Cuộc sống này có những điều mà khi còn tuổi trẻ, chúng ta cho là những điều bình thường, hết sức bình thường, thế nên chúng ta sẵn lòng làm một cách vô tư, không cần suy nghĩ nhiều. Ấy vậy mà đợi đến khi cuối đời, hậu quả của nó bất thình lình kéo đến khiến nhiều người trở tay không kịp. Chuyện tôi muốn nói đến là ăn trứng vịt lộn, nghe rất bình thường phải không ? Ấy nhưng nghe hết câu chuyện tôi sắp kể đây, có lẽ bạn sẽ không còn thấy nó bình thường nữa.
Tôi tên Viên Tịnh, nói đúng hơn thì đó là pháp danh, tôi sống tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Tôi có một người ông trẻ ở Hải Phòng. (miền nam gọi là ông cậu) Hồi năm 2008, vốn là người già, có bệnh lâu năm, riêng việc đi lại của ông đã rất khó khăn, chưa kể các nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày của ông đều do một tay bà trẻ chăm sóc. Bà vừa là người vợ thảo hiền chăm sóc ông ngày đêm, vừa là người bạn đời chia sẻ với ông mọi tâm tư, an ủi vỗ về mỗi khi ông trẻ đau bệnh, chán chường.
Trước đó, bà thường xuyên lui tới đạo tràng của sư thầy Thích Thanh Mẫn để học Pháp và tu tập, ít nhiều hiểu về nhân quả và sự vô thường, nên luôn tận tụy chăm sóc chồng với tâm thế bình thản và đã có dự liệu trước cho sự ra đi bất cứ lúc nào của ông.
Hôm đó, thấy ông đang nằm, bà trẻ lấy tay rờ xuống chân ông tính xoa bóp cho ông, bỗng phát hiện chân của ông đã cứng đơ từ khi nào không rõ. Giật mình, bà lay gọi ông trẻ:
-Này ông ơi, tôi đây, ông có sao không, sao tôi thấy chân ông cứng đờ lại vậy ?
Lay mãi lay mãi, ông trẻ vẫn không tỉnh, mắt nhắm chặt, miệng hé mở ú ớ như muốn nói điều gì nhưng lại không thể nói được thành tiếng, muốn nhấc chân lên nhưng cũng chỉ xê dịch được chút ít, gần như không di chuyển được.
Bà trẻ tiên liệu có sự chẳng lành, có lẽ đã đến lúc chuẩn bị hậu sự, tức tốc mời sư thầy Thích Thanh Mẫn đến thăm và xem hộ tình hình của ông nhà ra sao. Thấy triệu chứng có phần bất an, sư thầy khuyên bà trẻ thỉnh đại chúng cùng tụng kinh và niệm Phật hồi hướng cho ông nhà. Nếu số ông chưa tận, thì nhờ công đức tụng kinh niệm Phật này sẽ được tỉnh lại, nếu số tận rồi thì cũng nhờ công đức này mà tiêu trừ nghiệp chướng, siêu thoát an lành. Dù là trường hợp nào thì làm phước hồi hướng cho ông như vậy đều có lợi cả.
Ngay sau đó, đạo tràng đã được mời đến rất nhanh chóng và đông đảo. Không để chậm trễ, từ lúc bốn giờ, trời tờ mờ sáng, khi hàng xóm vẫn còn đang say giấc, mặt trời thì chưa lên, nhà bà trẻ đã vang rền tiếng tụng kinh niệm Phật.
Liên tục suốt hai ngày một đêm, từ bốn giờ sáng tới tận tám giờ tối ngày hôm sau, các Phật tử vận trên mình bộ áo tràng màu lam dài che tới mắt cá chân, ngồi xếp bằng ngay ngắn từng hàng, tụng một mạch bốn bộ: kinh Địa Tạng, kinh Dược Sư, kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà và ba cuốn: Từ Bi Thủy Sám, Đại Bi Sám Pháp và Lương Hoàng Bảo Sám. Được bao nhiêu công đức đem hết thảy hồi hướng cho ông trẻ. Bà cũng không quên treo một bức tranh Đức Phật A Di Đà ở phía chân giường giúp ông giữ chánh niệm và tha thiết khuyên ông niệm Phật cùng đại chúng.
Khi đạo tràng tụng được một nửa thời gian, bất chợt ông trẻ tỉnh dậy sau nhiều tiếng gần như rơi vào trạng thái hôn mê. Mọi người phấn khởi vô cùng. Nhìn vào bức tranh, ông trẻ thều thào hỏi:
-Đây có phải đức Phật A Di Đà không?
Bà trẻ mừng rỡ trả lời:
-Đúng rồi ông nó. Giờ ông hãy đối trước hình tượng Đức Phật phát nguyện xin Ngài gia hộ cho ông được an lành, lúc ra đi tâm thức tỉnh táo không bị hôn mê.
Ông trẻ tôi từ trước đến nay chỉ biết vợ mình hay mặc áo lam, tới lui đạo tràng để làm gì đó, chứ bản thân chưa bao giờ quan tâm đến Phật Pháp. Nhưng vào lúc thập tử nhất sinh, hoang mang cực độ, ông không còn e ngại gì nữa, chí tâm tha thiết phát nguyện cầu mong Đức Phật từ bi gia hộ cho ông được an lành, tỉnh táo ra đi.
Nhờ công đức của các Phật tử hồi hướng cho, ông tưởng đã tới lúc giã từ trần thế, vậy mà lại kéo dài thêm được sự sống đến tận ba năm sau. Tuy vậy ông từ đó bị liệt bán thân bên dưới, không thể đi lại được, chỉ có thể nằm trên giường trông chờ vào sự chăm sóc của vợ và các con.
Bỗng tới một hôm, cũng giống y như ba năm về trước, hai ông bà đang ngủ yên giấc, bỗng có tiếng hét lên thảm thiết làm bà trẻ giật mình bật dạy.
-Ôi đau quá, đau quá, cứu cứu, lũ vịt này tránh xa ra! Aaaaaa… – Ông trẻ cứ liên tục kêu la thất thanh, đầu vừa ngả bên trái rồi lại vật sang bên phải, chân tay khua khoắng loạn xạ hết cả.
Bà trẻ hoảng hốt lay người gọi ông dạy hỏi xem làm sao mà kêu la dữ thế. Ông mới tỉnh mộng mà kể lại sự tình: ông thấy một lũ vịt, con nào con nấy to đùng đùng, mặt mày hung tợn ghê gớm, kêu quang quác vang cả trời, đông không đếm xuể, cứ thế thi nhau mổ xỉa khắp người, con này chưa mổ xong, những con khác đã phừng phừng xông tới, lia lịa từng đàn bu kín không còn khe hở. Bao nhiêu con là từng đấy cái mỏ vàng nó thọc vào da thịt đau muốn chết lặng, thất kinh, hoảng hồn.
Vốn có kinh nghiệm chứng kiến biết bao chuyện, lại hiểu nhân quả báo ứng, bà biết việc này không đơn giản là nằm mơ. Bà an ủi ông, nắm lấy đôi bàn tay nhăn nheo nổi đầy những đường gân lớn đang run lên bần bật, gạn hỏi ông nhớ lại xem hồi trẻ có bao giờ giết vịt, ăn thịt vịt không.
Sau một hồi lùng sục lại trí nhớ, ông trẻ giật mình thốt lên:
-Đúng rồi bà nó ơi, tôi nhớ ra rồi. Khi xưa hồi còn chưa lấy bà, tôi hay đi tàu buôn, bà cũng biết rồi đó. Ở bến cảng có một gia đình chuyên nuôi gà nuôi vịt đẻ trứng rất mát tay, con nào cũng to lớn khỏe mạnh, trứng quả nào quả nấy to đều tăm tắp. Tôi toàn đặt trứng của nhà đó để mang theo lên tàu ăn dần. Mà trứng thường tôi không chịu, cứ nhất định phải là trứng vịt lộn, khi chúng đã sắp nở thành con thì tôi mới lấy. Cứ mỗi chuyến lên tàu, tôi lấy một thùng 200 quả đem theo luộc ăn dần. Cứ như vậy tôi đi tàu cũng mấy năm trời bà nó ạ. Tính ra số lượng trứng vịt lộn tôi đã ăn cũng nhiều lắm.
Nghe rõ sự tình, bà trẻ lặng người hiểu rõ điều gì đang xảy ra. Bà ân cần giải thích đó là do ác nghiệp ông tạo ra, ông ăn chúng khiến chúng khởi tâm uất hận muốn báo thù, giờ khi phước ông đã cạn, chúng mới có cơ hội đòi mạng ông. Việc này không đơn giản đâu, nếu ông không sám hối tội lỗi và cầu siêu cho chúng được siêu thoát, thì không biết chừng ông sẽ phải đầu thai thành bao nhiêu kiếp vịt để mà đền mạng, hoặc xuống địa ngục chịu cực hình khủng khiếp.
Trước kia, nếu nghe những điều này, ông trẻ sẽ dẫy nẩy cho rằng vợ chỉ nói luyên thuyên những chuyện vớ vẩn, nhưng lần này thì chính ông được chứng kiến và trải nghiệm, không thể chối cãi được nữa, cái cảnh tượng vừa nãy thì khác nào địa ngục đâu cơ chứ. Người ông túa mồ hôi ra như tắm vì sợ hãi. Nghĩ đến việc nhắm mắt lại là đàn vịt khổng lồ kia lại bâu vào xâu xé là tim ông như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Những ngày tháng cuối đời tuy ngắn ngủi nhưng lại là quãng thời gian quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn trong thế giới quan của ông trẻ. May mắn hơn nhiều người vì trước khi chết, ông còn kịp tỉnh thức. Ông vượt qua sự mệt mỏi của tuổi già và đau đớn của bệnh tật, mỗi ngày đều tích cực sám hối, tha thiết niệm Phật cầu siêu cho đám oan gia vịt đã bị ông tước đoạt mạng sống. Bà trẻ thương ông, cũng cùng ông niệm Phật, sám hối. Quả nhiên sau một thời gian, ông trẻ không còn phải sợ hãi mỗi khi nhắm mắt ngủ, vì nhờ công đức niệm Phật mà chúng đã siêu thoát cả rồi chẳng còn tới tìm ông nữa.
Nếu như trước kia, bản thân hay chán chường, kêu than với vợ vì đau bệnh và nuối tiếc cuộc đời, gia đình, nhà cửa, thì nay ông trẻ không còn như vậy nữa, chỉ một lòng sám hối những tội mình đã gây ra trong đời, cầu mong sau khi lâm chung được siêu thoát về cõi an lành là ông mãn nguyện.
Vạn sự vô thường, có sinh ắt phải có tử, cuối cùng cái ngày mà bà trẻ đã dự liệu từ lâu cũng tới. Nhằm ngày 1 tháng 7 năm 2011, khi con dâu ông là cô Lý đang đút cháo cho ông ăn sáng, thấy ông tỉnh táo không giống như người sắp mất, nên nói:
-Ông còn tỉnh lắm, chưa đi đâu, để con gọi bác sỹ tới tiêm cho ông.
Cô vừa dứt lời thì ông trẻ đưa tay kéo cô lại, cô quay mặt nhìn, thấy ông mỉm cười, rồi gục đầu xuống ra đi luôn.
Đúng như lời nguyện trước hình tượng Đức Phật A Di Đà suốt mấy năm nay, ông đã ra đi an lạc và tỉnh táo cho đến tận hơi thở cuối cùng, không bị bệnh tật đau đớn dày vò hay các chướng duyên gây trở ngại. Ông ra đi lúc 7h15 thì ngay sau đó mười lăm phút, ban hộ niệm đã có mặt để khai thị và trợ niệm cho thần thức của ông trẻ suốt một ngày đêm không dứt. Trợ niệm xong, gia đình mới thay quần áo, thấy thân thể ông mềm mại lạ kì chứ không bị cứng đờ như những người bình thường khác. Mắt và môi đều nhắm lại khoan thai, dung mạo tươi tắn như người đang say giấc. Cả gia đình ai cũng hoan hỷ vì sự ra đi thanh thản của ông.
Một tháng sau ngày mất, con trai út của ông trẻ, đang sống tận bên nước Úc xa xôi, gọi điện báo mẹ về cuộc gặp gỡ giữa cậu và người bố vừa khuất núi. Trong giấc chiêm bao, cậu thấy bố về nhờ cậu đưa ra sân bay. Ra tới nơi, ông nói lời từ biệt con trai, rồi lên đường nhập vào hàng với đoàn người soát vé và đi luôn. Kể từ đó về sau nhà tôi không ai còn mơ thấy ông nữa. Ông trẻ đã siêu thoát về một cảnh giới an lành.
Nếu không nhờ có Phật Pháp, thì giờ này thần thức của ông chắc hẳn đã bị đám vịt kia cấu xé báo thù, rồi đọa vào các ác đạo khổ không cùng tận. Con người khi sống chỉ mải lo toan cho tương lai gần mà không nghĩ gì tới tương lai xa hơn – đó là những kiếp sau. Chúng ta cũng không tin, và không quan tâm luật nhân quả, sẵn sàng cướp đi sự sống của hàng nghìn sinh linh chỉ vì để thỏa mãn vị giác trong chốc lát. Rồi đến khi quả báo tới thì muốn quay đầu cũng không còn kịp nữa. Đâu phải ai cũng có đủ nhân duyên được tỉnh ngộ, và sám hối kịp thời như ông trẻ của tôi.
(Tĩnh Như, viết lại từ lời kể của Viên Tịnh)
Cảm ơn anh Quang Tử rất nhiều vì đã chia sẻ câu chuyện nhân quả ý nghĩa này ạ. Nam Mô A Di Đà Phật.