Với những ai yêu thích dòng nhạc Hoa lời Việt, thịnh hành vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000, thì đều đã quen thuộc với những cái tên như Đan Trường, Lam Trường, Lý hải… Tuy nhiên, khi nhắc đến Nguyễn Đức, hẳn không ít người phải ngờ ngợ, nó vừa quen, vừa lạ. Anh là một ca sĩ sở hữu giọng ca rất ấm áp, ngọt ngào, từng một thời rất đắt show tại những sân khấu lớn tại Tp.HCM, là một trong những người tiên phong đưa nhạc Hoa lời Việt lên ngôi.
Ấy nhưng rất tiếc, khi sự nghiệp đang lên như diều gặp gió, thì bỗng… diều đứt dây, cái tên Nguyễn Đức dần rơi vào quên lãng. Chuyện gì đã xảy ra với anh ?
Nguyễn Đức sinh năm 1969, là con út trong một gia đình khá giả, từ nhỏ đã được gia đình hết mực cưng chiều. Lớn lên, anh sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê ca hát, và chọn đi theo con đường âm nhạc. Một lần nữa, may mắn lại mỉm cười với anh, sự nghiệp ca hát rất thuận lợi, những bản nhạc Hoa lời Việt của anh được khán giả đón nhận nồng hậu, show diễn tới tấp, đài truyền hình cùng các hãng băng đĩa giải trí liên tục mời anh hợp tác để thu âm.
Đắt show, tiền bạc ào ào chảy vào túi, nhưng khi đó, anh không dùng đồng tiền kiếm được để đầu tư thêm cho sự nghiệp, cũng không dùng chăm lo cho gia đình, báo hiếu ba mẹ, cũng chưa từng mua tặng người thân một món quà. Đơn giản là anh hưởng thụ, tiêu xài cho những thú vui của bản thân.
Vào năm 2000, một lần anh được các fan hâm mộ rủ đi chơi vũ trường, anh vui vẻ nhận lời. Trong ánh đèn nhập nhòe sáng tối, một fan đưa cho anh nửa viên thuốc màu hồng.
– Anh Đức uống đi.
Nhìn viên thuốc là lạ, anh định từ chối. Thấy anh lưỡng lự, một cậu khác nói thêm vào:
– Anh Đức ơi, chơi đi, vui lắm, cái này mắc tiền lắm. 500 nghìn (thời đó bằng một chỉ vàng) một viên đó, không rẻ đâu ạ. Chúng em mời anh.
Thấy họ nhiệt tình, Đức cũng phân vân, rồi cả nể, đánh bạo cho vào miệng. Sau này anh mới biết đó là viên thuốc lắc, một loại ma túy tổng hợp.
Đám bạn thấy anh dùng thuốc, liền hô lên tán thưởng, rồi tiếp tục cùng nhau quay cuồng, nhảy nhót trong nền nhạc sập sình một cách điên dại, kì quái. Chỉ khoảng 10 phút sau, Đức bắt đầu đứng không vững, đầu óc như trên mây, mất hết lý trí, hòa với đám đông điên cuồng nhảy múa.
Sau cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng đó, đám “fan hâm mộ” còn rủ rê Đức đi thêm nhiều ngày nữa, cho tới khi anh chính thức trở thành một con nghiện. Ngày này qua tháng nọ, được đám bạn nhà giàu bao, nên Đức mặc sức tận hưởng những cuộc vui bất tận khắp các vũ trường và nhà hàng sang trọng.
Dần dà, vì bận bịu chơi bời phê pha, nên anh không đoái hoài gì tới ca hát nữa. Các sân khấu vẫn mời, nhưng anh viện đủ lý do từ chối. Cứ thế không bao lâu, sự nghiệp tuột dốc, khán giả dần quên mất cái tên Nguyễn Đức.
Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải tàn. Năm 2003, vì phạm tội bị truy nã nên nhóm bạn đó tan rã. Không còn ai bao, Đức phải dùng tiền của mình để chơi thuốc. Chả mấy chốc, túi anh cũng rỗng sạch. Lúc đó mới nhớ ra mình đã thất nghiệp từ lâu, giờ phải làm sao để có tiền mua thuốc chơi tiếp đây ?
Trong cái khó ló cái “dại”, anh chơi cờ bạc nhiều hơn, hi vọng nó sẽ cho anh tiền nong dư giả để mua thuốc. Nhưng không ngờ, nó chỉ càng khoét sâu thêm cái hố túng quẫn của anh.
Đến lúc không còn chỗ nào xoay tiền, anh dụ dỗ mẹ bán căn nhà tại quận 5 đang ở, mua một căn nhỏ hơn ở quận 3. Ba đã mất, các chị đều đã ra ở riêng, chỉ còn mẹ và anh trong nhà, nên cũng không ai phản đối được. Thương con, mẹ anh đồng ý, bán nhà xong để dư ra được 20 cây vàng sử dụng khi cần thiết. Nhưng bà không biết rằng, cậu quý tử của bà đã tiêu sạch số tài sản đó chỉ vỏn vẹn thời gian ngắn vùi mình trong sòng bạc.
Chẳng bao lâu sau (2004), Đức tiếp tục thủ thỉ với mẹ bán căn nhà quận 3 chuyển mua căn khác nhỏ hơn tại quận 10. Hai mẹ con cứ thế chuyển từ nhà lớn sang nhà nhỏ dần. Kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ, thường xuyên phải dùng mỳ ăn liền cầm cự qua ngày. Sau 7 năm ăn chơi buông thả, một ca sỹ trẻ có tiếng tăm, với cuộc sống sung sướng đã thành một con nghiện đói thuốc, lại đói cả ăn, còn khiến cho gia cảnh ngày càng u ám hơn.
Bước đường cùng, anh cầm cố căn nhà ở quận 10 cho ngân hàng được 100 triệu, lấy tiền tiêu xài. Nhưng ngựa quen đường cũ, hết vũ trường đến chơi thuốc, rồi cờ bạc đề đóm, số tiền đó cũng nhanh chóng được anh phá sạch sẽ. Rồi tiếp theo, cũng như bao con nghiện khác, Đức bán xe, bán cả bàn ghế đồ đạc trong nhà, rồi chuyển sang bán thuốc lắc để có tiền chơi.
Từ ngày Đức hư hỏng, ăn chơi, nghiện ngập, suốt ngày nói dối, đàn đúm thâu đêm suốt sáng, mẹ Đức đã buồn khổ vì anh rất nhiều. Nay lại phải bán hết nhà này đến nhà khác, kinh tế gia đình tụt dốc, mẹ anh càng thêm phần sầu não. Đôi mắt của bà từ lâu đã không còn lấp lánh niềm vui, đôi mắt ấy giờ chỉ biết thẫn thờ nhìn đứa con trai thân tàn ma dại, ngày đêm đâm đầu vào những hố sâu thăm thẳm của cuộc đời.
Do chơi thuốc lâu ngày, cơ thể Đức ngày càng suy nhược. Đã thế lắm hôm chơi thuốc quá liều, bị sốc thuốc, Đức suýt chết mấy lần, may nhờ được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên còn cái mạng. Các bác sĩ quen mặt Đức rồi, cũng ngán ngẩm thốt lên:
– Đừng có vô đây nữa. Cứ sống mãi như thế này sao?
Phải rồi, có lẽ anh cũng chẳng muốn sống như thế này nữa đâu. Nhưng chót dại dính phải ma túy, bỏ được nó khó như bắc thang lên trời.
Có lần, Đức lại sốc thuốc, nhà không còn tiền đưa anh đi cấp cứu, đành để anh “tự sinh tự diệt” ở nhà. Đức lê lết bò trên sàn, thở thoi thóp, anh đã sẵn sàng để đi theo thần chết. Trời lúc đó mưa rất to, tiếng mưa rơi ào ào trên mái tôn át hết hầu như mọi âm thanh khác, trừ tiếng gào khóc thảm thiết của mẹ.
Khi hơi thở đã gần cạn kiệt, nhìn bóng dáng người mẹ già vẫn luôn bên anh bất kể anh thế nào. Thế mà anh chưa làm được gì báo hiếu mẹ cả, chỉ toàn làm mẹ khổ thôi. Anh hối hận, hối hận thật sự. Khao khát được sống trong anh lại trỗi dậy. Đức chợt nhớ tới Ngài Quan Âm, dồn hết tâm lực, gồng người lên, lết đến bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát lẩm nhẩm khấn nguyện:
– Con hư đốn, con biết tội lỗi của mình. Xin Ngài hãy cứu sống con. Một lần này thôi, con không dám nữa. Con chưa làm được điều gì cho mẹ, cho gia đình, cho mọi người. Xin Ngài thương mà hãy cứu con.
Dường như được sự gia hộ của Bồ Tát, tự nhiên linh tính của anh thôi thúc anh phải đứng dậy, đi tới đi lui để xả chất độc dược trong người, không thể lê lết nằm một chỗ như vậy.
Đức bắt đầu bấu tay vào tường, gắng gượng đứng dậy, đi đi lại lại chậm rãi, vừa đi vừa thở hổn hển như cá mắc cạn. Sau đó, anh uống nhiều nước, rồi đi tiểu nhiều lần. Cơn sốc thuốc cũng theo đó tan biến một cách thần kì.
Sau lần suýt chết ấy, Đức suy nghĩ rất nhiều. Trong số đám bạn của anh, vài đứa chết vì sốc thuốc, đứa thì bị đâm chết, thậm chí có đứa bị tử hình. Ngay chính anh cũng mấy lần tưởng chết. Anh nghiệm ra cuộc sống này thật mong manh, nay sống mai chết không thể biết trước.
“Cuộc sống vô thường ngắn ngủi, còn biết bao nhiêu việc ý nghĩa cần làm, tại sao mình cứ chôn chân trong mấy trò điên rồ đó chứ?” – Đức nghĩ.
Kể từ đó, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh cắt liên lạc, tránh xa đám bạn xấu. Rồi vận hết ý chí bình sinh, bỏ chơi thuốc, bỏ hết các trò ăn chơi cờ bạc. Giờ đây, anh chỉ mong mỏi được quay trở lại cuộc sống bình thường để còn báo hiếu cho mẹ.
Một người bạn của chị gái khuyên nhủ Đức chịu khó đi chùa lễ Phật, sẽ giúp anh dễ dàng vượt qua khó khăn. Nhưng những khoản nợ nần cứ treo lơ lửng trước mắt, khiến anh không có tâm thế đâu vô chùa. Đức tự nhủ: “Mình phải ca hát trở lại, lấy tiền nuôi má”
Đã lâu không hát, nhưng đam mê âm nhạc chưa bao giờ tắt trong con người anh. Nó chỉ tạm thời ngủ quên, và nay thì phải đánh thức nó dậy. Anh liên hệ với các sân khấu xin đi diễn lại, nhưng họ từ chối. Anh đành xin đi hát đám cưới, nhưng ngay những đám cưới nho nhỏ cũng không tới lượt. Đức gọi điện cho nhiều anh em đồng nghiệp tìm mối:
– Có cái đám cưới nào không? Cho tôi đi hát với.
– Cát xê có 30 nghìn thôi Đức ạ.
– 30 nghìn cũng được.
– Nhưng đủ người rồi Đức ơi. Thông cảm nhé.
Thật trớ trêu, khi người ta cần anh thì anh từ chối, khi anh cần người ta thì người ta lại lánh xa. Cái tiếng ăn chơi nghiện ngập vốn đã lan ra khắp giới showbiz từ lâu, chẳng ai còn dám mời anh nữa. Đức buồn rầu cúp máy.
Chả mấy chốc, khoản thế chấp nhà cho ngân hàng đã tới thời gian đáo hạn. Nếu không có tiền trả nợ, thì hai mẹ con Đức sẽ phải ra đường. Bí quá, anh đành rao bán nhà lấy tiền trả nợ. Anh đăng bán trên các trang báo, gọi cả môi giới để mong bán được nhanh chóng. Nhưng chờ mãi chẳng bán nổi, người đến xem cũng có, nhưng không ai chốt cả. Lòng anh nóng như lửa đốt, lo lắng không yên.
“Tới nước này rồi, hay cứ lên chùa thử xem.”- Anh tự nhủ.
Một ngày đầu tháng 10 âm lịch, Đức lên xe buýt ra chùa Hoằng Pháp. Vào tới khuôn viên chùa, đôi mắt anh ngước nhìn lên cao, thấy dòng chữ “Phật Pháp nhiệm màu” rất lớn. Đức chợt xúc động, rơi nước mắt, quỳ dưới tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát mà khẩn khoản:
– Con lạy Ngài, xin ngài hãy cứu con, con không biết Phật Pháp nhiệm màu là thế nào hết. Nếu mà thật sự linh thiêng, xin Ngài cho con về bán được ngôi nhà, để cứu con với má con.
Lễ Phật xong, Đức phóng tầm mắt, nhìn ngắm khuôn viên chùa, từng làn gió thong thả thổi vài chiếc lá rụng trên sân, nắng vàng phủ lên tôn tượng Phật hắt xuống thành bóng mát phủ lên vai anh. Bất chợt, Đức cảm nhận thấy một sự bình yên lạ thường. Không biết đời mình sau này sẽ về đâu, nhưng chí ít anh cũng tìm được một cảm giác bình yên mà từ lâu vắng bóng.
Ngay hôm sau, đang bồn chồn lo âu, chỉ còn vài chục tiếng nữa là ngân hàng tới tịch thu nhà, chợt chuông điện thoại reo, Đức nhấc máy. Đầu dây bên kia là đạo diễn Phương Sóc, ngỏ ý muốn mua căn nhà này, rồi ngay lập tức đặt cọc tiền.
Cuộc trao đổi mua bán diễn ra nhanh chóng kì lạ, khiến Đức mất vài phút ngẩn ngơ. Đã một thời gian dài đăng bán mãi không được, đằng này chỉ sau đúng một hôm kể từ khi Đức khấn xin Quán Thế Âm Bồ Tát.
“Phật Pháp nhiệm màu là thật” – Đức khẳng định.
Bán được nhà, trả xong các khoản nợ. Đức mua hương hoa trái cây lên chùa cúng dường, một lần nữa, anh lại khấn xin Quán Thế Âm Bồ Tát gia hộ cho mình có thể quay lại sự nghiệp âm nhạc, đem tiếng hát của mình ca ngợi Tam Bảo, Phật Pháp.
Một lần nữa anh lại toại nguyện. Những người đồng nghiệp cũ bắt đầu rủ anh đi hát cho các chùa, các chương trình thiện nguyện, anh hăng hái tham gia ngay. Không lâu sau, anh có cơ hội hợp tác với nhạc sỹ Vũ Ngọc Toản để thu âm, trình diễn những ca khúc Phật giáo ở khắp mọi miền. Tuy thu nhập không nhiều, hoặc có khi không có thù lao, nhưng Đức rất hạnh phúc vì lại có cơ hội đứng trên sân khấu.
Cảm động trước sự từ bi gia hộ của Quán Thế Âm Bồ Tát, Đức liên hệ với nhạc sỹ Hàn Châu, kể lại chuyện đời mình, khẩn khoản nhờ nhạc sỹ sáng tác riêng một ca khúc như một sự tri ân sâu sắc anh muốn dâng lên Tam Bảo.
Và trong chương trình Phật Pháp nhiệm màu kỳ 26 tại chùa Hoằng Pháp năm 2014, trước hàng ngàn Phật tử, Nguyễn Đức đã đem bài hát “Lạy Phật Quan Âm” ấy hát lên bằng tất cả trái tim chân thành, sự biết ơn vô bờ với Quán Thế Âm Bồ Tát. Bằng một chất giọng ấm áp đầy truyền cảm, cùng với phong thái nhẹ nhàng, từ ái, bài hát đã tỏa ra một nguồn năng lượng bình an, hạnh phúc lan tỏa đến mọi người và dần trở nên nổi tiếng. Cũng từ lần biểu diễn đó, sự nghiệp anh có một sự chuyển biến lớn.
Ca sĩ Nguyễn Đức liên tiếp được mời đi các chương trình khắp trong và ngoài nước, đem tiếng hát ca ngợi Phật Pháp lan tỏa nơi nơi. Anh cũng không quản ngại xa xôi, sẵn sàng lặn lội tới tận những vùng sâu vùng xa hát từ thiện. Và bây giờ, Nguyễn Đức đã trở thành một tên tuổi vang danh gắn liền với dòng nhạc Phật giáo.
Đức có thu nhập ổn định trở lại. Không dại dột như xưa đem tiền đốt vào những cuộc chơi trác táng, anh dành dụm tiền mua một căn nhà ở quận 8 để hai mẹ con ở, và mua thêm vài mảnh đất nữa. Đức chia sẻ với mọi người:
– Có Phật Pháp, đời mình thật sung sướng, tâm luôn thanh thản, đi đâu cũng được mọi người thương mến, được làm công việc ý nghĩa.
Mỗi ngày, anh đều đặn lên chùa Bửu Đà tụng kinh, học hỏi giáo lý. Tâm tính dần biến chuyển, đến nay đã không còn tha thiết gì với những cám dỗ sa đọa ngoài xã hội. Anh chỉ tập trung vào sự nghiệp âm nhạc Phật giáo, và chăm sóc mẹ già. Phần lớn thời gian anh đều ở bên cạnh mẹ, săn sóc bà từng chút một. Ngoài ra, Đức dần tiến sâu vào học hỏi, thực hành giáo lý Phật Pháp.
Anh thường ngày trì kinh Pháp Hoa đều đặn, đi đứng nằm ngồi thường niệm Phật, trì chú Đại Bi. Mỗi ngày trôi qua như vậy đều là một ngày an lạc, hạnh phúc đối với anh.
Cuộc đời luôn đầy rẫy những cám dỗ, trực chờ kéo con người ta rơi xuống bùn lầy. Đức đã không đủ bản lĩnh để tránh khỏi những cám dỗ đó. Rất nhiều người trong số chúng ta cũng vậy. Nhưng một lần sa chân không có nghĩa là không còn đường cứu thoát. Với sự nỗ lực hết mình, cùng với ánh sáng soi lối của Phật Pháp, ca sĩ Nguyễn Đức đã bước ra khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đứng dậy làm lại cuộc đời. Câu truyện của anh đã truyền cảm hứng cho những ai lầm đường lỡ bước, có thêm động lực để làm lại cuộc đời, tìm về nơi ánh sáng.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Nguyễn Đức)