( Trích AI MUA XE RÁC – thiền sư Thái Lan Ajahn Brahm)
Những lúc gặp nạn, chán đời, bạn thường nghĩ “thật oan ức, tại sao lại xảy ra cho tôi?”, thật không công bằng chút nào!
______________
Một tù nhân, tuổi trung niên, sau lớp giảng hàng tháng trong tù, đã xin đến gặp tôi (Ajahn Brahm) để thưa chuyện. Ông này đã tham dự lớp giảng từ nhiều tháng nên tôi cũng quen mặt.
– Thưa thầy Brahm – ông nói – Tôi muốn cho thầy biết là tôi không có phạm tội mà họ đã nhốt tôi vào tù. Tôi là kẻ vô tội. Tôi biết nhiều tù nhân cũng nói như vậy mặc dù họ phạm tội, nhưng tôi hoàn toàn nói thật. Tôi không bao giờ nói láo với thầy đâu. Tôi xin thề với thầy đó.
Tôi tin lời ông ấy. Hoàn cảnh và điệu bộ của ông đã linh tính cho tôi biết là ông nói sự thật. Tôi bắt đầu suy nghĩ, thật bất công cho ông ta quá, và đang tìm cách an ủi. Nhưng ông đã cắt đứt dòng tư tưởng của tôi. Với một nụ cười bí hiểm, ông nói:
-Thưa thầy Brahm, nhưng tôi lại có phạm nhiều tội khác, xong những lúc đó tôi lại không bị bắt. Cho nên… nghĩ lại thì kể ra cũng công bằng thôi!
Tôi phá lên cười. Thì ra tên tù nhân lưu manh này đã hiểu luật nhân quả, và có thể hiểu rõ hơn vài tu sĩ mà tôi biết.
Có khi nào bạn phạm tội, hành hung, ăn cắp, phạm pháp mà không bị bắt không? Và khi đó bạn có than “Trời ơi, không công bằng! Tại sao tôi không bị bắt?”.
Nhưng khi lâm vào cảnh khổ mà không biết lý do tại sao thì chúng ta liền than “Trời ơi, bất công quá! Tại sao lại tôi?”
Giống như tên tù nhân tôi vừa kể, có thể chúng ta đã làm nhiều tội lỗi mà không bị bắt lúc đó. Bây giờ mới nhìn thấy vô cớ bị bắt, nhưng thật ra có lẽ cũng công bằng thôi.
Tên tù nhân trên đã bị bắt oan về một tội mà ông không phạm, nhưng trước đó ông đã phạm nhiều tội khác mà không bị bắt. Bây giờ mới nhìn thì thấy ông bị bắt oan, nhưng suy xét trên thời gian dài ra thì cũng chẳng oan chút nào.
Có nhiều Phật tử ăn chay, niệm Phật, cúng dường, bổ thị, làm phước mà vẫn gặp những chuyện không may, thường hay than thở “Tôi tu hành, ăn chay, làm phước mà sao cử gặp nạn hoài?”.
Đạo Phật dạy nhân quả ba đời: quá khứ – hiện tại – vị lai. Có những người kiếp này làm các việc bất thiện mà vẫn sung sướng, đó chẳng qua cũng giống như người phạm tội mà chưa bị bắt. Đến kiếp sau đang sống lương thiện thì lại bị bắt vào tù một cách oan uổng. Nhìn vào thấy oan, nhưng xét kỹ trên thời gian dài, thì cũng công bằng thôi.
Vậy khi không làm điều gì xấu ác mà gặp nạn thì chúng ta nên nhớ là không có gì oan uống hết. Có thể chúng ta đã tạo các từ nhiều kiếp trước, đến kiếp này thì quá mới chín mùi trổ ra.
__________________
Ở một khía cạnh khác, nhiều người Tây phương hiểu lầm luật nhân quả. Hễ thấy ai bị đau khổ thì họ liền cho là do tạo nghiệp ác đời trước nên bây giờ phải trả quá, không có cách nào thoát khỏi. Sự thật không hẳn như vậy, giống như câu chuyện thí dụ sau đây.
Có hai người đàn bà cùng làm bánh.
Người thứ nhất có trong tay những nguyên liệu khá tồi tệ. Bột mì thì cũ với vài chỗ mốc phải khều vứt đi. Bơ thì sắp lên mùi. Đường trắng thì loang lổ vài đốm nâu (vì ai đó đã dùng muỗng cà phê còn ướt múc vào). Trái cây mà bà có chỉ vỏn vẹn một chùm nho cũ. Và cái lò bếp của bà thuộc đời trước chiến tranh thế giới.
Người thứ nhì có trong tay những nguyên liệu hào hạng. Bột mì được bảo đảm xuất xứ từ các xưởng không xài chất hóa học. Bơ thuộc loại không gây béo phì và rất mềm dễ nhồi nặn. Đường vàng nguyên chất chưa bị tẩy trắng. Trái cây thì chín mới hái ngoài vườn. Cái lò bếp thì thuộc loại hiện đại nhất với đủ loại chương trình tự động.
Thử hỏi người đàn bà nào sẽ làm ra một cái bánh ngon nhất?
Chưa chắc người có nguyên liệu hảo hạng sẽ là người làm bánh ngon nhất. Đôi khi người có nguyên liệu tồi tệ, nhưng lại lành nghề và bỏ hết tâm sức vào sự làm bánh, lại là người cho ra cái bánh ngon nhất. Và ngược lại, người có nguyên liệu tốt lại vụng về, vẫn sẽ chỉ làm được cái bánh không ai muốn ăn.
Vài người bạn tôi quen, họ có trong tay nhiều nguyên liệu khá tồi tệ trong đời như: Sinh ra trong gia đình nghèo, từ nhỏ bị đối xử tệ bạc, học hành dốt nát, có người bị tàn tật và không chơi thể thao được. Nhưng họ đã cố gắng vận dụng khả năng dư thừa của mình để cho ra một cái bánh xứng đáng, khiến tôi phải cúi đầu khâm phục. Bạn có bao giờ gặp những người như thế chưa?
Vài người bạn khác, họ có trong tay những nguyên liệu hảo hạng của cuộc đời: Sinh ra trong gia đình giàu sang được cha mẹ cưng chiều, học hành giỏi, đẹp trai, tài ba, nổi tiếng. Đó là nhờ phước báo họ đã làm từ kiếp trước.
Nhưng rồi họ đã phung phí tuổi trẻ trong rượu chè, cờ bạc, hút sách. Bạn có biết những người như vậy không?
_______________
Lạm bàn:
Luật nhân quả là một dòng chảy của những nguyên nhân – kết quả gối đầu nhau, hiện tại vừa là kết quả của quá khứ, vừa là nguyên nhân của tương lai. Chúng ta dù có quá khứ tệ như thế nào, thì đó mới chỉ là phân nửa. Và phân nửa kia là cách chúng ta làm gì với những nguyên liệu sẵn có trong cuộc đời, đó mới là phần quan trọng nhất.
Trong kinh Phật cũng có nói về bốn hạng người.
1) Từ bóng tối đi vào bóng tối: Sinh ra từ nơi nghèo khó và tiếp tục tạo nghiệp xấu.
2) Từ bóng tốt đi vào ánh sáng: Sinh ra từ nghèo khó và phấn đấu làm lành thoát khổ
3) Từ ánh sáng đi vào bóng tối: Sinh ra nơi giàu sang và ăn chơi, trụy lạc tạo nghiệp, để rồi xuống dốc.
4) Từ ánh sáng đi vào ánh sáng: Sinh ra từ nơi giàu sang và tiếp tục làm lành, càng ngày phước báo càng nhiều.
Nói cách khác, luật Nhân Quả không có nghĩa là mọi sự đều là kết quả của đời trước, mà chỉ có 50% của đời trước và 50% của đời hiện tại. Chính nhờ 50% của đời hiện tại, nên chúng ta có cơ hội để chuyển nghiệp với các phương pháp sám hối, tạo nhiều việc thiện, tích công đức. Vì thế luật nhân quả không phải là định mệnh an bài, ráng ngồi chịu trận trả nghiệp.