Chấp niệm tối tăm
“Huỳnh Văn Lương – tên tôi đó, có điều ba mươi sáu năm qua, chẳng mấy ai còn nhắc đến. Tôi mất vào năm 1975, kết thúc một đời lính đầy máu và lửa. Đời người, cái kết thường là một ngôi mộ, vài nén nhang và những giọt nước mắt hiếm hoi. Nhưng tôi, ngay cả mộ cũng không có. Thân xác nằm đâu đó, trôi dạt trong cát bụi. Chỉ còn linh hồn tôi, lang thang giữa hai cõi.
Năm đầu tiên sau khi mất, tôi thấy quanh mình một nền trời tối tăm, đen đen đỏ đỏ, mờ mờ mịt mịt, đói khát và lạnh lẽo. Đấy là vì nghiệp chướng của tôi tích suốt một đời, cũng là vì trong lòng tôi còn chất chứa đầy lửa hận. Bao năm cầm súng quyết tử với nhau nơi sa trường, dù chưa từng gặp, chưa biết mặt bao giờ. Cái tâm thức đầy hận thù ấy đeo bám tôi cho đến qua bên kia thế giới, khổ sở vô cùng.
Tôi thường lảng vảng quanh nhà, cố gắng làm cho ai đó nhận ra. Nhưng người sống bận rộn lắm. Mọi người cứ lao vào đời, còn tôi thì dần trở thành ký ức xa xăm, mờ nhạt. Ngày giỗ tôi, họ dâng mâm cơm lên bàn thờ. Nhưng vì nhầm ngày mất, tôi chẳng ăn được. Đói triền miên, tôi chỉ biết nhìn và thở dài.
Ánh sáng cứu rỗi
Phải đến mấy chục năm sau, một tia sáng mới bắt đầu le lói nơi cuối con đường tối tăm của tôi. Một người mợ dâu trong gia đình, vốn là Phật tử thuần thành, tình cờ gọi tôi về khi mời cơm.
Từ đó, tôi theo cô ấy về quê ở Rạch Kiến. Ở đó còn có hai cô em gái tôi, mỗi tối hai cô tụng kinh, trì chú Đại Bi, âm thanh kỳ diệu ấy vang lên như tiếng suối róc rách rửa sạch thân tâm tôi, và tôi dần dần thấy vạn vật sáng tỏ, không còn tối tăm nữa, không còn khổ sở nữa.
Những năm tháng lầm lỡ hiện về, rõ mồn một. Toàn tiếng súng và máu lửa, khi còn sống tôi cho đó là lý tưởng, làm trai phải như thế. Nhưng giờ nhìn lại, nó như tảng đá đè nặng trên vai, tự mình làm khổ mình.
Một thời gian dài nghe kinh nghe chú, thấm thía dần, tôi thấy mình bắt đầu có thể buông xuống. Buông được tới đâu, thân tâm tôi nhẹ tới đó. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là thanh thản. Cuối cùng, tôi quyết định phải làm gì đó để có thể siêu thoát, không chỉ cho bản thân tôi, mà còn cho nhiều linh hồn lầm lạc như tôi nữa.
Một hôm, trong buổi kinh tối, tôi nhập vào một người trong họ. Thật sự khó khăn lắm mới tìm được một người phù hợp có thể nhập vào. Lời đầu tiên tôi thốt ra không phải là oán trách, mà là một lời khẩn cầu: “Xin cho tôi được quy y Tam bảo.”
Cả gia đình sững sờ. Một hồn ma, đã lang thang ba mươi sáu năm, giờ trở về xin quy y Phật. Cháu tôi hỏi:
– Ông ơi, xác ông ở đâu để chúng con đưa về lập mộ?
Tôi chỉ cười nhạt:
– Xác ông giờ là cát bụi. Đừng tìm nữa. Thứ ông cần không phải một ngôi mộ, mà là một con đường. Một con đường để ông được siêu thoát.
Buông bỏ để siêu thoát
Gia đình lập tức tìm đến thầy Thích Giác Hạnh. Vốn có duyên từ kiếp trước, thầy đồng ý làm lễ quy y cho tôi. Nhưng quy y chỉ là khởi đầu. Tôi cầu xin thầy và mọi người thêm một điều: tổ chức một trai đàn cầu siêu, mời vong linh những người lính cả hai bên chiến tuyến.
Mọi người đồng ý. Buổi lễ diễn ra vào một buổi tối tháng 7 với mâm cơm chay thịnh soạn, cùng những tiếng tụng niệm kinh chú ngân vang từ các sư thầy và Phật tử, hòa vào tiếng chuông mõ trang nghiêm. Tôi nhập vào xác người họ hàng, rồi đứng trước bàn thờ Phật. Tôi chắp tay lại, thành tâm mà cất lên từng lời:
– Hôm nay, là tối ngày 27/7 năm Tân Mão 2011, tôi tên Huỳnh Văn Lương – Pháp danh Minh Tâm. Tôi cùng các con tôi xin thỉnh chư vị chiến sĩ hai bên, cùng dân chúng tại đây nghe tôi nói một vài lời.
Tất cả chúng ta đồng là dân nước Việt, do nghiệp sát mà phải đầu thai làm lính hai đầu chiến tuyến. Vốn cũng chẳng hận thù cá nhân gì, chẳng qua ai thờ chủ nấy. Nhưng thời của chúng ta đã chấm dứt rồi, cho nên hãy hạ vũ khí xuống… chúng ta nên cư xử hoà hảo, giải hết oan trái, cùng quy y Phật, bước chung một đường đạo.
Nay tôi đã tỉnh ngộ, biết được con đường sáng cứu khổ của đạo Phật, nên tôi mong các ông và các vong linh ở đây cùng tôi đồng về với Phật…
Được cháu tôi cùng chư bằng hữu có mặt ở đây trợ duyên. Các ông hãy hiển linh thọ nhận mâm cơm chay này, để chư Tăng hồi hướng công đức, đưa chúng ta về thế giới Tây Phương Cực lạc. Chúng ta hãy thức tỉnh giác ngộ Buông xả hết và đồng chắp tay lại như tôi đang làm và niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”
Lúc ấy, tôi nghe thấy tiếng niệm Phật, từng câu vang rền. Không phải của người sống, mà là của những linh hồn đến từ khắp nơi, lính Cộng Hòa có, lính cụ Hồ có, dân thường cũng có. Họ về đây theo lời mời trân trọng, bỏ hết súng đạn, tất cả cùng nhau quỳ xuống, buông xả tất cả, niệm Phật trong thinh lặng.
Trái tim tôi, lần đầu tiên sau ba mươi sáu năm, nhẹ bẫng như cánh chim vừa thoát khỏi lồng. Và tôi thấy mình bay lên trong một luồng ánh sáng kỳ diệu. An lạc quá. Tôi cảm thấy thanh thản, bình yên đến lạ kỳ. Hẳn là tôi sắp được siêu thoát rồi. Tôi bồi hồi nhớ lại một bài kệ mà tôi nghe được từ kinh Phật, giờ đây ngân vang trong đầu tôi, như vọng về từ một cõi xa xưa thăm thẳm:
“Lửa nào dập được lửa
Thù nào diệt được thù
Từ bi diệt hận thù
Là định luật ngàn thu.”
(Vô Danh)
* Truyện ngắn phỏng theo câu chuyện có thật, từ bài phỏng vấn linh hồn ông Huỳnh Văn Lương của phóng viên Hồng Vân, báo Phật Tử Việt Nam: