PHÓNG SINH KHÔNG CẦN TIỀN

0
47

Lời thách thức “phóng sinh không cần tiền”

– 50 nghìn một lồng! Phóng sinh đê, tích phước đức đê cô bác ơi.
– 40 được không vậy bà?
– Kì kèo thế mất linh đấy bác ơi.

Tiếng rao, tiếng trả giá nhộn nhịp một góc cổng chùa. Người mua kẻ bán vội vàng như thể đang tham gia một cuộc đua cầu phúc. Sân chùa khói nhang nghi ngút, dòng người lũ lượt ra vào.

Giữa dòng người tấp nập ấy, Thy đứng cạnh Vân, chị gái cô, lặng lẽ quan sát. Đôi mắt đen láy của cô nhìn thấy một điều khác biệt. Lồng chim xếp chật kín, bầy chim hoảng hốt, mắt đờ đẫn vì mệt.

“Thả chúng đi, rồi sao nữa?”-  Thy nghĩ- “Có khi chỉ mấy phút sau, những đôi cánh yếu ớt kia lại bị vùi vào cái lưới bẫy chực chờ, như diễn một màn kịch mua đi bán lại.”

Vân khẽ nói:

– Chị còn ít tiền. Đi qua đó mua lồng chim phóng sinh đi.

Không chờ Thy kịp ý kiến gì, Vân bước nhanh qua, rút tiền định đưa bà bán chim lấy một lồng. Thy vội chạy theo kéo lại:

– Phóng sinh kiểu này, em thấy sao sao ấy chị. Đám chim sẻ kia vốn tự do, đâu ai thèm bắt ăn thịt đâu. Chính vì chúng ta mua nên người ta mới bắt. Càng mua, họ càng bắt nhiều. Vậy thì khác gì mình tiếp tay?
– Này này cháu gái kia, cháu nói thế là sao? Xưa nay phóng sinh người ta vẫn làm thế này, có làm sao đâu. Không làm cách này thì còn cách nào, hả?

– Cháu thấy không hợp lý thì nói vậy. Sẽ còn những cách khác hợp lý hơn…
– Được. Khẩu khí đấy – bà bán chim ánh mắt vằn lên, gằn giọng – Vậy có ngon thì cứ nghĩ ra cách gì khác ngoài bỏ tiền mua mấy con này đi. Làm được thì tôi cho không cô cả đám chim này, nghỉ bán luôn.

– Các cô bác ở đây làm chứng cho cháu nhé – Thy nói lớn với những người bán hàng rong quanh đấy – Cháu sẽ trở lại.

Bà bán chim đứng hẳn dậy, hai tay chống nạnh, ánh mắt hình viên đạn như muốn găm vào Thy.

– Ờ, để tôi chống mắt xem. Ranh con bày đặt dạy đời người lớn hả ?

Vân thấy tình hình có vẻ căng, liền kéo tay Thy nhanh chân đi qua chỗ khác. Còn Thy bị chửi thì tức anh ách. Cô quyết định phải chứng minh cho bà ta thấy.

Tư duy phân tích – Analytical Thinking

Tối hôm ấy, sau bữa cơm, Thy thấy bố cô đang ra sân hóng gió, miệng phì phèo điếu thuốc một cách sảng khoái.

– Bố, bố tư vấn cho con vụ này với.

Rồi Thy kể lại chuyện hồi chiều. Bố cô nghe xong, ngẫm nghĩ một lát.

– Bố sẽ chỉ cho con cách này. Có một loại phương pháp tư duy, gọi là “Tư duy phân tích” – Analytical Thinking – Con hãy chia vấn đề thành nhiều thành tố, xem các thành tố quan hệ với nhau như thế nào, từ đó hiểu được bản chất, và cũng nghĩ ra được nhiều cách giải quyết vấn đề mới mẻ và hiệu quả.
Thấy con gái vẻ mặt mơ màng, ông lấy một ví dụ:

– Thế này, con có biết một ngọn lửa được hình thành từ những gì không?

– Dạ, trong môn vật lý con được học tháng trước, thì cần có nhiên liệu, tức là vật có thể cháy, như gỗ, than, xăng dầu…, đồng thời cần lượng oxi cung cấp liên tục, và thêm nữa, là nhiệt độ – cần một nguồn nhiệt làm mồi lửa lúc đầu, rồi sau đó đám cháy sẽ tự duy trì nhiệt độ thêm.

– Đúng thế. Phân tách một đám cháy ra 3 yếu tố cấu thành như vậy. Con sẽ hiểu bản chất của một ngọn lửa bất kỳ là một tập hợp gồm 3 thứ. Từ đó con sẽ có nhiều cách để tạo ra lửa, cũng như nhiều cách để dập lửa.

– Con hiểu rồi. Chẳng hạn muốn dập tắt lửa, ta có nhiều cách, miễn là làm cho một trong ba yếu tố bị mất đi. Cắt nguồn nhiên liệu, hạ nhiệt độ, ngăn oxi tiếp xúc… cách nào cũng dập lửa được.

– Nắm bài rồi đấy. Giờ thì đi xử lý “đám cháy” của con đi.

Thy về phòng, thả người lên giường, rồi vắt tay lên trán:

– Phóng sinh là gì ? Là cứu chúng sinh thoát chết. Gì nữa không nhỉ ? À, được tự do nữa. Chúng sinh gồm những gì ? Ồ, bất kể là con gì, cua, cá, tôm, ốc, chó, mèo, côn trùng, bò sát, kể cả là con người. Miễn là tìm ra những con đang gặp nguy khốn. Vậy, bản chất của phóng sinh, là làm cho bất kể con vật gì được tự do, an toàn.

Và Thy nhận ra, mình dù là học sinh, không có tiền vẫn có thể làm nhiều việc thiện. Chỉ cần mở to mắt, chú ý quan sát xung quanh. Lục lọi trí nhớ hồi lâu, cuối cùng Thy cũng nhớ ra một chỗ. Mắt cô sáng lên đầy phấn khích.

Hành động

Chiều hôm sau, trên con đường quê nhỏ dẫn ra quốc lộ, Thy bước chậm rãi, đôi dép cũ kĩ kêu lép nhép trên nền đường đọng nước, đôi mắt đảo qua đảo lại tìm kiếm.

Mấy hôm trước liên tiếp có mưa to, mà hễ cứ mỗi lần mưa to, nước dâng ngập đường là cá sẽ tung tăng bơi từ dưới ao lên từng bầy ở khúc đường này. Có khi mấy bác hàng xóm còn đem rổ đem vợt ra bắt được cả mớ. Đến khi nước rút, kiểu nào cũng có mấy chú cá bị mắc cạn, rồi chết khô ở đây.

Tìm một lúc, quả nhiên Thy phát hiện mấy chú cá nhỏ đang ngoi ngóp, một chú còn cố bật tanh tách lên cao như muốn tìm đường thoát. Còn lại cả đám gần như kiệt sức, nằm phơi bụng khi nước chỉ còn xâm xấp.

– Thấy tụi bay rồi nha. Gặp được chị đây là phước ba đời của nhà tụi bay đấy. Về nhà nhớ thắp nhang vái tạ tổ tiên phù hộ cho tụi bay gặp được chị nha.

Thy cúi xuống, đôi tay thoăn thoắt bắt lấy từng chú cá thả vào xô nước cô đem theo, vừa lẩm bẩm mấy câu tự sướng. Mấy chú cá thấy tay người, sợ hãi quẫy mạnh, bật tung người lên. Phải dùng hai tay vồ thật nhanh, Thy mới bắt được. Lóng ngóng một hồi lâu, cô bé cũng tóm được mấy chục con. Nắng chiều chiếu xiên qua mái tóc, soi rõ từng hạt mồ hôi lấm tấm trên trán Thy.

Phóng sinh không phải lúc nào cũng cần tiền
Phóng sinh không phải lúc nào cũng cần tiền

– Cứ bình tĩnh, sắp được tung tăng bơi rồi – Cô bé nói, nụ cười bừng sáng trên môi – À quên, phải có bằng chứng nữa nhỉ ?

Thy móc điện thoại ra, nhấn quay phim, rồi cô bước nhanh đến bờ ao gần đó, thả cá vào làn nước trong. Biết mình vừa thoát chết, từ nay lại được tung tăng bơi lội, cả đám quẫy nhẹ một cách sung sướng, rồi từ từ tản đi.

Đang lâng lâng khoan khoái, chợt Thy nhớ ra một việc. Mối lúc đi học buổi sáng sớm, Thy thấy có rất nhiều ốc sên lồm cồm đầy trên đường, chúng bò ra đấy kiếm ăn từ đêm hôm trước. Đến tầm 6-7 giờ, hàng trăm chiếc xe của những người đi làm, đi học chạy qua chạy lại sẽ cán chúng nát bét không thương tiếc.

Ngay sáng hôm sau, Thy dậy sớm hơn mọi khi. Cô bé vừa bước đi, vừa nhìn xuống mặt đường. Chẳng khó khăn gì Thy đã thấy hàng chục ốc sên to nhỏ đang nặng nề lê cái vỏ cồng kềnh bò tới, bò lui.

– Dốt lắm mấy ông sên này, bò giữa đường giữa xá thế này là chỉ có mà tan xác.
Vừa nói Thy vừa nhanh chân bước qua bên này, nhảy qua bên kia, nhặt từng chú ốc sên cho vào túi. Đầy túi rồi, Thy chạy ra bãi cỏ hoang cách đó không xa thả, rồi nhanh chóng quay lại con đường. Lặp đi lặp lại như vậy mấy lần.

Từ xa, Vân thấy Thy cứ lọ mọ mãi, gọi với:

– Thy, em làm gì giữa đường đấy?

– Em đang phóng sinh. Chị ra đây phụ với em đi – đợi Vân lại gần, Thy nói tiếp –  Xe cán qua là bọn ốc sên này tan xác hết. Bốc chúng bỏ vào đám cỏ là chúng sẽ “ô kê con dê” ngay.

– Lại còn có kiểu phóng sinh thế này à? Ai chỉ em thế ?

– Em tự nghĩ ra đấy, dựa theo cách tư duy phân tích mà bố dạy.

– Uhm, được đấy. Trông mặt em “đần đần” mà cũng thông minh phết, xứng đáng làm em gái tui.

– Sao chị dám bảo em đần hả ? – Thy nghiến răng.

– Đùa tí làm gì căng. Thôi nhặt ốc tiếp đi, cũng cứu được mấy chục mạng chứ không ít. Để chị lấy điện thoại quay phim. Còn phải ra chùa chìa cho bà bán chim xem. Quả này chị em mình được thêm mấy cái lồng chim to đùng luôn rồi. Nhờ công em cả đấy. Chị thưởng cho ly chè Thái, được chưa ?

Được chị khen, Thy cứ thế cười toe toét, đến nỗi mãi không ngậm miệng lại được. Lòng cô bé hân hoan, như thể vừa đi giải cứu thế giới thành công. Nhìn về phía bãi cỏ hoang, nơi đám ốc sên đã an toàn, lần đầu tiên, Thy cảm nhận được lòng từ bi bộc phát trong tâm mình, khiến cô hạnh phúc như thế nào. Thy khẽ thì thầm:

“Giá như, thế gian này ai cũng tận hưởng được niềm vui như thế”

_Quang Tử_


  • Mỗi bài viết là một ngọn đèn nhỏ, mong soi sáng phần nào trên hành trình tu học của bạn. Để những ngọn đèn ấy không ngừng cháy sáng, lan tỏa ánh sáng Phật Pháp đến khắp mọi nơi là tâm nguyện của chúng tôi, nhưng để hành trình này được bền bỉ, chúng tôi rất cần sự chung tay của bạn.
    Nếu nhận thấy những bài viết này mang lại lợi ích cho bạn, cũng như nhiều người khác, xin hãy đồng hành cùng chúng tôi bằng cách ủng hộ kinh phí để duy trì hoạt động hoằng pháp.
    Mọi đóng góp xin gửi về STK Vietcombank: 0081001314166(Dinh Bao Trung)
    Dù nhỏ bé hay lớn lao, sự sẻ chia của bạn đều là động lực quý giá để chúng tôi tiếp tục hành trình ý nghĩa này. Chân thành tri ân!

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận