Tran Anh Tuan :
– Quang Tử, cho ngộ hỏi câu : làm sao mọi sở cầu sở nguyện của người tu thành tựu đầy đủ không mảy may thiếu sót ?
https://youtu.be/l9ahp66MDpY?t=18s
Quang Tử :
– Bạn thân mến, MỌI ĐIỀU NGUYỆN của người tu ĐỀU SẼ THÀNH TỰU đầy đủ không mảy may thiếu sót, vì đấy là quy luật của Nhân quả rồi, đã phát nguyện là sẽ thành, chỉ trừ trường hợp sinh tâm hối hận, thì nguyện sẽ bị phá vỡ, còn lại cứ theo thời gian nhiều kiếp, mọi nguyện đã phát đều sẽ thành tựu, dù ta nhớ hay không có nhớ gì.
Theo Nhân quả, lời nguyện chính là Ý NGHIỆP, và Ý NGHIỆP sẽ sinh ra khẩu nghiệp và thân nghiệp đúng như ý đã khởi. Nếu ta khởi những ý nguyện nằm trong tầm tay, hiện tại dễ dàng thực hiện, thì những nguyện đó rất nhanh thành tựu. Ví dụ như khi ta thấy những chúng sinh bị giết hại dã man, ta nguyện sẽ cứu mạng chúng, thì thời gian không bao lâu, hoàn cảnh sắp xếp ta sẽ có thể thực hiện được việc phóng sinh.
Nếu lời nguyện to lớn hơn, hiện tại không đủ điều kiện để làm, thì Nhân quả sẽ linh hoạt dẫn dắt ta từng bước đáp ứng đủ các điều kiện, hội tụ đủ các nhân duyên cần thiết cho đến khi có thể thực hiện đúng như ý nguyện đã khởi.
Ví dụ như một người nguyện sẽ xây một cây cầu bắc qua sông cho mọi người qua lại dễ dàng, không bị nguy hiểm. Trong hiện tại anh ta cái gì cũng không có : tiền không, trình độ không, sức khỏe không … cho đến khả năng vận động cũng không có, cái có duy nhất là điều nguyện.
Ai cũng thấy ngay là cả đời anh ta cũng không bao giờ làm được. Nhưng không sao, vì ý nghiệp đã tạo, nguyện đã phát, kiếp sau Nhân quả theo đó sẽ dẫn dắt anh ta từng bước làm phước từng chút, từng chút một, khi giúp người này, lúc cứu người kia.
Khi phước đã tăng lên, anh ta sẽ dần có những điều kiện cần thiết để xây cầu, như gia cảnh khá giả, tốt nghiệp thành kĩ sư cầu đường, uy danh tốt, nhiều người tín nhiệm, có khả năng vận động nhiều người, thậm chí được làm những chức vụ có quyền hạn ra quyết định xây cầu.v.v….
Quá trình tích lũy phước này có thể mất đến nhiều kiếp, thậm chí vài chục kiếp, song song với đó, anh ta dù qua nhiều kiếp, không nhớ gì đến điều nguyện xưa, nhưng trong tâm luôn khởi lên ý muốn xây cầu, ham mê ngành cầu đường, thậm chí nhiều lần phát lại điều nguyện xây cầu cho dân, và thường thì điều nguyện sau sẽ chi tiết, tỉ mỉ hơn điều nguyện kiếp trước.
Cho đến khi mọi nhân duyên đã hội tụ đủ, sau nhiều kiếp tích lũy công đức anh ta đã có tiền dư giả, đã có trình độ để xây một cây cầu đúng kĩ thuật, đã trực tiếp hoặc gián tiếp có được quyết định xây cầu của chính quyền, đã huy động được nguồn nhân sự mọi mặt, mọi người đều đồng chí đồng lòng… và thế là, cây cầu được xây dựng nên, đúng như ý nguyện kiếp xưa của một người chẳng có gì cả ngoài điều nguyện.
Đó chính là đường đi Nhân quả của điều NGUYỆN.
Vấn đề là từ khi khởi nguyện đến khi thành tựu có thể sẽ trải qua rất nhiều kiếp, Nguyện càng to lớn thì càng lâu thành tựu, như Nguyện thành Phật, độ tất cả chúng sinh thì sẽ trải qua số kiếp nhiều như số cát của vô lượng sông Hằng tích lũy công đức vô cùng khủng khiếp, tu tập vô số pháp môn, gieo duyên với vô số chúng sinh…, còn những nguyện nho nhỏ thì sẽ nhanh hơn, một vài kiếp, hoặc vài chục kiếp thôi.
Trong khoảng nhiều kiếp đó, có thể sẽ có những lúc lui sụt, nhưng qua giai đoạn ấy lại phát khởi trở lại, dần dần tăng tiến cho đến khi viên mãn như ban đầu đã nguyện mới thôi. Đó là một điều vi diệu của luật Nhân quả, chúng ta cần nhớ kĩ để ứng dụng trong việc tu hành.
Nếu muốn cho điều đã nguyện thành tựu nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, chúng ta nên làm nhiều công đức khác nhau, hồi hướng cho điều nguyện ấy mau thành tựu.
Giống như trong kinh Bi Hoa, các vị vương tử, quan lại, bà la môn, thiên long bát bộ.v.v… phát nguyện cầu thành Phật, thì chỉ cần lời nguyện đó, đến nay sau vô lượng kiếp luân hồi, mỗi người một con đường, tu hành khi tăng khi giảm, xong đến giờ các Ngài đều đã thành những vị Đại Bồ Tát, được Đức Phật thọ kí sẽ thành Phật.
Riêng những vị đem công đức cúng dường Phật và Tăng đoàn, hồi hướng cho điều mình nguyện, thì thành tựu nhanh hơn, đó chính là hai vị đã thành Chánh Đẳng Chánh Giác là Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, và các vị đã thành Đẳng Giác Bồ tát, Nhất Trú Bổ Xứ Bồ Tát, Đại Bồ Tát uy danh khắp pháp giới như Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, 1000 vị Phật trong Hiền kiếp .v.v…
Ngoài ra, sau nhiều lần đầu thai chuyển kiếp, dù người phát nguyện có nhớ hay không, thì họ cũng sẽ phát lại những nguyện đã phát, và bổ sung cho điều nguyện hoàn chỉnh hơn, viên mãn hơn.
Như tiền thân của Đức Phật A Di Đà, ở kiếp xa xưa trước Đức Phật Bảo Tạng, Ngài đã phát nguyện khi thành Phật sẽ lập nên cõi Cực Lạc, tiếp độ chúng sinh về cõi của Ngài giáo hóa (được ghi lại trong kinh Bi Hoa) Nhiều kiếp sau, Ngài tiếp tục tu hành, đến khi được gặp Phật Thế Gian Tự Tại Vương, ngài từ bỏ ngôi vua xuất gia, và trước Đức Phật Thế Gian Tự Tại Vương, ngài lại phát nguyện, cũng chính là những nguyện kiếp xưa đã nguyện trước Bảo Tạng Như Lai, xong đã phát triển hoàn chỉnh hơn nhiều, chính là 48 lời nguyện được ghi trong kinh Vô Lượng Thọ. Và đến nay, thì mọi điều nguyện của Ngài đã thành hiện thực, Ngài chính là Đức Phật A Di Đà với cõi Cực Lạc Tây Phương mà ai cũng biết.
Như trên ta thấy, PHÁT NGUYỆN là một pháp môn cực kì quan trọng, vì phát nguyện không quá khó, nhưng có thể sinh ra đầy đủ tất cả những pháp môn khác, kiên định kiếp này qua kiếp khác cho đến khi viên mãn. Chư Phật, chư Bồ Tát vì muốn nhấn mạnh điều này, nên trong rất nhiều kinh điển khác nhau, Đức Phật luôn gắn liền sự thành tựu của các vị Phật, vị Đại Bồ Tát với những điều NGUYỆN từ kiếp xưa ( ở khoảng giữa các vị ấy tu hành như thế nào thường lược bỏ, hoặc chỉ nói sơ qua)
Như kinh Địa Tạng, trong những kiếp xưa làm vua, làm nữ Bà La Môn, làm Quang Mục nhờ phát nguyện “Từ nay cho đến tận kiếp ở vị lai, con nguyện sẽ vì những chúng sanh tội khổ mà rộng thiết lập phương tiện để khiến họ đều được giải thoát.”.v.v… mà giờ Ngài đã thành Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Kinh Vô Lượng Thọ, tỳ Kheo Pháp Tạng phát 48 đại nguyện và nay Ngài thành Phật A Di Đà.
Kinh Dược Sư, Đức Phật cũng miêu tả ở kiếp xưa, tiền thân của Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật đã phát 12 đại nguyện, và nay thì Ngài đã thành Phật ở cõi Lưu Ly.
Kinh Quán Thế Âm Thọ Ký, kiếp xưa có hai vị đồng tử phát nguyện thành Phật trước Kim Quang Sư Tử Du Hí Như Lai, nay hai vị ấy đã thành Quán Thế Âm Bồ Tát, và Đại Thế Chí Bồ Tát, tương lai sẽ thành Phật hiệu là Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, và Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai.
Kinh Bi Hoa, trước Đức Phật Bảo Tạng, hàng vạn người và chúng sinh đồng thời phát nguyện, mỗi vị có lời nguyện khác nhau, xong đều giống nhau ở 2 điểm, đó là TRÊN CẦU THÀNH PHẬT, DƯỚI CẦU CỨU ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SINH, và nay các vị ấy đều đã thành Phật, thành Đại Bồ Tát, chính là Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật A Di Đà, , và các vị Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, 1000 vị Phật trong Hiền kiếp .v.v…
Trong kinh Hoa Nghiêm, là bộ kinh siêu việt của hàng Bồ Tát, ở phần cuối kinh, cũng là tổng nhiếp của cả bộ kinh, lại là dạy về pháp môn phát nguyện, chính là 10 nguyện Phổ Hiền.
Như vậy, chúng ta bất luận là đang ở trình độ căn cơ nào, tu theo hướng nào, cũng đều cần chú trọng việc phát nguyện, nhất là Bồ Đề Nguyện : TRÊN CẦU THÀNH PHẬT, DƯỚI CẦU CỨU ĐỘ TẤT CẢ CHÚNG SINH. Đó sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho mọi sự tu hành của chúng ta kiếp này và vô lượng kiếp sau, cho đến khi viên mãn thành Phật Quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
______________________
*Lưu ý : Đây là những chia sẻ kinh nghiệm – quan điểm cá nhân của Quang Tử trong quá trình nghiên cứu kinh điển của Đức Phật, không đại diện cho tông môn nào.
Các bạn có thể xem đây là một lời khuyên chân thành từ một đồng đạo. Nếu có gì thiếu sót, Quang Tử mong nhận được sự đóng góp của các bậc thiện tri thức mọi nơi.
Xin chân thành cảm tạ !