(Diệu Âm Lệ Hiếu tổng hợp từ bài giảng của Sư cô Thích Nữ Như Lan)
Câu chuyện lạnh xương sống này do một sư cô pháp danh là Diệu Thanh ở Đà Lạt, kể lại chuyện chính trong gia đình của cô.
Cha mẹ cô, mọi người vẫn gọi là ông bà Mười, có tính tình đối lập nhau. Mẹ cô thì hiền lành, thích đi chùa tu học theo đức hiếu sinh của Phật. Còn cha cô thì ngược lại, ham thích sát sinh, ông có thói quen mời bạn bè về nhà chơi, rồi giết vật để đãi khách, mẹ cô hết lời khuyên cha cô nên ăn chay niệm Phật nhưng ông không nghe theo.
Có một lần vào kỳ nghỉ hè, ông bà Mười cùng người cháu ngoại tên Hòa ra Vũng Tàu để nghỉ mát. Ngoài Vũng Tàu có nhà đứa cháu bà con tên là Bê gọi bà bằng dì.
Tối hôm đó khi ngủ ở khách sạn, bà Mười nằm chiêm bao thấy cậu Bê đến mời hai ông bà đến nhà ăn đám giỗ mẹ mình. Trong giấc mơ, bà thấy hai vợ chồng bà đến nhà cậu Bê dự tiệc giỗ, khi đó cậu Bê đem ra chén nước có in hình bông súng nói:
– Dì với dượng súc miệng đi rồi vô bàn ăn tiệc với tụi con, hôm nay đám giỗ mẹ con.
Bà Mười nhìn sau bếp mới nói:
– Bữa nay tụi bây nấu gì để cúng giỗ cho mẹ tụi bây vậy?
Vừa nhìn ra sau thì bà thấy mẹ cậu Bê bị cắt cổ ngang và bị cắt đứt hết một cánh tay, còn một cánh tay treo ở xà ngang. Bà Mười mới hoảng hốt la lên:
– Trời ơi, sao mày giết mẹ để cúng giỗ cho mẹ mày vậy Bê?
Nói xong rồi bà la lên thất thanh. Mộng đến đây, do sợ quá nên bà tỉnh giấc. Lúc tỉnh dậy, bà kể toàn bộ giấc mơ cho chồng nghe:
– Ông ơi, sao tôi nằm chiêm bao thấy kỳ lạ quá, thấy thằng Bê nó mời hai vợ chồng mình đi ăn đám giỗ. Nó đem chén nước có hình bông súng cho mình súc miệng. Tui ra bếp thấy vợ nó cắt cổ mẹ nó làm giỗ ông à, chỉ còn một cái tay, cái tay kia vợ nó xé làm gỏi rồi….
Ông Mười bảo:
– Chỉ là mơ không có thật, thức dậy là tỉnh rồi còn gì phải sợ nữa, bà suốt ngày toàn chiêm bao bậy bạ.
Bà Mười kể thấy chồng vẫn không nghe, nên bà mới gọi cháu ngoại kể cho nó nghe để giải tỏa chút tâm lí, kiếm thêm đồng minh.
Không ngờ đến 7 giờ sáng hôm sau thì cậu Bê đến khách sạn, thưa rằng:
– Dì Mười dượng Mười ơi, bữa nay là đám giỗ mẹ con. Con mời dì dượng đến nhà con dự tiệc giỗ.
Bà Mười nghe qua mới giật mình sao mà giống trong mơ quá. Trong khi đó, hai ông bà chỉ vô tình đi Vũng Tàu nghỉ mát cùng cháu ngoại chơi mùa hè thôi, chớ không hề biết ngày giỗ kỵ của mẹ cậu Bê này. Bà liền kéo ông ra nói :
– Đó, thấy chưa ông, thấy chưa, chiêm bao tui thấy hay chưa…..
Ông Mười quay sang khều bà:
– Thôi bà, bà giữ dùm cái miệng bà lại đi, đừng có nói bậy nói bạ. Người ta nghèo khổ, đến ngày giỗ mẹ người ta. Người ta có lòng mời thì mình nghĩ tình nhín chút thời gian đến dự, chứ khước từ thì người ta tủi thân.
Ông quay sang nói với cậu Bê:
– Không sao đâu con, con về đi. Khoảng 9-10 giờ dì dượng sẽ ghé qua dự giỗ.
Đến hơn 9 giờ sáng, ông Mười kéo bà Mười đi đến nhà cậu Bê thì bà bảo:
– Thôi tui sợ lắm, rõ ràng tui thấy là đám giỗ má thằng Bê, tụi nó giết má nó để cúng giỗ cho má nó mà. Tui sợ lắm, tui không đi đâu, ông đi một mình đi.
Ông Mười nói:
– Chiêm bao chỉ là mộng, đâu có thật đâu mà bà lo. Đi đi, có tui đây nè bà đừng có sợ gì cả.
Sau cùng thì ông cũng dẫn được bà Mười cùng cháu ngoại ghé sang nhà cậu Bê dự đám giỗ. Vừa đến nhà, ngồi vào ghế thì cậu Bê mới rót nước vào hai cái tách:
– Con mời dì dượng uống miếng nước xúc miệng rồi vô bàn ăn cơm với tụi con.
Nhìn vào tách nước, quả nhiên trên tách có in hình bông súng. Bà Mười lên tiếng:
– Đó ông thấy chưa, hồi hôm tui nói rồi, y hệt như vậy luôn.
Ông Mười khều nhẹ:
– Bà làm ơn giữ cái miệng lại dùm tui đi.
Bị chồng nói hoài nên bà hậm hực:
– Vậy để tui ra đàng sau coi tụi nó làm cái gì để cúng má nó?
Khi bà đi ra phía sau nhà bếp thì thấy ở cây xà ngang nhà bếp treo tòn ten một con gà đã bị cắt cổ, chỉ còn một cánh. Còn cánh gà kia thì bị cô vợ cậu Bê đem xé phay trộn gỏi rồi. Bà sợ quá, la lên:
– Ông Mười ơi, đúng rồi đó, con gà này chỉ còn có một cánh à. Trong chiêm bao tui thấy rõ ràng, nó làm thịt mẹ nó rồi nó cắt cổ treo ở trên xà ngang, chỉ còn một cánh tay, cánh tay kia bị vợ thằng Bê nó xé trộn gỏi rồi. Bây giờ xảy ra y hệt như vậy luôn rồi.
Bà vội kể hết sự tình trong giấc chiêm bao cho gia đình cậu Bê này nghe. Vừa nghe xong thì cậu này rùng mình toát mồ hôi lạnh, dẹp luôn, không ăn không uống gì nữa cả.
Cậu chỉ bới ba chén cơm trắng lên cúng mẹ, còn lại thịt gà gì bỏ hết. Cũng từ ngày hôm đó thì cậu Bê cũng ăn chay niệm Phật luôn, vì không ngờ chính mình lại “giết mẹ để cúng giỗ cho mẹ”.
Sau này cả ông Mười cũng phát tâm ăn chay niệm Phật.
Một câu chuyện có thật khác tại TP HCM, rùng rợn không kém, do sư cô Thích Nữ Như Lan kể lại.
( Bạn có thể nghe Audio dưới đây )
____________________
MẸ ĐẦU THAI THÀNH VỊT, BỊ CON CẮT CỔ
Ở đường Dương Bá Trạc, quận 8, TP. HCM, vào khoảng những năm 1970, có một người chuyên bán cháo vịt, tên là cô Hai. Quán cháo vịt của cô bán rất chạy, khắp vùng ai cũng biết tiếng “cô Hai cháo vịt”. Khách tới ăn đông đến mức một buổi chiều có thể bán hết 20 con vịt .
Do sợ mua vịt làm sẵn ở bên ngoài không được ngon, nên cô Hai luôn tự tay mình ra chợ lựa từng con vịt còn sống về làm thịt.
Do có kinh nghiệm nhiều năm, cô Hai chỉ cần cầm con vịt lên là biết được con nào da nhiều, con nào mỡ nhiều, con nào thịt dai, con nào thịt bở… Sau đó đem về đích thân cắt cổ từng con làm thịt.
Suốt khoảng 20 năm bán cháo vịt như vậy, số lượng vịt bị cô giết quả là một con số …toát mồ hôi, trên 140.000 con
Một hôm, sau khi làm thịt mấy chục con vịt xong, cô cảm thấy đau đầu nên để việc cho các con làm tiếp, còn cô đi vào trong nhà nằm ngủ một giấc.
Trong giấc mơ, cô thấy mẹ của mình ( đã chết mấy chục năm về trước) trở về tìm cô. Điều kinh ngạc là cổ của bà bị ai cắt không rõ, đầu không đứt ra hẳn mà lủng lẳng trên cổ, máu chảy đầm đìa , nhìn rất kinh dị.
Bà hằm hằm tiến đến nắm lấy đầu cô Hai, giọng xuống bàn, và oán trách rằng:
– Tao nuôi mày khôn lớn, trưởng thành … để bây giờ mày cắt cổ tao !
Cô Hai liền nói:
– Con cắt cổ mẹ hồi nào mà mẹ nói như vậy ? Mẹ chết rồi, mẹ chết mấy chục năm rồi mà giờ má nói con cắt cổ mẹ ? Mẹ chết vì bệnh mà sao đổ thừa là con cắt cổ chứ ?
Bà mẹ liền nắm đầu cô đập xuống giường và lớn tiếng :
– Tại mày không biết nên mày nói như vậy. Mày mới cắt cổ tao đây, tao đau đớn chừng nào. Giờ tao về tao trả thù mày.
Khi đó cô Hai giật mình thức giấc, quá sức kinh hoàng, cô liền ngồi hồi tưởng lại, và nhớ ra. Quả là hồi trưa , trong số mấy chục con vịt bị cô giết , có một con vịt, sau khi bị cô cắt cổ xong, do cô đưa dao hơi quá tay nên cái đầu nó gần đứt giống như treo lủng lẳng trên cổ. Vậy mà con vịt này không chịu chết ngay, mà nó giãy giụa, vùng ra chạy được một đoạn mới ngã vật ra chết. Giờ cô nhớ lại mới thấy cái cổ con vịt ấy lủng lẳng y hệt cổ của mẹ cô trong giấc mơ.
Xâu chuỗi lại sự việc, cô Hai kinh hoàng hiểu ra rằng, mẹ mình đã đầu thai thành con vịt đó, và chính tay cô chứ không ai khác đã cắt cổ mẹ mình.
Nhận thấy luân hồi này thật là oan trái, nghiệt ngã, nghiệp sát thật đáng sợ, từ đó cô bỏ nghề bán cháo vịt , thương hiệu “ Cô Hai Cháo Vịt” dần chìm vào quên lãng, nhưng ác nghiệp cô đã gây ra, cùng những mối oán hận, những sự trả thù của những con vật bị giết trong những kiếp sau, sẽ còn theo cô không biết đến khi nào mới dứt.
Tĩnh Am Đại Sư có nói trong bài văn Khuyến Phát Tâm Bồ Đề:
“Đánh lừa bật máu ai hay cái bi thảm của mẹ ta
Dắt lợn vào lò đâu biết cha ta đau đớn.”
Hai câu thơ này là một lời cảm thán của Đại sư từ hai câu chuyện có thật ở Trung Quốc. Câu chuyện thứ nhất:
Khi xưa ở Nam Kinh có một gia đình có truyền thống nuôi lừa, cha truyền con nối. Rồi người cha mất đi, để lại 2 mẹ con phải sống cảnh mẹ quá con côi. Mẹ nuôi con khôn lớn rồi cũng tạ thế, người con tiếp tục truyền thống nuôi lừa.
Một thời gian sau, người con có nuôi một con lừa cái. Ròng rã 18 năm, con lừa đã cống hiến tất cả sức lực cõng vác cho chủ không nề hà gian khổ.
Nhưng đến khi già quá rồi, mỗi lần chở hàng nặng ra chợ để bán, nó không nhanh nhẹn được như xưa, nên người con thường dùng roi đánh vào lưng lừa rất mạnh để nó đi nhanh hơn.
Mỗi lần đánh như vậy, con lừa 2 hàng nước mắt chảy dài. Thực chất vì tuổi già nên con lừa không đủ sức kéo. Người chủ cứ tưởng con lừa này ăn no rồi làm biếng nên đánh cho nó sợ. Một hôm nọ, người con này nằm mộng thấy người mẹ đã khuất từ lâu đứng bên đầu giường nói:
– Trước kia ân oán nợ nần giữa con với mẹ vốn đã trả đủ, nhưng sau đó, mẹ lại ăn trộm của con 18 đồng tiền vàng, nên mẹ phải đầu thai trở lại làm thân lừa để trả nợ cho con suốt 18 năm. Con có biết suốt 18 năm qua mẹ đau khổ biết dường bao? Mỗi lần con dùng roi đánh vào thân lừa, mẹ đau thấu xương. Đau đớn hơn nữa là chính đứa con ruột của mình đánh đập tàn nhẫn mà mẹ không nói cho con nghe được.
Giờ đây mẹ đã trả xong nợ cho con rồi. Ngày mai này mẹ ra đi. Trước khi ra đi mẹ về báo mộng cho con. Mẹ khuyên con rằng kể từ nay con dừng tay lại, đừng nhẫn tâm giết hại các loài vật vì biết đâu đó là cha mẹ của con nhiều đời nhiều kiếp. Chính mẹ của con đầu thai đây mà con nào hay nào biết, lại đánh đập tàn nhẫn mẹ suốt 18 năm qua đó.
Giật mình thức dậy, người con không biết hư thật ra thế nào, cậu ta mới chạy ra chuồng lừa thì biết rằng con lừa già đó đã chết rồi. Sau đó anh ta bán hết lừa và đi tu.
Câu chuyện thứ hai:
Có một tên đồ tể hằng ngày dắt heo đến lò mổ, mỗi ngày giết ít nhất 3 con. Một hôm nọ, anh ta ngủ dậy trễ, đang trên đường dẫn heo đến lò thịt để mổ, con heo bỗng ghì lại không chịu đi. Anh ta đánh đập tàn nhẫn mà con lợn vẫn không chịu đi. Có một khách bộ hành đi ngang qua, bắt gặp cảnh đó nên bảo:
– Anh cứ để đó tôi sẽ có cách cho nó đi. Nói rồi người này liền gọi: “Lý Đẩu, Lý Đẩu! Lại đây!”
Tức thì con heo liền lại gần người khách. Người chủ bất ngờ hỏi:
– Anh có biết Lý Đẩu là tên ai không mà anh gọi vậy? Lý Đẩu chính là tên của người cha đã khuất của tôi đấy. Anh không phải là dân vùng này, vậy tại sao anh biết và gọi tên con heo là Lý Đẩu?
Người khách bảo:
– Lý Đẩu là con heo này, và cũng chính là cha của anh. Do cha anh kiếp trước sát sanh quá nhiều, bây giờ tái sanh lại làm heo để trả nghiệp.
Tên đồ tể kinh ngạc nhìn con heo, cứng lưỡi không nói được gì, chỉ biết đứng ngây dại ra đó. Khi quay lại thì người khách biến mất, hoá ra người khách ấy chính là Bồ Tát hoá thân để chỉ rõ nhân quả, điểm hóa cho người đồ tể.
Có một sự thật quan trọng mà 99% người đời nay không tin, không biết. Đó là bất kì ai, sau khi chết rồi sẽ đều phải đầu thai chuyển thế trong 6 nẻo, là cõi Trời – cõi A Tu La – cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ và địa ngục. Khi có phước kha khá một chút thì sinh lại làm người, kém hơn thì làm cô hồn ngạ quỷ, nếu nghiệp nặng, phước ít, thì đầu thai thành súc sinh, cũng là bình thường.
Và khổ một điều, nếu đầu thai thành súc sinh, sẽ không đi đâu xa, mà thường sẽ đầu thai quanh quẩn chỗ những người thân quyến, bằng hữu, những người có duyên nợ với mình như con cháu, họ hàng, bạn bè.v.v… hay những người chủ nợ mà khi còn sống chưa trả hết nợ cho họ.
Điều đó có nghĩa là những con vật quanh ta, như chó mèo, trâu bò, gà vịt.v.v… nuôi trong nhà, thường là thân bằng quyến thuộc bằng hữu của ta nhiều kiếp trước, phước hết nghiệp nặng, nên đầu thai thành súc sinh, vì có duyên nên sinh trong nhà ta, hoặc cách này cách khác, được ta đem về nuôi.
Thậm chí không cần nuôi trong nhà, ta ra chợ chọn mua những con vật ngoài đó về làm thịt thôi, do nhân duyên sắp đặt, ta cũng sẽ chọn đúng những con vật có duyên nợ từ tiền kiếp với mình mà mua, chứ không duyên thì cũng sẽ không gặp.
Và như những câu truyện trên các bạn đã thấy, giết thịt những con vật ấy để ăn, để bán, để đãi khách, thậm chí là để làm đám giỗ, cũng chính là giết hại những người thân bằng quyến thuộc từ nhiều kiếp của chính mình. Đó là một sự thật hết sức đau lòng mà không phải ai cũng biết.
Vì rằng đại đa số các con vật không có năng lực báo mộng như trong truyện trên đây cho ta biết. Chỉ có rất ít những con vật trong kiếp xưa có gieo một chút ít công đức nào đó, mới đủ năng lực tâm linh để báo mộng mà thôi.
Vì lẽ đó, Đạo Phật vẫn luôn chọn không sát sinh là giới luật đầu tiên mà người đệ tử nào cũng phải giữ gìn. Và luôn hướng cho tất cả mọi người ăn chay, để tránh cho mọi người nghiệp chướng nặng nề, tránh đi thảm cảnh oan oan tương báo, cốt nhục tương tàn trong lục đạo luân hồi.
Mong rằng ngày sẽ càng nhiều người thấu hiểu được điều này mà dừng tay tạo nghiệp, từ bỏ sát sinh, tránh gieo rắc khổ đau cho chúng sinh, cũng là cho chính mình.