, nhiệt độ đã xuống đến dưới 5 độ. Chẳng hiểu vì sao tôi lại cứ bần thần không yên và có nhu cầu phải ra kè cảng cho kỳ được trong tình trạng thời tiết mà chỉ có khùng mới ra đó ngồi để hóng gió đông.
Chiều đó hải âu chao liệng nhiều hơn thường lệ, và chúng cứ gào rít queng quéc loạn xạ cả không gian như có điều gì đó bất thường. Tôi không để ý đến chúng. Sau khi có đủ thời gian tĩnh toạ hành công, tôi nhìn sóng và tìm tứ, ghép vần cho cảm xúc bài thơ Cướp Biển 4: “chỉ chém gió ta là tên cướp biển, chứ thực ra biển cướp nát ta rồi.”
Đang mơ màng với một em nào đó giữa trùng khơi xa vô tận tụy, thì có một con hải âu sà xuống bên cạnh. Giống hải âu rất nhát gan. Chúng có thể chao liệng dày đặc bên ngọn buồm của một thuyền đánh cá nào đó, hoặc lúc cúc sà xuống dưới một kè đá nào đó ở bến cảng. Nhưng chúng chả bao giờ tiếp cận con người gần gủi như giống bồ câu hoang ở các thành phố lớn của châu Âu.
Tôi hơi ngạc nhiên, khi con hải âu này lại sà xuống gần bên cạnh tôi và giương đôi mắt tròn xoe nhìn tôi và lích nhích rít lên nhè nhẹ một cách thân thiện. Tôi tiến lại gần, nó không bay đi mà nằm ọp xuống như chờ đợi. Tôi thò tay như làm bộ bắt nó, nó cũng không bay đi. Ngạc nhiên, tôi túm lấy nó, nâng lên. Thì thật bất ngờ, phát hiện ra hai chân nó bị vướng quắn vào nhau bằng một búi dây tơ ni long. Tôi gỡ búi tơ ni long ra, thì thấy một chân nó bị gãy gần kheo bàn chân.
Trong túi da nâu luôn mang theo mình như vật bất ly thân của tôi, bao giờ cũng đầy đủ dụng cụ đồ nghề y tế. Tôi dùng cuộn băng taping màu đỏ và chẻ nhỏ que đè lưỡi khám miệng ra, bó lại chân cho nó.
Bó xong chân tôi thả nó ra, xùy xùy cho nó bay đi. Nó vẫn không chịu bay, lại còn giương mắt tròn xoe ra nhìn, rin rít trong mỏ. Tôi bắt lại nó, nhìn thẳng vào mắt nó và nói với nó như nói với một con người: “Mày đừng sợ, không sao đâu, cái băng keo này thấm nước thì từ từ nó sẽ tự động rã ra, tao chắc chắn là một vài ngày sau, khi chân mày liền lại, thì cái băng keo này cũng rã nước mà rơi ra thôi.”
Thật lạ, lần này thì con hải âu rủi ro này, bay vút lên không trung và rít lên từng tràng thật lảnh lót. Riêng tôi, rất hài lòng với bản tình ca của biển này. Tuy có chút ngạc nhiên, nhưng tôi cũng không thật để tâm lắm. Vì tôi đã quá quen với bản năng giao tiếp vô ngôn của các loài linh thú.
Điều làm tôi sững sốt nổi da gà, là sáng hôm sau, khi tôi đang ngồi uống trà sáng thì nghe tiếng lảnh lót quen quen bên trên khoảnh vườn ngoài ban công nhà tôi ở. Thật không tưởng tượng nổi, trên khoảnh trời nhỏ này, trong những con hải âu đang bay lượn ấy, có một con có cái chân băng màu đỏ. Và còn ớn lạnh hơn, nó ngậm một con cá nhỏ như ngón tay và chỉ cùng bầy đàn của nó bay đi khi thả con cá nhỏ lên khu vườn nhỏ trong khuôn viên nhà tôi.
Tôi xuống vườn, nhặt con cá lên và nhìn nó trân trân, với những lùng bùng câu hỏi trong đầu. “ Lập trình ngôn ngữ tư duy” nào cho trường hợp này?
Nhìn con cá bằng ngón tay đã chết, tôi chợt nghĩ đến vòng luẩn quẩn của sự sinh tồn tự nhiên. Những bữa tiệc linh đình của loài người, được làm ra từ thịt của các loài muông thú, sẽ được họ tận hưởng với mỹ từ nghệ thuật ẩm thực. Nhưng họ nào biết trong thế giới của loài vật, loài người quả thật là một loài ác thú khủng khiếp nhất hành tinh xanh này.
Loài hải âu kia sẽ xem loài cá nhỏ đang bơi lội dưới dòng nước trong xanh kia là tuyệt phẩm cho sự sinh tồn của nó. Và loài cá kia sẽ xem những loài tôm tép nhỏ khác là “nghệ thuật đời sống” của nó, khi nuốt những con vật nhỏ bé ấy vào miệng.
Tôi không có nhiều trải nghiệm tâm thức về chuyện con hải âu này. Và cũng không phải thêm thắt mắm muối cho câu chuyện để muốn rao giảng về việc ăn chay. Vì vạn vật đều có linh tính riêng của nó. Điều trải nghiệm đáng nói, là sau chuyện này, tôi không thể ăn được tôm cá nữa.
Trước đây, tuy không ăn thịt, nhưng thỉnh thoảng vẫn ăn tôm cá, để bổ sung nguồn năng lượng khí hậu thiên khả dĩ cho quá trình hành công trị bệnh. Nhưng bây giờ lại cảm thấy ghê tởm chính mình khi phải đụng đũa đến những thứ đó.
Có thể tôi là người cổ hủ, lập dị và cố chấp, nhưng với tôi, thì tôi cảm thấy an lành hơn cho tâm thức của mình.
Quay lại chuyện con hải âu xấu số. Đây không phải là lần đầu tiên tôi tiếp cận với những chuyện như thế này với các loài linh thú.
Hồi tôi còn lên bốn lên năm gì đó, trong một làn chơi nước lũ, tôi bị dòng nước xoáy cuốn đi, nếu không có con chó vện nhà tôi lao xuống trong dòng nước xiết kéo tôi vào bờ, thì tôi đã chết từ dạo đó. Và cũng từ đó tôi đã xem thú vật là thân hữu và kèm theo một chút cố chấp trong giao tiếp là rất ghét những người ăn thịt chó.
Việc trải nghiệm trường năng lượng vô đối của lòng yêu thương không vụ lợi thông qua sự trì luyện các môn khí công dưỡng sinh tương ứng, đã cho tôi một trường năng lượng phòng vệ khả dĩ, mà khi trong một hoàn cảnh nào đó, nó được phát tiết ra trong tình trạng vô thức sẽ tạo ra một trường giao tiếp vô ngôn với thế giới xung quanh.
Loài vật với bản năng giao tiếp dưới các dao động năng lượng, sẽ rất dễ dàng tiếp cận với trường năng lượng phòng vệ này. Không thể có một logic nào cho việc lập trình ngôn ngữ tư duy này. Vì chính tôi cũng không hề cố ý có lập trình này khi giao tiếp với các loài vật ấy. Tôi không nhận được phản hồi ngôn ngữ từ chúng, vì tôi không hiểu tiếng nói của chúng. Nhưng ngược lại, chúng hiểu và biết được tôi là ai thông qua sự tiếp nhận dao động năng lượng của chúng.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận