MỘT CHUYẾN THIÊN ĐƯỜNG, HAI LẦN QUA ĐỊA NGỤC

5
1773

(Quang Tử, viết lại từ tự thuật của cô Ba Cháo Gà)

Phần 1: ĐỊA NGỤC

Giấc mộng kì quái

Tối hôm ấy, cũng như bao buổi tối khác, cô Ba đã mua mấy con gà cột sẵn đó, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng cho buổi sớm mai làm thịt nấu cháo. Không có gì đặc biệt để báo trước rằng đó sẽ là một buổi tối định mệnh đảo lộn mọi thứ cả. Đã hơn một năm rưỡi cô làm cái nghề này, bán cháo gà, khách khứa cũng đã quen với cái hương vị cháo cô nấu. Người này ăn ngon giới thiệu người kia, rồi từ đó thương hiệu “cô Ba Cháo Gà” nổi tiếng ra đời, và chẳng còn ai nhớ đến tên thật của cô, Huỳnh Thị Nhi nữa cả. Cứ đều đều mỗi sáng sớm, 3h là cô đã dậy, cắt tiết làm thịt một vài chú gà xấu số nào đó, nhóm lửa, hầm cháo, rồi nai lưng gánh ra ngoài chợ Vòng Nhỏ, Mỹ Tho, Tiền Giang bán.
Lắm người bảo cô làm cái nghề sát sinh này là không tốt, nghiệp chướng chất chồng. Cô hồi trẻ cũng hay đi chùa, cũng quy y Tam Bảo, học tụng kinh trì chú, với những giáo lý Nhân Quả, chính cô cũng nghe qua điều đó từ lâu rồi. Ấy nhưng mà cô mặc kệ, không làm cái nghề này thì làm nghề gì mà nuôi con nuôi cái đây ?

Cô đã đi qua bảy cái đời chồng, cung cung phụng phụng, cơm nước nhà cửa hầu hạ hết ông chồng này đến ông chồng khác, để rồi mấy ổng rũ áo ra đi cả, để lại cô bơ vơ một mình tần tảo nuôi con. Thời buổi chiến loạn, kiếm sống khó khăn, hết buôn đồ lậu ở chợ đen, đến bán cháo gà ở chợ Vòng Nhỏ, vất vả lắm chứ cũng đâu sung sướng gì mà muốn làm. Nhưng mà phải làm mới có cái mà ăn, người ta bảo sau này sẽ chịu quả báo, cô cười, quả báo đâu chưa biết chứ không làm là cả nhà chết đói.

Chuẩn bị đâu đó xong xuôi, cô vào phòng và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Cái nghề này làm nhiều quá ăn vào tiềm thức hay sao đó, mà đến trong mơ cô cũng thấy nó. Cô Ba mơ thấy mình đem một con gà hồi tối đã chuẩn bị ra cắt tiết. Nó giãy giãy vài cái rồi thật kì quái, nó phình to dần lên rồi biến hình thành một người đàn ông. Cô kinh ngạc thốt lên :
– Ủa tại sao ông biến thành người, thế làm sao tôi nhúng nước sôi cho được?
Con gà, nay đã trong bộ dạng con người trả lời:
– Mầy chết! Chớ nhúng nước sôi, tao là ông nội của mày đây!
– Ông nói tôi không tin, ông nội tôi sao trông mặt lại không giống?
– Giống sao được, vì hồi còn sống, ông nội sát sinh hại mạng cũng nhiều, khi chết, con cháu lại làm heo, bò, gà, vịt để lo tống táng. Cho nên ông làm thú biết bao nhiêu kiếp mà trả chưa xong, vì thay hồn đổi xác nhiều đời làm sao còn giống được mà con biết. May nhiều đời trước có chút công tu, làm chút việc phước nên được Diêm Vương cho về báo mộng cho con cháu biết. Con ráng tu đừng sát sinh hại vật phải đọa địa ngục, súc sinh như ông, khổ sở lắm.
– Ông nói vậy, nhưng tôi cũng chưa tin, ông tên là gì?
– Ông là Huỳnh Văn Vấp, cha mầy là Huỳnh Văn Thìn, mầy là Huỳnh Thị Nhi, con tin chưa?
– Ông nói đúng sự thật, nhưng thấy tướng mạo tôi còn nghi…
-Thôi con ráng tu đi rồi biết, chứ đừng nghi, ông cho con hay, con tội lỗi rất nhiều, vì sát sinh, không những gà vịt mà thôi, cho đến côn trùng, dế, kiến, chuột, bọ, rắn rết đều có tội hết. Con nên cố gắng tu đi, để cầu siêu cho ông với.

Bất chợt, chuông đồng hồ réo inh ỏi, cô Ba choàng tỉnh dậy. Giấc mơ thật đáng sợ, không chỉ vì nó kinh dị, mà hơn thế, nó còn ăn khớp với những gì cô được nghe răn dạy về quả báo, về luân hồi… Không lẽ, đó là sự thật ?! Cô Ba cứ thế ngồi bần thần suy tư mãi.
Cuối cùng, cô quyết định, không giết con gà kia nữa. Không chỉ thế, đồ nghề cô cũng đem bán hết. Ngày hôm đó, 17 tháng 11 năm Ất Mùi (1955), trùng hợp đó lại là ngày vía Phật A Di Đà, cô Ba chính thức giải nghệ sau 18 tháng bán cháo. Suy cho cùng, không làm nghề này thì vẫn còn nhiều nghề khác mà.

Cú ngoặt

Quả thật, tìm một công việc không tạo nghiệp mà làm cũng không phải quá khó khăn gì lắm, cuộc sống cũng ổn định từ từ. Rồi cũng từ đó, cô tìm đến cửa Phật xin tu học một cách nghiêm túc. Rồi được các thầy giảng giải cho rõ hơn, thế nào là quả báo, thế nào là chuyển nghiệp, thế nào là tu hành. Cô bắt đầu tập ăn chay trường, hàng ngày kiên trì niệm Phật cầu cho những nghiệp chướng của mình được tiêu trừ.
Biết nghiệp mình nặng, sợ phải trả quả báo dây dưa trong nhiều kiếp không biết sẽ trôi lăn đi đâu, nên cô Ba nguyện xin các quả báo dồn lại để cô trả hết trong kiếp này, dù đau đớn khủng khiếp trả dồn dập, xong cô vẫn muốn như thế hơn là trả dây dưa nhiều kiếp. Nguyện thế thôi chứ cô cũng không biết Nhân Quả sẽ an bài như thế nào.

Rồi cô thỉnh kinh sách về đọc tụng. Ban đầu cô đọc những kinh ngắn như kinh A Di Ðà, phẩm Phổ Môn, Đại Bi Thập Chú, rồi sau chuyển đến đọc những kinh dầy hơn như kinh Ðịa Tạng, kinh Pháp Hoa.
Thấm thoắt đã 7 năm sống cuộc sống tu hành của một cư sĩ tại gia, không sát sinh tạo nghiệp nhiều như trước nữa, nên thân tâm cô Ba đã nhẹ nhàng, thanh thản hơn trước rất nhiều. Tưởng chừng cuộc sống sẽ cứ trôi qua êm ả như thế mãi cho đến già. Bất thình lình, một biến cố ập đến mà không ai, dù có trí tưởng tượng phong phú đến mức nào có thể hình dung ra nổi.

Hôm ấy là 6h chiều, ngày 23 tháng 4 năm Nhâm Dần ( tức 26/5/1962) trong lúc cô Ba đang niệm Phật như hàng ngày, đột nhiên cô trông thấy một vị thần cao lớn, da đen sì sì thình lình xuất hiện. Ông ta hình thù kì quái, đầu và bụng to một cách bất thường. Dị dạng là vậy, nhưng thần thái ông ta vẫn toát lên một vẻ uy nghiêm của các đấng thần linh làm công vụ.
2
Đố bạn vị thần này là ai?x

Quá sợ hãi, cô hét lên một tiếng, rồi đổ vật xuống. Ngẩng lên thì cô bàng hoàng thấy linh hồn mình đã tách khỏi thân xác. Con cô rồi hàng xóm láng giềng chỉ một lát đã kéo đến bên cạnh thân thể cô, người xoa tay, người bóp cẳng, khóc lóc lay cô tỉnh dậy nhưng vô vọng. Cô đã tắt thở.

Linh hồn cô Ba đứng ở một góc không xa, chứng kiến hết thảy mà không thể nói với mọi người được, họ không còn nghe thấy cô nữa. Nghĩ rằng mình hẳn đã chết, cô Ba lòng buồn vô hạn, tiếc cho một cuộc đời quá ngắn ngủi, tu hành chưa được bao lâu, nghiệp chướng không biết đã tiêu sạch hết chưa mà đã hồn lìa khỏi xác. Không biết làm gì tiếp theo, thôi thì cứ theo thói quen, cô bắt đầu niệm Phật. Lúc này đã có thêm mấy vị thần xuất hiện, có lẽ họ là quỷ sai do Diêm Vương cử đến để bắt hồn. Thấy cô niệm Phật thì họ cũng đổi sang thái độ hòa hoãn, vui vẻ hơn.

Xuống Âm Ty

Rất nhanh họ đưa cô Bay lên cao, theo hướng Nam mà lao vút đi, bay mãi, bay qua làng mạc, thành phố, rồi đến biển cả bao la với những cơn gió lạnh buốt khiến cô Ba toàn thân tê tái. Họ chỉ dừng lại khi đến được một ngọn núi mà họ gọi là núi Thiết Vi – cái tên nghe quen quen, hình như trong kinh Địa Tạng có nhắc đến.
Ngọn núi cao lớn, hùng vĩ đến mức khiến người ta dễ choáng ngợp, xung quanh là biển cả bao la. Trên đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, khí trời âm u lạnh lẽo, không tối hẳn mà có ánh sáng lờ mờ trong hơi sương bàng bạc. Tất cả toát lên một vẻ tôn nghiêm, lãnh khốc, khiến những ai mới đến lần đầu đều cảm thấy tinh thần mình bị một khối vô hình trấn áp, đè xuống nặng nề.
Họ dẫn cô Ba đến một cửa đá lớn, một vị thần gõ vào ba tiếng thì cửa tự động mở ra, đi tiếp vào sâu trong núi. Cô Ba nghe thấy họ nói với nhau: “Bồ Tát đến rồi”. Và rồi ngay sau đó, là một quang cảnh hùng tráng hiện ra.
Đền đài nguy nga tráng lệ, với những cột đá sừng sững, trạm khắc tinh xảo. Khắp nơi hào quang sáng chói, chiếu sáng rực cả một vùng rộng lớn xung quanh. Nơi phát ra hào quang ấy, là hai tòa tháp cao vời vợi, uy nghiêm, ngự ở trên đó là hai vị Bồ Tát tỏa ra ánh sáng tuyệt mỹ xong không kém phần tôn nghiêm. Đó chính là Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát mà cô Ba đã lễ lạy không biết bao nhiêu lần khi còn ở dương thế.
Mừng quá, cô Ba chạy đến tính lễ bái hai vị. Nhưng không để ý đằng sau hai vị Bồ Tát có một đàn gà, vịt khổng lồ đứng chờ sẵn ở đó. Thấy cô tiến lại gần, chúng liền lao ra chặn lại. Cũng là gà, vịt, nhưng chúng to lớn đến khiếp đảm, con nào con nấy phải to như con nghé vậy, kì lạ hơn nữa là chúng nói được tiếng người. Một con cất tiếng:
– Chúng ta đợi nhà ngươi từ tháng 10 năm Sửu đến tháng 4 năm Dần mới gặp. Chúng ta được nghe Nhất Ðiện Tần Quảng Vương nói nhà ngươi đã quy y Phật pháp mà tu hành. Nhưng trước kia nhà ngươi ỷ mạnh sát hại chúng ta, nào cắt cổ, nhổ lông, phanh thây, xé thịt để đem lại sự giàu có cho mình mà chẳng chút xót thương đến loài sinh vật yếu đuối ngu khờ này. Ngày nay nhà ngươi xuống đây, chúng ta phải phanh thây ngươi trả hận.
Dứt lời, cả một đàn phải đến hơn ngàn con gà lẫn vịt khổng lồ, ào lên như cơn lũ quét kinh hoàng bừng bừng lửa hận. Chúng mổ, chúng đạp, chúng cào, chúng xé, không phải từng nhát một mà xối xả như một cơn mưa rào loạn xạ. Toàn thân cô Ba nát bươm thịt máu lẫn lộn, đau đớn, quằn quại đến cùng tột. Có muốn gào lên thì cũng không có hở ra một giây phút nào để gào, vì phía trên nào móng vuốt, nào cẳng chân, nào mỏ nhọn hoắt liên hoàn trút xuống. Con này chưa mổ xong con khác đã ào lên chen chỗ đạp, cực kì hỗn loạn.
Giữa cái thời khắc khủng khiếp ấy, thì một âm thanh trong trẻo, nhẹ nhàng nhưng rõ ràng, vang vang cất lên, chính là của Quán Thế Âm Bồ Tát, ngài từ tốn:
– Này các con vật kia, hãy ngưng lại mà nghe ta nói hai điều. Ðiều thứ nhất, là các người tự do trả hận, nhưng tất cả đều phải đứng qua một bên, con này mổ rồi đứng qua bên kia, tới con khác mổ, như vậy mới công bằng. Số các ngươi là một ngàn mười một con, mà một con cứ mổ hoài, còn con khác không mổ được, rồi cứ kiện thưa mãi, ai ở đây mà phân xử cho nổi.
Trả thù xong rồi, tùy theo nghiệp lực của các ngươi mà đi đầu thai, con nào còn kiếp thú thì làm thú, con nào mãn kiếp được tiến lên làm người, đó là điều thứ nhất.
Còn điều thứ hai là nếu các ngươi không trả hận, để ta cứu nó sống dậy, nó sẽ tụng kinh cầu siêu cho các ngươi tiến lên đầu thai làm người hết, sau này nó sẽ làm thầy của các ngươi mà độ các ngươi tu hành. Trong hai điều, các ngươi muốn điều nào tùy ý, chứ luật công không ép.

Câu nói của Quán Thế Âm Bồ Tát thật khiến cho lắm kẻ phàm phu quen suy nghĩ đơn giản phải một phen bất ngờ. Bồ Tát từ bi, vì sao Ngài không hề cản đám gà vịt kia phanh thây cắn xé để bảo vệ cô Ba, thậm chí Ngài còn chủ ý sắp xếp cho bọn chúng báo thù một cách bài bản hơn ? Vì sao ?

Vì sự hiểu biết của một bậc Bồ Tát thì cao thâm hơn phàm phu vô vàn lần, Ngài biết rằng “oan có đầu, nợ có chủ”, cản trở chúng là không công bằng. Chúng sinh bình đẳng, không thể vì cảm tính thương chúng sinh này hơn, nên bảo vệ, không thương chúng sinh kia nên mặc kệ oan ức của chúng, mà cần phải bình đẳng cả hai bên, mặt khác cần phải tôn trọng quy luật. Nay ngươi giết ta, mai ta giết ngươi báo thù, đó là Nhân Quả công bằng, dù rất tàn khốc, dẫn đến oan oan tương báo bất tận, nhưng đó lại là quy luật vũ trụ. Không một người ngoài cuộc nào dù uy quyền cao đến đâu có thể lấy quyền năng của mình chặn đứng dòng Nhân Quả, không cho đám gà vịt ấy báo thù được, trừ khi bằng một cách nào đó, khiến chính chúng muốn tha, thôi không báo thù nữa.

Ấy thế nhưng rất lạ, đám đông gà vịt kia nghe câu nói của Quán Thế Âm Bồ Tát xong rồi, chúng ngẫm nghĩ một thoáng, rồi đồng loạt dừng lại, từ từ tản ra xa, chừa lại một khoảng trống cho cô Ba thoi thóp thở. Bồ Tát bảo tiếp:

-Các ngươi cứ từ từ mà trả hận đi.
Chúng trả lời:
-Bây giờ chúng tôi muốn ả này tỉnh dậy để cầu siêu cho chúng tôi được làm người, chứ mang kiếp thú hoài, khổ quá!

Kết quả, dù không ai cản nhưng chúng cũng bình tâm lại mà từ bỏ báo thù. Lời Bồ Tát nói đã khiến chúng tỉnh ra, nghe qua tưởng đơn giản nhưng một câu nói ấy lại ẩn chứa lòng từ bi và trí tuệ ảo diệu, không thiên lệch bất bình đẳng, không đi ngược quy luật Nhân Quả, đưa ra một phương án mà các bên đều có lợi, hóa giải tận gốc rễ vấn đề.

Bồ Tát sai một vị thần đem một thứ nước gì đó tưới vào cô Ba, liền đó cô hồi phục lại. Nhìn quanh, thấy đã thoát khỏi trận huyết tẩy thâm thù của đám gà vịt kia, phần vì hối hận tội lỗi xưa của mình, phần vì cảm kích ân cứu nguy, cô Ba lết đến vái lạy Quán Thế Âm Bồ Tát liên tục.

Ngài từ tốn nói:
– Nhờ ngươi thức tỉnh tu hành, thọ trì đọc tụng kinh pháp trong 6 năm và cũng may là các con vật này nó họp lại đây để kiện người, xin trả thù có một lần. Bằng không, tự nhiên các kiếp sau này ngươi phải đầu thai làm súc sinh trong một ngàn mười một kiếp để thường mạng (tức một mạng đền một mạng), thì biết bao giờ mới trở lại làm người mà tu hành ? Chúng sinh mê muội, không rõ luật Nhân Quả, cứ tưởng chết rồi là hết, cho rằng “Vật phải dưỡng nhân” rồi mạnh tay sát hại, chừng khi quả báo đến thì kêu trời, kêu đất, ai cứu được. Nhà ngươi có biết các con vật ấy là gì của ngươi không?

– Bạch Bồ Tát, con chỉ biết đó là con vật thôi.
– Đó là ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ngươi trong nhiều đời, nhiều kiếp. Trước kia chúng cũng sát sinh như ngươi nên phải đầu thai làm kiếp súc sinh, ngươi nhìn chẳng ra nên đành tâm sát hại chúng. Ngày nay ông bà cha mẹ tiền kiếp của ngươi lại kiện cáo ngươi để trả thù, thế gian là trả trả vay vay như vậy đó. Chúng sinh cõi Diêm Phù Đề ưa sát hại sinh vật cho cha mẹ, chồng con ăn bổ dưỡng thân thể, hoặc bắt cá, cua để nuôi con cháu. Vì thương mà hại đó là mình hại mình, hại luôn cả cha mẹ, thân quyến đều phải chịu tội chung. Bây giờ ngươi hãy tụng kinh cầu siêu cho chúng nó được tiến lên làm người, giảng cho chúng nó nghe một bài, khuyên chúng nó ráng niệm Phật, và quy y Phật- Pháp- Tăng cho chúng nó.

– Con phải tụng kinh gì để cầu siêu cho chúng nó tiến lên làm người ?- cô Ba cung kính hỏi.
– Ngươi hãy tụng Ðại Bi -Thập Chú (tức chú Đại Bi và mười thần chú khác), đủ một ngàn mười một biến (một biến tức là một lần)

Nghe xong, không để mất thì giờ, cô Ba liền đứng chắp tay và trì tụng Đại Bi Thập Chú một cách rất thành khẩn. Nhưng một nghìn không trăm mười một lần là cũng mất rất nhiều thời gian, vậy nên các vị thần và quỷ sai quanh đó cũng tập trung lại cùng trì tụng giúp cô Ba siêu độ số oan gia gà vịt được nhanh hơn. Nhờ thế chẳng bao lâu sau, đám gà vịt ấy đã đủ công đức được đi đầu thai kiếp người.

Chúng lần lượt tiến ra sông Ứ Nê cách đó không xa, một số vị thần múc nước sông ở nhánh nước sông màu trắng cho chúng uống. Con nào uống đủ ba ly, liền rụng hết lông cánh, tay chân mọc ra, biến trở lại thành hình người. Cuối cùng cô Ba đứng thuyết cho chúng nghe một bài pháp, khuyên giải về sự tu hành trong kiếp người, khuyên chúng niệm Phật và quy y Tam Bảo cho chúng. Xong xuôi, một số vị thần lấy ra một cái hồ lô, thu nhỏ chúng lại, hút vào hồ lô, rồi đem lên nhân gian đi đầu thai.

Khi họ đã đi khỏi, cô Ba quay lại nơi hai vị Bồ Tát, nghe các Ngài phán:
– Ngươi tạo tội ác tày trời, nay dám nguyện trả xong trong một kiếp, có chịu nổi không?
– Bạch con chịu nổi.
– Vậy thì vào gặp Nhất Ðiện Tần Quảng Vương mà lãnh án.

Điện xét xử của Tần Quảng Vương cách đó không bao xa, đó là một trong mười vị Diêm Vương cai quản chốn Âm Phủ. Không đơn giản như người đời vẫn nghĩ về Diêm Vương là chỉ có một người, thực tế Diêm Vương là một chức vụ chung, chia ra mười vị, gọi là Thập Điện Diêm Vương, mỗi vị đảm nhiệm một chức trách khác nhau. Nhất Ðiện Tần Quảng Vương đảm nhiệm việc xét xử, ra phán quyết cho từng linh hồn, phụ giúp Tần Quảng Vương còn có chức vụ Phán quan, chuyên dò xét sổ Sinh Tử để không bỏ sót việc công hay tội nào trong lúc xét xử.

Đến trước điện Diêm La, trên cao là Diêm Vương ngồi trên ngai vàng đường bệ, uy nghiêm, đôi mắt trừng trừng nhìn xuống như muốn nói “Ở đây không gì qua được mắt trẫm”, xung quanh tả hữu các quỷ sai mặt mày hung tợn, lạnh lùng, tề chỉnh, binh khí lăm lăm trên tay sẵn sàng đợi lệnh, cô Ba bất giác sợ hãi quỳ xuống, tinh thần hoang mang không biết tội trạng nào sẽ đổ xuống đầu, chỉ biết run rẩy chờ đợi.

– Tội lỗi của ngươi rất lớn, nay ngươi nguyện trả xong trong một kiếp thì cứ khai đi –Tần Quảng Vương cất tiếng phán, âm thanh vang rền mang theo một sức mạnh uy quyền ghê gớm.
– Bạch Diêm Vương, con có tội sát sinh vì con giết vật rất nhiều, tội trộm cắp vì mua bán gian xảo, tội tà dâm vì có bảy đời chồng, tội nói láo vì con nói láo hơn ai hết, đã vậy mà còn uống rượu nữa…

Cô Ba nói đến đâu thì Phán Quan dò trên sổ đến đó một cách chăm chú. Thấy cô Ba dừng, Tần Quảng Vương quát lớn:
– Còn tội bán đồ lậu chợ đen sao không khai ? Mua một bán mười làm cho kẻ nghèo không đủ tiền mua, tội ấy như tội ăn cướp, lòng độc như rắn, muốn đầy túi mình chẳng biết thương hại ai.
– Bạch ngài, tôi xin chịu tội.
Trầm ngâm một chút, Tần Quảng Vương phán :
– Ngươi tội sát sinh rất nặng, theo lẽ phải thường mạng, nhưng hôm nay ngươi xuống đây cho chúng nó trả hận, và cầu siêu cho chúng nó coi như đã xong. Nhưng vẫn còn dư báo, nếu sau này ngươi tu hành độ chúng nó thì chấm dứt oan gia, bằng thối thất thì phải chịu thường mạng.

Nhờ lòng hiếu thảo nên nay trừ được tội gian tham và tội bán đồ lậu. Hàng ngày niệm Phật rất nhiều nên trừ được tội nói láo. Còn tội dâm dục tuy có mà không tính, vì đó là ngươi đang trả nghiệp. Ngươi hãy lắng nghe ta nhắc lại tiền kiếp của ngươi:

Trong sáu kiếp qua ngươi quy y Tam Bảo mà tu hành, nhưng tiếc thay, kiếp vừa qua ngươi xuất gia, từ 8 tuổi cho đến 42 tuổi tu hành tinh tấn, giới hạnh thanh tịnh, độ chúng sinh cũng đông cho nên được làm Hòa Thượng, trụ trì chùa Tổ Ðình vùng Phú Thọ, Chợ Lớn. Nhờ công đức năm kiếp trước cho nên kiếp thứ sáu vừa qua được thông minh sáng suốt, tinh thông kinh – luật – luận, nên được bá tánh sùng bái, các vị Tăng Ni mến phục.

Vì học giỏi được người người kính nể, ngươi sinh cống cao ngạo mạn tưởng mình là Phật, lấy làm tự đắc buông lung, không kềm tâm thúc ý, để tâm ý rong ruổi theo trần cảnh, giới luật buông xuôi, tâm đạo giải đãi, lòng phàm bừng dậy, đắm sắc tham tiền, mới phá giới, phạm trai mà tư dâm với cô gái 20 tuổi ở gần chùa. Lấy tiền của Thường Trụ mà nuôi gái tơ, lấy vật dụng của Tam Bảo để mua chuộc ái tình, cho đến 70 tuổi ngươi mới chết. Khi chết xuống đây phải ở địa ngục thứ chín trong 28 năm để đền tội lỗi từ 42 tuổi đến 70 tuổi.

Vì lẽ trên, nên bảy đời chồng của ngươi trong kiếp này là bảy người đệ tử ruột của ngươi đi đòi nợ trong kiếp vừa qua, đã cung phụng cho ngươi đủ thức ngon vật lạ. Theo lẽ kiếp này ngươi còn phải làm gái lầu xanh mà trả nợ trăm họ. May nhờ ngươi sớm thức tỉnh tu hành, hồi 17 tuổi có quy y Tam Bảo với Ðại Ðức Thích Hoằng Nghĩa. Ngài dạy ngươi niệm Phật và tụng chú Ðại Bi. Nhờ thế mà qua khỏi nghiệp ở lầu xanh, nhưng phải chịu nghèo khổ buôn bán tảo tần để trả nợ.

Từng câu từng chữ Tần Quảng Vương phán giống như từng nhát búa đanh thép nện xuống chắc nịch. Ấy chính là bản tuyên cáo chính thức của luật Nhân Quả. Nghe xong, cô Ba mới bàng hoàng hiểu ra quá khứ phức tạp của mình. Hóa ra cô không chỉ mới biết theo Phật tu tập ở kiếp này, mà nhiều kiếp xưa cũng từng tu học theo Phật, có lúc làm đến Hòa thượng, được ngồi ở trên cao trọng vọng.

Mà trò đời thật khó lường, đã xuất gia tinh tấn, thông thạo giáo lý, giới luật tinh nghiêm đến mấy chục năm, ấy vậy mà lại không vượt qua được dục vọng trong lòng. Thế mới biết thế gian nhiều người hiểu biết quá nông cạn, cứ nghĩ cạo đầu xuất gia là sẽ dứt bỏ được bụi trần. Đâu có đơn giản như vậy, vì bụi trần nằm sâu trong tâm chứ đâu có phải ở mấy cọng tóc, tham sân si ẩn sâu trong tiềm thức, chứ đâu nằm ở tấm áo, lại ảo tưởng rằng cạo đầu khoác áo cà sa là sẽ được thanh tịnh ?!!

Ngay cả mấy chục năm tu hành chuẩn mực thì cũng chưa chắc chắn được gì cả. Đến khi ngồi trên đỉnh cao được mọi người cung kính, nào biết cái “đỉnh cao” lại nguy hiểm đến vậy. Ngôi vị cao thì kích phát lòng kiêu ngạo, ngã mạn âm thầm phát triển. Kiêu ngạo đã có, thì nó từ từ mở đường cho đủ thứ dục vọng trỗi dậy, nào tham tiềm, nào mê gái, nào thèm của ngon vật lạ… Đến khi dục vọng tích chứa đủ mạnh rồi, thì lý trí đâu có kiềm chế nổi nữa. Và rồi đổ đốn chỉ là sớm hay muộn.
Cuối cùng, bên ngoài thì là cao tăng đại đức, ai cũng nghĩ là thánh thiện, đạo cao đức trọng, mà người ta nào biết bên trong tà tâm ngập ngụa, đang tâm dám làm những việc biết rõ mười mươi là quả báo khốc liệt: gian dâm, trộm tiền Tam Bảo mà nuôi gái, ăn thịt uống rượu, phạm giới, phá hoại thanh danh đạo Phật.
Mà việc đã làm thì Nhân Quả Nghiệp Báo nào có tha, từng chút từng chút chi ly, rạch ròi. Để rồi lãnh trọn quả báo địa ngục suốt mấy chục năm thê thảm. Dư báo còn kéo dài đến nhiều kiếp sau khổ sở lê lết. Thế mới biết, một chữ “tu” nói thì dễ, mà làm thì khó biết chừng nào.

Nhất Ðiện Tần Quảng vương phán tiếp:

-Ngươi hãy nghe cho rõ lời trẫm phán: Trong lúc làm Hòa Thượng mà còn mê đắm nhan sắc đàn bà nên lãnh tội đui mù. Ðã là hàng Ðại Ðức trụ trì ngôi Tam Bảo mà đêm đêm sang nhà gái ăn thịt uống rượu mà miệng còn thốt câu: “Vật dưỡng nhân”, không làm gương cho người thế, còn xúi người làm ác nên lãnh tội câm. Ðã xuất gia đầu Phật còn thích nghe tiếng nỉ non êm ả của đàn bà con gái nên lãnh tội điếc, nhưng ngươi biết sớm ăn năn tu hành theo Phật, và cũng nhờ lời đại nguyện của ngươi xin trả nghiệp trong một kiếp. Số ngươi chưa tận, nên cho hoàn dương. Thôi hãy lãnh án mà trở về dương thế làm gương cho người đời, nếu biết ăn năn cố gắng tu hành khi xuống đây sẽ định lại.
2
Theo ý các bạn, Diêm Vương phán thế này nghe có đã tai không?x

 

Nghe thấy mình được hoàn dương, nhưng sẽ bị mù, câm, điếc, vừa mừng vừa tủi, cô Ba khẩn khoản:
– Bạch Diêm Vương, tội câm và điếc con xin lãnh còn tội đui mù xin Ngài khoan hồng cho tôi.
– Nghiệp lực của ngươi trẫm không thể nào tha được, ngươi hãy đến Bồ Tát mà xin.
Cô Ba liền đó chạy đến trước Quán Thế Âm Bồ Tát mà xin Ngài. Ngài nói:
– Ngươi muốn sáng mắt để làm gì?
– Bạch Bồ Tát, con thấy chúng sinh nơi địa ngục quá khổ sở nên xin được sáng mắt để tụng kinh Pháp Hoa cầu nguyện cho chúng sinh mau sớm siêu thoát.
Địa Tạng Vương Bồ Tát lúc này mới lên tiếng:
– Nếu có lời đại nguyện thì phải đốt tâm.
Ngay sau đó một vị thần bưng một cái khay như khay trầu đến quỳ trước Bồ Tát, một vị khác đến gắp từ trong khay một cục màu đen đang bốc lửa hừng hực đến bảo cô Ba nuốt. Thấy lửa thì sợ lắm, nhưng cô Ba không dám cãi, há miệng nuốt vào. Lập tức toàn thân cô bỏng rát, lửa bốc ngùn ngụt từ chân tới đầu, cô kinh sợ đến thất hồn lạc phách.
Liên tiếp vị thần kia gắp thêm hai cục đen nữa bắt cô Ba nuốt, cũng đều bốc lửa như vậy. Cô đau đớn, ngồi không vững nữa, gục xuống. Đến cục thứ tư, là một cục màu trắng, cũng bốc lửa, nhưng khi nuốt vào thì không thấy nóng, mà bình thường như nuốt cơm vậy. Mấy chục cục tiếp theo cũng thế, đều là màu trắng, duy có một cục màu đỏ, nhưng đều không nóng. Đốt tâm xong, cô Ba thoát được nghiệp đui mù. Quán Thế Âm Bồ Tát dạy:
– Tham, sân, si của ngươi hãy còn, ba cục đen là chỉ lòng tham, sân, si của ngươi đấy! Còn cục đỏ này là chỉ ngươi sẽ sinh lên cõi trời, 36 cục trắng kia chỉ lòng trong sạch của ngươi. Vì ngươi quá sợ tội nên quyết chí tu hành, lòng trần không còn nghĩ đến. Như vậy cũng tốt, nhưng phải tinh tấn tu hành cho 3 cục đen này hóa trắng thì ngươi mới hoàn toàn trong sạch, và vì lời đại nguyện từ kiếp trước nên giờ ngươi phải đi phá Ðịa Ngục.
Cô Ba ngơ ngẩn không biết phá địa ngục bằng cách nào, nghĩ mãi không ra, thôi thì cô quen niệm Phật nên cứ theo cách này. Cô qua gặp Tần Quảng Vương xin lãnh ấn và được mười tám vị thần dẫn đi khám phá các địa ngục.

Vào địa ngục lần thứ nhất


Địa ngục không phải chỉ có một khu, mà là cả một thế giới khổng lồ, trên thì nền trời âm u, dưới thì nơi nơi xộc lên những mùi tanh hôi khó ngửi, đâu đâu cũng thấy quỷ sứ cao lớn, hoặc đầu trâu, mặt ngựa, hoặc một hình thù quái dị nào khác, mà chỉ nhìn họ thôi tim cũng đã giật thót, đập loạn xạ cả lên rồi.
Địa ngục chia làm nhiều khu vực, không hiểu sao trên dương thế chia làm 18 tầng, nhưng gọi vậy không đúng, vì các khu vực không có phân vị trí cao thấp theo tầng, cũng không phải chỉ có 18, có các khu lớn gọi là đại địa ngục, lớn mênh mông bể sở, nhìn không thấy bến bờ. Mỗi đại địa ngục lại chia ra nhiều tiểu địa ngục hành hình các tội khác nhau. Tội hồn chịu hết cực hình trong địa ngục này rồi, nếu vẫn còn nghiệp khác, sẽ bị đưa qua địa ngục khác tra tấn tiếp.
Ba ngục đầu cô Ba đến không phải khu hành hình, mà là khu giữ các linh hồn. Ngục thứ nhất là các linh hồn chờ phân xử, chia ra làm 4 loại: số công, số oan, số ưng, số phạt.
Số công là các linh hồn chết bình thường, hết tuổi thọ mà chết, và không phạm phải tội giết người.
Số oan là kiếp trước không giết người nhưng kiếp này bị người ta giết.
Số ưng là kiếp trước giết người nên kiếp này bị người ta giết lại.
Số phạt là các vong hồn chết oan rồi không chịu xuống âm ty, lẩn trốn trên dương gian quấy phá người sống, khiến các vị thần phải tốn công theo dõi, nay bắt được đem xuống đây phạt.
Sau khi được phân xử xong, các linh hồn này được đưa qua Ngục thứ hai, tùy theo bản án như thế nào mà được các vị thần dẫn đi các nẻo khác nhau, hoặc đi đầu thai kiếp người, hoặc kiếp súc sinh, hoặc đưa đến các cõi tiên, hoặc tống vào địa ngục hành hình. Một vị thần đi cùng cô chỉ vào các vong hồn thuộc số oan mà nói:

– Nếu vong nào trước kia không giết ai, nay bị người giết, xong xem nhẹ sống chết, không hận thù, có lòng buông xả, không đòi báo thù thì dù vong ấy có tạo tội cũng được ân xá, đưa đến cõi Nhân Hiền tu thêm, chỉ có tội ngũ nghịch là không trừ được. Còn vong nào cứ xin đi trả thù thì không được hưởng ân xá như vậy.
Cô Ba gật gù, thế mới biết giá trị của lòng bao dung, tha thứ là như thế nào, khi mình sẵn lòng tha thứ cho tội lỗi của người khác, thế thì tội lỗi của mình cũng sẽ được tha.
Qua ngục thứ ba, là nơi chứa các linh hồn đã chịu cực hình trong các địa ngục khác xong, nay mãn hạn, ở đây chờ xét xử lại và nhận bản án tiếp theo.

Trong ba ngục đầu, cô Ba đến từng nơi, lớn tiếng nói với các linh hồn:
– Các vị, tôi coi các vong ở ngục này như bà con, cô bác của tôi vậy. Cô bác hãy niệm Phật, có niệm Phật tội mới được tiêu trừ, hãy theo tôi niệm : “Nam Mô A Di Ðà Phật”. “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”. “Nam Mô Tầm Thanh Cứu Khổ Quan Thế Âm Bồ Tát”. ” Nam Mô Ðại Nguyện Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.”
Rất nhiều vong hồn nghe thấy thế liền niệm theo, ban đầu còn lẻ tẻ, sau từng tốp từng tốp vang vang tiếng niệm Phật, tuy thế cũng không phải tất cả đều chịu niệm Phật. Những vong hồn nào niệm Phật thì chỉ một lát liền thoát khỏi ngục, số nào cứng đầu, nghiệp chướng nặng nề không chịu niệm thì tiếp tục ở lại.

Đến ngục thứ tư, là nơi chịu cực hình cho các vong hồn khi còn sống phạm tội đổ bỏ, hủy hoại đồ ăn thức uống. Hình phạt cho họ là ăn giòi, từng lu từng vại giòi nhung nhúc, bốc mùi kinh tởm, bày la liệt khắp nơi. Tùy theo số đồ ăn đã đổ bỏ mà kẻ phải ăn một lu giòi nhỏ, kẻ phải ăn vài lu giòi lớn, có kẻ nghiệp nặng, số lu giòi phải ăn chất đầy như chợ Mỹ Tho vậy.

Ngoài ra đây cũng là nơi những kẻ khi còn sống hành nghề nấu rượu. Hình phạt cho họ là phải uống hàng lu rượu, kẻ hai ba lu, kẻ năm bảy lu, kẻ thì số lu rượu phải uống xếp dài cả cây số. Tất nhiên rượu trong địa ngục thì không hề ngon nghẻ gì, cô Ba không nếm qua xong thấy các tội hồn phải uống đều kêu gào quằn quại, nên đoán nó rất khủng khiếp.
Cũng như ba ngục trước, cô Ba đi khắp nơi khuyên các tội hồn niệm Phật, rồi niệm lớn cho họ cùng niệm theo. Hễ tội hồn nào nghe lời niệm Phật, thì giòi trong lu biến mất, rượu trong lu cạn đi. Thấy sự tình vi diệu như thế, các tội hồn truyền tai nhau, cứ thế tiếng niệm Phật lan ra khắp nơi, một số lượng đông đảo tội hồn ở ngục này được thoát ra.
Bước đến ngục thứ năm, là địa ngục hành hình những kẻ vu khống, thêm bớt, gian dối khiến người khác bị tù đày. Các tội hồn phải bị mang gông tra cùm, mà cái gông thì cực kì to lớn, nặng nề, phía sau thì quỷ sứ đánh tới tấp giục đi, cứ mỗi bước là một roi. Các tội hồn toàn thân đẫm máu, rên siết lết từng bước. Hễ kẻ nào đi không nổi, gục xuống là bị quỷ sứ đánh dồn đánh dập, đánh đến tan xương nát thịt. Nếu bị đánh chết thì quỷ sứ dùng phép hoàn hồn sống lại, lại tiếp tục đeo gông, lại tiếp tục đòn roi, cứ thế nối nhau bất tận. Đến bao giờ mới hết thì còn tùy nghiệp mỗi người nặng nhẹ khác nhau, vài năm, vài chục năm, cho đến vài chục ngàn năm, vài tỉ năm.
Ngoài ra, ở đây có một số tội hồn khi còn sống bắt giam chim thú vào lồng để chơi, thỏa mãn thú vui tao nhã, có biết đâu chính mình cũng sẽ chịu cảnh giam cầm tương tự. Chết rồi vào đây, họ bị nhốt trong lồng sắt, than khóc khổ sở.
Được cô Ba khuyên niệm Phật, một số liền nghe theo mà niệm thì gông cùm rơi rụng, lồng sắt vỡ tan và họ được thoát ra.

Đến ngục thứ sáu, nơi nơi toàn lửa là lửa. Cô Ba bị choáng ngợp bởi sức nóng ran của lửa bạo phát hừng hực khắp nơi. Nơi đây chủ yếu hành hình những kẻ khi sống sát sinh, giết hại muôn loài: trâu, bò, heo, chó, gà, vịt, rắn, rùa v.v… ngoài ra còn có thêm một số tội danh khác như bất hiếu, chửi cha mắng mẹ, bỏ mặc cha mẹ, tiêu xài hoang phí.
Nơi đây có những ngọn núi khổng lồ, từ mặt đất bùng bùng cháy lên những đám lửa bỏng rát, chính giữa núi lại có một cột đồng cháy đỏ rực, hẳn là nóng nhất trong các thể loại nóng. Tội hồn nào chỉ ăn thịt mà không tự tay giết thì bị vứt lên núi lửa, còn vừa ăn vừa giết thì bị quỷ sứ vứt lên cột đồng. Tiếng thịt cháy xèo xèo, tiếng gào thét thất thanh hòa trộn với mùi hôi thối, khét lẹt thực sự kinh dị vô vàn.
Khi sống họ nướng, họ chiên thịt chúng sinh, chỉ nghĩ đến cái vị thơm ngon đầu lưỡi, không nghĩ đến đau khổ của muôn loài. Và giờ, khi bánh xe nghiệp báo quay ngược trở lại họ, họ phải nếm trải cái đau đớn đã gây ra cho chúng sinh ở một mức độ thảm khốc hơn nhiều.
Đáng sợ ! Ấy thế mà rất ít người quan tâm đến vấn đề này. Lúc còn sống, còn cơ hội thay đổi, thì hễ ai khuyên ăn chay, đừng sát sinh, thì cười nhạo, thì làm thinh, hoặc viện mọi lý do vì sức khỏe, vì ngoại giao, vì này vì nọ… Để đến lúc vào đây rồi, vì lí do gì cũng chẳng ý nghĩa chi cả. Ở địa ngục thì lửa và quỷ sứ không cần nghe câu giải thích.
Cô Ba tiếp tục chạy đôn chạy đáo khắp nơi khuyên các tội hồn niệm Phật, xong khó quá. Nghiệp chướng quá nặng, họ không niệm được, trừ một số ít những kẻ nghiệp nhẹ ở phía ngoài núi lửa còn niệm được đôi chút mà thoát cực hình. Cô đành rời chỗ đó đi tiếp.
Đi một đoạn thì thấy một đám đông người đang chăn nuôi heo, bò, gà, vịt .v.v.. Cô Ba ngạc nhiên:
– Ủa! Ở địa ngục cũng có nuôi heo gà, bò dê nữa hay sao ?
– Không phải, đây là những chúng sinh, khi còn sống nuôi bò, dê, heo, gà, vịt… để kiếm lợi chứ không sát sinh – một vị thần đi cùng cô giải thích – Chúng phải ở đây mà giữ số thú này, chừng nào số thú này mãn kiếp thú thì chúng mới được đi đầu thai. Ðó là chưa kể những tội khác, còn phải đến các địa ngục khác mà chịu tội nữa.
Đi tiếp một đoạn, thì gặp một cảnh tượng hết sức bi hài. Một đám tội hồn bị các quỷ sứ bắt phải hát, hát liên tục, chỉ cần hát không được thì lập tức quỷ sứ ập vào đánh tới tấp liên hoàn đến chết đi sống lại. Lại hát tiếp… Một vị thần giải thích cho cô Ba, đó là những kẻ khi sống dư giả, bỏ tiền đi xem hát mấy cái thể loại âm nhạc kích thích tình ái, khiêu gợi tình dục, dẫn đến tâm thần say mê, mờ mịt. Vị ấy nói thêm:
– Những chúng sinh nầy khi còn sống được giàu sang rồi ăn xài lãng phí, phải chi chúng nó dùng tiền để bố thí cho người nghèo đói, hoặc in kinh, tạc tượng Phật, hoặc cúng chùa ủng hộ quý tăng ni tu học thì quý báu biết bao! Lúc chết được sinh về cõi trời hưởng phước, kiếp sau tu thêm mà đạt đến Niết Bàn, chứ đâu mê muội xài phí đồng tiền vô ích mà nay phải vào địa ngục.
Đi tiếp một chặng, một cây cầu từ từ hiện ra, nó được gọi tên là cầu Nại Hà, cầu không có tay vịn gì cả, nhìn rất chòng chành, nó không bắc qua sông, mà bắc qua một cái vực không sâu lắm, lớn chừng năm mẫu đất, hoặc có thể hơn. Phía dưới ngập đầy các loại súc sinh cầm thú: voi, hổ, báo, ngựa, dê, lợn, gà, vịt, chó, mèo, rắn, rết… đủ chủng loại. Mỗi loài đứng tụ lại thành một bầy đàn, con nào con nấy ánh mắt hau háu nhìn lên, trực chờ kẻ nào ngã khỏi cầu rơi xuống là cả bầy vồ đến cắn xé.
Cô Ba được dẫn lên cầu cùng với các tội hồn khác. Hễ kẻ nào khi sống giết chó, thì đi qua chỗ đàn chó, tự nhiên Nghiệp lực khiến cho té ngã, rơi khỏi cầu, ngã xuống đàn chó phía bên dưới đang nhe nanh nhỏ dãi… Lập tức chúng xồ đến, từng cú đớp, từng cú nhay, xé toạc tội hồn ra từng mảnh, máu thịt vương vãi tung tóe.
Tương tự, kẻ giết trâu bò thì bị rơi xuống chỗ đàn trâu bò cho chúng húc, chúng đạp đến chết. Kẻ giết rắn thì gặp đàn rắn lập tức ngã xuống… Một màn kinh dị, toàn thân họ nhung nhúc toàn rắn là rắn cuốn quanh, bị chúng cắn, bị chúng siết. Khắp nơi phía dưới cầu đều cực kì hỗn loạn, nào voi hú với những cú đạp long trời lở đất. Nào hổ gầm, nhảy qua nhảy lại vồ người cắn xé. Nào trâu bò, nào dê chĩa sừng húc túi bụi. Nào chim chóc, gà vịt tua tủa mỏ nhọn, móng sắc mổ, đạp lia lịa … Phía trên cầu thì các tội hồn run rẩy bước đi, sợ hãi đến tột cùng, không biết khi nào thì mình bị rơi xuống dưới.
Cô Ba cũng phải đi qua cầu, nhưng may là lúc trước, đám gà vịt bị cô giết đã được cô cầu siêu cả rồi, nên cô đi qua hết cây cầu mà không bị ngã xuống, quả thật được một phen hú vía. Đang đi thì có một con vật kì quái chạy đến, thân thì là người, đầu thì là chó. Mà cái mặt nó lại trông rất quen.
– Cô Ba, tôi là chó Nô đây, cô quên tôi sao?
Đến đây, cô mới sực nhớ ra, cái mặt đó là mặt của một chú chó nuôi trên chùa, thỉnh thoảng cô lên chùa gặp cũng hay vuốt ve nó, sau nó bị dính bả mà chết.
– Ủa, Nô! Mầy chết lâu rồi sao còn ở đây?
Nó nói:
-Tôi kiếp trước là đệ tử của thầy Giác Tân, vì lòng tham lấy của Tam Bảo, nên phải làm kiếp chó để giữ chùa, kiếp tôi chưa mãn, bị một gã đánh bả thuốc tôi chết, tôi quyết chờ gã xuống đây, trả hận.
– Thôi mày xin đi đầu thai đi, thù oán làm gì cho khổ, chẳng lẽ mày đợi mãi sao ?
Gặp thoáng chốc nói được vài câu rồi cô Ba đi tiếp, một vị thần nói với cô Ba:
– Ngươi thấy chưa, chúng nó vì tội sát sinh hại mạng mà khổ sở như vậy, khi về dương gian, ráng khuyên người đừng sát sinh hại vật và cũng đừng đốt giấy tiền vàng mã, vì chỉ có tội chứ không có phước.
Đến ngục thứ bảy, ập vào mũi cô Ba là mùi máu xộc lên tanh tưởi đến rợn người. Trùng trùng điệp điệp khắp nơi bày ra vô số những màn tra tấn đẫm máu me như cắt lưỡi, bẻ răng, móc mắt, xẻo tai, cắt mũi, moi ruột … Những quỷ sứ to lớn, ánh mắt hung tợn, tay lăm lăm không đao thì kiếm, không kìm thì móc sắt, không dao phay thì dao găm nhọn hoắt, sáng loáng, chúng đè từng tội hồn ra mà móc, mà kéo lưỡi, kéo tai, cắt, chặt … liên tục.
Các tội hồn gào rú thảm thiết, máu phun như suối. Cứ chặt đứt rồi, lưỡi, tai, mắt… lại hoàn trở lại như ban đầu, lại cắt, lại chặt tiếp, nối nhau bất tận.
Có những kẻ bị bằm nát đến chết, máu thịt bầy nhầy không phân biệt được cái nào ra cái nào, thế rồi quỷ sứ lấy một bình nước gì đó tưới lên, lập tức sống lại, thân hình trở lại như ban đầu, lại tiếp tục màn đâm chém. Cứ thế tội hồn một ngày muôn lần chết, muôn lần sống lại, cực hình nối nhau không dứt.
Đến lúc này oai thần của cô Ba tích được do tụng trì kinh chú và niệm Phật đã cạn, cô bắt đầu thấy rất mệt, xong cố gắng gồng mình bước tiếp.
Được một đoạn cô nhìn thấy một người, không ai xa lạ, chính là người cậu của cô mới mất cách đây hai tháng, đang bị quỷ sứ đâm dao ngập cán vào bụng, rồi thọc bàn tay xương xẩu vào moi từng khúc ruột ra. Đồng thời trên đầu, một quỷ sứ khác banh mồm, thọc cây kìm sắt to bè vào bẻ từng cái răng kêu răng rắc. Máu từ bụng, từ mồm tuôn ra lênh láng, đỏ lòm cả một khoảng rộng trên đất. Vừa sợ, vừa thương xót cậu, tâm lý chịu không nổi, cô Ba ngã lăn ra bất tỉnh.
Các vị thần đưa cô Ba đến Thất Điện gặp Thái Sơn Vương – vị Diêm Vương thứ bảy cai quản ngục này. Khi tỉnh lại, cô Ba xin với Thất Điện Thái Sơn Vương được quay trở vào ngục nhưng ngài từ chối:
– Không được, vì oai thần của ngươi đã giảm, hãy về tu thêm.
– Tôi có người cậu chết hồi tháng hai, đang chịu tội trong ngục, xin Ngài cho tôi trở vào thăm.
– Không được, để ta cho quỉ sứ dẫn cậu ngươi ra.
Quỉ sứ y lệnh đưa ông ta ra, cô Ba chạy đến vồ vập hỏi:
– Hồi đó cậu nói với con cậu tụng kinh Pháp Hoa 40 năm, sao nay cậu còn bị đọa vào địa ngục ?
Ông cậu cô Ba thều thào trả lời:
– Là cậu nói láo đó. Chính vì cậu nói láo nên nay mới bị hình phạt bẻ răng như vầy. Cậu còn cái tội khinh rẻ người đời, lại thêm hành nghề bốc thuốc tính giá cắt cổ nữa. Vậy con về nói với thằng Khanh, thằng Chình con của cậu, phải bán hết gia sản làm cơm chay mà bố thí, phóng sinh hoặc ấn tống kinh cúng chùa mà cầu siêu cho cậu, vì của ấy là mồ hôi nước mắt của người đời, cậu bóc lột của họ nhiều quá.
-Thôi cậu hãy ráng niệm Phật, khi trở về dương thế, con sẽ tụng kinh mà cầu siêu cho cậu, chứ con cậu dễ gì tin theo lời con nói.
Lúc ấy Thất Ðiện Thái Sơn Vương cất lời:
-Chúng sinh ở cõi Diêm Phù Đề thật quá mê muội, tưởng chết rồi là hết, nên thẳng tay tạo điều ác nghiệp, đến khi chết xuống địa ngục ăn năn đã muộn. Khi về dương gian, Trẫm có đôi lời nhắn nhủ với chúng sinh, mỗi ngày phải ráng tu một giờ, hay nửa giờ, hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh trì chú. Ngươi cũng khuyên chúng sinh đừng đốt giấy tiền vàng mã cầu siêu cho ông bà. Nếu vậy không lẽ Nhất Ðiện Tần Quảng Vương đi ăn hối lộ của người dương thế hay sao? Muốn cho ông bà cha mẹ được siêu thoát, phải bố thí cho kẻ nghèo đói, cúng chùa hộ Tăng Ni tu học, in kinh ấn tống, mua vật phóng sinh mà hồi hướng công đức cho họ, thì cha mẹ ông bà có chết bao nhiêu năm cũng được siêu độ.
Ðến đây cô Ba từ biệt ông cậu, cáo biệt Thất Ðiện Thái Sơn Vương để quay lại Nhất Ðiện. Đến nơi gặp Tần Quảng Vương, ngài hỏi:
– Ngươi khám phá địa ngục, thấy sự trừng trị có công bằng hay không?
– Bạch Ngài, các sự hình phạt rất công bằng, nhưng chúng sinh tạo ác lúc nào không biết, nay thấy chúng sinh bị hình phạt khổ sở, lòng cũng quá xót thương.
– Chúng sinh khi còn sống chỉ lo cung phụng cái xác giả tạm mà gây bao tội ác: nào sát hại sinh vật, nào cướp của giết người, lòng tham không đáy, muốn ngồi không mà hốt của thiên hạ để cho gia đình, thân tộc bè bạn vui say, cuối cùng thần thức phải rơi vào địa ngục.
Về phần ngươi, thay vì nhà ngươi phải lãnh tội câm, điếc trong 10 năm khi trở lại dương gian, nhưng nhờ công đức phá 7 cửa ngục mà chúng sinh được siêu độ rất nhiều, nên giảm được tội, chỉ còn lãnh tội câm và điếc trong vòng 3 năm rồi xuống đây sẽ định lại. Nếu tinh tấn tu hành, gia đình tu thiện, tránh sát sinh thì còn giảm nữa, bằng không thì mang tật suốt đời.
Nhà ngươi biết nhận tội, ăn năn hối cải, chứ có lắm chúng sinh đến đây mà còn chối tội. Trẫm bèn cho xem Kính Chiếu Tiền Ảnh thấy việc làm của mình trên trần thế, lúc ấy hết phương chối cãi. Cũng có nhiều chúng sinh xin sống lại để đem tiền của bố thí cúng chùa. Nhưng xác thân của chúng đã mục rã rồi, đâu còn mà trở lại, vì một vong hồn xuất ra, quỷ sứ thâu nhỏ lại bỏ vào trong hồ lô mang xuống vua Ðông Nhạc, kế đến giải qua Tây Nhạc, đến ngày Trẫm phân sử thì đã gần cả tháng. Lúc đó thây xác đã phân rã, đâu còn mà trở lại.
Nên Trẫm cho lên Vọng Hương Ðài, nhìn về quê quán, thấy chồng thì đã có vợ khác, hoặc vợ đã có chồng khác, của cải bị đám con phá tán, gia tài hao mất, tình nghĩa như đám mây bay, rồi gục đầu mà khóc.
Đến đây, thời hạn đã hết, cô Ba cáo biệt Tần Quảng Vương, rồi đến chỗ hai vị Bồ Tát lễ bái các ngài, xin phép trở lại dương gian. Đến nơi, vừa định cất tiếng thì nghiệp câm ập đến, không sao nói được lời nào. Bồ Tát thương xót mà dặn rằng:
– Khi về dương gian, ngươi nhớ lời đại nguyện mà tinh tấn tu hành. Ba năm sau xuống đây xét lại.

Trở lại trần gian

Các vị thần liền đó đưa cô Ba bay lên trở lại dương thế. Khi đến nhà, thấy cái xác vẫn nằm trên ván, da xanh mét, cứng đờ không động đậy. Mọi người con cái họ hàng vây quanh, nhưng may họ vẫn chưa đem chôn. Một vị thần từ trong cái xác xuất ra, đó là thần giữ xác, vì nếu không dùng thần lực giữ, cái xác sẽ mục rã không thể nhập vào được nữa. Một vị thần đẩy hồn cô Ba nhập vào xác.
Trong phút chốc cô Ba dần cảm nhận cơ thể mình trở lại, thấy toàn thân đau nhức, chân tay nặng nề, tâm thần mê man. Phải mất một lúc lâu mới điều hòa hơi thở lại, cảm nhận gân cốt dịch chuyển, máu huyết lưu thông bình thường.
Cô Ba mở mắt ra, mọi người kinh ngạc hò gọi nhau vây quanh, con trai cô và một số người thì mừng rỡ đến bên hỏi han, một số kẻ thì sợ sệt đứng xa quan sát, không rõ người hay ma. Xong lúc này cô Ba đã trở thành người câm điếc, không nói chi được, chỉ dùng ánh mắt ra dấu.
Lúc ấy đồng hồ chỉ 12 giờ trưa, tính ra cô Ba rơi vào trạng thái chết lâm sàng trong khoảng 18 tiếng đồng hồ. Suốt đến tận mấy hôm sau, hễ cứ nhắm mắt lại là những hình ảnh hãi hùng, những âm thanh khiếp sợ của địa ngục lại hiện ra, tâm thần cô Ba ám ảnh mãi đến ăn ngủ không yên.
Nhớ lời mình đã nguyện, cô Ba hàng ngày lấy kinh Pháp Hoa ra tụng đọc bằng mắt, hồi hướng cho các chúng sinh bị hành hình trong địa ngục. Dưới đó, họ bị tra tấn suốt đêm ngày, thì ở đây, cô Ba cũng chẳng quản ngày đêm, kiên trì tụng niệm. Đúng là có mệt thật, nhưng cô Ba biết, cái mệt của mình có thể đổi lại biết bao nhiêu đau đớn cho hàng ngàn chúng sinh, họ sẽ được thoát nhờ việc tụng niệm cô đang làm. Thế nên, mỗi lúc đuối sức, cô lại nghĩ về các chúng sinh khổ sở dưới ấy, trong lòng se thắt lại, lại có động lực để tinh tấn tiếp, không dám buông lung bỏ tụng ngày nào.
Con cô Ba thấy mẹ bị như vậy, cũng thành tâm mà ăn chay, ngày ngày tụng kinh Địa Tạng hồi hướng công đức cho mẹ.

Vào địa ngục lần thứ hai


Cứ thế ròng rã suốt 6 tháng, đến ngày 12 tháng 10 âm năm đó (tức 16/11/1962) một lần nữa cô Ba lại thấy các vị thần xuất hiện. Do đã quen nên cô không hốt hoảng như lần đầu. Rất nhanh chóng, họ cõng cô bay lên, bay qua biển tiến nhập Âm Ty, dẫn đến trước đài của Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Được gặp hai vị, cô Ba mừng rỡ như con thơ gặp lại mẹ, liền tiến đến quỳ lạy. Quán Thế Âm Bồ Tát cất tiếng:
– Quý thay, nhà ngươi giữ tròn lời đại nguyện, về dương gian trì tụng kinh Pháp Hoa cầu nguyện cho chúng sinh nơi địa ngục. Ta cho ngươi biết, oai thần kinh Pháp Hoa rất lớn, và cũng nhờ ngươi đem hết thân tâm hành trì nên mỗi bộ siêu thăng được trên hai ngàn vong linh thoát địa ngục. Nhà ngươi có đứa con đại hiếu, ăn chay tụng kinh cầu nguyện cho mẹ, tội ngươi được ân xá thêm.
Ngài bảo một vị thần đem cho cô một ly nước để uống và rửa mặt. Thật vi diệu, uống và rửa mặt xong, cô Ba lại nói được trở lại như xưa. Bồ Tát nói tiếp:
– Oai thần của ngươi đủ sức khám phá địa ngục tiếp, hãy đến Nhất Ðiện Tần Quảng Vương mà lãnh ấn.
Cô Ba lễ bái hai vị Bồ Tát, đến gặp Nhất Điện Tần Quảng Vương. Từ xa trông thấy cô, Tần Quảng Vương đã lộ vẻ vui mừng, từ trên ngai vàng bước xuống ôn tồn nói:
– Trẫm rất vui mừng cho Hiền Tăng, tưởng đâu 3 năm mới trở xuống nào ngờ chỉ trong 6 tháng. Nay mới biết rõ tâm Ngài vì thương xót chúng sinh nơi địa ngục không quản nhọc nhằn, đem hết tâm trí thọ trì kinh Pháp Hoa để cầu siêu cho chúng. Bao nhiêu công đức tụng trì kinh pháp của con Ngài, Ngài cũng nguyện hồi hướng hết cho chúng sinh, thật quý thay! Một điều nữa, Trẫm muốn cho Hiền Tăng lãnh phần in kinh ấn tống để hộ Tăng Ni tu học và hàng Phật tử có đủ kinh sách tu hành, vậy Ngài nghĩ sao ?
– Bạch Ngài, tôi không sợ khó nhọc, nhưng vì tiền tài không có, xin Ngài hoan hỉ cho.
Nét mặt Tần Quảng Vương thoáng lộ vẻ không vui, xong ông ta không nói thêm nữa, đóng ấn và cử các vị thần đưa cô Ba vào phá các địa ngục. Cô Ba được đưa thẳng tới ngục thứ bảy lần trước chưa phá xong. Gặp Thất Điện Thái Sơn Vương, ông cũng rất niềm nở đón tiếp, cử thêm người dẫn cô Ba đi.
Bước vào ngục, vẫn cái cảnh đẫm máu như lần trước đã vào, địa ngục rộng lớn bao la mà trật đầy quỷ sứ và các tội hồn. Các thể loại tra tấn vẫn như trước, móc mắt, cắt lưỡi, nhổ răng, moi ruột, xẻo tai v.v…tội hồn gào rú, quằn quại trong vũng máu.
Dù cô đã giúp siêu độ hàng vạn tội hồn được thoát ra, ấy vậy mà nơi đây hẵng còn vô số. Nó cứ như nồi Thạch Sanh vậy, kẻ này thoát ra thì lại có đầy những kẻ khác được đưa vào, sung sướng gì đâu mà người đời cứ tranh nhau làm đủ thứ việc để được vào đây ?
Cứ thế trách sao mãi Địa Tạng Vương Bồ Tát từ vô số kiếp qua, lâu xa như vậy mà Ngài vẫn chưa hoàn thành được đại nguyện độ cho địa ngục trống không.
Ở nơi đây, các vị thần giải thích cho cô Ba, là nơi hành hình tội hồn với rất nhiều tội trạng khác nhau: ăn gian nói dối, mưu mô xảo trá hại người, làm bạc giả, cho vay lời cắt cổ, tổ chức cờ bạc, hối lộ gian trá, ngoại tình gian dâm .v.v… Chứng kiến họ bị hành hình, cô Ba lòng thắt lại, chạy đôn chạy đáo khắp nơi:
– Hỡi các vong hồn hãy ráng niệm Phật, tôi cũng niệm Phật để cầu nguyện cho tất cả được siêu thoát, vậy các ngươi hãy niệm Phật đi. Nam Mô A Di Đà Phật ! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! …
Một số tội hồn nghe theo, cũng bắt đầu niệm Phật, thấy thế các quỷ sứ lập tức dừng tra tấn, niệm thêm một lúc thì thoát khỏi ngục. Còn những kẻ không chịu niệm thì tiếp tục hành hình.

Sang ngục thứ tám, địa ngục của những vạc dầu, cột đồng. Những vạc dầu khổng lồ sôi sùng sục, sắp thành hàng dài thăm thẳm không biết có bao nhiêu cái. Quỷ sứ tay không ngơi nghỉ, nắm các tội hồn quăng vào vạc dầu, hoặc nắm chân mà nhúng vào vạc, mặc chúng la hét, giãy giụa.
Ở một chỗ khác có một cây cột đồng cao sừng sững, đỏ rực vì sức nóng, đường kính khoảng 6 mét, lửa bốc ra hừng hực. Quỷ sứ bắt các tội hồn nhảy vào ôm cột, da thịt vừa chạm vào cột là cháy xèo xèo thành than. Tội hồn nào không chịu ôm cột đồng, liền bị quỷ sứ xiên một nhát bằng cây đinh ba, rồi cắm vào cột, đến khi toàn thân cháy rụi thành than, tan đi hết, thì lại hoàn hồn sống lại, và tiếp tục.
Đặc biệt, nơi đây còn tồn tại một đàn diều hâu, chim ưng, chim cắt… con nào con nấy to lớn kinh hồn. Chúng đập cánh xà bên này, vồ bên kia, cắp tội hồn ra xé xác, rỉa thịt, ăn tươi nuốt sống, xương chất thành một đống lớn. Lát sau lại hoàn hồn sống lại, và tiếp tục.
Đó là những hình phạt cho những kẻ khi sống lập mưu dụ dỗ phụ nữ bán vào lầu xanh, hoặc cưỡng hiếp phụ nữ; hoặc hành nghề thầy thuốc mà bốc thuốc giết người, phá thai; hoặc ỷ thế giàu có ức hiếp dân lành rồi bỏ tiền đút lót để chạy án; hoặc chia rẽ anh em, xúi người kiện cáo; hoặc chửi Trời mắng Đất, phỉ báng thần thánh .v.v… rất nhiều thể loại tội trạng.
Tất nhiên, khi còn sống thì chúng đâu có chịu tin Nhân Quả báo ứng gì, có ai chỉ cho thì cũng cười nhạo chẳng tin, cứ nhìn đời hạn hẹp trong cái khoảng mấy chục năm sống, tưởng chết là hết nên ra sức dẫm đạp lên luân thường đạo lý mà thỏa mãn dục vọng của mình. Để rồi dục vọng dẫn đường cho chúng vào đây.
Giờ thì chúng tin rồi, biết rõ ràng rằng có Nhân Quả, có địa ngục thật rồi, xong đã muộn, thời gian đâu có quay ngược lại để mà sửa sai, Nghiệp cứ thế trổ, cực hình cứ thế nối nhau liên miên không dứt. Cô Ba cũng cố gắng khuyên các tội hồn nơi đây niệm Phật, xong quá khó, nghiệp chướng nặng nề, rất ít tội hồn niệm được, mà có niệm được thì cũng chỉ là được dừng hình phạt, cho ngồi nghỉ chốc lát mà thôi.

Cô Ba được đưa đi tiếp đến ngục thứ chín, trước tiên là đến điện rồng bái kiến Cửu Điện Đô Thị Vương. Thấy cô Ba đến, Đô Thị Vương cũng niềm nở ra tiếp:
– Trẫm nghe có người ở dương gian xuống phá địa ngục, từ lâu Trẫm cũng có lòng trông đợi, đến nay mới được hội kiến thật là quý báu thay.
Cô Ba liền cung kính đáp lễ:
– Bạch Ngài, trước kia tôi đi khám phá đến ngục thứ bảy thì trở về vì oai Thần chưa đủ, ngày nay khám phá tiếp, xin Ngài hoan hỉ chỉ dạy cho.
– Trẫm cũng đi theo cùng. Trước kia Ngài ở ngục này 28 năm, Ngài còn nhớ hay không? Hãy vào đây nhìn xem có ai quen thuộc không?
Vừa nói, Đô Thị Vương vừa dẫn cô Ba vào ngục. Đập vào mắt cô Ba là một bàn chông khổng lồ, tua tủa chông nhọn xỉa lên, bên trên là các tội hồn quỳ trên bàn chông, máu tuôn lênh láng, rên la thống thiết. Ngoài ra thì cũng đủ các thể loại cực hình đâm chém, thiêu đốt… như các địa ngục khác.
Lạ một điều là các tội hồn đều là người tu hành, không là sư tăng thì cũng là ni cô, họ khi sống ngoài thì mang lốt tu hành đạo mạo, mà trong thì phá giới, làm đủ trò bại hoại Phật môn. Đi một đoạn còn thấy một số bị bắt quỳ tụng kinh dưới ngọn đèn lưu ly, được các thần giải thích rằng khi sống họ nhận tiền người ta để tụng kinh, mà tụng không đủ số, nay phải quỳ đây tụng cho đủ. Cửu Ðiện Ðô Thị Vương thở dài mà nói:
– Số này mượn lốt thầy tu mà phá chúng sinh, lạm dụng tiền của Thường Trụ mà làm việc riêng tư phi pháp; hoặc phá giới phạm trai ở chùa mà ăn mặn, sát sinh, hại vật, làm gương ác cho đời; hoặc cống cao ngạo mạn khinh rẻ Tăng Ni thanh tịnh, hủy hoại của đàn na thí chủ, rẻ rúng coi thường cư sĩ Phật tử. Đi tu mà không kính Phật lại hủy Pháp, vọng ngữ, chưa chứng mà nói là chứng, chưa đắc mà nói là đắc, tưởng mình là Phật, khinh rẻ Thánh Thần, xem thường Trời Ðất cho nên ngày nay mới bị hình phạt như vậy.
Nghe xong, cô Ba liền chạy đến bên các tội hồn, hi vọng rằng họ ít nhiều có duyên lành từng xuất gia thờ Phật mà sẽ có nhiều tội hồn niệm Phật được, số thoát khỏi đây sẽ nhiều hơn các ngục khác. Cô nói lớn:
– Kính thưa quý Ngài, tôi xem quý Ngài như thầy của tôi vậy, cũng vì một chút lỗi lầm chi đó mà phạm giới, vậy hôm nay quý Ngài cùng tôi niệm Phật để tiêu nghiệp chướng trở lại cõi Diêm Phù Đề mà tu nữa cho đến ngày thành Chánh Đẳng Chánh Giác.
Thật bất ngờ, dù cố gắng nói thật lớn, lặp đi lặp lại mấy lần, mà không hề có một tội hồn nào niệm Phật theo cô Ba, không một ai thoát ra được cả. Cô Ba bất lực, chỉ biết đứng nhìn mà không biết phải làm như thế nào nữa. Cửu Ðiện Ðô Thị Vương thấy vậy thì lên tiếng nói với chúng:
– Các ngươi thật mê muội, có người đến cứu mình mà mình không chịu cứu mình, nếu gọi đây là Tăng Ni bị hình phạt thì không đúng, mà phải gọi là nam và nữ mượn lớp áo đạo để phá đạo, chứ đâu phải Tăng Ni. Tăng Ni thì giới hạnh thanh tịnh. Tăng Ni thì dắt chúng độ sinh. Tăng Ni thì phải yêu thương vạn loài. Tăng Ni thì hi sinh mình vì đạo pháp làm gương cho chúng sinh. Tăng Ni hết kiếp sống thì về Tịnh Độ, về Niết Bàn, chứ Tăng Ni nào ở địa ngục! Thôi Ngài cũng đừng khuyên nữa, chúng đã không sám hối tội lỗi, lo niệm Phật thì để chúng nó ở đó mà chịu hình phạt. Trẫm có mấy đôi lời khi về dương gian nhắc lại lời Trẫm để chúng sinh thức tỉnh tu hành.

Nghe xong những lời của Cửu Điện Đô Thị Vương, cô Ba trầm ngâm một lúc, rồi lặng lẽ gật gù. Chí lý! Có lẽ quen suy nghĩ quá nông cạn, cô Ba, mà phần đông Phật tử cũng đều vậy, chỉ nhìn vẻ ngoài cạo đầu, khoác áo tu thì đều cứ coi là sư thầy, sư cô, hết mực tôn kính, coi như một sứ giả của Như Lai. Nhưng có thật vậy không ?
Ồ không, làm sao căn cứ vào vẻ ngoài đó mà biết được họ có phải một người xuất gia chân chính, giới luật nghiêm minh, thành tâm tu đạo ? Không thể. Để phân biệt được người chân tu hay giả tu, phải nhìn vào cách sống, vào giới hạnh của họ cả những lúc công khai trước mọi người, lẫn cả những lúc âm thầm không ai biết.
Cùng hình tướng xuất gia giống nhau, nhưng người chân tu, cả đời giới hạnh, làm nhiều công đức cho đời, cho Đạo, bỏ thân này thì sinh về những cõi an lành, cao hơn thì vãng sinh về cõi Phật, cao hơn nữa thì đắc đạo nhập Niết Bàn, đó mới là Tăng Ni.
Còn những kẻ giả tu, mượn áo Đạo để tạo việc đời, hoặc đi tu thề giữ giới rồi lại ngang nhiên phá giới khiến người đời chê cười đạo Phật, thì như Cửu Điện Đô Thị Vương nói, chỉ là ” nam và nữ mượn lớp áo đạo để phá đạo” thôi. Chết rồi vào địa ngục, ngay đến có người vào siêu độ cũng khó lòng cứu ra được, vì nghiệp giả tu, phá hoại sự trang nghiêm, thanh tịnh của Đạo Phật nặng hơn nhiều những nghiệp chướng khác. Nghĩ lại chính mình kiếp trước cũng phạm phải đại tội này, cũng từng như họ, cô Ba vừa thấy hối hận, vừa ngậm ngùi, xót xa, từng bước nặng nề mà rời khỏi ngục thứ chín.

Ngục tiếp theo cô Ba được các vị thần đưa đến, đó là ngục Vô Gián, nổi tiếng về độ khốc liệt. Nó lớn mênh mông không cùng tận, chứa hẳn một cái biển vừa sâu, vừa rộng bao la trong đó, nước biển thì sôi sùng sục, máu đỏ theo nước cuộn trào, các tội hồn chìm chìm nổi nổi lặn ngụp trong đó.
Nếu cần phải đặt tên, thì cái biển đó chắc chắn sẽ có tên là Biển Quái Vật, vì ngập đầy khắp nơi là đủ loài quái vật to lớn, kì quái, kinh dị, và độ hung tợn thì không có gì để so sánh với chúng. Con thì nhe nanh để lộ những cái răng như những lưỡi dao sắc bén, con thì có cái mỏ như mỏ chim, nhưng mỏng như lưỡi kiếm mài bén. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện trong làn nướ, rồi bất chợt xồ lên ngoạm lấy các tội hồn cắn xé, tay chân, đầu mắt vương vãi, máu phum ào ào hòa vào làn nước biển đỏ lòm lòm.
Một số tội hồn trong cơn hoảng loạn bơi được lên bờ, thì bị quỷ sứ trên bờ dùng hung khí lùa xuống, quái vật bên dưới lập tức vồ lấy xé nát. Tiếng gào rú lạc giọng, tiếng nhai xương, xé thịt của đám quái vật, cùng những màn cắn xé man dại, thực sự ám ảnh, kinh tâm lạc phách đến cùng tột.
Cô Ba bắt đầu khuyên các tội hồn niệm Phật, xong chẳng ai nghe được gì cả. Phải cố van nài vài ba phen, đám quái vật mới chịu ngưng cắn xé, bỏ lên bờ. Một số vong hồn bắt đầu nghe lời, niệm Phật được một lúc thì cũng lên được bờ, xong đuối quá liền ngủ gục ngay đó.
Cô Ba dời chỗ đó, được các vị thần dẫn đến một khu vực khác. Chỗ này rất khác lạ, nó vừa sâu thăm thẳm, vừa tối đen như mực, nhìn không rõ các tội hồn ra sao, chỉ nghe tiếng gào ré liên tục. Không biết họ bị tra tấn kiểu gì, mà tiếng gào của họ nghe rất quái dị, nó khào khào như ve kêu, cực kì ồn ào, nên cô Ba cố gào hét khuyên các tội hồn nhưng không nghe ra được tiếng gì. Cô liền chuyển sang niệm Phật:
– Nam Mô A Di Đà Phật ! Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát ! Nam mô Ðịa Tạng Vương Bồ Tát !
Theo từng tiếng niệm Phật thì địa ngục liền sáng lên, nhìn rõ được quang cảnh. Các tội hồn đông lúc nhúc cũng dừng gào ré, nhô đầu ra. Cô Ba liền khuyên họ:
– Tôi niệm Phật có bốn câu mà địa ngục được sáng ra như thế, vậy quý vị phải ráng niệm Phật đi!
Họ liền niệm theo, ban đầu còn lẻ tẻ, sau tiếng niệm Phật lan ra vang vọng khắp nơi, cuối cùng cửa ngục mở tung, các tội hồn thoát ra.
Các thần dẫn cô Ba đi thêm vài khu vực nữa trong ngục Vô Gián, mỗi nơi một kiểu tra tấn khác nhau, hết sức đa dạng và tàn khốc, đủ muôn kiểu chết đau đớn, chết rồi sống lại, lại tra tấn cho đến chết, một ngày muôn lần sống muôn lần chết nối nhau không ngơi nghỉ nên gọi là Vô Gián.
Cuối cùng, các thần đưa cô Ba đến Thập Điện chứng kiến cảnh vong hồn bị đưa đi đầu thai kiếp thú. Trước dòng sông Ứ Nê, các vong hồn được sắp xếp đứng ngay ngắn từng hàng dài. Vong hồn nào từng giết trâu, hoặc tạo nghiệp gì đó sẽ phải đầu thai thành trâu, thì đứng chung một hàng. Tương tự, đầu thai thành chó, thành mèo, thành dê, thành gà, thành vịt, thành rắn, rết… đứng riêng từng hàng. Biết mình sắp bị biến thành súc vật, tương lai mịt mù tăm tối, kẻ thì khóc lóc thảm thiết, kẻ bịt mắt quay đi không dám nhìn.
Lần lượt từng vong hồn bị đẩy, bị kéo tới bờ sông, nơi có dòng nước màu đỏ. Quỷ sai múc nước sông cho các vong hồn uống. Nước vừa nuốt xuống lập tức lông lá mọc ra, biến hình thành đủ loại súc sinh. Một quỷ sứ bước đến dùng một cây cọ chấm vào lưỡi từng con vật, liền đó chúng không còn nói tiếng người được nữa.
Sau khi đủ số, quỷ sứ dùng phép thu nhỏ chúng lại cho vào hồ lô, rồi bay lên dương gian đưa chúng đi đầu thai.
Thấy sự kêu khóc thảm thiết của bọn họ, cô Ba xót thương mà đến van xin Thập Điện Chuyển Luân Vương, xin ngài tha cho bọn họ, nhưng liền bị ngài từ chối:
– Vì nghiệp lực của chúng quá nặng nề nên phải chịu đầu thai đền mạng. Nhiều đời nhiều kiếp sát hại sinh mạng nhiều không kể, thậm chí cho đến vật không ăn được chúng nó cũng giết rồi bỏ đi. Tội ác tày trời nên chúng nó phải đền mạng không làm sao được, không ai xin hay thay thế được, dầu có cha con đi nữa thì cũng tội ai nấy chịu, đành như vậy.
Cô Ba đành ngậm ngùi cáo biệt Chuyển Luân Vương để trở về Nhất Điện. Về đến nơi, cô đến lễ bái hai vị Bồ Tát. Quán Thế Âm Bồ Tát dạy rằng:
– Ngày nay ngươi khám phá Ðịa ngục xong hãy về nói cho người đời nghe lại. Và sau phải cố gắng in kinh ấn tống, ta sẽ hỗ trợ cho. Ngươi có tâm cứu độ chúng sinh nơi địa ngục, nhưng như thế chưa bằng độ chúng sinh ở cõi dương gian, vì cõi đó chúng sinh còn tạo tội thì địa ngục không ngày nào hết. Hôm nay ta trợ duyên cho ngươi ba ly nước để ngươi định tâm nhớ việc địa ngục mà nói cho chúng sinh, nghe rồi lo đi tu hành, quy y, giữ giới, ăn chay, cữ sát sinh thì không còn sa địa ngục nữa. Trong kiếp này ngươi vì trả nghiệp nên kinh luật chẳng thông, bởi vậy không được làm thầy ai hết. Sau này ngươi cũng mở đạo, nhưng đạo của ngươi chỉ dụng pháp “Phá Ðịa Ngục”. Hiện nay nhân duyên của ngươi phải theo giáo pháp Ðại Thừa dùng phương tiện hoá độ chúng sinh, và khuyên người đời chớ lầm mê đốt vàng mã để cầu siêu vô ích. Khuyên người đời hãy nên tụng kinh niệm Phật, cữ sát sinh và in kinh ấn tống như vậy rất dễ tiêu nghiệp chướng, sớm được giải thoát.
– Bạch Ðức Bồ Tát, con nguyện vâng lời, dầu cho khổ sở hay trải qua muôn vàn kiếp con cũng không chán nản, con nguyện làm sao cho chúng sinh sớm tỉnh ngộ quay về Phật Pháp là con vui lòng.
– Lời nguyện của ngươi sẽ thành và sau này sẽ chứng quả.
Cô Ba năm vóc sát đất, tha thiết lễ bái từ biệt hai vị Bồ Tát, rồi đến điện rồng của Tần Quảng Vương để cáo biệt, đồng thời cũng là vì có một khúc mắc muốn thưa hỏi:
– Bạch ngài! Tôi có người mẹ tên là Lê Thị Thêm chết ngày 18 tháng 10 năm Canh Tý (tức năm 1960), đến nay cũng gần mãn tang, tôi cố ý kiếm tìm trong các ngục nhưng không gặp, xin ngài từ bi chỉ dạy cho tôi biết mẹ tôi hiện nay ở đâu?
– Cũng nhờ Hiền tăng có lòng chí hiếu, tụng trì kinh Địa Tạng hồi hướng cho mẹ, nên mẹ của Hiền Tăng được sinh về cõi Trời Tứ Thiên Vương hưởng phước, mà cửu huyền thất tổ của Hiền Tăng cũng được siêu sinh.
Nghe vậy cô Ba vẻ mặt mừng rỡ, bèn quỳ xuống:
– Bạch ngài! Tôi có thể lên cõi trời Tứ Thiên Vương để tìm mẹ cho thỏa lòng ao ước được không?
– Quý thay! Nếu Hiền Tăng muốn đi tìm mẹ thì phải chí tâm cầu nguyện, chừng nào ơn trên ấn chứng mới được đi.
Từ biệt Nhất Điện Tần Quảng Vương rồi, cô được các thần mang theo chiếu chỉ của Tần Quảng Vương, đi thăm quan thêm các cõi khác như cõi Địa Tiên, cõi Nhân Hiền, cõi Long Cung. Cuối cùng mới đưa cô trở lại nhân gian, nhập vào xác như lần trước. Cô nhìn lên đồng hồ, lúc ấy đúng 12 giờ trưa.


Phần 2: THIÊN ĐƯỜNG

Trở về dương gian, cô Ba mang theo một cõi lòng đầy háo hức, mong ngóng được lên trời Tứ Thiên Vương, tất nhiên phần lớn là vì muốn gặp lại mẹ, phần nữa cũng vì tò mò, muốn biết cõi trời thực sự đẹp như thế nào. Thế nên ngày ngày cô rất siêng năng, nhiếp tâm cầu nguyện.
Rốt cuộc sau ba tháng, ngày ấy cũng đến, đó là ngày 9 tháng giêng năm Quý Mão ( tức ngày 2/2/1963), Thiên Chủ Tứ Thiên Vương phê chiếu chỉ cho các chư vị thiên thần xuống đón cô Ba lên. Họ trục hồn cô Ba khỏi xác, cũng như lần trước, sẽ có một vị thần giữ xác nhập vào để xác không bị hư hoại, rồi dẫn hồn lên cõi trời Tứ Thiên Vương – cõi trời thấp nhất trong các cõi trời để gặp mẹ cô.
Cô Ba thấy mình được thần lực đưa lên bay vun vút, nhanh đến chóng mặt, mới đầu nhìn xuống còn thấy núi non sông hồ trùng điệp, muôn vạn dặm xa xôi hút trong tầm mắt. Bay tiếp lên, thì chỉ còn thấy mây tầng tầng lớp lớp đủ màu sắc, ngước lên thì thấy mặt trời cùng các vì sao như đang trông lớn dần ra.
Phải một lúc lâu sau, mới đến một nơi gọi là cổng trời, tuy nhiên không thấy cái cổng nào, mà chỉ toàn mây là mây, có một số thiên thần trang phục uy nghiêm hiện ra chặn lại, các thiên thần dẫn đường liền trình chiếu chỉ ra, và được vui vẻ cho qua.
Bay thêm một lúc nữa, các thành quách nguy nga mới thấp thoáng hiện ra giữa những tầng mây, rực sáng những hào quang huyền ảo. Quả là chốn thiên đàng, dù xưa nay người đời vẫn luôn tưởng tượng ra đủ thứ vẻ đẹp kiêu sa nhất để gán cho thiên đàng, nhưng tận mắt chứng kiến rồi, cô Ba mới thấy những tưởng tượng ấy còn thô sơ, quê mùa hơn nhiều lần khi so với thực tế.
Các thiên thần đưa cô Ba bay lướt qua một lượt để ngắm nghía toàn cảnh. Khắp nơi là những tòa cung điện lấp lánh, rộng lớn bao la không thấy điểm cuối, với lối kiến trúc trang nghiêm, nhưng lại đầy vẻ tao nhã với những họa tiết không thể tinh xảo hơn.
Xen kẽ giữa các công trình cung vàng điện ngọc, lầu vàng, gác tía là những giống cây kì lạ, đẹp đẽ, rực rỡ nhiều sắc hoa tươi thắm, được trồng ngay ngắn theo hàng, theo lối với một bố cục hài hòa. Cả một thành phố khổng lồ xây bằng châu báu bạc vàng nguy nga, tuyệt mỹ, ẩn hiện trong những vạt mây trắng, mây vàng trôi lãng đãng, lại càng tăng thêm vẻ ảo diệu, thi vị.
Văng vẳng khắp chốn thiên cung là những bản nhạc trời du dương, thánh thót từng nốt nhạc. Âm thanh của những loại nhạc khí kì lạ, giao hòa với nhau không thể nhuần nhuyễn, tinh tế hơn, lánh lót như rót thẳng vào tận trong tâm hồn, khiến cho cô Ba như muốn lâng lâng, bay bổng theo từng giai điệu lúc lên cao, khi xuống thấp, lúc khoan thai, khi lại sâu lắng.
Chiêu đãi khướu giác là những làn hương thơm lạ không rõ bắt nguồn từ đâu, lan tỏa ngào ngạt trong không khí, hít vào mà tâm hồn cảm thấy đê mê, nửa say nửa tỉnh. Tất cả cảnh trí vừa hoành tráng, vừa lạ lẫm, tinh tế trong từng chi tiết nhỏ, rồi bao nhiêu thứ kỳ lạ không biết phải tả như thế nào, khiến cho kẻ mới lần đầu trải nghiệm như cô Ba không khỏi ngơ ngẩn, say sưa mà như quên hết cả mục đích, nguyên nhân mình từ đâu đến đây, và đến đây để làm gì.
Cuối cùng, cô được các thiên thần đưa đến trước một điện rồng hết sức cao lớn, uy nghiêm, nổi bật hơn hẳn mọi cung điện khác về độ hoành tráng, tinh xảo. Những dải ánh hào quang từ bên trong tỏa ra ngời sáng lấp lánh, chiếu xa thấu suốt các tầng mây, xong lại khiến cho người ta cảm thấy rất mát mẻ, dễ chịu. Nếu như ở nhân gian, cung điện của vua chúa cũng gọi là điện rồng, xong rồng chỉ là những pho tượng, tạc hình làm biểu tượng, thì ở đây, điện rồng được hiểu theo nghĩa đen thực sự. Xung quanh điện, những thần rồng cao lớn, bề thế, vảy sừng sắc sảo, đôi mắt đầy uy lực, uyển chuyển cuộn mình thành những tư thế oai vệ xếp dọc hai bên.
Không chỉ thế, còn có những linh thú chỉ được nghe kể trong truyền thuyết như phượng hoàng, kì lân, kim quy… hình dáng cao lớn, màu sắc sặc sỡ, thần thái trang nghiêm, sinh động mỗi loài một vẻ xong đều xếp theo một hàng lối ngay ngắn, rất quy củ. Thỉnh thoảng cao hứng, chúng lại uốn lượn, quẫy đuôi vờn quanh với phong thái rất ung dung, nhàn nhã, phô diễn vẻ đẹp rực rỡ khiến người xem mê mẩn.
Khi các thiên thần đưa cô Ba đến nơi, chúng đồng loạt đứng dậy nghênh đón, thái độ trang trọng mời họ vào trong. Vào trong rồi, lại một lần nữa cô Ba bị choáng ngợp. Không chỉ vì những mái vòm, những hàng cột thuần làm từ châu báu cao vời vợi, cùng vô số món kỳ chân dị bảo tỏa ra muôn màu lấp lánh trang trí khắp nơi, mà còn vì vẻ đẹp của các vị chư thiên đang tỏa ra hào quang sáng ngời. Họ cực kỳ cao lớn, ước tầm phải gấp từ mấy lần, đến mấy chục lần người thường, tùy phước đức mỗi vị. Từ gương mặt đến dáng vẻ, phong thái đều đẹp không tỳ vết, một vẻ đẹp thanh thoát đến mê người. Một người phàm trần như cô Ba lọt thỏm giữa các chư thiên, vừa bé nhỏ, vừa xấu xí chẳng khác nào đem con cóc mà so sánh với các nam thanh nữ tú cả, điều đó không khỏi khiến cô Ba cảm thấy e dè và có phần sợ sệt.
Ngự trên ngai rồng giữa chánh điện là một vị cao lớn hơn cả, phải đến tầm hai mươi tư thước, Ngài diện một bộ y phục đỏ, tỏa ra ánh hào quang ngời ngời, vừa uy nghiêm vừa tuấn tú, phi phàm. Không cần giới thiệu thì cô Ba cũng biết đó chính là Thiên chủ – vua cõi trời Tứ Thiên Vương.
Nhớ lại ban nãy trên đường đi, các thiên thần cũng đã căn dặn sơ qua cho cô về các nghi lễ thiên đình khi ra mắt, cô cùng các thiên thần dẫn đường liền đến trước Thiên chủ, theo nghi lễ mà tung hô, bái kiến. Sau đó, Ngài miễn lễ, cho ngồi và cất tiếng dạy bảo – âm thanh vừa tao nhã lại vừa sang sảng như tiếng chuông đồng:
– Hiền Tăng tuy trước là người trọng tội, sau nhờ lời đại nguyện phá xong mười ngục cứu độ chúng sinh cũng nhiều, phước đức đó rất lớn. Nay vì lòng hiếu thảo cầu xin lên trời gặp mẹ, trẫm cũng rộng hồng ân. Hơn nữa, trẫm cũng muốn cho Hiền tăng lên cõi trời cho biết, sau nói lại cho chúng sinh nghe để chúng biết có Trời, có Phật, có Thánh, có Thần, để chúng sinh khỏi lầm tưởng ngoài cõi đời không còn ai nữa rồi mặc tình làm ác mà phải sa vào địa ngục.
Nay trẫm phán đôi lời cho Hiền Tăng rõ: Chúng sinh ở cõi nhân gian lòng tham ác dẫy đầy, nghiệp sát sinh quá nặng, cho nên chiến tranh khói lửa không ngừng. Đã thế còn loạn dâm, hủy đạo, ngỗ nghịch, bất hiếu, bất trung, mở miệng ra là cống cao ngạo mạn, chửi Trời mắng đất, khinh rẻ Thánh Thấn. Hàng tháng chư thần về tâu tội lỗi của chúng sinh tràn ngập, nên cứ một thời gian phải đưa những người thiện sang cõi khác, rồi cho lôi thần, hỏa thần tiêu hủy thế gian, để lập lại như thời thượng cổ cho người hiền chung hưởng. Nhưng đức Quán Thế Âm Bồ Tát vì lòng từ bi đã bao lần ngăn cản để ngài tìm cách cứu độ chúng sinh, nếu làm như vậy thì chúng sinh chết khổ tội nghiệp.
Cũng may, hiện nay nhiều vị Bồ tát ở cõi Trời Đâu Suất vì lòng từ bi nên đã giáng trần độ thế rất nhiều. Nhờ các vị Bồ Tát giảng thuyết Kinh pháp nên chúng sinh biết đường tu tỉnh, ăn chay, niệm Phật, thọ trì Kinh pháp. Trẫm phán cho Hiền Tăng rõ: người nào giữ trọn tam quy ngũ giới, khi chết trẫm cho kim đồng ngọc nữ rước về cõi trời Tứ Thiên Vương này hưởng phước tu thêm. Còn từ năm giới tới mười giới thì được về các cõi Trời cao hơn, hoặc về cõi trời Đâu suất gặp Đức Phật Di Lặc giáo hóa tu tiếp. Riêng những vị Tăng Ni Đại Đức khi công hạnh đã viên mãn, có nguyện vãng sinh thì về cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Còn những người hàng Phật Tử mà phá đạo, hại đời, hoặc đã xuất gia thọ giới mà phá giới, phạm trai hoặc loạn dâm, đắm sắc khi chết bị đọa vào địa ngục không biết bao nhiêu năm để đền tội.
Còn những vị mặc dầu ở tại gia nhưng một lòng vì đạo, phát tâm Bồ Đề, kiến thiết chùa chiền, in kinh ấn tống, ủng hộ tăng ni tu học, đó là hàng Bồ Tát tại gia. Phước báo này đến chỗ vô lậu, cứ tô bồi công đức như vậy lần lần đến quả vị Niết Bàn. Vì ủng hộ tăng ni tức bảo tồn Tăng Bảo thường trụ, thay mặt đức Như Lai giáo hóa chúng sinh. In kinh ấn tống là bảo tồn Pháp Bảo thường trụ ở thế gian để chúng sinh nương theo kinh pháp mà tu hành. Tuy nhiên, những vị tu bồi công đức trên phải luôn luôn khiêm nhường, đừng sinh tâm cống cao ngạo mạn mà tiêu mòn phước báu đi rất uổng phí.
Tất cả các Đức Phật đều muốn cho chúng sinh về đất Phật, tất cả các cõi trời đều muốn cho chúng sinh được về trời. Thế mà chúng sinh cứ chăm chăm làm ác, lao đầu vào địa ngục, thật là mê muội. Tuy biết rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, Phật tánh ấy như hạt giống vậy. Hạt giống này phải được trồng trong đất đạo đức, hàng ngày phải được vun tưới bằng pháp của Phật thì hạt mới nẩy mầm lên cây, đơm hoa kết trái Phật, tức thành Phật. Chứ như mê muội đem hạt giống bỏ vào sình lầy tham ác, bỏ vào lửa đỏ bạo tàn, ngang ngược thì hạt không nảy mầm, lại trôi lăn vào cõi súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục chịu thống khổ muôn đời. Trẫm phán bấy nhiêu lời Hiền Tăng cố nhớ về nói lại cho chúng sinh nghe.

Sau những lời truyền dạy như sấm rền ấy, Thiên chủ Tứ Thiên Vương sai hai tiên nữ mời mẹ cô Ba đến. Không lâu sau, bà đã xuất hiện tại điện rồng, yết kiến Thiên chủ với nghi lễ tung hô xong, hai mẹ con vui mừng khôn siết, ra riêng một chỗ để hàn huyên.
Thực tình cô Ba nhìn vẻ ngoài thì không thể nhận ra mẹ mình, vì khi ở nhân gian bà có dung mạo bình thường của một người phàm trần, còn giờ bà đã mang thân hình cao lớn, kiều diễm tuyệt thế của một thiên nữ, nên cứ ngẩn ra, chần chừ chưa dám lại. May nhờ giọng nói không đổi khác mấy, cô mới nhận ra vị thiên nữ này đúng là mẹ mình. Còn bà thì chỉ chờ đến giây phút này, liền chạy ngay đến ôm trầm lấy cô Ba, mừng mừng tủi tủi mà nói liền một tràng không dứt, cứ như thể sợ không còn cơ hội nào để nói:
– Nhi ! Con đã được về trời rồi sao ? Vậy thì tâu với vua trời Tứ Thiên Vương cho mẹ con mình ở chung một chỗ để cùng tu hành. Nhi ạ, ở cõi trời vui lắm, các vị Bồ Tát ở cõi trời Đâu Suất thường xuống đây thuyết pháp, hào quang các ngài sáng ánh tua tủa, ban đầu mẹ tưởng là Phật, mẹ mừng quá, mẹ lạy hoài không thôi, sau nhờ các vị Tiên nói mẹ mới biết đó là Bồ Tát. Mẹ nhờ con biết tu hành cầu siêu cho mẹ mới được về trời, thật con có hiếu với mẹ quá, bằng không mẹ còn khổ nữa, biết ngày nào được ở đây.
Mẹ ở tận núi Hoa, chỗ mẹ ở đẹp hơn đây nhiều lắm, một ngày ở đây rất dài, mẹ nghe các vị Tiên cho biết, nó bằng một năm ở cõi thế. Lúc mẹ chết, thằng Thinh (em trai cô Ba) làm thịt một con bò và một con heo để làm đám ma, nếu không có con cầu siêu cho chúng nó đầu thai làm người, thì mẹ phải đầu thai một kiếp làm bò và một kiếp làm heo để đền mạng. Ôi! Khổ biết bao nhiêu, thằng Thinh ngu quá, nó tưởng làm như vậy là báo hiếu cho mẹ, nào ngờ nó làm hại mẹ suýt phải làm súc sinh thật là đau đớn. Nhưng việc đã qua rồi không nhắc lại làm chi, con hãy tâu với Thiên chủ Tứ Thiên Vương xin về ở chung với mẹ đi, ở đây tu hành vui lắm, khỏi phải làm lụng gì hết.
Mẹ con mình ráng tu rồi sẽ được trở về cõi trời Đâu Suất, mẹ nghe các vị Tiên nói ở trời Đâu Suất có Bồ Tát Di Lặc, nhờ ngài giáo hóa mình tu thêm, sau một thời gian lâu mới về được cõi Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.
Nè! Con thấy mẹ không, lúc này mẹ đẹp lắm phải không! Hồi mẹ mới về trời cũng giống như con ngày nay, thật là nhỏ nhoi, xấu xí quá chừng. Thôi con đừng buồn, ở đây ít lâu rồi cũng cao lớn và đẹp như mẹ vậy.
Con ạ! Ở đây cúng dường lạ lắm, hễ tâm mình muống cúng dường vị Bồ Tát đang thuyết pháp loại hoa nào tự nhiên loại hoa ấy từ trên hư không đổ xuống tua tủa như mưa, thật là vui. Mới về cõi Trời mẹ tâm tưởng để cúng dường chưa được, phải tu một thời gian sau mẹ mới cúng dường bằng cách tâm tưởng như vậy.
Cõi Trời vui lắm, để rồi con thấy mẹ không nói sai đâu. Lúc mẹ còn sống thường mở máy thu thanh để nghe, và thích nhất tuồng hát bội, nhưng ở đây các vị thiên nữ múa hát hay gấp bội lần, còn trên hư không nhạc trời tự nhiên trỗi lên thật hay, mẹ nói không hết được. Thôi con đến xin cùng tứ Thiên Vương cho mẹ con mình ở chung rồi con sẽ thấy lời mẹ nói thật, còn nữa, còn nhiều chuyện lạ nữa, đến xin đi con.

Bà nói liền một tràng như thế, cô Ba muốn giải thích nhưng không biết xen vào chỗ nào. Thấy vậy, một số thiên thần bèn đứng ra đính chính, rằng cô Ba chỉ là lên đây tham quan, chứ thọ mạng nhân gian chưa hết. Hàn huyên với mẹ thêm một lúc nữa, tâm tình đã được thỏa mãn, cô Ba lại tiếp tục theo các thiên thần dẫn đường mà tham quan thiên giới.
Trước kia cô Ba từng được các thần dẫn đi tham quan cõi Địa Tiên, cõi Nhân Hiền, cõi Long Cung, quả là so với nhân gian thì kì diệu, đẹp đẽ, thanh tịnh hơn cả trăm lần. Ấy nhưng khi so với cõi trời thực sự, dù chỉ mới là cõi trời thấp nhất như cõi Tứ Thiên Vương, thì những cõi kia thật thua xa nhiều lần. Nhưng đọc trong kinh điển Phật dạy, thì cô biết các cõi trời cao hơn như Đao Lợi Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Đại Phạm Thiên… càng lên cao thì còn đẹp đẽ, vi diệu hơn nhiều lần, lũy thừa lần so với cõi Tứ Thiên Vương này. Ấy vậy mà còn không thể so sánh nổi một góc với cõi Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Chính Thiên Chủ Tứ Thiên Vương cùng mẹ cô cũng có nói đến, nhưng quả thực, trí tưởng tượng nhỏ bé, đơn giản của phàm nhân như cô, cố mãi vẫn không sao hình dung ra được cõi đó sẽ còn thù thắng, siêu việt đến mức độ nào.
Thôi thì tạm thời gác lại việc so sánh quá sức ấy, cô trở lại với thực tại lộng lẫy đang mời gọi trước mắt. Bồng bềnh trên những đám mây, cô phóng tầm mắt tận hưởng vẻ đẹp của trăm ngàn thứ kì lạ. Mặt đất bằng phẳng, làm từ những thứ như pha lê, cẩm thạch trải ra mênh mông không bờ bến, và sạch bóng, tuyệt không có một hạt bụi, không một cái lá cây rụng nào. Những hàng cây trĩu trịt trái chín mọng từ cành tới ngọn, những bụi hoa rực rỡ mà từng bông lớn như những chiếc ô, tỏa hương bát ngát. Không biết do bàn tay của vị kiến trúc sư thiên tài nào thiết kế, mà lầu ngà tháp ngọc cao vời vợi, cùng vô vàn những đền đài lấp lánh châu báu đan quyện vào thiên nhiên với trăm ngàn thứ cây cỏ hài hòa đến lạ. Đẹp đẽ, rộng lớn là thế xong các vị thiên tử lại khá thưa thớt, đó đây vài vị thong dong cưỡi hạc, cưỡi mây lui tới.
Xa xa những nàng thiên nữ uyển chuyển bay lượn trong những điệu múa duyên dáng, thoát tục, vừa múa vừa cất lên những tiếng ca thánh thót mà chắc chắn sẽ khiến những ca sĩ tài năng nhất của thế gian phải im bặt vì hổ thẹn.
Đến gần hơn, lúc này thì cô Ba mới có thời gian nhìn ngắm kĩ nhan sắc của các thiên nữ, không biết phải tả như thế nào cho đúng: đẹp mê hồn, từng đôi mắt diễm lệ, từng gò má thanh tao, từng làn da trắng như bạch ngọc… hòa vào nhau thành một vẻ đẹp không tỳ vết. Thật tốt nhất đừng để cánh đàn ông ở dưới trần nhìn thấy, vì thấy qua rồi các ông sẽ chẳng còn hồn phách nào tỉnh táo để mà làm ăn được gì cả.
Như cũng muốn thi thố với các thiên nữ, thấp thoáng đó đây từng đàn chim với bộ lông rực rỡ, trang hoàng thêm những vạt đuôi cánh dài điệu đà, có loại biết tên như chim hạc, chim công, cũng có những loại kì lạ không biết tên gì, xong đều đang uốn lượn vờn quanh theo điệu múa của loài thiên điểu.
Nơi cõi trời này, vẻ đẹp lộng lẫy, thanh thoát không chỉ cảm nhận ở các giác quan, mà nó còn thấu cảm vào tận sâu trong tâm hồn, khiến cho tâm cảm nhận được những cơn đê mê, ngây ngất khó diễn tả bằng lời.
Từng làn hương thơm ảo diệu thoang thoảng nơi nơi, từng tiếng gió thổi man mác, từng tiếng chim kêu lảnh lót hòa cùng vào tiếng tiêu sáo du dương và nhiều nhạc khí khác cộng hưởng thành một bản nhạc trời bất tận, làm nền cho những tiếng hát thiên nữ thánh thót. Tất cả hình như đang đồng thanh hiệp lực, cố ý tạo nên một cơn say khó cưỡng, khiến kẻ nào đi ngang bất giác sẽ bị thôi miên, quên hết mọi sự để chỉ muốn ở mãi nơi đây. Đang mê mẩn trong cơn say ấy, cô Ba chợt nghĩ đến lúc phải về trần gian mà lòng ngao ngán.
Trần gian giờ chỉ như một chốn đầy ải, chiến tranh khói lửa triền miên từ thời đại này sang thời đại khác, bệnh tật, mưu sinh, đói kém cùng đủ thứ dằn vặt, nguy hiểm. Con người u mê không hiểu luật, chỉ vì những thú vui vụn vặt, thoáng chốc mà mờ mắt, tranh giành nhau, tạo đủ thứ nghiệp chướng, để mà ghìm nhau vào đau khổ. Chính cô trước kia cũng u mê như vậy, nên giờ đây có cơ hội so sánh, cô hiểu điều đó một cách sâu sắc hơn ai hết. Vốn đang đua nhau chạy thục mạng hướng vào cửa địa ngục, ấy thế mà rất đông người lại hăm hở lắm. Còn những việc thiện lành, sẽ đưa đến những kết quả an lạc, sung sướng lâu dài, thì lại bị chế giễu là “rỗi hơi”, “mê tín”, chẳng mấy ai chịu làm. Thế nhân thật hài hước.
Bao nhiêu vị thánh nhân hạ phàm để dạy bảo, mà phần đông nhân loại nghe rồi lại nhăn răng ra cười nhạo chẳng tin, mãi không chịu hiểu ra rằng, đừng tranh giành hơn thua vô ích, chỉ cần biết buông xả, san sẻ cho nhau thì luật Nhân quả sẽ an bài cho tất cả đều được hưởng sung sướng.
Đó, cõi thiên đường nơi đây, chính là minh chứng đó. Bao nhiêu điều vi diệu, đẹp đẽ, bao nhiêu trân bảo, thần thông tự tại mà các vị thiên tử nơi đây an hưởng chẳng bao giờ lo vơi cạn, đâu phải tranh giành mới có, vốn đều bắt nguồn từ những sự buông bỏ khi còn sống ở nhân gian.
Buông bỏ những mâu thuẫn, chấp nhất, bảo thủ để thôi không còn thù hằn, oán ghét, chửi rủa, hãm hại, chiến tranh, chém giết với nhau, thế là tắt được bao nhiêu ngọn lửa nghiệp chướng. Buông bỏ lòng tham vào tiền tài, danh lợi, quyền thế, để biết bố thí, giúp đỡ, nhường nhịn, thế là thành bao nhiêu phước báo. Buông bỏ những tâm kiêu ngạo, tự cho mình biết tuốt mà vốn thực sự chẳng biết gì, để khiêm nhường, học hỏi lời dạy của thánh hiền, thế là trí tuệ sáng ra, biết đâu mới là con đường đưa đến hạnh phúc chân chính, lâu bền.
Cứ y theo quy luật ấy mà sống, thì ai ai cũng sẽ phước báo tràn trề, an nhàn hưởng mãi nơi những cõi trời, cõi Phật bao la này, việc chi phải giành giật hơn thua trong cái cõi người trật hẹp, bon chen lấy khổ sở làm vui thú.
Càng nghĩ thì càng chán ngán, chẳng muốn về lại trần gian chút nào. Nhưng vì thọ mạng chưa hết, đại nguyện chưa làm tròn, cô Ba đành ngậm ngùi, gắng gượng dứt khỏi niềm vui thích để rời khỏi chốn bồng lai này, đến từ biệt mẹ rồi trở lại điện rồng xin chiếu chỉ của Thiên chủ Tứ Thiên Vương để xuống lại nhân gian. Xong bất ngờ nghe Ngài phán rằng:
– Tuy cõi trời rộng bao la, tốt đẹp vô ngần, các vị Bồ Tát ở cõi trời Đâu Suất thường đến thuyết pháp dạy đạo, song chúng thiên tử cứ mãi say sưa trong cảnh đẹp, ít chịu tu hành. Nay trẫm thỉnh Hiền Tăng đến pháp đài giảng cho chúng thiên tử một thời pháp về cái khổ ở thế gian và nơi địa ngục, để chúng thiên tử sinh tâm lo sợ mà tinh tấn tu hành, kẻo cứ mãi vui chơi đến ngày hết phước, bị đọa lại trần gian thì tội lắm! Hiền Tăng đến ngay tháp đài ở núi Hoa, tháp này có mười tám tầng dành cho các vị Bồ Tát đến thuyết pháp, nhưng khi đến nơi Hiền Tăng chỉ ngồi ở tầng thứ mười, thuyết một thời pháp cho chúng thiên tử nghe.
Cô Ba liền cung kính phụng chỉ, một số thiên thần dẫn cô bay đến tháp đài tại núi Hoa. Tòa tháp này cao vời vợi, chia làm nhiều tầng, không biết được làm từ pha lê hay kim cương mà trong suốt, tỏa ra ánh sáng kì ảo. Tứ phía xung quanh là một quảng trường mênh mông, mặt đất làm từ vàng ròng lấp lánh. Sau khi được an vị trên tầng thứ mười, cô Ba không khỏi hồi hộp khi chứng kiến từ khắp các hướng, từng đoàn từng tốp các vị thiên tử cưỡi mây về đây tề tựu, đông như trẩy hội. Nhưng không phải cái kiểu chen chúc lố nhố như ở nhân gian, mà nhất nhất theo một trật tự tề chỉnh, nghiêm trang.
Khi tất cả đã an vị, cô Ba bắt đầu cất tiếng giảng về cái khổ của nhân gian. Đã nếm trải qua bao nỗi gian truân, vất vả của cuộc sống nghèo khó giữa thời chiến loạn, lại được chứng kiến đủ kiểu hãi hùng trong địa ngục, nên cô rất tự tin mà nói về nỗi khổ. Nào là khổ của kiếp người từ khi sinh ra đến khi già nua, phải vật lộn bươn trải, nắng mưa dãi dầu kiếm miếng ăn. Trên thì thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn… đủ loại, dưới thì rắn rết trùng độc lắm thứ nguy hại, trong thì hết khổ bệnh tật đến khổ đói khát, xa cách người thân yêu cũng khổ, sống gần kẻ đáng ghét cũng vô cùng khó chịu, ngoài thì phải gánh trách nhiệm nặng nề, hết lo cho gia đình đến đối phó với quan quyền, giặc giã, chiến tranh, kẻ xấu mưu hại, sinh ly tử biệt.
Niềm vui cũng có xong chỉ là mong manh, thoáng chốc đã tàn, mà để có được thì phải đánh đổi bằng bao nỗ lực vất vả, giành giật bon chen mà chất thêm bao nhiêu nghiệp chướng. Rồi cuối cùng ai cũng phải chết, trắng tay không còn gì, ngoài những nghiệp phước đã tạo. Mà lẽ thường tạo tội luôn dễ hơn làm phước, thế nên lúc chết rồi phần đông sẽ đọa lạc vào các cõi khổ như địa ngục ngập ngụa máu lửa, ngày đêm quỷ sứ tra tấn khủng khiếp, hoặc làm kiếp ngạ quỷ đói khát thê thảm lâu dài, hoặc đầu thai làm súc sinh ngu si, cắn xé nhau để sống.
Từng câu từng chữ tuy mộc mạc nhưng chân thực, như được tuôn thẳng ra từ những kinh nghiệm đau thương của chính cô, nên nó rất sinh động và đầy thuyết phục. Các vị thiên tử, thiên nữ nghe mà gương mặt tái dần đi, từ tò mò đến kinh ngạc, rồi dần chuyển thành sợ hãi. Buổi thuyết pháp kết thúc, họ nhìn sang nhau, ánh mắt nơm nớp lo sợ, rồi từng tốp nhóm họp lại thì thầm bàn luận. Cô Ba xuống tòa, rồi đến bên gần các vị thiên tử nghe họ nói chuyện. Một vị bước đến, đại diện cho thính chúng nói với cô:
– Nếu không có Hiền Tăng nói rõ về cảnh khổ ở thế gian thì chúng tôi cũng đâu biết. Sinh lên đây quá lâu không còn nhớ, chúng tôi tưởng ở thế gian cũng sung sướng như ở cõi này, nào ngờ khổ quá như vậy. Chúng tôi ở đây nào có nghĩ tới năm tháng, nào có thấy ai già, ai chết bao giờ, hễ bị tội là Thiên chủ bắt đọa xuống trần gian, nhưng tưởng như là đi du ngoạn một lúc vậy thôi, nào ngờ khổ đau đến vậy. Các vị Bồ Tát thường đến đây thuyết pháp cũng có giảng, mà chúng tôi nào có tin lời. Còn Hiền Tăng từ cõi thế gian lên đây, là người trong cuộc, nói rõ cảnh đời khổ sở làm chúng tôi thức tỉnh. Thôi chúng tôi sẽ bắt đầu tinh tấn tu theo Phật, kẻo bị đọa xuống trần gian khổ lắm chịu sao cho nổi.
Một vị khác khẩn khoản:
– Thỉnh thoảng Hiền Tăng lên đây một lần, nhắc nhở chúng tôi tu hành tinh tấn, chứ các vị thiên thần có chức trách cũng thường xuống cõi nhân gian quan sát, về họ kể lại. Xong lắm lúc chúng tôi cũng chẳng mấy tin lắm.
Cô Ba từ biệt bọn họ, trở lại điện rồng của Thiên Chủ Tứ Thiên Vương, sau nghi lễ bái kiến, Ngài nói:
-Hôm nay Hiền Tăng đã toại nguyện, khi trở về nhân gian hãy nhắc nhở chúng sinh tinh tấn tu hành, cảnh đẹp ở cõi trời rất rộng đang chờ đón chúng sinh tu thiện. Hiền Tăng nhắc nhở chúng sinh đừng đắm đuối theo xác thân giả tạm, thời gian nó cũng tiêu hoại, phải lo cho cái tâm, mới là cái chắc thật lâu dài, phải nuôi tâm hồn bằng giáo pháp của Phật, phải biết quên mình vì kẻ khác đừng ích kỷ, thì cửa trời đang mở rộng đón chờ.
Phán xong, Thiên chủ Tứ Thiên Vương ban chiếu chỉ, cho truyền các thiên thần đưa cô Ba trở lại nhân gian. Cô Ba cung kính cáo biệt ngài, mắt nhìn lại khắp thiên giới một lượt với một niềm lưu luyến khó tả. Rồi cô theo các thiên thần, xuyên qua các tầng mây trở lại nhân gian, nhập vào thân xác. Mở mắt ra, nhìn lại cảnh vật thế gian với đủ những xô bồ, bon chen danh lợi, ngày ngày diễn ra vẫn như thế từ nghìn năm qua chẳng đổi
Cô thở dài, bao mối suy tư ngổn ngang về cuộc đời, về kiếp người ào ào trong tâm trí. Chỉ trong chưa đầy một năm ngắn ngủi, cô đã được đi qua những trải nghiệm hiếm ai có được, từ chết lâm sàng đến tật nguyền câm điếc, xuống địa ngục rồi lên thiên đường, chứng kiến tận mắt từ sự khủng khiếp tột độ của quả báo, cũng như những sung sướng tột đỉnh của phước báo. Nhìn thấy hết những điều ấy rồi, lại quay lại nhìn thế gian người người đang sống. Ôi thế gian, hỉ nộ ái ố với những được mất sướng khổ, tình tiền nghiệp tội, bừng bừng đó rồi cũng phai tàn ngay đó, để rồi kéo theo sau là bao nhiêu những nhân quả lâu dài. Rốt cục, sống một kiếp người là có ý nghĩa gì ?
Mỗi một người hãy tự suy ngẫm để có riêng cho mình một câu trả lời thích đáng. Còn với cô Ba, cô đã có câu trả lời cho chính mình. Không lâu sau, cô Ba Cháo Gà xuống tóc xuất gia, trở thành một sứ giả của Như Lai với chí nguyện đem những trải nghiệm chân thực của mình, đem những hiểu biết về Đạo về đời của mình truyền bá giúp cho nhiều người thức tỉnh. Pháp danh của cô là Thích Nữ Huệ Hiền. Và câu chuyện ly kỳ về một bà bán cháo gà ở Mỹ Tho xuống địa ngục, cho tận đến thế kỷ sau vẫn còn được người đời truyền tai kể cho nhau nghe.

(Quang Tử, viết lại từ tự thuật của cô Ba Cháo Gà)

5 1 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
5 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Căn Trần
Admin
Căn Trần
2 năm trước
Hôm ấy là 6h chiều, ngày 23 tháng 4 năm Nhâm Dần ( tức 26/5/1962) trong lúc cô Ba đang…" Đọc tiếp »

Vị thần này chắc kiểu Quỷ Sai cao cấp dưới trướng của Hắc Bạch Vô Thường trong Mao Sơn đây mà 😀

Huy
Khách
Huy
2 năm trước
Trả lời  Căn Trần

@Căn Trần Thấy tả tướng mạo giống Trung Quỳ 🙂

Nam
Khách
Nam
2 năm trước
-Ngươi hãy nghe cho rõ lời trẫm phán: Trong lúc làm Hòa Thượng mà còn mê đắm nhan sắc đàn…" Đọc tiếp »

Diêm Vương phán quá chuẩn, anh Quang Tử ạ!

Việt
Khách
Việt
2 năm trước
Hôm ấy là 6h chiều, ngày 23 tháng 4 năm Nhâm Dần ( tức 26/5/1962) trong lúc cô Ba đang…" Đọc tiếp »

Kính Đức

Kiwii
Khách
Kiwii
1 năm trước
-Ngươi hãy nghe cho rõ lời trẫm phán: Trong lúc làm Hòa Thượng mà còn mê đắm nhan sắc đàn…" Đọc tiếp »

Hợp lý quá chuẩn ạ