MẸ CHỒNG NÀNG DÂU – NHỮNG ÂN OÁN TIỀN KIẾP VÀ CÁCH HÓA GIẢI

0
1367

(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Trần Trà Giang)

Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng. Từ ngàn xưa, nếp sống ấy đã thấm vào máu, vào cái nhận thức cố hữu của cả xã hội. Hầu hết mọi người đều cho rằng nếu chẳng có vợ chồng con cái, thì cuộc sống biết nương tựa vào đâu, về già biết nhờ cậy vào ai. Chúng ta thường tự an ủi chính mình bằng cách cố tình lý tưởng hóa sự thật về hôn nhân, rằng dù ngoài kia phong ba bão táp, thì khi trở về nhà, đằng sau cánh cửa sẽ là một chốn bình yên.

Ừ thì đúng là đôi khi cũng yên bình thật, thế nhưng đó không phải tất cả. Bình yên một phần, sóng gió lại có khi đến đôi ba phần, bảy tám phần chứ chẳng ít. Rất nhiều người sau khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, bỗng như tỉnh cơn mộng, phát hiện một sự thật rằng hóa ra phần lớn những mâu thuẫn, căng thẳng nhất trong cuộc sống lại xuất phát từ chính những tổ ấm nhỏ bé này.

Nhắc đến Trà Giang, cô giáo mầm non quê xứ Nghệ, họ hàng lối xóm nghĩ ngay đến một người con gái dễ mến, rất đỗi hiền lành, điềm đạm, với một giọng nói nhẹ nhàng, và thái độ luôn dễ gần. Giang có một người chồng tốt tính, chăm sóc, lo lắng, yêu thương cô hết mực. Có thể nói là hiếm ai yêu vợ được như anh, tất bật lo cho vợ học ngành mầm non, rồi lại chạy đôn chạy đáo xin việc cho vào một trường mầm non có tiếng ở Đà Nẵng. Lúc nào cũng sợ cô ấy đau cô ấy mệt, chăm sóc Giang từng ly từng tí.

Thoạt nghe ai cũng tưởng rằng đời Giang thế là êm ấm, mấy ai sánh bằng, khối người mơ còn chẳng được như vậy. Các chị các cô đi lấy chồng chỉ thấy than thở cả ngày, chạy về nhà mẹ đẻ thút tha thút thít, đằng này Giang phải tự mình công nhận chồng cô quá tốt với mình. Ấy thế nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, ai rồi cũng có những nỗi khổ tâm riêng. Chồng đối xử tốt bao nhiêu thì bố mẹ chồng lại khắc nghiệt với cô bấy nhiêu. Đã không ít lần trong tâm trí Giang nảy sinh ý định tự tử vì quá khổ tâm, bức bách bởi sự cay nghiệt của mẹ chồng.

Khi còn là cô gái đôi mươi, trẻ trung, mơ mộng, nhìn cuộc đời bằng lăng kính màu hồng, Giang tình cờ quen biết với anh sinh viên trường báo chí đẹp trai, thư sinh. Ra trường, anh trở thành một nhà báo, có công ăn việc làm, thu nhập hết sức ổn định, trở thành niềm tự hào trong mắt gia đình. Trong khi đó, công việc của Giang thì bấp bênh, nghề nghiệp không rõ ràng, thu nhập lúc có lúc không, gia đình Giang cũng thuộc diện nghèo chứ không được khấm khá gì. Chính sự khác biệt đó khiến bố mẹ chồng ngay từ đầu đã nhất quyết phản đối cuộc hôn nhân mà ông bà cho là không môn đăng hộ đối, thậm chí dọa sẽ từ mặt con trai nếu hai đứa vẫn cố tình đến với nhau, bất chấp khi ấy, Giang đã có bầu.

-Con xin lỗi mẹ, con là đứa bất hiếu, mong ba mẹ thông cảm mà chấp nhận Giang, đó là cô gái con đã chọn. Con chấp nhận bị từ mặt chứ con không thể bỏ vợ và con của con được – anh con trai nghẹn ứ ở cổ họng, nói trong sự dằn vặt, khổ tâm, với anh dường như không còn sự lựa chọn nào khác. Một bên là cha mẹ, một bên là vợ con, có lẽ đây là trường hợp khó xử nhất đối với một người đàn ông có trách nhiệm trong gia đình.

Đứa con trai mình yêu thương đùm bọc bao tháng ngày đã cương quyết như vậy, ông bà giận lắm, xong cũng đành phải nhắm mắt chấp nhận. Chờ đến khi cưới về rồi, bao nhiêu sự căm giận nay được trút hết lên đầu cô con dâu hiền thảo. Ông bà tỏ ý ghét Giang ra mặt, luôn lấy đứa bé trong bụng làm cái cớ cho sự chấp nhận Giang bước chân vào cái nhà này. Đặc biệt với bà mẹ chồng, Giang như cái gai trong mắt, lúc nào cũng muốn nhổ ra ngay. Mỗi lời bà nói ra, nếu không đay nghiến thì cũng là xúc phạm thậm tệ cô, cũng như gia đình cô.

Bao nhiêu năm sống trong sự hiềm khích của mẹ chồng, thậm chí nhiều phen bà còn xúi con trai bỏ vợ, xong Giang chẳng một lời oán thán hay cãi mẹ. Mỗi lần bị sỉ nhục, Giang chỉ hiền lành nhoẻn miệng cười kèm theo một vẻ mặt khờ khạo. Đến nỗi bà mẹ chồng phải thốt lên:

– Cái con sao mà tao nói đúng nói sai gì nó cũng cười hết á, chửi vào mặt nó mà nó cũng cười, hiền hiền đến mức thành đần.

Không phải Giang không hiểu hết những thâm ý cay nghiệt trong lời của bà, mà vì cô hiểu nỗi khổ tâm của chồng, đang kẹt ở giữa với một bên là mẹ, một bên là vợ. Thế nên cô nhịn, cho chồng cô không phải khó xử. Nhưng nhịn mãi thì cũng đến giới hạn của nó, Giang nhiều lần cảm thấy uất ức, chỉ muốn chết quách đi cho xong.

Mỗi lần như vậy, Giang chạy vào phòng, khóa chặt cửa, một tay chạm nhẹ vào cái bụng đang lớn lên từng ngày, như vỗ về an ủi đứa con, cô úp mặt vào gối mà khóc, đó không phải tiếng khóc nấc của cảm xúc muốn vỡ òa lên, mà đó là những giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ chảy hai bên má của một cô gái tinh tế, sâu sắc và hiểu chuyện. Có lẽ chính tình yêu thương ấm áp chân thành của chồng đã níu giữ cô lại, là động lực giúp Giang trải qua những tháng ngày cay đắng trong căn nhà này.

Chẳng những ghét bỏ con dâu, mẹ chồng Giang cũng coi thường ông bà thông gia ra mặt, chẳng nể nang chút nào. Chả là một năm bố mẹ đẻ Giang cũng thu xếp một hai lần vào thăm con, thăm cháu. Dù kinh tế khó khăn, nhưng phận làm con, Giang cố gắng biếu cha mẹ năm trăm, một triệu cho phải phép, chứ nhiều hơn cũng chẳng lấy đâu ra.

– Tưởng thế nào, hóa ra vào đây cũng chỉ để xin tiền con trai tôi. – Mẹ chồng Giang đi ngang qua, liếc xéo đôi mắt nhìn ông bà thông gia từ trên xuống dưới, ra vẻ săm soi bộ quần áo cũ kĩ và đôi giầy đã mòn của họ, thả một câu gọn lỏn rồi bỏ đi luôn.

Nghe thấy lời nói cay độc như xát muối của bà thông gia, bố mẹ Giang tím tái mặt mày, mới đến thăm con đã phải tìm cách ra về sớm. Chồng Giang thấy vậy, cũng không khỏi xấu hổ thay, cúi đầu, mắt nhìn chằm chằm xuống đất như muốn tìm ngay một cái lỗ để chui vào. Riêng Giang thì lòng chua xót vô cùng, bản thân cô làm dâu chịu xỉa xói đã đành, nay lại còn để bố mẹ bị ảnh hưởng.

Vì sao mà chuyện mẹ chồng nàng dâu dường như đã trở thành vấn nạn trong xã hội từ ngàn xưa tới nay chưa bao giờ chấm dứt? Bởi do nhiều yếu tố gây ra. Trước tiên phải kể đến tâm lý mâu thuẫn của hai người phụ nữ ở hai thế hệ, vốn xa lạ và nhiều khác biệt bị cột chặt trong một mối ràng buộc, dù muốn dù không cũng phải ở chung trong một gia đình. Rồi cũng phải kể đến thói quen can thiệp quá sâu của một số bậc làm cha mẹ tới cuộc sống riêng tư của con cái, họ muốn thay con quyết định những thứ đáng nhẽ phải do chúng tự quyết định, họ muốn giúp con cái mình được hạnh phúc, nhưng thực tế họ càng làm vậy, thì họ càng đẩy con cái vào đau khổ triền miên.

Xã hội thì đào tạo ra những hệ tư tưởng hết sức trái tự nhiên, như quan niệm về “môn đăng hộ đối” trong trường hợp này là một ví dụ,  gây mâu thuẫn, ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc của nhiều gia đình, thậm chí gây ra sự đau khổ cho rất nhiều người. Đó là những nguyên nhân bề nổi trong xã hội, chưa kể đến sự chi phối âm thầm nhưng vô cùng mạnh mẽ của luật nhân quả vẫn liên tục tác động lên những mối quan hệ trong gia đình. Và đây mới là nguyên nhân cốt lõi.

Bất lực khi không biết phải giải quyết như thế nào, trong đầu Giang luôn tràn ngập sự thắc mắc, thắc mắc vì sao cuộc đời mình lại rơi vào hoàn cảnh oái ăm, ngang trái như thế, thắc mắc không hiểu mình đã làm gì sai để phải gánh chịu tất cả những điều này, và thắc mắc không biết giờ đây mình nên làm gì để xoay chuyển tình thế? Giang cảm tưởng như mình sắp không thể chịu đựng được nữa, mọi thứ trong cô sắp đạt đến ngưỡng giới hạn, thêm xíu nữa thôi nó sẽ nổ tung tanh bành như một quả bóng bị bơm quá căng bắt buộc phải nổ vậy.

Những trăn trở ấy cứ quanh quẩn, quẩn quanh, khiến Giang không cam tâm. Dù không phải một Phật tử thuần thành có bề dày tu tập, nhưng có lẽ bản thân Giang cũng sẵn có chút duyên với Phật, ban đêm trước khi đi ngủ, cô thường niệm danh hiệu Phật A Di Đà và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Trong Giang đã sẵn có niềm tôn kính với các Ngài, cô coi các Ngài như người cha hiền luôn che chở cho mình. Một hôm như bao hôm khác, Giang ngồi trong phòng, cung kính thành tâm chắp tay niệm Phật, trong tâm cô khởi lên mong muốn được biết kiếp trước, xin các Ngài giúp cô được thấu rõ nguyên do vì sao cuộc đời mình hiện tại lại bi đát như vậy. Cứ thế vừa niệm Phật vừa trăn trở, mong mỏi được biết câu trả lời, Giang mệt chìm vào giấc ngủ từ lúc nào không hay.

Rồi những cảnh tượng lạ lẫm bỗng xuất hiện trong giấc ngủ như những thước phim được tua nhanh, nhưng không hề mơ hồ, hỗn loạn như các giấc mơ bình thường, mà đây là một giấc mơ hết sức chân thực và sống động, logic và mạch lạc.

-“Aaaa, cứuuu” …

Tiếng la hét chưa kịp cất lên, chưa kịp thoát ra khỏi vòm họng, và cũng chưa có ai kịp nghe thấy, thì đã có một bàn tay to lớn và rắn chắc bịt lấy miệng cô thiếu nữ.

Đó là Giang của kiếp trước – cô tiểu thư đài các của một gia đình địa chủ giàu có trong vùng. Đã đến tuổi cập kê, bố mẹ cô ngắm sẵn cho con gái một mối rất “môn đăng hộ đối”, là cậu con nhà phú ông ở xóm bên. Cuộc hôn nhân được sắp xếp theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đó đúng theo phong tục văn hóa phong kiến xưa. Mặc dù được cả hai bên gia đình ưng thuận, nhưng bản thân Giang lại chẳng ưng ý chút nào, chỉ miễn cưỡng mà nghe theo thôi.

Gần nhà cô có một anh chàng chuyên chăn trâu mướn cho địa chủ, dù gia cảnh bần hàn, nhưng thấy cô tiểu thư hiền thục dễ thương, anh chăn trâu cũng mặc kệ những rào cản giàu nghèo mà đem lòng thương nhớ cô. Còn cô, mặc dù là tiểu thư đài các, nhưng chưa bao giờ sinh tâm khinh khi những người có địa vị xã hội thấp kém hơn mình, kể cả với các nô tỳ trong nhà, và kể cả với anh chăn trâu mặt mày lấm lem bùn đất này cũng vậy. Thấy anh là người có tình có nghĩa, cô cũng có chút cảm mến, xong chỉ là một chút tình cảm trong sáng mà thôi.

Cho đến hôm anh chăn trâu biết được cô sắp đi lấy chồng, lòng dạ anh như lửa đốt. Sẩm tối hôm ấy, gió thổi hiu hiu, cô tiểu thư cùng mấy nô tỳ đang trên đường trở về nhà. Trăng hôm nay sáng hơn mọi ngày, trăng tròn vành vạnh soi chiếu cả một bầu không gian thanh vắng, chiếu rọi cả những đám bụi rậm hai bên đường. Cô để nô tỳ đi về trước, còn mình tự do thơ thẩn ngắm nhìn ánh trăng, tận hưởng những cơn gió mát của mùa hè đang luồn qua từng lọn tóc đen dài mượt mà của cô.

-“Aaaa, cứuuu” …

Đột ngột cô bị ai đó lôi xệch vào bụi rậm, dùng tay bịt miệng khi cô vừa mới chỉ kịp hét lên một tiếng kêu cứu, nhưng chẳng có ai nghe thấy, xung quanh bốn bề vắng lặng. Trong tư thế khum người phòng vệ, miệng cô vẫn bị người ta bịt chặt, đôi bàn tay ấy khỏe đến nỗi cô không thể động đậy nói thêm lời nào, chỉ cố đưa mắt nhìn ra sau, chợt nhận ra người đàn ông khỏe mạnh đang khống chế cô chả phải ai xa lạ, chính là anh chăn trâu ở bên cạnh nhà. Bí quá hóa liều, vì không muốn mất cô nên anh ta quyết liều một phen, để cho gạo nấu thành cơm, rồi muốn ra sao thì ra. Với sự chống cự yếu đuối, cuối cùng cô tiểu thư đã bị anh cưỡng đoạt.

Mọi việc diễn ra quá nhanh và chóng vánh, khiến cô tiểu thư vô cùng sợ hãi. Cô chạy thật nhanh về nhà, nước mắt chảy dài hai bên má, kể hết sự tình cho cha mẹ. Nghe như sấm nổ bên tai, không thể chịu nổi sự thật phũ phàng này, ông bà địa chủ đứng đơ như trời trồng một lúc rất lâu, dường như chưa thể chấp nhận điều mình vừa nghe thấy. Họ thường nghĩ rằng những việc nhơ nhớp ấy chỉ có thể xảy ra ở đâu đó đầu làng, cuối xóm, hay ở tít vùng bên, chứ chẳng bao giờ nghĩ sự việc ấy lại có thể xảy ra ngay tại đây, với chính gia đình họ.

Căn nhà tràn ngập không khí sục sôi căm giận, lập tức ông bà địa chủ huy động một đội gia nô đông đảo, gậy gộc lăm lăm trong tay, xồng xộc đến bao vây kín mái nhà lá xiêu vẹo của gã chăn trâu. Rồi họ chửi rủa, họ nện, họ giã cho gã chăn trâu một trận đòn dã man “thừa sống thiếu chết” để thỏa lòng căm phẫn tột độ của gia đình. May sao họ vẫn còn kiềm chế, không đánh chết luôn cái tên chăn trâu “to gan lớn mật” này.

Không lâu sau, cô tiểu thư phát hiện mình có thai. Nó trở thành thông tin nóng hổi nhất, được kháo ầm lên ở cái xóm ấy. Khắp mọi ngóc ngách, hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng đang bàn tán, nói ra nói vào về cái việc không chồng mà có chửa, chả mấy đã đến tai gia đình phú hộ xóm bên, khiến họ phẫn nộ quyết định từ hôn.

Với cô tiểu thư, đó lại là một tin tốt lành, bởi vì vốn dĩ cô cũng không ưng ý việc sắp đặt này. Sẵn có chút cảm mến từ trước, nay chuyện đã tới nước này, cô xin cha mẹ cho lấy anh chăn trâu.  Tất nhiên ông bà địa chủ phản đối kịch liệt, cô liền tuyệt thực để ép cha mẹ tác thành.

Dù có căm phẫn tới mức nào, xong thương con gái, và đằng nào thì sự cũng đã rồi, gạo cũng đã nấu thành cơm, ông bà địa chủ cuối cùng đành chịu thua, đồng ý cho con gái về làm vợ gã chăn trâu. Cất cho chúng một cái nhà nho nhỏ, cách xa xa một chút để hai vợ chồng sinh sống, chứ không được ở nhà bố mẹ đẻ, cũng là một cách để phần nào xoa dịu lời ra tiếng vào của dư luận, làng xóm.

Một hôm sang thăm con, ông bà địa chủ thấy con gái mình đang dúi vào tay bà mẹ chồng mấy quan tiền. Chẳng cần biết đầu đuôi như thế nào, bà địa chủ liền xông đến giật lấy tiền, vứt xuống đất, lấy chân day day lên, rồi có bao nhiêu lời lẽ miệt thị, cay độc nhất, bà trút hết lên đầu bà thông gia, mẹ của “thằng rể chăn trâu bất đắc dĩ”. Biết thân phận mình nghèo hèn, bà ấy chỉ biết cúi đầu im lặng, nhưng trong lòng bà thì bừng bừng biết bao nhiêu lời nguyền rủa căm hận.

Biết được như thế, sợ cha mẹ vốn đã quá khổ tâm vì mình, nay lại chồng thêm nghiệp chướng, kết oán với mẹ chồng, cô phát nguyện bao nhiêu tội lỗi của cha mẹ mình, cô xin gánh hết.

Ngay đó, Giang chợt tỉnh sau giấc mơ tiền kiếp chân thực. Giang bất ngờ nhận ra anh chăn trâu kiếp đó chính là người chồng yêu thương của mình hiện tại, và mẹ chồng hiện tại cũng chính là mẹ chồng kiếp trước, cha mẹ đẻ cũng vậy, chỉ khác nhau ở sự hoán đổi gia cảnh giàu nghèo mà thôi.

Kiếp xưa chồng Giang, tức anh chăn trâu yêu thương cô như thế nào, nay vẫn vậy. Hơn nữa, anh đã khiến cho cô và gia đình lâm vào cảnh phẫn nộ, nhục nhã, nên kiếp này anh càng yêu thương, chăm lo cho cô nhiều hơn, coi như để đền trả món nợ. Mẹ chồng và mẹ đẻ của cô thì vẫn hiềm khích với nhau như xưa, chỉ là vị trí đã được luật Nhân Quả hoán đổi từ “người khinh thường người khác” thành “kẻ bị khinh thường”.

Nhiều người hay mỉa mai chê bai nhau để thỏa mãn tính kiêu ngạo, để cho “sướng cái mồm”, họ cho rằng đó chỉ là lời nói đầu môi, nói xong rồi thì thôi, đâu có để lại hậu quả gì. Nhưng thực tế lại nghiêm trọng hơn ta tưởng, dù chỉ một câu nói đôi khi cũng đủ sức làm cho người nghe suy sụp tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, thậm chí cả lối sống, hành vi của người nghe.

Sự chê bai, miệt thị có mục đích hạ thấp đối phương và nâng cao tầm giá trị của chính mình, nó khác với lời góp ý thẳng thắn với thiện chí mong muốn người đó nhận ra điều xấu để thay đổi trở nên tốt đẹp hơn. Nói những lời lẽ chê bai, miệt thị người khác sẽ tạo ra ý nghiệp và khẩu nghiệp. Và quả báo trong tương lai sẽ như thế nào ? Quy luật rằng: khi ta khinh chê người khác ra sao, thì quả báo là chính ta sẽ bị khinh chê lại như vậy. Và đó là những gì bố mẹ Giang đã phải trả.

Bản thân Giang và mẹ chồng kiếp trước cũng không có hiềm khích gì, nhưng vì lời nguyện sẽ chịu nghiệp thay cha mẹ, nên cô kiếp này gần như lãnh trọn quả báo đó, sinh ra trong gia đình nghèo khó, lớn lên kết hôn thì bị mẹ chồng miệt thị, đối xử vô cùng thậm tệ.

Sự trải nghiệm tiền kiếp đã cho Giang một lời giải đáp rõ ràng, mạnh mẽ hơn, vì thế cô càng thấu hiểu và cảm thông hơn với mẹ chồng mình. Giờ đây, Giang đón nhận những ngang trái xảy đến một cách nhẹ nhàng, bình thản, an nhiên hơn nhiều, bởi vì cô đã nhìn ra căn nguyên gốc rễ của nó. Chính là do duyên nợ với mẹ chồng, và nó cần phải được hóa giải. Vậy hóa giải bằng cách nào?

Hôm đó, vào khoảng tháng 10/2021, Giang mạnh dạn kể lại câu chuyện và giấc mơ của mình cho một vị thiện tri thức, và được vị ấy hướng dẫn cách hóa giải nhanh chóng bằng việc tạo công đức và hồi hướng cho chủ nợ – chính là mẹ chồng, thông qua một bài viết tên “DUYÊN NỢ & CÁCH TRẢ NỢ.”

Giang đọc xong, tâm trí như bừng tỉnh. Cô đã hiểu nguyên lý và quyết tâm áp dụng cách đó triệt để, mỗi ngày Giang cố gắng duy trì niệm 108 câu danh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” và tụng một bộ kinh Địa Tạng hồi hướng cho mẹ chồng, cứ thế bền bỉ trong một thời gian dài. Ai tụng kinh nhiều sẽ hiểu, đó là một việc cần nỗ lực đến mức nào.

Thêm vào đó, cô cố gắng thấu hiểu và quan tâm hơn nữa đến mẹ chồng. Khi bị bà mắng chửi, thì cô vẫn cười, xong không phải là cố gắng gượng nhẫn nhịn như trước, mà cô cố gắng hiểu tâm tư của bà, để rồi bao dung và buông xả nỗi hiềm hận. Thế là tâm được nhẹ nhõm. Cô còn thường bảo chồng phải biết chăm sóc cho mẹ nhiều hơn.

Cuối cùng thì những cố gắng của cô cũng làm xoay chuyển được hoàn cảnh. Thật vi diệu, sau một thời gian hồi hướng trả nợ, mẹ chồng Giang đã bớt cay độc. Những lời rủa mắng thưa thớt dần rồi tắt hẳn. Từ bên trong, tự dưng bà cảm thấy Giang quả là một cô con dâu khó tìm. Dù bà chỉ một bề đay nghiến cô bao năm, thì cô vẫn một mực thảo hiền, chịu đựng, nghĩ tốt về bà. Và bà bắt đầu thương con dâu. Và càng ngày thì tình thương ấy càng nhiều hơn. Điều đó khiến Giang vui mừng khôn tả, cuối cùng thì những nỗ lực của cô đã được đền đáp.

Mỗi khi gặp điều gì đó bất công, thông thường chúng ta đều than thở, trách trời đất không công bằng, đổ hết tội lỗi cho ai đã đối xử với mình tệ bạc, hoặc ước rằng chưa bao giờ mình gặp phải người đó. Thế nhưng chúng sinh đâu biết rằng thực ra mọi thứ rất công bằng bởi vì đã có luật nhân quả điều khiển không chút sai lệch. Chẳng điều gì lại vô cớ xảy ra, tất cả mọi thứ đều có nguyên nhân của nó.

Không ai ngẫu nhiên xuất hiện trong cuộc đời của ta cả. Đã gặp ắt phải có duyên từ tiền kiếp. Gặp mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau, ắt ngoài duyên còn có nợ. Điều đó là một sự sắp xếp của nhân quả dựa vào chính những ân oán duyên nợ quá khứ nhiều kiếp ta đã tạo ra, nên giờ bắt buộc phải xảy đến với ta, không thể chạy đâu mà thoát được.

Thế nên, chuyện hôn nhân hay vô vàn những mối quan hệ khác vốn không thể cưỡng cầu mà thành, cũng không phải muốn bỏ là bỏ được. Không phải cha mẹ có thể bắt ép con cưới gả cho ai tùy ý, cũng chẳng phải tự mình chọn lựa theo ý thích, muốn đến với người này, muốn bỏ người kia mà được.

Đó không phải việc bản thân ta có thể thay đổi, mà việc ta có thể làm, đó là trong hiện tại, hãy cố gắng sống tốt với những mối lương duyên đến với cuộc đời ta, dù nó là mối duyên lành hay oan trái. Khéo léo hóa giải những mối oan nghiệp đến từ quá khứ, đồng thời gieo thật nhiều nhân thiện lành, giúp đỡ, thương yêu với mọi người, mọi chúng sinh để chờ đón một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước. Người nào nắm chắc quy luật Nhân Quả trong tay, người ấy mới có thể đủ sáng suốt và năng lực để tự mình hoạch định tương lai cho chính mình.

(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Trần Trà Giang)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận